Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1355863

LÀM SAO ĐỂ ĐÁP ỨNG CÁC NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI?

LÀM SAO ĐỂ ĐÁP ỨNG CÁC NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI?

 

Thánh Marcô kể lại việc Đức Giêsu tiếp đón các Tông đồ lúc họ đi rao giảng về. Thánh Marcô không nói Đức Giêsu đã làm gì lúc họ đi vắng. Tuy nhiên có một chữ có thể soi sáng chúng ta: cả các con nữa, hãy đến mà nghỉ ngơi một chút. Chữ ‘cả các con nữa’ hình như ám chỉ rằng Đức Giêsu đã để ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tĩnh tâm. Ngài muốn đến lượt các Tông đồ cũng được hưởng ân huệ đó. Nhưng lời van xin của đám đông đã cản trở ý định này. Đức Giêsu chiều theo lời van xin này, vì Ngài có trước mắt Ngài một đám đông bơ vơ, lạc lõng và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Giai thoại này gợi ra cho ta hai điều: con người có một nhu cầu học hỏi và họ cần một thứ giáo huấn thấm nhuần chiêm niệm.

1) Ngài động lòng thương đám đông, vì họ như đàn chiên không người chăn và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Đám đông không thiếu người hướng dẫn, nhưng đặc điểm của các người hướng dẫn là sớm muộn gì cũng đưa đám đông đến nỗi thất vọng.

Đám đông tuôn đến cùng Đức Giêsu, cũng đã bị thất vọng trước rồi. Họ cảm thấy nơi Ngài một Đấng đem lại 1 sứ điệp mới, có một sức mạnh và một mệnh lệnh vượt lên trên những gì họ đã nghe cho đến bây giờ. Con người, khi không được dạy bảo cho đứng đắn, giống như đàn vật, sẽ xảy ra những chuyển động khi thì theo hướng này khi thì theo hướng khác. Họ thiếu một hướng chỉ đạo. Giáo hội đã thấy rằng, đặc biệt trong thời đại chúng ta, nhân loại giống như một đàn vật cùng đường. Cho nên Giáo hội đã bắt đầu rao giảng nhiều điều qua công đồng Vaticanô II.

Nhưng các mục tử không giấy ủy nhiệm, thiếu khả năng và ít lo lắng khơi dậy nơi đám đông việc lắng nghe lời Đức Kitô, đã cố tâm làm dậy lên, thường là trong chiều hướng các định kiến mới, những lực lượng phi lý đang hoạt động trong các nhóm nhân loại. Họ lèo lái dư luận và đôi khi lại là chính dư luận bên trong Giáo hội. Những Kitô hữu ưu tú chỉ muốn được Đức Kitô dạy bảo, đã chứng tỏ một lương tri sáng suốt khi nghe theo tiếng nói thuộc quyền Giáo hội và bỏ rơi một số những tiếng nói khác ít nhiều ăn bám hoặc dị đồng.

2) ‘Cả các con nữa, hãy lui vào nơi vắng vẻ’.

Đức Giêsu mời các môn đệ hãy lui vào một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là để lấy lại sức. Sự nghỉ ngơi của vị Tông đồ cũng là để lấy lại nghị lực về mọi phương diện: thể lý, tinh thần, thiêng liêng. Trong giai thoại vừa kể; Đức Kitô và các Tông đồ đã chìu theo lời van xin của đám đông. Điều này cho thấy có những trường hợp mà tình bác ái, tình thương, sự tận tụy đòi hỏi phải hành động mặc dầu đang mệt nhọc. Những dự định của Chúa là lôi kéo các Tông đồ vào nghỉ ngơi vẫn còn. Cái nhịp thông thường của đời sống Tông đồ, chiến sĩ bao gồm cả những thời gian tĩnh tâm, lấy sức, chiêm niệm, ‘hâm nóng lại’. Gương của Đức Kitô và của các Tông đồ minh chứng cho thấy hoạt động chiến sĩ không thể tự mình mang lại lương thực đầy đủ.

Những người hoạt động hữu hiệu trên bình diện thuần túy nhân loại, cũng biết để ra những thời giờ dài ngắn trong yên tĩnh và suy gẫm. Huống hồ là Tông đồ của Đức Kitô, họ phải dành ra những giây phút dài lâu để lấy lại sức mạnh thiêng liêng, nhờ việc sống thân mật với Ngài, riêng biệt trong một nơi vắng vẻ, như Phúc âm nói. Người tông đồ hữu hiệu truyền đạt cho kẻ khác điều mình đã lâu giờ học hỏi nơi Đức Kitô. Và chính là điều này mà con người đòi hỏi.

 

53.Tìm đến với Chúa Giêsu.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Mario Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động; năm 1942, đưa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992,tức là 50 năm. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký, ông viết: “một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: ‘Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi’. Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa trẻ và nói: “Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều có thể cho được’. Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô ta các phép l”.

Anh chị em thân mến,

Những dòng nhật ký trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Đám đông dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu. Họ đến do nhiều động lực khác nhau thúc đẩy: vì tò mò, hiếu kỳ, vì mốn được xem phép lạ, hoặc để được phép lạ, nếu là những bệnh nhân. Nhưng chắc chắn không ít người đến với Chúa Giêsu vì muốn nghe Ngài giảng dạy, vì đói khát chân lý Tin Mừng. Và Chúa Giêsu muốn đáp ứng trước tiên nhu cầu này của họ, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Nhiều lần trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thay đổi một chương trình, bỏ một dự tính, để dừng lại bên một đám tang, bên một bệnh nhân, bên một bờ giếng… Trong câu chuyện hôm nay, Chúa Giêsu đã có thể dành thời giờ thích thú nghe các Tông Đồ báo cáo kết quả chuyến đi truyền giáo. Ngài có thể dẫn các Tông Đồ đi đến một nơi riêng không bị ai quấy rầy, để nghỉ ngơi. Nhưng Ngài đã huỷ bỏ cuộc nghỉ để trước hết đáp ứng cơn đói khát của dân chúng. “Ngài đã giảng dạy họ nhiều điều”.

Thật vậy, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều. Tin Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Đọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thuỷ múa máy cây đũa thần của mình. Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm loé mắt thiên hạ. Phép lạ dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ nhập thể làm người và sống thân phận con người.

Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: “Chúa Giêsu thấy đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Đây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa cũng biết thế nào là đau khổ, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.

Chiêm ngắm một Thiên Chuá như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Cộng Đồng Vatican II trong Hiến Chế “Vui Mừng Và Hy Vọng” đã nói: “Chỉ trong ánh sáng của màu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng t. Con người bởi đâu mà đến? Sẽ đi về đâu? Chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn biết phải sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.

Trong Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống của con người. Con người sống không chỉ loanh quanh lẩn quẩn trong những cái ăn, cái mặc, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí mà thôi. Trên thế giới có lẽ ít người tự tử vì nghèo đói hơn là vì không tìm ra ý nghĩa cuộc đời: Tại sao mình phải sống? Chết rồi sẽ ra sao?... Nói cách khác, cái túng thiếu, quẫn bách, nghèo đói, chưa phải là động lực cuối cùng xô đẩy người ta liều mạng sống cho bằng vì người ta cảm thấy không tìm ra giá trị nào cho cuộc đời của mình: cuộc đời phi lý, vô nghĩa, không đáng sống! Chúa Kitô giảng dạy cho chúng ta biết rõ đích điểm của cuộc đời mình và biết đường đi đến đích. Con người không được Lời Chúa hưỡng dẫn sẽ giống như đàn vật bơ vơ lạc lõng, không biết đời mình sẽ đi về đâu? Họ thiếu một hướng chỉ đạo. Giáo Hội đã nhận thấy điều đó, đặc biệt trong thời đại chúng ta, nhân loại giống như một đàn vật cùng đường, mất hướng. Giáo Hội phải rao giảng Lời Chúa, đem chân lý đến cho loài người, như Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông dân chúng đi theo Ngài: “Ngài đã giảng dạy cho họ nhiều điều”.

Thưa anh chị em, ngày nay, đứng trước hàng tỷ, hàng triệu con người sống nhung nhúc ở những lục địa Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ Châu hoặc trước hoàn cảnh của các Kitô hữu không có chủ chăn, lời Chúa đã thốt ra cách đây gần 2000 năm vẫn là vấn đề thời sự: “Ta chạnh lòng xót thương đám đông dân chúng, vì họ bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt”. Vì thế, Giáo Hội hôm nay nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng, đều có sứ mạng đem Lời Chúa và giúp người khác thực thi Lời Chúa, đó là cách Giáo Hội đóng góp cho con người, cho công cuộc xây dựng thế giới loài người. Lời Chúa không thể nào dung tha những gian dối, bất công, hận thù, chia rẽ, ích kỷ. Lời Chúa đòi người ta phải sống cho sự thật, phải tranh đấu cho công bình, phải mở rộng vòng tay đón nhân anh em, làm cho mọi người được sống hạnh phúc.

Là Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu hôm nay vẫn luôn chăm sóc chúng ta. Ngài tập họp chúng ta xung quanh Ngài để nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bằng Bánh ban sự sống. Hãy tìm đến với Ngài để lãnh nhận nguồn sinh lực mới. Tìm đến với Ngài, chúng ta sẽ tìm gặp anh em cùng với Ngài: không thể tránh né anh em để chỉ tìm một mình Ngài. Tập họp chung quanh Ngài, chúng ta cùng cộng tác với Ngài để chiến đấu với tội ác, ích kỷ, bất công, hận thù, để cho Tin Mừng cứu độ giải thoát loài người.

 

54.Chúa Nhật 16 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lập lễ kính Lòng Thương xót Chúa vào năm 2000, rồi Đức giáo hoàng Fanxicô đã chọn năm 2015 làm năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót, Ngài nói: "Lòng Thương xót Chúa là Sứ điệp cần loan báo hằng ngày". Chúng ta không cần tìm ở đâu xa mà có thể thấy ngay trong Tin Mừng hôm nay: khi Chúa tỏ Lòng Thương xót đối với  các tông đồ và Lòng Thương Xót cho cả dân chúng nữa.

- Các tông đồ:  sau chuyến đi truyền giáo đầu tiên, các ông vui mừng tụ lại bên Chúa để tường trình lên Chúa kết quả rất đáng khích lệ, Chúa lắng nghe các ông rồi Chúa nói: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Qua lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu quan tâm tới sức khỏe của các tông đồ. Các ông cần được tĩnh dưỡng nghỉ ngơi. Làm việc và nghỉ ngơi là hai nhịp của đời sống con người chúng ta. Nghỉ ngơi cho thân xác và cũng là dịp để bồi dưỡng tâm hồn khi các ông được ở bên Chúa. Vì thế Chúa và các môn đệ xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ để thực hiện dự định này.

- Dân chúng: thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới trước các ngài. Tin Mừng kể tiếp: Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu  thấy dân chúng thật đông thì động lòng thương vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ được nghỉ ngơi và chính Chúa cũng cần nghỉ ngơi nữa, nhưng khi thấy dân chúng thật đông: họ đã vất vả đi đường xa tìm tới Chúa nên Chúa Giêsu không có la rầy dân vì làm hỏng chương trình nghỉ ngơi của Chúa và các tông đồ, mà Chúa động lòng thương họ rồi Chúa sẵn sàng bỏ chương trình nghỉ ngơi để  giảng dạy cho họ nhiều điều, và như thánh Luca cho biết là Chúa tiếp đón dân, rao giảng Nước Thiên Chúa cho dân và còn chữa lành bệnh tật cho họ nữa (Lc 9, 11). Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu  biểu lộ trước hết qua ánh mắt, qua cái nhìn của Chúa: Chúa nhìn thấy họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Khi đó dân Do thái có vua quan, có đền thờ, có hàng tư tế, có các kinh sư, luật sĩ nhưng dân vẫn cảm thấy bơ vơ vì những giới  chức này không quan tâm tới họ mà chỉ lợi dụng họ. Chúa Giêsu hơn giới lãnh đạo Do thái là Chúa có tấm lòng, có tình thương và sự quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất của dân hay nói tóm lại là Chúa có Lòng thương xót. Lòng Thương xót là động lực thúc đẩy Chúa Giêsu hi sinh cho dân, như người mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,11) và như vậy các tông đồ cũng học được gương sáng đó ở nơi Chúa nên họ cũng vui lòng bỏ qua chuyện nghỉ ngơi để cùng với Chúa đón tiếp dân.

Trịnh công Sơn trong bài ca "Để gió cuốn đi"có viết: "Sống trong đời sống cần một tấm lòng". Căn bệnh của xã hội ngày nay là sự vô cảm, là thiếu lòng thương xót nhiều khi gặp thấy người bị nạn  như  trường hợp người Samari nhân hậu gặp thấy thì  đã cứu giúp còn tư tế và Lê vi cứ vô tâm bỏ đi.

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam trong thư gởi cho cộng đồng dân Chúa với đề tài: "Thương lắm Sàigòn ơi!' đã kêu gọi lòng thương của mọi người đối với dân Saigon đang phải đối phó với dịch bệnh ngày một gia tăng. Chúng ta hãy hưởng ứng bằng lời cầu nguyện và lòng quảng đại giúp đỡ vật chất nữa. Tuy nhiên hiện tại chúng ta thấy nhiều người có lòng giúp đỡ các gia đình bị đói khổ trong thời gian dịch bệnh bằng những sáng kiến rất đáng trân trọng như làm những cây ATM gạo, như đoàn xe honda tình nguyện đem các bữa ăn tới những địa điểm cần sự giúp đỡ hoặc có những bàn để các gói thực phẩm ghi hàng chữ: ai cần thì lấy ai dư thì cho...

Câu chuyện minh họa: Một nhà dưỡng lão ở Thụy điển được tổ chức khá tốt, có nhà cửa tiện nghi, phong cảnh đẹp, thức ăn  ngon và sự chăm sóc chu đáo của các nhân viên. Có thể nói đây là một nơi lí tưởng cho các người già về hưu. Một bữa kia Mẹ Têrêsa tới thăm, mẹ đi một vòng, thăm hết 40 người già hưu tại đó, Mẹ thấy không có ai mỉm cười và thấy họ cứ nhìn ra ngoài cổng. Mẹ hỏi một chị điều dưỡng, chị này trả lời: Họ nhìn ra ngoài cổng vì họ mong có người nhà đến thăm. Họ nghĩ có lẽ hôm nay con trai, hay con gái, hoặc một người thân nào đó sẽ tới thăm họ nhưng rồi không có ai đến và ngày nào họ cũng mong như vậy. Mẹ Têrêsa kết luận: "Cảm giác bị bỏ rơi là nỗi đau khổ nhất của họ".

Chúng ta noi gương Chúa Giêsu, học nơi Chúa có một tấm lòng như lời Chúa dạy: "Phúc thay ai  xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5, 7) để môi trường chúng ta đang sống dù trong thời gian dịch bệnh cũng có được niềm vui và trở nên đáng sống hơn. Amen.

home Mục lục Lưu trữ