Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1355310

LẮNG NGHE TIẾNG NGƯỜI NÓI

LẮNG NGHE TIẾNG NGƯỜI NÓI (*)  Chú giải của Noel Quesson

Đây là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Sau diễn từ cuối cùng quan trọng trước công chúng trong đó Đức Giêsu loan báo rằng, giữa “thời tai họa”, Người sẽ đến quy tụ toàn thể loài người để hưởng “một mùa hè tươi đẹp” Đức Giêsu đề cập đến cái chết của người và Người bước vào cuộc thương khó: Đó là phần kết và là đỉnh cao của “Tin Mừng” theo Thánh Máccô, mà chúng ta đã đọc suốt năm nay.

Chúa nhật cuối cùng này, chúng ta thay đổi thánh sử. Đây là một trang Tin Mừng của Thánh Gioan, nhưng đúng ra chúng ta vẫn ở trong cùng một mạch văn cũ, là trong cùng một kết luận. Thánh Gioan chỉ đưa ra tước hiệu là Vua trong cuộc thương khó, vừa đau khổ vừa vinh quang. Bỗng nhiên, liên tiếp ông nói về “Vua”, “Vương quyền” (Ga 18,33.36.37.39; 19,3.12.14.15.19.21) nhưng đó là một ông Vua bị đóng đinh mà vương miện của Người là những gai nhọn. Vậy thì rõ ràng là “Vương quyền” của Đức Giêsu ở trên một bình diện hoàn toàn khác với bình diện chính trị.

Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do thái không?

Đức Giêsu bị buộc tội. Người bị ra tòa. Phiên xử này là phiên xử danh tiếng nhất trong mọi thời đại!

Thẩm phán là ông Philatô, lãnh tụ của đạo quân La Mã đang chiếm đóng. Ông là viên toàn quyền của một đế quốc đã từng đô hộ và để dấu ấn trên thế giới. La Mã lúc bấy giờ ngự trị nước Ý, Pháp, Tây Ban ba, Anh và một phần nước Đức, Ao, Nam Tư, Rumani, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Xyri, Libăng, Palextin, Ai Cập, Li bi, Tuynidi, Angiêri, Ma -Rốc. Hoàng đế lúc bấy giờ là Tibêriô, thừa kế của Augustô. Philatô là quan toàn quyền có nhiệm vụ chận đứng những vụ nổi loạn thướng chớm nở trong dân Do Thái. Người ta treo lên thập giá người Dêlôtê ngoài cổng thành. Hàng ngàn người đã bị treo lên thập giá, để áp đặt quyền lực của La Mã.

Bị cáo hôm đó; đối với Philatô là một “ông Giêsu nào đó” Mà cách đây ba năm chỉ là một anh thợ mộc giản dị và âm thầm tại Nagiarét, một thôn làng nhỏ, chính quyền cũng không biết tới họa chăng mới có một đội tuần tiễu đi qua.

Tôi nhìn ngắm hai người đối diện; Philatô và Chúa Giêsu, quan tòa và bị cáo.

Đức Giêsu hỏi lại ông ấy.

Thật là một điều quá đáng? Bị cáo bây giờ lại “hạch hỏi quan tòa”. Có phải vai trò bị đảo ngược không? Táo bạo thật, người bị cáo đáng thương! Người ấy là ai vậy?

Đức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?

Đức Giêsu thật tuyệt vời. Người biết rằng quan tòa này là toàn quyền. Tuy nhiên, Chúa muốn ông có một tương quan cá nhân, cố dẫn ông ra khỏi một cuộc tranh luận pháp lý, để bày tỏ một lập trường của riêng ông, “này, ông Philatô, có phải chính ông nói rằng tôi là Vua không?”. Phần lớn các vấn đề của thế giới kỹ thuật, hệ thống hóa, hành chánh hóa của chúng ta có lẽ đang nằm ở trong thái độ trên đây của Đức Giêsu, một con người đang- cố thoát khỏi mối liên hệ “quan tòa – bị cáo” để bước sang tương quan “người và người”. Chúng ta không ngừng đóng những vai trò” và ưa đeo mặt nạ: Chủ – thợ, y sĩ – bệnh nhân, thông gia – khách hàng, trợ lý xã hội với người được trợ giúp linh mục – con chiên, cha mẹ – con cái, thầy dạy – học trò, Giáo Hội giáo huấn và Giáo Hội thụ huấn. Này Philatô, hãy bỏ mặt nạ ra! Hãy nhìn thẳng vào mặt Ta. Ông hãy nói, ông nghĩ gì về Ta? ông đừng trả lời những bài đã học ở kẻ khác. Chính ông phải có lập trường. Chính ông phải “tuyên xưng Đức tin”.

Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?

Ta cảm thấy quan tòa hơi bực mình. Ông ta có ý tiến công. Ông ta khước từ không muốn bị kêu gọi bước vào lương tâm mình. ông quyết định trở lại với vai trò, với “mặt nạ” của mình. Tôi không phải ngồi đây để nói tôi nghĩ gì mà là để xử vụ án. “Ông đã làm gì?” Đức Giêsu đã cố gặp “một người”. Nhưng Philatô đóng vai trò “một nhân vật” Dù sao thì Philatô cũng đang “thống trị “, chính ông mới có uy quyền. Người thợ ở làng Nagiarét không thể có lý trước mặt César. Ai có thể nói hôm đó rằng, không phải là César, với gót giày của đạo quân bách chiến bách thắng, sẽ trở nên khuôn mẫu cho thế giới mai sau… nhưng lại là anh thợ mộc thấp bé, bị khinh khi. Từ người thợ mộc này sẽ phát sinh một nhân loại mới cho nhiều ngàn năm.

Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này

Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của quan tòa “ông đã làm gì?”. Chính Đức Giêsu không có ý thắng người đối thoại nhưng chỉ hướng cuộc đối thoại theo đề tài mà Người muốn bàn cãi.

Đức Giêsu giải tỏa mọi sự hiểu lầm về tước hiệu “Vua” mà Philatô đang tìm cách điều tra ít nhất có ba cách làm “Vua”.

-Vua theo nghĩa chính trị, theo kiểu La Mã: Người ta thống trị kẻ khác bằng cách nô lệ hóa họ.

-Vua theo nghĩa Thiên sai, theo kiểu mong đợi của dân Do Thái: Một người thuộc dòng dõi Vua Đa-vít chính thức lên ngôi, và chiến thắng kẻ thù của Israel, của Chúa bằng cách đè bẹp chúng.

-Sau hết, Vua theo cách của Đức Giêsu: Một vương quyền huyền bí, không ép buộc ai, không đè bẹp ai “bạn có muốn theo tôi không?” “Các bạn cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Một vương quyền mà lại để “Vua” bị “Giao nộp” cho kẻ thù mà không kháng cự một tổng thống mà không có “vê binh” để bảo vệ mình, không có cận vệ để bao bọc trước đám đông. Một vương quốc không quân đội, không thiết giáp không hỏa tiễn.

(Một lãnh tụ Xô Viết trước kia đã hỏi một cách ngây ngô xem Đức Giáo Hoàng có được bao nhiêu sư đoàn thiết giáp!)

Đức Giêsu luôn hành động như Đấng có “Toàn quyền”: Người đã đuổi quỷ ra khỏi con người, đã đánh bại sự dữ, đã chế ngự biển khơii đang xung động, đã đổi mới cách giảng dạy Luật Do Thái với một uy quyền không ai sánh được. Nhưng trong khi làm như vậy, Người đã không bao giờ cưỡng bức ai.

Chúa là vị Thầy đã để cho chúng ta được hoàn toàn tự do, mà còn tự “Giao nộp” để cho chúng ta tấn công Người. (Tôi suy niệm về từ “Giao nộp” mà chính Chúa đã dùng ở đây). Đức Giêsu là chính dung mạo của Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (2 Cr 4,4). “Kẻ nào thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-11; Cl 1,15). Không ai đã thấy được Thiên Chúa, nhưng Con Một đã mạc khải Người cho chúng ta” (Ga 1,18). Trong nội dung rao giảng của Người được ghi lại trong ba Tin Mừng. Nhất lãm, Đức Giêsu đã không ngừng nói về “Nước Trời”, “Nước của Thiên Chúa”, nhưng đó không phải là một vương quốc như những vương quốc trần thế.

Đó là một vương quốc ẩn dật như một hạt cải nhỏ bé sẽ trở nên một cây lớn, như một nhúm men, người đàn bà trộn vào bột, như hạt lúa mì chết đi trong lòng đất để mang lại bông hạt. Đức Giêsu là “Vua”, vâng, nhưng theo cách của Thiên Chúa. Và rõ ràng Thiên Chúa không phải như chúng ta tưởng tượng Thiên Chúa “trị vì”, Thánh Vịnh đã hát lên như thế (Tv 46,9; 54,20; 58,14; 92,1; 96,1; 98,14; 145,10) và Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha “Xin cho Nước Cha trị đến”. Thiên Chúa không đè bẹp kẻ thù của Người. Thiên Chúa không bắt buộc con Người phải tin nơi Người. Người cho mặt trời mọc lên trên cả người công chính lẫn người bất lương, trên kẻ ác cũng như người lành, trên người vô thần cũng như trên các tín hữu (Mt 5,43-48). Thiên Chúa yêu thương những người không yêu thương mình mà Người yêu cầu chúng ta cũng làm như vậy. Người không phải là “Vua”! Không, tuyệt đối không phải là “Vua”! Người không giống bất cứ một ông Vua nào của trần gian.

Nhưng không! Nước Tôi không thuộc về thế gian này.

Sau khi đã phân biệt rõ ràng vương quyền của Người với tất cả vương quyền khác, bây giờ Đức Giêsu có thể tuyên bố Người là Vua…, bởi vì từ bây giờ trở đi không ai có thể hiểu lầm về ý nghĩa của vương quyền nữa. Vương quyền này không dính líu gì với những quyền lực dưới thế gian này.

Người quả quyết, Vương quyền này từ “nơi khác” đến. Người cảm thấy không cần nói rõ “nơi khác” mà từ đó Người đến. Người ta có thể giết Chúa, nhưng Chúa vẫn thắng, vẫn hiển trị. Cái nghịch lý của “nơi khác” thần thiêng này là Vinh quang của Người không thể bị suy giảm bởi những thử thách hay thất bại trên thế gian. Vương quyền (thần thiêng!) của Người không tránh cho Người phải chết về mặt thể xác. Vinh quang của Người là vinh quang được “nâng lên khỏi mặt đất” trên thập giá, và lên ngự bên phải của Chúa Cha.

Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?

Trên môi miệng của Philatô, đại danh từ “ông” được đặt sau động từ, trong bản văn Hy Lạp rất có ý nghĩa: “Vua ông”.

Sao? ông, người mạo danh, ông, mà người ta sắp xóa bỏ bằng một nét bút. Ông là người; mà tôi, sắp cho tiêu diệt ông, là người tù đáng thương không thể tự vệ được:

Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.

“Đã đến”. Người đã nói “Tôi đã đến”, từ một ‘nơi khác’, đã đến thế gian.

Trong bài đọc 2 được đọc trong Chúa nhật này, chúng ta đã nghe Gioan định nghĩa Đức Giêsu như là “nhân chứng trung thực”. Chữ “Chứng nhân” này dịch từ chữ Hy Lạp “Martyr” do đó có chữ Pháp là “Martyr” có nghĩa tử đạo.

Người đã trả giá cho vương quyền của Người! cho việc làm chứng của Người!

Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi

Vậy thì vương quyền của Chúa Kitô Vua hệ tại điều gì? Đó là quy tụ lại để cùng lắng nghe “một giọng nói” tất cả những ai thuộc về sự thật”. Người “trị vì” nhờ Đức tin mà chúng ta dâng cho Người, nhờ thái độ tín thác mà chúng ta đặt vào Lời của Người, nhờ nếp sống hằng ngày của chúng ta luôn phù hợp với “Tiếng nói của Người. Không ai có thể thoát khỏi “Vương quyền” này.

Là con người, chúng phải chọn lựa thái độ theo hay chống lại “Sự thật”. Làm vinh danh Chúa Kitô Vua, không phải là đốt hương trầm cho Người, không phải là tổ chức những lễ long trọng mừng Người, giống như những danh vọng hư ảo của các Vua Chúa trần gian. Nhưng chính là lắng nghe tiếng nói của Người, và làm sao cho cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và xã hội hoàn toàn phù hợp với “Tiếng nói đó”

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXXIV  THƯỜNG NIÊN B-

LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

VUA DÂN DO THÁI (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Mục đích của Chúa Giê-su khi thành lập Giáo Hội là thiết lập một vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình trên mặt đất. Nhiệm vụ của mỗi Ki-tô hữu phải là nắm men làm dậy lên tình yêu, công lý và hòa bình trong đống bột trần thế. Triều đại Thiên Chúa chỉ có thể trị đến bằng hành động tích cực của mỗi thành viên.

Đn 7: 13-14

Trong Bài Đọc I được trích từ sách Đa-ni-en, nhà thị kiến được tham dự vào lễ phong vương của một nhân vật mầu nhiệm, được gọi “Con Người”, lãnh nhận từ Thiên Chúa vương quyền hoàn vũ.

Kh 1: 5-8

Bài Đọc II là phần mở đầu sách Khải Huyền của thánh Gioan. Đây là một bài thánh thi chúc tụng Đức Ki-tô, “Người là Đấng vinh hiển và toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.

Ga 18: 33-37

Tin Mừng được trích dẫn từ bài Thương Khó theo Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô. Ngài khẳng định mình là Vua, nhưng Nước Ngài không thuộc thế gian này.

BÀI ĐỌC I (Đn 7: 13-14)

Sách Đa-ni-en cốt yếu là một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Mục đích của tác giả là an ủi các tín hữu Do thái đang sống trong cảnh bị bách hại dưới thời vua An-ti-ô-khô Ê-phi-pha-nê (175-164 trước Công Nguyên). Tác giả tiên báo kẻ thù của họ sắp bị tiêu diệt và cuối cùng Thiên Chúa sẽ toàn thắng.

Bố cục:

Ngoài phần phụ chương (ch. 13-14), sách Đa-ni-en gồm có hai phần chính:

– “Phần trình thuật” (ch. 1-6) kể lại tấm gương của thiếu niên Đa-ni-en bị lưu đày ở Ba-by-lon, qua đó, tác giả cho thấy Thiên Chúa phù trợ các tín hữu trung thành với Ngài ngay cả trong những cơn gian nan khốn khó nhất như thế nào.

– “Phần thị kiến” (ch. 7-12), theo thể loại văn chương khải huyền, trình bày những thị kiến liên quan đến lịch sử dân Ít-ra-en. Chính ở phần thứ hai nầy mà chúng ta gặp thấy bản văn nổi tiếng mô tả lễ phong vương của “Con Người”. Đức Giê-su đã đồng hóa mình với nhân vật mầu nhiệm này.

Sứ điệp:

Vị ngôn sứ vừa mới trình bày một trong những thị kiến ban đêm, trong đó ông đã thấy xuất hiện từ biển bốn con quái vật, biểu tượng bốn đế quốc thống trị. Những đế quốc nầy không được nêu tên, xem ra cốt là bốn đế quốc tiếp nối nhau thống trị Ít-ra-en: Ba-by-lon, Ba tư, A-lê-xan-đê đại đế, triều đại của hai dòng họ La-gít và Sê-lơ-sít. Con thú thứ tư gây kinh khiếp nhất, chính là triều đại của dòng họ Sê-lơ-sít là vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê quỷ quyệt, được mô tả bằng những hình tượng huyền hoặc. Bốn đế quốc này đều sụp đổ để nhường chỗ cho Nước Thiên Chúa, được trao ban cho một nhân vật được gọi “Con Người”.

Trong ngôn ngữ Do thái, danh xưng “con người” viết thường là một thành ngữ Do thái được viết tắt từ cụm từ “con cái của loài người” (“son of Man”) để chỉ “một phàm nhân mỏng dòn yếu đuối” (x. Tv 80: 17; Gr 50: 40; 51: 43). Trong sách Ê-dê-ki-en, danh xưng này xuất hiện đến 93 lần mà tiêu biểu nhất là lệnh truyền của Thiên Chúa được ngỏ với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Còn ngươi, hỡi con người, hãy nói…” (Ed 7: 2). Qua danh xưng này, ngôn sứ Ê-dê-ki-en muốn nói rằng ông chỉ là một phàm nhân như bao nhiêu con người khác, nhưng Thiên Chúa toàn năng, Đấng cho ông thoáng thấy vinh quang của Ngài, đã trao ban cho ông lời hằng sống của Ngài để ông chuyển giao cho dân Ngài. Vì thế, có một khoảng cách khôn sánh giữa sứ điệp mà ông truyền đạt và con người của ông.

Tuy nhiên, trong sách Đa-ni-en, thành ngữ “Con Người” được viết hoa là một danh hiệu để chỉ một nhân vật có nguồn gốc thiên giới: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (7: 13). Theo biểu tượng Kinh Thánh, “mây trời” luôn luôn là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Con Người lãnh nhận “quyền thống trị, vinh quang và vương vị”, được Đấng Lão Thành, tức là Thiên Chúa hằng sống, trao ban. Trong khi những vương quyền trần thế lần lượt bị tiêu vong, thì vương quyền của Con Người “chẳng hề suy vong” và bao trùm mọi dân mọi nước cũng như toàn thể vũ trụ.

Vương quyền của Con Người:

Toàn bộ chương 7 nầy cho thấy dung mạo “Con Người” vừa là một cá nhân vừa một tập thể, tương tự như dung mạo “Người Tôi Trung” của I-sai-a đệ nhị. Vả lại, Đức Giê-su đã đồng hóa dung mạo “Người Tôi Trung” và dung mạo “Con Người” vào Ngài. Viễn cảnh vừa cá nhân vừa tập thể này hoàn toàn phù hợp với não trạng Do thái: Con Người là một lãnh tụ điển hình của dân Thiên Chúa, đồng thời cũng là dân Thiên Chúa. Những câu theo sau giải thích rõ điều này: khi con thú thứ tư dứt khoát bị tiêu diệt, Thiên Chúa ban cho dân thánh của Đấng Tối Cao vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả trên mọi dân mọi nước (7: 18, 27).

Trong tất cả sấm ngôn, phải phân biệt “nghĩa hiện thời” và “nghĩa tương lai”. Nghĩa hiện thời mà tác giả sách Đa-ni-en nhắm đến là loan báo cho đồng bào của ông cuộc giải thoát chắc chắn sắp đến được ban cho họ qua các vị tử đạo vinh hiển của họ. Như vậy, về phương diện tập thể, Con Người là dân Chúa chọn được giải thoát và được tôn vinh. Tuy nhiên, những viễn cảnh cánh chung (nghĩa tương lai) không bao giờ vắng bóng trong các sách khải huyền. Đó là quy luật của thể loại văn chương này. Những biến cố được loan báo hiện thời bao gồm rồi bức tranh vĩ đại của thế giới sắp đến. Sách Khải Huyền của thánh Gioan cũng trình bày nghĩa kép như thế: tôn vinh các thánh tử đạo của thời kỳ bách hại cũng là tôn vinh toàn thể dân Chúa chọn, họ sẽ cử hành cuộc chiến thắng sau cùng của Con Chiên vào ngày tận thế.

Tiếp sau sách Đa-ni-en, các sách khải huyền Do thái lấy lại danh hiệu “Con Người” và ban danh hiệu này cho một cá nhân rất rõ nét, khi trao ban tước hiệu này cho một Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi Đa-vít, nhưng các sách này nhấn mạnh tính cách siêu việt và mầu nhiệm của nhân vật này, và tính cách này chỉ được bày tỏ vào thời tận thế.

Khi nhận tước hiệu Con Người về mình, Đức Giê-su đã cá nhân hóa tước hiệu tập thể này vào Ngài. Theo cách thức này, Ngài khẳng định vừa nhân tính vừa thiên tính của Ngài, Ngài thật sự là một con người có nguồn gốc thần linh: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3: 13). Khi Đức Giê-su tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do thái: “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26: 64), rõ ràng Ngài ám chỉ đến nhân vật “Con Người” trong sách Đa-ni-en.

BÀI ĐỌC II (Kh 1: 5-8)

 Sách Khải Huyền thánh Gioan được định vị vào trào lưu văn chương khải huyền Do thái, đặc biệt sách Đa-ni-en. Tác giả sử dụng những từ ngữ và hình ảnh tương tự, nhưng chủ đề thì biến đổi. Những sấm ngôn đã được ứng nghiệm. Đấng Thiên Sai đã đến giữa nhân loại, đã chết và sống lại; Ngài đã vào trong vinh quang của Ngài. Ngay từ đầu đoạn trích nầy, Đức Giê-su được xưng tụng là “Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian”.

Ở những chương đầu tiên, sách Khải Huyền được trình bày như một bức thư được gởi đến cho bảy Hội Thánh miền Tiểu Á. Theo thể loại thư tín của thời đại nầy, thư thông thường bắt đầu với lời chào được gởi đến người nhận, và cũng như trong các thư của thánh Phao-lô, lời chào này được Ki-tô hóa: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki tô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Kh 1: 2). Lời cầu chúc này tập hợp lời chào Hy lạp: “ân sủng”, và lời chào Do thái: “bình an”.

Các danh hiệu của Đức Giê-su Ki-tô:

Danh hiệu đầu tiên của Đức Giê-su Ki-tô được kể ra là “Chứng Nhân trung thành”. Trong thư thứ nhất cũng như trong sách Tin Mừng của mình, thánh ký Gioan nhấn rất mạnh tầm quan trọng của chứng nhân. Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân của Đức Ki-tô; thánh Gioan Tông Đồ cũng là chứng nhân về điều mình đã thấy và đã nghe (x. 1Ga 1: 1-4; Ga 19: 35). Ở đây, danh hiệu “Chứng Nhân trung thành” được áp dụng cho Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su Ki-tô làm chứng về những gì Ngài đã thấy và đã nghe ở trong cung lòng của Chúa Cha.

Những danh hiệu: “Chứng Nhân trung thành”, “Trưởng Tử” và “Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian”, không phải là ngẫu nhiên nhưng rất tương xứng với những danh hiệu của Đấng Mê-si-a (“Đức Ki-tô”) thuộc dòng dõi Đa-vít được mô tả trong Tv 89: 27-28, 38. Với danh hiệu “Trưởng Tử”, thánh Gioan thêm: “trong số những người từ cõi chết chỗi dậy” như thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Cô-lô-sê (Cl 1: 15). Sách Khải Huyền rõ ràng là một bức tranh mô tả vô số những người được tuyển chọn vây quanh Đấng Phục Sinh.

Bài thánh thi:

Đoạn trích này là một “bài thánh thi” mà các nhà chuyên môn gọi “Vinh Tụng Ca” ca ngợi những ân phúc của Đức Giê-su Ki-tô. Bài thánh thi ca ngợi những phẩm chất cao vời của vương quyền Đức Ki-tô: triều đại tình yêu, thời kỳ Đức Vua dâng hiến cho các thần dân của Ngài những thành quả cuộc Tử Nạn và Hy Tế của Ngài và cho họ dự phần vào vương quốc của Ngài. Sau khi đã thánh hiến họ và thanh tẩy họ khỏi vết nhơ tội lỗi, Ngài cho họ trở thành tư tế để tôn vinh Thiên Chúa là Cha của Ngài.

Vị vua nầy sẽ tỏ mình ra vào ngày tận thế: “Kìa Người ngự đến giữa đám mây” như Con Người trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en. “Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người”, ám chỉ đến sấm ngôn của Dcr 12: 10: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu”, nghĩa là Đấng mà người ta long trọng loan báo cuộc Quang Lâm của Ngài là Đấng chịu đóng đinh trên thập giá.

“Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người”, vì đây là giờ xử án, giờ ăn năn sám hối. Như sách Khải Huyền, Tin Mừng Mát-thêu cũng đặt bên cạnh nhau sự ăn năn sám hối và thị kiến vinh quang: “Bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” (Mt 24: 30).

Như sách Đa-ni-en, sách Khải Huyền là một bài thánh ca chứa chan niềm hy vọng vào sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các quyền lực của sự ác. Lời tung hô “A-men!…A-men!…” đem lại cho bài thánh thi tạ ơn nầy sắc thái phụng vụ.

Bài thánh thi kết thúc với lời công bố của Thiên Chúa. Lời công bố này gồm hai phần: phần thứ nhất: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”, và phần thứ hai: “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng”. Phần thứ nhất là một biểu thức lập đi lập lại nhiều lần trong sách Khải Huyền: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga” (chữ đầu và chữ cuối trong mẫu tự Hy ngữ) và âm vang lời Thiên Chúa công bố trong Is 44: 6: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta”. Phần thứ hai được gợi hứng từ lời Đức Chúa công bố cho ông Mô-sê trong sách Xuất Hành: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3: 14), nhưng được thích ứng vào viễn cảnh ngày tận thế nên được thêm vào ở đây: “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng”. Ở Kh 22: 13, lời công bố nầy được quy cho chính Đức Ki tô: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” .

TIN MỪNG (Ga 18: 33-37)

Sau khi sống lại, Đức Giê-su sẽ công bố quyền chủ tể hoàn vũ của Ngài; nhưng trong khi thi hành sứ vụ công khai, Ngài đã không ngừng tránh né danh hiệu nầy vì sợ dân chúng hiểu lầm danh hiệu này theo sắc thái chủ nghĩa dân tộc và chính trị. Còn đối với các môn đệ của Ngài, Ngài chỉ dạy cho họ một mẫu gương phải noi theo, mẫu gương phục vụ như Ngài: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28). Chỉ khi Ngài bị bắt, bị nộp vào tay người đời và bất lực, Ngài mới công bố mình là Vua.

Trong bài Thương Khó, thánh Gioan dành cho hoạt cảnh Chúa Giê-su bị điệu ra trước quan tổng trấn Phi-la-tô một chỗ quan trọng hơn ba sách Tin Mừng Nhất Lãm. Thánh Gioan đặt ở nơi hoạt cảnh này dấu ấn của riêng mình, ý nghĩa sâu xa, pha lẫn với lời châm biếm nhẹ nhàng, sứ điệp ngẫu nhiên được dùng để nâng đỡ sứ điệp vĩnh hằng. Thánh Gioan là nhà thần học về cuộc Thương Khó.

Đức Giê-su bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô:

Bản văn thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và tổng trấn Phi-la-tô đưa chúng ta vào trọng tâm của cuộc tranh luận. Các thượng tế tố cáo Đức Giê-su hai tội: “Ông nầy tự xưng mình là Con Thiên Chúa” và “Ông nầy tự xưng mình là vua”. Lời tố cáo thứ nhất mới thực sự là lời buộc tội, lời tố cáo thứ hai chỉ là cái cớ ngụy tạo cốt đặt vị tổng trấn Rô-ma và kẻ phá rối trị an đối diện với nhau. Vị tổng trấn không dễ bị mắc lừa; ông hiểu quá rõ mánh lới của các thượng tế, vì thế ông cần phải tra hỏi phạm nhân cho ra lẽ: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”.

“Vua dân Do thái”:

Đối với tổng trấn Rô-ma, đây là một câu hỏi then chốt, vả lại đây là câu hỏi duy nhất thuộc thẩm quyền của ông: tội chính trị. Theo phương sách Chúa Giê-su thường dùng, phương sách này cho phép Ngài giữ thế phản công, thay vì trả lời câu hỏi mà quan tổng trấn đặt ra cho Ngài, Chúa Giê-su hỏi ngược lại ông Phi-la-tô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”, nghĩa là, “với tư cách quan tổng trấn, ông có những thông tin chính xác về những tham vọng chính trị của tôi, hay lời buộc tội đến từ các thượng tế mà ông chỉ nghe tin đồn?”. Như vậy, Đức Giê-su đặt tổng trấn Phi-la-tô trước trách nhiệm của ông.

Quan tổng trấn hiểu rõ điều nầy và ông trả lời với thái độ miệt thị các lãnh đạo Do thái: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”. Qua câu trả lời này, ông Phi-la-tô muốn nói rằng chính ông, với tư cách quan tổng trấn, tiến hành cuộc điều tra, chứ không dựa trên những lời đồn đại. Như chúng ta thấy, cuộc tranh luận được tiến hành không phải bởi quan tòa nhưng bởi kẻ bị cáo. Điều này cho thấy Đức Giê-su vẫn làm chủ tình thế, dù người chất vấn Ngài nắm trong tay quyền sinh sát đối với Ngài.

Câu hỏi “Ông đã làm gì?” là lời đáp trả cho câu hỏi vặn lại của Đức Giê-su. Đức Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi sau cùng này: “Ông đã làm gì?”, nhưng câu hỏi đầu tiên: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”; Ngài gợi lên bản chất vương quyền của Ngài: Nước Ngài không thuộc về thế gian này, vì thế, quyền lực Rô-ma chẳng có gì phải bận tâm; và quân đội của Ngài không chiến đấu để bảo vệ Ngài, vì thế, quan tổng trấn chẳng có gì phải lo sợ.

Quan tổng trấn Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ông là vua sao?”, Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Câu trả lời của Đức Giê-su vừa khẳng định nhưng vừa bỏ lửng, nghĩa là: “Đúng như ông nói, nhưng không theo cách ông nghĩ”.

Sự thật:

Đức Giê-su tiếp tục tranh luận khi mô tả bản chất vương quyền của Ngài: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Một lần nữa, Đức Giê-su đặt tổng trấn Phi-la-tô trước trách nhiệm của ông: ông đứng về sự thật hay đồng lõa với sự dối trá. Bấy giờ, quan tổng trấn biết rõ các vị thượng tế bịa đặt lời tố cáo; vì thế ông đứng về phía sự thật. Quả thật, tổng trấn Phi-la-tô sắp công bố đến ba lần Đức Giê-su vô tội trước đám đông (Ga 18: 38; 19: 4, 6). Thánh Lu-ca còn xác định thêm nữa: “Bây giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: ‘Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay khích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23: 13-14). Vì thế ông tìm mọi cách để tha bổng Chúa Giê-su, nhưng ông đành bất lực trước những áp lực từ phía giai cấp lãnh đạo Do thái.

“Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19: 7). Đây mới thật là tội danh dẫn Ngài đến cái chết. Ông Phi-la-tô không đủ can đảm đi cho đến cùng lời chứng của mình, nói lên tiếng lương tâm ngay thẳng của mình. Vấn đề trung thành với sự thật được đặt ra và được đặt ra rất kịch tính.

Sứ điệp vĩnh hằng:

Bên kia sứ điệp bất ngờ của Đức Giê-su với tổng trấn Phi-la-tô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”, thánh ký nghĩ đến tất cả các Ki-tô hữu mà giáo huấn này được gởi đến họ. Đức Giê-su đã đến mặc khải cho con người sự thật đến từ Thiên Chúa; Ngài đã làm chứng sự thật nầy cho đến cả mạng sống mình, Ngài đã đồng hóa mình với sự thật. Tất cả những ai đón nhận, sống và chết cho sự thật này được liên kết với Ngài. Đức Giê-su không nói “Ai sở hữu sự thật”, nhưng “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đức Giê-su đã công bố Xa-tan là cha của sự dối trá, trong khi sự thật là một phần liên kết với Thiên Chúa và mở rộng cánh cửa Nước Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ