Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 65
Tổng truy cập: 1358065
LAO ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN
Thưa anh chị em,
Tin Mừng Marcô vừa trình bày cho chúng ta một ngày sinh hoạt của Chúa Giêsu tại Capharnaum. Có thể nói đây là một ngày làm việc mẫu. Mặc dầu Chúa Giêsu rất bận rộn việc rao giảng Tin mừng, chữa lành bệnh nhân… thế mà Ngài vẫn dành giờ ưu tiên để kết hiệp với Thiên Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện.
Tìm đọc những trang Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời nhất.
Ngài cầu nguyện với thánh Giuse và Đức Mẹ trong thời gian ẩn dật (Lc 2,41-50).
Ngài cầu nguyện khi chịu phép rửa tại sông Giođan (Lc 3,21).
Ngài cầu nguyện suốt đêm trước khi tuyển chọn các tông đồ (Lc 6,12-13).
Ngài cầu nguyện sáng sớm tinh sương, hay chiều tà nơi thanh vắng (Mc 1, 35).
Ngài cầu nguyện trong đêm Tiệc Ly (Ga 17, 1-26).
Ngài cầu nguyện trong vườn Giếtsêmani (Mt 26,36); và khi sắp tắt thở trên Thánh Giá Ngài vẫn cầu nguyện (Lc 23,46).
Chính nhờ đời sống cầu nguyện gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Cha, mà Ngài chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa Cha trao phó.
Chính nhờ cầu nguyện, mà Chúa Giêsu tìm ra thánh ý Chúa Cha. Sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và một nhà hoạt động xã hội chính là đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện để biết điều Chúa Cha muốn và làm theo thánh ý Cha soi dẫn.
Tin mừng hôm nay ghi lại ngay từ sáng sớm tinh sương, Ngài tìm đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Cầu nguyện là sinh hoạt đầu tiên trong ngày của Chúa rồi sau đó mới đi vào đời sống hoạt động.
Khi sống với nhân loại, chẳng những Ngài là hiện thân của Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót, nhưng còn trở nên gương mẫu sống động cho chúng ta. Qua đó, Chúa muốn nói với chúng ta rằng: sự sống đích thực của con người chính là sống gắn bó với Thiên Chúa và lao động là để góp phần xây dựng thế giới này ngày hoàn hảo hơn.
Ở đây chúng ta thấy tấm lòng mục tử của Chúa làm việc không biết mệt mỏi. Ra khỏi hội đường Do thái, công việc tiếp theo là đến thăm bà nhạc mẫu Simon Phêrô. Chính tại đây, Chúa Giêsu không chỉ giúp cho bà khỏi căn bệnh sốt mà còn chữa lành nhiều bệnh nhân khác nữa.
Chiêm ngắm một ngày sống của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng: Chúa yêu thương con người. Sống gần gủi với con người. Ngài đến chẳng những làm gương, mà còn giải thoát con người khỏi bóng đêm tội lỗi, và dẫn đưa con người bước vào đường nẻo bình an.
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa dạy chúng ta: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt 6,33). Có nghĩa là sáng sớm khởi đầu một ngày mới, chúng ta noi gương Chúa lo đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, việc phần hồn trước đã. Bởi vì Chúa khẳng định rõ: “ Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga, 15,5). Đành rằng chúng ta làm được nhiều việc chứ! nhưng làm để có giá trị vĩnh cửu, thì nhờ ơn Chúa giúp, mà để có ơn Chúa, thì nhất nhất phải có đời sống cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trong đời sống lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cho cuộc sống vô nghĩa, chẳng khác nào như cái máy vô hồn; Ngược lại, cầu nguyện mà không lao động khiến con người trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại.
Vậy thì, người kitô hữu không chỉ dành thời giờ cho Chúa khi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ hay kinh nguyện, mà còn phải lao động để kiếm của nuôi thân nữa.
Ngày nay có khi vì đời sống kinh tế khó khăn mà nhiều người tham công tiếc việc, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật. Chính vì không biết dung hòa giữa hồn và xác, cho nên lắm khi đến tham dự Thánh Lễ rất ư là mệt mỏi, chưa kể đến lo ra chia lòng chia trí, khi ít khi nhiều, khi nào cũng có. Xác thì ngồi trong nhà thờ, nhưng lòng trí thì lang thang ở đâu đó.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết sống hài hoà giữa lao động và cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện ta sống gắn bó mật thiết với Chúa và thi hành theo ý Chúa. Đồng thời, nhờ lao động chúng ta góp phần vào công trình sáng tạo của Chúa, để xây dựng cuộc sống ngày mỗi tốt đẹp hơn.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN- Năm B
CHÚA GIÊSU, SỨ GIẢ TÌNH YÊU- Trích Logos B
Một trong những vị Giáo Hoàng có chương trình làm việc trong một ngày rất “sít sao” là Đức Giáo Hoàng Piô XII :
Mỗi sáng, sau giờ nguyện gẫm và thánh lễ, ngài vào phòng dùng điểm tâm. Trong giờ này, ngài tranh thủ đọc tờ báo mới nhất. Đọc qua những vấn đề quan trọng trong tờ báo, ngài nghe tin tức sáng qua Radio.
Điểm tâm xong, Đức Thánh Cha lên phòng và nhân vật được ngài gặp đầu tiên là Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh. Vị này trình bày tất cả vấn đề về đối nội và đối ngoại cho Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha chăm chú lắng nghe và ngắm nhìn các biến cố ấy dưới ánh sáng đức tin, để tìm cách đem Tin Mừng vào lòng thế giới, băng bó các vết thương tâm hồn, hòa giải các chia rẽ hận thù nơi các dân tộc.
Sau đó, ngài tiếp các vị Hồng Y Bộ Trưởng, các Giám Mục, các chính khách và các phái đoàn.
Sau khi dùng cơm trưa, Đức Thánh Cha nghỉ trưa. Suốt buổi chiều, ngài ngồi ở bàn giấy dọn diễn văn, thảo các thông điệp, sắp xếp chương trình làm việc ngày mai.
Trước khi dùng cơm tối, ngài đi lần hạt với các bí thư và Vệ Đoàn. Sau khi dùng cơm tối, ngài về phòng làm việc đến 1g00 sáng. Ngọn đèn ở phòng ngài luôn luôn tắt sau cùng trong thành phố Rôma.
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Marcô cũng miêu tả một ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu, một ngày được lấp kín bằng rất nhiều công việc của một vị sứ giả tình thương. Khởi đầu, Ngài giảng dạy ở Hội đường. Giảng dạy xong, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô để chữa cho bà này khỏi bệnh sốt. Chúa Giêsu tiếp tục chữa bệnh và trừ quỷ từ chiều cho đến tối. Sáng tinh sương hôm sau, Ngài cầu nguyện ở một nơi thanh vắng. Người ta lại tìm đến với Ngài để giữ chân Ngài ở lại, nhưng Ngài cương quyết ra đi vì Ngài còn phải rao giảng Tin Mừng ở những nơi khác nữa. Nhìn vào một ngày sống và làm việc của Chúa, chúng ta thấy : quả thực, Chúa Giêsu chính là một sứ giả tình yêu không biết mệt mỏi. Ngài mang hình ảnh của một người thầy thuốc tuyệt vời, đến để chữa lành thể xác và tâm hồn con người.
Chúa Giêsu, thầy thuốc chữa bệnh thể xác
Đã có lần thánh Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu xem Ngài có phải là “Đấng phải đến” không, Chúa Giêsu đã trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và người nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7, 18-22).
Câu trả lời của Chúa Giêsu đã tóm lược sứ vụ Cứu Độ của Đấng Messia là chính Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đến trần gian, không những để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, mà Ngài còn chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng. Chúa Giêsu như vị thầy thuốc đầy từ tâm, sẵn sàng thuyên chữa mọi kẻ ốm đau tật nguyền. Ngài như vị lương y cao cả đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia : “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17).
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, thánh Marcô đã phác họa hình ảnh tuyệt vời của vị lương y ấy : trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn dành cho những người bệnh hoạn, ốm đau, tật nguyền một vị trí ưu tiên. Sau khi giảng dạy ở Hội Đường, thay vì nghỉ ngơi, Ngài đi đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô để chữa cho bà khỏi cơn sốt.
Cho đến lúc mặt trời lặn, khi biết Chúa Giêsu có mặt ở đó, người ta đưa tất cả các bệnh nhân và người bị quỷ ám đến để Ngài dùng quyền năng chữa lành cho họ. Có lẽ Ngài không từ chối bất cứ một bệnh nhân nào, nhưng sẵn sàng đón nhận tất cả để làm vơi bớt đi những đau khổ nơi thân xác của họ.
Ngày hôm nay, thế giới đang phải đối diện với biết bao bệnh tật khủng khiếp : ung thư, tim mạch, Aids, siêu vi… Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đồng hành với nhân loại, tiếp tục động chạm đến “biển khổ” của nhân loại. Ngài không mong tát cạn, nhưng chỉ làm vơi bớt đi. Có điều đáng nói, Chúa đã giơ bàn tay nhân lành để nắm lấy bàn tay chúng ta như đã nắm lấy tay nhạc mẫu của Simon, nhưng chúng ta có sẵn sàng trao đôi tay chúng ta cho Ngài để Ngài nâng chúng ta trỗi dậy không ?
Chúa Giêsu, thầy thuốc chữa bệnh tâm hồn
Không những Chúa Giêsu là vị lương y đã dùng tình thương và quyền năng để chữa lành bệnh tật nơi thân xác con người, nhưng Ngài còn là người thầy thuốc nhân hậu, đến để chữa lành những tâm hồn sầu khổ, thất vọng. Ngài không những chỉ chạm tay đến những vết thương thể xác, nhưng Ngài còn chạm tay đến cả những nỗi đau tâm hồn. Phương thuốc thần diệu được Chúa dùng để chữa trị bệnh tật tâm hồn là chính Tin Mừng được Ngài gieo vãi vào lòng con người. Vì thế, trong vai trò là một thầy thuốc tâm hồn, Ngài đã dùng lời yêu thương để xoa dịu nỗi thống khổ của con người, đã dùng lời quyền năng để vực dậy những con người sa ngã, dùng lời hằng sống để phục sinh những tâm hồn đang lịm chết. Ngài chính là vị lương y tuyệt diệu của mọi tâm hồn đang chìm ngập trong sự tuyệt vọng và cô đơn.
Sứ mạng của Đấng Thiên Sai chính là đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho những người nghèo khó. Quả thật, trong cuộc đời tại thế, Chúa Giêsu đã miệt mài đi rao giảng Tin Mừng không biết mệt mỏi, ở khắp mọi nơi, ở mọi thời điểm và cho mọi đối tượng khác nhau.
Hôm nay, bài Tin Mừng đã thuật lại : sau khi giảng dạy ở Hội Đường, Chúa Giêsu tiếp tục đem niềm vui đến cho các bệnh nhân qua việc chữa lành bệnh tật của họ. Tin Mừng tiếp tục được gieo vãi nơi những tâm hồn khổ đau, sầu muộn. Tin Mừng được cụ thể hóa qua bàn tay vỗ về an ủi và chữa lành của Chúa Giêsu.
Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúa Giêsu muốn kết hợp với Chúa Cha trong những phút giây thân mật ấy, để Ngài được Chúa Cha đổ đầy thêm tình yêu vào trái tim Ngài, để trái tim ấy tiếp tục tuôn đổ tình yêu cho mọi người.
Các môn đệ tìm gặp Chúa để cho Ngài biết : “mọi người đều đi tìm Thầy”. Trước sự ngưỡng mộ của dân chúng : muốn giữ Ngài ở lại, Chúa Giêsu vẫn cương quyết ra đi để loan báo Tin Mừng cho những nơi khác. Tin Mừng cần được gieo vãi khắp nơi, và còn có biết bao tâm hồn đau khổ đang khao khát được lắng nghe Tin Mừng.
Trong đời sống, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như rơi vào tâm trạng thất vọng và chán chường như tâm trạng của ông Gióp trong bài đọc I : “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụi đi mà không mang lại tia hy vọng nào”. Trong những lúc ấy, chúng ta hãy đến với Chúa và trao vào tay Ngài bàn tay của ta, để Ngài nâng dậy và giúp ta can trường bước đi trên đường đời.
Một trong những căn bệnh gây không ít đau khổ cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là bệnh Parkinson, tức bệnh run rẩy tay chân, một căn bệnh của người già.
Trong thời gian vừa qua, Tòa thánh đang mở hồ sơ để phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng. Ủy ban phong thánh đang nghiên cứu một trường hợp được coi như phép lạ : một nữ tu già (giấu tên) ở Pháp, trước đây bị bệnh Parkinson như Đức Cố Giáo Hoàng, đã cầu nguyện với Đức Cố Giáo Hoàng sau khi ngài qua đời và phép lạ đã xảy ra ! Chị nữ tu này đã khỏi bệnh Parkinson một cách lạ lùng, y khoa không giải thích được. Người ta hy vọng nhờ phép lạ này, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ sớm được phong Chân Phước.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được mệnh danh là vị Giáo Hoàng của tình thương. Phải chăng vì tình thương mà ngài cũng muốn bắt chước Chúa Giêsu mang lấy mọi bệnh tật khổ đau của người khác ? Phải chăng, tình yêu luôn luôn làm nên những phép lạ trong đời thường ?
Chúng ta cũng hãy tiếp tục đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy, gieo vãi hạt giống Tin Mừng cho muôn cõi lòng. Đó chính là con đường ngắn nhất dẫn chúng ta đến hạnh phúc muôn đời.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN- Năm B
CON NGƯỜI TRỞ NÊN VĨ ĐẠI NHỜ CẦU NGUYỆN- Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Pascal là một nhà bác học nổi tiếng và cũng là một nhà triết gia lỗi lạc, ông đã có một câu nói thời danh để đời như sau: “Con người chỉ vĩ đại khi họ cầu nguyện”.
Thật vậy, con người là loài thụ tạo cao quý nhất mà Thiên Chúa dựng nên. Con người có giá trị trổi vượt trên các loài thụ tạo khác. Tuy nhiên, con người chỉ có thể trở nên vĩ đại nhờ có một mối tương quan mật thiết với Đấng là chủ tể của mình ngang qua đời sống cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện là chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người. Cầu nguyện làm cho con người tìm ra được nguồn cội, cùng đích của cuộc đời. Cầu nguyện cũng giúp cho con người biết mình phải làm gì và khước từ điều gì.
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu ngay từ sáng sớm, người lánh sang một nơi thanh vắng để cầu nguyện sau một ngày làm việc mệt nhọc với sứ vụ và tiếp tục với hành trình rao giảng Tin Mừng mới. Điều này cho thấy: cầu nguyện là việc vô cùng cao quý và quan trọng trong hành trình loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu cũng như người môn đệ.
- Cầu nguyện không ngừng
Đã có lần, Đức Giêsu nghe các môn đệ của mình kể về thành tích mà các ông đạt được sau những ngày vất vả vì sứ vụ. Các ông trở về trong hân hoan và khoe với Ngài về thành tích đạt được, nào là: thành công trong việc chữa lành bệnh tật, nhiều người nghe lời các ông giảng và ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục (x. Mc 6, 30-31).
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không khen ngợi các ông, Ngài cũng chẳng đề nghị các ông tiếp tục thi hành. Và hoàn toàn không mở tiệc linh đình để tuyên dương kết quả! Nhưng Ngài nói với các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Nghỉ ngơi ở đây có nghĩa là trở về với Thiên Chúa và với bản thân trong sự thinh lặng nội tâm sâu xa.
Còn khi dạy các Tông đồ cầu nguyện, Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); chỗ khác Ngài truyền lệnh: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38). Hơn nữa, khi nói về giới hạn của con người và tầm quan trọng của cầu nguyện, Ngài mặc khải: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5) Hay để khơi lên niềm tín thác vào Thiên Chúa là Đấng xót thương, Đức Giêsu khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).
Như vậy, đời sống cầu nguyện là nền tảng để xây dựng đời sống Tông đồ nơi người môn đệ. Cầu nguyện chính là hồn sống, là thước đo để biết được người Tông đồ thi hành sứ vụ vì ai, cho ai và mục đích gì! Cầu nguyện còn để xác định rõ: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Nói cách khác, đời sống cầu nguyện được ví cá cần nước, cây cần ánh sáng, con người cần hơi thở.
- Mẫu gương cầu nguyện nơi Đức Giêsu
Khi thấy được tầm quan trọng không thể thiếu của đời sống cầu nguyện, nên Đức Giêsu không chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện, nhưng chính Ngài đã làm gương về đời sống cầu nguyện.
Thật vậy, Ngài luôn luôn cầu nguyện trước, trong và sau khi làm bất cứ việc gì. Ngài cầu nguyện trong sa mạc; nơi hội đường; trên triền núi; ngoài bãi biển….
Hôm nay, thánh Máccô một lần nữa cho ta thấy Đức Giêsu coi trọng và ưu tiên hàng đầu trong việc cầu nguyện, tác giả viết: “Sáng sớm lúc trời còn tối, Người đã dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc l,35).
Khung cảnh “sáng sớm” cho chúng ta thấy một đêm dài đã kết thúc và một ngày mới khởi đầu. Thái độ cầu nguyện ngay từ khi trời còn tối báo cho chúng ta biết, Đức Giêsu chắc chắn tạ ơn, chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa qua những việc Ngài đã làm trong ngày hôm trước như: thăm viếng, chữa bệnh, trừ quỷ…. Mặt khác, trải qua một đêm có lẽ nhiều thao thức, trăn trở và lựa chọn để làm trong ngày mới, nên ngay từ sáng sớm, Ngài đã xin ý của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, để mọi việc được diễn ra trong thánh ý của Người. Chính vì điều này mà mọi hoạt động của Đức Giêsu đều quy hướng về Thiên Chúa và mang lại vinh quang cho Người.
Như vậy, giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa có một sự gắn kết mật thiết đến độ không thể tách rời đến nỗi đã có lần Đức Giêsu tuyên bố: “Ta và Cha ta là một”; hay “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34 ).
- Cầu nguyện là nền tảng cho mọi hoạt động
Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều sự rạn nứt qua các mối tương quan như: rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng không còn tin tưởng nhau, thiếu sự chung thủy. Nạn phá thai diễn ra như cơm bữa. Lương tâm, chân lý không còn được lưu tâm hay bị lệch lạc. Con cái vô cảm, bất hiếu và hỗn xược với đấng sinh thành. Anh chị em trong gia đình loại trừ nhau. Hàng xóm láng giềng không còn chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau”! Thầy cô giáo và học trò ít quan tâm đến chuyện: “Tiên học lễ, Hậu Học văn”; vì thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò! Bạn bè với nhau không còn tính trung thực, mà thay vào đó là lợi dụng nhau, thanh toán nhau bằng nắm đấm, song sắt, lưỡi lê….
Nguyên nhân lớn nhất đó là thiếu hay coi thường hoặc không có đời sống cầu nguyện. Bởi vì, không cầu nguyện, con người sẽ không nhận ra Thiên Chúa là ai cũng như không biết coi trọng nhân phẩm của mình và của nhau. Không có đời sống cầu nguyện, người ta cũng không tìm ra lý tưởng và không thể trả lời được về mục đích của sự hiện hữu nơi mình trên trần gian. Đàng khác, khi đời sống cầu nguyện bị sao nhãng, người ta cũng chẳng cần quan tâm đến sự thật và lòng trung thành, từ đó, họ có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ áy náy! Họ sẵn sàng “dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt”; hay cả phương tiện và mục đích đều xấu, nhưng lương tâm đã bị trai lỳ, vô cảm nên họ vẫn sẵn sàng làm cho kỳ được để thỏa mãn điều mong muốn một cách bất nhân.
Hơn nữa, nhiều người có cầu nguyện, nhưng sự hời hợt, qua lần chiếu lệ đã làm cho họ chẳng khác gì như hạt giống gieo nơi vệ đường, trên bụi gai và nơi đá sỏi. Hãy nhớ lại câu chuyện Tổ Tông sa ngã chỉ vì hiểu có một nửa sự thật!
Chính vì thiếu đời sống cầu nguyện sâu xa như thế, nên việc sống đạo của chúng ta bị nhàm chán, hờ hững và hình thức bên ngoài, khiến cho những công việc chúng ta làm bị phản tác dụng khi nó quy chiếu về bản thân mình chứ không hướng về Chúa.
Muốn khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần thật minh mẫn, sốt sắng, vui tươi như thể mình đang chuẩn bị đi gặp “người yêu”. Phải thực sự có kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta phải tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta đang ở bên Chúa, Chúa đang ở bên ta, vì thế, cần có thái độ của đức tin để phó thác, thái độ khiêm tốn để lắng nghe. Bởi vì: “Cầu nguyện là hô hấp của tâm hồn”.
Chỉ có thế, chúng ta mới có thể xóa đi cái “tôi” ích kỷ, hư ảo, kiêu ngạo, để thay vào đó là sự khiêm tốn, hiền lành và khiêm nhường như Chúa . Như vậy, nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta mới nhận ra: “Con người vĩ đại nhờ cầu nguyện”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ chúng con ngang qua đời sống cầu nguyện. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam