Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 67
Tổng truy cập: 1361001
LẠY CHÚA, NGÀI LÀ NƠI CON NƯƠNG ẨN
LẠY CHÚA, NGÀI LÀ NƠI CON NƯƠNG ẨN
Anh chị em thân mến.
Anh chị em có dịp nhìn một đứa trẻ nhỏ ung dung bước đi trên đường, nó bước đi rất nhanh mà không cần nhìn hay quan sát chung quanh. Những bước chân của nó hết sức tự tin. Dẫu cho con đường có gồ ghề hay đầy những vũng nước, nó cũng không lo sợ gì hết. Nó vẫn bước đi và vẫn an toàn. Nhìn kỹ lại, thì ra những bước chân của nó vẫn bước, nhưng còn có đôi tay của người cha luôn bảo vệ cho nó. Đứa bé đã hoàn toàn tin tưởng nơi cha mình, nên nó không lo sợ gì trên bước đường nó đi qua vì nó được bảo vệ thật sự. Có những lúc nó không cần phải bước nữa vì nó đã mệt, những lúc đó nó cũng được an toàn trên đôi tay của người cha, hơn nữa nó còn được người cha ôm vào lòng. Chính vì biết đặt trọn niềm tin vào cha mình nên đứa bé không còn lo âu sợ sệt điều gì nữa. Niềm tin của nó được đền đáp xứng đáng.
"Lạy Thầy xin xứu con".
Lời kêu cứu của Phêrô khi thấy mình sắp bị những cơn sóng biển nhận chìm. Phêrô đã được cứu và được an toàn, nhưng ông phải nhận lời quở trách: "Kẻ hèn tin, sao mà nghi ngờ".
Phêrô và các Tông Đồ xuống thuyền vượt biển trong đêm tối. Đối với các ông đây là những công việc hết sức bình thường, các ông rất thành thạo, không phải lo sợ gì hết. Các ông tự tin vào tài năng và sức lực của mình. Nhưng những gì các ông tin tưởng không đem lại bình an thật sự. Các ông phải chống chọi với gió bão. Màn đêm tăm tối như góp phần làm cho các ông thêm vất vả hơn. Càng vất vả càng cố gắng, nhưng các ông đã quên mất Chúa Giêsu. Những lúc như thế Ngài vẫn ở bên cạnh các người mà Ngài yêu thương, nhưng các ông vẫn không nhận ra, nên mới hốt hoảng. Phêrô nhanh nhẹn nhưng trong lúc nhất thời, ông chỉ làm theo cảm tính, chưa tin tưởng phó thác, nên ông càng hốt hoảng hơn khi thấy biết bao sự nguy hiểm chung quanh. Khi đó ông càng nhìn thấy rõ sự bất lực của con người, chỉ còn biết trông cậy vào Chúa, nên ông la lên: "Lạy Thầy xin cứu con". Mặc dù bị quở trách là kém tin, nhưng ông đã được bình an khi có Chúa bên cạnh.
Con người đứng trước những khó khăn thì lo âu sợ sệt, nhất là khi nhìn thấy được sự bất lực của chính mình. Càng lo sợ hơn khi sự nguy hiểm càng đến gần mà mình không biết làm sao để thoát khỏi. Đó là tâm trạng của Phêrô ngày xưa, cũng là tâm trạng chung của con người qua mọi thời đại. Chúng ta, những con người của thời đại mới cũng không thoát khỏi cái thường tình của con người như thế.
Những lúc an bình thư thái, những lúc được thành công trong cuộc sống, những lúc sức khoẻ con người trong tình trạng bình thường không có vấn đề gì; những lúc đó, Thiên Chúa có hiện diện hay không cũng không cần thiết, vì chúng ta chưa cần đến. Nhưng khó khăn từ đâu lại tuôn đến, làm cho chúng ta vất vả, bao nhiêu toan tính giờ đây không thể thực hiện được, những gì đã dự trữ, giờ đây cũng bay đi mất, thế giới hoàn toàn sụp đổ. Những lúc đó nếu chúng ta biết la lên như Phêrô: "Lạy Thầy xin cứu con", chắc chắn chúng ta sẽ được cứu và những lời trách nhẹ nhàng cũng sẽ đến để làm thức tỉnh và làm cho mìmh nhận ra rằng: Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải chỉ là nhu cầu khi cần thiết, để giải quyết những khó khăn, rồi sau đó không biết gì đến Ngài nữa.
Phêrô đã nhận ra, nên ông biết tin tưởng phó thác, ông đã được trao cho trách nhiệm và hoàn thành. Như đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng nơi người cha, nên được bao bọc chở che khi cần thiết.
Chúng ta có dám đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa chúng ta? Hay Thiên Chúa chỉ là nhu cầu trong những lúc nào cần cho chúng ta sai khiến, ngoài ra Thiên Chúa không hiện diện trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Như thế thì lời quở trách với Phêrô ngày xưa cũng vẫn là lời cho chúng ta hôm nay: "kẻ hèn tin, sao mà nghi ngờ". Nhưng Phêrô đã tin và sống trọn niềm tin của mình. Còn chúng ta, bao giờ chúng ta mới biết quay trở lại như Phêrô, chừng nào chúng ta mới nhận ra quyền năng Chúa trong đời sống, để biết quỳ gối xuống mà cảm tạ Hồng Ân.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết nhận ra Chúa trong cuộc sống đời thường, để biết tin tưởng và phó thác cho trọn vẹn.
54.Chúa ở đâu khi chúng ta đau khổ?
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Mới mấy tuần trước đây, trong một tai nạn, một người mẹ mất một lúc ba đứa con, vì bị đuối nước. Trong đám tang ấy, người mẹ vật vã gào lên: Ông Trời ơi! Ông ở đâu? Sao ông để như thế này? Tôi có tội tình gì mà sao ông đối xử với tôi như thế?
Thưa quý OBACE, trong lúc người ta đau khổ tột cùng, dù là người có đạo hay không có đạo, họ vẫn như muốn trách móc Thiên Chúa trách Ông Trời, và muốn Thiên Chúa trả lời ngay cho những đau khổ của họ, hoặc là muốn Chúa phải ra tay giải thoát ngay. Trong lúc đau khổ đó người ta thấy dường như Chúa vẫn im lặng trước những nỗi đau của họ? Phải chăng Chúa làm ngơ trước đau khổ của con người?
Các bài đọc của chúa nhật XIX hôm nay trả lời cho chúng ta rằng: Thiên Chúa không im lặng, nhưng Thiên Chúa vẫn đang nói, đang ở kề bên đưa tay ra để nâng đỡ an ủi chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự hiện diện an ủi của Ngài, có tin vào quyền năng của Ngài, có đưa tay ra để Ngài kéo ta lên hay không mà thôi?
Bài đọc một kể lại tâm trạng của Elia, sau khi đương đầu với các sư sãi của hoàng hậu Giêzabel, đã bị hoàng hậu trả thù, ông phải trốn lên rừng, chịu đói chịu khát. Trong lúc khốn khổ vì bị lùng bắt như thế, ông cũng cảm thấy như Thiên Chúa không còn ở với ông, Thiên Chúa bỏ rơi ông, ông nghĩ rằng: Dù sao ông cũng đã chiến đấu cho Thiên Chúa, đã hết mình bênh vực giới răn lề luật của Thiên Chúa, tại sao Chúa lại cư xử với ông như thế? Trong lúc ông băn khoăn oán trách Thiên Chúa như thế, thì Thiên Chúa đã hứa cho ông được gặp Ngài. Tuy nhiên Isai lại muốn chờ đợi một vị Thiên Chúa oai hùng như sấm sét giông bão, vì thế ông ra cửa hang để mong gặp Chúa, nhưng Chúa đã không ở trong sấm sét. Rồi ông lại chờ đợi gặp một Thiên Chúa có sức mạnh làm rung chuyển trời đất núi lửa, song ông cũng không gặp được ngài. Mãi đến buổi chiều khi làn gió hiu hiu thổi nhẹ, ông nghe được tiếng Chúa và lấy áo choàng che mặt rồi ra ngoài cửa hang và ông đã gặp được Chúa. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện bên ông một cách nhẹ nhàng, mơn man như cơn gió nhẹ ban chiều. Chúa vẫn ở bên ông dưới những hình thức rất đỗi bình thường, song ông đã không nhận ra Ngài. Chỉ khi ông bình tâm, ông mới có thể cảm nhận được sư hiện diện nhẹ nhàng của Ngài trong cuộc đời ông.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng chia sẻ cùng một kinh nghiệm như tiên tri Isai, khi ông đã miệt mài rao giảng về Chúa Giêsu, song đổi lại, ông đã phải chịu bao nhiêu đau khổ vì những anh em đồng đạo, vì những kẻ đã thụ ơn ông gây ra, ông đã tâm sự: Có Thiên Chúa chứng giám: Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi khôn nguôi, vì anh em đồng bào đã gây ra cho tôi. Song Phaolô đã nhận ra rằng: Thiên Chúa là Đấng hiểu lòng ông và Ngài chứng giám cho sự nhiệt thành của ông và Ngài chính là nguồn an ủi cho ông.
Thánh Mátthew đã kể lại câu chuyện của Phêrô và các tông đồ đương đầu với sóng gió một mình. Câu chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người đàn ông ăn no và còn dư. Trong lúc các tông đồ như đang say mê trong thành công, trong sự nể phục của dân chúng, thì Chúa Giêsu đã làm các ông mất hứng khi Ngài bắt các ông phải xuống thuyền để qua bên kia bờ hồ. Lúc đó có lẽ các tông đồ cũng đang ảo tưởng vì nghĩ rằng các ông đã góp phần vào sự thành công này, thì giờ đây các ông phải xuống thuyền mà không có Chúa đi cùng.
Chính lúc các ông đang còn như tiếc nuối sự thành công, thì đêm tối đã bao phủ lấy thuyền của các ông, và sóng gió bắt đầu nổi lên. Tin Mừng cho thấy, con thuyền và các tông đồ đang chèo chống chính là hình ảnh của Giáo Hội, bóng đêm là những thế lực của thế gian và ma quỷ, sóng gió là những thử thách đang muốn nhấn chìm cả con thuyền của Giáo Hội. Qua chi tiết này kinh Thánh còn cho thấy rằng, một khi không có Chúa Giêsu trong tâm hồn, trong Giáo Hội, thì chắc chắn bóng tối của sự dữ sẽ xâm chiếm tâm hồn và xâm chiếm cả Giáo Hội.
Trong lúc các tông đồ đang phải đương đầu với sóng gió như thế, thì chính Chúa Giêsu đã xuất hiện. Tuy nhiên ngay đến các tông đồ là những người đã bao năm sống với Chúa, chứng kiến bao phép lạ Chúa làm, vậy mà vào lúc gặp sóng gió này, họ cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Khi thấy Ngài đi trên mặt nước mà đến với các ông, các ông hoảng sợ và nghĩ đó là ma. Trong lúc thấy học trò của mình hoảng loạn như thế, Chúa Giêsu đã trấn an các ông: Thầy đây, đừng sợ. Khi sự sợ hãi đi đến tuyệt vọng, thì dường như lời trấn an của Chúa Giêsu lúc đó đã không được các tông đồ đón nhận cách tin tưởng.
Chính vì chưa hoàn toàn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu, nên Simon Phêrô mới lên tiếng: Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Một lời cầu xin trong hồ nghi! Với lời xin này, Phêrô như muốn đặt cho Chúa một điều kiện, mà là một điều kiện vượt khỏi lẽ thông thường, hay nói đúng hơn, Phêrô đang muốn thử thách sự hiện diện của Chúa, khi ông đòi đi trên mặt nước để đến cùng Chúa Giêsu.
Đòi đi trên mặt nước, là đòi hỏi một phép lạ, đòi được như Chúa, tức là có thể giẫm đạp trên các sự dữ và thế lực của ma quỷ. Trước một đòi hỏi như thế, Chúa Giêsu vẫn chiều lòng Phêrô và ra lệnh cho ông bước trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Tuy nhiên, Phêrô vẫn không đủ đức tin để hưởng đặc ân này, ông hồ nghi và đã để mình bị chìm trong sợ hãi. Nhưng rất may, trong lúc ông như bị chìm ngập trong sóng to gió lớn của thử thách như thế, ông vẫn còn tin vào sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa Giêsu, vì thế ông đã kêu lên: Thầy ơi! Xin cứu con với! Thế là Chúa đã đưa tay ra kéo ông lên thuyền và sóng yên biển lặng. Điều đó cho thấy, dù trong hoàn cảnh dường như tăm tối không lối thoát, nếu chúng ta tin tường và kêu lên như Phêrô: Chúa ơi xin cứu con, thì Chúa sẽ đưa tay ra để đỡ chúng ta chỗi dậy.
Thưa quý OBACE, Trong cuộc sống đã nhiều lần chúng ta phải đương đầu với đau khổ, và cũng nhiều lần, những đau khổ ấy làm cho đức tin của chúng ta bị chao đảo, có những đau khổ và thử thách liên tục vùi dập khiến chúng ta có cảm tưởng như Thiên chúa đã không còn hiện diện. Đã nhiều lần chúng ta trách Thiên Chúa: Tại sao tôi vẫn đi nhà thờ vẫn đi lễ, tại sao tôi vẫn sống tốt, tôi có gian dối tội lỗi gì đâu mà Chúa lại để cho sự khốn khó xảy ra với gia đình tôi thế này? Có những lúc dường như ngã lòng, chúng ta còn đặt vấn đề Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có nhìn thấy tôi đau khổ không mà sao Ngài không ra tay cứu giúp tôi?
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ đứng ngoài sự đau khổ của chúng ta, và càng không bao giờ muốn chúng ta phải đau khổ thử thách. Tuy nhiên đau khổ sự dữ vẫn xảy ra là do ma quỷ, do con người đã lạm dụng tự do Chúa ban để rồi quay lại gây đau khổ cho anh em. Những lúc đau khổ như thế, Thiên Chúa vẫn đang ở bên ta, nhẹ nhàng như cơn gió chiều để an ủi đỡ nâng. Ngài hiện diện bên ta qua sự yêu thương của cha mẹ, qua sự nâng đỡ của người thân và của bạn bè, và nhất là Ngài đã cùng chung vai để chia sẻ gánh nặng của cuộc sống với chúng ta, và đã dám chấp nhận cái chết để cho chúng ta được sống và ban ơn trợ lực để chúng ta có thể đương đầu với sóng gió thử thách của cuộc đời.
Đừng bao giờ để cho cuộc đời chúng ta thiếu vắng Chúa, vì một khi thiếu vắng Chúa trong cuộc đời, thì sự dữ và ma quỷ sẽ xâm nhập và tấn công chúng ta. Những khi gặp thử thách đau khổ, đừng bao giờ chúng ta oán trách Chúa, vì qua những thử thách ấy chúng ta sẽ nhận ra được sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và nhận ra bàn tay tình yêu của Ngài. Trong mọi thử thách của cuộc sống, đừng ngại kêu lên như Phêrô: Thầy ơi, cứu con với. Chúa sẽ đưa tay ra để kéo chúng ta lên và trả lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn.
Thầy đây, đừng sợ! Đó chính là lời khích lệ an ủi cho chúng ta. Đừng bao giờ tuyệt vọng khi đối diện với đau khổ, cũng đừng tuyệt vọng về chính mình, vì cuối đường hầm tăm tối, luôn có một tia sáng hy vọng, giữa nhưng tăm tối của cuộc đời Thiên Chúa vẫn hiên diện, những lúc chán nản mệt mỏi muốn buông xuôi, hãy tin tưởng để nói với Chúa Giêsu rằng: Thầy ơi, xin cứu con, Chúa sẽ trả lời cho mỗi chúng ta: Thầy đây, đừng sợ.
Xin cho mỗi chúng ta dù trong mọi hoàn cảnh sóng gió của cuộc sống, xin cho chúng ta biết tin tưởng đưa tay ra để cho Chúa nâng chúng ta chỗi dậy, vì Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Amen.
55.Chúa đi trên biển – R. Veritas.
Đứng bên cạnh con đang chuẩn bị qua cơn giải phẫu nguy hiểm, người cha không ngừng trấn an con mình với những lý luận dựa trên tài năng nổi tiếng của nhóm bác sĩ giải phẫu với những phương tiện tối tân, ông còn trấn an con là sẽ hiện diện bên cạnh để cung ứng mọi nhu cầu cho con.
Nghe xong lời cha khuyên, người con trả lời cho cha:
Xin cha đừng lo lắng nhiều, con không sợ đâu, con tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu, Người hiện diện bên con và giúp con chịu đựng, hy sinh âm thầm trong tâm trí.
Người cha cảm phục lòng tin của con, vừa hổ thẹn vì mình không có được thái độ tin Chúa như con mình.
Chúng ta cũng thường hành xử như vậy khi gặp những thử thách xảy ra cho anh chị em xung quanh, cũng như và nhất là cho chính chúng ta. Phản ứng tự nhiên trước những thử thách, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phương thế, những tài năng riêng của con người mà quên đi phần đóng góp tích cực và quan trọng của Chúa.
Bài Phúc Âm của Chúa Nhật 19 mùa thường niên năm A, trích từ Phúc Âm Thánh Mátthêu hôm nay trình bày cho chúng ta một toàn cảnh thật ý nghĩa. Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh: trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi, xem ra như Ngài xa cách không còn quan tâm gì đến những nguy hiểm mà các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn trên mặt biển hồ Galilêa. Mặt hồ của toàn cảnh là cảnh tượng các Tông Đồ đang trên thuyền và phải tận lực chiến đấu với những nguy hiểm. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Hai khía cạnh này xem ra như không có gì liên hệ với nhau; Thiên Chúa xem ra như hoàn toàn xa lạ, vắng mặt khỏi hoàn cảnh sống của con người, xa lạ, lạnh lùng với những thử thách của con người đang gặp phải.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài cũng có thể bị cám dỗ có những suy nghĩ như vậy. Chúa ở đâu mà tôi không nhìn thấy Ngài đâu cả? Nhưng thật sự không phải như vậy. Thiên Chúa không vắng mặt, không rời xa con người. Các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn là vì tuân lệnh Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển cực khổ giữa ban đêm để qua bên kia bờ. Ban đêm thường có sóng to gió lớn, các Tông Đồ biết như thế, vì là những ngư phủ trong vùng.
Thông thường các ngài có thể lý luận với Chúa để ở lại với Chúa chờ qua ngày hôm sau đi lại ít nguy hiểm hơn, và cũng để được nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc vì bận rộn lo cho hơn năm ngàn người ăn uống khi nghe Chúa giảng dạy. Thế nhưng lý do gì mà Chúa ra lệnh cho các Tông Đồ lên thuyền chèo qua bên kia bờ biển hồ và giữa đêm khuya như vậy?
Các Tông Đồ gặp thử thách nguy hiểm kia là vì tuân lệnh Chúa, và chúng ta thấy Chúa không để cho những người vâng phục Chúa bị thiệt hại. Phải, bị thử thách và chịu thử thách nhưng không bị đè bẹp, Chúa để cho các Tông Đồ phải chiến đấu với thử thách trong một thời gian mãi đến ba giờ sáng rồi Chúa mới đến với các ngài. Sau biến cố, sau kinh nghiệm và có thể nói được là hai kinh nghiệm, tập thể các Tông Đồ đi trên thuyền và Phêrô muốn đi trên mặt nước đang nổi sóng. Sau kinh nghiệm đó, Chúa Giêsu rút ra bài học cho các ông: "Tại sao các con kém tin thế?", tại sao không tin rằng Chúa hằng hiện diện bên cạnh, Ngài không xa vắng, Ngài không ngủ quên hay bỏ mặc những kẻ Ngài đã chọn.
Đó là bài học cho các Tông Đồ sau này khi lãnh nhận sứ mạng chính thức sau khi Chúa phục sinh: "Thầy đã được mọi quyền năng trên trời dưới đất, chúng con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Đây không phải là lời hứa suông, mà là một bảo đảm mạnh hơn mọi thứ bảo đảm do con người đặt ra trong xã hội hôm nay. Những bảo hiểm của con người sẽ vô ích nếu như không có sự bảo đảm của Thiên Chúa, dù con người không chấp nhận hay không biết đến sự bảo đảm này, hơn ai hết, sau khi đã trải qua kinh nghiệm trên biển hồ nổi sóng, các Tông Đồ sẽ xác tín hơn sau này cho sứ mạng làm chứng cho Chúa: "Không gì có thể tách rời tôi ra khỏi tình yêu Chúa".
Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại xem mình đã có kinh nghiệm sống như bài học của Phúc Âm hôm nay Chúa đã dạy các Tông Đồ chưa? Cùng với các ngài vâng lệnh Chúa vào thuyền, và sau cơn giông tố chúng ta tuyên xưng: "Thầy là Con Thiên Chúa", Chúa sống với chúng ta thì chúng ta còn lo sợ chi nữa.
56.Đức tin kiên vững
(Suy niệm của JB. Lê Ngọc Dũng)
Trong bài Tin Mừng chúng ta thấy thánh Phêrô, khi thấy thầy mình là Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ thì Phêrô rất phấn khởi. Thánh Phêrô, lúc đó, tin tưởng rất mạnh mẽ vào quyền năng của Thầy mình, xin cho mình cũng được đi trên mặt nước như Thầy. Chúa Giêsu ban phép cho Phêrô cũng có khả năng siêu phàm đó: đi trên mặt nước. Nhưng sau đó, đang khi đi thì gió thổi đến ông liền hoảng sợ. Ông bắt đầu bị chìm, la lên cầu cứu: “Thầy ơi cứu con với, kẻo con chết mất!” (Mt 14,30).
Sự việc diễn ra nơi Phêrô cho chúng ta một kinh nghiệm. Đó là sự thiếu kiên vững và bất nhất nơi con người chúng ta.
Có thể ta rất hăng say nồng nhiệt một lúc, nhưng sau đó lại nguội lạnh một cách nhanh chóng; rất mau nóng nhưng cũng rất mau nguội. Có thể như là lên cơn sốt sắng, ta dự kiến những chương trình đạo đức nhưng thi hành chỉ được mấy bữa.
Có thể ta tưởng mình mỗi ngày một tiến bộ hơn trên con đường đạo đức, nhưng thật ra là đã thụt lùi, càng ngày càng tệ hơn.
Lý do nào đã khiến chúng ta càng ngày càng tệ hơn, ít đạo đức hơn? Lý do nào, lúc đầu, chúng ta có vẻ có đức tin mạnh mẽ như Phêrô, nhưng sau đó lại mất đức tin, đâm ra lo lắng sợ hãi?
Câu chuyện sau đây giúp chúng ta nhận ra những lý do đó:
Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thuỷ thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.
Thấy thế, một thuỷ thủ già liền la to lên với cậu: "Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi! Nhìn lên lại bầu trời đi!". Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phêrô trong Phúc âm hôm nay, đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giông tố.
Và điều này thường xảy ra cho chúng ta. Lúc đầu chúng ta khởi sự cuộc sống thật tốt đẹp, khởi sự một chương trình thật tốt đẹp, đầy tin tưởng vào Chúa. Tâm tư ta lúc đó, luôn gắn chặt vào Thiên Chúa, như có đôi mắt đăm đăm nhìn vào Chúa Giêsu. Nhưng rồi một điều gì đó xảy đến khiến tâm tư chúng ta không còn gắn chặt vào Thiên Chúa nữa, đôi mắt ta rời xa Ngài. Và khi đó, như Phêrô, chúng ta mất thăng bằng. Chúng ta bắt đầu chìm xuống. Lúc đó, chúng ta lại kêu cứu với Chúa Giêsu.
Bài phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta thẳng thắn nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu chúng ta cảm thấy bị chao đảo trong cuộc sống, cảm thấy lo sợ, không còn cảm nhận được sự bình an là niềm vui thiêng liêng mà ta đã từng cảm nhận, thì chắc hẳn là vì chúng ta đã không còn gắn chặt mình với Thiên Chúa; đã rời khỏi Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đang sắp bị bão tố cuộc đời nuốt trửng, thì có lẽ là vì chúng ta đã rời quá xa Chúa Giêsu.
Hiện nay, giờ phút này, thử hỏi những khó khăn có khiến chúng ta sợ hãi không, có buồn chán thất vọng không? Nếu như tôi thi rớt, bị sa thải, mất công ăn việc làm; bị mất tài sản, làm ăn thua lỗ do trận dịch cảm cúm hiện nay; nếu như tôi bị mất trắng mùa màng vì bảo lụt; nếu như tôi bị sập nhà do động đất rồi có người thân bị chết; như tôi mắc một cơn bệnh hiểm nghèo, thì tôi có chao đảo hoảng sợ không?
Trong những trường hợp đó, nếu ta hoảng sợ, thì ta biết ta đã rời xa khỏi Thiên Chúa, không còn gắn chặt vào Ngài. Vậy chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta hãy cầu xin Chúa như thánh Phêrô: "Lạy Chúa, xin cứu vớt con!" (Mt 14,30). Chúa Giêsu sẽ đưa tay nắm lấy để cứu ta; cứu ta khỏi chìm vào sự thất vọng, khỏi hố sâu của sự chết.
Tuy nhiên, khi cứu vớt Chúa Giêsu còn muốn chúng ta tiến xa hơn nữa trên con đường đức tin. Ngài đã trách Phêrô: “Hởi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31). Sự kiện này cho thấy, Chúa ban ơn cho chúng ta, như ban ơn cho đi trên mặt biển, ơn nhận biết Chúa, ơn theo đạo Chúa, giữa thế gian không biết Chúa. Đó là những ân huệ lớn lao Chúa ban, nhưng Chúa cũng biết chúng ta yếu đuối, có thể sa ngã. Ngài biết đức tin chúng ta có lúc chao đảo. Vì vậy, Ngài luôn đưa tay nâng đỡ, cứu vớt, và sau đó Ngài giúp chúng ta tiến xa hơn trên con đường đức tin.
Vì vậy, qua mỗi lần gặp khó khăn, mất mát lớn lao, hay bị chao đảo, bị chìm như vậy, thì hãy nhìn nó như là một thử thách đức tin, một tôi luyện đức tin, và tin rằng Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh để cứu giúp chúng ta. Và mỗi lần cảm nhận được ơn Chúa cứu giúp, thì điều cần thiết là phải gắn chặt, tin tưởng vào Chúa hơn nữa.
57.Đi trên mặt biển.
Sự kiện xảy ra qua đoạn Tin Mừng vừa nghe không có chi là khó hiểu, thế nhưng đâu là mục đích mà Chúa Giêsu định nhắm tới.
Đi trên mặt nước và làm cho sóng gió im lặng, mục đích của Chúa Giêsu là muốn làm cho các tông đồ vững tin và cậy trông ở Chúa. Thực vậy, sau phép lạ bánh hóa nhiều Ngài truyền cho các ông lên đường. Lúc bấy giờ trời đã về chiều mà nước thì lại ngược và gió đã nổi lên, các tông đồ cảm thấy nặng nề và không mấy hứng khởi. Vượt biển trong tình trạng đó sẽ không thể nào tránh khỏi vất vả và mệt nhọc. Đang lúc vật lộn với sóng gió, Chúa Giêsu thân hành hiện đến để an ủi và giúp đỡ. Trông thấy Chúa, lúc đầu các ông tưởng là ma. Nhưng Chúa đã lên tiếng để trấn an, rồi lại truyền cho sóng gió yên lặng và con thuyền yên hàn cặp bến.
Trước hết đối với Phêrô, phép lạ này có tính cách quan trọng, ông đã tỏ ra yêu mến và nhiệt thành đối với Chúa, nhưng việc xin phép lạ vô cớ đã tỏ ra ông là người hấp tấp thiếu suy xét, nhiệt thành không phải lúc khi xin phép lạ được đi trên mặt nước. Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, ông đã nói trước và làm trước các tông đồ. Để đem lại cho ông một bài học, Chúa đã để ông lảo đảo đến sắp chìm và sau này Chúa còn để ông sa ngã… song nhờ lòng tin mạnh mẽ, trong lúc nguy cơ ông đã kêu cầu Chúa và Chúa đã giơ tay cho ông nắm lấy, rồi đưa ông lên thuyền với Ngài. Như thế, Chúa muốn bảo ông hãy tin tưởng vào Chúa và chỉ nhờ một mình Ngài, ông mới được đứng vững. Ông chỉ được cứu thoát nếu biết nắm chặt vào bàn tay Chúa.
Tiếp đến là đối với Giáo Hội. Con thuyền của các tông đồ là một hình ảnh tượng trưng cho Giáo Hội, trong đó Phêrô là người đứng đầu, vì Chúa đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Phêrô… Đúng thế, Giáo Hội không khác gì một con thuyền của các tông đồ, vượt biển giữa cảnh bão táp. Có những khó khăn từ bên ngoài, khác nào những trận cuồng phong thổi ngược, đồng thời cũng có những khó khăn tự bên trong khác nào những ngọn sóng ngầm không kém phần nguy hiểm. Các tông đồ đã phải cực nhọc chèo chống, mà đôi khi còn có cảm giác chìm mất, đến nỗi phải thốt lên: “Lạy Thầy, xin hãy cứu chúng con kẻo chúng con chết mất”.
Tuyệt vọng mà không mất niềm tin, trong lúc không đợi chờ, thì Chúa Giêsu đã đến, Ngài khiến sóng gió phải yên lặng và đưa con thuyền tới bến bình an. Bao giờ Chúa cũng bảo vệ Giáo Hội Ngài khỏi đắm chìm cho dù cuồng phong và sóng gió có thổi mạnh.
Và sau cùng là đối với mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta là một phần tử của Giáo Hội, cũng thường gặp phải những khó khăn, những giông tố từ bên trong cũng như bên ngoài, làm cho chúng ta có cảm giác bị bỏ rơi và chìm mất. Tuy nhiên, cũng như Giáo Hội, Chúa luôn nâng đỡ và cứu giúp, miễn là chúng ta biết tin tưởng chạy đến với Ngài. Bão táp sẽ qua, cuồng phong sẽ dứt, trời quang mây tạnh sẽ trở lại và chúng ta sẽ được sống trong tình thương và sự an bình của Chúa. Trong những ngày hạnh phúc, chúng ta đã dễ dàng lãng quên Chúa và chỉ trong giờ phút đen tối, chúng ta mới nhớ đến Ngài, đó là dấu chỉ của một đức tin thiếu trưởng thành, mang nặng tính chất vị kỷ và cầu an. Chính vì thế mà hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ và đặt lại vấn đề niềm tin của chúng ta đối với Chúa hiện giờ như thế nào? Đức tin chân chính sẽ giúp chúng ta nhận ra dấu chỉ của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, trong sáng cũng như đen tối, vui sướng cũng như đau khổ để rồi chúng ta sẽ xử sự đúng với tinh thần Phúc Âm.
Bởi vì, trong giây phút này, chúng ta hãy thành tâm kêu lên: “Lạy Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con…”
58.Đức tin trưởng thành – Lm Vũ Đình Tường
Sau khi giải tán đám đông Đức Kitô sai các môn đệ xuống thuyền qua bên kia còn Ngài ở lại một mình cầu nguyện. Khoảng gần sáng Ngài đi trên mặt nước đến với các ông. Các tông đồ vất vả chèo chống, đương đầu với sóng to, gió cả, vất vả đến đứt hơi. Giữa biển sóng chập trùng sao như có bóng người đang đi trên sóng, vững vàng như đi trên đất bằng. Có mơ không, có mệt quá nhìn cá hoá sóng, hay phần hồn át phần xác? Xoa mặt, dụi mắt nhìn vẫn thấy hình ảnh đó. Rõ ràng bóng người đang đi đến, mỗi lúc một gần hơn. Đã sợ còn sợ hơn. Bỗng nhiên bóng đó lên tiếng trấn an, dù gió lớn nhưng nghe giọng rất quen thuộc. Dẫu thế lúc hoảng hốt vẫn không nhận rõ giọng của ai: Đừng sợ, Thầy đây. Phêrô, nửa tin, nửa ngờ, lấy hết can đảm lên tiếng nếu là Thầy xin cho con đến với Thầy. Phêrô bước ra khỏi thuyền, lạ thay, sóng gió thế mà ông bước trên đầu sóng, bình yên,đến cùng Thầy. Cái cảm giác lâng lâng đang diễn ra bỗng thấy con sóng khổng lồ ập đến che khuất Thầy, Phêrô đâm hoảng vội la lớn xin Thầy cứu. Đức Kitô nắm tay ông dẫn đi trên sóng cả. Cả hai vào thuyền an toàn. Đức Kitô nhẹ nhàng nhắc Phêrô hãy tin vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Bão táp, sóng cả, biển gầm sóng vỗ đều qui phục quyền năngThiên Chúa.
Để được cùng đồng hành với Đức Kitô cần đặt trọn tin tưởng vào Ngài. Ngài là người bạn đường, luôn sóng vai, kề bên, mặc dù không nhìn thấy, nhưng Ngài luôn cùng đồng hành với ta khi an vui cũng như khi hoạn nạn. Ta không thấy Ngài nhưng Ngài thấy ta và cùng đi với ta trên đường đời. Mỗi bước chân ta bước đều có bước chân Ngài bước theo nhưng ta không thấy, không nhận biết bởi Ngài luôn theo sát ta như bóng với hình giữa trưa ánh sáng chan hoà. Bởi không thấy Ngài nên khi gặp hoạn nạn ta hay bối rối quên có Ngài hiện diện. Bởi quên và bối rối nên ta không tìm nương tựa nơi Ngài nhưng lại tin vào những gì nhìn thấy, sờ chạm được vì thế nỗi sợ càng tăng, cô đơn càng đặm và thất vọng chập trùng. Phêrô nơi biển khơi, sóng cả đã có kinh nghiệm đó. May mắn cho Phêrô ông đã lên tiếng kêu cầu và đã nhìn thấy bàn tay Thầy dơ ra cho ông nắm lấy. Bao lần trên đời ta cũng kêu cầu, bàn tay Thầy cũng dơ ra cho ta nắm nhưng ta lại không nhận ra bàn tay thần diệu đó, lại đi nắm bàn tay nhân loại và đặt hi vọng vào bàn tay giới hạn của con người nên vấn nạn đã không được giải quyết thấu đáo mà nhiều khi còn gây phức tạp hơn. Cũng là bàn tay nhưng bàn tay Thầy có thần lực giải quyết mọi khó khăn, trong khi đó bàn tay con người bị tiền tài giới hạn thường làm hỏng chuyện lớn. Bao lần trong đời Thiên Chúa đã ban cho ta nhiều ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến độ không ngờ và cũng không ai đoán được. Vì thế khi gặp hoạn nạn, gian nan hãy làm sống lại những ngạc nhiên đó, hãy nhớ lại những lần Thầy cùng đồng hành với ta để chạy đến với Thầy, nắm chặt tay Thầy để được kéo lên thuyền an toàn.
Cuộc sống không thể tránh khỏi bão tố trong đời. Khi bão tố đến đừng tự một mình chống đỡ, đừng đặt trọn niềm tin vào bàn tay thế nhân. Nhờ họ giúp sức, an ủi nhưng cần đặt trọn niềm tin vào lòng Chúa xót thương bởi Ngài không bỏ rơi ta bao giờ. Phêrô trong cơn gió bão đã tự tin vào sức mình và đã bị chìm đắm trong khi bạn ông trên thuyền dù thương tiếc nhưng bất lực. May mắn cho Phêrô trong lúc nguy nan ông nhớ đến và xin Thầy kéo khỏi hố sâu bão táp. Thầy không bao giờ ngờ vực ta chỉ có ta ngờ vực Thầy. Thầy luôn đồng hành với ta và luôn trung tín trong lời Thầy hứa. Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế.
Sóng gió cuộc đời nhiều khi to lớn đến độ che phủ cái nhìn của ta, làm ta lầm tưởng tin là sóng gió cuộc đời mãnh liệt đến độ không gì ngăn cản được. Không phải thế, tình yêu và lòng Chúa xót thương lớn hơn sóng to, gió cả, mạnh hơn bão tố có sức tiêu diệt lửa rừng, thác lũ. Khi cứu Phêrô ra khỏi cơn sóng Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy vượt qua sóng to, bão tố. bước qua lửa đến với Chúa. Chỉ cần chúng ta dám nhích chân bước tới Thầy sẽ cứu chúng ta khỏi cơn nguy biến. Nhích chân bước đến với Thầy chính là hành động của lòng tin và hành động của lòng tin giúp đức tin triển nở, lớn lên trong tình yêu Thầy.
59.Lội nước – Lm Vũ Đình Tường
Dân miền quê ai cũng có kinh nghiệm lội nước. Trong thời kì chiến tranh người ta dùng từ 'xe lội nước' để chỉ xe thiết giáp, đi trên khô cũng được mà lội nước cũng được. Tôi muốn nói về trường hợp người không bơi lội trong nước mà đi bằng hai chân hẳn hoi. Lội nước rất gần với đi mà không thấy đường bởi nước không sâu lắm nhưng nước đục che mất tầm nhìn. Ngay cả trường hợp nhìn thấy cũng không chính xác vì nước như lớp kiếng dầy, thay đổi nhãn quang. Đi trong nước là đi trong mò mẫm, dự đoán, phỏng chừng để bước tới. Nếu có hụt hẫng toàn thân chìm sâu vào nước lúc đó phải tận dụng đến bơi lội. Có khi bước vào chỗ trũng toàn thân xiêu nghiêng ngả như người say rượu. Lội nước luôn tiến tới mà không bao giờ đi giật lùi. Lội một mình cần cẩn trọng hơn vì khi gặp nguy không có ai cứu mà tự mình xoay xở thoát hiểm. Người lội nước thường phó mặc cho may rủi. Ai biết dưới sâu kia có miểng chai, cành gai, khúc cây, vỏ tôm, xương cá. Đạp trúng là máu hoà trong nước. Nhiều khi không biết, tối đến thấy đau mới biết bàn chân bị xẻ lúc nào.
Khi biết được người đi trên mặt biển ban đêm là Thầy. Thánh Phêrô mừng lắm, xin Thầy Kitô cho lội nước để đến với Thầy vì lòng mến, vì khát khao được là người trước hết đến với Thầy. Lời yêu cầu được chấp thuận Phêrô nhảy tòm xuống biển, thế mà người không chìm, ông bắt đầu bước đi, được bao xa không rõ, thấy cơn sóng lớn ập đến, Phêrô đâm hoảng, cơn sóng dường như lớn mạnh che phủ, lấn át che khuất tầm nhìn của Phêrô. Trong khoảng khắc ngăn cách ngắn ngủi không nhìn thấy Thầy. Phêrô hoảng sợ, bối rối hoảng hốt, la lớn,
Lậy Thầy, xin cứu con
Đức Kitô đã giơ tay cứu Phêrô. Ngài mắng yêu,
Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?
Hình ảnh Phêrô bước đi trên sóng nước cũng là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta bước đi trong sóng nước cuộc đời. Phêrô thực sự chìm sâu trong nước hay con sóng lớn bao bọc che phủ thân hình ông. Điều chắc chắn là Phêrô chưa sặc nước, ông còn đủ tỉnh táo bám víu lấy Thầy. Cuộc đời mỗi chúng ta cũng nhiều khi tưởng ngập chìm trong đau khổ nhưng thực ra đau khổ chỉ bao bọc thân ta, vây quanh như bức tường tù hãm khiến ta cảm thấy mình ngụp lặn trong khổ đau. Những lúc như thế hãy cố nhớ lại việc làm của Phêrô. Lậy Thầy, xin cứu con. Cũng hãy nhớ lại lời Chúa nói cùng Phêrô. Người hèn tin, sao mà nghi ngờ. Quả thế vì yếu tin, vì kém lòng mến cho nên nghi ngờ tình yêu Chúa là điều không thể tránh. Biến cố xảy đến trong đời cách nào đó giúp chúng ta nhận biết tình yêu ta dành cho Chúa mạnh yếu, nhiều ít. Biến cố là thước đo đức tin vào Chúa.
Qua màn đêm, Phêrô nhận ra hình bóng người lướt trên sóng nước. Ông không nhìn rõ đó là hình bóng nào. Mãi cho đến khi Đức Kitô lên tiếng ông mới nhận ra đó là Thầy. Bao lần trong đời chúng ta bỏ qua, làm lơ hình bóng chập chờn, mập mờ trong đầu, nhất là những hình bóng khuyên chúng ta làm việc lành, ngăn cản chúng ta làm sự dữ. Những hình bóng đó như giấc mộng, giấc chiêm bao, không rõ nét nhưng khá thật và khá mạnh bạo. Phải chăng đó cũng là hình ảnh Chúa lúc ẩn, lúc hiện trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Đi theo Chúa cũng phải mò mẫm, cũng dò dẫm từng bước để tiến tới. Điều may mắn nếu có vấp ngã Chúa không bắt lỗi nhưng sẵn sàng tha thứ và đến nắm tay trợ giúp.
Chúa đến một cách thanh thiên bạch nhật nhưng hình ảnh Ngài lại mờ ảo. Vì sao? Thưa sóng gió cuộc đời che lấp tầm nhìn. Thưa sóng nước cuộc đời bủa quanh khiến ta lo sợ trong cô đơn. Thưa vì ý định ta đã quyết, định trước cho nên ta từ chối tất cả các ý định khác. Tiếng lương tâm rõ ràng, quyết liệt nhưng không cuỡng bức. Vì sao? Vì Chúa ban cho ta tự do và tôn trọng quyền tự do cá nhân mỗi người. Ngài không định thay ta hay cưỡng ép ta theo ý Ngài. Ta hoàn toàn tự do quyết định và chịu trách nhiệm về hậu quả quyết định ta chọn.
Tiên tri Elia diễn tả sự hiện diện của Chúa trong đời bằng hình ảnh rất dễ thương. Thiên Chúa phán cùng ông hãy đứng trên đỉnh núi đón Chúa đi ngang. Cơn gió mạnh đi qua, cơn bão táp thổi đến, động đất tiếp theo, lửa cháy ào ào. Elia chờ đón mãi mới gặp Ngài trong cơn gió hiêu hiêu thổi. Chúa đến trong đời ta cũng nhẹ nhàng như thế. lời Ngài ban sự sống, đầy sinh động cũng đến nhẹ nhàng như gió thoảng. Chúng ta cầu xin ơn khôn ngoan biết nhận ra Chúa trong những hình ảnh, hoàn cảnh khác nhau trong đời.
60.“Lạy Thầy, xin cứu tôi” – Lm. Nguyễn Thái
Nhà văn Mark Twain cùng đi với vợ viếng thăm Đất Thánh. Họ đến Capharnaum, nơi Chúa Giêsu khởi sự đời sống mục vụ công khai và trải qua nhiều biến cố quan trọng ở đây. Thị trấn nằm trên bờ biển Galilêa. Vào một đêm trăng, hai vợ chồng bước đi dọc theo bờ biển và quyết định mướn một chiếc thuyền chèo ra biển hóng gió. Mark Twain hỏi một người đàn ông đang ngồi trên thuyền phải trả bao nhiêu tiền để đưa họ ra biển. Mark Twain thường mặc bộ com-plê trắng, giầy trắng và đội mũ cao bồi rộng vành của người Texas. Với phong cách và kiểu ăn mặc như vậy, người chủ thuyền nghĩ Mark Twain phải là một người Mỹ giàu sang nên ra giá 25 đôla cho một chuyến du thuyền. Nghe vậy, Mark Twain đành cám ơn ông chủ thuyền rồi bỏ đi. Đi được vài bước ông quay sang nói với vợ: “Bây giờ tôi mới biết tại sao Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước!” Có phải ý ông muốn nói vì đi thuyền đắt quá, Chúa Giêsu không có tiền, nên phải bước đi trên mặt nước không?
Mark Twain đã nghĩ ra một cách cắt nghĩa khôi hài về phép lạ Chúa Giêsu bước đi trên biển trong bài Phúc Âm hôm nay. Một sự hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của câu chuyện Chúa Giêsu bước đi trên biển, ắt phải nói về con người Chúa Giêsu là ai, về Giáo Hội và về đời sống đức tin của mỗi người Kitô hữu.
1. Về Chúa Giêsu:
Câu chuyện phép lạ Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước biển, kết hợp với câu chuyện hóa bánh ra nhiều trong bài Phúc Âm tuần trước, chứng tỏ rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Ngài có quyền hành trên tất cả mọi sức mạnh tự nhiên và siêu nhiên.
Người Do Thái tin tưởng rằng biển cả thuộc lãnh vực của các quyền lực ma quỉ siêu nhiên, chẳng hạn bọn quỉ nhập vào bầy heo, rồi lao xuống biển (Mt 8,32). Một trận cuồng phong bão tố ở biển khơi được coi là công việc của những thần thù nghịch. Bằng việc bước đi trên những ngọn sóng thần hung dữ và làm yên lặng biển động, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là Đấng có quyền lực và hoàn toàn làm chủ trên những sức mạnh thù nghịch này.
Rất nhiều người Kitô hữu thờ lạy Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần, ma quỉ, và có khi lại còn tin vào bùa ngải nữa. Phúc Âm hôm nay mang lại cho chúng ta một niềm tin tưởng rằng những quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa Giêsu đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta.
2. Về Giáo Hội:
Con tàu trên đại dương là một trong những biểu tượng của Giáo Hội mà những người Kitô hữu tiên khởi đã sử dụng để ám chỉ cuộc hành trình đức tin trên trần gian. Giống như con tàu nghiêng ngả trên sóng nước, Giáo Hội cũng bị tấn công từ mọi phía bởi những quyền lực trần gian như thánh Augustinô đã nói: “Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa”. Ở giữa những khủng hoảng, Chúa Giêsu đến mang lại sự bình an và hòa khí êm dịu trong Giáo Hội. Thế nhưng, Ngài lại đến dưới một hình thức và cách thế làm nhiều người Kitô hữu sợ hãi và la lên: “Ma kìa!” Họ muốn Ngài tránh xa khỏi họ. Nếu biết lắng nghe, trong bão tố chúng ta sẽ nhận ra tiếng Ngài thì thầm trong gió: “Hãy an tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Ngài hứa, sự hiện diện của Ngài sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).
3. Về Phêrô và các người Kitô hữu:
Bài học của Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng là bài học đức tin cho tất cả mọi người Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.
Một nam tu sĩ trong tu hội của Mẹ Teresa Cancutta đã đến than phiền với Mẹ về luật lệ của một vị bề trên đã ban ra, mà ông thấy rằng nó đã cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những người cùi,” ông nói với Mẹ Teresa, “tôi muốn sống cho những người cùi”. Mẹ Teresa nhìn thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm cười và nhẹ nhàng nói: “Thưa sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải làm việc cho những người cùi, nhưng ơn gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô.
Khi nào chúng ta không nhìn thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống. (Pl 4:12b).
Cha Mark Link đã cùng câu chuyện sau đây để minh họa cho điều này. Một con tàu đang gối sóng trên đại dương. Những cơn gió mạnh thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có thể bị rách bươm. Một chàng thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo lên cột những cánh buồm lại. Anh chưa bao giờ trèn lên cột buồm chính vào thời tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh bắt đầu trèo, và dường như muốn tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng người lại, không thể leo lên hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to: “Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã.” Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét của bão tố: “Hãy nhìn lên! Hãy nhìn lên sẽ không bị ngã!”
Khi vượt biên đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học thêm được hai từ Anh ngữ mới: “boat people and land people”, người đến bằng đường biển và bằng đường bộ. Người đến bằng đường biển đã được Cao Ủy Liên hiệp quốc áp dụng chính sách tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn.
Sau khi vượt biên bằng được bộ sang Campuchia, tôi đã xuống tầu vượt qua Vịnh Thái Lan. Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt đại dương bao la. Vào một đêm giông bão, trời tối đen như mực, ghé tai vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài. Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn nhắm mắt, bịt tai và cầu xin Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn khủng khiếp này.
Bây giờ nghĩ lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống như Pherô. Ở trên một chiếc thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô bước đi trên nước. Một kinh nghiệm vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc! Tôi đã được cứu thoát là nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây giờ lập lại biến cố này, toi sợ rằng sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm tin lại suy yếu dần. Tôi đã nghĩ ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn cũng sẽ chìm giống như Phêrô!
Trong lúc các môn đệ cần đến Chúa giêsu, Ngài đã đến với họ. Khi có gió ngược và cuộc đời trở nên trắc trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp đỡ. Ngay khi chúng ta cần đến ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải cứu chúng ta (Gc 4:8).
William Barclay chia sẻ như sau: “Trong cuộc đời gió thường thổi ngược. Có những lần khi chúng ta đi ngược gió, và cuộc đời là một sự phấn đấu tuyệt vọng với chính mình, với những hoàn cảnh, những nỗi buồn và quyết định của mình. Những lúc đó, không ai phải phấn đấu một mình, bởi Chúa Giêsu đến với họ qua những sóng gió cuộc đời, với cánh tay đưa ra để cứu vớt và với giọng truyền êm ái ra lệnh cho chúng ta phải an tâm, đừng sợ hãi.”
Thực ra câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước không phhai là một biếnc ố tình cờ xảy ra cho các môn đệ. Đây là dấu hiệu và biểu tượng của tình yêu và quyền năng của Chúa Giêsu đối với Ngài khi gặp bão tố gian nguy (Mt 16:18). Tất cả chúng ta sẽ cảm nghiệm điều này nếu chúng ta kêu cầu với Ngài như Phêrô khi xưa: “Lạy Thầy xin cứu con!” (14:30).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam