Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 24
Tổng truy cập: 1353946
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
LỄ ÐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
TIN MỪNG: Lc 1, 39 � 56
Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn !
Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
SUY NIỆM:
CHUYỆN HỒN VỚI XÁC
Ðã từng có một thời, người ta xôn xao về chuyện Nhị Nguyên, phân tách Hồn � Xác, đến mức tranh cãi và xung đột nhau gay gắt, để lại nhiều vết thương đau đớn trong Giáo Hội.
Có lẽ hôm nay, nhân đại lễ Ðức Mẹ Hồn Xác về Trời, chúng ta không cần lạm bàn triết học hay thần học dài dòng thêm về thuyết Nhị Nguyên này, nhưng hay hơn và cần thiết hơn, chính là thành tâm cúi đầu thú nhận rằng: ít hay nhiều, cuộc sống Ðạo của chúng ta, cho đến bây giờ, vẫn cứ còn lấn cấn chập choạng thế nào ấy, giữa Ðạo với Ðời, giữa cái diễn đạt nghi thức ở bên trong Nhà Thờ và cách thế nghiệm sinh ở bên ngoài Nhà Thờ, giữa chuyện của linh hồn và thân xác, cứ như thể hai đằng chẳng có gì hỗ tương hòa nhập làm một, cứ như thể có đến hai cái Tôi, một cái dành cho Nước trên Trời, và một cái dành cho Nước dưới... Ðất.
Nghĩ mà khổ ! Giá cứ thẳng tuồn tuột một đường lo cho cái ăn, cái mặc, chuyện vợ chồng, chuyện con cái, làm việc và vui thú hưởng thụ như một người vô thần vô tín ngưỡng, đàng này lại chúng ta lại đã trót... làm người có Ðạo, lại là Ðạo độc thần nữa cơ chứ !
Cũng trong cái nhãn quan bị cận thị mù mờ ấy mà chúng ta dễ nhìn Ðức Mẹ một cách lệch lạc khiếm khuyết: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cơ mà, chuyện Hồn Xác được rước vào Nước Trời là đương nhiên, miễn bàn ! Từ tâm não ấy, người ta cảm thấy an tâm hài lòng, chỉ cần tung hô ngợi khen Mẹ bằng những bài Thánh Ca bay bổng tuyệt vời, chỉ cần suy tôn Mẹ như một bà Hoàng rất Thánh, đại Thánh, vô cùng Thánh, ở trên chín tầng mây cao thẳm, thi thoảng làm như vẫn ghé mắt rủ lòng, nhìn xuống đoàn con dân khốn khổ dưới cõi trần bi ai mà... "phát chẩn" những ơn này ơn kia. Cái não trạng này, của đáng tội, tuy hơi quá lời, không khác gì người đời hàng năm cứ đến mùa lễ hội, lại nườm nượp chạy hết đền này phủ nọ để tôn sùng, cầu cạnh xin xỏ và vay nợ bà Chúa Sứ, bà Chúa Kho, bà Chúa Liễu Hạnh...
Chắc chắn không phải là như vậy đâu nhỉ ? Tín điều của Giáo Hội tuyên xưng Ðức Mẹ cả Hồn lẫn Xác về Trời đâu có phải là chuyện trẻ con, mê tín dị đoan tầm phào như thế ! Hồn và Xác của Mẹ đã là một, là duy nhất trong cách thế Mẹ hiện diện trọn vẹn trước Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, đến mức được tôn vinh là Hòm Bia của Thiên Chúa, là Ðền Thờ Thiên Chúa ngự, là Cửa Thiên Ðàng...
Mà thôi, chúng ta chỉ cần nương dựa thật chắc vào Kinh Thánh để nhận ra nơi Mẹ có hai nhịp sống, hai mà là một: nhận đón và trao ban Tin Mừng của Thiên Chúa.
Khi nhận đón Tin Mừng, Mẹ đã nhận đón bằng cả Hồn lẫn Xác, nhờ xúc tác kỳ diệu của Chúa Thánh Thần, để Ngôi Lời được nên xương nên thịt trong dạ Mẹ kể từ ngày được truyền tin, và cứ thế mà Mẹ không ngừng thai nghén cưu mang Ðức Giê-su cho Giáo Hội, cho từng người trong chúng ta, âm thầm cho cả những người chưa chịu "khẩu phục tâm phục" Ðức Giê-su, cho cả những người cứng đầu cứng cổ, vẫn đang tìm cách đẩy Ðức Giê-su ra khỏi đời mình !
Rồi khi trao ban Tin Mừng, Mẹ cũng đã trao ban bằng cả Xác lẫn Hồn, cũng luôn nhờ vào tác động sâu xa của Chúa Thánh Thần, để Ngôi Lời được thành Lời kêu to lên, công bố lớn tiếng lên trên thế giới, truyền đi cho đến tận cùng cõi Ðất, để Tin Mừng được toàn cầu hóa ( hay là toàn cầu hóa Tin Mừng ? ), để rồi sẽ không còn có ai trên đời này mà lại không được cơ duyên một lần nào đó nghe nói về Ðức Giê-su, gặp được Ðức Giê-su và được Ðức Giê-su chạm đến mà chữa lành.
Hai nhịp mà là một, hòa quyện, lồng vào nhau, chan cho nhau, đổ đầy lẫn nhau như một chiếc bình thông nhau. Bởi vì nhận đón cũng chính là trao ban, nhận đón để trao ban và trao ban thì cùng lúc vẫn phải không ngừng nhận đón, để không bị vơi, không bị cạn. Mẹ là thế !
Dòng Chúa Cứu Thế được Giáo Hội chính thức ủy thác cho việc cổ súy lòng sùng mộ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( Notre Mère du Perpétuel Secours � Our Mother of Perpetual Help ). Hằng cứu giúp chứ không phải lâu lâu mới cứu giúp, hay cứu giúp theo định mức chỉ tiêu, cũng chẳng đợi con người ta xin cứu thì mới giúp, hoặc lâm vào nghịch cảnh nguy tai cần giúp mới cứu. Cứu giúp ở đây mang ý nghĩa nhận đón và trao ban. Mẹ nhận đón lấy Giê-su, nhận đón lấy Tin Mừng cũng là một trật, trao ban Tin Mừng, Tin Vui, Tin Lành, trao ban Giê-su của yêu thương, của sự sống, của hy vọng cho mọi người trong một bối cảnh thế giới luôn luôn từ khước vị tha xả kỷ và dẫy đầy những Tin Buồn, Tin Xấu, Tin Chết.
Một khi cuộc sống chúng ta, thế giới chúng ta vẫn còn đó những khủng bố, tạt acid, phá thai, những hà hiếp bóc lột bất công, những bạo hành ngược đãi đối với phụ nữ và trẻ thơ, những hất hủi đối với người tật nguyền, những người phong cùi, những người nhiễm AIDS... thì dẫu Hồn Xác Mẹ đã được lên Trời, nhưng Mẹ vẫn sẽ chẳng chịu "nghỉ hưu" mà an hưởng gia nghiệp Nước Trời vinh quang. Ngược lại, Mẹ vẫn mãi cả Xác lẫn Hồn lặn lội tất tả trên mọi nẻo đường dương thế để cứu giúp con cái của Mẹ bằng chính liệu pháp Giê-su, bằng chính thuốc "trụ sinh" Tin Mừng ( "Christomycine", "Gospelcycline" theo cách nói của cha Tiến Lộc trong trại cải tạo cách đây 20 năm ).
Thế nhưng, Mẹ còn muốn gì nơi lòng chúng ta ? Ở Ca-na, Mẹ bảo các người giúp việc trong tiệc cưới: "Người có bảo sao, các anh cứ làm y như thế !" Chắc là Mẹ không muốn phát chẩn cho chúng ta bằng những phép lạ mang tính biểu diễn, cũng không muốn chúng ta cứ mãi ngửa tay xin bố thí từng ân huệ, nhưng là hiệp sức cộng tác với Mẹ trong khả năng và ơn gọi của mình.
Trong xúc tác của Chúa Thánh Thần, Tin Mừng Giê-su, một khi đã được đón nhận thì có sức tỏa sáng, lan tỏa rất nhanh, rất mạnh, rất sâu, rất rộng, có sức chinh phục âm thầm mà sâu xa như trong một phản ứng hạt nhân dây chuyền. Bất cứ ai, tôi và các bạn, mỗi người và mọi người, một khi đã chịu lấy, đã nhận đón Tin Mừng thì không còn có thể khoanh tay ngồi yên, có giả điếc làm ngơ, vờ ngủ mê thì Mẹ cũng lay tỉnh và thúc giục chúng ta phải mở lòng ra mà trao ban, mà chuyển giao Tin Mừng cho những người khác nữa đang ngong ngóng chờ đợi khát khao, dù họ có ý thức điều đó hay không. Ðể rồi ai cũng có thể thốt lên: "Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả" ( Lc 1, 49 ). Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng là như thế đó...
Hôm Chúa Nhật 12.8, trước khi đến dâng Thánh Lễ tại nguyện đường Sainte Marie ở Hà Nội, tôi nhận được một E-Mail từ trong Nam chuyển ra, nội dung là lời cầu cứu của một gia đình nghèo ở tỉnh Ðồng Nai có cháu bé bị Tim bẩm sinh đã đến hồi nguy kịch. Tiện tay tôi cầm lá thư kẹp vào trong quyển sổ soạn bài giảng. Và tôi đã mạnh dạn đọc to lá thư ấy cho cộng đoàn. Khi tan Lễ, mọi người quây lại khen tôi giảng hay quá. Bản tính tự nhiên con người khiến tôi thấy len lén một thoáng tự hãnh kiêu ngạo, nhưng ngay sau đó, tôi hiểu rằng mình đã được Chúa Thánh Thần "mượn tạm", đã được Mẹ Hằng Cứu Giúp trưng dụng, sung công để nhận và chuyển ngay Tin Mừng của ngày hôm ấy đến cho mọi người, đích xác là cho những anh chị em đã có mặt trong Thánh Lễ ngày hôm ấy. Ngày 16.8, ngay sau khi cử hành Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác về Trời, tôi vào lại Sài-gòn, không chỉ mang theo số tiền 3.050.000 đồng mà còn là cả tấm lòng yêu thương san sẻ của những người bạn Hà Nội cho một em bé, cho một gia đình ở tít tận mền Nam. Không ai biết mặt ai, không ai đã từng quen biết ai, nhưng cũng không ai còn xa lạ nhau trong Tin Mừng Giê-su kỳ diệu.
Vậy đó, chuyện Hồn với Xác đâu có gì là tách bạch, chuyện Ðạo với Ðời đâu có gì là chia cách biệt phân. Mẹ về Trời nhưng không ở trên Trời xa xôi, Mẹ vẫn đang lang thang lữ hành trên cõi Ðất này, vẫn đang chọn dừng chân lưu ngụ nơi mỗi tâm hồn những con cái đáng thương của Mẹ để gửi gấm và làm nở hoa Tin Mừng. Mà như vậy, đâu phải đợi đến ngày "xác phàm sẽ sống lại" để cùng với linh hồn để bay về Trời mà hạnh ngộ với Thiên Chúa và Mẹ, nhưng ngay hôm nay, đang giữa đường trần ngược xuôi tất tả, cả hồn lẫn xác chúng ta cũng đã được nếm lấy hương vị bữa tiệc Nước Trời, đã được "tạm ứng" nỗi Mừng Vui kín ẩn mà thấm thía của Tình Yêu...
Tôi tin, trong những ngày đang diễn ra Ðại Hội La Vang lần này, Hồn và Xác Mẹ cũng đang chạm đến hồn và xác của nhiều con người, như đã từng chạm đến tôi, đến những anh chị em ở Sainte Marie, đến những em bé như em bé bị Tim bẩm sinh ở Ðồng Nai, đến cả bạn nữa đấy.
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
TÀI LIỆU:
NGƯỜI THIÊN THAI GIỮA TRẦN AI
Theo thị kiến của thánh nữ Catherina Emmerich về cái chết của Mẹ Ma-ri-a thì Mẹ mất vào khoảng 80 tuổi đời. Các Thánh Tông Ðồ lo liệu táng xác Mẹ vào một hang mộ. Thánh Tô-ma khi ấy đang đi công tác rao giảng Tin Mừng ở A�n-độ trở về chậm mất mấy ngày. Trong cơn đau đớn của người con bị mất Mẹ mà ông hết dạ kính yêu, ông đòi phải mở hầm mộ ra cho ông được nhìn lại Mẹ của ông lần cuối để ông đành lòng cam chịu ý nghĩ người Mẹ muôn vàn yêu quý đã thực sự qua đời. Các Thánh Tông Ðồ đành phải lăn tảng đá bít kín ngôi mộ của Mẹ Ma-ri-a theo sự đòi hỏi đáng thương của Thánh Tô-ma.
Và người ta thấy ngôi mộ trống trơn. Không còn di hài của Mẹ ở trong đó nữa, không còn dấu vết hình hài người Mẹ cao cả đã từng nửa thế kỷ sống bên cạnh những người con Tông Ðồ, trong ánh nắng hồng của miền Ga-li-lê hay trong ánh nến biếc của Giáo hội sơ khai giữa những đêm nguyện cầu. Vậy mà phút chốc người ta không còn tìm thấy Mẹ đâu nữa, phần mộ thế gian không cất giữ được tấm hình hài thiêng liêng của Mẹ. Mẹ đã thực sự đi vào không gian tâm tưởng hoài niệm của các con Mẹ.
Trong cuộc đời của chúng ta cũng thường chứng nghiệm được điều này: là khi một người thân yêu của ta đã mất đi, chính lúc ấy ta thục sự biết rằng người đó đang sống hơn bao giờ hết trong lòng ta, và luôn luôn gần gũi bên ta mãi mãi.
Tuy nhiên Ðức Mẹ không chỉ bất diệt trong tâm hồn thánh Tô-ma và các Thánh Tông Ðồ khi họ không còn thấy lại thân xác của Mẹ trong mồ nữa, mà từ đó Mẹ Ma-ri-a đã hiện ra khắp nơi trên trái đất, từ phương Ðông cho đến phương Tây, từ phương Nam cho chí phương Bắc, Mẹ không để cho con cái loài người của Mẹ lâm cảnh bơ vơ côi cút. Từ hai ngàn năm nay, cách riêng trong thế kỷ hai mươi, Mẹ đã hiện ra đến 300 nơi chốn trên toàn thế giới.
Từ Lourdes đến Fatima Bồ-đào-nha năm 1916 � 1917, là trọng tâm của Sứ Ðiệp kêu gọi Ăn năn hối cải. � Lần chuỗi Mân Côi � Ðền tạ Thánh Thể � Sống Khiết tịnh.
Trong khi nhân loại đang trên bờ vực tự hủy diệt vì muôn ngàn tội lỗi, Mẹ đã cho biết trước Thế Chiến Thứ I sẽ kết thúc và kế tiếp Thế Chiến thứ II sắp xảy ra vô cùng thảm khốc và ngày 13.7.1917 Mẹ hứa cùng 3 em bé Jacintha, Lucia và Francisco ở Fatima "Ta sẽ cho nước Nga được trở lại", kèm theo nhiều phép lạ cả thể.
Mẹ cũng đã hiện ra liên tiếp nhiều nơi khác để loan báo cùng một sứ điệp mang lại sự hòa giải cho loài người. Ðã biết bao lần Mẹ đã xoay chiều hướng đi của lịch sử nhân loại qua những sự can thiệp bất ngờ của Ðức Mẹ trong kế đồ mưu sự hòa bình cho thế giới.
Những nơi được ghi nhận điển hình là Beaurang và Banneux Bỉ Quốc, 1932, Mẹ hứa hoán cải người tội lỗi với Danh xưng là Trinh Nữ của kẻ nghèo. Ở Garabandal Tây-ban-nha 1961, Mẹ kêu gọi suy tôn Mình Thánh Chúa, Vâng phục Giáo hội trước hết và sứ điệp cuối cùng cho hàng tu sĩ linh mục: "Yêu cầu các con cải thiện đời sống".
Ở Akita Nhật-bản 1973 � 1981, Mẹ dạy chị nữ tu Nhật Bản đọc kinh Fatima đầu tiên ở Nhật, máu và nước mắt chảy ròng rã trên tượng Ðức Mẹ, Mẹ khóc đến 101 lần để kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối. Sau khi cùng các nhà bác học kiểm chứng đúng là nước mắt của người thật, một vị bác học Nhật ở Akita đã tuyên bố: "Khi một người Mẹ khóc trước mắt con cái thì phải có điều gì quan trọng lắm". Còn gì quan trọng hơn trong cuộc sống, giữa một thế giới sa đọa và ích kỷ, mà lòng người Mẹ Thiên Chúa đau đớn biết rõ tầm vóc khốc liệt dữ dằn của sự nghiêm phạt, đã không ngừng cầu mong cho con cái mình tránh khỏi và được thứ tha.
Ở Medjugorie Nam Tư năm 1981, một xứ đạo thuộc tỉnh Bosnia nơi xảy ra trận chiến kéo dài triền miên, Mẹ hiện ra 11 năm trên 4 ngàn lần cho sáu thiếu niên nay đã trở thành thanh niên: "Hãy tránh sự nghiêm phạt bằng cầu nguyện và ăn năn thống hối, không phải cho đến ngày phán xét mới có sự cứu chuộc sau cùng, không bao giờ quá trễ để ăn năn trở lại."
Năm 1988, giữa núi rừng Phi Châu, tại Kibeto Rwan, Mẹ đã hiện ra lần này có cả Ðức Giê-su con của Mẹ. Sứ điệp Kibeto như một tiếng kêu thất thanh "Hãy hoán cải, cầu nguyện và tỉnh thức". "Chúa Giê-su sẽ lại đến không bao lâu nữa đâu."
Ở Naju Nam Hàn năm 1985, tượng Ðức Mẹ của bà Julie Kim chảy nước mắt và máu liên lỉ, Mẹ hứa giữ gìn thế giới bằng lòng thương xót của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Mẹ nói: "Mẹ mời gọi van xin các con, dù các con đang sống thật xa trái tim của Mẹ." Mẹ hiện ra nhiều nơi ở Mỹ quốc, đặc biệt ở Conyer tiểu bang Georgia trong thập niên 1990 � 2000 liên tiếp mỗi ngày 13 của tháng.
Sứ điệp yêu thương của Mẹ trải dài thiên thu nhật nguyệt. Riêng ở Việt Nam chúng ta có Ðức Mẹ Trà Kiệu, Ðức Mẹ La Vang 1798 Mẹ hiện ra trong cơn cấm cách bắt đạo thời triều Nguyễn, để cứu các tín đồ Thiên Chúa giáo và ban nhiều phép lạ cứu giúp hơn hai trăm năm nay cho cả người ngoại đạo.
Như vậy, chỉ trong khoảnh khắc sự kiện thân xác của Ðức Mẹ không còn được trông thấy trong mộ phần thế gian được sáng tỏ đến thiên thu. Thiên Chúa muốn cho toàn thể con cái loài người trên hoàn vũ đều được chiêm ngưỡng sức sống cứu độ trên dung nhan yêu kiều diễm lệ của Mẹ Người, có nghĩa là sau cuộc sống trần gian "Ðức Ma-ri-a được Thiên Chúa đem lên Trời cả hồn lẫn xác."
Giáo hội La Mã ngày 15.8 năm 650 đã chính thức cử hành Ðại Lễ mừng Kính "Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời". Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pio XII trong Ðịnh Tín Vô Ngộ đã xác nhận:
"Ta xác nhận, tuyên bố và định tín rằng đây là một Tín điều do Thiên Chúa mạc khải, là Mẹ Thiên Chúa vô nhiễm, Ðức Ma-ri-a trọn đời đồng trinh, sau khi kết thúc cuộc sống của người trên dương thế, đã được đem cả hồn xác lên hưởng vinh quang Thiên Quốc." � Tông hiến Thiên Chúa vô cùng quảng đại ( Munificontissimus Deus ) của Ðức Pio XII, ngày 1.11.1950.
Ðược giữ gìn tinh sạch khỏi mọi vết nguyên tội và sau khi đã hoàn tất cuộc đời trần thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm nữ vương Vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. ( Trích Hiến Chế về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II số 59 )
Với hình ảnh Người Mẹ đi về không ngớt từ hai ngàn năm nay, Mẹ Ma-ri-a đã cùng với thế giới hàm tàng trong một chân lý duy nhất: Con người phải thực hiện sự sống toàn diện của nó và chỉ có thể an trú trong cõi vô cùng.
Mẹ không ngớt kêu xin người tội lỗi ăn năn trở lại, bởi vì trong tội lỗi con người đã tự mình đứng về phía hữu hạn, chống lại cõi vô hạn vốn là nguyên ủy của chính bản thân mình. Bởi cho cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, con người từ khi sinh ra luôn thấy khát khao vẻ đẹp và nguồn vui, nhưng có sống muôn triệu năm con người vẫn thường thấy mình thiếu thốn. Những lạc thú trong đời tự nó không có gì nhiều, chỉ do lòng ham muốn của ta biến đổi nó thành ảo tượng. Do đó con người luôn tự biết mình cần một cái gì rộng lớn hơn, bởi sống mãi cùng sự kém cỏi hơn mình là một điều đau khổ sâu xa. Giữa cuộc đời này cưu mang nơi nó cùng lúc sự chết và sự sống, sự ác và sự thiện, bóng tối và ánh sáng, những điều cực tiểu và cực đại, ti tiện và cao quý, tủi nhục và vinh quang, đau khổ và phúc lạc, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại mẫu người thiên thai là Mẹ Ma-ri-a, để dạy cho ta biết thương yêu, biết cho đi hết cái tôi phàm trần dòn mỏng của mình, bởi tự kỷ chúng ta không được hoàn bị, chúng ta còn phải tiến đến sinh thành. Nếu cứ phải lặp đi lặp lại hằng hà sa số những kiếp làm người trần ai, hẳn ta phải tưởng tượng ra cái vô cùng tận kinh hoàng của luân hồi địa ngục.
Mẹ Ma-ri-a là người nữ đầu tiên của loài người đã thưa "Xin Vâng" cùng Thiên Chúa. Mẹ nhận lãnh công việc của Thiên Chúa, với sứ mạng làm Mẹ Chúa Giê-su, ngay khi tại thế, Mẹ chính là Ơn Cứu Rỗi. Thiên Chúa ngụ trong Mẹ, và Mẹ đã ở trong Người. Ðể xóa bỏ thân phận ngục tù thế gian cho chúng ta, Mẹ đã từ khước bản thân mình, phó thác trọn vẹn, với ý chí mãnh liệt dấn thân giữa trần thế, nhưng với bản ngã thần linh. Thật vậy, cái gọi là tri thức của con người không bao giờ có thể chiếm hữu được cái hữu thể vô hạn của chúng ta, vốn không thể mãn nguyện trong biên giới của tự nhiên, và phải cảm nhận được cái vô cùng mà ta biết rằng không bao giờ ta nắm bắt được bao lâu ta còn ở trong trần thế.
Vậy mà lạ thay, đó mới thật sự là hạnh phúc ! Ðó là một cái gì lớn hơn, cái mà mình không bao giờ mong có được, một mối mơ không bao giờ mất, bởi trong thân phận làm người, chúng ta đã từng có được gì đâu.
Ngày 15.8 Lễ Ðức Mẹ Lên Trời Hồn Xác chính là ngày đại lễ ước mơ của mỗi người chúng ta, bởi chúng chúng ta được thông phần ơn cứu chuộc và thánh hóa cùng Ðức Mẹ. Sứ điệp của Mẹ từ hai ngàn năm nay là chiếc tàu Nuê của chúng ta. Cho nên để đón nhận nước Thiên Chúa ngay giữa trần gian này ngõ hầu chuẩn bị ngày Chúa quang lâm, chúng ta hãy nên như trẻ thơ chỉ biết yêu mến và cậy trông vào Mẹ, xin Mẹ dạy ta hai tiếng "Xin Vâng", vượt thoát mọi lý lẽ, mọi hoàn cảnh thế gian. Lời Kinh Mai Khôi vang lên qua bao thế kỷ, lan tỏa khắp mọi không gian, cho tất cả hiện tại trở thành vĩnh hằng, chúng ta đi theo Ðấng đã "Xin Vâng", Ngôi Lời ở trên môi, nào có xa vời, vốn không hề nơi đâu khác.
Chúng ta chiêm ngắm đường đi nẻo về của Người Mẹ tôn nghiêm và vĩnh cửu, Người Mẹ đẹp tuyệt trần, lồng lộng cao sang trên đường mây cánh gió. Mắt Mẹ dịu dàng tĩnh hư âu yếm, trong đáy mắt u hoài thiên thu thần thoại, tàng ẩn nơi chốn được ban tặng trọn vẹn yêu thương viên mãn.
Với mầu nhiệm Ðức Mẹ lên trời hồn xác, tôi xác tín được rằng Thiên Chúa không hề phân ly với sáng tạo của mình.
MARIE MARTIN THANH SÂM � Từ VietCatholic 17.8.2001
CHỨNG TỪ:
LẠY CHÚA, CON ÐÃ TIN RỒI !
Tạp chí Âm Vang Lộ-đức ( Écho de Lourdes ) thuật lại một câu chuyện có thật như sau:
Có một người vô thần có đứa con gái yêu quý bị bệnh bại liệt mà các bác sĩ đều đã chịu bó tay, không tài nào cứu chữa được nữa. Ông nghe những người quen biết đồn rằng Ðức Mẹ ở Lourdes nước Pháp, có thể chữa lành cho cô bé.
Cuối cùng thì ông cũng đã chấp nhận đưa con gái đến Lourdes, nhưng không quên tuyên bố với những người bạn cả Công Giáo lẫn vô thần rằng: "Nếu tôi thấy con gái tôi được chữa khỏi, nếu tôi thấy tỏ tường nó chỗi dậy và đi lại được, tôi sẽ tin rằng Thiên Chúa hiện hữu !"
Khi đến Lourdes, ông đưa con gái lại gần, chen giữa đám đông những bệnh nhân đang vây quanh chiếc giếng mà Ðức Mẹ thường làm phép lạ. Khi gặp được cha Bailly, một Linh Mục thường trực phụ trách tại địa điểm hành hương này, ông đã nói tất cả về nỗi niềm còn bán tín bán nghi của mình vào phép lạ.
Và đúng lúc em bé được đưa xuống chiếc giếng cạn để nhúng ướt hoàn toàn trong nước, cha Bailly đã lớn tiếng nói với mọi người đang có mặt: "Có ai trong các vị hiện diện ở đây bằng lòng tận hiến chính mình làm hy tế cho Thiên Chúa Nhân Lành để cầu nguyện cho một người vô thần không ? Có ai không ? Chỉ một người thôi, bằng lòng cam chịu cơn bệnh nan y cho tới chết để cho cô bé này được lành, và để cho người cha vô thần này được trở lại đạo không ?"
Mọi người yên lặng... Mấy phút trôi qua... Chợt có một nữ bệnh nhân trung niên chống nạng hai bên nách khó nhọc bước ra khỏi đám đông và nói nhỏ nhẹ thật khiêm tốn: "Vâng, có tôi, tôi xin tự nguyện !"
Ngay lúc ấy, bé gái liền được khỏi bệnh và tự mình bước ra khỏi miệng giếng. Người cha vô thần vội quỳ xụp xuống, thổn thức: "Lạy Chúa,, xin Chúa tha tội cho con, con tin rồi !"
Lm. TIẾN LỘC
CẦU NGUYỆN:
TẠ ƠN THIÊN CHÚA ÐÃ BAN MẸ MA-RI-A CHO CHÚNG CON
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, Ðấng tạo thành trời đất,
Ðã tỏ hiện cho những khiêm nhu bé mọn.
Chúng con cảm tạ Cha đã muốn giao ước với loài người.
Cha đã yêu thương chúng con trước một cách nhưng-không,
Khi đoái đến một dân tộc mà Cha gọi là "dân nhỏ bé nhất trong muôn dân".
Tại một thôn xóm vô danh nhất trên miền Ðất Hứa,
Trong số những thiếu nữ vô danh nhất của Ít-ra-en,
Cha đã chọn một cô gái làm Mẹ Chúa Giê-su,
Một cô gái được chúc phúc hơn mọi cô gái,
Một thiếu nữ đã đáp ứng được mọi ân sủng của Cha.
Ðối với muôn thế hệ,
Ðức Ma-ri-a đã trở nên gương sáng phục vụ và khó nghèo cho Hội Thánh.
Vâng, lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha
Ðã gầy dựng nên Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a trong số những kẻ bé mọn.
Cha muốn rằng bởi Mẹ mà Chúa Con trở thành người trong nhân loại,
Kết hiệp chúng con với Cha trong Chúa Thánh Thần.
ROBERT GUELLUY . Trích Lời Kinh Từ Cuộc Sống
THÔNG TIN:
THÔNG TIN VỀ VIỆC TÌM NGƯỜI THÂN TRONG GIA ÐÌNH
Ai trong chúng ta cũng có một gia đình, đó là nơi chúng ta được sinh ra làm người, được tình yêu thương của những người thân thiết đùm bọc và nuôi dưỡng cho đế�n ngày lớn khôn. Tình cảm gia đình luôn theo bước, nâng đỡ mỗi người chúng ta trên cả đường đời, cho dù chúng ta không còn sống trong gia đình nữa� Vì thế thật là một mất mát lớn lao cho những ai không có được mái ấm gia đình, và những ai do hoàn cảnh phải lưu lạc xa gia đình, thì luôn mong muốn tìm lại được những người thân thích của mình. Xin kính gởi đến quí vị những thông tin về một thầy người Việt Nam, hiện là Ðại chủng sinh tại Ðại chủng viện Orleans � Pháp. Thầy đang về Việt Nam và xin giúp đỡ để tìm lại gia đình ruột thịt của mình như sau:
Thầy tên là LÉON VILLAGEOIS, sinh ngày 10.9.1970 tại Thạnh Mỹ Tây � Việt Nam. Ðó là tên và địa danh ghi trong thẻ Căn cước với quốc tịch Pháp. Khi còn bé tên của thầy là Minh, và nay còn một tên khác nữa là thầy Noel. Vào năm 1976, vì hoàn cảnh gia đình, cậu bé Minh được bố cho một ông người Pháp nhận làm con nuôi. Tên bố nuôi của cậu là ông EDMOND VILLAGEOIS, khi nhận cậu làm con nuôi ông đã gần 70 tuổi. Ông ở tại Việt Nam một năm để lo cho Minh học tiếng pháp, sau đó đưa Minh về Pháp vào tháng 2 năm 1977. Tại Pháp Minh lại được một gia đình khác là bạn của bố nuôi nhận và lo cho đi học, vì bố nuôi của Minh lúc đó yếu quá không lo cho cậu được. Cậu chỉ được nhận cái tên mới với họ của ông và đi đến trường với các cậu bé người Pháp khác.
Ðược biết thêm rằng ông Edmond Villageois trước kia là lính, được đưa sang Việt Nam trong thời chiến tranh Ðông Dương. Vào năm 1975, ông lập gia đình tại Sài gòn với một phụ nữ Việt Nam tên là LÂM THỊ BẢY, sinh năm 1925 tại Trà Vinh, và trong giấy tờ cho thấy có 5 người con sinh năm 1950 đến 1961, có lẽ cũng đều là con nuôi. Người con đầu nơi sinh tại Sài gòn, còn những người sau nơi sinh tại Ðà Lạt và đều được đặt tên Pháp để đưa về Pháp, những người này hiện nay không biết sinh sống tại đâu. Sau năm 1975, ông qua Việt Nam và nhận thêm cậu bé Minh về làm con nuôi. Ông bố nuôi của cậu qua đời vào năm 1980, nên cũng khó tìm được các chi tiết khác liên quan đến ông.
Vì lúc rời gia đình còn quá nhỏ, Minh không thể nào nhớ được quá khứ của mình, chỉ biết tên bố ruột là Long, và lúc ấy cậu là người con nhỏ nhất trong nhà. Ba và mẹ của Minh đều ốm người chứ không mập. Bên trên cậu hình như có hai anh và một chị. Cậu còn nhớ tên của Thạnh Mỹ Tây nơi mình ở là vùng thuộc Gò Vấp, không biết đến nay có gì thay đổi không... Nhà cậu không xa nhà thờ lắm, cậu vẫn nhớ như in ngôi nhà thờ rất lớn có mái cao, có mấy bậc thềm phía trước, một bờ tường xây trước nhà thờ với cổng ở giữa, còn chung quanh nhà thờ là trường học. Trước mặt nhà thờ là con đường khá lớn đông đúc xe cộ. Nhà cậu ở bên kia đường, đi sâu xuống gần bờ sông, trước khi qua Pháp Minh cũng được ba mẹ cho đi học ở ngôi trường này, đi bộ cách nhà khoảng chừng 10 phút. Bạn bè lúc ấy cũng nhiều với những trò chơi tuổi thơ rất vui, nhưng cậu không nhớ được ai cả...
Thời gian ở Pháp, cậu bé Minh theo học các lớp phổ thông, sau trung học chàng trai Léon vào một trường dạy nghề học 2 năm về ngành quản lý nhà hàng ( Baccalauréat Professionnel ) và đi làm việc một thời gian gần 10 năm. Cậu thanh niên đạo đức này thường đi hành hương ở Ðức Mẹ Lourdes và tham dự các kỳ tĩnh tâm của giáo phận và giáo xứ. Léon cảm nhận được lời mời gọi của Chúa, và xin các cha giúp nhận ra ơn gọi của mình. Ðáp lại tiếng Chúa gọi, Léon đã từ bỏ sự nghiệp để vào Ðại chủng viện hơn một năm nay. Với lòng thao thức truyền giáo, thầy dự định sẽ gia nhập vào Hội Thừa Sai Paris ( MEP ), và chọn đi giúp mùa hè ở các nước Á Châu. Vừa rồi thầy Léon có dịp đi hè ở Malaysia và gặp một chị FMM Việt Nam, chị giới thiệu cho thầy về Việt Nam gặp chị em để nhờ giúp đỡ.
Vì vậy chị em Phan-sinh Thừa Sai Ðức Mẹ Việt Nam chúng tôi gởi những thông tin này đến quí vị, xin mọi người góp sức giúp thầy tìm lại được người thân của mình. Nếu quí vị có những thông tin gì rõ hơn liên quan đến gia đình của thầy tại Việt Nam, xin vui lòng gởi giúp về cho chị Ngọc Lan theo địa chỉ e-mail: fmmmedia@hcm.vnn.vn hoặc gọi cho chị em ( 08.8.940.446 ) để chúng tôi có thể báo lại cho thầy. Xin chân thành cảm ơn và nguyện xin Chúa đổ tràn đầy ơn lành xuống trên quí vị.
Nguyện chúc Bình An và Thiện Hảo !
Chị em FMM Việt Nam
THÔNG TIN VỀ MỘT BỆNH NHÂN ÐANG LÂM CẢNH NGẶT NGHÈO
GOSPELNET vừa nhận được một lá thư gửi bưu điện đề ngày 4.8.2001, của Linh Mục Nguyễn Văn Kích, Dòng Don Bosco, là cha sở Giáo Xứ Tân Cang, hạt Long Thành, Giáo Phận Xuân Lộc ( Ðiện thoại: 0913.872.543 � 061.869.467 ). Cha mở lời kêu gọi xin trợ giúp cho gia đình anh NGUYỄN VĂN HIỆP, nguyên là ca trưởng ca đoàn của Giáo Xứ Tân Cang.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1968 và vợ là chị nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại tổ 1 khu Tình Thương, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai. Anh hiệp bị tai nạn giao thông ngày 4.2.2001, bị chấn thương sọ não nghiêm trọng, đã được bác sĩ Hoàng Văn Minh tại bệnh viện Ðồng Nai mổ hộp sọ lần đầu để lấy máu tụ, mổ lần hai để ráp mô sọ lại. Sau gần nửa năm điều trị, xương sọ của anh Hiệp lại bị nhiễm trùng phải mổ lần thứ ba vào ngày 27.7 vừa qua. Qua 2 lần mổ trước, chị Hạnh và ba đứa con còn nhỏ dại ( 10 tuổi, 7 tuổi và 7 tháng tuổi ) đã lâm vào hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, phải bán tất cả những gì có thể bán được trong nhà để lo liệu thuốc men cho chồng. Nay ca mổ lần thứ ba đã hoàn tất, gia đình chị Hạnh hoàn toàn trắng tay, không còn khả năng để chăm sóc cho anh Hiệp và các con.Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam