Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 68

Tổng truy cập: 1356641

LỄ HIỆN XUỐNG MỚI

LỄ HIỆN XUỐNG MỚI

 

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáokết thúc Mùa Phục Sinh trong niên lịch phụng vụ. Chữ Pentecost trong tiếng Hy Lạp nghĩa là ngày thứ năm mươi và đây cũng là tên gọi tiếng Việt là Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần bắt nguồn từ lễ Năm Mươi của người Do-thái khi xưa tại Sinai. Trong cuộc lữ hành nơi hoang địa cũng như khi đã vào miền đất hứa, dân Do-thái luôn nhớ tưởng niệm ngày Thiên Chúa ban lề luật cho dân Do-thái trên núi Sinai. Đây là ngày thứ năm mươi sau ngày Lễ Vượt Qua và năm mươi ngày sau lễ Chúa Kitô Phục Sinh.

Bắt nguồn từ câu truyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, sau khi dân chúng bị trận lụt Đại Hồng Thủy, họ đã xây tháp Babel để tránh nạn lụt. Họ nói: "Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất."(Stk 11, 4). Với lòng kiêu hãnh bởi sức người đã tao nên sự phản bội trong tâm hồn. Họ đã bị Chúa phạt để tháp Babel sụp đổ đè chết một số người và gây phân tán khả năng ngôn ngữ không còn hiểu nhau. Sự kiêu ngạo đã tạo nên bức tường phân rẽ và thù ghét bạo hành.Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất (Stk 11,9).

Vào ngày Le Ngũ Tuần, thánh Luca đã diễn tả biến cố này như là một Giao Ước Sinai mới. Giáo Ước với dân chúng qua ân sủng của Chúa Thánh Thần. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ và những người thân hữu tụ nhau cầu nguyện không ngừng. Khi mọi người đang họp nhau trong phòng Tiệc ly, nơi Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, bỗng có làn gió thổi mạnh và xuất hiện các hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ để ban các ơn sủng: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Tđcv 2,3).Các ngài đã lãnh nhận tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn ngôn ngữ. Các tông đồ đã can đảm xuất hiện trước dân chúng để loan báo tin vui. Các ngài nói tiếng bản xứ của mình, nhưng mọi người từ khắp vùng lân cận đã tụ họp lắng nghe và hiểu rõ lời giảng của các ngài: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tieng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Tđcv 2,4).

Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi chú những nhóm người đã nghe lời giảng của các tông đồ đến từ nhiều miền khác nhau: Chúng ta đây, có người là dân Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Libya, Cyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do-thái và tòng giáo; nào là người đảo Crêta hay người Ảrập, vậy mà chung ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! (Tđcv 2, 9-11). Đây là sự kiện lạ tiên khởi bởi ơn ngôn ngữ qua biểu tượng của lưỡi lửa. Mọi người đã nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Các tông đồ nói một thứ tiếng nhưng các người được nghe, đều hiểu theo ngôn ngữ của mình. Như vậy, ơn Chúa Thánh Thần đã tác động trong từng tâm hồn để họ đón nhận tin mừng. Họ là những chứng nhân tiên khởi đã tản mát về khắp nơi đem tin mừng cứu độ đến cho nhiều người tại quê hương của họ.

Trong thơ của thánh Phaolô tông đồ gởi cho tín hữu Corintô, ngài xác tín rằng: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1Cor 12,7). Mỗi người lãnh nhận ơn sủng và chức vụ riêng, nhưng chỉ có một Chúa Thánh Thần. Có người được ơn khôn ngoan, có kẻ được ơn hiểu biết, có người được ơn làm phép lạ, có vị được ơn chữa bệnh, ơn nói tiên tri, có kẻ được ơn nói tiếng lạ và giải thích tiếng lạ. Tất cả mọi người đều được thanh tẩy để làm nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần.

Như lời Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ, Chúa sẽ sai Thánh Thần đến để dẫn dắt các ngài đến sự thật trọn hảo: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (Ga 16,13). Trải qua hai thiên niên kỷ, trên nền tảng niềm tin của các tông đồ, Giáo Hội Công Giáo vẫn duy trì kiên vững hai nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền cùng các giáo huấn của Giáo hội. Qua các biến cố thăng trầm, chúng ta tin Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục gìn giữ, thánh hóa và canh tân Hội Thánh ở trần gian.

Chúa Thánh Thần có những danh hiệu như Đấng Bảo Trợ, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Thần Chân Lý, Chúa Thánh Linh và Ngôi Ba Thiên Chúa. Những hình ảnh biểu tượng về Chúa Thánh Thần như Nước, Gió, Lửa, Xức dầu, Áng mây, Ánh sáng, Ấn tín, Đặt tay và Chim bồ câu... Có bảy ơn Chúa Thánh Thần, gọi là ơn Bảy Nguồn: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn kính sợ. Các ơn sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng hiểu biết sâu xa hơn về chân lý đức tin và can đảm quyết tâm thi hành sống đạo. Không phải chúng ta chỉ ngồi ca hát, khẩn cầu, van xin và ước mong, mà phải vận dụng tất cả các khả năng Chúa ban để sinh lợi trong đời sống hằng ngày. Chúa không ban ơn sủng để chúng ta cất dấu hay làm lợi cho riêng mình, nhưng là mang lại lợi ích chung cho mọi người. Ai lãnh nhận nhiều thì phải cho lại nhiều. Cái gì chúng ta nhận lãnh nhưng, không cũng hãy cho nhưng không: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10,8).

Đức Chúa Thánh Thần ngự trong những người có ơn thánh hóa và ban các ơn cần thiết giúp ta sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Ai trong chúng ta cũng lãnh nhận ơn Chúa, nhất là ơn sự sống. Chúa Thánh Thần còn ban ơn sủng qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Rửa tội, Thêm Sức và Truyền Chức. Các ơn sủng siêu nhiên soi sáng giúp chúng ta bước theo đường lối và làm nhân chứng cho Chúa. Ơn Chúa không tách biệt chúng ta để trở thành một thành phần ưu tuyển nào cả. Chúng ta có thể nhận diện được hoa qủa của ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống thường ngày của mỗi người tín hữu. Xem qủa thì biết cây. Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế (Gal 5, 22-23).

Chúng ta phải tôn kính, thờ phượng và cầu xin Chúa Thánh Thần. Vâng theo ơn Người soi sáng, cùng ton trọng hồn xác ta là đền thờ của Người. Trong mỗi giây phút sống, chúng ta đều cảm nhận được những ơn lạ. Tất cả mọi luân chuyển sinh động trong thân xác và ngoài vũ trụ đều là sự nhiệm mầu ngoài tầm tay kiểm soát của con người. Chúng ta nên phân biệt rõ ràng về vai trò của Chúa Thánh Thần và lòng ước muốn của con người. Cầu xin là việc của chúng ta, còn ban ơn sủng là thuộc về quyền năng Thiên Chúa. Trình thuật của thánh Gioan rất vắn gọn khi viết về Thánh Thần. Ngày thứ trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện đến với các tông đồ và phán: “Bình an cho anh em” và Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 22).

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy cầu xin Ơn Bảy Nguồn. Để mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Linh, chúng ta hãy sửa đổi những thói hư tật xấu. Chấm dứt những bê tha mê lầm. Buông bỏ những tị hiềm, ghen ghét và thù oán. Quay trở về với con đường chính thật. Mặc lấy ơn sủng tình yêu của Chúa Thánh Thần. Giống như các tông đồ xưa, chúng ta mạnh dạn bước ra khỏi phòng và ra đi làm nhân chứng. Chúng ta sẽ vui thỏa trong bình an và hoan lạc. Lay Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

 

50.Suy niệm của Lm. Trầm Phúc

Hôm nay chính là ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội được sinh ra trong lời cầu nguyện và trong Chúa Thánh Thần, trong ngọn gió và trong ngọn lửa thần linh. Thánh Luca, trong sách Tông đồ công vụ đã tường thuật lại một cách khá tỉ mỉ, biến cố trọng đại nầy. Trong suốt mười ngày, các tông đồ đã cùng với Mẹ Maria cầu nguyện trong nhà tiệc ly, và đến ngày lễ Ngũ Tuần, khi mọi người hăm hở đua nhau đi dự lễ ở Đền thờ, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống. Ngài đến như một cơn gió mạnh. Chúa Giêsu đã nói gió muốn thổi đi đâu thì thổi. Khoa học hôm nay có thể đo sức mạnh của gió, nhưng gió Thánh Thần thì không có khoa học nào đo lường được. Ngọn gió thần linh đó đã thổi vào tâm hồn các tông đồ và trong cánh buồm của Giáo hội sơ khai và con thuyền của Giáo Hội bắt đầu ra khơi. Đọc sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy rằng chính Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tông đồ, điều khiển mọi hoạt động của các ngài, chỉ dẫn các ngài phải làm gì. Hơn hai mươi thế kỷ, qua bao nhiêu cơn sóng gió, giông bão, con thuyền Giáo Hội vẫn tiếp tục đi tới, mang theo trong mình ơn cứu rỗi. Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động.

Ngọn gió đó hôm nay vẫn thổi ào ạt vào trong tâm hồn các kitô hữu và trong thế giới. Không một cái gì tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống chúng ta mà không do Thánh Thần.

Thánh Thần đến với chúng ta dưới hình thức ngọn lửa. Ngài là ngọn lửa thiêng đốt nóng tâm hồn những kẻ tin, giúp họ thắng vượt mọi khó khăn để trung thành với tình yêu Chúa, giúp họ hăng say bước theo Chúa Giêsu. Ngọn lửa tình yêu đó đã nung đốt tâm hồn các kitô hữu trong những cơn bách hại. Nhờ đó họ vui mừng liều mạng cho Chúa mà không sợ sệt, chân thành phục vụ mọi người. Ngọn lửa của Ngài mang lại ánh sáng cho mọi tâm hồn thiện chí, giúp chúng ta nhìn thấy được những thực tại vô hình, nhìn thấy Chúa trong cuộc sống, và trên hết, giúp chúng ta yêu mến Chúa sâu đậm hơn.

Thánh Thần Chúa, theo thánh Phaolô, dạy cho chúng ta biết Chúa Cha, dạy chúng ta gọi Chúa Cha như Chúa Giêsu đã gọi, với tất cả tỉnh yêu con thảo: Abba, lạy Cha. Ngài cầu nguyện trong chúng ta, cầu cho chúng ta. Chúng ta là đền thờ của Ngài. Ngài ngự trong chúng ta và ban cho chúng ta sự sống mới, sự bình an của Ngài. Chúa Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra cho các tông đồ và ban bình an cho các ngài và thổi hơi Thánh Thần vào họ, sai họ đi rao giảng Tin Mừng, mang ơn tha thứ cho mọi người: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha…”

Thánh Thần Chúa cũng là Thánh Thần của sự hiệp nhất. Ngài quy tụ mọi người trong một Giáo Hội duy nhất, không phân biệt chủng tộc màu da, tất cả đều là một trong Ngài. Ngài biến Giáo Hội thành một thân thể duy nhất, tuy có rất nhiều chi thể khác nhau, nhưng tất cả chỉ là một. Ngài là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài giúp mọi người hiệp nhất: “ Chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần…một Thiên Chúa”.

Chúng ta biết Chúa Thánh Thần, hằng ngày chúng ta luôn cầu nguyện với Ngài, nhưng ít người để ý đến Ngài, vì chúng ta không thấy Ngài. Chúng ta là những con người vật chất, những gì chúng ta không thấy, chúng ta dễ lãng quên. Vì thế nhiều người không chú ý đến Chúa Thánh Thần, đang lúc Ngài chính là Đấng Bảo Trợ luôn kề cận chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Thánh Phalô khuyên chúng ta đừng giập tắt Chúa Thánh Thần bằng những hành động tội lỗi… Đừng làm phiền lòng Thánh Thần”bằng sự thờ ơ lãnh đạm, bằng sự ươn lười làm việc lành, nhất là bằng những hành động thiếu bác ái. Thánh Thần Tình Yêu không thể chấp nhận những ganh tị, giận hờn, loại trừ anh em.

Chúng ta không thể lãng quên Thánh Thần, vì Ngài giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả”.

Nơi bàn thờ nầy, chính Thánh Thần Chúa làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu, để chúng ta luôn có lương thực cần thiết để tình yêu Chúa trong chúng ta không suy giảm, nhưng càng ngày càng thấm thiết hơn, mãnh liệt hơn. Thánh Thần Chúa sẽ làm cho chúng ta gắn bó hơn với Đấng đã liều mạng cho chúng ta, sống lại cho chúng ta để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta.

 

51.Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống con người--Lm. John Nguyễn Tươi

Trong sách giáo lý Công Giáo có ghi: "Chúa Cha là Đấng sáng tạo; Chúa Con là Đấng cứu chuộc; và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa chúng ta." Chúng ta không thể sống nếu không có hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì Chúa Thánh Thần là Thấn Khí ban sự sống cho chúng ta. Ngài có vai trò rất quan trọng trong thế giới này và trong mỗi con người chúng ta. Hôm nay, chúng ta cùng nhau khám phá ra vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Ngay cả Chúa Giêsu,Ngài đã đón nhận ơn Chúa Thánh Thần khi chịu phép rửa tại sông Giođan. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho các tông sức mạnh và ơn can đảm để đi rao giảng Tin Mừng, và Giáo Hội được khai sinh. Tuy nhiên, để hiểu được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong thế giới này, chúng ta có thể thấy ba biểu tượng nổi bậc nói về Chúa Thánh Thần, đó là: Lửa, Nước và Khí.

Trước tiên là Lửa. Lửa mang lại cho chúng ta hơi ấm. Vào mùa đông người ta cần có lửa để sưởi ấm. Nếu mùa đông giá buốt mà không có lửa, thì chúng ta sẽ bị chết lạnh. Lửa rất cần thiết trong đời sống con người. Lửa dùng để nuôi sống con người. Mặc khác, Lửa không chỉ mang lại sự sống và giá trị vật chất mà là còn mang ý nghĩa giá trị tinh thần cho con người. Đó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần cho các tông đồ thuật lại trong tin Mừng hôm nay. Khi Chúa Giêsu chết, các tông đồ sợ hãi không dám ra ngoài, vì người Do-thái. Trong lúc hoang mang sợ hãi đó, Chúa Thánh Thần mang ngọn trên đầu các tông đồ, ngọn lửa Chúa Thánh Thần biến đổi các ông thành những con người mới. Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng: "Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà nơi mọi người đang tụ họp. Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người. Ai nấy lòng tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói nhiều thứ tiếng lạ khác nhau và trên đầu các ông có hình lưỡi lửa." Đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài đã ban cho các tông đồ ngọn lửa đức tin, ngọn lửa của niềm vui, và ngọn lửa bình an và hoan lạc để các ngài can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.

Kế đến là Nước. Nước mang lại sự sống cho các sinh vật trên trái đất này. Nếu không có nước, con người và sinh vật không thể sống được trên trái đất này. Chúng ta có thể nhịn đói, nhưng không thể nhịn khát được. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, chúng ta múc lấy nguồn nước ân thiêng từ nơi Chúa Thánh Thần khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Chính Gioan Tẩy giả dìm Chúa Giê-su xuống dòng sông Gio-dan. Ngài kêu gọi dân chúng rằng: " Ai chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ." Nếu nước là tượng của sư sống, thì tái sinh bắt nguồn từ nơi Đức Kitô. Tại giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su nói với người phụ nữ: " Nước tôi cho chị uống thì sẽ không bao giờ khác", đó là Máu và Nước của Ngài chính là nguồn ơn cứu độ cho chúng ta. Thánh Phao-lô đã xác quyết rằng: "Chúng ta đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể." Phép rửa là để thanh tẩy tội lỗi con người, và tái sinh làm con cái Chúa là nhờ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan nói:" Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em, anh em hãy lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần."

Sau cùng là Khí. Mỗi ngày chúng ta sống được là nhờ hít thở không khí, mà Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống cho chúng ta. Trong Kinh Thánh đã diễn tả. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, thì Ngài lấy đất nắn thành hình người, rồi Ngài hà hơi vào lỗ mũi và ban cho con người sự sống. Chúng ta sống được là nhờ hít thở không khí. Chúa Thánh Thần là thần khí dưỡng nuôi chúng ta. Do đó, chúng ta mới nói rằng sự sống hay chết là do Chúa.Một biểu tượng khác, chúng ta có thể cảm nhận được hoạt đông của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống, đó là gió. Con mắt thường chúng ta không nhìn thấy gió, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được gió qua sự rung chuyển của cây, hoặc qua cảm giác mát lạnh của gió. Một bài hát chúng ta thường hát nói về Thần Khí Chúa Thánh Thần như sau:

"Thần khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng.

Thần khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi Ngài sai tôi đi.

Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, mang Tin Mừng giải thoát. Thiên Chúa đã cứu tôi"

Tóm lại, ba biểu tượng: Lửa, Nước và Khí, chúng ta có thể hiểu được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần là rất quan trọng trong thế giới này và trong mỗi con người chúng ta. Ba biểu tượng này đã được khắc họa trong Kinh Thánh từ công cuộc tạo dựng vũ trụ. Sách Giáo lý Công Giáo đã dạy: Chúa Cha là Đấng tạo dựng, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Khi hiểu như thế thì chúng ta thấy rằng, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự sống, thánh hóa và biến đổi chúng ta trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Như lời thánh Gioan viết, Giêsu đã thổi hơi và thần khí cho các tông đồ và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Như lời thánh Phaolô dạy: hoa quả của Chúa Thần Khí là bác ái, hoan lạc,bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Đó là cách ta sống theo Thần Khí. Còn tính xác thịt gây ra, đó là: dâm ô, phóng đãng, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những thứ khác giống như vậy.

Lời Nguyện:

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

Xin ban cho chúng con ngọn lửa Thánh Thần, để chúng con xóa tan bóng tối của hận thù, chia rẻ và bất công.

Xin ban cho chúng con nguồn nước Thánh Thần, để chúng con cho những ai đang khát về chân lý và tưới gội những tâm hồn khô khan.

Và xin cho chúng con Thần Khí, để chúng con mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng cho những ai đang thất vọng, họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong Chúa. Amen.

 

52.Chúa Thánh Thần Hiện Xuống--Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt sách Tông Đồ Công Vụ, bày tỏ cho chúng ta về Chúa Thánh Thần vừa là một sức mạnh tỏa lan trên cong đoàn vừa là sức mạnh thức tỉnh tâm linh tín hữu.

1. Chúa Thánh Thần, sức mạnh tỏa lan trên cộng đoàn.

Sự kiện “hiểu nhau” của những con người có ngôn ngữ khác nhau trong tường thuật của bài sách Công Vụ Tông Đồ là một hồng ân của Thánh Thần. Đây là một sự kiện trái ngược với sự kiện dân xây tháp Babel trong Cựu Ước được sách Sáng Thế Ký tường thuật (St 11,1-9). Vì ngôn ngữ bất đồng, việc xây dựng tháp Babel bị bất thành. Vì “hieu nhau”, những người xa lạ trở thành cộng đoàn hiệp thông. Điều nầy cho thấy Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta xác tín căn tính kitô hữu của mình đồng thời liên kết chúng ta hiến thân phục vụ Hội Thánh cách vô vị lơi. Thánh Phaolô cũng nhắc đến: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra mỗi người mỗi cách là vì ích chung” (Bài đọc 2).

2. Chúa Thánh Thần, sức mạnh thức tỉnh tâm linh người tín hữu.

Các tông đồ là những con người hằng ngày bám gót theo Chúa Giêsu. Các ngài đã từng sững sờ trước những phép lạ Chúa làm, đã từng nghe tận tai những lời Chúa dạy, nghe rõ mục tiêu Chúa qui tụ mình, đã từng mục sở thị phong cách sống của Chúa trong khi thi hành sứ mạng. Dẫu vậy, tính “máu thịt” vẫn đeo bám các tông đồ, các ngài vẫn tranh nhau chỗ cao thấp, vẫn vấn vương sự “úy tử tham sinh”, bất tín, bất trung, sợ hãi, trốn chạy khi Chúa chịu khổ nạn. Như người lâm cơn trọng bệnh được phục hồi sức khỏe nhờ gặp được thầy thuốc giỏi, sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy ơn thánh vào lòng, nội tâm các tông đồ đã được đổi chiều. Các ngài đã trở nên cam đảm, thà chết chứ không chịu nín lặng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29), trở nên say mê, trung thành đến độ dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Phong cách nầy là dấu chỉ của những “người con được sinh ra theo thần khí” (Gal 4,29), tức là những con người dám làm theo những đòi hỏi của một lương tâm trong sáng, ngay thẳng.

Dưới tác động của Thánh Thần, các Tông đồ đã khám phá ra chiều kích thần linh của mình: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự thật này cần được không ngừng tái khám phá dưới ánh sáng của Đức Kitô phục sinh, khuôn mẫu cho mọi mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, vơi vũ trụ vạn vật và con người với nhau. Nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được thanh tẩy khỏi những “tạp chất máu thịt” kia, để từ đó có thể thong dong hoàn thành ơn gọi làm người, ơn gọi làm kitô hữu và hoàn thành sứ mạng tông đồ đặc biệt của mình.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Bài Tin Mừng), một mệnh lệnh đâu phải dễ thực hiện. Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh có nhiều tiến bộ, có gương lành gương tốt nhưng cũng đầy những bóng tối, mà nhiều khi tưởng chừng cuộc sống đã bị bóng tối bao trùm bởi cái vụ lợi được xem trọng hơn cái lý tưởng, bởi “tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh” được yêu chuộng hơn là công bình và sự thật, bởi tâm lý “ngồi bia bọt cả giờ dễ hơn chờ nửa giây đèn đỏ” đã len lỏi trong trong nếp sống đạo: Quên lãng kinh nguyện gia đình, biếng nhác cầu nguyện cá nhân. Đi sau về trước trong thánh lễ Chúa Nhật, thậm chí bỏ lễ Chúa nhật vì công ăn việc làm, vì một cuộc dã ngoại với bạn bè…

Để tinh thần đức tin, đức cậy, đức mến được sinh động trong các ngóc ngách hoạt động hằng ngày của chúng ta, để không khiến cho lương dân ngờ ngợ nhận ra điều gì không phải Tin Mừng cứu độ, không phải đạo Chúa, không phải Hội thánh Chúa trong các hoạt động của chúng ta, chúng ta cần bám sát Chúa Thánh Thần.

Đứng giữa một bên là giới hạn, yếu đuối và tội lỗi, còn mot bên là mầu nhiệm của ân sủng, chúng ta phải gắn bó với Thánh Thần để biết mau mắn đón nhận ân sủng. Gió Thánh Thần vẫn tiếp tục thổi, Lửa Thánh Thần vẫn tiếp tục cháy và này đây "Thánh Thần đến nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta" (Rm 8, 26) để chúng ta yêu được, chọn được những giá trị lớn hơn phía sau những cái “hiện đại”, “hoành tráng” hấp dẫn mà mau qua đang vây bủa chúng ta.

 

53.Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần--Lm GB. Hoàng Văn Khanh

Chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ đang quy tụ trong phòng Tiệc ly, cửa đóng kín vì sợ người Do thái. Ngài chúc bình an và ban Thần Khí cho các ông, để từ nay các môn đệ dấn thân loan Tin mừng và làm chứng về Đức Kitô cho mọi người, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

1. Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân

Biến cố chiều thứ sáu tử nan làm tiêu tan mọi ước mơ của các môn đệ. Họ đã theo Chúa suốt 3 năm trời với hy vọng Ngài sẽ phục hưng dân tộc và thiết lập vương quốc Messia. Nhưng Ngài đã bị kết án chết thập giá. Họ chán nản buồn sầu, kẻ trở về quê cũ, số còn lại quy tụ nhau trong gian phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Cửa phòng khép kín mà tâm hồn họ cũng đang đóng khung trong lo âu, sợ hãi, thất vọng. Chính lúc ấy, Chúa phục sinh hiện ra, ban bình an và thông ban Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, như Ngài đã hứa trong đêm tiệc ly: “Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em” (Ga 16,7). Được đầy Thánh Thần, các môn hoàn toàn biến đổi: từ những người nhút nhát, sợ hãi, họ trở thành quả cảm, vui tươi, đầy tin yêu và mạnh dạn lên đường thực thi sứ mệnh mà Chúa Phục sinh trao phó, cũng chính là sứ mệnh mà Ngài đã nhận từ Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, đó là loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng Đức Giêsu đã sống lại. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa, biến đổi các ông toàn diện, ban cho các ông nói tiếng lạ và thúc đẩy họ làm chứng nhân cho Đức Kitô phục sinh (Cv 2,1-14). Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân tâm hồn, soi sáng lòng trí, làm vững mạnh đức tin, mang bình an và dũng lực để các tín hữu can đảm loan Tin mừng và làm chứng Đức Kitô cho mọi người.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng hòa giải

Đức Kitô được Chúa Cha ủy thác sứ mệnh cứu độ là ban ơn tha thứ và hòa giải con người với Thiên Chúa, hầu đưa vào hiệp thông sự sống của Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu trao cho các tông đồ sứ mệnh tiếp nối Ngài là hòa giải con người với Thiên Chúa: “Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha. Các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. Các Tông đồ được Chúa Giêsu thông ban quyền tha tội. Họ chỉ có thể thực hiện quyền này trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, khi thông ban quyền tha tội, Chúa Giêsu đã thổi “Thần Khí” trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Từ nay, Chúa Thánh Thần là sức mạnh, quyền năng để các Tông đồ và Giáo hội hoạt động tiếp nối công trình cứu độ của Chúa Giêsu.

3. Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất

Vì tội lỗi và kiêu căng mà nhân loại đã bị phân rẽ (St 11,1-11). Ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông đồ nói tiếng lạ, để mọi người đều nghe như tiếng bản xứ của mình mà đón nhận sứ điệp Tin Mưng. Ước mơ ngày nào của Môisê mong cho toàn dân được ơn Thần Khí mà nói tiên tri (Ds 11,26-30) cũng như sấm ngôn của Gioen về thời thiên sai (Ge 3,1-5), nay được hiện thực. Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất, liên kết mọi con người, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ với nhau, để tất cả đều lắng nghe và đón nhận sứ điệp Tin mừng. Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu ước mong và cầu khẩn với Cha trong lời nguyện hiến tế: “Xin Cha cho họ được hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”.

 

54.Thời kỳ ân điển của Thần Khí--Lm. G.B. Trần Văn Hào

Khi tổng thống Washington lên cầm quyền, vào thời điểm nước Mỹ mới được thành lập, ông và 55 nhà ái quốc đã nhóm họp tại Philadelphia để soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho quốc gia này. Sau bốn tuần làm việc cật lực, họ vẫn không đạt được kết qủa nào vì có qúa nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí đối kháng lẫn nhau. Mọi người toan tính bỏ cuộc. Một nghị viên tên là Benjamin Franklin đứng lên phát biểu: “Thưa Ngài Tổng thống và thưa toàn thể hội nghị, sức lực và trí tuệ của con người rất giới hạn và mong manh, cụ thể sau một tháng làm việc chúng ta vẫn chưa gặt hái được thành quả nào vì đầu óc chúng ta quá tăm tối. Vậy tôi đề nghị, chúng ta phải xin ơn trên soi sáng để có thể tiếp tục công việc”. Ý kiến trên được mọi người chấp nhận. Từ ngày hôm ấy trước mỗi phiên họp, các nghị viên đều đứng lên cung kính cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần soi dẫn. Chẳng bao lâu sau, nước Mỹ đã có được một bản hiến pháp lịch sử mà các sử gia vẫn xem đó là công trình vĩ đại nhất của nứớc Mỹ, được hoàn thành bởi ơn trên cùng với sự cộng tác của con người. Bản hiến pháp ấy đã trở thành quy chuẩn để nhiều quốc gia khác trên thế giới soi chiếu và noi theo. Người ta cho in hàng chữ ‘Chúng tôi tín thác vào Thiên Chúa’ (In God we trust) trên tờ Đôla Mỹ để ghi nhớ biến cố này. Qủa thật, nếu không mở lòng cho Thánh Thần tác động, chúng ta sẽ không làm được bất cứ công việc gì.

Chúa Thánh Thần là ai?

Trong kinh Tin kính chúng ta vẫn tuyên xưng: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Đó là 4 tín điều căn bản của giáo lý Công giáo về Chúa Thánh Thần mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc.

Tuy nhiên, khi chúng ta đặt câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai, chúng ta dễ rơi vào tâm trạng giống như dân Ephêsô ngày xưa khi họ trả lời thánh Phaolô: “Thưa ông, ngay cả việc có Chúa Thánh Thần hay không, chúng tôi còn chưa biết đến”(Cv 19,2). Kinh thánh nói khá nhiều về Thần khí của Thiên Chúa với nhiều biểu tuợng, nhưng chúng ta không thể hình dung Chúa Thánh Thần qua một hình ảnh hay qua một danh xưng. Nhà thần học Simeon vẫn hướng về Chúa Thánh Thần với lời cầu nguyện: “Xin hãy đến, lạy Đấng mà chúng con không hiểu được, cũng không biết được”. Đấng mà chúng ta không hiểu, không biết, nhưng với cảm thức đức tin, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm được sự hiện diện và tác động của Ngài tận thâm sâu trong cõi lòng mỗi người.

Vì thế, nói về Chúa Thánh Thần không phải là một điều giản đơn hay chúng ta có thể tự nghĩ ra. Chúa Giêsu đã từng nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và đi đâu (Ga 3,8)”. Thánh Thần là Đấng mà chúng ta không thể nhốt kín trong một phạm trù cứng ngắc, hoặc trình bày Ngài như một khái niệm xơ cứng. Chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài bằng đức tin, đồng thời chúng ta suy tư về Chúa Thánh Thần dựa trên Kinh thánh và những giáo huấn của Giáo hội. Tóm lại, để trả lời câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai, chúng ta có thể trích mượn tư tưởng của thần học gia Jacques Guillet: “Người ta không thể thông hiểu về Chúa Thánh Thần như hiểu biết về Chúa Cha và Chúa con. Thánh Thần không có dung mạo cũng chẳng có danh xưng. Chúng ta không thể đặt mình trước Chúa Thánh Thần để cầu nguyện hay chiêm ngắm Ngài, theo dõi các hành động của Ngài. Nhưng chúng ta vẫn có thể cảm thấu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ năm xưa: “Anh em sẽ nhận biết Ngài vì Ngài ở trong anh em” (Ga 14,17).

Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần.

Biểu tượng mà Kinh thánh sử dụng nhiều nhất để nói về Thần Khí, là gió hay hơi thở, diễn tả qua hạn từ ‘Spiritus Sanctus’ trong tiếng Latinh, ‘Holy Spirit’ trong tiếng Anh, ‘Pneuma’ trong tiếng Hy Lạp, và tiếng Do Thái gọi là ‘Ruah’. Chính Chúa Giêsu cũng đã dùng biểu tượng này khi nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió và không biết gió từ đâu đến”. Trong sách Tông đồ công vụ, lễ Hiện xuống (Pentecost) được khởi đầu với một làn gió mạnh thổi vào căn nhà nơi các Tông Đồ đang tụ họp. Khi sống lại, Chúa Giêsu cũng thổi hơi trên các môn đệ, trao ban bình an và tuôn đổ Thần Khí trên các ông (Ga 20,22). Ngay từ đầu sách khởi nguyên, tác giả cũng đã trình thuật về công trình tạo dựng qua đó Đức Chúa Giavê thổi hơi ban sinh khí vào ‘nắm đất’ để dựng nên con người (St 2,7). Đó là những đặc nét và biểu tượng nói về Thần Khí, Đấng tác sinh và ban sự sống.

Biểu tượng thứ 2 nói về Chúa Thánhh Thần là mạch nước. Trong thị kiến của tiên tri Ezekiel, dòng nước chảy từ bên phải đền thờ phát sinh sự sống tiên báo về thời kỳ ân điển của Thần Khí (Ez 47). Cũng vậy, trong Tin mừng Gioan, Chúa nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp về nguồn nước sự sống phát nguyên từ nơi Ngài, là chính Thần Khí của đấng Phục sinh, đem lại cho con người ơn cứu rỗi (Ga 4,13). Rõ nét nhất, Tin mừng Gioan thuật lại cho chúng ta: “Vào cuối cuộc lễ, Đức Giêsu đứng dậy và hô lớn tiếng: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi hãy đến mà uống... Đức Giêsu muốn nói về Thần khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận. (Ga 7,37-38).

Kế đến là biểu tượng ngọn lửa. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại bối cảnh lễ Hiện xuống đầu tiên với hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ (Cv 2,3). Lửa có sức đốt cháy những vẩn đục và rác rưởi của tội lỗi để biến đổi tâm can con người. Chúa Giêsu cũng đã từng tuyên bố: “Thầy đem lửa từ trời đến thế gian, và Thầy ước mong cho ngọn lửa ấy bùng lên”. Thánh Phaolô cũng khuyến mời giáo đoàn Thesalonica: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần (1Th 5,14). Hai môn đệ trên đường về làng quê Emmaus khi nghe Chúa Giêsu cắt nghĩa Kinh thánh, đã cảm thấy như một ngọn lửa đang bừng cháy nơi tâm hồn mình (Lc 24,32). Đó là dấu chứng về sự tác động của Thần Khí.

Ngoài 3 biểu tượng nói trên, chúng ta còn thấy khá nhiều biểu tượng khác trong Kinh thánh ám chỉ về Chúa Thánh Thần, như chim bồ câu hoặc như việc xức dầu thánh hiến. Kinh thánh dùng những biểu tượng trên để nói về Ngôi Ba Thiên Chúa, là ngôi vị không có hình thể, không có danh xưng nhưng chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm sự tác động nhiệm mầu của Ngài trong đời sống đức tin của chúng ta.

Kết luận

Tuần trước chúng ta mừng kính việc Chúa về trời, vừa hữu hình vừa vô hình. Tin mừng Gioan liên kết các sự kiện thành một mầu nhiệm duy nhất: Chúa sống lại đi vào trong vinh quang với Chúa Cha, và trao ban Thánh thần để Ngài tiếp tục hiện diện giữa Hội thánh. Cũng vậy, tuần này chúng ta cũng mừng kính việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, vừa hữu hình vừa vô hình, là cao điểm của mầu nhiệm Phục sinh. Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Rôma đã viết: “Hướng đi của Thánh Thần là bình an và hoan lạc (Rm 8,6)”. Khi chúng ta có bình an và niềm vui thực sự trong tâm hồn, chúng ta thực sự đang sở đắc Chúa Thánh Thần. Ngài chính là nguyên lý của bình an và hạnh phúc. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta mỗi ngày.

 

home Mục lục Lưu trữ