Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1356021

LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG

LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG

Lm. Đinh Lập Liễm

Thèm Lòng Chứ Ai Thèm Thịt.

Trong Cựu Ước, bộ luật có tới 613 khoản, nhưng những khoản luật đó chỉ nói trên nguyên tắc, còn trong áp dụng thực hành người ta còn thêm vào những lời cắt nghĩa mà ta gọi là truyền thống hay truyền khẩu. Như vậy có hai thứ luật.

Luật quan trọng hơn là Lề luật thành văn, căn cứ trên sách Torah (Ngũ Kinh), nghĩa là 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước, đôi khi còn gọi là luật Maisen. Thật ra, Ngũ kinh hàm chứa một ít qui tắc và chỉ dẫn chi tiết, nhưng về các vấn đề đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Trong một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với những “kiểu mẫu” này. Họ áp dụng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.

Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu Lề luật, dưới biệt hiệu là Luật sĩ (Kinh sư). Nhóm người này thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng hơn, với nhiều chi tiết hơn. Do đó, họ muốn triển khai, phóng đại, phân tích các nguyên tắc lớn ấy biến chúng thành hàng ngàn lề luật, qui tắc nhỏ nhặt, để điều khiển từng hành động, từng hoàn cảnh của đời sống. Chúng vẫn được gọi là Luật truyền khẩu, đây chính là cái gọi là tương truyền của người xưa.

Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do Thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa.

Có nhiều luật lệ rõ ràng và nghiêm nhặt về việc rửa tay. Trước khi dùng bữa và giữa hai món ăn, người ta phải rửa tay, và phải rửa theo một nghi thức nhất định. Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh mà là tập tục tôn giáo về “sạch” và “dơ”, được ghi thành luật của Maisen trong sách Lêvi, được thêm vào nhiều chi tiết và qui định rõ ràng qua truyền thống.

Vào thời Đức Giêsu, dân Do Thái tuân giữ những lệnh truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Kinh. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi vì nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống, nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xẩy ra vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: tuân giữ những nghi thức này thì được kể là làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn không giữ chúng đồng nghĩa với phạm tội. Nói tóm lại, tuân giữ những nghi thức bên ngoài này được đồng hóa, được đánh giá là đạo đức, là biết phụng sự Chúa.

Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông bị thiếu nước. Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, người ta khám phá ra: Thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.

Thực ra, việc rửa tay không phải chỉ nhằm việc vệ sinh thân thể nhưng là việc vệ sinh tâm hồn. Rửa tay là có ý rửa cho linh hồn mình được sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Trong Thánh Lễ, khi chủ tế rửa tay với chút nước thì đọc: ”Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm xin Ngài thanh tẩy” (Ps 51:3-4). Nhưng tiếc thay, nhiều người Do Thái chỉ chú trọng rửa tay là rửa tay theo truyền thống mà không để ý đến việc thanh tẩy tâm hồn mình. Vì thế, nhà thần học William Barclay nói: ”Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tủy mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ một cách chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác.”

Chúng ta phải nể phục sự nghiêm túc giữ luật của các luật sĩ Do Thái: họ giữ luật Maisen cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của Lề Luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền thống Do Thái Giáo.

Nhưng Đức Giêsu đã cho họ thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều (Mk 7:17-23). Cái đó ở trong nội tâm chứ không phải ở bên ngoài.

Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy: ”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23,23). Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, tinh thần của lề luật, cũng là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương.

Đối với lòng nhiệt thành giả tạo có vẻ quá hình thức này, Đức Giêsu trách cứ họ hai điều: một là giả hình, hai là làm đảo lộn giá trị. Họ giả hình vì cũng như thời tiên tri Isaia, người ta không nghĩ đến sự hối cải trong các tâm hồn, mà chỉ bận tâm đến việc thực hiện mấy việc bên ngoài: ”Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người” (Is 29,13). Hơn nữa, Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, có nghĩa là sự gian dối không có chỗ nơi Ngài, không được Ngài ưa thích và ủng hộ. Trái lại, Thiên Chúa lên án cách sống giả hình, sai lạc với sự thật. Thiên Chúa không khinh chê người yếu đuối, tội lỗi, nhưng khinh chê những người đạo đức giả (Lc 16:15). Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho những yếu đuối, tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thể chấp nhận kẻ sống giả hình.

Nếu chỉ có những hành động bên ngoài mà không có tinh thần cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước mặt Chúa. Còn những người luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen mà ta gọi là “việc đạo đức”, những hình thức do con người sáng tạo…thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn.

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “Sư Máy.” Vị Sư Máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật Giáo khác nhau tại Nhật. Như tác giả bài báo ghi nhận, những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).

Họ chỉ giữ tập tục của tiền nhân là những tập tục của con người đặt ra. Các tiền nhân của người Do Thái đặt ra nhiều tập tục tỉ mỉ mà các biệt phái và luật sĩ tuân giữ rất nhiệm nhặt. Biệt phái là những người Do Thái rất sùng đạo, nhưng sùng đạo cách giả hình, vụ hình thức, vì họ chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài như nhiệm nhặt gìn giữ các tục lệ của tiền nhân, chuộng hình thức bên ngoài mà không có tinh thần bên trong.

Chúa khiển trách họ: ”Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người, vì các ngươi bỏ qua các giới răn của Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (Mk 7:6-9). Chúa khiển trách họ là người làm đảo lộn giá trị vì họ chỉ chú ý đến việc tuân giữ các tập tục của tiền nhân mà lại bỏ qua những giới răn căn bản của Chúa. Họ coi trọng việc thuộc về con người hơn việc thuộc về Thiên Chúa.

Nhân dịp các luật sĩ chê trách các Tông Đồ không rửa tay khi dùng bữa, Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học: cái xấu xa không phải từ ngoài mà vào mà ở trong mà ra. Ngài nói: ”Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mk 7:20-23). Do đó, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay việc dữ.

Theo lời Chúa dạy, chúng ta thấy yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bề ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không. Nhiều người có những hành động rất tốt nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu. Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác; hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm quyền hành nhằm thao túng lũng đoạn tập thể. Ngược lại, có những người “tình ngay mà lý gian”, hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu thương mọi người. Tâm tốt lành ấy mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công chính thánh thiện của chúng con, hơn là giữ luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho thật nhiều (JKN).

Về mục lục

.

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 22 TN_B

Jorathe Nắng

Tin Mừng Máccô cho chúng ta thấy Đức Giêsu là người thầy luôn bênh vực môn đệ của mình khi các ông không làm theo những gì Luật Môsê quy định. Ngài đã làm như thế không phải một lần, nhưng rất nhiều lần. Vì thế mâu thuẫn giữa Ngài và các Biệt Phái, Kinh Sư Do Thái ngày càng căng thẳng.

Các ông Biệt Phái và Kinh Sư là giai cấp lãnh đạo, được trọng vọng trong xã hội tôn giáo Do Thái, và tất nhiên họ phải bảo vệ Luật Môsê một cách triệt để, nếu không nói là cực đoan, vì chỉ có Luật Môsê mới đảm bảo hữu hiệu vị thế và lợi thế của họ. Chính vì thế, bất cứ ai vi phạm Luật Môsê đều bị họ lên án, không kể gì Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai.

Thực ra Đức Giêsu không chủ trương, cũng không kích động các tông đồ chống lại Luật Môsê và Truyền Thống của cha ông; trái lại Ngài công nhận và tuân giữ. Nhưng Ngài muốn đặt lại cho xã hội tôn giáo lúc bấy giờ, cũng như cho các ông Biệt Phái, Kinh Sư Do Thái ý nghiã, mục đích của Truyền Thống, Lề Luật :

1. Truyền Thống, Lề Luật phải phục vụ hạnh phúc của con người:

Điểm thiết yếu Đức Giêsu đặt ra cho các ông Biệt Phái, Luật Sĩ là mục đích của Truyền Thống, Lề Luật. Nếu Truyền Thống, Lề Luật không đem lại hạnh phúc cho con người, không làm cho con người được sống xứng danh con người, không tạo điều kiện để nhân phẩm được bảo vệ và phát triển, không xây dựng đời sống con người ngày càng trở nên tốt đẹp, thoải mái hơn, nhất là không phát huy tình huynh đệ, tương trợ giữa người với người thì Truyền Thống, Lề Luật ấy không đáng được tồn tại, gìn giữ.

Có rất nhiều Truyền Thống, Lề Luật không góp phần xây dựng đời sống con người, không tạo điều kiện cho cuộc đời đáng sống hơn, nhưng nghiền nát, xóa bỏ con người và làm cuộc sống trở nên ngột ngạt, nặng nề. Dưới áp lực này, con người và hạnh phúc của con người không còn là mục tiêu phục vụ của Truyền Thống, nhưng Truyền Thống là ông chủ khắc nghiệt của con người, mà mọi ý muốn của ông chủ khó tính phải được đầy tớ là con người thoả mãn, đáp ứng chính xác, trọn vẹn, từng chi tiết. Cuộc sống làm người và hạnh phúc của xã hội loài người không còn là đích điểm của Lề Luật, nhưng Lề Luật truy sát, khống chế xã hội và biến những con người sống trong xã hội đó thành những tù nhân bất hạnh.

Chủ nghiã vị luật, nghiã là chủ nghiã thượng tôn Lề Luật, thần tượng Lề Luật, coi Lề Luật là chân lý tuyệt đối, uy lực tuyệt đối, phán quyết tuyệt đối và cho Lề Luật quyền sinh sát trên con người là chủ nghiã cực kỳ phi nhân, vì hoàn toàn loại bỏ con người, phủ nhận chỗ đứng không thể thay thế, hoán nhượng của con người, và sẵn sàng nhẫn tâm khước từ hạnh phúc của con người để mù quáng phục vụ một hệ thống Lề Luật, một cơ chế Truyền Thống lạnh lùng, vô cảm, xa rời nhu cầu và khắc khoải đích thực của con người.

Con người ở trong cơ cấu vị luật, cơ chế suy tôn Truyền Thống ấy sẽ chỉ còn là những thân phận nô lệ của Lề Luật, tôi đòi của Truyền Thống, bởi chủ nghiã và khuynh hướng vị luật cực đoan, mù quáng này thường nhân danh con người để củng cố Lề Luật, Truyền Thống, khi con người vừa được gọi tên, tuyên dương là công chính, đạo đức theo tiêu chuẩn đánh giá của Truyền Thống, Lề Luật, vừa bị Truyền Thống, Lề Luật phủ nhận, quật ngã, chà đạp.

Đức Giêsu chống lại chủ nghiã vị luật này, vì con người bị xúc phạm, nhân phẩm bị tổn thương, hạnh phúc bị chối bỏ. Với Ngài, con người là quan trọng hơn hết dưới mắt Thiên Chúa, và Lề Luật, Truyền Thống, tuy cần thiết nhưng phải nhắm đến hạnh phúc của con người:

Sau khi chữa lành một người bất toại đã ba mươi tám năm bên hồ nước tại Bétdatha, “hôm đó là ngày sabát, người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh” : “Hôm nay la ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : Anh hãy vác chõng mà đi”!.. “Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát” (Ga 5, 9-10.16).

Luật Môsê quy định cả đến vác chõng về nhà, sau khi được chữa lành cũng không được làm trong ngày sabát. Tinh thần vị luật quá đáng khi nghiêm cấm làm việc trong ngày sabát đã bị Đức Giêsu chống lại khi Ngài qủa quyết : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17) trước đám đông người Do Thái đang phẫn nộ lên án Ngài vì Ngài đã chữa bệnh này sabát, trái với Lề Luật.

Đức Giêsu cũng cho những người Do Thái thời đó hiểu rằng : việc tốt lành, thiện hảo là điều Thiên Chúa mong ước con người thực hiện cho nhau, nên Luật ngày sabát không thể ngăn cấm những việc làm bác ái, tương trợ , khi Ngài đặt cho họ câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi”? (Mc 3, 4), khi Ngài chữa người bị bại tay trong ngày sabát.

Nhưng rõ nét hơn là khi Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua một cánh đồng lúa.

“Dọc đường, các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisiêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát!” (Mt 12,1-2). Sau khi trưng dẫn cho người Pharisiêu câu chuyện vua Đavít đã cho phép các thuộc hạ vì đói được ăn bánh đã cung tiến Thiên Chúa, bánh mà chỉ các tư tế mới được ăn và là điều Lề Luật nghiêm cấm, Đức Giêsu đã khẳng định : “Con người làm chủ ngày sabát” (Mt 12,8), chứ không phải ngày sabát làm chủ con người. Điều đó có nghiã Lề Luật được làm nên để phục vụ con người, để con người được sống trong trật tự, an bình, hạnh phúc, chứ không để khống chế, áp đảo, giam hãm, hủy diệt con người.

Tóm lại, Đức Giêsu không chủ trương hủy bỏ Lề Luật, nhưng Lề Luật, Truyền Thống chỉ có giá trị khi phục vụ con người, giúp con người sống tốt, sống đẹp, sống hạnh phúc. Lề Luật là phương tiện để con người trưởng thành trong đức ái, huynh đệ. Lề Luật cần cho xã hội, với điều kiện Lề Luật không vi phạm, làm tổn thuơng con người trong xã hội ấy. Vì thế, Lề Luật phải luôn giữ được tính nhân văn, để luôn luôn có thể khéo léo uyển chuyển trong những trường hợp cần thiết hầu giữ được ý nghiã, mục đích của Lề Luật là phục vụ con người, thăng tiến đời sống con người và mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người.

2. Tinh thần vị Truyền Thống, Lề Luật có thể làm phân liệt nhân cách :

Khi dùng lời của ngôn sứ Isaia để nói với những người Pharisiêu: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dậy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7) , Đức Giêsu đã nói lên nguy cơ phân liệt nhân cách, nói cách khác,nguy cơ giả hình ngay tự bản thân của người sống tinh thần vị luật cách mù quáng, cực đoan.

Thực vậy, một khi quá đóng khung vào hệ thống rườm rà, trói buộc và mang tính trình diễn hời hợt bên ngoài của Truyền Thống, Lề Luật, người ta sẽ dễ dàng và mau chóng bỏ quên những gì chân thực từ trái tim, những sự thật đáng trân trọng của tâm hồn, những rung cảm trung thực của tấm lòng, những tốt đẹp khó tìm thấy của tim óc. Bị cuốn hút vào chủ nghiã duy Lề Luật, người ta sẽ chỉ chăm chú soi từng nét chữ trong Lề Luật, cẩn thận giữ từng dấu phẩy của quy tắc, nghiêm khắc với từng chi tiết vụn vặt, cỏn con của Truyền Thống, mà quên đi chính con người của mình và anh em. Tình trạng phân liệt giữa bên ngoài và bên trong, giữa hành động và ý nghĩ, giữa đòi hỏi của Lề Luật và thao thức vi tha thầm kín làm nên mâu thuẫn nội tại rất căng thẳng. Để làm dịu căng thẳng của mâu thuẫn nội tại này, người ta bắt buộc phải giả dối, sống nhiều mặt, và đó là hiện tượng giả hình mà Đức Giêsu đã nhiều lần lên án (x. Mt 23).

Cũng vì giả hình mà môi miệng bai bải yêu mến Chúa, lải nhải các điều răn, nhưng tâm hồn thì trống vắng, trái tim thì lạnh nhạt.Cũng vì giả hình mà bên ngoài thì cung kính lễ nghi, nhưng bên trong thì thờ ơ, chai đá. Cũng vì giả hình mà chu chắm tuân giữ truyền thống, nhưng lại “khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa” (Mc 7,9).Chính Đức Giêsu đã công khai lên tiếng : “Như thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lờI Thiên Chúa” (Mc 7, 13).

Thực vậy, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta: điều làm chúng ta bất hạnh, và ngăn cản chúng ta hiến thân cho nhau, chính là chúng ta sống giả dối và giả hình là thứ giả dối đã đi vào chiều sâu của bản ngã. Chính Đức Giêsu đã muốn xua đuổi vi trùng giả hình này ra khỏi đời sống chúng ta khi Ngài phân tích sự thật bên trong và bên ngoài của con người:

– Bên ngoài là vùng của những gì được biểu lộ, trình diễn; cũng là vùng của mặt nạ, những mặt nạ mà chúng ta muốn đeo cho mình, những hình ảnh mà chúng ta mơ ước và tự phóng các hình ảnh lý tưởng ấy qua lời nói, việc làm của chúng ta.

– Bên trong là vùng của sự thật, vùng của chính hiệu, chính gốc, vùng ở đó con người thật của chúng ta được xuất hiện “nguyên con” trước mặt Thiên Chúa, là nơi hạt giống Lời Thiên Chúa được gieo vãi. Bên trong còn là nơi của những quyết định, chọn lựa. Nhưng bên trong cũng là sào huyệt của ganh ghét, hận thù, ích kỷ, tham vọng thống trị, ham muốn sở hữu : “Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác tang, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 20-23).

Vâng, mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong, giữa sự thật chúng ta là và những điều chúng ta mơ ước, giữa những gì chúng ta có và những điều chúng ta khát khao và tự khoác lên mình là sự thật không thể chối cãi.Vì thế, giả hình là cám dỗ nặng nề và liên lỷ của mỗi người, vì ai cũng cần một dáng vẻ ăn khách, một nhân thân hấp dẫn, một quá khứ thành tích, một hiện tại vinh quang, một tương lai hứa hẹn để sống được với đời nhiều tranh giành, đấu đá. Chúng ta cũng dễ rơi vào giả hình, vì thường xuyên chúng ta cũng cần giả hình với chính mình, khi mình chẳng có gì để có thể tự tuyên dương, tự biện minh, tự bào chữa. Đó là thảm cảnh rất bi đát của đời sống con người, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng chúng ta ra khỏi.

Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi tình trạng phân liệt vì giả hình, khi chúng ta nhận ra: sẽ không có sự thật toàn diện, bao lâu con người không lắng nghe Thiên Chúa hằng sống và chân thực; sẽ không có tình yêu đích thực, bao lâu tình yêu của chúng ta không gắn kết vào chính Chúa là nguồn Tình Yêu; sẽ không có đời sống chính hiệu, nguyên gốc Tự Do, bao lâu chúng ta không để Thiên Chúa hành động và dẫn dắt định mệnh đời chúng ta. Được dựng nên cho Thiên Chúa, chúng ta không thể hạnh phúc nếu không thuộc về Ngài, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho chúng ta thực sự tự do, khi giao hoà trong chúng ta nhũng gì bên ngoài với những gì bên trong, những gì được trình ra bề ngoài và những gì được giữ kín ở trong.Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấy khỏi chúng ta những mặt nạ mà không làm chúng ta thất vọng; cũng chỉ một mình Ngài mới có thể chữa lành căn bệnh ảo tưởng, giả hình trong chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những tạo vật mới có đủ khả năng và nhiệt huyết để yêu mến. Chính Ngài đã vạch cho chúng ta con đường, tuy hẹp, nhưng là con đường chân thật dẫn đến Hạnh Phúc thật (x. Mt 5,1-12).

Để kết luận, chúng ta cần lưu ý sự cần thiết của Truyền Thống, Lề Luật, nhưng đồng thời cũng cẩn trọng trước cám dỗ của chủ nghiã vị Truyền Thống, vị Lề Luật, nghiã là chỉ biết Lề Luật, chỉ tôn thờ Lề Luật, mà không quan tâm đến con người và ích lợi nhân sinh cũng như thiêng liêng của con người. Vì Lề Luật có thể trở thành nguyên nhân của tình trạng giả hình, phân liệt nhân cách, nhất là miệng ca tụng Chúa, nhưng lòng thì xa Chúa ngàn dặm.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức chúng ta được gọi vào đời để “yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người”, nên con người trong tất cả chọn lựa phải được yêu mến vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa .Thế nên, cho dù là Lề Luật nào đi nữa, chúng ta cũng không thể bỏ quên hay làm tổn thương con người, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương.

home Mục lục Lưu trữ