Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1362186

LÊN NÚI CAO

LÊN NÚI CAO

 

Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đã được tỏa sáng trên đỉnh núi. Chúa Giêsu biến hình, mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Chúa Giêsu tỏ mình: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."(Ga. 9,5). Đây là hình ảnh Con Thiên Chúa thật. Thánh Matthêo đã diễn tả sự biến hình một cách ngắn gọn nhưng đã nói lên được ý nghĩa và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu. Từ khi Chúa Giêsu hạ sinh làm người, Chúa đã xuất hiện trước công chúng một cách âm thầm như mọi người trong tất cả mọi sinh hoạt. Chúa chấp nhận sự phát triển tiệm tiến trong thời gian và không gian tự nhiên.Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai, là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và là Con yêu dấu của Chúa Cha. Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa (Ga. 1,1). Khi Ngôi Lời xuống trần, thiên thần đồng thanh ca tụng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc.2,14). Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan tại sông Giođan: Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."(Mc. 1,11). Chúa Giêsu biến hình trên núi có tiếng Chúa Cha phán: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người" (Mt.17,5). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với các tông đồ qua nhiều cách và luôn chúc bình an cho các ông: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" (Lc. 24,36). Chúng ta nhận thấy hình ảnh xuyên suốt qua cuộc đời Chúa Cứu Thế. Ngài là Con Thiên Chúa đến đem bình an cho nhân loại.

Chúa đã chia sẻ cuộc sống với con người một cách cụ thể. Chúa lao động để kiếm miếng cơm manh áo như mọi người. Hằng ngày, Chúa muốn học biết và trải qua những kinh nghiệm của đời thường. Chúa quan sát mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Khi ra giảng đạo, Chúa dùng tất cả những câu truyện cụ thể kinh nghiệm trong đời sống. Chúa lấy tất cả những ví dụ dễ hiểu để truyền rao chân lý Nước Trời. Chúa dùng các tỉ dụ, ngụ ngôn, dụ ngôn hay câu truyện rất thật đi đôi với cuộc sống nơi vùng quê thôn dã. Chúa rành rẽ những phương thức gieo trồng, nấu nướng, ép nho và ủ rượu. Chúa học biết cách xử dụng muối ướp, men trong đấu bột, đèn để trên giá và mang đèn phải mang dầu theo.

Chúa lôi cuốn quần chúng lại gần qua lời giảng dậy đơn sơ, thẳng thắn và đầy uy quyền. Chúa không dùng những triết thuyết cao siêu, trừu tượng hay lý thuyết khô khan khó hiểu. Lời Chúa thật giản dị và cụ thể dành cho mọi tầng lớp. Ai nghe cũng có thể hiểu được ý nghĩa, trừ những người nhắm mắt và bịt tai không muốn lắng nghe. Từ những người chài lưới thất học quê mùa đến những thầy thông luật cũng đã thấm nhuần đạo lý của Chúa. Lời của Chúa thật trong sáng và có sức thuyết phục sâu đậm.

Chúa còn thực hiện rất nhiều phép lạ để chữa lành nọi thứ bệnh họan tật nguyền, cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, xua đuổi tà thần, hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, truyền sóng biển im lặng, mẻ cá đầy tràn và cho kẻ chết sống lại... Đây là những phép lạ tỏ uy quyền của Chúa trên vạn vật. Chúa biến hình một sự kiện vĩ đại trong lịch sử cứu độ, Chúa tỏ mình cho các môn đệ thân tín. Chúa biến hình trở lại nguyên dạng đã có từ nguyên thủy. Một mầu nhiệm nhập thể không ai hiểu thấu. Chúa mặc lấy xác phàm với thân phận của con người giới hạn trong thời gian và không gian. Chính Ngài đã tự nguyện tước bỏ vinh quang và chấp nhận thân phận tôi đòi: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Ph. 2,8)

Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Một Thiên Chúa thật trong thân xác phàm nhân. Chính Thiên Chúa đó bị người đời khinh bỉ, tẩy chay, xua đuổi, chối từ, đánh đập, khặc nhổ trên mặt, nhạo cười, đội mạo gai, vác thánh giá, bị con người tội lỗi xét xử và kết án tử hình. Chính những con người đã từng chịu ơn đã giơ tay xin tha cho Baraba và giết Giêsu. Giết Con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là mặt trời công chính và là ánh sáng thế gian. Chúa Giêsu lại nói với người Do-thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."(Ga. 8,12). Thiên Chúa cao cả sáng chói như mặt trời vậy mà bị con người vô tâm xô đẩy vùi dập, đánh đập tàn nhẫn, máu me dính bết châu thân, nhịn đói nhịn khát, bị đóng đinh chân tay vào thánh giá và bị treo lên lơ lửng cho chết dần. Ngài chính là Thiên Chúa. Con người phàm hèn mà dám giết chết Thiên Chúa trong xác phàm.

Tiếng từ trời cao: Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người (Mt.17,5). Loài người đã giết người Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục hùa nhau giết Con của Thiên Chúa và loại trừ Ngài ra khỏi đời sống. Người Con đó bị xét xử như một tội nhân và được xếp vào hàng các tội nhân đem đi xử tử. Người Con đẹp lòng Thiên Chúa Cha đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Chúng ta suy gẫm và chăm chú nhìn hình ảnh người Con yêu dấu chết giang tay trên thập giá. Qua hơn hai ngàn năm, Ngài vẫn tiếp tục bị người đời tẩy chay, khinh bỉ và xua đuổi. Không phải người ta xua đuổi loại trừ một ông Giêsu nào đó, mà là đang loại trừ chính Con Một Thiên Chúa.

Con Ta yêu dấu chiếu sáng như mặt trời và áo Ngài trắng như tuyết. Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu dọi vào đêm tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng (Ga. 1,5). Nhìn thấy ánh sáng chói lòa, các môn đệ sợ hãi và ngã sấp mình xuống đất. Ánh sáng của Chúa Kitô soi dọi thấu tận tâm can của các tông đồ, các ngài thốt lên rằng: Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm (Mt. 17,4). Thật sung sướng khi được ở bên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi đã hé mở một chút vinh quang của Ngài cho các tông đồ. Sự vinh quang luôn hiện diện trong Ngài qua lời giảng dậy, qua các phép lạ và qua chính con người của Ngài. Chúa Giêsu sẽ trở lại với vinh 59

quang đích thực khi Ngài hoàn tất công trình cứu độ qua con đường thập giá. Chúa Giêsu đã đổ tới giọt máu cuối cùng trong thân phận con người. Tình yêu trọn vẹn hiến dâng Chúa Cha để đền bù tội lỗi của chúng ta. Ngài yêu chúng ta tới cùng: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga. 15,13).

Chúng ta được cứu chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Chúa Con đã hiến tế một lần là đủ để đền tội thay cho cả thế giới. Chúng ta hưởng nhờ ơn cứu độ mang lại nguồn sống. Chỉ nơi Đức Kitô chúng ta sẽ có sự sáng và sự sống: Ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga. 1,4). Chúa Giêsu biến hình mặc khải cho chúng ta về vinh quang ngày sau mà chúng ta hy vọng sẽ được chung hưởng ánh sáng ngàn thu với Ngài.

Trong cuộc lữ hành thế gian còn nhiều bóng tối che phủ và còn nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt qua. Đừng khi nào chúng ta chán nản bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng con đường Chúa đã đi qua là con đường thập giá. Phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: Thầy đây, đừng sợ. Chúng ta hãy khẩn khoản xin với Chúa như thánh Phêrô: Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! (Mt. 14, 30).

Sau khi biến hình sáng chói, Chúa Giêsu và các tông đồ phải đi xuống núi và trở về cuộc sống thực tế hằng ngày. Chúa Giêsu không muốn đi theo con đường tắt dễ dàng. Ngài muốn đi trọn con đường và sứ mệnh mà Cha đã trao phó. Sứ mệnh cứu độ không chỉ qua sự giảng dạy và thực hành các phép lạ, nhưng là chấp nhận đau khổ và cái chết. Không có một hy lễ nào cao trọng hơn hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Con Thiên Chúa đã đi đến cùng tận trong tất cả mọi trạng huống của cuộc đời. Từ khi Chúa hạ thân nghèo hèn trong máng cỏ cho tới lúc thân trần treo trên thập giá. Không có một con người nào dám bươc xuống thẳm sâu như Chúa. Chúa đã bước xuống và cứu con người lên.

Chúng ta không thể đi con đường tắt để đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt từng phút giây mà Chúa đã ban. Hoàn tất tốt giây phút hiện tại trong yêu thương tha thứ và chia sẻ bác ái. Hãy ngước nhìn lên thập giá của Chúa để tìm nguồn ủi an và gắn kết yêu thương. Chúa sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng phải qua thánh giá mới đạt tới vinh quang.

Đây chính là hồng ân cứu độ. Đây chính là tình yêu! Chúa đã chết vì yêu! Chúa đã chết vì tội lỗi chúng con. Chúng con dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tán tụng danh Chúa đến muôn ngàn đời.

 

30.''Bản tính khó dời'' – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Tiếng đứa em lanh lảnh nói: Chị hai sao lại bỏ anh rể?

+ Vì anh ấy cờ bạc, rượu chè nên chị không chịu được.

+ Nhưng anh ấy đã có tật cờ bạc, rượu chè trước khi lấy chị mà.

+ Vì chị tưởng là thời gian anh ấy sẽ biến đổi, ai ngờ càng ngày càng tệ hơn!

Người xưa thường có câu: “Bản tính khó dời”, “chứng nào tật ấy” đều nói lên tính cách của một con người khó mà thay đổi được. Thay đổi một thói quen của con người thì có thể, nhưng rất khó lòng thay đổi bản tính một khi đã ăn sâu trong con người của họ.

Thói hay chửi của Chí Phèo là một điển hình. Chí Phèo đã được Nam Cao phác họa như một tên vô lại, tối ngày say sỉn, chỉ làm được một việc duy nhất là chửi khống và ăn vạ. Về tài chửi của hắn, Nam Cao tả: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi Trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!

Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.

Xem ra ở đời ai cũng có tật xấu. Ai cũng có điều phải sửa, vì “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng thời gian đã biến chúng ta ra xấu xa bởi biết bao thói hư tật xấu. Sự khôn ngoan nhắc nhở chúng ta phải cố gắng biến mình trở lại hình ảnh ban đầu, đừng ngoan cố sống trong tội lỗi, hãy sửa mình nên hoàn thiện theo hình ảnh của Chúa. Một hình ảnh tinh tuyền không để dục vọng làm chủ. Một hình ảnh trong sáng không để vẩn đục bằng những thói hư tật xấu.

Hôm nay, Chúa biến hình trở về với căn tính Thiên Chúa của Ngài. Phê-rô đã ngây ngất khi chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Phê-rô cùng các môn đệ càng thêm xác tín về Thiên tính trong con người của Thầy Giêsu. Phê-rô cảm thấy toại nguyện và chỉ còn mong muốn một điều duy nhất là được ở bên Chúa mãi mãi.

Sứ điệp ngày lễ Chúa hiển dung như nhắc nhở chúng ta nhớ mình là họa ảnh của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thế nên con người phải giữ mãi vẻ đẹp tinh tuyền của phẩm giá con người. Nếu có những đam mê tật xấu làm chúng ta biến chất thì đây là dịp Chúa nhắc nhở chúng ta phải biến hình mỗi ngày trở về với căn tính của chúng ta là hình ảnh của Chúa? Là hình ảnh của Chúa thì không thể làm tôi cho ma quỷ? Là hình ảnh của Chúa thì không thể để cho dục vọng lôi kéo chúng ta làm điều xấu? Là hình ảnh của Chúa chúng ta phải luôn hướng về sự thiện, luôn có những ước mơ thanh cao, luôn sống vị tha và phục vụ mọi người.

Tiếc rằng, con người hôm nay đã để mình biến chất trong dòng đời lắm cám dỗ bon chen. Nhiều người đã bán rẻ phẩm giá làm người để đổi lấy chút danh lợi thú trần gian. Nhiều người đã không chỉ biến chất mà còn biến dạng khi lao mình tìm kiếm và thỏa mãn dục vọng đến nỗi xem thường luân thường đạo lý làm người. Đôi khi còn vì danh lợi thú mà làm hại đồng loại, mà gây nên biết bao đau thương cho nhân thế.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết mình là hình ảnh của Thiên Chúa thật tốt đẹp biết bao, để biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp đó trong cuộc sống của mình. Đồng thời cũng biết trân trọng vẻ đẹp ấy nơi tha nhân qua đời sống bác ái, vị tha. Xin Chúa giúp chúng ta biết biến đổi mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong suy nghĩ và hành động hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

 

31.Hãy biết mình – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Cái quý nhất của con người là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Cái hạnh phúc lớn nhất của con người là gìn giữ nét đẹp cao qúy đó nơi phẩm giá làm người của mình. Và điều cần thiết nhất để có một cuộc sống tốt với mọi người là nhận ra tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa.

Thế nhưng, nhiều người đã phủ nhận điều cao qúy nơi phẩm giá làm người của mình. Họ không tin rằng có Thiên Chúa. Họ chối từ sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Từ đó người ta cũng không lo gìn giữ cái đẹp của phẩm giá làm người của mình. Họ chỉ thấy con người là một loài vật có ăn có uống. Thế giới của họ là một thế giới mạnh thắng, yếu thua, và "cá lớn nuốt cá bé". Họ không nhận ra sự liên đới giữa người với người đều là hình ảnh Thiên Chúa, cần phải tôn trọng và sống tốt với nhau. Con người đã tự khước từ phẩm giá cao qúy là hình ảnh Thiên Chúa nên cũng dễ dàng từ khước nhau và đầy đoạ lẫn nhau. Thế giới vẫn đầy những bất công và hận thù. Con người vẫn vì những tham sân si mà làm hại lẫn nhau.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.

Một lần kia nó nói với sư tử rằng:

- Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: "Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó". Thằng cha này không coi ai ra gì cả!

Sư tử tức giận và bảo rằng:

- "Thế mày có nhắc đến tên tao không?"

Thỏ trả lời:

- Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi.

Sư tử càng tức điên người lên và hỏi:

- Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay.

Thỏ liền dẫn sư tử ra sau núi, và chỉ một cái giếng ở đàng xa và bảo: Đấy, nó ở trong đó đấy!

Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy ngay một tên, với cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử rống lên một tiếng, tên kia cũng rống lên một tiếng. Sư tử xù lông cổ lên tên kia cũng xù lông cổ lên. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ dồn hết sức mình nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một trận. Thế là, con sư tử ngạo mạn tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu...

Thất bại của sư tử là không nhận ra mình nên đã lao vào cắn xé chính hình ảnh của mình. Sư tử chỉ muốn nhất. Sư tử chỉ muốn làm bá chủ nên sẵn sàng loại trừ tất cả các đối thủ có nguy cơ nguy hại đến vị trí số 1 của mình.

Nếu con người của mọi thời đại biết nhìn nhận mình là hình ảnh của Thiên Chúa và mọi người là anh em với nhau, sẽ có những cách hành xử tốt với nhau hơn. Nếu con người nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, chắc chắn sẽ không đối xử tàn bạo với nhau. Nhưng tiếc thay, nhiều người chỉ muốn làm chúa sơn lâm nên lao đầu vào cắn xé đồng loại, hành hạ đồng loại của mình và sẵn sàng làm đủ trò để loại trừ đồng loại. Chồng đánh đập vợ. Cha mẹ đánh đập con cái. Anh em đầy đoạ nhau. Hàng xóm láng giềng đáng lẽ "tối lửa tắt đèn có nhau", nhưng lại "bới lông tìm vết" và làm hại lẫn nhau.

Hôm nay, lễ Chúa hiển dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu. Đó chính là sứ điệp mà mùa chay đang mời gọi chúng ta: hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để anh em được chiêm ngưỡng. Hãy biểu lộ lối sống "nhân chi sơ tính bản thiện" của phẩm giá làm ngừơi để anh em được hạnh phúc khi sống với chúng ta.

Mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm tẩy rửa những bợn nhơ tội lỗi làm hoen ố lương tri, và xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta luôn gìn giữ nét đẹp nơi phẩm giá làm người của mình và của tha nhân. Amen.

 

32.Hãy nghe Lời Người

(Suy niệm của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh)

"Đây là Con yêu dấu của Ta, Người đẹp lòng Ta. Hãy nghe Người"

Biến Cố Biến Hình: Vai trò trong Phụng Vụ Mùa Chay

Chúa Nhật mở màn cho cho Mùa Chay, chúng ta thấy Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô ở biến cố Người theo Thần Linh thúc đẩy vào hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày. Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Chay tuần này chúng ta thấy Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô ở một biến cố hoàn toàn ngược lại với biến cố tuần trước, đó là biến cố Người biến hình trên núi cao trước mắt ba môn đệ của Người.

Việc Giáo Hội sắp xếp cho hai biến cố của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược này liền với nhau như vậy, bị cám dỗ trước, tỏ vinh quang sau, cho chúng ta thấy gì, nếu không phải, trước hết, Giáo Hội muốn chứng thực niềm xác tín của mình là "Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỉ" (1Jn 3:8), và sau nữa, Giáo Hội cũng muốn cho con cái mình thấy được ý nghĩa đích thực và mục tiêu cao cả của chay tịnh, của từ bỏ: ý nghĩa đích thực của chay tịnh, của từ bỏ ở ngay lời Chúa Giêsu dùng đoạn Kinh Thánh Cựu Ước (Nhị Luật 8:3) bịt miệng Satan, đó là "con người không sống nguyên bởi bánh", và mục tiêu cao cả đó là nhờ thế con người chẳng những không sa chước cám dỗ mà còn có thể "sống bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra", một mục tiêu cũng rất hợp với tiếng nói phát ra từ trời trong biến cố biến hình trên núi của Chúa Giêsu hôm nay, đó là lời: "Hãy lắng nghe Người".

Chắc chắn Chúa Giêsu cũng có mục đích như Giáo Hội đối với con cái mình như thế. Bởi vì, Phúc Âm Thánh Mathêu cho biết, Chúa Giêsu đã biến hình "sáu ngày sau" (Mt 17:1) khi Người tiết lộ cho các tông đồ biết một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm đối với tâm trí loài người của các vị bấy giờ, đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, qua lời tiên báo tiên khởi của Người về Biến Cố Vượt Qua này (x Mt 16:21), một lời tiên báo Vượt Qua tiên khởi kinh hoàng và khủng khiếp đến độ đã làm cho vị trưởng tông đồ đoàn, vừa được Người tuyên dương và tín nhiệm trao trọng trách vô cùng quan trọng đến phần rỗi đời đời của các linh hồn, đột nhiên trở thành "Satan" trước con mắt của Người!

Bởi thế, qua biến cố biến hình hôm nay, Chúa Giêsu như muốn củng cố đức tin của các vị vốn đặt nơi Người, một đức tin mà có lần chính quí vị đã phải thú nhận là vẫn còn yếu kém nên đã tự động ngỏ ý xin Thày "hãy tăng thêm đức tin cho chúng con" (Lk 17:5). Qua biến cố biến hình này, Người như muốn nói cùng các vị rằng, cho dù Thày có bị khổ nạn và tử giá vô cùng hèn hạ, đớn đau và nhục nhã trước mặt loài người đi nữa, theo thân phận của một Đấng Thiên Sai, thế nhưng, vì Thày cũng chính là Con Thiên Chúa, nên không một sự gì trên đời này có thể làm chủ được Thày. Trái lại, tất cả mọi sự trần gian, tầm thường hay thấp hèn sẽ được biến đổi thành cao sang và vinh hiển nơi Thày: "dung nhan Người chói sáng như mặt trời, áo Người rạng ngời như ánh sáng", kể cả "tội lỗi cùng với sự chết đã đột nhập thế gian" (Rm 5:12) cũng sẽ bị tan biến đi như bóng tối trước ánh sáng, khi Thày phục sinh từ trong cõi chết. Thật vậy, biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi, được Phúc Âm tường thuật hôm nay, sau sáu ngày từ hôm Người bắt đầu tuyên bố về Cuộc Vượt Qua của Người, chính là lời tiên báo duy nhất và hùng hồn nhất về Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người. Đó là lý do bài Phúc Âm hôm nay đã được hết thúc bằng câu Chúa Giêsu căn dặn ba vị tông đồ về biến cố biến hình liên quan đến cuộc phục sinh sau này của Người: "Các con đừng nói với bất cứ ai về thị kiến này cho đến khi Con Người phục sinh từ trong cõi chết".

Biến Cố Biến Hình: Tác dụng thần linh nơi niềm tin Mầu Nhiệm Phục Sinh

Phần các vị tông đồ đã được chứng kiến thấy Thày mình biến hình trên núi như vậy, tức đã được Người củng cố cho đức tin như thế, các vị cảm thấy đức tin của mình hình như mạnh hơn, đến nỗi, hai anh em Giêbêđê là Giacôbê và Gioan, hai nhân vật có mặt nơi biến cố biến hình của Thày, sau này, lúc nghe Thày tiên báo về Cuộc Vượt Qua của Người lần thứ ba (x Mt 20:17-19), đã dám khẳng định với Thày là hai vị "có thể uống được chén Thày uống" (Mt 20:22). Nhất là riêng Phêrô, nhân vật thú nhận mình đã có mặt trong biến cố biến hình này (x 2Pt 1:18) còn gân hơn nữa, khi nghe Thày báo trước sự kiện có một người trong Nhóm 12 của mình sẽ phản nộp Người, liền cương quyết với Thày: "Cho dù tất cả có mọi người có lung lay niềm tin nơi Thày, vĩnh viễn con sẽ không bao giờ" (Mt 26:33), thậm chí còn dứt khoát thề thốt với Người: "Cho dù có chết với Thày, con cũng không chối bỏ Thày" (Mt 26:35). Chính trong khi nói lên những lời hết sức thật tình và chí tình này, những lời nếu so sánh với những gì mâu thuẫn xẩy ra sau đó, Phêrô quả thực "không biết mình nói gì", như được Phúc Âm Thánh Luca mở ngoặc ghi nhận những gì thánh nhân nói trong biến cố biến hình, về cảm nhận vui sướng của thánh nhân bấy giờ, cũng như về việc thánh nhân tự nguyện xây ba lều cho cả Thày lẫn Moisen và Elia (x Lk 9:33).

Thế nhưng, Mầu Nhiệm Vượt Qua siêu việt và khủng khiếp biết bao trước tâm trí của loài người, thậm chí với cả thành phần đã được trực tiếp phần nào nghe, thấy và sờ được sự thật (x 1Jn 1:1-2) trước khi sự thật hoàn toàn tỏ hiện sau Cuộc Vượt Qua. Bởi thế, vừa giáp trận, quí vị đã bật ngửa ra ngay, đã ngã sấp mặt xuống đất liền, chẳng khác gì như đã xẩy ra nơi đám thủ hạ của Hội Đồng Do Thái sai phái đến bắt Chúa Giêsu sau khi vừa nghe thấy sự thật, tức vừa nghe thấy Người tuyên bố "Chính Ta đây" (Jn 18:6). Vị trưởng tông đồ đoàn là Phêrô đã không ngã sấp xuống đất vỡ hết cả mặt mũi hay sao, khi công nhiên trắng trợn và phũ phàng chối bỏ Thày mình ba lần đúng như lời Thày báo trước (x Mt 26:69-75).

Tuy nhiên, không phải vì ba vị tông đồ được chứng kiến biến cố biến hình Thày muốn dùng để kiên vững đức tin cho các vị này, song các vị vẫn thuộc vào thành phần, như Phúc Âm Marcô cho biết, sau khi Chúa Giêsu bị bắt thì "tất cả mọi người liền bỏ Người mà tẩu thoát" (Mk 14:50), là các vị ấy đã làm cho biến cố biến hình hoàn toàn bị mất đi công dụng thần linh của mình. Bởi vì, biến cố biến hình chẳng những có tác dụng củng cố đức tin cho các vị ngay lúc bấy giờ, mà còn có tác dụng hình thành đức tin cho các vị sau này nữa, ở chỗ, các vị dễ tin vào Thày hơn, khi các vị thực sự chứng kiến thấy Thày mình đã hoàn toàn "biến hình" vinh hiển hiện ra với các vị sau khi sống lại từ trong cõi chết. Biến cố biến hình quả thực là một trong những cách sống động nhất và hiển nhiên nhất Chúa Giêsu muốn dùng để thực hiện chủ đích của Người trong việc hình thành đức tin cho các môn đệ, hay trong việc tăng thêm đức tin một cách hiệu nghiệm cho thành phần muốn đi theo Người, thành phần sẽ là những chứng nhân tiên khởi của Người, một chủ đích được Người cho các vị biết trong Bữa Tiệc Ly: "Thày nói với các con điều này bây giờ trước khi nó xẩy ra, để khi nó xẩy ra thì các con mới tin Là Thày" (Jn 13:19; Lk 24:44): "Thày là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16).

Biến cố biến hình: với vai trò của Đấng Thiên Sai và phần rỗi loài người

Biến cố biến hình chẳng những là việc Chúa Giêsu muốn dùng để tỏ mình ra cho các môn đệ của Người, mà còn là một chứng từ chính Thiên Chúa muốn thực hiện để làm cho các vị tin vào Đấng Ngài sai nữa. Đó là lý do Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại hiện tượng có tiếng từ trời tuyên nhận Đấng Thiên Sai của Ngài trước mặt các vị và truyền cho các vị huấn dụ của Ngài: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Đấng đẹp lòng Ta. Hãy lắng nghe Người". Trong biến cố biến hình của Đấng Ngài sai, để chứng thực cho ba người môn đệ thân tín nhất của Người biết Người chính là Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa cũng đã cho các vị thấy cả hai nhân vật tiêu biểu quan trọng trong Cựu Ước là Moisen (tiêu biểu cho lề luật) và Elia (tiêu biểu cho tiên tri) nữa. Bởi vì, với Cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã chứng thực mình là Đấng Thiên Sai, tức "là Đấng phải đến" (Mt 11:3), Đấng đã sống và làm trọn vẹn tất cả những gì Thiên Chúa là Đấng sai Người đã dự định và đã tỏ ra cho dân Ngài biết trong "lề luật Moisen và các tiên tri (tiêu biểu nhất là Elia) cùng thánh vịnh (Đavít cũng đóng vai trò tiên tri nơi một số câu thánh vịnh)" (Lk 24:44, xem cả câu 27).

Về những lần hay những việc Thiên Chúa muốn thực hiện để chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai của Ngài, theo các Phúc Âm thuật lại, có ba lần thứ tự như sau: Lần thứ nhất khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả ở sông Dược Đăng, lần thứ hai khi Chúa Giêsu biến hình trên núi, và lần thứ ba sau khi Chúa Giêsu đã vinh hiển vào thành Giêrusalem. Cả ba lần Thiên Chúa đều thực hiện cùng một cách việc chứng nhận của Ngài về Đấng Ngài sai, đó là bằng một tiếng phát ra từ trời. Tuy nhiên, tiếng phán ra từ trời của Thiên Chúa để chứng nhận Chúa Giêsu quả thực là Đấng Thiên Sai lần thứ nhất chỉ nói riêng với Chúa Giêsu (x Mk 1:11; Lk 3:22; Mt 3:16-17), lần thứ hai với các môn đệ (x Mt 17:5), và lần thứ ba với chung dân chúng, gồm cả dân Do Thái lẫn dân ngoại Hy Lạp, (xem Jn 12:28).

Riêng về lần thứ ba của tiếng phán từ trời này, căn cứ vào lời Chúa Giêsu nói với dân chúng bấy giờ: "Tiếng này không phán ra vì Tôi mà là vì quí vị đó" (Jn 12:30), chúng ta thấy Thiên Chúa quả thực chứng nhận Đấng Thiên Sai của mình trước mặt con người trần gian vậy. Làm như thế không phải là vì Thiên Chúa cần đến con người mà là để làm lợi ích cho phần rỗi của họ, cho đức tin của họ mà thôi, đúng như lời Đấng Thiên Sai của Ngài đã khẳng định với đám dân tìm kiếm Người sau khi được Người hóa bánh ra nhiều để họ được ăn uống no nê: "Đây là việc làm của Thiên Chúa, đó là làm cho quí vị tin vào Đấng Ngài sai" (Jn 6:29).

Tuy chủ ý của tiếng phán từ trời là chứng nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng thực sự đã làm đúng như những gì Người đã khẳng định với dân Do Thái: "Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai" (Jn 6:38), nhưng tiếng phát ra từ trời này tự mình cũng đã gây ra một tác dụng khủng khiếp, đó là làm cho người nghe phải hoảng sợ. Điển hình là trong biến cố biến hình được Phúc Âm Thánh Mathêu hôm nay thuật lại và cho biết tình hình sau tiếng phán này là "Khi các vị nghe thấy tiếng nói này liền hoảng sợ ngã xuống đất". Cũng thế trong lần thứ ba, Phúc Âm Thánh Gioan cho biết: "Khi đám đông nghe tiếng này họ nói là tiếng sấm", có nghĩa là họ có thể đã bị giật mình và run sợ. Chỉ có lần thứ nhất khi tiếng từ trời phán ra với Chúa Giêsu thì không có gì xẩy ra, không phải vì Người có nội tâm thâm hậu, mà vì Người chính là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, là chính Lời Thiên Chúa muốn nói với loài người (x Heb 1:2), Lời mà tiếng phán từ trời hôm nay muốn thành phần chứng nhân tiên khởi được chứng kiến biến cố biến hình "Hãy lắng nghe".

Vấn đề thực hành sống đạo: Chúa Giêsu biến hình trên núi trước mặt ba môn đệ là việc cả Người cũng như Cha của Người muốn thực hiện để chứng thực Người là Đấng Thiên Sai, là Chân Lý, nhờ đó, thành phần môn đệ đã được Người tuyển gọi, cũng như đã tự nguyện bỏ mọi sự để dấn thân theo Người, được yên tâm và kiên trì theo Người cho đến cùng (x Jn 21:18-19). Và chính khi Kitô hữu chúng ta theo Người cho tới cùng như thế, ngay trên trần gian này, nếu "Chúa Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác của chúng ta" (2Cor 4:10), chúng ta thực sự đã được "biến hình" một cách mầu nhiệm. Ở chỗ, càng ngày chúng ta càng phản ánh Đấng" là ánh sáng thế gian" (Jn 8:12), tức càng trở thành những chứng nhân đích thực và sống động của Người, cho tới khi Người lại đến để hoàn toàn và vĩnh viễn biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta để nó được thực sự trở nên giống như thân xác hiển vinh của Người (x Phil 3:21).

 

33.Chúa Hiển Dung – Radio Veritas Asia

(Trích từ ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong phụng vụ Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này, Giáo Hội cho chúng ta chia sẻ phần nào tâm tư của Chúa Giêsu và ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê, là những người đã được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên và cũng là những người được Chúa Giêsu đem theo vào vườn Giệtsêmani để cầu nguyện trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó. Với tâm hồn tinh tế ưu ái, Chúa Giêsu biết rõ tâm tính của các học trò mình, Người biết họ vốn là những ngư phủ chất phác, nhiệt tình nhưng khá bộp chộp. Họ hăng say đi theo Người, hết lòng cộng tác vào sứ mệnh của Người, nhưng cũng từng có những phản ứng nóng nảy, bộc phát. Trong các câu chuyện kể của Tin Mừng, chúng ta thấy không ít lần Simon Phêrô nhanh nhẩu thay mặt các đồng bạn trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, cho dù các lời ấy có thể làm Thầy mình buồn lòng. Thậm chí, trong một lần cản ngăn Chúa Giêsu về việc Người sẽ tự nguyện lên Giêrusalem để chịu khổ hình, và Phêrô lúc đó đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời như sau: "Satan, lui lại đàng sau Thầy, con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người". Còn hai ông Gioan và Giacôbê thì cũng bộp chộp không kém, vì tính nóng nảy, hai ông đã được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là con của thiên lôi. Hai ông đã bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu tiếp đón Người. Vì biết rõ tâm tính của các ông, nên sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó của mình, Chúa Giêsu đã đem riêng các ông theo Người lên núi cầu nguyện và cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Ngay cả trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc hôm nay, ba ông vẫn còn nguyên vẹn tính chất phác của mình, nên khi Chúa Giêsu chuyên tâm cầu nguyện thì các ông lại vô tư nằm ngủ, và Chúa Giêsu vẫn để cho các ông ngủ say. Khi các ông bừng tỉnh thì một khung cảnh huy hoàng đã bao trùm lấy các ông, các ông được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong vẻ vinh quang sáng lạn của Người; có ông Môsê và ông Êlia xuất hiên để làm chứng rằng Người là Đấng Thiên Sai mà Kinh Thánh đã loan báo. Quá kinh ngạc vì cảnh tượng huy hoàng trước mắt, Phêrô đã nói như trong cơn mê sảng, kế đó ông lại được đám mây biểu hiện sự có mặt của Thiên Chúa bao trùm và được nghe tiếng Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Ngài.

Khi nghe đoạn kể lại Chúa Giêsu tỏ mình vinh hiển trên đây, chúng ta thấy mình ngây ngất, choáng ngợp trước cảnh tượng thánh thiêng huy hoàng ấy, chúng ta khâm phục các môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê, vì các ông đã được chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu. Nhìn lại mình, chúng ta thấy đời sống đức tin của chúng ta sao mà nhạt nhẽo. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh vinh hiển, nhưng dường như Người ở tận trên thiên cung xa vời. Còn chúng ta thì cứ loay hoay mãi với những chuyện đời thường nơi chốn trần gian này. Tâm trạng của chúng ta cứ buồn buồn sao ấy. Thật ra, chúng ta không chỉ quẩn quanh với những thăng trầm thế sự mà thôi. Hiện giờ, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến mỗi người chúng ta, như Người đã từng quan tâm đến các môn đệ như Phêrô, Gioan và Giacôbê ngày xưa. Người biết rõ tâm tính của mỗi người chúng ta với những ưu điểm và khuyết điểm của từng cá nhân, bằng những cách thế khác nhau. Qua những sự kiện và những dấu chỉ khác nhau, Người cũng cho chúng ta chia sẻ những giây phút vinh quang, hoan lạc của Người, để tỏ lộ cho chúng ta đại cuộc cứu độ của Người và giúp chúng ta vững bước trên đường sống đạo. Nếu chúng ta không nhận ra những lúc Người tỏ mình như thế, có thể vì chúng ta chưa đủ bén nhạy trong đời sống đức tin, hoặc vì chúng ta không nghĩ rằng mình được Chúa Giêsu ưu ái quan tâm đến thế.

Quả thật, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn thường xuyên đến với mỗi người chúng ta dù không rực rỡ ánh hào quang như lúc tỏ lộ cho ba môn đệ ngày xưa, nhưng vẫn đủ để tạo ra những dấu ấn có sức củng cố đức tin của chúng ta. Đại thi hào Tagore đã viết về điều này trong tác phẩm "Lời Dâng" như sau:

"Anh không nghe thấy ư?

Bước chân Người thầm lặng

Người tới, tới và luôn luôn thường tới

Người tới, tới và luôn luôn thường tới

Hàng giờ, hàng đêm, hàng ngày, hàng thời đại, anh ơi".

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống đời thường của con, Chúa dùng muôn vàn phương cách để tỏ lộ cho con vinh quang của Ngài, nhưng nhiều lúc con chẳng nhận ra. Xin Chúa ban cho con đôi mắt biết rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và tâm hồn biết thinh lặng để nhận ra Chúa. Xin cho con biết lưu giữ những kỷ niệm về những lần con gặp Chúa để mỗi khi gặp cơn sóng gió trong đời, con hồi tưởng lại những kỷ niệm tuyệt vời ấy mà vững tâm sống đạo.

 

34.Con đường thập giá con đường vinh quang

Tuần trước chúng ta đã cùng với Chúa Giêsu lên núi để chịu ma quỷ cám dỗ. Đáng tiếc cho ma quỷ là nó không làm gì được Chúa Giêsu. Chỉ vì Người một mực chọn và làm theo lời dạy của Chúa Cha. Chúa Nhật hôm nay chúng ta tiếp tục cùng ba môn đệ theo Chúa Giêsu lên núi. Nếu như tuần trước chúng ta thấy Chúa Giêsu có vẻ yếu đuối bao nhiêu thì hôm nay Người trở nên mạnh mẽ oai quyền bấy nhiêu. Chúa Giêsu đã trở về tình trạng vinh quang của Người: "Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng" (Mt 17, 2b).

Với vinh quang này, ba môn đệ cảm thấy rất thích nên Phêrô đã không ngần ngại thưa: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!" (Mt 17, 4b). Liền sau đó là tiếng Chúa Cha từ đám mây phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (Mt 17, 5b). Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Giêsu. Vì Người đã vui lòng đón nhận con đường mà Chúa Cha đã vạch sẵn cho. Con đường ấy chính là con đường thập giá. Cũng chính con đường thập giá ấy mới là con đường vinh quang đích thật. Và rồi Chúa Cha cũng muốn mời gọi ba môn đệ và tất cả chúng ta hãy đi theo con đường Thập giá cùng với của Thầy mình.

Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa thật nên vinh quang mà chúng ta chiêm ngưỡng là điều bình thường. Điều đáng nói là vì thương và vì muốn đem lại ơn cứu độ cho con người chúng ta, nên Chúa Giêsu đã đón nhận con đường thập giá ấy. Chúng ta thấy không bao giờ Chúa Giêsu kêu gọi người ta làm gì mà chính Người đã không làm trước. Chẳng hạn khi Người kêu gọi hãy tha thứ thì chính Người cũng đã tha thứ cho những kẻ đã bắt bớ, đã sỉ nhục mình: "Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". (Lc 23, 34. Cho nên, nếu Chúa Giêsu đã đi con đường thập giá thì những ai muốn theo Người không thể đi đường khác được. "Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo Thầy" (Mt 16, 24).

Vậy đâu là con đường thập giá. Đó là con đường từ bỏ những ý riêng của mình mà sống theo thánh ý Chúa Cha. Bài đọc 1 cho thấy ông Abram được Thiên Chúa mời gọi: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" (St 12, 1b). Thật là một lời mời gọi hết sức vô lý theo cái nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, ông đã vâng lời Chúa để ra đi mà không một lời phàn nàn. Nhờ đó mà ông đã trở thành Tổ phụ của nhiều dân tộc.

Hằng ngày trong cuộc sống chắc chắn có rất nhiều điều trái ý nhưng nếu biết đó là thánh ý Chúa Cha, chúng ta hãy tin tưởng mà bước đi. Bước đi như thế là chúng ta đang đi theo Chúa Giêsu - vị Thầy Chí Thánh của chúng ta. Bước theo con đường thập giá cũng chính là con đường vinh quang.

 

home Mục lục Lưu trữ