Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 32

Tổng truy cập: 1360946

LỜI CẦU XIN CỦA BÀ ĐƯỢC TOẠI NGUYỆN

LỜI CẦU XIN CỦA BÀ ĐƯỢC TOẠI NGUYỆN

 

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục trình bày việc Chúa Giêsu vượt qua biên giới để tiến vào vùng đất của dân ngoại, và một người trong dân là người đàn bà xứ Canaan sắp sửa được dự phần vào tác vụ của Ngài, đó là được lãnh nhận hồng ân như những người Do Thái. Đây là điểm khởi đầu, một dấu chỉ mời gọi để rồi sau này các tông đồ được Chúa Thánh Thần soi sáng vượt qua ranh giới hạn hẹp của quốc gia để đi đến tận cùng bờ cõi trái đất rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

Khi bước vào vùng đất mới, Chúa Giêsu gặp những lời kêu van của người đàn bà đang bị thử thách: "Lạy Con Vua David, xin dủ lòng thương tôi, đứa con gái tôi bị quỉ ám khổ sở lắm". Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời nào, và trước lời khẩn cầu tha thiết như vậy lại sao Chúa Giêsu không đáp lại

Lời cầu nguyện của người đàn bà thật cảm động, thật chân thành, thế mà lại sao Chúa lại không đáp trả. Chúa là Đấng nhân từ trước những người cùng khổ chạy đến kêu cầu Ngài. Hơn nữa, Ngài đã dạy cho các đồ đệ cầu nguyện rằng: “Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho, hãy xin thì sẽ được", thế mà lại sao trong lúc này Chúa tặng thinh không trả lời người đàn bà, hẳn phải có lý do nào đó mà Ngài không trả lời.

Thật vậy, các tông đồ không thể hiểu được thái độ của Chúa và cũng không muốn bị quấy rầy, nên nói với Thầy mình: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, kẻo bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu xin mãi". Các đô đệ hiểu tầm thái độ im tặng của Chúa như một sự chối từ nên các ông cũng muốn phủi tay: “Xin Chúa đuổi bà ấy đi cho rảnh, đừng để bà ấy quấy rầy nữa". Không những Chúa im tặng mà Ngài còn lên tiếng chối từ lời van xin của người đàn bà trong cơn thử thách: "Ta chỉ được sai đến với chiên lạc của nhà Israel".

Đứng trước một thách thức về lòng tin như vậy, người đàn bà xứ Canaan đã không ngã lòng trước lời từ chối của Chúa, bà đến sụp Lạy dưới chân và thưa với Ngài rằng; "Lạy Ngài, xin thương giúp tôi". Bà không thắc mắc, không giận dỗi hay trách móc Chúa thế này thế nọ, nhưng bà khiêm tốn hạ mình hơn nữa. Bà không những van xin bằng lời nói mà còn van xin bằng cả con người, bà sụp Lạy trước Chúa Giêsu và nói: "Xin Ngài thương cứu giúp tôi". Sự im tặng của Chúa, sự chối từ của Ngài là một thử thácho Thử thách trong đức tin, thử thách trong việc cầu nguyện, Ngài muốn thử thách người đàn bà van xin nhiều hơn nữa: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho con chó". Lời nói cứng cỏi này xem ra không phù hợp với một con người nhân từ đầy yêu thương như Chúa. Và rồi thử thách đã đến mức độ cuối cùng, ai có thể vượt qua được, nhưng người đàn bà dân ngoại này đã vượt qua, bà đã thưa với Chúa Giêsu như sau: "Thưa Ngài đúng tắm, nhưng các chó con cũng được ăn những vụn bánh từ nơi bàn ăn của chủ rơi xuống". Tâm hồn khiêm tốn đã giúp người đàn bà vượt qua được thử thách và trưởng thành trong đức tin. Giờ đây Chúa Giêsu mới trả lời: "Này bà, đức tin của bà đã được chấp nhận, bà muốn sao thì được vậy". Người đàn bà đã xin được Chúa Giêsu cho con mình khỏi bị quỉ ám.

Thái độ của Chúa Giêsu từ im tặng đến chối từ đã hướng dẫn bà đến mức độ trưởng thành của lòng tin: "Lòng tin của bà vững mạnh, bà muốn sao thì được như vậy". Sự thử thách đã đến lúc chấm dứt, và cuối đoạn đường gian nan, khi nhìn lại xem ra như Chúa im tặng hay từ chối trước lời ta cầu xin, nhưng giây phút đó là những giây phút quí báu vô cùng, vì những phút im tặng và chối từ ấy giúp lòng tin của ta được trưởng thành. Như vậy, vào cuối đoạn đường gian nan ta mới hiểu được phần nào chương trình của Chúa cho cuộc đời của mình. Nhưng liệu ta có đủ sức để đi đến cuối con đường, đến nơi mà Chúa muốn chúng ta trưởng thành trong đức Tin hay không? Đó là một đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

 

60.Chúa Nhật 20 Thường Niên

(Suy niệm của Lm Gioan Phan Tiến Dũng)

Những nỗi đau-thống khổ, lời khẩn thiết kêu van của con người có chạm đến Tình yêu-Lòng thương xót của Thiên Chúa chăng? Nhân loại khi bước vào năm 2020 với biết bao đau thương, khó khăn và thử thách đặc biệt là đại dịch bệnh Covid. Mấy ngày qua khi phải tuân thủ giãn cách xã hội và không thể cử hành thánh lễ quy tụ nhiều tín hữu. Với tâm tư của một người mục tử, tôi có nhiều cảm xúc, cảm thấy buồn-đau và chắc hẳn nhiều người trong ACE cũng vậy. Có thể chúng ta đang tự hỏi: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, quan phòng và giàu lòng thương xót; nhưng tại sao giờ đây con cái của Ngài đang gặp quá nhiều đau khổ và dường như khó để tìm ra lối thoát. Khi đối diện với hoàn cảnh thế này, tôi và anh chị em sẽ phải làm gì đây?

Tin mừng hôm nay soi sáng cho chúng ta bắt gặp một hoàn cảnh quá đáng thương của một bà mẹ, chắc hẳn khi một người mẹ có người con nào của bà bệnh tật, đau khổ, thì lòng người mẹ lại càng đau hơn gấp bội nỗi đau mà người con mình đang phải gánh chịu. Vì thương con, vì muốn cứu con, vì muốn con được bình phục và hạnh phúc, bà đã hy sinh tất cả, hy sinh ngay cả danh dự để miễn sao con mình được Chúa đoái thương cứu chữa. Bà đã đi theo để van xin Chúa “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Chắc rằng Chúa nghe những lời van xin của bà, nhưng Tin mừng lại tường thuật “Chúa không đáp lại một lời nào” Phải chăng Chúa không quan tâm đến những điều mà bà mẹ này kêu xin? Ngay cả những môn đệ họ cũng thấy phiền hà khó chịu khi bà mẹ này kêu xin hoài mà tại sao Chúa không làm gì cho bà ta cả. Nên các ông đến gần Người mà xin nhưng với cung cách không hài lòng và như trách Chúa: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”.

Lời đáp lại của Chúa Giêsu thoạt nghe chúng ta cảm thấy phủ phàng và nhói trong lòng, vì Ngài “chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel” hay “không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Để hiểu đúng ý nghĩa những gì Chúa nói, chúng ta cần phải hiểu trong hoàn cảnh mà Tin mừng theo Thánh Mattheu được viết ra là dành cho người Kitô hữu gốc Do Thái. Thật vậy, Chúa đến với dân Israel, Chúa ban ơn cứu độ cho Israel là dân được tuyển chọn cách đặc biệt. Nhưng vì cứng lòng, vì ngoan cố họ đã không chấp nhận Chúa Giêsu, là Đấng Thánh đến từ Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa. Họ đã loại Chúa ra khỏi đời sống của họ, nhưng họ lại tự phụ và cho rằng: duy chỉ mình họ là dân thánh, còn các dân tộc khác thì không thể trở nên con cái Thiên Chúa và không đáng được Chúa thương cứu giúp.

Điều thú vị mà Tin mừng minh chứng cho chúng ta là: người đàn bà ngoại giáo này không phải là dân Israel nhưng lại có một lòng tin mạnh mẽ vào Chúa. Không những thế bà lại có tình thương bao la dành cho người con của mình. Chính hai điều này đã chạm đến lòng thương xót của Chúa Giêsu. Quả thật, nhờ vậy mà Chúa đã cứu con bà được bình phục. Hay chúng ta cũng có thể nói, người mẹ này đã cộng tác với Chúa bằng cả niềm tin và tình thương để cứu con mình. Chúa chữa lành người con của bà vì Chúa chạnh lòng thương đến những con người đau khổ, không những thế, Chúa cứu chữa con bà và ban ơn vì Chúa thấy lòng tin vững mạnh nhưng rất khiêm tốn, đơn sơ của một người mẹ vì con mà hy sinh tất cả. Chúa đã chạnh lòng thương và thán phục “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Với tình thương và lòng tin, phép lạ của ân sủng đã xảy ra “ngay lúc đó, con gái bà đã được lành”.

Thưa ACE, vì lòng thương xót của Thiên Chúa, nhiều phép lạ vẫn đang xảy ra hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Chắc hẳn ai trong chúng ta giờ này cũng muốn kêu xin Chúa hãy làm phép lạ gì cho cơn đại dịch này, hay phép lạ nào đó cho những khó khăn đau khổ của chúng ta biến mất đi. Nhưng để phép lạ xảy ra chúng ta cũng phải cần cộng tác với ơn Chúa và cộng tác bằng cách nào. Chúng ta biết rằng phép lạ xảy ra là do ơn ban của Thiên Chúa cách nhưng không, do đó chúng ta phải cầu nguyện khẩn thiết van xin với lòng tin vững vàng và thái độ khiêm tốn. Đồng thời cũng là sự nỗ lực-cố gắng của chúng ta qua những hy sinh của cầu nguyện và bác ái.

Năm 2010 lúc tôi làm mục vụ bên Nhật, có gia đình của ông bà Takenaka rất đạo đức với năm đứa con. Tuần nào cả gia đình cũng đi lễ và hoạt động truyền giáo hăng say, nhưng cô con gái thứ 2 là Nozomi thì không bao giờ đi lễ cùng với gia đình. Sau một thời gian, tôi thấy làm lạ và hỏi tại sao, thì người mẹ nói, “nó rất chán khi đến nhà thờ, vì không thấy niềm vui gì cả, ở nhà nó cũng chẳng đọc kinh”. Cuối năm đó, Nozomi thi đậu vào đại học phải xa nhà, Bà Takenaka rất lo lắng, vì với một đứa con cứng đầu và khô đạo như vậy thì làm sao đây khi phải sống xa gia đình? Trước khi tiễn con đi xa, Bà chở nó lên gặp tôi để xin tôi cầu nguyện chúc lành cho nó. Khi đến nhà thờ Nozomi cứ ngồi lì trên xe không chịu xuống; nhưng vì người mẹ, tôi ra tận xe mở cửa rồi đọc kinh chúc lành cho nó. Sau khi đọc kinh, chúc lành, tôi tặng nó một tràng chuổi mân côi nhỏ và nói: “Cha cầu nguyện nhiều cho con, xin Chúa chúc lành cho con”. Tôi cũng nói với bà mẹ “từ hôm nay tôi mời gọi chị hãy cùng tôi làm tuần cửu nhật để cầu nguyện cho Nozomi”. Tuần thứ 3 của Mùa Vọng năm 2010, tôi nghe chuông, ra mở cửa thì thấy bà Takenaka với khuôn mặt vui tươi, bà hạnh phúc báo tin cho tôi biết, “Nozomi từ Tokyo gọi về hỏi con, mẹ chỉ cho con nhà thờ nào gần chỗ con ở, để con có thể đi xưng tội, đi lễ và rước lễ trong Mùa Giáng Sinh”. Bà khóc trong vui sướng nói với tôi “Thưa Cha, Chúa đã nghe lời cầu xin và sự hy sinh của con và Cha. Con tin Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái Ngài”.

ACE rất thân mến, dẫu chúng ta đang đau khổ, khó khăn vì đại dịch, đau khổ hơn vì chúng ta không thể đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ trực tiếp trong những ngày này. Nhưng chúng ta hãy bắt chước gương mẫu của bà mẹ trong tin mừng, vì tình thương dành những người thân yêu của mình và đặc biệt hơn là dành cho những anh chị em đang gặp đau khổ; chúng ta hãy chạy đến với Chúa với lòng tin kiên vững, hãy kêu xin Chúa với tâm hồn khiêm tốn-mở rộng, hãy làm mọi việc lành, hy sinh đạo đức, để qua đó, lòng nhân từ và khoan dung của Chúa chạm đến những nỗi khổ đau này của anh chị em mình và thương cứu chữa lành. Amen.

 

61.Đau khổ.

Người đàn bà ngoại giáo, có đứa con đau yếu đã đến tìm gặp Chúa Giêsu. Lần thứ nhất bà kêu xin, nhưng Ngài đã thinh lặng khiến các môn đệ phải lên tiếng can thiệp. Lần thứ hai bà kêu xin, thì bị Chúa Giêsu trả lời: Đừng lấy bánh của con cái mà ném cho chó. Thế nhưng bà vẫn không mất lòng cậy trông khi thưa cùng Chúa: Lạy Thầy, nếu như vậy thì con chó cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống chứ. Cuối cùng Chúa Giêsu đã phải ca ngợi niềm tin của bà và đã làm phép lạ cho con bà được khỏe mạnh.

Từ câu chuyện này chúng ta rút ra được một bài học, một thái độ sống giữa những khổ đau và bất hạnh, giữa những gian nguy và thử thách chúng ta gặp phải giữa lòng cuộc đời. Như chúng ta đã biết: đau khổ và thử thách là như một cái gì gắn liền với thân phận con người: thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, đời có vui sao chẳng cười khì. Giáo lý nhà Phật đã gọi đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Còn trong kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta vốn thường cho rằng đời là nơi khổ ải, nơi khóc lóc, đời là thung lũng nước mắt. Đứng trước những khổ đau và thử thách, người thì can đảm chấp nhận, không kêu ca, không oán trách, kẻ thì hậm hực tức tối, khóc lóc than van, dường như ở trên đời này chỉ mình họ là khổ đau mà thôi. Nếu có dịp, chúng ta hãy ghé thăm những bệnh viện và chúng ta sẽ thấy những khổ đau chúng ta đang phải chịu, chẳng thấm tháp vào đâu so với những khổ đau của người khác.

Ngày kia đức Khổng Tử gặp Vĩnh Khải Kỳ, tay cầm đèn, vừa đi vừa hát một cách vui vẻ. Khổng Tử bèn hỏi: Hôm nay có chi mà tiên sinh mừng vui thế. Vĩnh Khải Kỳ trả lời: Trời sinh ra muôn vật, mà loài người là loài trọng nhất, bỉ nhân đây là loài người, thì làm sao chẳng vui cho được. Trong loài người thì đàn ông hơn đàn bà. Bỉ nhân đây được may mắn là đàn ông, thì làm sao chẳng vui cho được. Sinh ra có kẻ mù lòa câm điếc hay què quặt, bỉ nhân đây không mù lòa, không câm điếc cũng chẳng què quặt, thì làm sao chẳng vui cho được. Còn nếu như nghèo nàn, bệnh tật và chết chóc là số phận chung của mọi người, không ai có thể tránh thì việc gì mà phải buồn phiền lo lắng.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng ta, những người luôn tin tưởng và cậy trông vào Chúa thì những khổ đau chúng ta chịu sẽ không kéo dài quá thời gian cuộc sống chúng ta. Chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ chấm dứt. Người giầu và kẻ nghèo rồi thì cũng phải chết, cũng như ông phú hộ và người ăn xin tên là Lagiarô. Thế nhưng sau cái chết là cuộc sống đời đời, là tương lai vĩnh cửu sẽ mở ra cho chúng ta tùy theo như những việc lành dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng biến những khổ đau chúng ta gặp phải trở thành nguồn ơn phúc, đem lại lợi ích cho chúng ta như lời thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: Được chịu gông cùm vì Chúa, tôi lấy làm hãnh diện hơn là ngồi trên 12 tòa các tông đồ mà xét xử muôn dân. Tại sao thế? Bởi vì đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường tiến tới Phục sinh.

 

62.Chúa Nhật 20 Thường niên

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Thái)

“Này bà, bà có lòng tin mạnh mẽ. Bà muốn gì được vậy” (Mt. 15:21-28)

Trước công đồng Vatican II, những người tín hữu có đời sống luân lý công khai bê bối, nhưng không chịu ăn năn trở lại, khi chết thường bị các cha sở cấm không cho chôn cất trong nghĩa trang của nhà thờ, vì nghĩa trang công giáo là phần đất đã được thánh hiến, chỉ dành cho những người tín hữu có đời sống xứng đáng mà thôi.

Có một ông cụ già sống bê bối về luân lý, say sưa, cờ bạc, ăn ở lung tung… Khi chết, cha sở ra lệnh cho người nhà phải chôn cất ông ở ngoài hàng rào của nghĩa trang giáo xứ. Sau nhiều năm, cha sở đã đổi đi nơi khác, người con gái của ông già trở về nhà thờ cũ để thăm mộ và xin lễ cầu nguyện cho ông., Bà đi kiếm mộ cha mình ở bên ngoài hàng rào nghĩa trang nhưng chẳng thấy. Bà đành phải đi tìm người trông coi nghĩa địa ngày xưa để hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Người trông coi nghĩa địa đã dẫn bà ra đúng mộ của thân phụ, nhưng đã nằm ở bên trong hàng rào nghĩa trang. Bà ngạc nhiên hỏi, “tại sao ông lại dời mộ của thân phụ tôi?” Người trông coi nghĩa trang mỉm cười trả lời: “chúng tôi đã không dời mộ của ông cụ, nhưng vì bên trong nghĩa trang không còn đủ chỗ chôn cất nữa, nên phải mở rộng nghĩa trang ra. Chúng tôi chỉ dời hàng rào ra mà thôi!”

Đây là điều Chúa Giêsu đã làm trong bài Phúc âm hôm nay, Mt 15:21-28, khi chữa bệnh cho con gái của người đàn bà xứ Canaan. Người đàn bà Canaan đến với Chúa là người ở bên ngoài những hàng rào ranh giới do sự kỳ thị phân biệt của xã hội.

Đối với những người Do Thái, sự trong sạch và nhơ bẩn được phân định rõ ràng. Nếu là ngườiDo Thái và biểu tỏ đức tin qua việc giữa luật Do Thái, người đó được coi là trong sạch. Nếu là ngoại kiều, hay là Do Thái mà không tuân giữ luật lệ Do Thái, đó là người dơ bẩn. Sự phân định ranh giới này rất đơn giản và rõ ràng!

Có hai điều làm cho người đàn bà xứ Canaan bị loại trừ trong bậc thang phân định giá trị của người Do Thái: đàn bà và dân ngoại. Trong xã hội của người do Thái thời Chúa Giêsu, người đàn bà bị lãng quên. Trong bài Phúc âm Mt 14:13-21, Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho 5 ngàn người ăn uống no nên, “Không kể đàn bà và trẻ em”. Đàn bà và trẻ con không được kể đến, coi như không có giá trị. Hôm nay một lần nữa, thánh Mattheu nói đến người đàn bà xứ Canaan, mà không nhắc đến tên của bà. Điều này có ý nghĩa. Chắc chắn bà phải có tên. Nhưng không được nhắc đến tên chứng tỏ bà đã bị xã hội thời đó khinh bỉ và loại trừ.

Điểm thứ hai, bà là người dân ngoại xứ Canaan. Đối với người Do Thái, dân ngoại là xấu. Người Canaan, kẻ thù truyền kiếp của tổ tiên người Do Thái, còn xấu hơn nữa. “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó” (Mt 15:26). Chúa Giêsu đã sử dụng phong tục và lối nói quen thuộc của người Do Thái để so sánh những người dân ngoại giống như chó. Xã hội Do Thái thời xưa không cưng chiều và quý trọng chó như xã hội Tây Phương thời nay. Gọi ai bằng chó là một điều sỉ nhục. Vì chó liếm những vết ghẻ chốc, và mang bệnh truyền nhiễm như trong câu chuyện người phú hộ và ông Ladarô (Lc 16:21).

Theo William Barclay, bởi lòng kiêu căng, người Do Thái đã gọi dân ngoại là “những con chó ngoại đạo” (gentile dogs), “Những con chó vô tín ngưỡng” (infidel dogs). Sau này họ gọi những người theo Kitô giáo là “những con chó Kitô hữu” (Christian dogs). Một sự diễn tả đầy khinh bỉ!

Trong cuốn tự thuật của Mahatma Gandhi, vị thánh của người Ấn độ giáo, ông kể lại rằng trong thời gian còn là học sinh, ông đã đọc Phúc Âm và nhìn thấy trong những lời giảng dậy của Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn lớn lao của người dân Ấn độ phải giải quyết với chế độ đẳng cấp. Đang khi suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về đức tin Kitô giáo, một buổi sáng Chúa nhật, Gandhi bước vào nhà thờ với ý định sẽ bàn thảo với mục sư về tư tưởng của mình. Tuy nhiên, vừa bước vào trong nhà thờ, người dẫn chỗ ngồi đã từ khước không tìm chỗ và đề nghị ông nên bước ra ngoài đi đến nhà thờ dành riêng cho giai cấp của ông. Gandhi đã bỏ nhà thờ và không bao giờ trở lại nữa. Sau này ông nói: “Nếu những người Kitô hữu cũng có những đẳng cấp khác nhau, thì tốt hơn tôi nên ở lại với Ấn độ giáo – Hinduism.”

Vì sự kỳ thị và phân biệt mà người đàn bà Canaan và ông Gandhi đã bị loại trừ. Nhưng Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người nhìn thấy rằng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa vượt qua tất cả mọi hàng rào ranh giới của con người dựng nên.

Người ta kể về một người đàn bà ở bãi biển. Bà ấy vừa già, lại dơ bẩn, và ăn mặc dị hợm. Bà đi bộ lang thang dọc theo bờ biển, thỉnh thoảng ngừng lại cúi xuống nhặt một cái gì đó bỏ vào trong túi sách. Khi bà đi ngang qua đám trẻ con đang đùa vui trên cát biển, cha mẹ của những em bé này liền gọi các em lại để khỏi gần gũi với bà. Họ lo lắng và sợ hãi vì không biết bà có thể làm điều gì gây nguy hại cho các em. Họ căn dặn con cái: “Không có việc gì phải liên hệ với bà ta cả.” Sau này, họ khám phá thấy rằng bà lão đi dọc theo bờ biển và nhặt những miếng kính vỡ bỏ vào trong túi xách để trẻ em không bị đứt chân chảy máu khi chạy vui đùa trên bãi biển.

Nếu chúng ta bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách. Điều này được thể hiện bằng thái độ nhìn tất cả mọi người bình đẳng như nhau, không còn phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, hay tôn giáo. Và trong ánh sáng đức tin, phải nhìn mọi người là anh chị em của mình, là con cái của Chúa cha trên trời. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta điều này trong thư gởi tín hữu Ga-lát: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3:28).

Đối với những người ngoài Kitô giáo, trong tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, đoạn 5, công đồng Vatican II đã nói: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là cha và giữa con người với anh em mình, có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa” (1 Ga 4:8).

Do đó, mọi lý thuyết hay hành động đưa đến kỳ thị về phẩm giá con người và những quyền lợi do phẩm giá đó mà ra, kỳ thị giữa con người với nhau, giữa dân này với dân khác, sẽ không có nền tảng.

Vì thế, Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy xa lạ với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công đồng theo chân thánh Phê rô và Phao lô, khẩn thiết kêu mời các Kitô Hữu: “Hãy sống ngay lành giữa người lương dân” (1 Pr 2:12), nếu có thể được, tùy khả năng mà sống hòa thuận với hết mọi người (Rm 12:18) như những người con một Cha trên trời.”

Đối với những người Kitô hữu, trong tinh thần hiệp nhất, công đồng nói: “Thánh công đồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất.”

Đối với những anh chị em ly khai, công đồng Vatican II nói: “Người công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người – và có khi phải đổ máu mới nói lên được chứng tá ấy – quả là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu.” (Unitatis Redintegratio, đoạn 4).

Nhìn vào tấm gương của người đàn bà Canaan, chúng ta cũng rút tra được bài học quý giá trong đời sống đức tin. Với tình yêu lớn lao của một người mẹ đối với con gái đang đau nặng, người đàn bà Canaan đã vượt qua mọi ranh giới kỳ thị của xã hội – đàn bà và dân ngoại – để kiên trì tin tưởng vào lòng nhân lành của Chúa Giêsu. Tình yêu là động lực dẫn đến đức tin.

 

63.Hành trình gặp gỡ giữa tình yêu và đức tin

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Tin Mừng Mt 15: 21-28: Thật kỳ diệu về cuộc gặp gỡ giữa tình yêu và đức tin. Người đàn bà xứ Canaan đến gặp Chúa vì tình mẫu tử, và Chúa Giêsu chữa con gái của bà lành mạnh vì tình thương dành cho bà bởi bà tin.

Mẫu đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà xứ Canaan đưa chúng ta đến cuộc gặp gỡ giữa đức tin và tình yêu.

Trước tiên là tình yêu của người mẹ đối với đứa con gái. Chỉ một mẫu đối thoại ngắn giữa bà và Chúa Giêsu người ta đọc được chữ yêu to tướng trong trái tim của bà dành cho cho đứa con gái tật nguyền. Nhà văn Agatha Christie đã trình bày: “tình yêu của mẹ dành cho con chẳng giống thứ gì trên thế giới này. Nó không có quy tắc, không có thương hại, nó vượt qua và nghiền nát tất cả mọi thứ chắn lại đường đi của nó”. Quả thật, người đàn bà xứ Canaan đã nghiền nát sự tự ái, đạp đổ cái tôi, vượt thắng sự e ngại để cuối cùng bà đã mang lại niềm vui cho đứa con gái của bà. Nó được Chúa chữa lành khỏi bị quỷ ám.

Phải chăng tình mẫu tử của người đàn bà xứ Canaan đã khuất phục được Đức Kitô, để Ngài rộng tay chữa lành cho đứa con của bà? Thưa không phải thế, nhưng tình mẫu tử là con đường dẫn đến gặp Chúa với một điều xác tín: chỉ có Chúa mới có thể chữa lành được cho con gái. Và chính niềm xác tín này đã hình thành nơi bà đức tin, và đây là điểm cốt lõi để Chúa thực hiện điều bà xin.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, đức tin là một ân ban của Chúa,để nhờ đó chúng ta có con đường đến gặp được Chúa, bởi nói như Đức Phanxicô trong Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin:  “Đức tin không chỉ đơn thuần là ngắm nhìn Chúa Giêsu, nhưng nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa Giêsu, với đôi mắt của Người: đó là một sự tham gia vào cách nhìn của Người. Chúng ta ‘tin vào’ Chúa Giêsu khi chúng ta đích thân đón Người vào cuộc đời và cuộc hành trình của chúng ta về phía Người, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người trên đường đời”. Quả thật tin chính là gặp gỡ với Đấng yêu thương không thể so sánh với bất cứ một cuộc gặp gỡ nào trong trần thế nầy, một Đấng thật gần gũi với tôi trong cuộc sống, Đấng đó không chỉ chia sẻ cuộc sống này với tôi, nhưng còn mang lại cho tôi một cuộc sống mới mang tính vĩnh hằng, để qua cuộc gặp gỡ này tôi hoán cải và tín thác vào tình yêu của Đấng mà tôi gặp gỡ. Đức Bênêđictô XVI, khi còn là một giáo sư thần học đã nói: “tin là một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua  cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một Ngôi vị sống động”. Cuộc gặp gỡ này được gọi là đức tin vì con người mà chúng ta gặp gỡ đó không đơn thuần là một con người trần thế, nhưng đó là “vị Thiên Chúa làm người”, là Logos: Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa, Logos đó “đã trở nên người phàm” (Ga 1, 14).  Quả thật, Đức tin là ân ban,  là một quà tặng vô giá vì nhờ đó mà kẻ tin nhận được ơn cứu sống, không có ân ban này chúng ta mãi mãi sống trong u tối, xa cách với Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống và hạnh phúc của chúng ta. Thế nhưng  hồng ân đức tin chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi chúng ta thực sự tín thác trọn vẹn cuộc sống của chúng ta vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Sự tín thác đòi hỏi chúng ta đi ra khỏi cái tôi chính mình, bởi đó là thành trì ngăn cản chúng ta gặp ân sủng Thiên Chúa, vì “cái tôi” luôn loại trừ dấn thân mà chỉ là đòi hỏi cho những quyền lợi vị kỷ, trong khi đức tin là một hành vi dấn thân để gặp gỡ với Đấng mình tin, một cuộc gặp gỡ để thanh luyện con tim và khối óc, để hoán cải hầu có thể đáp ứng yêu cầu của đức tin. Nói như đức Giáo hoàng Benêđictô XVI, đức tin ra đi ra khỏi chính mình đến “gặp gỡ với một Đấng thật gần gũi, một Đấng đỡ nâng chúng ta, tặng ban cho chúng ta một tình yêu bất hoại, vượt lên trên mọi gặp gỡ bất cập trong cõi nhân sinh, một tình yêu không những khao khát vĩnh cửu mà còn mang lại vĩnh cửu”.

Người đàn bà xứ Canaan đã được hoán cải từ một hành trình đến gặp Đức Kitô vì đứa con gái thành một con người khiêm cung, nhận ra sự hèn kém của mình để việc van xin sự cứu chữa không còn là nài xin  một sự thương hại, nhưng là kêu cầu đến lòng thương xót của một Đấng mà bà nhận ra rằng, chỉ có Ngài mới có thể cứu con bà không phải do lời van xin của bà, nhưng do chính tình yêu thương mà Ngài dành cho bà vì đức tin của bà.

Thật kỳ diệu về cuộc gặp gỡ giữa tình yêu và đức tin. Người đàn bà xứ Canaan đến gặp Chúa vì tình mẫu tử, và Chúa Giêsu chữa con gái của bà lành mạnh vì tình thương dành cho bà bởi bà tin.

Lạy Chúa, trong cuộc hành trình trên đường về nhà Cha, đức tin là đuốc sáng chỉ đường, nhưng đức tin chỉ cháy sáng khi chúng con thực sự tín thác vào Chúa, một sự tín thác vì lòng mến yêu. Để được như thế xin Chúa giúp chúng con nhận ra rằng, lòng mến yêu chỉ có được khi chúng con luôn tìm gặp Chúa, cũng có nghĩa là chúng con phải ra khỏi cái tôi ích kỷ, đừng để đức tin chỉ là phương thế phục vụ cho những nhu cầu riêng tư của chúng con, nhưng đức tin là cách thể để chúng con gặp được Chúa, đối thoại với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Thánh ý Chúa. Ước gì chúng con có tâm tình của người phụ nữ trong đoạn Tin Mừng: khiêm cung và hoàn toàn tín thác vào Chúa. Amen.

 

64.Lòng thương xót

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Người (Lc 1,50). Thiên Chúa của chúng ta giàu lòng thương xót. Ngài tỏ lòng xót thương nhân loại cũng như từng cá nhân. Ngài đã đến trần gian để cứu độ chúng ta cũng vì thương xót chúng ta.

Lòng thương xót của Chúa được ghi lại nhiều đoạn trong Kinh thánh. Đoạn Phúc âm hôm nay cũng cho thấy điều đó. Người đàn bà ngoại giáo đến kêu xin Chúa Giêsu và bà tin tưởng vào Ngài là Đấng Thiên Sai, là Vua Nhân ái và giàu lòng thương xót. Vì tin tưởng như thế nên bà không nản lòng, cứ bền tâm kêu xin dù Chúa Giêsu không đáp lại một lời nào. Với lòng tin và kiên tâm của bà, cuối cùng Chúa đã ban cho như ý bà xin. Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa. Những khi chúng ta cầu xin, Chúa có thể đối xử bằng lòng nhân từ kèm với thử thách lòng tin. Chúa sẵn sàng ban ơn nhưng với điều kiện là chúng ta phải ở trong tâm thế sẵn sàng đón nhận và ước mong lãnh nhận. Chúa có quyền ban cho và cất đi nếu Chúa thấy điều đó tốt cho chúng ta trong một giai đoạn nào đó. Nhiều lúc chúng ta kêu xin Chúa nhưng Ngài chưa trả lời ngay dù Người đã nghe thấy rồi. Chúng ta hãy cứ tiếp tục kêu cầu thì Người sẽ ban cho vì Ngài rất yêu thương chúng ta.

Nếu Chúa chưa ban cho chúng ta ơn chúng ta cầu khẩn cũng là vì Chúa thương chúng ta. Suy nghĩ của Chúa cao hơn suy nghĩ của chúng ta nên chúng ta không thể lý giải hết tất cả. Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta nhiều lúc chưa đúng đắn hoặc chưa thật lòng, chưa đáng được Chúa nhậm lời. Ví dụ: một người xin Chúa cho thi đậu tú tài nhưng cứ lười học bài,... thì Chúa không làm bài thay được. Chúng ta tin vào lòng thương xót Chúa và hành động thì mới có được kết quả mỹ mãn.

Có lẽ vì con người thiếu lòng tin vào lòng thương xót Chúa nên Chúa đã phải tỏ mình qua nữ tu Faustine Kowalska. Chúa vẫn thương và tiếp tục yêu thương nhân loại dù có nhiều người tội lỗi và muốn phớt lờ chân lý Chúa dạy. Thiên Chúa vẫn thương xót không phải vì con người dễ thương nhưng vì Chúa là Cha nhân hậu vẫn trông ngóng những đứa con không tìm đường về, có khi không muốn nghe ai nhắc về vấn đề tôn giáo với họ! Nữ tu Faustine đã được Chúa Giêsu chọn để gởi đến nhân loại sứ điệp Chúa giàu lòng thương xót: Ta không muốn trừng phạt nhân loại đang đau khổ, nhưng ta muốn chữa trị nhân loại bằng cách ôm trọn nhân loại trong trái tim nhân từ của Ta. Qua sứ điệp này, tôi càng tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa đối với tôi là con người tội lỗi và an tâm sống đạo, trông cậy Chúa sẽ ban phần thưởng đời sau. Tôi biết những cố gắng sống đạo của tôi sẽ không uổng phí. Cho dù có những lúc tôi thiếu lòng mến Chúa, thiếu cầu nguyện và làm phiền lòng Chúa nhưng Chúa không muốn chấp tội tôi. Ngài luôn là một người Cha hay thương xót, đang trông ngóng những đứa con lầm đường trở về để tha thứ, để ban ơn và để giao cho mỗi người trông coi một công việc nhà Người. Khi tôi được cộng tác trong Giáo hội Chúa, tôi cảm thấy phấn chấn vì có dịp lập công, mai sau không hổ thẹn khi lãnh một phần thưởng quá lớn lao từ Thiên Chúa Ba Ngôi là hạnh phúc Thiên đàng vĩnh cửu.

Có nhiều người như muốn hỏi Chúa: Chúa có nghe lời con kêu xin chăng, sao Ngài vẫn im lặng! Chắc chắn rằng Chúa không bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ ban ơn cho nếu điều chúng ta xin phù hợp cho phần rỗi và ích lợi cho chúng ta. Hẳn là con người bất xứng, không đáng cho Chúa nhậm lời, nhưng vì lòng thương xót, Chúa sẽ ban ơn dồi dào cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, xin dủ lòng thương chúng con là những kẻ tộI lỗI, yếu đuốI tư bề. Chúng con biết Chúa yêu thương chúng con lắm nên mớI hạ thế mà giảng dạy và cứu chuộc chúng con. Hàng ngày chúng con gẫm suy về lòng thương xót Chúa và cầu xin thống thiết cho nhân loại đang chìm vào u mê của những hưởng thụ và vô tín. Dẫu rằng con người có hai phần xác hồn nhưng nhiều người bỏ quên hồn và chỉ chăm chút phần xác hay đúng hơn là chỉ chăm chút cho đời này mà bỏ quên đời sau. Tất cả mọi người đều cần ở lòng thương xót Chúa, ở sự trợ giúp yêu thương của những người xung quanh. Xin cho chúng con thực sự trở thành những chứng nhân cho Chúa giữa trần gian để loan truyền tình thương Chúa cho mọi người.

 

65.Vững vàng tin tưởng.

Có một giai thoại kể rằng: Có một thanh niên thích chơi những trò chơi mạo hiểm. Hôm đó anh mang một chiếc dù lớn đến bên bờ một vực thẳm tính để chơi cho thoả chí mạo hiểm của anh, không biết loay hoay thế nào, anh trượt chân té xuống vực thẳm. May quá, anh bám được một nhánh cây chìa ra trên bờ vực. Khi đã nắm được nhánh cây kia, anh thở phào một cái, tuy nguy hiểm vẫn chưa qua, nhưng anh nghĩ như thế này là có hy vọng sẽ được cứu.

Anh ngước mắt nhìn lên bờ vực, không thấy có bóng dáng một ai, cúi xuống, anh nghĩ chỉ còn cách cầu nguyện. Thế là anh cầu xin: “Lạy Chúa, xin cứu con, con xin hứa con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn”. Bỗng có tiếng Chúa từ trời vọng xuống: “Được, Ta sẽ cứu con, nhưng trước khi cứu con, Ta muốn con có thực sự tin Ta có thể cứu con được không”. Anh thưa ngay: “Lạy Chúa, con tin chứ, con tin chắc là Chúa cứu được con, Chúa cứu con ngay đi con mỏi tay lắm rồi”. Chúa nói: “Được, nếu con tin thì con cứ buông tay con đang bám vào nhánh cây đó đi”. Chàng thanh niên vẫn bám chặt vào nhánh cây chứ không chịu buông tay ra, rồi chàng ngẩng nhìn lên bờ cố la lớn: “Có ai ở trên bờ không, cứu tôi với”. Giả sử chúng ta là chàng thanh niên trên đây, liệu chúng ta có dám buông tay ra không? Đức tin của chúng ta có đủ mạnh để tin vào quyền năng của Chúa qua những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống của chúng ta không? Điều Thiên Chúa muốn là chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Lòng tin tưởng của chúng ta phải như em bé trong câu truyện sau:

Cách đây ít lâu, báo chí tường thuật lại một sự kiện: Vào một đêm kia, một đám cáy bùng lên tại một ngôi nhà trong khi ngọn lửa đang phừng phừng bốc lên, người ta trông thấy người cha, người mẹ và mấy đứa con hấp tấp chạy ra tức khắc, họ buồn rầu nhìn ngôi nhà mình bốc cháy. Bất chợt họ nhận ra mình thiếu đứa con nhỏ nhất, một đứa bé trai năm tuổi. Đứa bé lúc đó chạy ra, thấy khói lửa nghi ngút, nó hoảng sợ lùi lại rồi leo lên tầng trên. Mọi người nhìn nhau: không thể liều lĩnh đi vào trong nhà bây giờ chỉ còn là một lò lửa hừng hực. Thì kìa, một khung cửa trên kia mở toang, đứa bé giơ tay kêu cứu.

Cha nó thấy nó, ông quát to: “Nhảy xuống đi”. Đứa bé chỉ thấy khóí lửa mịt mù, nhưng nó nghe ra tiếng cha nó, nó liền đáp: “Ba ơi, con không thấy ba đâu cả”. Cha nó lại quát: “Ba thấy con, nhảy đi”, đứa bé đã nhảy, và đã bình an vô sự rơi vào vòng tay cha nó, vì ông kịp đỡ lấy nó.

Đứa bé đứng trong ngôi nhà bốc cháy ấy lại không phải là hìng ảnh diễn tả người Kitô hữu đứng trước mặt Thiên Chúa sao? Trong cơn khốn quẫn, chúng ta nghe ra tiếng Chúa bảo mình: “Hãy tin tưởng vào Ta, hãy nhảy vào vòng tay của Ta”, và rất nhiều phen chúng ta đã trả lời: “Chúa ơi, con chẳng thấy Chúa đâu cả”, và đã tưởng rằng Chúa bỏ rơi mình. Có bao giờ chúng ta nghĩ như thế không hay nghĩ tương tự như thế không? Dường như Chúa đi đâu vắng lúc chúng ta cần đến Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay,một lần nữa, nhắn nhủ chúng ta về giá trị của đức tin. Đức tin có sức mạnh, có khả năng đảo ngược được tình cảnh trong đời người, giúp chúng ta vượt được gian khó, và làm được những việc quá sức tự nhiên của mình. Ngưòi phụ nữ ngoại giáo trong Tin Mừng đã có một đức tin như thế, nên bà đã nhận được điều bà muốn xin. Tuy con gái bà bị quỷ ám khốn cực và các thầy thuốc đã vô phương cứu trị, tức là tình cảnh của bà đã tuyệt vọng về mặt tự nhiên, nhưng bà đã tin Chúa có thể cứu chữa được con bà, nên bà đã đến kêu xin Chúa, và dù Chúa thử thách bà, bà vẫn kiên nhẫn hết lòng tin tưởng. Chính vì lòng tin vững mạnh đó, Chúa đã làm phép lạ cứu chưã con gái bà.

Có lẽ sau đức tin của viên đại đội trưởng ở Caphácnaum thì phải kể đến đức tin của người phụ nữ Canaan này, là người ngoại giáo nhưng hết lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa Giêsu. Đây là tấm gương và bài học cho chúng ta khi cầu nguyện: Chúng ta hãy kiên nhẫn, cầu xin chưa được, cầu xin tiếp, cầu xin mãi, đừng bao giờ nản lòng, vì ai kiên nhẫn và tin tưởng cầu xin, sẽ được như ý.

 

66.Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi

(Suy niệm của Lm. Tuấn Bình, CRM)

Hồi mới qua Mỹ, tôi ở gần một gia đình chồng Mỹ vợ Việt có ba đứa con trai tóc tai vàng khè, mắt xanh mũi lõ. Nhìn vào ba đứa con, không ai dám nói là con lai cho đến khi nghe chúng nói tiếng Việt. Kể từ khi quen biết, chị vợ vẫn thường mời tôi đến nhà thưởng thức các món đặc sản của người Nam mà anh chồng và các con không tài nào dám thử như mắm cá lóc, tương cự đà... Còn anh chồng thì thỉnh thoảng nhờ tôi giải thích tại sao vợ của anh lại cầm đồng bạc quarter cạo đau điếng trên lưng với một chất dầu màu xanh khó ngửi cho đến khi lưng đỏ bầm mới thôi mỗi khi anh và các con bị cảm... Một hôm, anh chồng phàn nàn với tôi là phụ nữ Việt Nam quá bạo động, con cái nghịch phá mà đòi giết luôn cả chồng. Gạn hỏi ra thì mới biết tất cả cũng chỉ vì câu nói của chị vợ quát tháo tụi nhỏ: "Nói không nghe tao đánh chết cha mày bây giờ..." Một lần nữa, tôi lại phải giải thích cho anh hiểu câu nói "...đánh chết cha mày" của chị vợ chỉ là một kiểu nói suông người Việt Nam hay dùng chứ không có ác ý gì hết...

Thật vậy, để hiểu được ý tứ của các kiểu nói thông thường của một sắc dân, chúng ta cần phải thông thạo chẳng những ngôn ngữ mà còn phải hiểu rõ phong tục tập quán, kèm theo thời gian và hoàn cảnh lúc bấy giờ nữa. Chính vì vậy mà khi đọc lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Canaan trong bài Phúc âm hôm nay của hai ngàn năm trước, chúng ta vẫn thường cho là Chúa quá nặng lời với một bà mẹ đang đau khổ vì bệnh tật của con gái.

Tuy nhiên, nếu đặt mình vào hoàn cảnh bấy giờ thì chúng ta sẽ thấy tại sao người đàn bà chẳng những không nổi giận mà còn bám sát Chúa Giêsu hơn nữa. Đối với người Do thái thời bấy giờ, người Canaan là dân ngoại, là quân tội lỗi không thể sánh ví với họ là dân riêng được tuyển chọn của Thiên Chúa. Do đó, họ coi khinh người Canaan cũng như những sắc dân của các vùng lân cận không mang quốc tịch Do thái. Chính vì vậy mà người đàn bà không cảm thấy bị xúc phạm khi Chúa sánh ví bà với loài chó. Còn về phía Chúa Giêsu thì Ngài không có ý coi khinh hoặc xỉ vả bà, nhưng chủ ý lợi dụng cơ hội đó để nói cho người Do thái biết rằng, trước mặt Thiên Chúa, quốc tịch trần thế không phải là điều kiện để được cứu độ mà là lòng tin của mỗi người. Nói cách khác, chiên lạc nhà Israel mà Chúa Giêsu có nhiệm vụ tìm kiếm không chỉ giới hạn ở số người mang quốc tịch Do thái sống rải rác trong vùng mà bao quát tất cả mọi người thuộc mọi thời, bất kể họ là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, nam hay nữ... miễn sao họ đặt trót niềm tin vào Con Thiên Chúa như người đàn bà xứ Canaan hôm nay: "Lạy Ngài là con vua Đavít, xin thương xót tôi..."

Nhìn vào cuộc sống, khi cư xử với người đồng loại, liệu tôi có kính trọng mọi người với nhân vị con người hay tôi lại phân chia theo tầng lớp và địa vị xã hội của họ? Khi đối đầu với những bất công và khó khăn trong cuộc sống, liệu tôi có khiêm nhượng đủ để giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa như người đàn bà xứ Canaan hay lại để cho tự ái làm chủ để gây gương mù hoặc đánh mất niềm tin Công giáo?

 

67.Lòng tin.

Trước Công đồng Vatican II, những người tín hữu có đời sống luân lý công khai bê bối, nhưng không chịu ăn năn trở lại, khi chết thường bị các cha sở cấm không cho chôn cất trong nghĩa trang của nhà thờ, vì nghĩa trang Công giáo là phần đất đã được thánh hiến, chỉ dành cho những người tín hữu có đời sống xứng đáng mà thôi.

Có một ông cụ già sống bê bối về luân lý, say sưa cờ bạc, ăn ở lung tung… Khi chết, cha sở ra lệnh cho người nhà phải chôn cất ông ở ngoài hàng rào của nghĩa trang trong xứ. Sau nhiều năm, cha sở đã đổi đi nơi khác, người con gái của ông già trở về nhà thờ cũ để thăm mộ và xin lễ cầu nguyện cho ông. Bà đi kiếm mộ cha mình ở bên ngoài hàng rào nghĩa trang nhưng chẳng thấy. Bà đành phải đi tìm người trông coi nghĩa địa ngày xưa để hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Người trông coi nghĩa địa đã dẫn bà ra đúng mộ của thân phụ, nhưng đã nằm ở bên trong hàng rào nghĩa trang. Bà ngạc nhiên hỏi, “Tại sao ông lại dời mộ của thân phụ tôi?” Người trông coi nghĩa trang mỉm cười trả lời: “Chúng tôi đã không dời mộ của ông cụ, nhưng vì bên trong nghĩa trang không còn đủ chỗ chôn cất nữa, nên phải mở rộng nghĩa trang ra. Chúng tôi chỉ dời hàng rào ra mà thôi”.

Đây là điều Chúa Giêsu đã làm trong bài Phúc Âm hôm nay, khi chữa bệnh cho con gái của người đàn bà xứ Canaan. Người đàn bà Canaan đến với Chúa là người ở bên ngoài những hàng rào ranh giới do sự kỳ thị phân biệt của xã hội.

Đối với những người Do thái, sự trong sạch và nhơ bẩn được phân định rõ ràng. Nếu là người Do Thái và biểu tỏ đức tin qua việc giữ luật Do Thái, người đó được coi là trong sạch. Nếu là ngoại kiều, hay là Do Thái mà không tuân giữ luật lệ Do Thái, đó là người dơ bẩn. Sự phân định ranh giới này rất đơn giản và rõ ràng!

Có hai điều làm cho người đàn bà xứ Canaan bị loại trừ trong bậc thang phân định giá trị của người Do Thái: đàn bà và dân ngoại. Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người đàn bà bị lãng quên. Trong bài Phúc Âm Mt 14, 13-21, Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều cho 5000 người ăn uống no nê, “không kể đàn bà và trẻ con”. Đàn bà và trẻ con không được kể đến, coi như không có giá trị. Hôm nay một lần nữa, thánh Matthêu nói đến người đàn bà xứ Canaan, mà không nhắc đến tên của bà. Điều này có ý nghĩa. Chắc chắn bà phải có tên. Nhưng không được nhắc đến tên chứng tỏ bà đã bị xã hội thời đó khinh bỉ và loại trừ.

Điểm thứ hai, bà là người dân ngoại xứ Canaan. Đối với người Do Thái, dân ngoại là xấu. Người Canaan, kẻ thù truyền kiếp của tổ tiên người Do Thái, còn xấu hơn nữa. “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Chúa Giêsu đã sử dụng phong tục và lối nói quen thuộc của người Do Thái để so sánh những người dân ngoại giống như chó. Xã hội Do Thái thời xưa không cưng chiều và quý trọng chó như xã hội tây phương thời nay. Gọi ai bằng chó là một điều sỉ nhục. Vì chó liếm những vết ghẻ chốc, và mang bệnh truyền nhiễm như trong câu chuyện người phú hộ và ông Ladarô.

Theo William Barclay, bởi lòng kiêu căng, người Do Thái đã gọi dân ngoại là “những con chó ngoại đạo”, “những con chó vô tín ngưỡng”. Sau này họ gọi những người theo Kitô giáo là “những con chó Kiô hữu”. Một sự diễn tả đầy khinh bỉ! Trong cuốn tự thuật của Mahatma Gandhi, vị thánh của người An Độ giáo, ông kể lại rằng trong thời gian còn là học sinh, ông đã đọc Phúc Am và nhìn thấy trong những lời giảng dạy của Chúa Giêsu câu trả lời cho vấn nạn lớn lao của người dân An Độ phải giải quyết với chế độ đẳng cấp. Đang khi suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về đức tin Kitô giáo, một buổi sáng Chúa nhật, Gandhi bước vào nhà thờ với ý định sẽ bàn thảo với mục sư về tư tưởng của mình. Tuy nhiên, vừa bước vào trong nhà thờ, người dẫn chỗ ngồi đã từ khước không tìm chỗ và đề nghị ông nên bước ra ngoài đi đến nhà thờ dành riêng cho giai cấp của ông. Gandhi đã bỏ nhà thờ và không bao giờ trở lại nữa. Sau này ông nói: “Nếu những người Kitô hữu cũng có những đẳng cấp khác nhau, thì tốt hơn tôi nên ở lại với An Độ giáo”. Vì sự kỳ thị và phân biệt mà người đàn bà Canaan và ông Gandhi đã bị loại trừ. Nhưng Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người nhìn thấy rằng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa vượt qua tất cả mọi hàng rào ranh giới của con người dựng nên.

 

68.Lòng tin.

Người ta kể về một người đàn bà ở bãi biển. Bà ấy vừa già, lại dơ bẩn và ăn mặc dị hợm. Bà đi bộ lang thang dọc theo bờ biển, thỉnh thoảng ngừng lại cúi xuống nhặt một cái gì đó bỏ vào trong túi sách. Khi bà đi ngang qua đám trẻ con đang đùa vui trên cát biển, cha mẹ của những em bé này liền gọi các em lại để khỏi gần gũi với bà. Họ lo lắng và sợ hãi vì không biết bà có thể làm điều gì gây nguy hại cho các em. Họ căn dặn con cái: “Không có việc gì phải liên hệ với bà ta cả”. Sau này, họ khám phá thấy rằng bà lão đi dọc theo bờ biển và nhặt những miếng kính vỡ bỏ vào trong túi xách để trẻ em không bị đứt chân chảy máu khi chạy vui đùa trên bãi biển.

Nếu chúng ta bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách. Điều này được thể hiện bằng thái độ nhìn tất cả mọi người bình đẳng như nhau, không còn phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, hay tôn giáo. Và trong ánh sáng đức tin, phải nhìn mọi người là anh chị em của mình, là con cái của Chúa Cha trên trời. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta điều này trong thư gửi tín hữu Galát: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”.

Đối với những người ngoài Kitô giáo, trong tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, đoạn 5, Công Đồng Vatican II đã nói: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh em mình, có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa”.

Do đó, mọi lý thuyết hay hành động đưa đến kỳ thị về phẩm giá con người và những quyền lợi do phẩm giá đó mà ra, kỳ thị giữa con người với nhau, giữa dân này với dân khác, sẽ không có nền tảng.

Vì thế, Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy xa lạ với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, thánh Công đồng theo chân thánh Phêrô và Phaolô, khẩn thiết kêu mời các Kitô hữu: “Hãy sống ngay lành giữa người lương dân”, nếu có thể được, tuỳ khả năng mà sống hoà thuận với hết mọi người như những người con một Cha trên trời”.

Đối với những người Kitô hữu, trong tinh thần hiệp nhất, Công đồng nói: “Thánh công đồng này khuyến khích tất cả mọi người Công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất”.

Đối với những anh chị em ly khai, Công đồng Vatican II nói: “Người Công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người – và có khi phải đổ máu mới nói lên được chứng tá ấy – quả là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu”.

Nhìn vào tấm gương của người đàn bà Canaan, chúng ta cũng rút ra được bài học quý giá trong đời sống đức tin. Với tình yêu lớn lao của một người mẹ đối với con gái đang đau nặng, người đàn bà Canaan đã vượt qua mọi ranh giới kỳ thị của xã hội – đàn bà và dân ngoại – để kiên trì tin tưởng vào lòng nhân lành của Chúa Giêsu. Tình yêu là động lực dẫn đến đức tin.

Trong cuốn truyện “Anh em nhà Karamazốp”, Dostoevski kể về câu chuyện của một bà lão đang bị khủng hoảng về tinh thần và thể lý. Ngày nọ bà đến bàn luận vấn đề này với linh mục Zossima. Bà tâm sự về sự yếu kém của đức tin, cùng nỗi nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa và đời sống mai sau.

Linh mục Zossima thông cảm lắng nghe, rồi khuyên bà rằng chẳng có cách nào minh chứng rõ ràng về những điều này, nhưng vẫn có thể làm cho đức tin của bà chắc chắn hơn bằng tình yêu thương tha nhân. Hãy cố gắng yêu người láng giềng cho thật tình. Càng yêu thương, bà sẽ càng tin tưởng chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về đời sống sau khi chết. Càng yêu mến, đức tin của bà càng trở nên mạnh mẽ, và làm tiêu tan hết những nỗi nghi ngờ. Bà đã thử nghiệm và thấy có kết quả.

Linh mục Mark Link S.J., trong bài giảng Chúa nhật XX hôm nay, đã ví tình yêu và đức tin đi đôi với nhau không khác gì như hai đường rầy xe lửa. Tìm được cái này sẽ thấy cái kia. Đức tin và tình yêu liên kết với nhau như xác với hồn. Cha cũng dùng lời của bác sĩ truyền giáo Albert Schweitzer, trong cuốn sách có nhan đề “Reverence for Life” – “Kính trọng Cuộc Sống” như sau:

“Bạn có muốn tin vào Chúa Giêsu không? Bạn có thực sự muốn tin Ngài không? Như thế bạn phải làm một điều gì đó cho Ngài. Trong thời buổi đầy ngờ vực này thì không có cách nào khác đâu. Nếu vì Ngài mà các bạn cho kẻ khác đồ ăn, nước uống hoặc áo mặc, những nghĩa cử này Chúa Giêsu đã hứa chúc phúc như là làm cho chính Ngài, thì lúc đó bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự làm điều ấy cho Ngài. Chúa Giêsu sẽ mặc khải chính Ngài cho bạn như thể Ngài là một người vẫn còn sống”.

Các bậc cha mẹ cần củng cố đức tin hãy bắt chước người đàn bà Canaan, đến với Chúa Giêsu với lòng yêu thương con cái tha thiết. Và tất cả mọi người, muốn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, hãy mở rộng tâm hồn để chấp nhận những người anh chị em không cùng tôn giáo, lập trường chính trị, văn hoá, sắc tộc hay ngôn ngữ. Bởi “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa”.

 

69.Sứ điệp Tin mừng dành cho tất cả mọi người

(Suy niệm của Jaime L. Waters - Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển)

Trong Tin mừng Chúa nhật XX Thường niên hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện người mẹ vùng Canaan xin Chúa chữa lành cho con gái của bà. Lúc đầu, Chúa Giêsu phớt lờ lời cầu xin của bà, nhưng nhờ sự kiên trì đầy sáng tạo bà đã thuyết phục được Chúa Giêsu chữa lành cho con bà. Việc Chúa Giêsu ngay từ đầu không để ý đến lời cầu xin của người mẹ gây khó chịu cho người đọc. Có nhiều cách đọc giúp chúng ta hiểu trình thuật này.

Tin mừng Thánh Mátthêu nhấn mạnh thái độ của Chúa Giêsu đối với truyền thống văn hóa và cử tọa Do thái; và ngay lúc khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,5). Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn chữa lành cho hai người dân ngoại là anh đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13) và con gái của người phụ nữ Canaan trong bài Tin mừng hôm nay. Hành động này cho thấy một mức độ cởi mở nào đó của Chúa Giêsu đối với dân ngoại, và điều này càng được khẳng định khi Chúa Giêsu sai các môn đệ làm phép rửa cho “muôn dân” sau khi Ngài sống lại (Mt 28,19).

Khi người phụ nữ Canaan xin Chúa chữa lành cho con bà, Chúa Giêsu nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó.” Một số nhà chú giải đã cố gắng làm nhẹ lại lời tuyên bố này bằng cách lưu ý rằng từ Hy lạp (kynaria)  được sử dụng ở đây thực sự có nghĩa là chó con hay là con chó nhỏ. Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn còn gây xúc phạm khi ám chỉ người Do thái là trẻ con và người Canaan là chó con. Cũng có những sách khác trong Tân ước xem dân ngoại như  “quân chó má” (Mc 7,27-28; Pl 3,2; Kh 22,15). Cuối cùng, Chúa Giêsu cũng đồng ý giúp đỡ sau khi người phụ nữ đã sáng tạo sửa lại những lời gây xúc phạm của Chúa Giêsu: “Nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”  Chúa Giêsu giải thích câu đáp trả cự tuyệt của bà là một dấu chỉ của lòng tin và ngay lập tức Ngài chữa lành con gái bà.

Đoạn văn này có thể phản ảnh thành phần trong cộng đoàn của thánh Mátthêu mà phần lớn là các Kitô hữu gốc Do Thái, họ  đang tìm cách để hiểu được sự hiện diện của dân ngoại giữa các môn đệ Chúa Giêsu. Mátthêu đã điều chỉnh một cách thú vị bản văn gốc Mc 7,24-30. Trong Tin mừng Máccô, Chúa Giêsu vào nhà một người phụ nữ ở điạ hạt Tia, ngoài đất Do Thái, nhưng thánh Mátthêu lại xác định sự kiện ở một địa điểm mơ hồ hơn, có thể là trong hoặc ngoài địa hạt của dân ngoại. Trong câu nói gây xúc phạm theo bản văn thánh Maccô, Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách nói rằng “ Hãy để cho con cái ăn no trước đã” (Mc 7,24),  gợi ý rằng dân ngoại cuối cùng có thể đón nhận sứ vụ của Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu bỏ câu nói này, làm cho sứ điệp của Chúa Giêsu có vẻ hướng đến người Do Thái cách đặc biệt hơn.

Trình thuật này cũng có thể biểu lộ cách suy nghĩ thoáng đạt hơn của thánh Mátthêu về Tin mừng và về vai trò của người phụ nữ dân ngoại trong lịch sử cứu độ. Tin mừng Mátthêu bắt đầu với gia phả của Chúa Giêsu, lần theo gốc gác Do Thái của Ngài từ ông Giuse đi ngược tới ông Ápraham. Các tên trong gia phả chủ yếu là đàn ông; nhưng ngoài Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, còn có bốn người phụ nữ khác là các bà Tama, Rakhap, Rút và vợ của Urigia (Bathsêba). Những người phụ nữ này, minh nhiên hay mặc nhiên không phải là người Israel, đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Israel. Thánh Mátthêu có thể nhìn người đàn bà Canaan theo cách thức này, một người phụ nữ ngoài truyền thống lại giúp đề ra hướng đi của truyền thống. Việc bà nài xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái  góp phần vào sứ điệp nối kết của Tin mừng, cuối cùng bao gồm tất cả mọi người.

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/07/17/gospel-message-everyone?fbclid=IwAR2-_QBa5zWScBItvtLr1RMeeDyaB-xd3A2zMsInYocjguTFGkq78eo9h4w

 

70.Những nghi ngờ của bà lão

(Suy niệm của Lm. Mark Link SJ.)

Chủ đề: "Cách thức để triển nở đức tin là thực hành nó,

đặc biệt trong việc yêu thương tha nhân."

Một bé gái 6 tuổi đến ăn tại nhà một người bạn. Khi mọi người ngồi vào bàn, cô bé cúi đầu chờ đợi mọi người đọc kinh ăn cơm. Chẳng thấy ai đọc kinh hết, cô bé thẹn thùng nói: "Cả nhà giống con chó nhà cháu qúa, cứ ngồi xuống là ăn!".

Dân Do Thái cũng nghĩ như thế đối với đám dân ngoại. Theo họ, dân ngoại xét về mặt thiêng liêng cũng giống như loài chó vì họ hoàn toàn thiếu nhạy cảm đối với Thiên Chúa. Ðiều này dẫn chúng ta đến chủ điểm quan trọng của bài Phúc Âm hôm nay.

Các học giả nhận xét là từ ngữ Hy Lạp mà Chúa Giêsu nói về "lũ chó" trong câu "không nên ném thức ăn cho lũ chó" là một hình thức giảm thiểu. Nó ám chỉ lũ chó cưng nuôi trong nhà, chứ không phải những con chó rông ngoài đường. Chúa Giêsu dùng từ ngữ ấy một cách thân ái. Câu đáp lại của người phụ nữ cho thấy rõ điều ấy. có lẽ bà ta vừa mỉm cười vừa nói:

"Những lũ chó cũng được ăn vụn bánh rơi xuống nền nhà chứ!".

Nói cách khác, bà ta đang nói với Chúa Giêsu: "Con biết Ngài hiện đang dành ưu tiên cho dân Israel, tuy nhiên trong khi Ngài thiết đãi họ, Ngài lại không thể đẩy cho con chút ít bánh vụn giống như đám nhóc quăng bánh xuống cho lũ chó cưng khi bố mẹ chúng không nhìn thấy sao?".

Chúa Giêsu liền trả lời cho bà ta:"Bà là người phụ nữ giàu lòng tin! điều bà mong muốn sẽ được trao ban cho bà".

Thật đẹp biết bao nếu Chúa Giêsu cũng nói như thế về anh chị em.

Ðiều này gợi lên một vấn nạn: Tại sao một số người có đức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém? Tại sao lại thấy đó là điều khó khăn? Và điều đó dẫn đến một vấn nạn còn khó khăn hơn: Nếu đức tin chúng ta yếu kém thì liệu chúng ta có thể làm gì để củng cố? Chúng ta hãy xét vắn tắt từng vấn nạn nêu trên.

Trước hết, tại sao có những người đức tin yếu kém và có những người đức tin mạnh mẽ? Ðiều này cũng giống hệt như hỏi tại sao có người yếu nhược còn có người lại khoẻ mạnh?

Một số người có sức khỏe yếu kém là do cha mẹ họ. Họ thừa hưởng một thân xác eo sèo. Nhưng cũng có những người sức khoẻ yếu kém vì họ chẳng biết chăm sóc sức khoẻ cho chính mình.

Ðiều đúng cho sức khoẻ thể lý thế nào thì cũng đúng cho sức khoẻ tâm linh đức tin của chúng ta như thế. Một số người đức tin yếu kém là do bởi cha mẹ họ. Sức khoẻ tâm linh được di truyền cũng tương tự sức khoẻ thể lý. Nếu bố mẹ lạnh nhạt với đức tin của mình thì điều này cũng thường tác động lên đám con cái họ. Mặt khác, đức tin chúng ta yếu kém cũng có thể là do chúng ta không chăm sóc đến nó.

Ðiều này dẫn chúng ta đến vấn nạn thứ hai. Nếu đức tin chúng ta yếu kém bất kể vì lý do gì, chúng ta có thể làm gì để củng cố nó lại? Ðức tin có thể được so sánh với một bắp thịt. Nếu chúng ta không chịu luyện tập, bắp thịt ấy sẽ từ từ yếu đi. Mặt khác, qúi bạn càng luyện tập, bắp thịt ấy càng mạnh mẽ lên. đức tin của chúng ta tương tự như thế. Nó cũng cần phải được tập luyện.

Có nhiều phương cách luyện tập đức tin. Chúng ta có thể học hỏi và bàn luận về Phúc Âm như hiện chúng ta đang làm. Chúng ta có thể tham dự thánh lễ mà ít phút nữa chúng ta sẽ cử hành một cách chăm chú hơn. Chúng ta có thể tập cầu nguyện mỗi ngày để việc cầu nguyện trở thành thói quen.

Tuy nhiên, còn một phương cách luyện tập đức tin chúng ta xem ra cực kỳ hữu hiệu. Cách này đáng được lưu tâm đặc biệt. Dostoevski có bàn đến nó trong tác phẩm của ông nhan đề: "Anh em nhà Karamazốp" (The Brothers Karamazov). Trong tác phẩm này, tác giả đề cập đến một bà lão nọ, sức khoẻ thiêng liêng của bà đã suy thoái mau chóng theo sức khoẻ thể lý. Ngày nọ bà ta bàn luận vấn đề của mình với vị linh mục già tên là Zossima. Bà kể cho ngài nghe về đức tin yếu kém của bà những nỗi ngờ vực vừa phát sinh, chẳng hạn như: Thiên Chúa có thực sự quan tâm đến vạn vật không? Có đời sống sau lúc chết không?

Linh mục Zossima thông cảm lắng nghe bà và nói: "Chẳng có cách nào minh chứng rõ ràng những điều này, nhưng bà vẫn có thể tin tưởng những điều ấy vững chắc hơn". Bà ta ngạc nhiên: "Bằng cách nào?" vị linh mục già đáp: "Bằng tình yêu. Hãy cố gắng yêu láng giềng của bà thật tình. Càng yêu thương, bà sẽ càng chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Chúa và đời sống tương lai sau khi chết. Càng yêu mến đức tin bà sẽ càng lớn lên và các nỗi ngờ vực sẽ tiêu tan. Ðây là điều chắn chắn từng được thử nghiệm và nó đã có kết quả".

Linh mục Zossima nói thật chí lý. Ngài cho ta thấy điểm quan trọng là: tình yêu và đức tin đi đôi với nhau không khác gì hai đường rầy xe lửa. Tìm được cái này tức là tìm thấy cái kia. Ðức tin và tình yêu liên kết với nhau như xác với hồn. Albert Schweitzer, vị bác sĩ thừa sai vĩ đại cũng cùng quan điểm như trên trong cuốn sách của ông nhan đề Reverence For Life (Kính trọng cuộc sống ). Ông bàn đến một vài điều đem lại kết quả này như sau:

"Bạn có muốn tin vào Chúa Giêsu không? Bạn có thực sự muốn tin Ngài không? Như thế bạn phải làm một điều gì đó cho Ngài. Trong thời buổi đầy ngờ vực này thì không có cách nào khác đâu. Nếu vì Ngài mà các bạn cho kẻ khác cái gì đó để ăn, để uống hoặc để mặc, những nghĩa cử này Chúa Giêsu đã hứa chúc phúc như là làm cho chính Ngài, thì lúc đó quí bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự làm điều ấy cho Ngài. Chúa Giêsu sẽ mặc khải chính Ngài cho quí bạn như thể Ngài là một người vẫn còn sống".

Và điều này dẫn chúng ta trở lại với người phụ nữ trong bài Phúc Âm. Bà đến với Chúa Giêsu là vì kẻ khác chớ không vì chính bà, bà đã đến vì tình yêu, đã đến với tư cách một người mẹ đầy lòng yêu thương, tin tưởng.

Tôi xin nêu lên một gợi ý. Tôi tin rằng mỗi bài Phúc Âm khi được đọc trong thánh lễ đều mang theo một ân sủng đặc biệt. Nếu quí bạn là một bậc cha mẹ cảm thấy cần củng cố đức tin của mình thì hãy bắt chứơc người phụ nữ trên. Ngay tuần này, các bạn hãy bắt đầu đến với Chúa Giêsu mỗi ngày đều đặn để kêu cầu Ngài chúc phúc cho con cái quí bạn. Nếu quí bạn là một thanh niên cảm thấy cần củng cố đức tin của mình thì hãy làm điều Dostoevski và Schweitzer đã nói. Hãy bắt đầu cư xử một cách yêu thương đối với bố mẹ và anh chị em của mình.

Và tôi xin chia sẻ thêm một tư tưởng nữa về vấn đề đức tin. Bất cứ ai dù khoẻ mạnh đến đâu cũng phải trải qua những khó chịu bởi vì cuộc sống con người vốn là như thế. Chẳng hạn, vào ngày buồn sầu trong cuộc sống khi gặp phải cảm nghiệm chua chát, chúng ta thường gây gỗ với mọi người và mọi vật, chúng ta nguyền rủa kẻ thù và than phiền về bạn bè của mình. Còn vào ngày hưng phấn trong cuộc sống. Khi chúng ta cảm nghiệm được điều gì hoan hỉ, tự dưng chúng ta cảm thấy yêu mến mọi người và mọi sự. Chúng ta tha thứ cho kẻ thù và thích tỏ tình thân thiện bè bạn.

Ðức tin cũng rất giống như thế. Có ngày rất tươi sáng và rất phấn khích, có ngày ảm đạm, sầu thảm. Khi gặp phải một ngày "tồi tệ" của đức tin quí bạn hãy ghi nhớ câu chuyện có thực sau đây. Nó sẽ giúp bạn chịu đựng ngày ấy và giữ vững niềm tin của mình.

Sau thế chiến thứ hai ít lâu, có một số công nhân lo dọn dẹp sạch sẽ tàn tích của một ngôi nhà bị bom ở Cologne (nước Ðức). Họ thấy trên một bức tường nhỏ trong nhà, có một bản ghi chú đầy cảm động, hình như một người Do Thái trên đường trốn bọn Quốc Xã đã viết lên đó. Anh ta dùng tầng hầm của căn nhà để trốn bọn Quốc Xã. Sau đây là bản ghi chú đó:

"Tôi tin vào mặt trời ngay cả lúc nó không chiếu sáng.

Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy nó.

Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài yên lặng".

 

71.Chúa Nhật 20 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Alfonso)

Tin Mừng Mt 15: 21-28:  Chỉ có một lòng khiêm tốn tột cùng, nhận ra tất cả đều là ơn Chúa ban chứ không do công trạng con người, con người mới có thể nhận được hồng ân Chúa cách nhưng không.

Suy niệm

Khi nói lên tình người với nhau, chẳng có tình cảm nào thiêng liêng cho bằng tình phụ mẫu dành cho con cái. Chẳng thế mà ca dao chúng ta có câu:

“Nuôi con buôn tảo bán tần,

Chỉ mong con lớn nên thân với đời.

Những khi trái nắng trở trời,

Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.

Trọn đời vất vả triền miên,

Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.”

Công lao phụ mẫu ấy hôm nay đã được bà mẹ người Canaan bộc lộ thật xúc động. Người mẹ này vì quá yêu thương cô con gái yếu ớt bị quỷ ám, tìm khắp chốn cho ra người chữa con gái mình. “Có bệnh thì vái tứ phương”, bà còn can đảm đã vượt qua sự khinh thị giữa người Do Thái và dân ngoại, tìm đến với Chúa Giêsu mà bà tin Người là Đấng Cứu Thế khi kêu lên: “Lạy Ngài là Con vua Đavid, xin thương xót tôi”. Điều mà dường như chưa có một con chiên Do Thái nào nhận ra vào Danh Chúa Giêsu như thế lại có thể được tuyên xưng từ nơi môi miệng một kẻ ngoại giáo.

Trước lời cầu xin ấy, Chúa Giêsu chưa thực hiện việc cứu chữa ngay, mà thử thách lòng tin của bà bằng việc Người im lặng. Vâng, trong cuộc đời chúng ta, có những lúc đau khổ tột cùng, bệnh tật triền miên, chạy tới kêu cầu danh Chúa nhưng dường như Người vắng bóng. Sự im lặng của Thiên Chúa thực ra lại có giá trị thử thách xem đức tin của chúng ta tới đâu.

Người phụ nữ này vẫn kiên trì đến nỗi các môn đệ Chúa cảm thấy phiền và thưa Người: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi.” Chúa Giêsutiếp tục gia tăng sự thử thách khi Người bảo với các môn đệ: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel.” Lời tuyên bố của Chúa Giêsu như làm cho bà chơi vơi giữa dòng, nghe tới đó, chúng ta nghĩ không còn cách nào khác hơn là đành quay về. Nhưng chúng ta có biết chăng,

“Con ho lòng mẹ tan tành,

Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”.

Vì thế, trong sự thất vọng ấy, bà vẫn cố bám víu còn nước còn tát, tiếp tục nài xin Chúa cách khẩn thiết hơn nữa với cũng một lời cầu xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi.”.

Chúa Giêsu lại thử lòng bà về sự khiêm tốn vì chỉ trong cầu nguyện với lòng khiêm tốn, con người ta mới dễ được Thiên Chúa đoái nhìn. Người bảo với bà: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó.” Nếu cứ sự thường, trước câu nói này, nếu là chúng ta thì vì lòng tự ái dâng cao, chúng ta sẽ quay đi với một sự tức tối và không thiếu kèm theo một lời lầm bầm. Nhưng không, trước câu nói xem ra phủ phàng này, khi mà chúng ta thấy Chúa dường như bít lối thì thật ra Người đang để chỗ cho chúng ta bám vào, Người chìa một cành cây cho người chơi vơi nắm lấy. Còn phần liệu người đó có đủ khiêm tốn để nắm giữ hay không. Với người phụ nữ có đứa con bị bệnh quảy ám, bà đã mau chóng nhận ra và đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.” Quả thật, chỉ có một lòng khiêm tốn tột cùng, nhận ra tất cả đều là ơn Chúa ban chứ không do công trạng con người, con người mới có thể nhận được hồng ân Chúa cách nhưng không.

Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước niềm tin rất kiên định và chân thành của bà, và phải nói Người chịu thua lòng tin rất kiên trì của bà nên Người đáp lại: “Bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy.” Vì tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ này dám làm mọi sự vì đứa con. Niềm tin của bà vào Chúa Giêsu là một bài học cho mỗi người chúng ta khi cầu xin Chúa. Trước những khó khăn, gian truân, bồi hồi lo lắng của mình, chúng ta mong có một phép màu xảy ra. Nhưng chúng ta có biết chăng phép màu chỉ đến sau những khẩn thiết kêu xin bằng một sự chân thành khiêm tốn và nỗ lực cộng tác của con người để ơn Chúa có thể ban cho chúng ta. Lòng tin có một sự biện chứng với khiêm tốn, càng tin càng cần thể hiện sự hạ mình, để nhờ tin mà chúng ta nhận ra không điều gì chúng ta có là sức riêng của con người.

Hôm qua, chúng ta vừa mừng kính Đức Maria hồn xác lên trời, còn gọi là ngày lễ Mông Triệu nghĩa là Đức Mẹ được ơn Chúa gọi để kết hợp với Người trên Thiên Quốc. Đức Maria có thể lãnh nhận được ơn hồn xác lên trời toàn vẹn bởi mẹ đã thể hiện đức tin của mình bằng việc phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa và nhận ra tất cả những gì mình có là do ơn Chúa, nên mẹ đã hạ mình “này tôi là tôi tớ Chúa”. Và cũng bởi vì Mẹ để cho Thánh ý Chúa được hoạt động nơi mình, nên Mẹ nhận được những ơn vượt sức giới hạn của con người

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một sự khiêm tốn đủ để nhận ra tất cả là ơn Chúa ban, và để chúng con không tự phụ nhưng sẵn sàng chạy đến trước Chúa để giải bày nỗi khắc khoải của con người chúng con. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ