Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1363590

LỜI NGỎ CỦA TÌNH YÊU

LỜI NGỎ CỦA TÌNH YÊU- ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.

Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến. Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh. Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn. Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.

Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường. Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường. Tình yêu hạ mình vì người yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Từ trời xuống đất. Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người. Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người. Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người. Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò. Nhường không gian cho con người ăn nói. Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.

Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước. Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa. Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi. Đi tìm con người trước khi con người quay về. Cuộc đi tìm thật vất vả. Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.

Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình. Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục. Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.

Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp. Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người. Trở nên một với con người. Chấp nhận hết những gì của con người. Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn. Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.

Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn nghe thấy gì qua tiếng nói thinh lặng của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ?

2) Yêu thương, ngỏ lời mà không được lắng nghe và đáp lại. Bạn cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình trạng đó? Bạn có hiểu được lòng Thiên Chúa khi ngỏ lời yêu thương với bạn không?

3) Còn nhiều người chưa nghe được lời yêu thương của Chúa. Bạn có sẵn sàng làm sứ giả đem lời tình yêu của Chúa đến với họ không?

4) Để làm sứ giả tình thương, bạn cần những đức tính nào?

LỄ GIÁNG SINH 2022- LỄ NGÀY

TẠI SAO THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI- Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh chúng ta được nghe đọc: Khi Chúa Giêsu giáng sinh có Thiên Thần báo tin cho các mục đồng: “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt… Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Vua Đavít” (Lc 2,10-11).

Câu “Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi “, gợi lên cho chúng ta những câu hỏi: Con người là gì và làm sao mà phải cứu độ? Tại sao Thiên Chúa làm người? Tại sao Thiên Chúa làm điều đó? Tôi nhớ đến câu bổn, hỏi vì lẽ nào mà Ngôi Thứ Hai ra đời? (Sách bổn Địa Phận Hà Nội tr. 13)

Con người là gì?

Có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Con người là con vật thượng đẳng đã đạt tới chặng cuối cùng trong quá trình tiến hóa ( Đác- Uyn). Có ý kiến khác cho rằng: Con người là cây sậy biết suy tư. Trước sự bao la của vụ trụ, sức mạnh của thiên nhiên, thân phận con người chỉ như một cây sậy, nhưng là một cây sậy có lý trí. Thiên nhiên có thể đè bẹp con người, nhưng không biết mình thắng, ngược lại con người bị thiên nhiên quật ngã, nhưng con người ý thức được mình thua. Những ý kiến đó không nói lên đầy đủ về phẩm giá và định mệnh con người theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa (St 1, 26).

Vì không biết đầy đủ về giá trị con người nên nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá của mình, và xúc phạm đến phẩm giá người khác một cách bất công và tàn bạo, quyền con người bị tước đoạt, kể cả quyền sống, người nô lệ trở thành con vật trong tay chủ nhân ông. Ngày nay chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhưng cảnh người bóc lột người vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua. Mãi đến năm 1948, Liên Hiệp Quốc mới công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó nói: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng có quyền bất khả xâm pham: như quyền sống, quyền cư trú, quyền làm việc, quyền đi lại, quyền tự do tôn giáo…” Tuyên ngôn thì như thế, nhưng trong thực tế thì nhân phẩm và nhân quyền luôn bị chà đạp ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức.

Con người cần được cứu độ

Để cứu con người ra khỏi tình trạng đó, Thiên Chúa đã thân hành xuống thế làm người nơi Đức Giêsu mà hôm nay cả thế giới kỷ niệm ngày sinh nhật của Người. Nhất là vì tôi lỗi loài người đã mất lòng Đức Chúa Trời, cho nên Ngôi thứ Hai đã ra đời mà lập công chuộc tội (Sách bổn Địa Phận Hà Nội tr. 13).

Trẻ Giêsu nằm trong máng cỏ chưa biết đi biết nói, nhưng đã mang cho loài người một bài học nhân sinh quan đầy đủ và sâu sắc nhất đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa, kế hoạch mà tội lỗi con người đã làm sai lệch đi.

Noel, Thiên Chúa làm người, đã đảm nhận lấy nơi mình thân phận con người với mọi chi tiết đặc thù của nó để bất kỳ ai dù ở địa vị nào, gặp hoàn cảnh nào cũng tìm được nơi Chúa một người bạn đồng hành và một tấm gương sống cho xứng đáng với phẩm giá con người.

Chúa đã giáng sinh làm con trẻ và sống đời thơ ấu để dạy cho ta biết con trẻ dù còn là thai nhi trong dạ mẹ, cũng có một nhân phẩm như người lớn cần được tôn trọng và kẻ nào làm hư hỏng một trẻ em đó thì đáng chúc dữ và buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn.

Noel, Thiên Chúa làm người, đồng hóa mình với tất cả mọi người, để cứu độ con người. Nhưng con người chỉ được cứu độ với điều kiện là có thiện tâm, như lời Thiên Thần hát mừng đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14). Thiện tâm là tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và hăng say thực hiện những điều Chúa truyền dạy tóm lại: Kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương nhau như là anh em. Ngày nào con người thực hiện được hai điểm đó, cảnh thái bình sẽ xuất hiện trên mặt đất như lời các thiên thần cầu chúc đêm Chúa Giáng Sinh.

Thiên Chúa đã làm người vì yêu

Để trả lời cho câu hỏi tiếp theo được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo: Tại sao Thiên Chúa đã làm người? Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy?

Thưa vì yêu thương con người, tất cả vì yêu, tình yêu là lý do cuối cùng Thiên Chúa Nhập Thể. Về điểm này, H.U. von Balthasar đã sau: “Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, mà chóp đỉnh của tình yêu đó không được thể hiện trong việc giữ lại cho mình những gì thuộc về mình, mà trong việc từ bỏ những điều đó” (Trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà các mục đồng gặp thấy nằm trong máng cỏ, có Mẹ Maria và thánh Giuse ấy là Thiên Chúa Tình Yêu (x. Lc 2, 16). Vì yêu thương nhân loại: “Người đã đến nhà các gia nhân Người” (Ga 1,11).

Trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta; Người đến và ở lại với chúng ta, vì yêu chúng ta như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta “; ” Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) ban cho những ai tiếp nhận Người “quyền trở nên con cái Thiên Chúa”(Ga 1,12).

Hiện nay, con người đã lên tới Mặt Trăng và Sao Hoả, sẵn sàng chinh phục vũ trụ. Con người đang không ngừng khám phá những bí mật của thiên nhiên và giải mã thành công cả những điều kỳ diệu nơi tế bào “gen”, đi vào trong đại dương ảo của internet, nhờ những kỹ thuật truyền thông tân tiến, biến trái đất, ngôi nhà chung to lớn thành một làng nhỏ toàn cầu, Thử hỏi Đấng Cứu Thế có còn cần thiết cho con người nữa hay không?

Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, thời hậu tân tiến, con người có lẽ cần đến Đấng Cứu Thế hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở thành phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, nếu không phải Đấng yêu thương con người cho đến mức độ trao ban chính Con Một làm giá chuộc muôn người.

Thiên Chúa đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang đến cho chúng ta tình yêu, bình an và hạnh phúc của Chúa Cha trên trời gửi tặng nhân loại nhân ngày mừng Sinh nhật Con Chúa. Chính Người là Đấng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng con tim để Chúa ngự vào, và hãy đón tiếp Người, ngõ hầu Vương Quốc tình yêu và an bình của Người ngự trị trên toàn thế giới.

Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!

LỄ GIÁNG SINH 2022- LỄ NGÀY

NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM- Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn

Tin mừng thứ tư được mở đầu bằng một bài thánh ca mang âm hưởng như một bản nhạc giao hưởng. Chắc hẳn, để viết nên bản giao hưởng thánh ấy, Thánh sử Gioan, vốn được mệnh danh là người môn đệ Chúa yêu, ngoài tài năng của một văn sỹ, còn là một con người có trái tim chan chứa yêu thương. Có thể nói, với lối trình bày gãy gọn và xúc tích, tác giả -cách nào đó, đã tuyên xưng phả hệ thần linh của Chúa Kytô. Lễ Giáng Sinh là dịp thuận tiện để chúng ta tuyên xưng Ngôi Lời chính là Thiên Chúa từ muôn muôn thưở, nay trở thành xác phàm đến cư ngụ giữa lòng nhân loại.

NGUỒN GỐC HUYỀN NHIỆM CỦA NGÔI LỜI.

Thánh sử Gioan đã nối kết việc Ngôi Lời (Logos) đến giữa nhân loại khai mở cuộc tạo thành mới như những trang đầu của sách Sáng thế. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, trong sách Sáng thế, Giavê Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ trong 6 ngày, ngày thứ 7, Người nghỉ ngơi. Ngôi Lời của Thiên Chúa cũng bắt đầu những sinh hoạt công khai của mình trong 6 ngày và kết thúc bằng phép lạ tại tiệc cưới Cana (x. Ga 1, 19-2,1-12). Điều đó cho thấy, Ngôi Lời từ muôn thưở đã hiện hữu và nhờ có Người, vạn vật mới được hình thành. Thánh Gioan đã dùng động từ “Ẽn” (đã có) để nói rằng từ thưở đời đời, Ngôi Lời đã hiện hữu, một sự hiện hữu vô tận, không chịu sự hạn định của thời gian.

Ngôi Lời không chỉ có từ trước muôn thưở, Người còn được giới thiệu như một người Con luôn hướng về Cha mình. Sự “hướng về” đó cho thấy Ngôi Lời luôn sống mật thiết và vĩnh cửu với Chúa Cha giống như hai người thân luôn hướng về nhau và luôn hiện diện bên nhau. Điều này được thể hiện rất rõ trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa Kytô. Tất cả những biến cố xảy ra trong cuộc đời của Người, luôn có dấu ấn của Chúa Cha. Người luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, luôn trò chuyện, chia sẻ và tâm sự với Cha của Người.

NGÔI LỜI ĐẾN TRONG THẾ GIAN

Có thể nói Ngôi Lời đến với thế gian bằng nhiều lần và bằng nhiều cách chứ không phải đợi đến khi Người sinh ra nơi hang đá Bêlem. Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ thấy Ngôi Lời đến trong thế gian ngay khi bắt đầu công cuộc tạo dựng. Nếu không có sự hiện diện của Người, chắc chắn vạn vật sẽ không được hình thành. Gioan đã xác nhận rất rõ điều này. Lần đó, không một ai biết sự hiện diện của Người. “Thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (1,10); Người cũng đến với “nhà của Người”. Nhà đó chính là dân tộc Dothái mà Người đã chọn làm dân riêng. Lần đó, Người đến trong Lề luật, trong lời của các Ngôn sứ,… để đồng hành với dân tộc này. Nhưng tiếc thay, dân tộc mà Người ưu tuyển chẳng chịu đón nhận Người (1,11); và cuối cùng, Người đến khi mặc lấy xác phàm và ở giữa lòng nhân loại. Người đến trong thân phận của một Hài nhi được hạ sinh trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn và nghiệt ngã: sinh ra trong máng cỏ hang lừa nơi đồng không hiu quạnh và lạnh lẽo. Lần này, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Ngôi Lời Thiên Chúa đến giữa lòng nhân loại, ở với nhân loại và “cắm lều” giữa lòng nhân loại. Ngày xưa, Giavê Thiên Chúa ở giữa dân Người trên đường từ Aicập về miền đất hứa. Ngày đó, Người hiện diện trong Lều tạm- đó là dấu chỉ cho thấy Giavê Thiên Chúa luôn ở cùng nhân loại.

Ngày nay, Thiên Chúa ở giữa dân Người một cách gần gũi và thân mật. Thiên Chúa hiện diện dưới hình hài của một Hài nhi trong ngày Giáng sinh. Người hiện diện, mặc lấy xác phàm hữu hình để ở giữa loài người, đồng hành với con người hầu đưa con người về với Thiên Chúa.

Quà tặng vô giá mà Thiên Chúa muốn ban tặng nhân loại chính là việc cho Ngôi lời nhập thể, mang lấy thân phận mỏng dòn, yếu đuối của nhân loại. Người đến để chia sẻ với con người, để đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh. Người đến để yêu thương, để gánh lấy tội lỗi của nhân loại và cuối cùng chấp nhận hy sinh thân mình vì nhân loại.

Mừng lễ Giáng sinh, chúng ta không chỉ kỷ niệm một biến cố quan trọng đã xảy ra trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2000 năm, biến cố “Ngôi Lời trở thành xác phàm” và cư ngụ giữa lòng nhân loại; mà còn là dịp để mỗi người chúng ta nhận ra chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, trong chính cuộc đời của mỗi người. Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến và ở cùng chúng con luôn mãi!

LỄ GIÁNG SINH 2022- LỄ NGÀY

GIÁNG SINH LÀ GÌ HỠI EM?- Lm. Xuân Hi Vọng

Trọng tâm của chặng đường Mùa Vọng là lòng khoan nhân và thương xót của Thiên Chúa. Người kêu mời chúng ta sửa soạn tâm hồn, sửa sang cuộc đời đón chờ Ngôi Hai nhập thế và nhập thể cứu độ chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người cũng gọi mời mỗi người chúng ta nhận ra và chiêm ngưỡng vị Thiên Chúa trong trình thuật Giáng Sinh là Đấng luôn luôn tha thứ dân Người đang đau khổ lầm than. Người không làm gì khác hơn mang họ trở về với Người và ủi an họ.

Vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện (x. Is 40, 5). Vinh quang của Người chẳng phải vinh quang mà thế gian khao khát. Vinh quang Thiên Chúa không dính dáng gì đến của cải, bảo đảm tài chính hay vị thế xã hội hoặc sự chi phối người khác. Đúng hơn, vinh quang Người được tỏ lộ qua Ngôi Hai hằng sống đã từ bỏ tất cả, mặc lấy xác phàm để cứu chuộc chúng ta. Vinh quang này hiện rõ nơi Hài nhi được sinh ra trong gia đình Thánh Gia nghèo nàn, xuất thân từ làng Na-za-rét. Vinh quang này tỏ hiện nơi người con của bác thợ mộc đồng nội, Đấng đã hiến thân trọn vẹn để rao truyền lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Vinh quang này ôm trọn hy sinh và phục vụ, khiêm hạ và tình yêu.

“Vinh quang của Thiên Chúa chính là con người được sống viên mãn tròn đầy; sống viên mãn tròn đầy là được chiêm ngưỡng thiên nhan Chúa” (Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei – The glory of God is the human being fully alive; and being fully alive is to behold the vision of God – Thánh I-rê-nê). Ai có thể sống viên mãn tròn đầy hơn Đức Giê-su chứ?

Tán tụng, ngợi ca Thiên Chúa cũng chính là một trong vô số con đường thiêng liêng cao quý giúp đức tin chúng ta được mạnh mẽ thâm sâu, đức cậy được củng cố nâng đỡ. Mỗi khi chúng ta tán dương, ngợi ca Người, chúng ta sẵn sàng nhớ lại lòng nhân từ, tình yêu và sự tín thành của Thiên Chúa. Chúng ta rao truyền những gì ta cảm nghiệm về Người và chương trình cứu độ của Người. Mỗi lần chúng ta thực hiện điều này, chúng ta đang xây dựng nền tảng đức tin chắc chắn, nhằm giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách trên hành trình lữ thứ này.

Chúng ta có thể chờ đợi cho mọi việc sáng tỏ hoàn toàn trước khi tán dương, ca khen Người, nhưng Thiên Chúa đáp: Đừng chờ, đừng đợi. Vì lời hứa của Ta luôn được thành sự nơi Đức Giê-su Ki-tô (x. 2Cr 1, 20).

GIÁNG SINH chính là câu chuyện của người Cha hằng yêu thương trìu mến, bao dung nhân hiền, đã hiến trao Con Một Người cứu chuộc chúng ta, và chẳng bao giờ từ bỏ chúng ta. Người ban Con Một cho chúng ta, ngõ hầu thực hiện những gì chúng ta không thể tự hoàn thành được.

GIÁNG SINH chẳng phải chuyện kể về việc chúng ta tiến bước để được lòng Thiên Chúa, để được Chúa yêu thương, hoặc chúng ta vượt thắng tội lỗi bằng chính nỗ lực bản thân; đúng hơn, GIÁNG SINH chính là chuyện tình của Thiên Chúa đã xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại.

GIÁNG SINH là chuyện về tình yêu luôn luôn đi bước trước của Thiên Chúa, “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10).

Người đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết (x. Rm 8, 1). Người đã làm tôi trở thành con cái Thiên Chúa (x. Gl 4, 6). Người ban tràn đầy Thánh Thần xuống trên tôi qua bí tích Rửa tội và Thêm sức (x. Ga 14, 25-26). Người thực hiện lời hứa cho tôi, mặc dù tôi bất xứng (x. Ga 3, 16).

GIÁNG SINH lột tả trọng tâm mầu nhiệm Nhập thể. Chẳng phải chúng ta yêu mến Chúa, mà chính Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi rời bỏ vinh quang trời cao, xuống trần, mặc lấy xác phàm yếu đuối như chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi trở nên người tôi trung thấp hèn phục vụ hết tình. Người yêu thương chúng ta đến nỗi tự hiến mình, vâng phục chịu tử nạn, chịu chết nhục nhã trên Thập giá vì chúng ta . Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi ẩn mình trong hình bánh rượu đơn sơ, hầu trở nên Mình và Máu Thánh nuôi dưỡng chúng ta. Người là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng “xin vâng” với mọi chương trình của Chúa Cha, Đấng vâng phục thực thi và làm mọi sự cho chúng ta.

Tạ ơn Chúa Hài Nhi

Chẳng chê bỏ xác thân

Con người vốn yếu đuối

Mà sinh xuống gian trần

Giữa đêm đông lạnh giá.

Tạ ơn Chúa Hài Đồng

Vì yêu thương nhân thế

Thiên Chúa vốn từ nhân

Rời thiên đàng vinh sáng

Nhập thế trong đơn nghèo.

home Mục lục Lưu trữ