Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 112

Tổng truy cập: 1356786

Lòng Chúa Thương Xót

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thiên Chúa có thật sự thương yêu con người không. Nếu có sao Ngài lại dựng lên sự dữ. Vấn nạn này cho đến nay vẫn là một thắc mắc không có câu trả lời đối với nhiều Kitô hữu.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi cuộc tấn công vào hai tòa cao ốc của trung tâm thương mại New York xẩy ra, nhiều người đã cho rằng không có Thiên Chúa, và nếu có thì Ngài vẫn ở dưới sự khống chế của sự dữ. Vì nếu Ngài có mặt và thật sự thương yêu con người, thì làm sao lại có thể để một sự dữ lớn lao như thế xẩy ra. Rồi cơn sóng thần dữ dội ngày 26 tháng 12 năm 2004, lại một lần nữa cuốn trôi hằng trăm ngàn mạng người, gây cảnh màn trời, chiếu đất cho hằng triệu nạn nhân, mà phần lớn đều là những người nghèo khổ, đơn sơ và chân thật. Trước những hiện tượng như thế, đức tin của nhiều người thật sự đã bị chao đảo. Không những không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn nghi ngờ sự hiện diện của Ngài nữa. Làm sao Chúa có mặt mà để những sự dữ như thế xẩy ra. Lòng nhân từ của Ngài ở đâu? Tình thương của Ngài ở đâu?

Phần Ngài, Thiên Chúa vẫn cứ bảo rằng Ngài là Thiên Chúa nhân lành: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11:29). Dụ ngôn người cha mở rộng vòng tay đón tiếp đứa con hoang đàng trở về là hình bóng lòng nhân lành của Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa rộng lòng thương, không hề đoán xét và luận xử dù người thiếu phụ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Nhất là Ngài còn khẳng định với mọi người rằng: “Tóc trên đầu chúng con cũng đã được đếm hết” (Mt 10:30). Thế mà sự dữ vẫn cứ xẩy ra, người hiền lương vẫn bị hãm hại, kẻ thật thà vẫn bị lợi dụng. Người lành vẫn gặp xui xẻo đủ điều, kẻ gian ác lại sống trong nhung lụa, may mắn. Như vậy thì lòng thương xót và sự nhân từ của Chúa ở đâu?!

Nếu chỉ dựa vào lý trí để suy đoán và đo lường tình thương của Thiên Chúa, rõ ràng con người đã làm một hành động kiêu căng và rồ rại. Chúng ta cũng sẽ giống như Evà xưa trong vườn Địa Đàng, muốn biết lành biết dữ và muốn bằng Thiên Chúa. Cũng như nhân loại xưa trong thời kỳ hậu Noe, họ muốn xây cho mình một tháp Baben cao tận trời xanh. Và như Augustine, muốn dùng trí tuệ của mình để khám phá ra sự cao siêu mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tóm lại, để hiểu thế nào về tình yêu Thiên Chúa, con người nên nhìn thẳng vào Chúa Giêsu như tấm gương phản chiếu cách thức đo lường, và tiếp nhận tình yêu ấy.

Chúa Giêsu đã bị nhục nhã, nghèo hèn trong ngày Ngài hạ sinh nơi hang đá ngoài thành Belem. Ngài đã sống nghèo và lam lũ với nghề thợ mộc trong mái nhà Nagiareth. Ngài đã bị nghiền nát trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu. Ngài đã bị đánh đòn, cười nhạo thâu đêm tại dinh tổng trấn Philatô. Ngài đã quị ngã trên đường lên núi Sọ với sức nặng của cây thập giá. Và Ngài đã bị đóng đinh, chết treo trên đó. Ngài chịu thiệt thòi, tủi nhục, và đau đớn như thế mà không một lời thở than, mặc dù bản tính nhân loại Ngài cảm thấy như chính Chúa Cha cũng đã bỏ Ngài: “Lậy Chúa tôi. Lậy Chúa tôi. Sao Chúa bỏ tôi” (Mt 27:46). Thế nhưng Ngài vẫn im lặng, một sự im lặng hoàn toàn tùng phục cho đến chết: “Lậy Cha. Con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Nhưng Thiên Chúa đã không để chết chóc, nhục nhã, bất công thắng nổi Ngài. Và tử thần cũng không khống chế được Ngài. Chúa Cha đã phục sinh Ngài từ cõi chết, và để Ngài đem lại sức sống mới cho toàn thể nhân loại. Để qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu Ngài cho con người. Đó là ý nghĩa tại sao Chúa Giêsu lại xin Thánh Nữ Faustila vận động để Giáo Hội chọn Chúa Nhật 2 sau phục sinh để kính lòng thương xót của Ngài. Thiên Chúa muốn con người thời đại ngày nay hãy nhìn vào tận cùng những giá trị của lòng thương xót Ngài để khám ra tình Ngài giữa muôn vàn đau khổ, bất công và thử thách. Bởi Ngài biết rằng chúng ta đang bị trầm luân giữa bao đau khổ không phải do ma quỉ gây ra, mà do chính lòng dạ con người đã gây ra cho nhau.

Đau khổ và sự chết đã không làm gì được Chúa Giêsu. Qua tầm nhìn ấy, đau khổ, nhục nhã, nghèo túng, bệnh tật và cả sự chết cũng sẽ không làm gì được đối với những ai tin nhận vào Ngài. Đó là lời giải thích căn bản cho những cái mà con người gọi là bất công, đau khổ, bệnh tật, nghèo đói và chết chóc. Ngày nay, trước những thử thách, đau khổ, bất công, bệnh tật, nghèo túng, và cả sự chết nữa, nếu chúng ta có hỏi Ngài câu hỏi tại sao. Và làm thế nào Ngài có thể minh chứng được tình thương Ngài trong những tình huống như thế, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được một sự “im lặng” như Ngài đã im lặng trước những bất công, vô lý xẩy đến cho chính Ngài. Tóm lại, chúng ta phải nhìn tất cả những sự việc xẩy ra chung quanh cuộc sống bằng cặp mắt phục sinh của Chúa Giêsu thì mới khám phá ra được đâu là tình yêu Thiên Chúa, và lòng xót thương của Ngài. Điều này, Chúa Giêsu cũng đã giải thích cho 2 môn đệ làng Emau: “Chớ thì Đức Kitô chẳng phải chịu khổ nạn như thế trước khi tiến vào vinh quang sao” (Lc 24:26). Và nếu không, thì làm sao nên trọn những lời Kinh Thánh đã nói về Ngài.

Lòng thương xót Chúa thực ra không cần phải giải thích. Thiên Chúa cũng không cần phải nói rằng Ngài thương yêu con người. Chúng ta chỉ cần nhìn lên bầu trời trăng sao. Nhìn lên vòm trời cao xanh. Ném tầm nhìn vào đại dương mệnh mông, vào núi đồi trùng điệp. Hoặc chúng ta hãy nhìn vào chính con người mình. Từng ấy nếu chưa đủ để trả lời cho chúng ta về quan phòng, về tình yêu, và về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, thì hãy nhìn lên Đức Kitô trên thập giá. Ở đó, Ngài sẽ dậy chúng ta biết khám phá ra mầu nhiệm tình yêu và sự sống đang tiềm ẩn trong những vất vả, đau khổ và đôi khi nghiệt ngã của kiếp người, và để chúng ta biết đón nhận và cám ơn lòng thương xót của Thiên Chúa.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

home Mục lục Lưu trữ