Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 136

Tổng truy cập: 1350069

Lòng tin

Bệnh tật và cái chết là những nỗi khổ của phận người. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã rung động trước những con người đau khổ. Ngài đã không thể chữa hết mọi người đau yếu ở It-ra-en, nhưng Người không lãnh đạm trước lời kêu cầu đầy lòng tin của người bệnh. Bệnh tật không phải chỉ trói buộc thân xác con người, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần con người nữa. Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ, Ngài cứu con người khỏi nô lệ cho tội lỗi, nhưng Ngài cũng không bỏ rơi thân xác con người. Ngài muốn cứu độ con người cả xác lẫn hồn, một sự giải phóng toàn diện... Lòng tin của ông Giairô

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng tin của ông trưởng hội đường và của một phụ nữ bị băng huyết. Cả hai người đã nghe biết về Ðức Giêsu và quyền năng của Ngài. Chúng ta không rõ họ coi Ðức Giêsu là ai, là một tiên tri hay chính là Ðức Kitô muôn dân mong đợi. Nhưng chắc chắn họ coi Ngài là người có thể chữa lành bệnh tật, kể cả những bệnh nan y.

Họ đã chạy đến với Chúa Giêsu khi không còn có thể nương tựa vào bất cứ chỗ dựa nào nơi người đời. Ông trưởng hội đường đã đến với Chúa Giêsu khi đứa con gái của ông gần chết. Chúng ta phải cảm thấy nỗi thất vọng của người cha, khi mọi cố gắng chữa trị đều không chút hiệu quả. Cái chết cứ từng bước đến gần con gái ông mà ông không sao ngăn chặn nổi. Ông chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng nơi Chúa Giêsu. Ông tin rằng nếu Ngài đến đặt tay trên con ông, ắt nó sẽ được cứu và được sống. Niềm tin của ông là niềm tin khiêm hạ, bất chấp chức vị của mình, ông phủ phục dưới chân Ngài và nài nẵng kêu xin.

Có lẽ lòng tin của ông đã bị chao đảo khi ông nghe tin con gái ông chết rồi. Ðiều ông lo sợ đã trở thành sự thực. Như thế Chúa Giêsu có cần đến nhà ông nữa chăng? Ðến để làm gì với cái xác của con ông? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu ông. Chúa Giêsu đã nâng đỡ đức tin của ông khi bảo: "Ðừng sợ, hãy tin mà thôi!" Có những lúc mà thực tế bi đát làm cho niềm tin tắt ngúm, niềm hy vọng vỡ tan. Chính lúc tăm tối đó, Chúa mời gọi ta như mời gọi ông Giairô: "Ðừng sợ, hãy tin mà thôi!" Tin lúc đó thật khó. Tin khi thấy kế hoạch, ước mơ, dự tính của mình như bị Thiên Chúa từ khước. Người ta tự hỏi tin để làm gì?.

Con đường về nhà ông Giairô bao xa, chúng ta không rõ. Nhưng chắc chắn ông Giairô cảm thấy nỗi đau đớn khi phải trở về và gặp thấy xác đứa con yêu dấu. Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín cùng đi với ông. Ông không rõ điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ ông không dám nghĩ đến việc Chúa cho con ông sống lại. Trước cảnh tượng xôn xao, khóc lóc của tang gia, Chúa Giêsu chỉ nói một câu mà ai cũng cho là bất thường "Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Chúa Giêsu chỉ cho cha mẹ cô bé và ba môn đệ được chứng kiến phép lạ mà thôi. Bằng một cử chỉ trìu mến, Ngài cầm lấy tay cô mà nói: "Thầy bảo con, hãy chỗi dậy." Như thế có sự khác biệt giữa ước mơ của người cha muốn xin Chúa Giêsu đến đặt tay để con mình khỏi chết với điều Chúa Giêsu thực hiện trong lúc này: cầm lấy tay và cho cô bé sống lại. Con đường của Chúa không luôn luôn trùng hợp với con đường của chúng ta. Chấp nhận để Chúa dẫn đi qua những lối quanh co và bất ngờ, những lối đi nằm ngoài dự tính của ta, đó là thái độ của người có đức tin. Chúng ta tin rằng cuối cùng Chúa cũng cho ta được hưởng hạnh phúc đích thật, bất chấp những thử thách hiện tại.

"Hãy chỗi dậy!": lời Chúa Giêsu đánh thức cô bé đang thiếp ngủ, lời trả lại sự sống cho người chết. Cô bé liền đứng lên và đi lại được. Cô vừa khỏi chết, vừa khỏi bệnh. Giữa lúc mọi người vui mừng và kinh ngạc sững sờ, thì Chúa Giêsu nhắc họ hãy cho cô bé ăn.

Lòng tin của người phụ nữ

Câu chuyện về người phụ nữ diễn ra trên con đường đến nhà ông Giairô. Máccô đã mô tả kỹ lưỡng tình trạng bệnh tật của bà, một bệnh mà các lương y đều bó tay. Hơn nữa, bệnh băng huyết bị người Do Thái thời đó coi là bệnh làm cho người bệnh trở nên ô nhơ, và ai tiếp xúc với họ cũng trở nên ô nhơ (Lv 15,19-27). Nỗi khổ của bà thật lớn, vì bà không được tham dự các đại lễ ở Giêrusalem. Chỉ nghe đồn về Chúa Giêsu thôi, bà đã có một lòng tin mạnh mẽ, tuy còn bất toàn. Bà tin rằng nếu mình được sờ vào áo của Ngài, ắt mình sẽ khỏi bệnh. Chính vì thế bà len lén đến sau Chúa Giêsu và đụng vào áo Ngài. Tức khắc bà thấy mình bình phục. Trong đám đông đi theo Chúa Giêsu, có nhiều người đụng đến Ngài, nhưng chỉ có một cái đụng nhẹ nơi áo khiến Ngài cảm nhận. Ðó là cái đụng của lòng tin. Chúa Giêsu không phải vì tò mò nên muốn biết mặt người đã làm điều đó. Người muốn trao chính Ngài cho người đã nhận được ơn của Ngài. Ngài muốn trò chuyện, lắng nghe và muốn đích thân ban ơn. Người phụ nữ thì sợ hãi run rẩy. Phải chăng bà sợ vì đã dám đụng đến Ngài và khiến Ngài bị ô nhơ? Hay phải chăng vì bà đã chiếm lấy ơn mà không được Ngài ưng thuận? Dù sao thì bà đã dám thú nhận hết sự thật. Bà đã có tương quan với người đem lại hạnh phúc cho bà, giải phóng bà khỏi cơn bệnh kéo dài mười hai năm. Bà ra đi với lời chúc bình an của Ngài.

Chúa Giêsu, người kiến tạo hạnh phúc

Bệnh tật và cái chết là những nỗi khổ của phận người. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã rung động trước những con người đau khổ. Ngài đã không thể chữa hết mọi người đau yếu ở It-ra-en, nhưng Người không lãnh đạm trước lời kêu cầu đầy lòng tin của người bệnh. Bệnh tật không phải chỉ trói buộc thân xác con người, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần con người nữa. Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ, Ngài cứu con người khỏi nô lệ cho tội lỗi, nhưng Ngài cũng không bỏ rơi thân xác con người. Ngài muốn cứu độ con người cả xác lẫn hồn, một sự giải phóng toàn diện. Chúa Giêsu say mê xây dựng hạnh phúc cho con người. "Mù được sáng mắt, què được đi, phung hủi được sạch, điếc được nghe, kẻ chết được sống lại và người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng" (Mt 11,5). Chúng ta thường nghĩ đến hạnh phúc của người phụ nữ được khỏi bệnh băng huyết, hay của ông Giairô được sống bên đứa con thân yêu, nhưng chúng ta ít nghĩ đến hạnh phúc của Chúa Giêsu sau mỗi lần Ngài chữa bệnh. Chúng ta cần hình dung khuôn mặt vui tươi của Ngài khi nghe người phụ nữ thuật lại hành động táo bạo của bà. Chúng ta cũng phải thấy được nụ cười trên môi Chúa Giêsu khi cô bé mười hai tuổi ngã vào lòng người cha còn chưa khô dòng lệ. Nỗi buồn của bệnh tật, của tang chế, Chúa Giêsu muốn hủy đi. Ngài muốn con người được vui. Trần gian này đã có quá nhiều nước mắt. Qua những điều Ngài làm, ta thấy Nước Trời đã gần bên; Nước Trời là bữa tiệc (Mt 8,11); Nước Trời là đám cưới (Mt 22,2tt); Nước Trời là niềm vui bất tận.

Người Kitô hữu hôm nay cũng noi gương Ngài, hiến thân vì hạnh phúc con người. Họ có mặt ở mọi môi trường, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực. Họ làm hết mình vì say mê con người và say mê Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ