Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 45
Tổng truy cập: 1361080
LÒNG TIN CỦA BÀ MẠNH THẬT
LÒNG TIN CỦA BÀ MẠNH THẬT
Suy Niệm
Một người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám. Bà là dân ngoại, còn Đức Giêsu là người Do thái. Ít khi Ngài đến vùng đất quê hương của bà. Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Đức Giêsu. Khi thấy Ngài, bà tin rằng cơ may đã đến, con bà hoàn toàn có hy vọng khỏi bệnh.
Đức Giêsu khen bà là người có lòng tin lớn lao. Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy điều đó.
Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi Chúa thinh lặng.
Bà xin Ngài nhìn đến nỗi đau của người mẹ, đau vì nỗi đau của đứa con. Nhưng Đức Giêsu không đáp lại một lời. Phải chăng Ngài lạnh lùng trước nỗi đau, lãnh đạm trước điều Ngài có thể làm được? Lắm khi chúng ta cũng gặp sự thinh lặng như thế. Chúng ta khắc khoải tự hỏi: Chúa có nghe gì không? Chúa có thấy gì không?
Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi bị từ chối.
Bà chẳng ngã lòng trước sự thinh lặng của Đức Giêsu. Bà cứ đi sau mà kêu, kêu hoài, kêu mãi. Rồi bà trực tiếp giáp mặt Ngài, và nài xin Ngài cứu giúp. Kết quả là một lời từ chối không khoan nhượng: "Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con." Bà có bị sốc không khi Đức Giêsu ví dân ngoại với chó con nuôi trong nhà không đáng được hưởng phần bánh của con dân Israel? Chắc chắn bà đã chẳng thất vọng trước lời từ chối này.
Lòng tin lớn lao là lòng tin khiêm tốn.
Bà chấp nhận lối so sánh của Đức Giêsu. Bà chấp nhận mình chỉ là chó con, chỉ dám trông chờ những vụn bánh từ bàn rơi xuống. Bà không dám mong được phần ăn của các con. Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn.
Tin không phải là đòi hỏi. Tin là chờ đợi tất cả từ tay Chúa, và đón lấy tất cả như hồng ân nhưng không.
Đức Giêsu từ chối giúp người phụ nữ dân ngoại vì Ngài thấy rõ sứ vụ Cha giao cho Ngài: Ngài chỉ được Cha sai đến với người Israel thôi. Nhưng Đức Giêsu không cứng nhắc trong nguyên tắc. Ngài tin Cha vẫn nói với Ngài qua mọi cảnh ngộ, nên Ngài cứ để cho trái tim Ngài được tự do mở ra, ngỡ ngàng và ngây ngất trước lòng tin của người phụ nữ. Ngài để cho mình bị chinh phục và chấp nhận thay đổi quyết định ban đầu.
Thay đổi không phải là phản bội hay thiếu ý chí. Thay đổi là trung thành và uyển chuyển để có thể nắm bắt được ý Cha mới hé lộ cho ta.
Ước gì chúng ta để Cha dẫn đi từng ngày, và mở chúng ta ra trước những chân trời mới.
Gợi Ý Chia Sẻ
Lòng tin lớn lao của người phụ nữ dân ngoại đã khiến Đức Giêsu đổi ý. Ngài đổi ý vì Ngài nghe thấy một lời mời gọi mới của Cha. Bạn là người uyển chuyển hay là người có tính nguyên tắc? Làm sao để uyển chuyển không trở thành thiếu kiên định, và tính nguyên tắc không trở thành cứng nhắc?
Bạn nghĩ gì về lòng tin của bạn hiện nay? Bạn có còn tin vào Thiên Chúa không? Theo bạn, tin là gì?
Cầu Nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
2.Lòng tin của bà lớn thật.
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,
tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.
Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.
Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.
Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.
Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.
Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.
***
Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:
“Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”
Người mẹ đau vì con của mình đau.
Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.
Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.
Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.
Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.
Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.
“Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”
Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.
Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.
Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.
Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.
Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình:
“Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”
Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.
Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.
Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.
Chị không phải là chiên của nhà Israel.
Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi,
vì Cha tôi chưa sai tôi đến.
***
Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.
Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,
và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.
Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.
Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.
Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin:
“Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25);
khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).
Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.
Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.
Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con,
vì tình yêu nối kết cả hai nên một.
Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ
dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.
Người đưa ra lời từ chối thứ hai
quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng:
“Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”
Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.
Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.
Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.
Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.
Họ tự hào về tính ưu việt của mình
trong tư cách là Dân riêng của Chúa.
Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.
***
Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu
Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.
Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:
“Thưa Ngài đúng thế.
Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”
Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà,
không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.
Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách
để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái,
bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.
Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.
Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.
***
Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.
Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”
Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).
Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.
Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin,
khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.
Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,
và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Người.
Đức Giêsu đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…
***
Bây giờ Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”
Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.
Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà
chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt:
“Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.
***
Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.
Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.
Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.
Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.
Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.
Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.
Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai:
“Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,”
để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”
***
Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.
Ám vì đủ thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.
Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.
Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.
Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại,
tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng
và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.
***
Lời nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
*
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
*
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
*
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
3.Những mảnh vụn
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Người phụ nữ dân ngoại là mẫu mực của những ai cầu xin.
Bà là một người mẹ có một cô con gái bị quỷ ám.
Quỷ hành hạ cô này một cách khủng khiếp
khiến trái tim của người mẹ nhói đau, nhưng bất lực.
Chúng ta không rõ tại sao bà quen biết Đức Giêsu,
và tin Ngài là Đấng Mêsia, có quyền năng trừ quỷ.
Khi thấy Đức Giêsu, bà mừng quá, chỉ la thật to để Ngài chú ý.
“Xin thương xót tôi!”
Bà xin Ngài thương xót một người mẹ đang đau khổ vì con.
Đức Giêsu xem ra không màng đến tiếng kêu của bà.
Ngài thinh lặng, chẳng nói một lời đáp lại.
Nhưng còn hy vọng, bà cứ lẽo đẽo đi theo Đức Giêsu và các môn đệ,
vừa đi vừa kêu to, nài nẵng, kể lể, than van thống thiết.
Các môn đệ không thể chịu được tiếng kêu này,
nên xin Thầy mau đáp ứng yêu cầu của bà, để họ được yên.
Thầy Giêsu đã thẳng thắn từ chối.
Ngài cho biết hiện nay Chúa Cha chỉ sai Ngài đến với dân Ítraen thôi.
Bây giờ chưa phải là lúc để đến với dân ngoại.
Cần phải ưu tiên cho người Do-thái trước đã.
Chính Ngài đã từng nhắc nhở các môn đệ như vậy (Mt 10,5-6).
Câu trả lời của Thầy Giêsu như đặt một dấu chấm hết.
Các môn đệ hiểu là họ không thể làm Thầy đổi ý,
vì Thầy chỉ làm điều Thầy tin là ý muốn của Cha.
Nhưng người phụ nữ vẫn chưa mất niềm hy vọng.
Bà không đi phía sau mà kêu nữa,
nhưng đến ngay trước Đức Giêsu, và quỳ gối trước mặt Ngài.
Cuộc đối thoại thật sự bắt đầu khi bà có thể nhìn thẳng vào Ngài,
và nói với Ngài một câu ngắn gọn: “Lạy Ngài, xin giúp tôi!”
Câu trả lời của Thầy Giêsu như dập tắt mọi hy vọng còn lại.
Một câu từ chối lạnh lùng, dứt khoát, và có thể gây tổn thương:
“Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con.”
Phúc lành dành cho Ítraen, Ngài không muốn chia sẻ cho dân ngoại.
Nghe câu này, người phụ nữ có thể nổi nóng và căm giận bỏ đi.
Nhưng lạ thay, bà lại thấy mở ra một lối thoát.
Bà khiêm tốn nhận mình chỉ là chó con, quanh quẩn dưới gầm bàn,
còn người Do-thái là con cái trong nhà, được ngồi nơi bàn của chủ.
Chó con đâu dám đòi ăn bánh của con cái,
nhưng ai cấm chó con được hưởng những vụn bánh rơi từ bàn?
Người phụ nữ khiêm tốn cũng chỉ dám xin vụn bánh thôi.
Bà chỉ cần chút vụn bánh cho cô con gái mình yêu quý.
Lòng Đức Giêsu tan chảy khi nghe câu nói của bà.
Ta có thể nói dường như Ngài chịu thua sự kiên trì của bà,
dù bao lần bị Ngài thẳng thừng từ chối.
Ngài nể phục sự khiêm tốn của bà, khi có vẻ bà bị coi khinh.
Ngài quý niềm hy vọng của bà, khi mọi sự dường như sụp đổ.
Ngài ngỡ ngàng trước lòng tin lớn của bà, khiến Ngài đổi ý,
vì qua đó Ngài nghe tiếng mời của Cha.
Cha vẫn nói với Con qua những biến cố đời thường,
qua môi miệng những người nghèo hèn bé nhỏ.
Đối với Con, tiếng của Cha vẫn luôn luôn mới mỗi ngày.
“Bà muốn sao thì được vậy. Từ giờ đó, con của bà được khỏi.”
Như thế Đức Giêsu đã nhận lời bà, đã thương xót và cứu giúp bà.
Ngài hiểu phía sau lòng tin khiêm hạ và kiên trì của bà
là cả một tình yêu bao la của tấm lòng người mẹ.
Chỉ ai yêu mới dám đi tới cùng.
Bây giờ bà đã được ăn bánh, không chỉ ăn vụn bánh thôi.
Bây giờ chúng ta là dân ngoại, đã được ngồi vào bàn tiệc thánh rồi.
Chỉ mong chúng ta được ngổi ăn trong bàn tiệc thiên quốc
vào ngày cánh chung, cùng với muôn người trong khắp cả thiên hạ.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa,
Xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô Hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ sát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
4.“Đến với muôn dân”
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
“Đến với muôn dân” là tựa đề của một Sắc lệnh trong văn kiện của Công đồng Vatican II. Nội dung Sắc lệnh này là lời mời gọi mọi thành phần Dân Chúa cộng tác vào sứ mạng truyền giáo, theo lệnh truyền của Đấng Phục sinh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (x. Mt 28,16-20).
Khi xác định “đến với muôn dân”, Giáo Hội không còn là một cơ chế hành chính khép kín, đóng khung trong một nền văn hoá riêng biệt hoặc một châu lục hay một quốc gia. Trái lại, Giáo Hội có sứ mạng đi đến với mọi dân tộc để giới thiệu Chúa, làm cho chất men Tin Mừng thấm nhập vào mọi nẻo đường của cuộc sống, xây dựng Nước Trời ở trần gian. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần mời gọi Giáo Hội hãy đi ra, hãy mở cửa, hãy đến vùng ngoại vi để loan báo Tin Mừng.
Một trong những chủ đề chính trong Lời Chúa hôm nay là lời khẳng định: Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Bất kể ai, nếu có Đức tin sẽ được chữa lành và cứu rỗi.
Cũng như lòng nhân hậu, tình mẫu tử, sự tha thứ luôn là chuẩn mực cho con người dù họ thuộc về bất kỳ nền văn hóa nào, khái niệm về Thiên Chúa diễn tả Đấng là nguyên lý của mọi loài và là cội nguồn của Chân Thiện Mỹ. Ngài là Cha của người da trắng cũng như da đen da vàng. Ngài dựng nên những người thánh thiện cũng như những người tội lỗi. Ngài đổ ơn mưa móc xuống cho người công chính cũng như cho kẻ bất lương. Như thế, bất cứ ai sống dưới gầm trời này mà cậy tin vào Chúa và kêu cầu Ngài thì đều được Chúa thương, vì “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Chúa sẽ dẫn họ lên núi thánh và ban cho họ tràn đầy niềm vui (Bài đọc I).
Thánh Matthêu kể lại: hôm đó Chúa Giêsu đi đến miền Tia và Siđôn. Hai địa danh này diễn tả miền đất của dân ngoại. Người đàn bà xứ Canaan cũng là một người ngoại. Bà đang đau buồn vì con gái bà bị quỷ ám. Chúng ta lưu ý đến hai lời cầu nguyện của người phụ nữ này. Đó cũng là hai lời cầu nguyện trong Phụng vụ, xưa cũng như nay: Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Lời kinh trong phần sám hối mở đầu thánh lễ); “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” (Lời mở đầu giờ kinh Phụng vụ). Lời van xin của bà chứng minh một nhu cầu khẩn thiết và một niềm hy vọng sâu xa. Tuy vậy, lời van xin thống thiết này ban đầu đã bị Chúa Giêsu khước từ, kèm theo một lời nói xem ra rất “khó nghe”. Cuộc đối thoại giữa người phụ nữ này với Chúa được thánh sử Mátthêu trình bày như tiến trình của lời cầu nguyện nơi người tín hữu: có vẻ như lời cầu nguyện bị khước từ lúc ban đầu, nhưng sự kiên trì và phó thác sẽ làm thay đổi mọi sự. Không thể cầu nguyện trong sự nóng vội với một loạt những nhu cầu cấp bách và đòi Chúa phải chấp thuận ngay theo như ý mình. Bởi lẽ lời cầu nguyện không chỉ đơn giản là những lời xin, mà còn là tâm tình yêu mến tạ ơn, còn là sự diễn tả nỗi lòng của người con thảo đối với cha mẹ mình. Người phụ nữ xứ Canaan đã hiểu điều đó. Bà đã kiên trì và khiêm tốn, do đó lời cầu xin của bà đã được Chúa nhận lời. Ước vọng của bà đã được đáp ứng. Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta hãy kiên trì trong lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim chân thành và tình yêu mến thiết tha chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời. Có những khi chúng ta không đạt được ngay tức khắc những điều chúng ta xin, nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Ngài muốn những điều thực sự là tốt và đem lại ích lợi lâu dài cho chúng ta.
Chúa Giêsu đã đến trần gian để quy tụ muôn người thành gia đình của Thiên Chúa. Người đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa người Do Thái với dân ngoại. Đối với Chúa, người Do Thái hay người ngoại không phải là điều kiện để Người thực hiện những phép lạ, mà điều quan trọng là lòng tin. Lòng tin đôi khi phải trải qua thử thách. “Này bà, bà có lòng tin mạnh mẽ. Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”. Lòng tin là điều kiện để con gái bà được khỏi quỷ ám. Lòng tin cũng giúp bà kiên trì trong lời van xin, mặc dầu cảm thấy mình bị chối từ. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhiều lần khen lòng tin vững vàng của những người ngoài Do Thái, như trong trường hợp vị sĩ quan đến xin Ngài chữa cho con trai mình: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế” (Mt 8,10).
Tưởng cũng nên tìm hiểu đôi chút về khái niệm “chó con” được Chúa Giê-su dùng để chỉ về người phụ nữ dân ngoại. “Con cái” thì hiểu về dân Do thái, “chó con” thì hiểu về dân ngoại. Chúa Giêsu dùng cách nói thông thường của người Do thái chứ không có ý mỉa mai. “Chó con” cho ta hình ảnh con vật nuôi trong nhà, mặc dù không được coi trọng như con người, nhưng cũng được quý mến chăm sóc và thương yêu. Lời tuyên bố của Chúa có thể hiểu như một sự thử thách lòng tin của bà. Lập luận của bà chứng tỏ sự kiên trì và cậy trông, chấp nhận chỉ là một con chó con chực chờ những mụn bánh nhỏ rơi xuống trong khi người thực khách đang dùng bữa trên bàn. Sự kiên trì đã đem lại phần thưởng cho bà.
Ngỏ lời với giáo dân Rôma, là những người nguồn gốc dân ngoại, Thánh Phaolô chứng minh cho họ thấy lòng thương xót bao la của Chúa. Ngài không khước từ ai. Những ai kêu cầu Ngài đều được Ngài thương nhận lời. Chính vì lòng thương xót đối với muôn dân, mà Chúa đã dùng thánh nhân như một tông đồ của dân ngoại. Thánh Phaolô hiểu sứ mạng của mình và ngài đã đi đến mọi nơi, xây dựng các cộng đoàn đức tin và giúp họ nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu (Bài đọc II). Như thế, mỗi chúng ta cũng đã là những “người thuộc dân ngoại”, nhưng nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta trở thành “con cái trong nhà”, là những người “đồng thừa kế với Đức Giêsu”, nhờ tình thương của Thiên Chúa.
Qua người tín hữu, Đức Giêsu hôm nay vẫn đang đến với muôn dân. Người là Ánh sáng muôn dân, đem ơn Cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Mỗi chúng ta như cánh tay nối dài của Người, để đem ánh sáng ấy chiếu soi cuộc đời. “Ở đâu có cộng đoàn Kitô hữu, ở đó có linh địa của lòng thương xót” (ĐTC Phanxicô). Thực thi lòng thương xót trong nội bộ cộng đoàn cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin, đó chính là lời loan báo Tin Mừng hiệu quả nhất.
5.Những bia đá niềm tin - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Đến viếng mộ cha Trương Bửu Diệp ở Tắc Sậy, Cà Mau, hay toà thánh Martin ở nhà thờ Ba Chuông, Sàigòn, người ta thấy những tấm bảng đá gắn đầy tường. Phần đông người tạ ơn đề tên gọi, không có tên thánh, chứng tỏ người lương được ơn cứu giúp nhiều hơn người Công giáo.
Tại sao vậy?
Chúng ta thật khó trả lời. Có lẽ câu trả lời của ta là: Ta đã được nhiều ơn Chúa rồi. Còn họ bây giờ mới được! Có lẽ Chúa muốn lôi cuốn họ trở về với Chúa, nên cho họ được ơn cứu giúp rõ ràng.
Không, đó là câu trả lời của ta, ngầm chứa một sự tự phụ, một sự bào chữa, cho mình là hơn người ngoại.
Chỉ có Chúa mới trả lời thật chính xác: “Lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao được vậy, ngay lúc đó con bà được khỏi quỷ ám” (Mt. 15,18). Thế là quá rõ: họ được ơn cứu giúp chính vì họ có lòng tin mạnh thật. Còn ta, ta không được ơn cứu giúp, vì ta kém lòng tin, không xứng đáng nhận được ơn Chúa.
Ơn Chúa dồi dào cho mọi người, như Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến cho họ được sống và được sống dồi dào” Người còn giải thích bằng những hình ảnh rất rõ: “Thiên Chúa đã cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như kẻ tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt. 5, 45).
Ơn Chúa tràn ngập khắp vũ trụ như ánh sáng mặt trời, nhuần thấm cùng cõi trái đất như mưa sa. Công thần Nguyễn Công Trứ ở thời cấm đạo khốc liệt mà còn nhận thấy “Của trời trăng gió kho vô tận” hay: “Của trời muôn sự để chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”. Đúng vậy, của trời thì vô tận chỉ hơn nhau có lòng tin anh hùng mà người này thì được ơn dồi dào, người kia thì không được, chứ không phải mang danh có đạo là được ơn. Tiên tri Isaia đã được Chúa tỏ cho biết rõ: Những người ngoại bang nào gắn bó cùng Chúa, phụng sự và yêu mến danh Người, thì được nên tôi tớ của Người... “Ta sẽ dẫn họ lên núi thánh của Ta và cho họ hân hoan bước vào nhà cầu nguyện của Ta…” (Bài I - Is. 56, 6-7).
Thế là Thiên Chúa không tây vị ai, chỉ nể vì: “Bà có lòng tin mạnh thật”. Đó là lý do chính xác nhất mà Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng.
Lý do thứ hai tuy Chúa Giêsu không nói ra, nhưng sau này Thánh Phaolô đã nêu trong bài đọc II:
“Trước kia anh em không vâng phục Thiên Chúa, nay được xót thương... để cho chính họ cũng được xót thương” (Rm. 15, 30- 31). Họ đây là dân mới có đạo, tức là: dân ngoại đã có lòng tin mạnh mẽ nên được ơn Thiên Chúa thương xót, để cho dân Do Thái, dân đã có đạo lâu đời, thấy mình không được ơn thương xót cứu giúp vì kém lòng tin, nên phải lo có lòng tin mạnh mẽ mới mong được ơn thương xót của Chúa.
Lòng thương xót của Chúa đối với dân ngoại là một đòn bẩy gián tiếp bẩy dân có đạo noi gương lòng tin mạnh thật của dân ngoại, đánh thức lòng tin của ta, khuyến khích ta gia tăng lòng tin thêm mạnh mẽ, mới mong nhận được ơn cứu giúp như bà dân ngoại xứ Canaan.
Lòng tin mạnh thật của bà thế nào?.
Trước nhất, bà cầu nguyện với Đức Giêsu bằng nhận biết Ngài là con vua David: “Lạy Ngài là con vua David”. Người Do Thái mong đợi con vua David đến giải phóng đế quốc hơn là đến cứu độ. Vì thế khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem họ đã hoan hô Ngài như một David chiến thắng dũng tướng Goliad (Mt. 21, 9). Còn bà dân ngoại, bà tin Đức Giêsu là Đấng Cứu thế đến “Đem Tin mừng cho người khốn khó, ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được tự do, loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lc. 4, 18-19). Lòng tin của bà giống như lòng tin của bà góa tại Sarepta thời tiên tri Elisa và Naaman người Syri thời tiên tri Elisa.
Như vậy lòng tin của bà vào lòng thương của Thiên Chúa, chứ không phải vào tài thao lược của một tướng quân như David. Bà kêu khấn: “Xin dủ lòng thương tôi”. Chính vì tin vào lòng thương xót của Chúa, lòng thương không giới hạn, vượt biên giới Israel mà bà đã đến với Đức Giêsu, dù bà biết mình là dân ngoại và dù Người nói chỉ đến với chiên lạc nhà Israel.
Thứ đến, lòng tin mạnh thật của bà tỏ ra rất kiên trì và khiêm tốn. Bà kiên trì cứ theo sau các Ngài đến nỗi môn đệ không thể chịu đựng nổi nữa. Có lẽ các ông đã đuổi bà đi nhiều lần mà không xong, đành phải xin Thầy bảo bà ấy đi đi. Nhưng bà quyết tâm kêu nài bằng được, đến nỗi Ngài phải nặng lời xỉ vả theo thói dân Do Thái khinh bỉ dân ngoại coi họ như chó má: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà đang sụp lạy trước mặt Người hơn con chó nằm chực chờ vụn bánh trên bàn chủ rơi xuống, nên không lạ gì bà đã thưa lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn những vụn bánh trên bàn rơi xuống”. Thật đáng kinh ngạc! Không ai trong dân Israel hay dân có đạo lại khiêm tốn, hạ mình xuống đến thế trước mặt Ngài.
Lòng tin khiêm tốn mạnh thật của bà đã sai khiến được lòng thương của Thiên Chúa: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được vậy”. Ngay lúc đó con gái của bà được khỏi quỷ ám.
Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương lòng tin mạnh mẽ, kiên trì, khiêm tốn sâu thẳm của bà dân ngoại xứ Canaan. Con đã quá quen với ơn phúc tràn đầy của Chúa, đúng là “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Xin đánh thức lòng con biết nhiệt tâm tin mạnh mẽ vào lòng thương xót vô bờ của Chúa, biết luôn luôn sấp mình trước tôn nhân hiền từ của Chúa để van nài: Lạy Chúa, xin cứu con như cứu lấy con bà Canaan xưa khỏi bị khổ sở của quỷ ám.
6.Niềm tin
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau tìm hiểu về đức tin của người đàn bà xứ Canaan, một đức tin đã từng làm cho Chúa Giêsu xúc động và chiếm được tình thương của Ngài. Vậy thì đức tin ấy như thế nào?
Trước hết đức tin ấy là một đức tin khiêm tốn
Thực vậy, người phụ nữ bất hạnh có đứa con gái đau yếu, và bà đã kêu tới Chúa Giêsu, nhưng tiếng kêu của bà không có vẻ hiếu thắng. Bà không ý thức là mình đang nêu lên một quyền lợi. Trái lại khi nghe Chúa bảo là Người chỉ muốn hoạt động ở Israel chứ không muốn hoạt động nơi người ngoại giáo, thì bà đã trả lời với một cung cách làm nổi bật mức độ khiêm nhường của lời cầu xin. Bà cầu xin và đặt mình ngang hàng với đàn chó con, sống bằng những mẩu bánh vụn từ bàn rơi xuống. Bà đã gắn cho đức tin cái tính chất khiêm nhường khiến cho Chúa Giêsu cũng phải cảm động và xiêu lòng.
Tiếp đến đức tin ấy là một đức tin van xin
Thực vậy, trước mặt Chúa, bà đã nhấn mạnh và nhắc lại lòng tin tưởng của bà vào quyền năng và lòng nhân từ của Chúa. Lúc đầu bà bị xua đuổi một cách cứng rắn, nhưng bà vẫn kiên nhẫn và tỏ ra ngoan cố. Cái ngoan cố đặc biệt của một bà mẹ. Trên bình diện tâm lý thì đức tin này mang tính cách hiện sinh vì nó đi từ kinh nghiệm đau khổ và từ hy vọng được chữa lành. Trên bình diện thiêng liêng, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa đã đặt vào trong tâm hồn bà một ơn riêng để bà bám chắc và tin tưởng mãnh liệt vào Chúa.
Sau cùng đức tin ấy là một đức tin mới mẻ và vươn xa
Với các tông đồ thì hành động của bà chỉ là một sự quấy rầy, còn với Chúa Giêsu thì Người đã dành quyền ưu tiên cho dân Israel, thế nhưng người đàn bà xứ Canaan đã lật đổ các vấn đề đó để đi thẳng tới đối tượng. Chính điều này đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Thực vậy, đã từ lâu chúng ta được nuôi dưỡng bằng biết bao nhiêu ơn lành của Thiên Chúa, thế nhưng đức tin của chúng ta có giữ được vẻ mới mẻ, sức vươn xa và sự khiêm nhường mà nó phải có hay không?
7.Ơn Cứu Độ
Ý tưởng chính của phần phụng vụ sáng hôm nay đó là Thiên Chúa mong muốn cho mọi người được cứu độ, không phân biệt chủng tộc, màu da và tiếng nói. Thực vậy, trong một thị kiến, tiên tri Isaia đã mở rộng cửa đền thờ cho tất cả những tâm hồn thiện chí. Ngay đến những người xa lạ cũng được mời gọi. Kể từ nay sẽ không còn rào chắn, sẽ không còn vách ngăn bởi vì mọi cánh cửa đã được rộng mở, để đón nhận những kẻ tìm kiếm Chúa.
Rồi trong Phúc Âm chúng ta cũng thấy người đàn bà ngoại giáo có đứa con bị quỷ ám, đã tin tưởng vào Chúa Giêsu. Bà gọi Ngài là con vua Đavít. Bà đã sụp lạy Ngài và xin Ngài giúp đỡ. Tuy nhiên thái độ của Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta sững sờ và ngạc nhiên. Dường như Ngài muốn dành ưu tiên cho dân Do Thái và dường như muốn thử thách lòng tin của bà. Lần thứ nhất Ngài đã yên lặng. Lần thứ hai Người đáp: Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi. Lần thứ ba, Ngài lại bảo: Chớ lấy bánh của con cái mà vứt cho chó. Thế nhưng bà vẫn một niềm cậy trông. Bà sẽ không ra về bao lâu đứa con gái của bà chưa được chữa lành. Bà đã chấp nhận lời nói có vẻ sỉ nhục của Chúa, nhưng rồi lợi dụng nó để đem lại lợi ích cho mình bà nói: Nếu thế thì những con chó cũng sẽ được hưởng những mẩu vụn từ bàn rơi xuống. Cuối cùng Chúa Giêsu đã phải ca ngợi niềm tin của bà và làm phép lạ cứu chữa đứa con gái của bà. Là một người ngoại đạo bà đã làm gương cho các môn đệ về một niềm tin khiêm nhường và kiên vững.
Cũng trong chiều hướng ấy, thánh Phaolô đã gióng lên một tiếng chuông và Ngài cho chúng ta được biết: có một mối liên hệ mật thiết giữa người Do Thái và dân ngoại. Dân ngoại đã không vâng lệnh Chúa và cuộc đời họ thì chồng chất tội lỗi, thế nhưng người Do Thái cũng không hơn gì. Bởi thế Ngài đã tỏ lòng nhân từ cho cả hai. Ngài đã không bỏ rơi dân Do Thái, dân mà Ngài đã đổ xuống biết bao nhiêu ơn lành quý giá. Thế nhưng tội lỗi đã làm cho họ thực sự xa cách Chúa và làm cho Ngài nổi giận. Dầu vậy lòng thương xót của Ngài vẫn không hề thay đổi. Đối với dân ngoại cũng vậy, Ngài luôn sẵn sàng giơ tay nâng đỡ họ, bởi vì ơn cứu độ chính là một hành động nhân từ và thương xót mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta.
Bởi đó chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa và hãy kiên tâm bền chí cho đến cùng vì ai kiên tâm bền chí cho đến cùng thì người ấy sẽ được cứu chuộc.
8.Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Chủ đề: Thiên Chúa là Chúa của mọi người,
yêu thương mọi người (Mt 15,22)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Trong khi chúng ta đang tập họp nhau trong nhà thờ này để thờ phượng Chúa, thì có nhiều người khác, tuy cũng là kitô hữu, không có mặt; và còn biết bao anh chị em người lương chưa biết Chúa.
Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, yêu thương hết mọi người và muốn ban ơn cứu độ cho hết mọi người.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các kitô hữu nguội lạnh trở về với tình thương của Chúa, và cho anh chị em người lương có dịp cảm nếm tình thương của Chúa.
II. Gợi ý sám hối
Chúng ta có thành kiến coi thường những người ngoài tôn giáo của chúng ta.
Chúng ta không quan tâm giới thiệu Chúa cho lương dân.
Nhiều khi cuộc sống của chúng ta còn thua kém người lương nữa.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 56,1.6-7)
Phần thứ ba của sách Isaia gồm các chương 56-66, được gọi là Ðệ Tam Isaia. Phần này được viết sau khi dân Israel thoát ách lưu đày Babylon, hồi hương về thánh địa.
Ðoạn được trích đọc hôm nay mở đầu phần này. Ðại ý: Thiên Chúa đã đưa dân Ngài hồi hương từ chốn lưu đày. Ngài muốn mở rộng dân này, để không chỉ có người Israel mà có cả lương dân nữa, vì "nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".
2. Ðáp ca (Tv 66)
Ðây là một Thánh vịnh tạ ơn. Nhưng lời tạ ơn này đặc biệt do hai điểm:
Tác giả kêu mời các "dân ngoại" cùng hợp tiếng với mình mà tạ ơn Chúa: "Chư dân hãy ca tụng Ngài"
Tác giả cầu xin Chúa tỏ mình ra cho mọi dân tộc trên địa cầu nhìn biết Ngài.
3. Tin Mừng (Mt 15,21-28)
Câu chuyện xảy ra ở miền Tyrô và Siđon, tức là ngoài lãnh thổ Palestina. Nên nhắc lại là dân Israel nghĩ rằng Thiên Chúa là Chúa của riêng họ, Ngài không ban ơn cho dân ngoại. Người phụ nữ trong chuyện là một người ngoại. Chắc bà cũng chia sẻ quan niệm trên. Vì thế khi đến với Ðức Giêsu, bà rất khiêm tốn, tự nhận mình là "chó con" và chỉ dám xin ăn những vụn bánh thừa từ bàn ăn của con cái trong nhà rớt xuống.
Nhưng Ðức Giêsu, sau khi làm ra vẻ lạnh nhạt để thử đức tin của bà, đã phải nhìn nhận bà có đức tin rất mạnh. Và chính vì có đức tin cho nên bà được kể là con cháu của Abraham và do đó đáng được Ðức Giêsu ban ơn.
Qua chuyện này, Ðức Giêsu cho thấy: con cháu đích thực của Abraham -mà cũng là dân Thiên Chúa đích thực - không phải là những người cùng huyết thống với Abraham, nhưng là những người có đức tin như Abraham, kẻ được gọi là "Cha của những người tin".
4. Bài đọc II (Rm 11,13-15.29-32)
Thánh Phaolô nói với những tín hữu Rôma vốn trước kia là lương dân nay đã tin vào Ðức Kitô:
Tôi là tông đồ dân ngoại
Do việc đi rao giảng cho dân ngoại, nếu Phaolô có làm cho đồng bào Do Thái của ông phải phân bì, thì ông cũng chấp nhận, miễn là dân ngoại cũng được cứu độ.
IV. Gợi ý giảng
1. Tin và yêu
Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống"
Bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng giống Bà mẹ Armenia trong chuyện trên. Vì thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Ðức Giêsu, nài nỉ van xin Ngài, bị xua đuổi bà vẫn kiên trì, bị Ðức Giêsu nói nặng là "đồ chó", bà vẫn không nản.
Những sự kiên trì và khiêm tốn ấy chẳng những chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt mà còn chứng tỏ một đức tin không gì lay chuyển nổi. Chính Ðức Giêsu đã đánh giá sự kiên trì của bà là một bằng chứng đức tin: "Này bà, bà có lòng tin mạnh. Bà muốn sao thì được như vậy".
Tin và Yêu đi đôi với nhau ban cho người ta một sức mạnh vô địch giúp người ta can đảm, kiên trì và khiêm tốn.
2. Ðức tin của một người phụ nữ ngoại
Người phụ nữ Canaan, tuy biết rằng những người Do Thái mà bà đang khẩn cầu này nhìn bà cách kinh tởm, vẫn cứ nài nỉ dai dẳng. Các môn đệ, những người rất tôn trọng truyền thống, gợi ý với Thầy mình: Xin Thầy làm phép lạ cho bà ấy đi, để chúng ta được yên.
Ðây là cuộc gặp gỡ do Chúa Quan Phòng xếp đặt. Vì lòng kiên trì của người phụ nữ sẽ thắng thái độ thinh lặng "theo luật" của Ðức Giêsu. Nào Người sẽ giữ thái độ khép kín trong bốn bức tường định kiến của dân tộc Người chăng? Nhưng vị tiên tri Nadarét đã phản ứng cách bất ngờ và gây sốc biết bao. Bằng chỉ một lời, Ðức Giêsu đã quét sạch mọi cấm kỵ, mọi luật lệ, mọi quy ước do những con người nhỏ nhen tạo ra, và bắt đầu một cuộc đổi đời mà sẽ trở thành cuộc hiệp thông giữa mọi người.
Ðứng trước nhóm biệt phái tức tối và nhóm môn đệ bàng hoàng, Ðức Giêsu đã trân trọng lời của một phụ nữ, trân trọng đức tin của một người ngoại đạo, thái độ ấy chứng tỏ cho mọi người thấy tâm hồn cao thượng và lòng tin tưởng sâu xa của bà. Bà nhận được phép lạ như lòng mong ước, đồng thời nhận được tình bạn của vị tôn sư, điều mà bà không dám nghĩ tới.
Giờ đây, người "dơ" trở nên mẫu mực cho người "sạch". Người mà đáng lẽ phải bị ruồng bỏ giờ đây được đón tiếp, người đáng lẽ bị nguyền rủa giờ đây được chúc mừng. Người phụ nữ Canaan bị các môn đệ khinh bỉ, giờ đây được sư phụ của họ tôn vinh. Người khách lạ trở nên người thân thuộc, và "con chó nhỏ" được ngồi vào bàn ăn của Chúa, sát bên Người.
Chúng ta cũng có những phụ nữ Canaan, những con chó nhỏ. Tinh thần Ghetto (pháo đài) về giai cấp, địa vị luôn rình rập ta. Tính tự cao tự đại khiến ta nghi kỵ ra mặt, khinh bỉ người khác không giấu diếm, hoặc kiêu căng nghĩ mình là trên hết. Nhưng nhiều khi những "con chó nhỏ" giúp ta nhảy qua rào cản của bè phái để mở ra đón nhận sự phong phú từ người khác, và mở ra đón nhận tình huynh đệ toàn cầu. Ðâu là những "người khách lạ" khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể? (F. Declos, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 262-263)
3. Còn hơn là truyền giáo
Giáo huấn Chúa nhựt hôm nay có vẻ như mời gọi chúng ta truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa đến những anh em lương dân.
Thực ra nó còn hơn là truyền giáo nữa. Vì khi truyền giáo, chúng ta muốn dẫn người khác vào đạo của chúng ta. Ðối với những người nào mà ta thấy không có hy vọng đem vào đạo thì chúng ta "dừng bước".
Giáo huấn hôm nay không "dừng bước" trước bất cứ người nào, cho dù họ nhất định không theo đạo Chúa, cho dù họ còn không cảm tình với đạo Chúa. Cho dù họ thế nào đi nữa, ta vẫn xác tín rằng Chúa cũng thương yêu họ như thương yêu chúng ta. Từ niềm xác tín ấy, chúng ta không loại trừ họ, không khinh bỉ họ, không coi họ là "người khác hệ". Trái lại chúng ta tôn trọng: tôn trọng suy nghĩ của họ, tôn trọng chọn lựa của họ. Chúng ta cũng yêu thương: yêu thương họ như Chúa yêu thương họ.
4. Chuyện minh họa
a/ Tôn giáo nào có Chúa?
Ngày nọ, Chúa và tôi đến một hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưng những người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ.
Tại quầy hàng của người Do thái, chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo nói rằng Chúa là Ðấng thương xót và dân Do thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do thái, không ai khác được chọn như họ.
Tại quầy hàng của người Hồi giáo, chúng tôi học biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa.
Tại quầy hàng của người Kitô giáo, chúng tôi khám phá ra Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo hội. Hoặc gia nhập giáo hội hoặc phải chịu kết án đời đời.
Trên đường trở ra, tôi hỏi Chúa: "Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa?"
Chúa nói: "Ta không tổ chức hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó".
b/ Các tôn giáo
Chúa Giêsu nói rằng Ngài chưa bao giờ xem bóng đá. Vì thế, bạn tôi và tôi dẫn Ngài đi xem một trận. Ðó là trận đấu gay cấn giữa những người Tin lành và những người Công giáo.
Người Công giáo ghi bàn thắng trước. Chúa Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến người Tin lành ghi bàn thắng, Chúa Giêsu cũng reo hò và tung mũ. Ðiều này gây khó chịu cho anh thanh niên ngồi sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Chúa Giêsu và hỏi: "Này anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào?"
Lúc này Chúa Giêsu thấy hứng thú vì trận đấu, Ngài trả lời: "Tôi hả? Ồ, Tôi không đứng về bên nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu".
Anh quay sang người bạn bên cạnh, nhếch mép cười: "Hừ, kẻ vô thần".
Trên đường trở về, chúng tôi cho Chúa Giêsu biết về tình trạng các tôn giáo trên thế giới ngày nay: "Chúa ạ, thật buồn cười về những người trong các tôn giáo. Dường như họ luôn nghĩ rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại những người khác".
Chúa Giêsu đồng ý: "Ðó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các tôn giáo. Ta ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabát".
Một người trong chúng tôi nói với vẻ lo lắng: "Ngài phải thận trọng. Ngài phải biết là đã một lần Ngài bị đóng đinh vì nói như thế".
5. Một lời cầu nguyện của dân Ai-len
Chúa tốt lành với bạn trong suốt mọi ngày
Chúa nhân ái với bạn trên mọi nẻo đường
Chúa ban sức mạnh cho bạn lúc thánh giá đè nặng trên vai.
Chúa gửi ánh sáng cho bạn lúc mây mù vây phủ
Chúa ban bình an trong những cơn xung đột
Chúa chúc phúc cho đời bạn chan chứa ơn lành
Chúa gửi niềm vui trong những lúc ưu phiền
Chúa dẫn đường bạn đến tận cửa thiên đường (Brian O' Higgins)
V. Lời nguyện cho mọi người
CT: Anh chị em thân mến
Thiên Chúa là Chúa của mọi người, mọi dân tộc. Ngài yêu thương tất cả và muốn cứu độ tất cả. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa.
1. Hội Thánh là ánh sáng của muôn dân, Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giúp Hội Thánh biết cách giới thiệu hình ảnh Thiên Chúa yêu thương cho tất cả mọi người trong thế giới hôm nay.
2. Trên thế giới, có nhiều nơi đang xảy ra chiến tranh, nhiều nơi nghèo túng khốn khổ. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo những nơi ấy tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tái lập hòa bình và giúp dân mình được no cơm ấm áo.
3. Ðất nước chúng ta có nhiều tôn giáo và nhiều người không tôn giáo nào cả. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người đối xử với nhau trong tinh thần tôn trọng và yêu thương.
4. Do thành kiến đạo mình là tốt nhất, nhiều kitô hữu có thái độ khinh miệt những người khác không cùng tín ngưỡng, khiến cho hình ảnh của Thiên Chúa và của Giáo Hội trở thành méo mó xấu xa trước mặt người khác. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta sống hòa thuận, tôn trọng và tương thân tương ái với hết mọi người trong phạm vi giáo xứ của mình.
CT: Lạy Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng cho mặt trời chiếu sáng trên kẻ lành người dữ, cho mặt trời mọc lên trên tất cả mọi người. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại bao la của Chúa, để chúng con có thể tôn trọng và yêu thương hết mọi người như Chúa đã yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
VI. Trong Thánh Lễ
Kinh Tiền Tụng: Nên đọc Kinh Tiền tụng Chúa nhật thường niên III, nói tới ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Trước kinh Lạy Cha: Trong lời kinh Lạy Cha hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu xin cho "Nước Cha trị đến" nơi tâm hồn tất cả mọi người và mọi dân tộc trên khắp thế giới.
VII. Giải tán
Tuần này, khi gặp gỡ những người khác tôn giáo, những người chưa biết Chúa, chúng ta hãy đối xử tôn trọng và yêu thương họ như Chúa yêu thương.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam