Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 27

Tổng truy cập: 1364113

LỬA

Lửa

Ta đem lửa xuống trần gian và chỉ mong cho lửa ấy bừng cháy lên.

Nhìn vào một ngọn lửa, chúng ta ghi nhận được những gì? Có thể là chúng ta đã ghi nhận được nhiều thứ lắm, nhưng tôi chỉ xin giữ lại nơi đây hai điểm đó là ánh sáng và sức nóng.

Ánh sáng được dùng để làm gì, nếu không phải là soi chiếu mà phá tan tăm tối. Sức nóng được dùng để làm gì, nếu không phải là để sưởi ấm những người lạnh giá và đốt cháy những gì nhơ nhớp.

Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.

Tuy nhiên Ngài cũng đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp tay với Ngài để cho sứ mạng của Ngài được chóng hoàn tất. Chính vì thế mỗi người chúng ta cũng phải là một ngọn lửa truyền nóng và chiếu sáng cho những người chung quanh bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.

Thực vậy, đời sống của chúng ta phải nóng bằng cách có sự thánh thiện, có ơn Chúa ở trong mình, đồng thời đời sống chúng ta cũng phải sáng bằng những gương mẫu gây ảnh hưởng tốt cho người chung quanh. Chúng ta đừng bao giờ để cho ngọn lửa ấy phụt tắt trong tâm hồn và trong cuộc đời. Đó là điều Chúa Giêsu luôn mong mỏi nơi mỗi người. Chúng ta có thể gọi thánh Phaolô, thánh Phanxicô là những tâm hồn lửa. Tại sao thế? Vì các ngài đã thực sự có Chúa trong tâm hồn và hăng say đem Chúa đến cho những người chung quanh.

Để kết luận, tôi xin kể lại câu chuyện của một tâm hồn đầy lửa, đó là Ozanam, vị sáng lập hội Bác ái Vinhsơn, mới 17 tuổi mà đã trở thành một tông đồ nhiệt thành bênh vực cho Chúa.

Vào năm 1843, thành phố Paris bị xáo trộn bởi những cuộc cách mạng. Đạo Công giáo bị đe doạ, các cơ sở bị cướp phá. Năm ấy Ozanam đang học luật. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc làm để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc Âm và rước lễ. Cậu được thụ huấn với một giáo sư nổi tiếng đó là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu mạnh mẽ bênh vực Giáo Hội. Cùng với Ozanam, các sinh viên trước kia rụt rè lo sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các giáo sư cũng phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm sống lại một bầu khí đạo đức. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác lập hội Bác ái Vinh sơn để giúp đỡ những người nghèo túng. Năm 18 tuổi, cậu đã thề hứa: Nhất quyết hy sinh đến hiến mạng sống mình vì dân nghèo. Ozanam đã trở nên một ngọn lửa của Đức Kitô. Giáo Hội hôm nay cũng cần nhiều tâm hồn tông đồ hăng say như Ozanam.

Hãy trở nên một ngọn lửa sưởi ấm bằng đời sống thánh thiện và đạo đức. Hãy trở nên một ngọn lửa chiếu sáng bằng những hành động bác ái và yêu thương.

 

7.Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?

Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.

Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.

Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.

Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.

Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.

Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?

2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?

3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?

 

8.''Phải chi lửa ấy đã bùng lên!''

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Báo Tuổi Trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau:

“... Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của Trường Đại Học Y Dược rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có 3 điều ước mong: hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của Câu lạc bộ Bừng Sáng. Chị hai của Đức Minh cho biết: “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý...”

Mong ước của anh Minh giúp chúng ta phần nào nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “Thầy ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!” Chính Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và huỷ diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.

Ngọn lửa ấy, có lẽ rất cần chạm đến cuộc đời chúng ta. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những bóng tối của đọa đầy, của bất công. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những người đang thất vọng chán chường. Phải chi ngọn lửa của Đức Kitô luôn được thắp sáng nhờ những người môn đệ của Chúa. Những con người luôn làm cho ngọn lửa ấy mãi bừng cháy lên trong thế giới quanh ta.

Vâng, sự trăn trở và ước mong cho ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa muốn nơi chúng ta: “Phải chi lửa ấy đã bừng lên!” Chúa vẫn mời gọi chúng ta thực hiện niềm ước mong mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất.

Nhưng, để có thể gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng, là phải chấp nhận bị khước từ và đe doạ. Chính Chúa khi còn tại thế đã linh cảm những gì xảy ra cho đời mình. Chúa sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau của cô đơn phản bội.

Hôm nay, Chúa lại mời gọi chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối:

Bóng tối của bất công, sa đoạ và tuyệt vọng.

Bóng tối của hận thù, cục bộ và chia rẽ.

Bóng tối của nghèo nàn và lạc hậu.

Bóng tối ở ngay trong lòng mình.

Đôi khi bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa của chúng ta lại qúa yếu ớt, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Nhưng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau gian khó hy sinh là những ngày gặt hái tươi vui. Như Chúa khi bị treo trên thập tự giá. Khi bị giam trong mồ. Bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Chúa, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm thắp sáng ngọn lửa yêu thương giữa đêm đen của ích kỷ hận thù hôm nay. Xin cho ánh lửa tình yêu của chúng ta mãi lan toả đến tận cùng trái đất. Amen.

 

9.Giữ lửa yêu thương

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một bài hát thật phũ phàng về tình yêu mà sao vẫn được nhiều người hát: “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc”. Phải chăng con người ngày nay hay thay đổi và muốn thay đổi? Phải chăng con người ngày nay không còn khả năng giữ ngọn lửa tình yêu để rồi nó vội cháy, vội tàn? Và có thật với lòng mình tình yêu đến và đi không hề nuối tiếc?

Thực ra tình yêu khởi phát từ con tim, tình yêu sẽ xoáy vào tim qua thời gian thì làm sao khi mất nó lại không làm ta đau lòng? Yêu và mất chắc chắn sẽ là nỗi quặn đau trong trái tim con người. Điều quan trọng là hãy biết giữ lửu yêu thương. Hãy biết chăm chút cho tình yêu từng ngày qua từng nghĩa tử quan tâm, chăm sóc vỗ về lẫn nhau. Nhưng đáng tiếc, người ta thích nhóm lửa tình yêu mà lại không đủ kiên nhẫn để gìn giữ nên dễ tàn lụi theo thời gian.

Người ta nói rằng, nhìn một đôi trả tiền trong quán ăn, có thể biết quan hệ của họ. Nếu người đàn ông trả tiền, thì họ là tình nhân. Còn ngược lại, khi đàn bà trả tiền - đó là vợ chồng. Khi còn yêu nhau, họ quấn quýt hết giờ hết buổi, mà vẫn thấy thời gian trôi nhanh như chớp mắt. Cưới nhau, thời gian là vô tận, nhưng có những ngày chẳng ai nói với nhau câu nào, thậm chí cả câu chào cũng không!

Nguyên nhân chình là ngọn lửa tình thiếu chăm sóc nên cũng nguội dần theo thời gian. Ngọn lửa ấy phải được thắp sáng mãi mới có thể mang lại mái ấm gia đình ngập tràn hạnh phúc hân hoan. Nếu tình yêu không được hun nóng từng ngày thì gia đình sẽ lạnh vắng cô đơn.

Chúa Giêsu khi vào trần gian Ngài cũng ném ngọn lửa yêu thương vào cuộc đời. Ngọn lửa ấy Ngài đã thắp lên trên cây thập tự là biểu tượng cho mọi tình yêu bất diệt trên thế gian. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng. Lửa dẫn lối cho những ai đang lạc lối và hun nóng cho những mảnh đời lạnh giá của cô đơn, thất vọng.

Ngọn lửa yêu thương của Chúa ném vào thế gian vẫn mong được bừng cháy trong thế giới hôm nay. Lửa yêu thương cần phải luôn thắp sáng trong mỗi gia đình. Ngọn lửa ấy cần được lan tỏa trong mọi môi trường của cuộc sống. Vì nếu con người cần cơm bánh để sống còn, thì họ cũng cần tình thương để tồn tại. Nếu con người cần áo quần để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm. Nếu lòng hai môn đệ Em mau đã bừng cháy lên khi nghe Lời Chúa, thì nhân loại hôm nay cũng cần nghe lời yêu thương cảm thông để thoát khỏi những u sầu, tuyệt vọng trong cuộc sống.

Thế nên, người ky-tô hữu cần phải giữ ngọn lửa yêu thương trong trái tim mình. Đừng để sự ích kỷ, dối gian dập tắt ngọn lửa yêu thương trong tim mình. Hãy thắp sáng ngọn lửa yêu thương trong lòng mình. Đừng dập tắt ngọn lửa ấy bằng đam mê lười biếng, bằng ích kỷ tham lam. Đừng dập tắt hy vọng, niềm tin nơi tha nhân khi chúng ta đối xử thiếu tình yêu.

Ước mong nơi các gia đình hãy theo lời Chúa mà giữ mãi ngọn lửa yêu thương. Ước mong các gia đình hãy để cho ngọn lửa tình yêu Chúa chiếm hữu để nhờ đó gìn giữ gia đình luôn rộn ràng niềm vui và hân hoan. Amen.

 

10.Hoàng tử bình an đến mang sự chia rẽ

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay xem ra thật nghịch lý: "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, nàng dâu chống đối mẹ chồng" (Lc 12, 51-53).

Vậy chúng ta nghĩ sao đây khi Đức Giêsu được Isaia loan báo là Thái Tử Hòa Bình, và ngày sinh nhật của Người được các thiên thiên chào đón với những lời ca tiếng hát: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Lc 2, 14). Khi đi rao giảng, Người đã từng công bố: "Phúc cho những ai xây dựng hoà bình" (Mt 5, 9). Chính Đức Giêsu, khi bị bắt, đã truyền cho Phêrô "Hãy xỏ gươm vào bao!" (Mt 26, 52). Nay lại tuyên bố: "Thầy đến để đem sự chia rẽ" (Lc 12, 51). Chúng ta lý giải sao cho sự mâu thuẫn này?

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt xem đâu là sự bình an và hiệp nhất mà Đức Giêsu mang đến, và đâu là sự bình an và sự hiệp nhất Người muốn tẩy chay. Người đến ban bình an và hiệp nhất cho người lành, bình an dẫn tới sự sống đời đời, và Người tẩy chay sự bình an và hiệp nhất giả tạo, chỉ ru ngủ lương tâm và dẫn tới sự đồi bại.

Không phải Đức Giêsu có ý đến để đem sự chia rẽ và chiến tranh, nhưng điều Người mang đến, không thể tránh được sự chia rẽ và sự chống đối bởi vì Người đặt dân chúng trước một sự lựa chọn. Và khi đối mặt với sự cần thiết phải lựa chọn, chúng ta biết rằng sự tự do con người sẽ phản ứng nhiều cách khác nhau. Lời và con người Đức Giêsu sẽ phát hiện những điều gì giấu kín nhất trong chốn sâu thẳm lòng người. Cụ già Simeon đã tiên báo điều này, khi bồng Hài Nhi Giêsu trên tay mình và nói: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Isrel phải sụp đổ. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư của nhiều tâm hồn được biểu lộ" (Lc 2,35).

Phải chăng "lưỡi gươm" mà Đức Giêsu đã mang xuống trái đất, chính Người là nạn nhân đầu tiên cho sự chống đối này? Đúng thế, Chính Đức Giêsu sẽ là nạn nhân thứ nhất, Người sẽ thí mạng sống Người vì nó. Tiếp theo, người trực tiếp hơn hết dính líu trong thảm cảnh này là Đức Maria Mẹ Người, như cụ già Simeon đã nói về Mẹ: "Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2,35).

Chính Đức Giêsu cũng đã phân biệt hai kiểu bình an khi nói với các môn đệ mình rằng: "Thầy để lại bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con; Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các các con đừng xao xuyến" (Ga 14, 27). Sau khi phá hủy sự bình an và tình liên đới giả tạo của loài người trong sự dữ và sự tội nhờ sự chết của Người, Đức Giêsu đã hoàn tất sự bình an và hiệp nhất mới là hoa quả của Chúa Thánh Thần. Đó là sự bình an Người cống hiến cho các môn đệ trong đêm Phục Sinh, khí nói "Bình an cho anh em!"

Đức Giêsu nói rằng sự "chia rẽ' này cũng có thể xảy ra trong gia đình: giữa cha và con trai, mẹ và con gái, anh em và chị em, nàng dâu và mẹ chồng. Và vô phúc thay, chúng ta biết điều này thỉnh thoảng gây đau đớn thật sự. Người nào đã gặp được Chúa và muốn nghiêm chỉnh theo Chúa, thường thấy mình ở trong tình huống khó khăn phải lựa chọn: Hoặc làm cho những người tại nhà được hạnh phúc và lơ là Thiên Chúa và việc thực hành đạo đức, hoặc là theo những cái sau và đặt mình xung đột với những người của mình, những kẻ mang lại rắc rối cho mình vì mọi sự nhỏ mọn mình làm cho Thiên Chúa và vì lòng sốt sắng.

Nhưng sự chống đối thâm nhập còn sâu hơn, trong chính con người, và trở thành một trận chiến giữa xác thịt và tinh thần, giữa tiếng mời gọi đi tới ích kỷ và sự hưởng thụ quá đáng, và tiếng gọi lương tâm. Sự chia rẽ và xung đột bắt đầu bên trong chúng ta. Thánh Phaolô đã minh họa điều này cách rất kỳ lạ: "Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt; đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn" (Gal 5,17).

Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy: " Bản chất của hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động...Do đó, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. Vì ý chí của con người yếu đuối và bị tội lỗi làm tổn thương, do đó muốn có hòa bình mỗi người phải luôn luôn kiềm chế dục vọng của mình và chính quyền phải canh phòng cẩn thận.

Phát sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả của hòa bình Chúa Kitô, hòa bình do Ðức Chúa Cha mà đến. Vì chính Chúa Con Nhập Thể là thái tử hòa bình đã dùng thập giá Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa; Người đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể. Người đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người, và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người.

Nhờ kết hiệp trong bác ái, con người thắng vượt tội lỗi và cũng thắng vượt bạo động cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: "Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu" (Is 2,4). (Trích Hiến chế "Gaudium et spes", số 78).

Xin cho thế giới được hưởng nền hòa bình do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Nữ Vương Bình An cầu cho chúng con. Amen.

 

11.Lửa Tin Mừng Chúa Kitô

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Chúa Giêsu hôm nay nói với các môn đệ và chúng ta về sứ mạng của Ngài là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!”. Lửa ấy là gì? Theo các nhà chú giải Thánh kinh, lửa ấy chính là: Tin Mừng, là Chúa Kitô, là Chân lý và là Thần Khí. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chúa Kitô và Tin Mừng tình yêu cứu độ của Ngài đồng thời Tin Mừng của Chúa cháy lan ra khắp mọi người qua việc sống kết hiệp với Chúa và Tin Mừng của Ngài trong đời sống của chúng ta.

Khởi đầu sứ vụ, trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng về lửa được Ngài ném vào thế gian. Đó là lửa của những mối phúc và ai sống các mối phúc thì họ sẽ được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp (Mt 5,3-12). Qủa thế, trước khi Chúa ném lửa là Tin Mừng và chính thân mình Ngài vào trần gian, Chúa Giêsu đã làm cháy ngọn lửa ấy rõ ràng nơi toàn bộ cuộc sống của Ngài. Chẳng hạn, Ngài đã yêu thương, đồng hành, sẻ chia, nâng đỡ, an ủi, giúp đỡ, hy sinh, tha thứ đối với các tội nhân, với những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ…. Rồi, khi Chúa Giê-su thấy nhiều người đi theo Ngài đang bị mệt mỏi và kiệt sức, bị bỏ rơi và như đoàn chiên không có chủ chăn, Ngài đã chạnh lòng thương họ với nỗi cảm thông sâu xa trong con tim của Ngài và Ngài đã chăm sóc họ bằng cách hóa bánh và cá ra nhiều để cho họ ăn. Rồi khi Ngài gặp bà góa thành Na-im, người đang tiễn đứa con duy nhất của mình tới mộ, Ngài đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ với sự đau đớn khôn cùng này của một người mẹ đang than khóc đứa con của mình, đến độ Ngài đã làm cho người con ấy được sống lại và trao người con này lại cho bà (xc. Lc 7,15). Tiếp nữa, Ngài đã trừ quỷ cho những người bị quỷ ám. Và cuối cùng, Chúa Giêsu đã chịu nạn, chịu chết, phục sinh để cứu độ mọi người sống thánh thiện và khỏi chết muôn đời.

Tin Mừng tình yêu cứu độ của Chúa được thể hiện trên cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau thương, đó chính là phép rửa mà Chúa Giêsu phải chịu, để ném lửa yêu thương vào trần gian để rồi Chúa Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử thần tội lỗi bằng ánh sáng Phục sinh thánh thiện và sai các môn đệ đi loan báo ánh lửa phục sinh, lửa Tin Mừng cứu độ vào trần gian và làm cho Lửa ấy bừng cháy lên nơi chính mỗi người và mọi người nơi trần gian này. Cụ thể, trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa Tội, sau khi đổ nước Rửa Tội, Linh mục trao chúng ta cây nến được thắp lên từ ngọn lửa của cây nến Phục sinh và nói: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô. Con hãy luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin, để khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”. Như vậy, sau khi Rửa tội, Chúa đã ném lửa vào cuộc đời và tâm hồn chúng ta, chúng ta phải giữ lửa Chúa Kitô phục sinh cháy mãi cho đến khi Chúa đến, đừng để nói tắt lịm kẻo lúc ấy chúng ta sống trong bóng tối tội lỗi thì khốn khổ biết bao. Cho nên, Lời Chúa trong Thư Do thái hôm nay nói rằng: “Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”.

Vì thế, Chúa Giêsu hôm nay những ước mong Lửa của Giêsu bùng lên trên thế gian, có nghĩa rằng Ngài mời gọi chúng ta hãy xua tan bóng tối của bất công, hận thù, tội lỗi bằng lửa tình yêu, thánh thiện, bao dung và công bằng. Vâng, Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, trong ngày lễ Hiện Xuống, trong ngày chịu Phép Thêm Sức, Ngài ban lửa Thánh Thần làm các tông đồ xưa và chúng ta hôm nay can đảm đáp trả tiếng Chúa mời gọi, sẵn sàng sống chết Chúa Kitô và Lửa Tin Mừng cứu độ của Ngài.

Trong hành trình sống đức tin, chúng ta gặp không thiếu những gai góc và gian nan vất vả, những tội lỗi nhưng với ngọn lửa Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô đã ném vào đời người Kitô hữu, chúng ta hôm nay hãy mạnh dạn tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, nỗ lực làm bừng cháy lên ngọn lửa ấy bằng đức tin, đức cậy và đức mến nồng nàng của ta đối với Chúa đồng thời sống thánh và thiện mỗi ngày để Lửa Tin Mừng Chúa Kitô bùng cháy lên nơi mỗi người, gia đình và giáo xứ chúng ta bằng các công việc từ bi bác ái, hy sinh đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn và thử thách.

Giờ đây tôi xin mời cộng đoàn cùng đứng lên hát bài Thánh Ca: Hãy thắp sáng lên như một lời cầu nguyện và xin quyết tâm với Chúa Giêsu rằng:

1. Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên. Thắp sáng lên con tim nồng nàn. Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương. Cuộc đời bao tăm tối quanh tôi. Ta cần đến ánh sáng chiếu soi. Này bạn hỡi xin chớ lãng quên. Ánh nến trái tim cho đời đẹp thêm.

ĐK: Hãy thắp lên đời ta. Hãy thắp cho trần gian. Thắp sáng lên tình yêu, sáng lên niềm tin, niềm tin GIÊSU. Hãy thắp lên đời ta. Hãy thắp cho trần gian. Đốt cháy tan niềm đau, xoá bóng đêm từ lâu vây kín quanh đời.

2. Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên. Thắp sáng lên tươi vui đầy tràn. Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên, ngọn lửa hân hoan. Đời hạnh phúc khi sống trao ban. Đem tình CHÚA toả sáng thế gian. Này bạn hỡi xin chớ hững hờ, xin chớ ơ hờ CHÚA đang đợi chờ.

 

12.Bình An, Niềm Vui, Ơn Cứu Độ – An Phong.

Tin mừng chúa nhật 20 thường niên C thuật lại những lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong hoàn cảnh bị bách hại. Những lời này gợi lên một viễn cảnh bi thảm cho sứ vụ của Người trên trần gian: đó là cuộc Thương khó trong tương lai, những đấu tranh làm phân rẽ con người với nhau.

Khi vào trần gian, Đức Giêsu đã đưa lửa vào, và Người ước mong lửa đó bùng lên. Theo Kinh thánh, Lửa là biểu tượng hình phạt của Thiên Chúa, nhất là vào lúc tận cùng thời gian. Lửa còn là biểu tượng cho sự thanh tẩy và làm đổi mới. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cuộc thanh tẩy tâm linh nhờ Chúa Thánh Thần.

Đức Giêsu cũng nói đến phép Rửa mà Người sẽ phải chịu. Đây là biểu tượng của việc dìm vào đau khổ - cuộc Thương khó. Người sẽ phải "cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình" (Dt 12,4).

"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao?... Không phải thế đâu, nhưng đúng hơn là để gây chia rẽ". "Sự chia rẽ là đối cực của sự bình an. Nhưng đây là sự chia rẽ vì Chúa, một sự chia rẽ đi vào qui luật của thập giá: Khi mất đi là khi tìm thấy, khi chết đi là khi được sống muôn đời. Hơn nữa, Đức Giêsu đã hứa: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Bởi thế Đức Giêsu không đến trần gian để gieo sự bất hòa, nhưng là đem đến sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng nghĩa với sự bình an. Sự bình an Đức Giêsu mang đến là sự bình an phải chiến đấu trong chân lý, phải được xây dựng trong khó nhọc, trước hết ở trong chính bản thân ta rồi lan tỏa chung quanh ta: đó là dám chấp nhận những mệt nhọc, đói khát, thua lỗ, nhường nhịn vì những điều lành, biết tách mình ra khỏi những đố kị và muôn vàn những cái vừa vụn vặt vừa tầm thường của cuộc sống. Lương thực của sự bình an luôn là một thách thức" (Văn Hòe).

Trong lịch sử nhân loại, Đức Giêsu Kitô quả thực là một nghịch lý. Người đã nên dấu chỉ cho người ta chống đối. Người đã đóng ấn chứng từ của mình bằng việc tự nguyện hy sinh bản thân trên thập giá. Cuộc sống và cái chết của Người đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống.

Trong một thế giới thiếu vắng hơi ấm tình người, thiếu vắng một niềm hy vọng đích thực và tình yêu, Đức Giêsu đã mang đến lửa tình yêu của Người. Ngọn lửa đó sưởi ấm cõi lòng con người, thắp sáng niềm hy vọng. Đó là ngọn lửa Tình Yêu Cứu Độ, nơi đó tất cả chúng ta được thanh tẩy.

Người kitô hữu là người được "vầng đông từ chốn cao vời tỏa xuống hào quang sáng chói, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an" (Lc 1,78-79). Thiên Chúa chiếu soi chúng ta, để chúng ta được bình an. Khi cuộc sống có những lo âu, buồn chán, tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với ơn Chúa; "ơn Chúa sẽ lôi cuốn bạn, cho tới khi bạn tìm lại được nguồn vui" (thánh Bênađô). Người kitô hữu đích thực là người sống trong niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Chúa. Người kitô hữu đích thực thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần trong lòng mình và nơi người khác.

Phải chăng chúng ta đang sống trong bình an, niềm vui và ơn cứu độ của Thiên Chúa?

Phải chăng chúng ta đang thắp lên ngọn lửa tình yêu, hy vọng và cứu độ để sưởi ấm trần gian?

Lạy Chúa,

Xin đừng để chúng con thất vọng

khi đứng trước khổ đau thử thách.

Xin giúp chúng con nhận ra

giữa những tăm tối vẫn còn ánh sáng,

giữa những đau buồn chóng qua luôn có niềm vui đích thực,

và nhất là giữa những thăng trầm biến đổi

luôn có những hồng ân và sự hiện diện đầy yêu thương.

 

home Mục lục Lưu trữ