Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1355802

Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít ỏi

Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít ỏi 

“Mùa màng thì bề bộn mà thợ gặt lại ít ỏi. Hãy xin với chủ ruộng sai thêm thợ đến làm mùa” (Mt 6:37-38). 

Trải qua bao thời đại, Giáo Hội vẫn luôn trung thành với lời căn dặn của Chúa Giêsu, và không ngừng tha thiết, van nài chủ ruộng tức là Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến với cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội. Đó cũng là ý nghĩa mà hằng năm Giáo Hội vẫn dành riêng một Chúa Nhật gọi là Chúa Nhật Truyền Giáo để tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban thêm ơn gọi, và cũng để kêu mời các tín hữu nam nữ dấn thân theo tiếng gọi của Chúa Giêsu để bước vào đồng lúa các tâm hồn hầu thâu hoặch họ về cho Thiên Chúa. 

Nhưng có lẽ hơn bao giờ hết, trong thế giới hôm nay, theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thì nhu cầu truyền giáo đã trở thành một nhu cầu cấp thiết của Giáo Hội.   

Đúng vậy, sứ mạng của Giáo Hội là truyền giáo, và cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn bề bộ công việc như chính Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ: “Lúc chín thì nhiều, mà thợ gặt lại ít ỏi.” Đó cũng là lý do tại sao Ngài đã thúc dục các ông cũng như chúng ta hôm nay là “Hãy xin với chủ ruộng sai thêm thợ đến làm mùa”. 

Cảm nhận được ý nghĩa của lời mời gọi và thôi thúc ấy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 30 tháng 12 năm 1988, đã ban hành Thông Điệp Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici) để thôi thúc mọi phần tử của Giáo Hội, không phân biệt ơn gọi tu trì tận hiến hay hôn nhân gia đình phải dấn thân hơn nữa và tích cực với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. 

Thống kê cho biết, hiện nay dân số thế giới gần 6 tỷ người, nhưng những người tin nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và tin vào Thiên Chúa cũng chỉ có 1/3. Như vậy con số những người chưa nghe đến Thiên Chúa, chưa tin nhận Ngài vẫn là một con số lớn lao, và mùa gặt tâm linh này, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói là rất bề bộn. 

Để có một tầm nhìn rộng rãi và rõ ràng hơn về sứ mạng truyền giáo cũng như sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa vào với sứ mạng này, và cũng để phá vỡ thành kiến vẫn cho rằng việc truyền giáo, và chỉ có những giáo sĩ, tu sĩ nam nữ mới là những người có bổn phận với việc truyền giáo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Thông Điệp Người Tín Hữu Giáo Dân một câu rất đáng mọi người phải suy nghĩ. Ngài viết: “Khi mà cánh đồng truyền giáo còn bề bộn thì không ai được nghỉ ngơi”. Điều này hiểu rằng khi tin mừng Thiên Chúa cần được rao giảng cho mọi người, thì không ai được ỷ lại, hoặc dành quyền độc tôn truyền giáo, vì đây là ơn gọi và là sứ mạng của cả Giáo Hội. Mà Giáo Hội lại cũng chính là mỗi Kitô hữu. Thế nên, mỗi một Kitô hữu đều phải có trách nhiệm và bổn phận với đời sống truyền giáo của Giáo Hội. Tư tưỡng này Đức Gioan Phaolô II đã khai triển trong chương Nhập Đề của Thông Điệp Người Tín Hữu Giáo Dân. Vẫn theo Ngài, truyền giáo là một việc làm cấp thiết của Giáo Hội trong thế giới. Điều này có thể hiểu là nhu cầu truyền giáo là một hành động cấp thiết, hoặc cũng có thể là thời giờ không còn nữa. 

Nhưng thợ gặt kia là ai? Vẫn theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thì là mọi Kitô hữu, nhưng hiểu theo một nghĩa chặt chẽ, vẫn là thành phần tận hiến, những người được mời gọi để sống đời tận hiến và dành riêng cho việc làm vườn nho của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù là ơn nào đi nữa, thì chủ điểm vẫn là làm trọn vẹn và đầy đủ ơn gọi của mình. Có lẽ điều này cần thiết hơn là sự cách biệt của mỗi ơn gọi. Vì theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như đã viết trong Thông Điệp Người Tín Hữu Giáo Dân, là không ai được nghỉ ngơi, được ngồi không, lười lĩnh, hay trốn tránh trách nhiệm trong khi cánh đồng truyền giáo còn đang bề bộn. 

Tóm lại, chúng ta có thể tìm được ý nghĩa của lời mời gọi của Chúa Giêsu, và sự diễn nghĩa của Đức Thánh Cha về ơn gọi và sự tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội qua gương sống của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ không hề đi đâu ngoài bốn bức tường của đan viện. Nhưng với lòng yêu mến, và sự trung thành tuân giữ các kỷ luật và hoàn tất đời tu của mình, đã trở thành quan thầy các xứ truyền giáo. Và đây cũng là ơn gọi và sứ mạng của mỗi Kitô hữu: giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân. Mỗi người phải sống với ơn gọi của mình. Sống nên, và sống đúng bằng một lòng yêu mến thiết tha, và với một ước muốn làm vinh danh Chúa, lúc đó đời sống của mỗi người chính là một bài giảng hùng hồn, và sẽ thu hút, chinh phục được các linh hồn. Đây cũng chính là một lời mời gọi dấn thân, một khích lệ tinh thần cho những ai muốn tận hiến mình cho một mục đích thu hoặch và chinh phục các tâm hồn, vì đời sống tận hiến bắt nguồn từ đời sống thánh thiện của gia đình. 

Truyền Giáo là một nhu cầu cần thiết của Giáo hội trong thế giới hiện đại. Và vẫn theo lời Đức Gioan Phaolô II, thì “trong khi cánh đồng truyền giáo còn bề bộn, thì không ai được nghỉ ngơi”.

 

KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC VÀ CHỦNG SINH 

Lạy Chúa Giêsu. Ngày xưa khi nhìn đám đông dân chúng, Chúa đã chạnh lòng thương, vì họ như đoàn chiên bơ vơ không có người chăn dắt. Ngày nay, đoàn dân Chúa cũng đang khao khát nghe lời Chúa, và lãnh nhận các bí tích; nhưng số linh mục thật ít ỏi. Xin Chúa thương cho chúng con có nhiều linh mục, và cho các linh mục của chúng con đầy tinh thần khiêm nhường và quảng đại, sẵn sàng hy sinh tất cả vì đoàn chiên của Chúa, và vì vô số những người còn chưa được biết Chúa. Xin cho các ngài ngày càng trở nên giống Chúa hơn, để nơi các ngài, chúng con được nhìn thấy chính Chúa đang ở với chúng con. 

Xin Chúa thương ban cho có nhiều thanh thiếu niên quảng đại dấn thân làm linh mục. Và xin Chúa tạo điều kiện thuận lợi, để các chủng sinh ấy sớm trở thành những linh mục thánh thiện, có lòng nhiệt thành, và nhiều khả năng để tiếp nối công cuộc của Chúa ở giữa trần gian. 

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã hứa: “Ai xin sẽ cho. Ai tìm sẽ gặp. Ai gõ cửa sẽ mở cho”, thì đây là lời cầu xin tha thiết nhất của chúng con. Xin Chúa hãy đoái thương thực hiện để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Amen. 

(Trích trong “ Thánh Thể và Chuỗi Mân Côi”, của Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange).

 

Tác giả:  Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

home Mục lục Lưu trữ