Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 18

Tổng truy cập: 1364104

LỬA TRÊN MẶT ĐẤT

.Lửa trên mặt đất

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Suy Niệm

Tin Mừng hôm nay là lời tâm sự của Đức Giêsu, Ngài khẳng định mục đích của đời mình là ném lửa trên mặt đất và Ngài mong muốn phải chi lửa ấy đã bùng lên.

Lửa Đức Giêsu mang lại là lửa nào?

Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy Sôđôma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống để thiêu hủy một ngôi làng Samari? (Lc 9,55)

Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (Mt 3,10), hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15,6)?

Lửa này có phải là lửa kinh khủng của ngày phán xét?

Trong cái nhìn của thánh Luca, lửa mà Đức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu, chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5). Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).

Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa, nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu. Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác trên thế giới.

Trái đất này càng lúc càng nóng lên. Nhưng lòng con người lại nguội lạnh như hai môn đệ Emmau. Chúng ta cần cảm thấy chút lửa ấm (Lc 24,32) của người đồng hành xa lạ, nói cho ta về Lời Chúa.

Chúng ta cần cảm thấy ngọn lửa trong tim như Giêrêmia, thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9).

Đức Giêsu đã bắt đầu nhóm lửa trên địa cầu. Đừng làm tắt đi ngọn lửa ấy, nhưng hãy để nó lan ra.

Lửa thiêu hủy những cằn cỗi. Lửa thanh lọc những ô nhơ. Lửa làm ấm lại cõi lòng băng giá. Lửa sáng soi trên bước đường kiếm tìm sự thật.

Chúng ta cần làm cho mong muốn của Đức Giêsu thành tựu.

Nhưng trước hết chúng ta phải là người mang trong tim ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu.

Đức Giêsu chia sẻ cho ta điều đang đè nặng trên Ngài. Ngài linh cảm về thử thách lớn lao Ngài sắp chịu. Đúng là Ngài đang lên đường đi gặp nó. Ngài gọi đó là Phép Rửa mà Ngài phải chịu.

Đức Giêsu can đảm đón nhận Phép Rửa đáng sợ này. Ngài thấy mình sẽ bị nhận chìm thật sâu trong đó.

Đức Giêsu tiếp tục nói điều phải nói, làm điều phải làm. Ngài dám trả giá cho sự trung tín của mình. Nỗi khổ đau và cả cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó chẳng làm Ngài chùn bước.

"Các anh có thể chịu Phép Rửa mà Thầy sẽ phải chịu không?"

Ngài đã hỏi các con ông Dêbêđê như thế (Mc 10,38), và Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế.

Chẳng có Phép Rửa nào khác ngoài Phép Rửa Ngài đã chịu. Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.

Tin Mừng Đức Kitô dành cho người hiền hòa, chứ không nhu nhược.

Chúng ta phải có cùng một mong muốn và khắc khoải như Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thế giới hôm nay đầy đau khổ do con người gây ra cho nhau chỉ vì trái tim đóng băng lạnh giá. Theo ý bạn, làm sao để làm nóng lại trái tim con người?

Sống là chấp nhận trăn trở, khắc khoải. Bạn thấy mình hay trăn trở về điều gì? Bạn có trăn trở về Hội Thánh?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa, ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.

Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày, nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.

Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.

Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng của những thất bại đắng cay trên đường đời.

Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.

Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa để chúng con đi khắp địa cầu loan báo về Tình Yêu và gieo rắc Tình Yêu khắp nơi. Amen.

 

2.Phải chi lửa ấy đã bùng lên

(Trích dẫn từ ‘Manna’ của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Suy Niệm

Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên. Đó là một điều đáng sợ. Nhưng điều đáng sợ hơn lại là sự lạnh lùng giữa người với người.

Con người cần cơm bánh và giải trí, nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.

Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp. Vậy mà băng giá của lạnh đạm dửng dưng vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất. Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.

Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên mặt đất, và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.

Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.

Chúng ta cần được ngọn lửa của Đức Giêsu chạm đến, cần được Ngài làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta, để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.

"Phải chi lửa ấy đã bùng lên!"

Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong mà Đức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.

Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng là chấp nhận bị từ khước và đe dọa. Đức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình. Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.

Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.

Khi Đức Giêsu bị treo trên thập tự, khi Ngài bị giam trong mồ tối, bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài. Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.

Đó là niềm hy vọng của chúng ta, những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ, bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng, bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ, bóng tối của nghèo nàn lạc hậu... Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình. Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.

Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc, mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.

Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thế giới hôm nay vẫn còn nhiều bóng tối. Theo ý bạn, đâu là những bóng tối đáng được chúng ta quan tâm hơn (những bóng tối nơi gia đình, ngoài xã hội và trong Giáo Hội)?

Bạn có kinh nghiệm gì khi phải đương đầu với bóng tối của sự dữ, ở ngoài bạn và ở trong bạn? Có khi nào bạn thắng được bóng tối không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

Xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được

Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

 

3.Đức Kitô là lửa tình yêu – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Ngày khai mạc Olympic năm 1988 ở Đại Hàn đã trình diễn rất nhiều màn ngoạn mục đầy ấn tượng. Một trong những màn đó là rước lửa thiêng Olympic từ Hy Lạp tới và một lực sĩ đã dùng cung tên bắn ngọn lửa từ dưới đất bay lên vút trời nhào xuống ngọn đuốc cao bùng cháy sáng rực, soi sáng cho các cuộc tranh tài thể thao suốt ba tuần lễ.

“Đức Giêsu đã đến ném lửa vào trái đất” cho trái đất bùng cháy lên soi sáng cho chúng ta biết thi đua nhau trình diễn những màn ngoạn mục tuyệt đẹp về cuộc đời của mình. Người mong muốn lửa tình yêu của Người được bùng lên trong đời sống chúng ta, đến nỗi Người nói: “Thầy sẽ phải chịu một phép rửa và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất”.

Giêrêmia đã phải chịu phép rửa ấy dưới hố giếng sâu đầy bùn sình ghê tởm, đầy những hạng độc ác, đầy bọn hiếu chiến chỉ lo liên kết với Ai Cập chống Babilon. Họ không nghe lời can gián của Giêrêmia, họ muốn xử tử ông và đẩy dân tộc đến chỗ diệt vong bởi tay ngoại bang Babilon. Còn Giêrêmia và những ai trông cậy Chúa sớm muộn gì cũng được Chúa cứu thoát.

Đức Giêsu cũng mong muốn chịu một phép rửa kinh khủng gấp bội Giêrêmia. Phép rửa Đức Giêsu chịu bắt đầu ngay từ ngày sinh ra trong hang bò lừa tối tăm buốt giá. Đó là hình ảnh hố giếng sâu trần gian đen tối đầy bùn nhơ, đã được người đem ánh sáng vinh danh Thiên Chúa đến chiếu soi cho trái đất rực rỡ vinh quang.

Thứ đến, Đức Giêsu đã đến sông Gioc-đan chịu phép rửa của Thánh Thần, nơi bao nhiêu tội nhân đang mong chờ Người đem lửa Thánh Thần đến thanh tẩy họ.

Tột đỉnh của phép rửa Người chịu là phép rửa bằng máu chảy ra từ trái tim của Người khi bị treo trên thập giá để tẩy xóa tội lỗi trần gian, thay cho máu chiên bò hy tế đầy hôi tanh.

Nếu người ta lấy máu ngón tay viết huyết thư để tỏ nỗi tâm huyết của mình, thì Đức Giêsu chẳng những lấy hết máu trong trái tim, mà còn lấy cả mạng sống mình, viết lên bức thư tâm huyết bày tỏ cho muôn dân thấy tình yêu Thiên Chúa thương yêu họ biết chừng nào!

Tình yêu Thiên Chúa đã bốc lửa cháy lên trong bụi gai giữa đồng hoang, cho Môsê thấy lòng Thiên Chúa thương yêu dân Israel đang bị nô lệ Ai Cập, và truyền cho Môsê đến gặp vua Pharaon phải cho dân về quê hương Đất Hứa.

Tình yêu Thiên Chúa đã cháy lên thành ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho dân đi trong đêm tối giữa rừng núi hoang vu.

Tình yêu Thiên Chúa tỏa sáng khắp núi Sinai để ban mười giới luật cho dân sống trong ánh sáng thánh thiện của Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa rực rỡ như than hồng đốt tất cả mọi bợn nhơ bám vào miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, để ông rao giảng Tin Mừng về Đấng Cứu thế. Chính lửa trời này đã xuống thiêu đốt của lễ của Êlia, làm cho dân nhận biết chỉ có Thiên Chúa của Êlia là Thiên Chúa thật để họ bỏ tà thần Baal, trở về thờ phượng Thiên Chúa. Lửa đó đã hóa ra chiếc xe hỏa chở Êlia lên trời.

Lửa bởi trời đó nay được chính Đức Giêsu đích thân ném xuống thế gian cho đến ngày tận thế, cho đến ngày hoàn tất công cuộc cứu độ muôn dân. Chính lửa đó làm cho muôn dân được sáng lên trong ánh sáng phục sinh.

Chính lửa ấy Đức Giêsu và Thần linh của Người đã đốt lên trong lòng các thánh tông đồ trở nên những lực sĩ vô địch chạy đua bao quanh khắp thế giới để cho lửa tình yêu của Thiên Chúa bùng lên khắp mặt đất.

Bây giờ đến lượt chúng ta, chúng ta đã được chịu phép rửa trong máu Trái tim Chúa, đã được đốt lên trong lửa Chúa Thánh Thần thêm sức, chúng ta phải cháy lên, nóng lên, phải cố gắng hằng ngày đi nung nấu mình trong ánh sáng của Phúc âm, rèn luyện mình trong lò lửa cầu nguyện, để trở thành đuốc thiêng soi sáng vận động trường thế giới sáng lên, nếu không, ta sẽ bị vất bỏ ra ngoài như đồ bị mửa ra vì “nóng không nóng hẳn, dở dở hâm hâm sẽ bị mửa ra”.

Tất cả các môn đệ chân chính của Đức Kitô, đều phải trở nên chứng nhân như cột lửa sáng dẫn lối chỉ đàng cho muôn dân thoát cảnh tăm tối. Tất cả mọi Kitô hữu đích danh phải kiên cường như những lực sĩ, phải chạy đua tận lực, phải xiết ga để đoạt cúp, phải kiên trì tập luyện trừ khử mọi trở lực tính mê tội lỗi. Phải “mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chịu ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Bài II). Vậy tất cả anh em là đèn sáng thế gian, đặt trên giá đèn, sưởi ấm cho gia đình, đốt nóng xóm làng, soi sáng khắp phố phường cho mọi người nhận biết Chúa, nhận được lửa tình yêu cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thao thức, khắc khoải đón nhận lửa tình yêu của Đức Kitô để trở nên những lực sĩ, những vận động viên chạy đi khắp nơi thắp sáng các gia đình trong xứ đạo, trong làng nước và cả thế giới này.

 

4.Lửa

Thầy đem lửa xuống trần gian.

Sách có chữ: Đạo bất viễn nhân. Đạo không bao giờ xa người, vì thế ngày nào có người thì ngày ấy phải có đạo, bằng không thì người chẳng còn là người nữa. Tuy nhiên theo thời gian, đạo chia làm hai giai đoạn, đó là đạo cũ và đạo mới. Đạo cũ cũng gọi là đạo lề luật có từ khởi thuỷ cho đến Chúa Giêsu sinh ra. Còn đạo mới được gọi là đạo tình thương xuất hiện kể từ Chúa Giêsu cho đến ngày tận thế. Đạo cũ dựa trên lề luật cho nên nó nặng nề. Các ngươi đã nghe người xưa dạy rằng: Mắt đền mắt, răng thế răng. Đồng thời nó cũng thẳng thắn và phân minh: Tội phạm ở đâu thì hình phạt ở đó. Đời ông Noe vì phạm tội cho nên loài người đã bị trừng phạt bằng trận đại hồng thuỷ. Đời ông Abraham vì tội lỗi mà hai thành Sođoma và Gômôra đã bị thiêu huỷ. Đời ông Maisen, vì tội thờ bò vàng ma dân Do Thái đã nhiều phen bị khốn đốn.

Thế nhưng, khi Chúa Giêsu giáng trần, Ngài ban hành đạo mới tức là đạo tình thương. Đạo tình thương không giẫm chân lên đạo lề luật, nhưng bổ túc và tăng cường làm cho đạo lề luật trở nên hoàn hảo hơn. Đạo lề luật đặt nền móng trên hình phạt trong khi đạo tình thương xây dựng trên sự tha thứ: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy tha thứ cho nhau mãi mãi. Chính vì thế Chúa Giêsu có lý khi quả quyết: Gánh Ta thì nhẹ nhàng và ách Ta thì êm ái.

Sáng lập ra đạo tình thương mà thôi chưa đủ, Chúa Giêsu còn biểu lộ tình thương ấy cho mọi người nhận biết. Để đạt mục đích ấy, Chúa Giêsu đã dùng việc làm và lời nói như sách Tông đồ Công vụ đã bảo: Chúa Giêsu làm trước và nói sau. Vậy thì Ngài đã làm gì? Tôi xin thưa: Ngài đã xuống thế để ở cùng chúng ta để yêu thương chúng ta và để chết vì chúng ta như lời Ngài đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Suốt cuộc đời đã không ngừng yêu thương từ người lành như các môn đệ đến những kẻ tội lỗi như bọn thu thuế và đĩ điếm, từ người đau yếu đến kẻ đã chết, từ người quê mùa đến kẻ thông biết, Ngài đã thực hiện đúng như thánh Phaolô đã diễn tả: Ta đã trở nên tôi tớ mọi người để sinh ích cho mọi người. Đức Kitô nhận Ngài là Thiên Chúa, đã hạ mình xuống trở thành con người để nhờ đó con người trở thành Thiên Chúa. Ngoài việc làm, Chúa còn dùng lời nói, vậy Chúa đã nói những gì? Ngài bảo kẻ không yêu thì ở trong sự chết. Ngài còn nói gì nữa? Ngài bảo kẻ nào yêu Ta thì Cha Ta sẽ yêu lại nó và chúng ta sẽ đến cư ngụ tại nhà nó. Rồi Ngài lại còn nói gì nữa? Ngài bảo những kẻ đã được Cha Ta trao phó cho Ta thì Ta không để một ai bị hư mất. Ngài chính là người cha mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về. Vậy chúng ta phải làm gì? Thánh Augustinô trả lời: Tình yêu kêu gọi tình yêu. Chúa đã yêu thương chúng ta cho nên chúng ta cũng phải lấy tình thương mà đáp trả. Yêu Chúa là đi một đường với Chúa: Kẻ không đi với Ta là kẻ phản bội Ta. Mà con đường của Chúa gồm trong hai điểm: mến Chúa và yêu người: Hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và mong cho lửa ấy bừng cháy. Vậy trước hết xin cho lửa ấy bừng cháy trong con tim trong cõi lòng của chúng ta, để nhờ đó sẽ bừng cháy trong xã hội chúng ta đang sống.

 

5.Gây chia r

Đức Kitô đến để ban bình an hay để chia rẽ? Cứ nhìn vào cục diện của Giáo Hội, vào bộ mặt của thế giới ngày nay, thì khách quan mà nói: Đức Kitô đúng là đã gây chia rẽ. Ngài chia rẽ những kẻ tin và không tin. Rồi ngay giữa những kẻ tin thì cũng còn có chuyện Công giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo. Rồi giữa người công giáo với nhau, hiện nay cũng có phe nọ phe kia, và phe nào thì cũng lấy Chúa ra để biện minh cho lập trường của mình. Người ta đã chẳng chia rẽ nhau vì Chúa đó ư? Quả thật đúng như lời ông già Simêon đã nói: Trẻ nhỏ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã.

Thực ra vấn đề không phải là Đức Kitô đã gây chia rẽ bằng cách xúi giục người ta ghen ghét hận thù nhau, hay là khích bên này chống lại bên kia. Chúa đến thực sự để đem lại sự bình an, để xây dựng một thế giới có công lý và tình thương, nền tảng của hoà bình. Nhưng hoà bình đó, đúng như Ngài đã nói, không phải là loại hoà bình kiểu thế gian, nghĩa là hoà bình của một sự thoả hiệp vì hèn nhát hay vì áp lực. Bình an của Ngài là bình an nhờ giá máu thập giá, nghĩa là bình an được xây dựng trên công lý, một công lý mà người ta phải đấu tranh, phải hy sinh, phải liều mạng mới có thể đạt được.

Hoà bình phải là thành quả của công lý, nhưng có được công lý, hay nói đúng hơn thực hiện được công lý, không phải là chuyện dễ. Người ta có thể dễ dàng kết bầu kết bạn với nhau để ăn nhậu, để chơi bời, nhưng tìm người hợp tác làm ăn thì không phải bao giờ cũng dễ. Ăn cho đều, kêu cho sòng, là nguyên tắc không phải bao giờ cũng thực hiện được, bởi vì khi làm thì ai cũng muốn phần ít, nhưng khi hưởng lợi thì lại muốn phần nhiều. Như thế, ngồi nhà mát, mà được ăn bát vàng, phải chăng đã là cái thói thường của người đời.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã lên án thứ công lý ăn gian ấy, Ngài đấu tranh cho người nghèo, đem công lý đến cho những kẻ tội lỗi, bởi vì họ mới chính là những người đáng thương. Công lý của Chúa là bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Là hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhu, là kẻ khó nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chính vì lý do ấy mà Ngài đã gây chia rẽ bất đồng. Nói khác đi, những ai theo đúng đường lối của Chúa, thì sẽ không thể nào đứng chung hàng ngũ với những người chà đạp và bóc lột những kẻ nghèo túng và thấp cổ bé miệng.

Vì thế, những ai đứng về phe Chúa thì cũng phải đứng về phía những người nghèo hèn khốn khổ. Chính Ngài đã đến với họ, sống với họ, chết như họ và cho họ. Tuy nhiên liệu chúng ta có can đảm đứng về phía Ngài và cùng bước đi với Ngài hay không.

home Mục lục Lưu trữ