Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1362647
LUẬT CỦA TỰ DO VÀ TÌNH YÊU
LUẬT CỦA TỰ DO VÀ TÌNH YÊU
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Ngày nay, rất nhiều người hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói luật của tự do và tình yêu. Con người trưởng thành luôn khát vọng được tự do, được tự mình làm nên đời mình và rất giận khi có ai can thiệp vào đời sống riêng tư của mình.
Chính Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do của con người, sau khi ban tặng cho họ tự do như một ân huệ quý giá. Ngài đã không ngăn cản Ađam Evà hái trái cấm, và chấp nhận phải làm rất nhiều việc để sửa chữa tội lỗi đó chỉ vì muốn tôn trọng tự do của họ. Bài đọc I hôm nay cho ta hiểu con người hoàn toàn tự do lựa chọn điều tốt hay xấu để tạo nên "sinh tử" cho mình khi nói: "việc trung thành tuân giữ các giới răn là tuỳ ở con người".
Vậy thì luật lệ của Chúa, của dân tộc Israel mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin mừng có ngăn cản hay xúc phạm đến tự do của con người hay không? Chúng ta tuân giữ các luật lệ với tinh thần nào để phát triển trọn vẹn tự do của mình? đó là vấn đề chúng ta suy niệm tuần này.
1. Tự do là gì?
a/ Tự do là khả năng của ý chí để nhờ đó con người quyết định về chính mình, tự hành động mà không bị bên trong thúc bách hay bên ngoài ép buộc. Nói cách khác, đó là khả năng của một hữu thể có lý trí, có thể làm hay không làm, làm cách này hay cách khác.Những hữu thể đó là con người, là thiên thần và Thiên Chúa. Còn các loài vật khác không có tinh thần thì không có tự do vì bị thúc đẩy do bản năng hay do đối tượng bên ngoài. Tự do của con người là thứ tự do tương đối vì được Thiên Chúa ban tặng, khác với tự do tuyệt đối của Thiên Chúa. Tự do con người cũng còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian.
Hơn nữa, điều kiện kiên quyết để thực hiện tự do là có thể lựa chọn và biết lựa chọn theo ý muốn của mình. Thí dụ giữa bao nhiêu người bạn gái, người con trai có thể chọn một người để làm vợ và khi chọn như thế, người đó hiểu mình tại sao chọn cô này mà không lấy cô khác.
Tuy nhiên, sự lựa chọn của con người luôn mang một tính cách liều lĩnh vì con người không thể hiểu rõ đối tượng mình chọn lựa và không bao giờ có thể thấy rõ được tương lai: vì nếu biết chắc chắn người con gái kia sẽ phản bội mình hoặc sau này bị tai nạn què chân, cụt tay, thì người con trai đã chọn người khác.
b/ Khi tự do lựa chọn con người. Thiên Chúa cũng đánh liều như vậy. Ngài sáng tạo nên con người, chia sẻ tự do của mình cho con người nên ngài chấp nhận cả việc con người phản bội tình yêu của mình. Ngài đã không thu lại ân sủng tự do, Ngài cũng chẳng giơ tay ngăn cản Ađam và mọi người chúng ta phạm tội. Ngài để cho con người làm chủ vận mệnh của mình. Ngài chỉ nhắc nhở con người phải khôn ngoan khi lựa chọn bằng lương tâm ngay chính của họ. Bài sách Huấn ca nói cho chúng ta hay rằng: "Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ họ thích thứ nào thì được thứ ấy. Thiên Chúa luôn luôn nhìn thấy mọi loài và thấu suốt mọi hành động của con người " (Hc 15, 16-21).
Con người càng lắng nghe tiếng Chúa và hành động theo ý Ngài diễn tả qua các luật lệ đúng đắn, qua tiếng lương tâm trung thực thì càng thấy mình được tự do. Đó là thứ tự do đặc biệt của người tín hữu vì các giới luật và lương tâm chỉ có mục đích là làm cho con người sống gắn bó với Thiên Chúa, là Đấng tự do tuyệt đối, Nhưng khi con người chiều theo dục vọng bất chính của mình hay của người khác là con người đã đánh mất tự do cao quý của người con cái Chúa. Con người tưởng mình hoàn toàn tự do để ăn chơi, hưởng thụ hay hành động theo ý của mình , nhưng sự thực lúc đó con người lại đang làm nô lệ cho tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi và ma quỷ hơn cả, rồi từ đó làm nô lệ cho tội lỗi, chết chóc, vong thân.
Tuy nhiên, chính khi tuân giữ luật lệ của Chúa, con người lại cảm thấy mình mất tự do nếu không biết dùng lý trí để hiểu tại sao mình phải lựa chọn hành động này mà không lựa chọn hành động khác. Lúc đó người ta chỉ giữ luật vì sợ bị phạt hơn là hiểu rõ tinh thần của luật. Giống như một vài người chạy xe ngừng lại khi đèn đỏ vì sợ người cảnh sát giao thông thổi phạt, chứ không phải tôn trọng luật lệ giao thông để bảo vệ sinh mạng của mình và của người khác. Đó là kiểu giữ luật của nhiều kinh sư và biệt phái trong đạo Dothái, Họ tuân giữ tỉ mỉ 673 điều khoản trong Cựu Ước nhưng lại không hiểu tinh thần luật Chúa nằm ở lòng yêu thương chân thành đối với Chúa và tha nhân. Nên Đức Giêsu nói hôm nay: "Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu thì sẽ chẳng được vào nước Trời".
2. Tinh thần tự do của những con cái Chúa
a/ Đức Giêsu đến để đem lại cho con người sự tự do hoàn toàn của những người con Thiên Chúa. Ngài là một "người tự do vượt bậc" đối với tội lỗi đối với cái chết, đối với ma quỷ và đối với lề luật. Tự do đối với tội lỗi là vì Ngài đã yêu thương trọn vẹn, chân thành và quảng đại, trong khi tội lỗi là sự từ khước yêu thương. Đối với cái chết vì Ngài sẵn sàng đón nhận nó để rồi sống lại hiển vinh thay vì né tránh, trốn chạy nó. Ngài đã tiêu diệt tên địch thù cuối cùng là tử thần (x. 1Cr 15,26) để hứa ban sự sống vĩnh hằng cho những ai tin vào ngài. Tự do đối với ma quỷ. Vì Ngài đã chữa trị bao nhiêu người bị quỷ ám, giải phóng họ khỏi những điều áp bức, bệnh tật mà ma quỷ gây nên cho con người.Tự do đối với lề luật vì Ngài đã đi sâu vào tinh thần yêu thương của mọi lề luật để dạy chúng ta tuân giữ. Luật tôn trọng sự sống chẳng hạn: không phải chỉ giết người mới phạm luật, nhưng những thái độ hờ hững lạnh nhạt, những lời nói đay nghiến, chỉ trích cũng đều đáng lên án vì gây tác hại đến sự sống của người khác.
Do đó, ngài mới quả quyết rằng: "Ai giận anh em mình thì cũng đáng bị đưa ra toà rồi". Luật pháp "cấm ngoại tình" nhưng tinh thần của lề luật ấy là muốn bảo vệ sự thanh khiết toàn vẹn của con người. Vì vậy Ngài mới dạy: "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi". Rất nhiều khi chúng ta an tâm khi giữ đúng điều răn thứ 6 và thứ 9: không làm điều dâm dục, không muốn vợ chồng người. Nhưng chúng ta lại vẫn thích thú với sách báo, phim ảnh, câu chuyện tục tĩu, dâm ô. Chúng ta có lẽ đã quên tinh thần của các điều răn ấy.
b/ Giữ luật với tinh thần tự do và tình yêu. Do đó, để phát huy tự do của mình một cách trọn vẹn, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Đức Giêsu, hay nói đúng hơn và cụ thể hơn là ta hãy chọn Đức Giêsu và hành động theo lời dạy của Ngài. Đó là lẽ "khôn ngoan nhiệm mầu" của Thiên Chúa được thánh Phaolô nói đến trong bài đọc thứ hai ngày hôm nay.
Quả thật, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã chọn Ngài, đã thành một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Điều còn thiếu là chúng ta chưa hoàn toàn hành động theo lời dạy của Ngài: tất cả giới luật và dạy dỗ của Ngài chỉ quy về một điều duy nhất là: "Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em". Chính tình yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua nô lệ vào luật pháp để đạt tới tinh thần tự do của những con cái Thiên Chúa. Vì thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: "Ai yêu thương thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13, 8) và thánh Augutinô nhắc nhở: "Bạn hãy yêu thương đi rồi làm theo ý bạn muốn."
c/ "Mầu nhiệm của tự do". Ngày nay con người thường hiểu lầm về tự do, không phân biệt tự do tương đối với tự do tuyệt đối, nên đã lạm dụng tự do của mình. Con người đã muốn tách rời tự do ra khỏi tương quan cốt yếu và cơ bản của nó với sự thật và chuẩn mực luân lý. Do đó, đã gây nên bao tai họa khủng khiếp cho cá nhân và xã hội. Thí dụ: cụ thể là việc tự do muốn uống bao nhiêu rượu thì uống, dẫn đến tai nạn khi lái xe trong cơn say, cho đến những cuộc bạo động, chém giết, đập phá, cướp bóc nhân danh tự do đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Khi đi từ mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2, 7-8), chúng ta hiểu rằng: vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau đời sống của Đức Giêsu minh chứng rằng mầu nhiệm về tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn của Chúa Cha bằng tình yêu của người con hiếu thảo: càng yêu thì càng muốn vâng phục, và càng vâng phục thì con người càng được tự do trong quyền năng của Thiên Chúa (x. Ga 10, 30;14, 11).
Kết luận:
Chúa Giêsu phục sinh là biểu tượng của sự tự do viên mãn, mà con người mơ ước vì Ngài cho chúng ta hiểu rằng, mình không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian và được sống như con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên để đạt được điều đó chúng ta cần phải trải qua khổ nạn và thập giá của sự vâng phục Chúa Cha như Đức Giêsu. Sự vâng phục đầy tình yêu như Ngài sẽ làm cho các luật lệ trở thành nhẹ nhàng và đem lại ơn cứu độ.
46.Đòi hỏi của luật Chúa – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Các triết gia đã rút ra một kết luật thật chí lý cho rằng: Cuộc sống là một chọn lựa. Đúng như thế, ai trong chúng ta cũng ít nhiều có những lúc phải đứng ở hai ngả đắn do: bước đi thì ngại trở về thì thương. Hầu như ông trời không cho con người thỏa mãn cả đôi đàng bao giờ, mà cứ đặt chúng ta ở cái thế, được bên này thì mất bên kia, chọn điều này thì phải bỏ điều kia. Có những chon lựa thật nhỏ bé dễ dàng như: chọn xay bột thì khỏi bồng em, nhưng cũng có những chọn lựa khó hơn vì nó động chạm đến trái tim của mình như khi quyết định kết hôn, chọn cưới cô chị thì buộc lòng phải bỏ cô em, cưới anh A thì phải tạm biệt anh B. Nhưng vẫn còn những chọn lựa khó hơn nữa đó là chọn một đường để đi, một lối sống để theo, một lý tưởng để dấn thân, thì đòi người quyết định phải chấp nhận hoàn toàn những điều kiện và đòi buộc đi kèm theo quyết định của mình.
Một khi đã quyết định chọn lựa một niềm tin, một tôn giáo thì dĩ nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận hoàn toàn những đòi buộc của niềm tin tôn giáo ấy. Tuy nhiên dù đã quyết định và đã chọn, nhưng người ta vẫn bị cám dỗ tìm kiếm một điều gì đó dễ dãi hơn, một sự thay đổi nào đó có phần thoải mái hơn. Ví dụ người ta biết hôn nhân Công giáo là đơn hôn và vĩnh viễn, thế nhưng người ta vẫn cứ tìm mọi cách để thoát ra khỏi sự ràng buộc đó.
Ngày xưa những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng thế, họ tin Chúa theo Chúa, chấp nhận giới răn lề luật của Thiên Chúa, thế nhưng khi Đức Giêsu đến dạy cho họ một thái độ mới, một tâm tình thờ phượng mới, một tương quan mới cần phải có, thì họ chờ đợi một sự dễ dãi châm chước nào đó từ giáo lý của Chúa Giêsu. Chính vì thế hôm nay Chúa Giêsu đã cảnh báo cho các môn đệ: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Biệt phái thì anh em sẽ không được vào Nước trời. Chúa Giêsu cho thấy việc bước theo con đường của Ngài là một đòi hỏi quyết liệt và triệt để, phải là sự chấp nhận từ bên trong được thể hiện ra bên ngoài, chứ không phải là sự chấp nhận miễn cưỡng, giả hình.
Chúa Giêsu không hứa hẹn cho những kẻ bước theo Ngài một lối sống thoải mái hay một cuộc sống dễ dãi hình thức, Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ nền tảng đạo đức cũng như lề luật của Cựu Ước, nhưng Ngài đến để làm cho luật của cựu Ước nên hoàn hảo hơn. Vì thế việc tuân hành giới răn lề luật của Tin Mừng không chỉ là chu toàn mặt chữ, không chỉ chu toàn luật dạy làm điều lành tránh điều diều xấu, nhưng phải là một ý thức phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và yêu mến anh em và ý thức mình là con Thiên Chúa, là mộn đệ của Đức Kitô. Các ngươi nghe bảo chớ giết người: Ai giết người thì bị đưa ra tòa. Còn Thày, Thày bảo anh em: Ai giận ghét anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa rồi. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu đòi người môn đệ phải chấp nhận một điều kiện cao hơn, là phải làm sao loại trừ được nguyên nhân đưa đến giết chóc bạo lực là sự giật ghét, vì thế Chúa Giêsu coi việc giận ghét anh em thì cũng là điều đáng trách rồi.
Cũng vậy, trong đời sống hôn nhân không phài chỉ là đòi buộc: Chớ ngoại tình, nhưng bất cứ ai nhìn xem người khác phái mà ước ao thèm muốn trong lòng thôi, thì đã là phạm tội rồi. Vì tội được bắt đầu từ suy nghĩ đến thèm muốn ước ao, sau đó mới đưa đến hành động. Như thế khi ngăn chặn được sự thèm muốn thì hành động sẽ không xảy ra. Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có một lương tâm ngay thẳng, một đời sống thật thà từ trong suy nghĩ đến hành động, bụng nghĩ sao nói vậy, gạt bỏ khỏi mình tất cả sự gian dối. Khi mọi người sống và cư xử với nhau bằng sự chân thành ngay thẳng, thì người ta sẽ không cần phải thề thốt, không phải lấy bất cứ ai hay bất cứ sự gì để bảo đảm cho lời nói của mình, mà lấy chính phẩm giá, địa vị làm môn đệ của Chúa làm bảo chứng cho lời nói và hành động của mình.
Người đời thường dùng những lời lẽ hoa mỹ, những lời xảo trá để đánh lừa người khác và để đạt được mục đích cho mình, nhưng Thánh Phaolô cho biết, khi Ngài giảng dạy về giáo lý của Đức Kitô, Ngài không hề dùng những lý lẽ khôn ngoan xảo trá của thế gian và thủ lãnh của nó, trái lại Ngài chỉ giảng dạy một lẽ khôn ngoan duy nhất là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đó chính là màu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa, Ngài muốn tiền định cho con người được chung hưởng vinh quang với Người. Vì Ngài đã tiền định cho con người được vinh quang, nên Ngài đã làm mọi cách để đem con người về với Ngài, kể cả việc cho Con của Ngài là Đức Giêsu đến để dẫn chúng ta về, và Đức Giêsu đã bị thế gian từ chối và đóng đinh Ngài trên thập giá. Còn chúng ta, chúng ta đón nhận lề luật, huấn lệnh của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ, được vào chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.
Nhưng để được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa đòi chúng ta phải có một quyết định chọn lựa dứt khoát hoặc là tin hoặc không tin, hoặc đón nhận hay từ chối Ngài. Sách Huấn Ca cũng đã căn dặn như thế: Nếu muốn thì các con hãy tuân giữ các điều răn mà trung tín làm đẹp lòng Người. Trước mặt con là lửa và nước, là cửa sinh cửa tử, con muốn bên nào thì hãy đưa tay ra mà lấy. Chọn lựa đúng thì hạnh phúc mãi mãi, còn chọn lựa sai thì phải bất hạnh muôn đời.
Thưa quý OBACE, là Kitô hữu chúng ta thuộc về Chúa Kitô, có Chúa Kitô, thế nhưng nhiều người vẫn không có được một quyết tâm dứt khoát theo Ngài, người ta lưỡng lự đứng bên này và thèm muốn bến kia. Nhiều người theo Chúa, nhưng lại vẫn mang nếp sống của dân ngoại, thực hành những thói quen tin kiêng cúng bái của dân ngoại. Tin Chúa, nhưng nhiều người không dám phó thác cuộc đời và những lo lắng tương lai cho Chúa, mà họ vẫn tin và tìm kiếm tương lai của mình nơi những thày bà bói toán, nhất là nhiều người đã bỏ qua giới răn lề luật của Thiên Chúa, không sống và thực hành giới răn yêu thương, nhưng sống thù hằn gian dối với nhau.
Trong đời sống hôn nhân gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã cố tình hủy bỏ hoặc làm sứt mẻ sự thánh thiêng của giao ước hôn nhân, sống buông thả ngoại tình. Trước mặt Chúa và Giáo Hội trong ngày thành hôn, họ cam kết và thề hứa chu toàn kế ước hôn nhân, sinh sản và giáo dục con cái theo luật Chúa và giáo Hội, nhưng nhiều người hầu như đã không còn nhớ đến lời thề ấy, họ không dám đón nhận con cái Chúa ban, và còn tìm mọi cách để loại trừ chúng, nhiều người khác đã không quan tâm đủ đến việc giáo dục đức tin cho con cái, để con cái mình lớn lên trong sự thiếu hiểu biết về giáo lý, về Chúa Kitô và giới răn của Người.
Trong đời sống thường ngày, mang danh là con Chúa là người Công Giáo, nhiều người cũng gian dối xảo trá không khác gì con cái của thế gian của ma quỷ, tìm cách lừa lọc lẫn nhau, sống gian tham lỗi đức công bằng, khiến cho người ta không tin, mà còn dị ứng với chúng ta nữa. Hãy số gắng sống làm sao để cho mọi người thấy việc chúng ta chọn Đức Giêsu và giới răn của Ngài đem đến cho chúng ta hạnh phúc ngay ở đời này, và là động lực thúc đẩy chúng ta sống chân thành ngay thẳng, dễ thương dể mến trước mặt anh em.
Chắc chắn chọn Chúa và giới răn của Ngài, không phải chúng ta tìm kiếm một sự dễ dãi, nhưng là một chọn lựa đem đến cho chúng ta một phẩm giá, địa vị cao quý, đó là chúng ta được làm con Thiên Chúa. Chọn lựa này luôn là một thách thức cho chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria, biết chọn để làm theo ý Chúa, và chọn sống xứng đáng là người được Chúa yêu thương và tiền định cho hưởng Nước Trời. Amen.
47.Suy niệm của Lm. F.X. Lữ Minh Điểm
Trong cuộc sống, dù muốn hay không muốn, tất cả chúng ta đều phải tuân giữ luật pháp. Tuân giữ luật pháp, pháp luật sẽ bảo vệ chúng ta. Coi thường luật pháp, pháp luật sẽ trừng trị chúng ta. Nhìn chung, luật pháp có ba loại: 1. Luật Thiên định: Do Thiên Chúa thiết lập, như Mười điều răn của Thiên Chúa và luật một vợ một chồng và bất khả phân ly. 2. Luật thiết định: Do con người làm ra, như hiến pháp của mỗi quốc gia, luật của Giáo hội.v.v. Luật này có thể thay đổi với thời gian 3. Luật tự nhiên: Do Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người chúng ta. Tôi sinh ra là người Nam hay người Nữ, thì tôi phải sống theo đúng với giới tính của mình. Đoạn Tin mừng hôm nay đề cập về luật do con người làm ra. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai vấn đề: 1. Kiện toàn luật cũ. 2. Đức công chính mới của Chúa Giêsu.
1. Kiện toàn luật cũ
Câu chủ yếu của chủ đề này được tóm tắt qua Lời Chúa phán: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Kiện toàn là làm cho nó nên hoàn hảo hơn. Muốn biết luật cũ được kiện toàn như thế nào, Chúa Giêsu đã nêu ra bốn trường hợp:
Từ luật: “Không được giết người”, Chúa bảo chúng ta không được phẫn nộ và rủa sả anh em mình (Mt 5, 22).
Từ luật: “Chớ ngoại tình”, Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ những ước muốn thầm kín bên trong (Mt 5, 27).
Từ luật: “Cho phép ly dị”, Chúa bảo chúng ta không được ly dị, trừ trường hợp tà dâm (Mt 5, 32).
Từ luật: “Chớ thề gian”, Chúa bảo chúng ta đừng thề chi cả. “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5, 37).
Qua bốn điều luật có tính cách tiêu cực trên, Chúa có ý nhắn nhủ chúng ta: Tội lỗi không chỉ thể hiện bằng những việc làm bên ngoài, nhưng nó bắt nguồn từ những ước muốn bên trong của mỗi người. Theo định luật tâm lý: “Có tư tưởng, thì mới có hành động. Tư tưởng càng rõ rệt, thì hành động càng có kết quả”. Trong việc kiện toàn luật cũ, Chúa khuyên chúng ta đừng giữ đạo có tính cách tiêu cực và hình thức bề ngoài, nhưng cốt yếu là thay đổi não trạng, tâm tình và ý hướng bên trong. Ý hướng tốt, thì việc làm đó sẽ tốt, ý hướng xấu, thì việc làm đó sẽ xấu. Hai người cùng bố thí trong đền thờ, Chúa đã khen cách cho của bà góa nghèo, vì bà cho vì lòng yêu mến, còn người giàu có cho vì khoe khoang (Mc 12, 41-44).
Qua việc kiện toàn luật cũ, Bernard HURAULT và Louis HURAULT đã giải thích: “Đạo của Cựu Ước là một giai đoạn tạm thời, nhưng cần thiết trong lịch sử cứu độ. Cũng như các lời ngôn sứ phải được hoàn thành, thì cũng vậy, nhưng lễ nghi và lễ tế của thời Cựu Ước diễn đạt cách nào đó mầu nhiệm tội lỗi và lòng thương xót, cũng phải được hiểu dưới ánh sáng, mà Chúa Giêsu đem lại”. (Bản dịch do Nhóm phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ, tr 1590). Muốn biết rõ luật mới của Chúa như thế nào, chúng ta hãy tìm hiểu đức công chính mới của Chúa Giêsu.
2. Đức công chính mới của Chúa Giêsu
Chủ đề đức công chính mới của Chúa Giêsu được tóm gọn trong lời Chúa phán: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (Mt 5, 20). Sau khi kiện toàn luật cũ thời Cựu Ước, Bernard HURAULT và Louis HURAULT đã giải thích thêm: “Việc giữ các lề luật trong Kinh Thánh, tự nó không phải là cùng đích. Đó là cách biểu hiện tình thương đích thực và là những tay vịn cho khỏi sẩy chân. Nhờ tuân theo luật, chúng ta sẽ ở trong trạng thái sẵn sàng tùng phục Chúa Thánh Thần để đi xa hơn luật. Như vậy, chúng ta sẽ khám phá một sự công chính còn hoàn hảo hơn sự công chính, mà các nhà thông luật thời Chúa Giêsu, là các kinh sư và người Pharisêu, đòi hỏi” (Bản dịch do Nhóm phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ, tr 1590).
Sự công chính, mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các Luật sĩ và Biệt phái ngày xưa và chúng ta ngày nay không chỉ giới hạn trong việc tuân giữ cách máy móc các hình thức của luật pháp, nhưng thể hiện với niềm tin và tình yêu. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Dù anh em ăn, uống hay làm bất kỳ công việc gì, anh em hãy làm cho sáng danh Chúa, làm vì lòng yêu mến Chúa” (I Cor 10:31). Qua bài đọc I, tác giả sách Đức Huấn Ca cũng đã khuyên chúng ta hãy hành động cách tự nguyện: “Nếu ngươi muốn, ngươi hãy tuân giữ những giới luật của Ta. Việc trung thành là tuỳ ở nơi ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn” (Hc 15, 15-16).
Thế nhưng, biết là một chuyện, còn làm được hay không, lại là chuyện khác. Kể từ khi có trí khôn cho đến giờ phút này, biết bao nhiêu lời hay, lẽ phải từ nơi ông bà, cha mẹ, các vị lãnh đạo các tôn giáo và sách báo phim ảnh răn khuyên chúng ta. Thế nhưng, có mấy ai thực hiện được. Chỉ những ai được Chúa ưu ái tuyển chọn, ban ơn và sai đi thực hiện chương trình của Người. Qua bài đọc 2, thánh Phaolô cũng nhắc lại điều đó: “Sự mắt chưa từng thấy, và tai chưa từng nghe và lòng người chưa từng mơ ước tới. Đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2, 9).
Quý cộng đoàn thân mến, cha mẹ nào cũng hết lòng yêu thương con và luôn tạo điều kiện thuận lợi, để cho con cái mình nên người. Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Điều quan trọng là chúng ta có muôn cộng tác với Người hay không mà tôi. Trong cuộc sống, dù muốn hay không muốn, chúng ta phải tuân giữ luật của Chúa, của Giáo Hội và của Xã hội, thì luật pháp sẽ bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đừng giữ luật vì luật, nhưng hãy giữ luật vì tình yêu. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Trên hết mọi đức tính, anh em hãy có đức yêu thương. Đó là dây ràng buộc điều thoàn thiện” (Col 3, 14). Amen.
48.Công chính hơn – Lm. Phêrô Trần Đức Cường
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì không được vào Nước Trời”
Phụng Vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ VI thường niên mời gọi chúng ta sống công chính để được vào Nước Trời. Tuy nhiên không phải bất cứ thứ công chính nào mà phải là “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” mới được hưởng hạnh phúc đó. Thế nào mới là “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu”?
Trong thời Chúa Giêsu, các kinh sư và người Pharisêu tuy thuộc hai nhóm khác nhau nhưng rất nhiều kinh sư cũng đồng thời thuộc nhóm Pharisêu (Cv 23,9) như ông Ga-ma-li-ên (Cv 5,34), hoặc phần lớn ủng hộ lập trường của nhóm Pharisêu. Theo Phúc Âm kể lại, những kinh sư và người Pharisêu thường đứng chung một phe để chống lại Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu khi lên án người Pharisêu cũng gộp chung cả giới kinh sư vào một nhóm (Mt 23; Lc 11,37-53).
Các kinh sư và người Pharisêu là những người chuyên môn am hiểu Kinh Thánh; họ chuyên giải thích và áp dụng luật Môsê, một hệ thống luật chi li phức tạp mà ngoài họ ra, không mấy ai dám nói mình thông thạo. Càng ít người hơn dám nói mình chu toàn đầy đủ những khoản luật đó. Thế mà họ thì dám. Họ dám tự hào mình là những người tự hào mình là người công chính (Lc 18,9-14). Phúc Âm thánh Luca, khi nói về ông bà Dacaria và Êlisabét là “người công chính trước mặt Thiên Chúa” đã mô tả đó là những người “sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). Nói về công chính, các kinh sư và người Pharisêu phải được kể là những nhà quán quân. Không những họ giữ mọi điều răn giới luật “không ai chê trách được điều gì” mà còn làm hơn những gì luật đòi hỏi nữa.
Giữ luật được bằng họ đã khó, thế mà Chúa Giêsu gọi họ là “những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời” (Lc 16,14) và còn yêu cầu phải công chính hơn họ mới được vào Nước Trời. Sự “công chính hơn” mà Ngài yêu cầu đó hệ tại điều gì? Cách giữ luật của các kinh sư và người Pharisêu không được Chúa Giêsu coi là công chính mà trái lại còn bị Ngài lên án là giữ luật theo hình thức bên ngoài, để tìm kiếm hư danh, chú trọng những tiểu tiết mà bỏ qua điều cốt yếu, hoặc thậm chí chỉ nói mà không thực hành (x. Mt 23,1-32; Lc 11,37-48). Vậy muốn công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì các môn đệ Chúa Giêsu phải tránh được những sai lầm mà họ đã vấp phải. Chúa Giêsu đối chiếu cho chúng ta những phương diện khác nhau giữa cách giữ luật của người Pharisêu và cách giữ luật như Chúa dạy để chúng ta biết thế nào là “công chính hơn”.
Trước tiên để trở nên “công chính hơn”, Chúa dạy phải giữ luật với cả tấm lòng, từ tận đáy lòng và là tấm lòng yêu mến. Quả thật khi giận ghét, người ta muốn loại trừ kẻ khác ra khỏi ý thức của mình, và hành vi giết người chính là đẩy tư tưởng đó trở thành hành động loại trừ sự hiện diện của người khác khỏi cuộc sống dương gian này. Vì thế, nếu chúng ta khử trừ khỏi tâm hồn chúng ta lòng giận ghét thì có thể nói chúng ta đã khử trừ tận gốc rễ hành vi giết người. Để trở nên “công chính hơn” Chúa Giêsu dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” Cũng thế, để khỏi ngoại tình bằng hành động, trước tiên phải loại bỏ những ước muốn ngoại tình trong tư tưởng đã.
Mặt khác điều làm cho chúng ta nên công chính không phải là công việc chúng ta làm mà là do tác động của ân sủng Chúa thánh hoá chúng ta. Chính Thiên Chúa là nguyên lý và xác định chuẩn mực cho cuộc sống của chúng ta từ tư tưởng, cho đến lời nói và việc làm. Chính vì thế, Chúa dạy ‘trọn lời thề với Thiên Chúa” và “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Và trên hết, “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” có nghĩa là công chính như Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Giêsu Kitô. Khi chứng kiến Chúa Giêsu chịu đóng đinh chịu chết trên thập giá viên đội trưởng Rôma đã tuyên xưng: “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47). Sự công chính được trọn vẹn nơi Chúa Kitô hiến thân mình chịu chết để đền bù tội lỗi cho nhân loại.
Nói tóm lại sự công chính mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài là sự công chính có nền tảng và động lực nơi chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thánh thiện, sự công chính ấy phải phát xuất từ tâm hồn con người, được thực hiện với tình yêu mến trong sự kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Một cách cụ thể, để “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” chúng ta không chỉ giữ luật Chúa bằng công việc hình thức bên ngoài mà giữ với lòng yêu mến Chúa, giữ luật không vì lý do nào khác ngoại trừ vì Chúa muốn như thế, và để làm đẹp lòng Chúa. Và nhất là sự công chính cao cả nhất chính là noi theo và kết hợp với mẫu gương của chúng ta là Chúa Giêsu tự hiến thân mình để đền bù tội lỗi qua việc chính chúng ta cũng biết hy sinh quên mình và phục vụ anh chị em trong tinh thần khiêm tốn.
49.Anh em phải công chính hơn các kinh sư
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Trích từ bài giảng trên núi trong Mt, bài Tin Mừng hôm nay (5,17-37) nói về những cách hành xử cần phải có của người đồ đệ Đức Giêsu đối với người thân cận. Nhưng trước hết là lời khẳng định rằng chính Đức Giêsu là Đấng đến nói cho chúng ta biết ý muốn đích thực của Thiên Chúa: Người đến để kiện toàn Sách Thánh.
1. “Thầy đến để kiện toàn Luật Môsê và lời các ngôn sứ” (cc.17-20)
Những người hiểu biết sự lớn lao của các lời hứa và niềm mong chờ Đấng Mêsia sẽ có thể phải cảm thấy rất hụt hẫng trước chân trời mà Đức Giêsu mang đến. Người ta trông chờ phúc lạc và cơ nghiệp đã được hứa ban, nhưng Người lại tuyên phúc cho những người nghèo khó, sầu buồn, khóc lóc, đói khát và bị bách hại. Vì thế, Đức Giêsu muốn tránh sự hiểu lầm và sự thất vọng cho các đồ đệ của Người khi họ đi theo Người. Chính trong bầu khí và ý hướng như thế mà Người tuyên bố một cách rõ ràng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (cc.17-18).
Động từ “kataluô” có nghĩa là “phá đổ” (một công trình xây dựng chẳng hạn), chứ không có nghĩa là bãi bỏ một luật. Trong Mt, động từ này luôn được dùng cho đền thờ (x. 24,2; 26,61; 27,40). “Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ” là cách thức người Do Thái gọi bộ Kinh Thánh của họ, tức là bộ Cựu Ước theo quan điểm Kitô giáo. Động từ “kiện toàn” (pleroô) liên tục được Mt sử dụng để chỉ sự thực hiện các sấm ngôn (x. 1,22; 2,15.17.23; 4,14; 8,17…). Vì thế, cách nói “kiện toàn lời các ngôn sứ” ở đây là dễ hiểu. Nhưng không chỉ lời các ngôn sứ được kiện toàn, mà cả “Luật Môsê” nữa, tức là những gì do Môsê viết. Thật ra, vẫn tồn tại một cách hiểu, theo đó, Đấng Mêsia sẽ thực hiện cuộc xuất hành chung cục mà cuộc xuất hành do Môsê lãnh đạo khi xưa chỉ là hình ảnh báo trước. Trong thực tế, Mt vẫn hiểu Lề Luật và các ngôn sứ là sấm ngôn về Đấng Mêsia. Sứ mạng của Chúa Giêsu là một sứ mạng tích cực, chứ không phải một sứ mạng tiêu cực. Người là điểm đến của tất cả Cựu Ước, và toàn thể Cựu Ước tìm được sự kiện toàn nơi Người và nhờ Người.
Vậy Đức Giêsu khẳng định rằng Người không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn trọn vẹn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Và Người quả quyết rằng dẫu “một chấm một phết” (dịch sát là “một chữ i hoặc một cái sừng”, tức là chữ yod, mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Hípri) cũng sẽ không mất hiệu lực. Nói cách khác, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất trong chương trình của Thiên Chúa được mạc khải trong Sách Thánh cũng sẽ vẫn giữ nguyên hiệu lực “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”.
“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (c.19). Cách nói “sẽ được gọi là nhỏ / lớn trong Nước Trời” không có ý nói về một phẩm trật thứ hạng trong Nước Trời, nhưng là một cách nói của người Do Thái để diễn tả sự bị loại ra hay được thuộc về Nước Trời.
“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (c.20). Dịch sát sẽ là: “…nếu sự công chính của anh em không vượt hơn các kinh sư…”. Vấn đề không phải chỉ là sự công chính theo nghĩa luân lý, đạo đức. Trước hết, đó là sự công chính do tin vào Đức Giêsu, Đấng kiện toàn tất cả Sách Thánh, sau đó mới là chuyện luân lý. Vậy sự công chính của các đồ đệ sẽ siêu vượt hơn hẳn sự công chính của các kinh sư, là vì nó được gắn vào và tùy thuộc vào Đấng làm cho mọi sự nên thành toàn, chứ không phải chỉ vì đời sống luân lý của các đồ đệ siêu vượt hẳn so với các kinh sư. Các kinh sư, ở mức độ cao nhất, chỉ có thể gắn sự công chính của mình trên nền tảng các lời hứa của Thiên Chúa trong Sách Thánh; nhưng chính Chúa Giêsu mới là Đấng kiện toàn các lời hứa ấy. Vì thế, có thể nói: ở câu 20 này, Chúa Giêsu đòi hỏi các đồ đệ của Người phải gắn bó thiết thân với Người và đặt sự công chính của mình trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư, tức là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê.
Như thế, một đàng Chúa Giêsu quả quyết rằng Người không hủy bỏ “Luật Môsê và các lời ngôn sứ”, nhưng đàng khác, Người cho thấy sự hơn hẳn của Người so với các thực tại thuộc nhiệm cục cũ mà không hề làm đứt đoạn sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước.
2. Giáo huấn về đức công chính mới
Đức Giêsu bắt đầu giáo huấn của Người về sự công chính hơn hẳn của người môn đệ bằng cách tập trung chú ý vào ba đề tài quan trọng: tránh xung đột với tha nhân; thủy chung; và sống trong sự thật. Đây không phải là một bài trình bày cặn kẽ và đầy đủ về các đề tài, mà chỉ là phần nêu lên những luận điểm chính yếu được hiểu như để làm mẫu mà thôi.
a. Hãy đi làm hòa trước đã (cc.21-26)
Đức Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (cc.21-26).
Đức Giêsu đặt điều răn không được giết người trong một quan điểm khác với “Luật dạy người xưa”. Sẽ là chưa đủ nếu chỉ tránh hành động bề ngoài. Thái độ độc ác bên trong và sự giận dữ cay nghiệt đối với người anh em, cũng đã là những cách hành xử đáng bị kết án rồi. Các cách hành xử ấy được trình bày theo hướng ngày càng gia trọng, cả về tội phạm lẫn về hình phạt.
Sau đó, Chúa Giêsu chuyển sang trình bày khía cạnh tích cực trong thái độ của các đồ đệ, những người có nhiệm vụ tác tạo hòa bình. Cần phải hết sức duy trì và bảo vệ sự hiệp nhất thuận hòa, chứ không chỉ là tránh xung đột. Chính thái độ sống tích cực đó quyết định giá trị của việc thờ phượng. Cách nói “hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ” không nên được hiểu sát mặt chữ, mà cần phải được hiểu là một kiểu nói diễn tả ý muốn hòa giải và tha thứ ngay trong lòng. Sẽ là hoàn toàn vô ích việc đến gần Thiên Chúa đang khi vẫn còn hiện hữu trong sự chia rẽ, bất hòa.
b. Hãy thủy chung (cc.27-32)
Đức Giêsu nói tiếp: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” (cc.27-30).
Luật cấm hành vi bên ngoài, sự ngoại tình. Đức Giêsu đòi hỏi một trái tim tinh sạch, một sự thuần khiết ngay từ trong lòng. Ngoại tình là bất chính, nhưng ngay cả sự thèm muốn bất chính cũng đã là ngoại tình rồi. Nói cách khác, quyền lực cuối cùng thúc đẩy và quyết định trong lãnh vực tính dục nói riêng và trong tương quan với phụ nữ nói chung, không được là những sức mạnh tự nhiên và bản năng bột phát của những thèm khát và khoái lạc tính dục.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thuần khiết ngay từ trong lòng, Chúa Giêsu đưa ra lời khuyến nghị thà móc mắt phải và chặt tay phải còn hơn là “toàn thân bị ném vào hỏa ngục”. Tất nhiên sẽ là quá ngô nghê và không chính xác nếu chúng ta hiểu các lời khuyến nghị này theo sát mặt chữ. Điều quan trọng là chúng ta không được phó mặc các quan năng của mình cho bản năng thấp hèn, nhưng phải biết làm chủ chúng một cách có trách nhiệm. “Con mắt” biểu tượng cho ước muốn; “bàn tay” biểu tượng cho hành động. Cần phải loại bỏ tất cả những ước muốn xấu xa ngược với sự tinh sạch trong lòng.
Không chỉ tôn trọng vợ người khác, mà còn phải cư xử đúng đắn với vợ mình và tôn trọng sự hiệp thông trong tình yêu và sự sống với vợ của chính mình. Đức Giêsu nói: “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (cc.31-32). Sự hiệp thông sự sống và tình yêu giữa hai vợ chồng là thực tại thiện hảo bất khả chuyển nhượng. Nguồi ta phải ra sức bảo vệ và vun đắp cho sự hiệp thông đó.
c. Hãy sống trong sự thật (cc.33-37)
Đề tài thứ ba trong vấn đề tương quan với người thân cận mà Chúa Giêsu ban lời giáo huấn là đề tài liên quan đến sự thật. Đức Giêsu nói: "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (cc.33-37).
Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phận biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thề.
Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”.
Thực ra, cc.33-37 không nhắm nói trước hết đến chuyện thề thốt, mà là muốn nói về sự nhất mực liêm khiết của người đồ đệ: “Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác thần” (c.37).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam