Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 61
Tổng truy cập: 1362768
LUẬT LỆ: GIỮ TRỌN HAY NÊN TRỌN
LUẬT LỆ: GIỮ TRỌN HAY NÊN TRỌN
(Suy niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty – Kỷ niệm ngày an táng cha Gioan Nguyễn Văn Ty. Thứ Bảy 01/02/2020)
Đối với người Do Thái, Lề luật có tầm quan trọng số một. Thái độ trước lề luật chính là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Đức Giêsu cũng được các đồng bào Người đánh giá và chấp nhận dựa trên tiên chuẩn này; vì thế mà Người lên tiếng tuyên bố: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” lề luật.
Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Ít-ra-en, chỉ mình Đức Chúa Gia-vê có quyền này; ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là người truyền đạt cho dầu luật có mang tên ông. Luật này cũng không cần được ai kiện toàn vì nó đã hoàn hảo; có chăng chỉ là giải thích và đó là bổn phận dành riêng cho các luật sĩ. Hiểu như thế thì lời công bố của Đức Giêsu có thể bị coi là lộng ngôn, vì không ai có quyền bãi bỏ cũng như không ai được phép ‘kiện toàn’ - sửa chữa bộ luật Môsê đã truyền lại.
Thông thường thì người ta sẽ coi như phá luật những kẻ không cặn kẽ tuân giữ lề luật. Rõ ràng nhóm Biệt Phái và luật sĩ đã nhận xét Đức Giêsu là như thế, do đó đã liệt Người vào hạng tội lỗi, vì cho rằng Người có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sa-bát và các nghi thức tẩy rửa.
Về phần Đức Giêsu, Người luôn khảng định việc căn kẽ giữ luật là cần thiết “một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Các môn đệ hiểu rõ điều đó cho nên sau này, kể cả khi Đức Giêsu đã về trời, họ vẫn tuân giữ căn kẽ mọi lề luật Môsê. Các tông đồ còn muốn mọi tín hữu (nhất là các người gốc Do Thái giáo) phải tiếp tục giữ trọn luật pháp theo lời Chúa dạy: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tuy nhiên, sứ mạng đích thực của Đức Giêsu không nhằm kêu gọi dân chúng giữ luật. Điều này đã được các Pharisêu, các luật sĩ… và Gioan Tiền hô làm bằng nhiều cách. Người khảng định: “Thầy đến… để kiện toàn luật Môsê!” Và không chỉ Người, mà bất cứ kẻ nào tin vào Người cũng phải kiện toàn lề luật như thế: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vài Nước Trời”. Tác giả Matthêu thẳng thắn muốn các tín hữu gốc Do Thái (đối tượng chính của sách Tin Mừng ông viết) phải hiểu rằng: Đức Giêsu và các lời Người dạy tuy không chống lại nhưng cao trọng hơn luật Môsê rất nhiều, “Luật xưa dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Thế thì ta phải hiểu điều các khảng định này theo ý nghĩa nào?
Trước hết ở đây ta không được hiểu Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một nhà lập pháp mới (legislator novus), theo nghĩa giao ước mới thì đòi phải tuân giữ luật mới, cũng như giao ước cũ phải tuân giữ luật cũ của Môsê. Không! Giêsu không phải là người làm luật, nhưng là người làm cho mọi luật được nên trọn. Không có Người, luật lệ cho dầu có thể là rất tốt, rất hoàn chỉnh, vẫn chưa có thể được coi là trọn; và duy nhất chỉ một mình Người mới làm được điều đó. Ai tin vào Đức Giêsu, đặc biệt qua biến cố tử nạn và phục sinh của Người, đều có khả năng kiện toàn, hay làm cho nên trọn bất kỳ luật lệ nào họ nắm giữ (dầu là luật dân sự bất toàn hay luật tôn giáo thánh thiện). Lòng thương xót, từ ái cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu mạc khải, mới là nền tảng duy nhất để canh tân và kiện toàn mọi thứ luật lệ. Chỉ cần nhìn vào các trường hợp được nêu trong bài Tin Mừng: không giết người, không ngoại tình, ly dị, thề gian dối… ta mới thấy chỉ Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa mới có thể kiện toàn và làm cho chúng được nên trọn tới thế. Sự nên trọn này chắc chắn không hệ tại ở luật pháp hoàn hảo hơn hay kém, nhưng hệ tại ở thái độ bình an và tự do ta có khi nắm giữ các lề luật đó, trong tư thế của một người con được Chúa Cha yêu thương. Không tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu, ta sẽ không bao giờ có được thái độ này, và đương nhiên sẽ thấy khó có thể chấp nhận các đòi hỏi của luật pháp, kể cả những lề luật hoàn thiện và cao đẹp nhất.
Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của luật Môsê, nhưng cũng chính vì thế mà ông càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng. Trong chương 3 thư gởi giáo đoàn Ga-lát ông lấy hình ảnh người giám hộ để chỉ luật Môsê rất thánh thiện (và bất cứ luật lệ nào khác, kể cả luật Hội Thánh), và hình ảnh con cái tự do để chỉ sự ‘kiện toàn - nên trọn’ của niềm tin vào Đức Kitô Giêsu. Tôi thiết nghĩ ông quả đã nắm bắt rõ vấn đề: “Khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa… vì tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa…” (Gl 3,25-26)
Ôi, niềm tin Kitô hữu vào tình yêu Thiên Chúa nhân ái thứ tha có khả năng nâng chúng ta lên cao biết mấy, vượt xa sự kiểm tỏa của luật pháp, cũng như mọi lo lắng sợ hãi của thưởng phạt nghiêm minh!
Trong tư cách là công dân Việt Nam, là Kitô hữu, là tu sĩ - linh mục... con phải khoác lên mình biết bao nhiêu thứ luật lệ. Con thâm tín một điều rằng không một luật lệ nào trong số đó tự nó có thể cứu thoát được con. Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con được như Phaolô xác tín rằng: chỉ có niềm tin vào Chúa cứu độ và từ nhân mới giúp con làm cho các luật trên được nên trọn, đồng thời biến con thành con cái tự do đích thực của Cha trên trời. A-men
23.Từ lề luật tới lương tâm.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúa không đến huỷ bỏ Lề Luật nhưng kiện toàn Lề Luật. Mấy người tới nói chuyện với Chúa, xem Lề Luật là 1 mớ những mẹnh lệnh để điều chính trật tự bên ngoài trong lối sống của họ. Chúa Giêsu đi thẳng vào nguồn ngọn, vào đáy lòng và lương tâm, nơi xảy ra đích thực mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Lề Luật vẫn có giá trị trong những mệnh lệnh của nó nhằm quy định trật tự, luân lý, song Chúa Giêsu nói: như thế chưa đủ còn phải đánh giá hành động ngay từ ngọn nguồn của nó, bởi lẽ hành động bên ngoài chỉ là phát hiện cụ thể của một thực tại bên trong, và chính là ở trong cõi lòng sâu kín mà được quyết định cuộc tranh luận giữa thiện và cá. Giá trị luân lý của hành vi ta không nằm ở vẻ bên ngoài của chúng, nhưng ở những quyết định riêng tư dẫn đưa tới chúng. Hơn nữa, Đức Kitô nói rằng một ước muốn được chấp nhận cách ý thức đã đủ để thẩm định ta là tốt hay xấu, dù không được diễn tả ra bằng hành động cũng thế. Chúa Giêsu đến hoàn thành Lề Luật theo nghĩa này là Người nới rộng nó tới thế giới lương tâm. Từ một luật hành động, nó trở thành một câu hỏi đặt ra cho con người nội tâm có trách nhiệm trước mặt mình và Thiên Chúa. Phúc Âm hôm nay nêu cho ta thấy ba tỷ dụ:
1) Chớ giết người. Người ta giết người vì thù oán, căm hờn. Chúa Giêsu phán: đều xấu, đó không những là oán ghét, và còn là những gì Thiên Chúa không thể chấp nhận. Chúa loại trừ lòng thù oán và cả một loạt tâm tình gần như thế: nóng giận, cố tình giữ ác cảm, mắng nhiếc, hiềm khích v.v…
Đó là những tâm tình làm đầu giây mối nhợ cho tội giết người. Tội sát nhân bị luật lệ luận phạt, tâm tình bên trong bị Thiên Chúa thẩm xét.
2) Chớ ngoại tình. Điều răn này nhằm bảo vệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Song ý nghĩa nó đi xa hơn, sâu hơn nhiều. Chúa Giêsu đặt nó vào bình diện của ước muốn (lòng ước muốn được chấp nhận cách ý thức, hay là ước muốn được nuôi dưỡng), nghĩa là bình diện mà mọi vật thuộc về Thiên Chúa. Được phép ước muốn điều gì, nếu đó không phải là đồ ăn trộm của kẻ khác và nhất là của Chúa. Mà phải tôn trọng quyền tự hữu của Chúa tự đáy lòng ta. Lòng ước ao ngoại tình bao hàm sự thiếu tôn trọng đối với kẻ khác và với mình, do đó cũng ăn trộm điều thuộc về Thiên Chúa.
3) Chớ thề gian. Đức Kitô nói không được thề thốt gì cả. Có lẽ trong xã hội ta không còn tục lấy Danh Chúa mà thề. Song lời Chúa nói đây vẫn còn ý nghĩa. Nếu ta không phải cầu xin Chúa đứng ra bảo đảm cho sự thật của ta, thì ta vẫn có thể xin Người soi sáng lòng chân thành của mình. Ta có thể và phải tự vấn về chính mình ta và xem xét những điều ta quả quyết và những cái ta phủ quyết có được Chúa nhìn thấy là đúng hay không.
24.Đừng sợ trèo lên thang.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)
Một bé trai đang thả môt con diều, cho tới khi con diều bị vướng vào một cành cây. Nó liền chạy vào nhà và yêu cầu ba nó lấy giúp nó con diều. Người cha liền cầm tay nó dắt đi và nói: “Hãy đi với ba”. Họ đi vào trong nhà xe, ông chống thang dựa vào thân cây rồi bảo đứa bé: “Con hãy trèo lên thang và lấy con diều của con”. Nhưng đứa trẻ sợ hãi và kêu lên: “Không, con sẽ ngã mất!”. Ông bố nhấn mạnh “Hãy trèo lên thang, bố sẽ ở đây đỡ con, nếu con rớt xuống”. Run rẩy nhưng bây giờ đã quyết, đứa bé bắt đầu từ từ bò lên thang và cố gắng gỡ con diều ra. Nó đã đi xuống an toàn và nở nụ cười thật tươi, ôm lấy ba nó và nói: “Con đã làm được rồi!”.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta trèo lên một cái thang, bài Phúc Âm hôm nay là một phần bài giảng trên núi của Người. Trong bài giảng trên núi, Người khẩn nài chúng ta làm việc để đạt tới những lý tưởng cao vời, không phải thỏa mãn những bậc nhỏ xíu của chiếc thang, trong quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Trên hết, Người không muốn chúng ta rời xa điều ấy để tới những điều khác, các thánh, những người đã đi theo những lý tưởng mà Người đã giảng dạy và họ đã trở nên gương mẫu.
Trong lúc giận dữ chúng ta có thể nói: “Tôi có thể giết anh đấy”. Dĩ nhiên chúng ta không muốn nói như thế. Trước lúc giận dữ chúng ta vẫn muốn chịu đựng cơn giận theo lý tưởng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta theo. Chúng ta có thể sợ hãi khi nghe những chuyện cãi cọ nhau trong nhà nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải tránh những lời thóa mạ. Chúng ta có thể than khóc về những lố bịch mà trên TV hoặc phim ảnh, chúng trình bày những cảnh ân ái dành cho những người trưởng thành, nhưng Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta không được nghe các ước muốn xấu trái với những gì Người trông đợi nơi chúng ta.
Có điều gì đó hơi “sốc” khi Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng nếu có một người nào đó có điều gì chống đối chúng ta, chúng ta phải để của lễ tại bàn thờ mà đi giảng hòa cùng người đó trước đã. Chúng ta có dám thực hành điều đó theo nghĩa từng chữ không? Hầu hết mọi người chúng ta có dám bỏ Thánh Lễ để đi tìm người mà chúng ta đã xúc phạm để giảng hòa không? Việc bắt đầu cầu nguyện bằng sự giảng hòa là quyết định tìm kiếm sự tha thứ.
Khi chúng ta lắng nghe cách cẩn thận những lời của Chúa Giêsu trong bài giảng của Người hôm nay, chúng ta có thể kết luận rằng, Chúa Giêsu dạy chúng ta tình yêu dành cho Thiên Chúa không tách biệt tình yêu dành cho người lân cận của chúng ta. Thật là một lỗi nghiêm trọng để hành động nếu chúng ta đặt quan hệ của mình với Thiên Chúa với tư cách cá nhân và riêng tư, không có gì để làm với tha nhân. Khi chúng ta hiểu biết Thiên Chúa như một người Cha, chúng ta phải dành tình yêu của mình cho tất cả con cái của Người.
Những lý tưởng này có thể làm cho chúng ta nhát sợ. Nhìn thẳng vào chúng có thể làm cho chúng ta sợ hãi. Như đứa trẻ muốn cứu con diều của mình, phải thay đổi cách suy nghĩ thế nào. Điều đó không xảy ra cho nó khi nó cố gắng lấy con diều theo cách của nó cho đến khi ba nó dạy cho nó cách thế. Ngay lúc đó, nó vẫn sợ ngã. Trong bài giảng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường mà chúng ta sẽ đi theo như những môn đệ của Người. Chúng ta phải tin rằng, khi chúng ta cố gắng trèo lên cao hơn Người sẽ ở với chúng ta, để đỡ lấy nếu chúng ta sa ngã và đặt chúng ta trở lại an toàn, để chúng ta có thể cố gắng lần nữa. Trong Thánh Lễ, Người ban cho chúng ta sức mạnh chúng ta cần, nhờ của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Chúa.
Chúng ta không bao giờ hỏi rằng: “Chúng ta phải làm gì để tránh tội?”. Chúng ta hãy lắng nghe lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy trèo lên thang”.
25.“Thầy nói cho các con biết!”.
Chúa Giêsu không đưa ra một luật mới nhưng là một cách mới để hiểu luật cũ và mọi luật lệ khác. Chúng ta không phải là những người không có luật lệ. Nói “chỉ cần yêu là đủ” là đúng nếu chúng ta thêm rằng đây là một điều luật và phải áp dụng luật đó với những chi tiết luật rõ ràng: đừng giận hờn, đừng có ý xấu, đừng ly dị, có thì nói có không thì nói không, đừng trả thù, yêu thương chính kẻ thù của chúng ta.
Có những điều rất khó thực hành đến nỗi chúng ta cảm thấy ở trong một bầu không khí rất đặc biệt: sự bó buộc vô cùng của Tin Mừng. Bao lâu chúng ta không lượng định sự bó buộc này thì chúng ta vẫn ở trong môi trường lề luật mà Chúa Giêsu mạnh mẽ chống lại. Đó là dấu hiệu cho thấy sự cám dỗ rất mạnh và rình rập tất cả chúng ta.
Kiểu nói trịnh trọng (“Thầy nói cho các con biết!”) là một sự khiêu khích. Ngài nói với ai câu này: “Nếu các ngươi không ăn ở chính trực hơn các luật sĩ và Pharisêu, các ngươi chẳng được vào Nước Trời?” Ngài nói với những người khâm phục sự thông tuệ thực sự của các luật sĩ và nỗ lực nên thánh của các Pharisêu.
Vậy đâu là điều xấu? Hay đúng hơn đâu là sự thiếu sót bởi vì phải vượt qua sự thiếu sót đó? tôi không thể nói chi tiết sáu điều đối kháng nhau “Người ta nói với các con, phần Ta, Ta bảo các con”. Tôi chỉ mời gọi các bạn suy niệm về động thái sâu xa phát xuất từ công lý của Pharisêu để dẫn dắt chúng ta đi xa hơn bằng một cách khác!
Dầu sao thì tôi cũng lầm khi nói về “những điều đối kháng”, mà là có sự liên tục. Chúa Giêsu nói rõ điều đó với chúng ta. Đây không phải là vấn đề bỏ rơi luật cũ để xây dựng luật hoàn toàn mới: “Các con đừng nghĩ rằng TA đến để phá luật lệ hoặc lời các tiên tri. Ta đến không phải để phá mà để làm cho hoàn hảo”. Đây không phải là vấn đề tôn trọng quá khứ, lại càng không phải là lòng luyến tiếc quá khứ. Chúa Giêsu tự do đối với tất cả đến nỗi sự tự do tuyệt đối duy nhất này là một trong những dấu hiệu của thần tính của Ngài. Ngài nói một cách ung dung: “Ta đến để...” Môisê nào, sứ ngôn nào có thể nói lên một điều như thế? Trước Ngài người làm luật và vị sứ ngôn nói nhân danh Chúa, phát xuất từ cuộc sống của mình và từ các biến cố. Chúa Giêsu nói với tư cách là Chúa, phát xuất từ một nguồn gốc huyền bí và một sự hiểu biết rõ ràng về các khả năng của con người cũng như về những bó buộc của Chúa. Ngài là người làm luật tối cao và quyết định. Sau Ngài, không ai quả quyết rằng: “Chúa Giêsu đã nói thế này, nhưng tôi bảo cho các bạn biết...”
Và dầu vậy, Ngài nhắc lại điều “đã được phán dạy” (cách nói kín đáo và tôn trọng có nghĩa là”Thiên Chúa đã nói”). Rõ ràng đó là lời của Thiên Chúa. Lời đó có bất toàn hay không? Ở đây chúng ta đứng trước điều mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta: sự vượt lên trên. Qua nhiều tiếng nói Thiên Chúa đã đề ra những điều luật chính yếu: chớ giết người, đừng ly dị, sống chân thật, giới hạn sự trả thù. Điều đó đã được thích nghi với những thời kỳ khó khăn và nay vẫn còn giá trị. Nhưng chỉ có điều là hành động mà thôi! Điều này đòi hỏi đừng làm bất động cái gì cả, đừng giam hãm công bằng và sự thánh thiện trong một danh sách những điều phải làm hay không được làm: phải có khả năng phản ứng tốt trước điều mới lạ.
Chúa Giêsu không phải đến để thêm vào một vài qui định tinh tế hơn mà là để mạc khải bí mật làm cho luật lệ tinh tế hơn. Chữ nghĩa trong luật là rất cần thiết (“Dầu một nét trong luật cũng không bỏ qua được”) nhưng chi tiết luật đó chỉ có giá trị nhờ tinh thần mà chúng ta chu toàn. Chúa Giêsu cho chúng ta biết chỉ có một tinh thần mà thôi, đó là tình yêu thương. Chúng ta có thể gọi đó là luật mới, nhưng tốt hơn nên xem đó như là nguyên nhân và thước đo của mọi luật lệ.
Hoặc là sự quá mức! Đó là điều làm cho cuộc sống của người Kitô hữu rõ ràng vàkhó khăn biết bao! Không phải là tự hỏi chúng ta có thể tiến bước mà không phạm tội cho tới đâu, nhưng chúng ta có thể yêu thương đến cùng như thế nào:
“Chúa Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương họ cho đến cùng”. Thánh Gioan nói như thế khi bắt đầu thuật lại cuộc khổ nạn. Đó là sự vượt lên trên được dạy ở đầu bài giảng trên núi. Từ việc “chớ giết người!” trong luật cũ đến “Hãy yêu thương kẻ thù của ngươi!”, sự vượt lên trên không phải là một sự đối kháng hoặcmột điều được thêm vào. Đó chính là sự điên rồ của Tin Mừng: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành”.
Bạn hãy đi xa hơn tất cả những gì bị cấm đoán hoặc được qui định, bạn hãy đi xa hơn tình yêu thương. Chắc chắn, không được giết người, nhưng có biết bao nhiêu cách để làm hại kẻ khác. Bạn hãy hồi tâm thật sự, xua đuổi những ước muốn làm hại nhỏ nhặt nhất. Bạn hãy xem xét ý muốn yêu thương, chữa trị nó nếu nó bệnh hoạn, củng cố nó nếu nó yếu đuối. Khi bạn thật sự muốn yêu thương, thì bạn sẽ hoàn toàn gắn bó với Chúa Kitô. Thế là bạn có thể nghĩ ra cách sống giữa các luật lệ.
26.Chúa Giêsu kiện toàn Lề Luật
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)
Tin mừng Mt 5: 17-37: Không chỉ huỷ hoại sự sống thể xác mới phải ra toà, nhưng chỉ mới giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã đủ để lãnh án nặng nề, vì đó là con đường dẫn đến tội giết người...
Có câu chuyện kể rằng: Một chiều tối nọ, nước lũ cuồn cuộn ập đến. Ông Lưu khi thấy nước lũ đã dâng đến mặt cầu, ông mới chống gậy, vịn thành cầu, dắt theo đứa cháu từ từ lội qua cầu.
Đang đi, ông bỗng phát hiện một nhịp bị nước lũ cuốn đi. Thật nguy hiểm quá! Nếu không có cái thành cầu hai ông cháu sẽ chìm sâu trong biển nước. Thế là họ vội quay lại, dự định sẽ leo lên ngọn núi nhỏ sau nhà để tránh lũ.
Hai ông cháu vừa về đến đầu cầu thì thấy một chiếc xe hơi đang chạy tới.
Ông Lưu lập tức giơ cây gậy ra để chặn đầu xe và hét lớn:
“Cầu hư rồi”.
Không biết sao tài xế không những không dừng xe mà còn tăng tốc, bất chấp cây gậy cản phía trước, lao về phía cầu và lập tức bị chìm xuống đáy sông.
- “Ông ơi, vì sao chú ấy lại tự tìm lấy cái chết?”.
. “Cháu không hiểu rồi. Chú ấy không phải muốn tìm cái chết mà là muốn được sống. Chú ấy tăng tốc là muốn nhanh chóng thoát chết”, ông vừa nói vừa đi nhặt cây gậy bị xe cán gãy làm đôi.
- “Ông đã giơ gậy lên, vì sao chú ấy không chịu dừng lại?
. “Tiếng mưa gió lớn quá, chú ấy không nghe được tiếng ông, chú ấy tưởng rằng ông cháu mình muốn quá giang để thoát nạn. Chú ấy không muốn vì chúng ta mà lỡ mất thời gian quý báu. Nhưng chú ấy đâu biết rằng phía trước là con đường chết. Tiếc rằng gậy ông quá ngắn, không thể cản được chú ấy”.
- “Sao chú ấy lại dám tông gãy gậy ông?”.
. “Vào giây phút sinh tử, đừng nói tông gãy một cây gậy, thậm chí còn có thể tông cả vào ông, cán qua người ông để lao về phía trước nữa đấy”.
- “Ông ơi, nước lũ càng lúc càng lớn, ông cháu mình hãy leo lên núi nhanh lên, nếu không sẽ mất mạng đấy”.
. “Ông còn phải đợi một chút. Cháu nghe xem, lại có tiếng xe chạy đến.
Và ông đã lấy chính thân mình để chận chiếc xe lại.[1]
Ông lão cứu họ, mà họ lại cứ tưởng ông muốn đi nhờ xe, để rồi đi đến chỗ chết.
Chúa Giêsu đến hoàn thiện Lề Luật để giải thoát giới lãnh đạo Do Thái mà họ lại cứ cho rằng Chúa đến phá hủy Lề Luật.
Chúa không đến huỷ bỏ Lề Luật nhưng kiện toàn Lề Luật.
Chúa Giêsu đi thẳng vào nguồn ngọn, vào đáy lòng và lương tâm, nơi xảy ra đích thực mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Giá trị luân lý của hành vi không nằm ở vẻ bên ngoài, nhưng ở những quyết định từ bên trong.
Chúa Giêsu đến hoàn thành Lề Luật theo nghĩa là Người vươn tới thế giới lương tâm chớ không phải chỉ giữ luật theo hình thức bên ngoài.
Chúa nêu ra một số điểm cụ thể như sau:
1. Chớ giết người
Không chỉ huỷ hoại sự sống thể xác mới phải ra toà, nhưng chỉ mới giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã đủ để lãnh án nặng nề, vì đó là con đường dẫn đến tội giết người.
2. Chớ ngoại tình
Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật Mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và lãnh trách nhiệm bảo vệ người bạn đời của mình. Điều răn này nhằm bảo vệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Song ý nghĩa nó đi xa hơn, sâu hơn nhiều. Chúa Giêsu đặt nó vào bình diện của ước muốn.
Chính lòng ước muốn sẽ đưa con người đến chỗ ngoại tình.
3. Chớ thề gian
Luật cũ cấm phản bội lời thề. Còn Đức Kitô nói không được thề thốt gì cả, nhưng có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là ma quỉ.
Anh chị em thân mến,
Tình yêu chính là Luật Mới đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi:
“Ta không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”, nghĩa là Đức Giêsu công bố lại mục đích nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.
Luật Mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới:
“Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”. Do đó, chúng ta không lạ gì lối giữ đạo duy hình thức, vụ Lề Luật của các luật sĩ và các nhóm Biệt Phái thời Chúa Giêsu, đã bị chính cuộc sống của Chúa Giêsu vạch trần là giả hình là “mồ mả tô vôi”:
Giữ luật chi li, nhưng là để cho bản thân mình nổi danh đạo đức trước người khác và tự mãn nơi lòng mình. Tệ hơn nữa là hạng người mượn danh “Luật Chúa” để kết án người tội lỗi và người nghèo khổ nên Chúa Giêsu đã bảo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
Chúa Giêsu đã cảnh báo những người đương thời với Chúa và Chúa cũng cảnh báo con người chúng ta hôm nay. Amen.
--------------------
[1] QUANG TỊNH, Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ, trg.141-143
27.Nên công chính hơn
(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Đoạn 5,17-37 thuộc về phần chính của diễn từ trên núi (5,17-7,12). Có thể phân chia phần nầy ra như sau: – Dẫn nhập (5,17-20) vào phần chính 5,21-7,12. Hai từ “lề luật” và “ngôn sứ” đóng khung đoạn nầy (cc. 5,17 và 7,12). Phần chính nầy có thể chia thành ba: 5,21-48, 6,1-18, và 6,19-7,12.
Về phần 5,21-48, câu 20 vừa là kết luận, bởi từ gar, của đoạn 17-20, vừa là câu mở đầu cho phần chính tiếp theo sau, bởi cụm từ “Tôi bảo anh em” (c. 20. 22. 28. 32. 34. 39. 44), và từ “hơn”, perisseusē (c. 20)/perisson (c. 47) đóng khung phần nầy lại. Dựa vào sự phân bố của cụm từ “Anh em đã nghe bảo (người xưa)” (5.21. 27. 31. 33. 38. 43) phần chính được chia thành hai dựa vào từ palin, “lại nữa” (c 33). Và mỗi phần lại chia thành ba phân đoạn nhỏ với mỗi chủ đề khác nhau: giết người (5,21-26), ngoại tình (5,27-29), bỏ vợ (5,31-32), và thề gian (5,33-37), mắt đền mắt (5,38-42), yêu thân cận, ghét kẻ thù (5,43-48).
Đoạn 5,17-20 dẫn vào phần Chúa Giêsu sẽ hoàn tất một số lề luật (5,21-7,12). Các câu 17-19 nói về “lề luật”, câu 20 nói về sự công chính của người môn đệ. Câu 20 kết luận cho đoạn 5,17-19, “gar”. Câu 18 “Tôi bảo anh em” liên kết đoạn nầy (cc. 17-19) với phần chính (5,21-48). Vậy đoạn 5,17-19 liên hệ với đoạn chính như là phần dẫn nhập. Bố cục của đoạn 5,17-20 gồm: – Khẳng định về việc Chúa hoàn tất lề luật (c. 17), – Lề luật cũ vẫn có giá trị (c. 18), – Tuân giữ hay không tuân giữ lề luật (c. 19), – Khẳng định về sự công chính (c. 20).
Chủ đề chính của đoạn 5,17-20 liên quan đến “lề luật và các ngôn sứ”. Trong khẳng định mở đầu, Chúa Giêsu quả quyết là Ngài đến để hoàn tất lề luật (c. 17b). Ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải qua các ngôn sứ và lề luật (1,22,2,15. 17. 23, 4,14, 8,17, 12,17, 13,35, 21,4, 26,56). Khi từ nomos được dùng một mình thường chỉ các khoản luật của trong lề luật của Môsê (12,5; 22,36, 23,23). Khi được dùng chung “lề luật và các ngôn sứ” (5,17, 7,12, 11,13, 22,40), chỉ toàn bộ giáo huấn mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước, được tính cho đến thời Gioan Tẩy giả (11,13; Lc 16,16).
Động từ plēroō, 16 lần, “hoàn tất” liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu và sứ vụ của Ngài. Ngài đến để hoàn tất, bằng hành động hơn là lời nói, “điều đã được nói qua các ngôn sứ”: – Ngài không hủy bỏ chúng, kataluō (c. 18), như phá hủy đền thờ (26,61, 27,40); – mà thực hiện điều đã được tiên báo và được hứa trong bản thân Ngài, như: việc hạ sinh (1,21), di chuyển và cư ngụ (2,15tt), chịu phép rửa (3,15), lề luật (5,17), chữa lành bệnh tật (8,17, 12,17), giảng dạy (13,35), chịu thương khó (26,54.56); – Ngài làm cho “lề luật và các ngôn sứ” nên đơn giản hơn và cốt yếu hơn (22,38-49).
Ngài hoàn tất lề luật vì đó là ý muốn của Cha Ngài. Bởi đó ngay từ đầu, Ngài đã khuyên nhủ là đừng nghĩ tưởng sai về Ngài. Cụm từ “Anh em đừng nghĩ”, mē nomisēte, có nghĩa là điều anh em đang nghĩ là không đúng (10,34). Động từ nomisō, “nghĩ, tin, xem xét”, “làm điều gì đó theo thói quen, tập quán”. Động từ nầy có cùng gốc với nomos, “thói quen, tập quán”, trong tân ước có nghĩa là “lề luật”. Trong câu 18 Chúa Giêsu nói đến tính hợp pháp của lề luật. Iota là một chữ nhỏ nhất trong mẫu tự tiếng Hipri, yoth; và keraia, là chấm/đường nhỏ dùng trong ngữ pháp tiếng Hy lạp. Ý nghĩa là ngay cả một phần nhỏ của lề luật cũng không được hủy bỏ.
Để kết luận đoạn nầy, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải nên công chính hơn “các kinh sư và biệt phái”. “Các kinh sư và biệt phái” đại diện cho những người nắm giữ lề luật và “truyền thống người xưa” (15,1tt), đại diện cho Môsê giảng dạy lề luật (23,2), nhưng những việc họ làm không đáng được noi theo (23,3tt). Cách sống của họ sẽ được Chúa Giêsu nói đến trong phần tiếp theo, và Ngài muốn các môn đệ của Ngài sống “hơn” họ trong đường công chính. Xem các thí dụ về bố thí (6,2-3), cầu nguyện (6,4-8), ăn chay (6,16-18). Vậy người môn đệ phải tuân giữ lề luật, nhưng đó là lề luật mà Chúa Giêsu sẽ hoàn thành (5,21-48). Ngài sẽ chỉ cách dứt khoát cho họ thấy phải sống như thế nào. Tất nhiên, cách tuân giữ nầy “phải công chính hơn”, nghĩa là đúng với ý Thiên Chúa hơn. Vậy hoàn thành lề luật về phía Chúa Giêsu là làm theo thánh ý Chúa Cha (3,15), và về phía các môn đệ, “công chính hơn” cũng là làm theo ý muốn của Cha qua lề luật được hoàn thành bởi Chúa Giêsu.
Nên Công Chính hơn (5,21-48)
Đoạn nầy Chúa Giêsu sẽ nói đến 3 trường hợp: giải quyết bất hoà; cách hành xử với người nữ, tương quan với sự thật. De trong cụm từ “Còn Ta, Ta bảo các ngươi” (cc. 22. 28. 32. 34. 39. 44) khác với alla, “nhưng”, không mang ý nghĩa tương phản hay phản đề, mà sự siêu việt, trổi vượt (6,29; 8,10-11; 12,5-6); bởi nó có thể dịch là “tuy nhiên”, thậm chí “và”. “Tôi”, ego, đứng đầu có tính cách nhấn mạnh và khẳng định đối lại với Mosê, người ban lề luật nầy ra cho dân Israel.
Về Bất Hòa Với Anh Em (5,22-26)
Phần nầy đóng khung bởi” Tôi bảo các con/con” (cc. 22.26). Từ chính “anh em”, adelphos, (cc. 22[2x].23.24). Đoạn nầy có thể phân thành 3 phần: – Giết người và hình phạt (cc. 21-22), – Bất hòa và hoà giải với anh em (cc. 23-24), – Mắc nợ và hình phạt (cc. 25-26).
Ở đây Chúa Giêsu đề cập đến giới răn giết người trong bối cảnh của sự bất hòa, xung đột (cc. 23-26). Phần đầu của câu 21 “Ngươi chớ giết người” trích từ Cựu ước (Xh 20,13, Đnl 5,17), phần hai “Ai giết người…” không tìm thấy trong Cựu ước; đó là một quyết định thuộc về luật pháp liên quan đến tội nầy (Xh 21,12; Lv 24,17). Krisis, chỉ “sự phán xét”, cũng có nghĩa là “toà án”. Ở nhiều thành địa phương tại Palestina, có một toà án gồm bảy người để xét xử (Dan 7,10.26; Đnl 16,18; 2 Biên sử 19,6). Ở đây Ngài đưa ra ba trường hợp khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau về bản chất. “Nổi giận”, orgizōmai, thái độ bất bình bên trong. Thái độ nầy là bước đầu tiên dẫn đến giết người (18,34; 22,7), nên cũng bị xét xử như giết người. Rồi hai hình thức biểu lộ ra bên ngoài sự giận dữ: gọi anh em mình là raqa, “người đầu trống, đồ ngốc” và mōre, “đồ khùng”. Trường hợp trước bị “đưa ra Công nghị”, nghĩa là bị xét xử ở mức tòa án cao hơn. “Công nghị”, synedrion, là hội đồng xét xử tối cao gồm 71 người tại Giêrusalem. Trường hợp sau là “chịu lửa hoả ngục”, gehenna, bởi Thiên Chúa (5,29tt, 10,28, 18,9).
Phần hai đưa ra một minh họa về sự bất hoà (cc. 23-24). Các câu nầy có cấu trúc đối đảo:
“Dâng lễ vật của ngươi…” (c. 23a)
“Anh em ngươi có điều chống đối/nghịch với ngươi…” (c. 23b)
B’. “…Làm hoà với anh em ngươi” (c. 24a)
A’. “…Dâng lễ vật của ngươi”
Trung tâm của cấu trúc nầy là việc “chống đối/nghịch với ngươi” và mệnh lệnh “đi làm hoà với anh em ngươi”. Điều “chống đối/nghịch với ngươi” mang nhiều hình thức khác nhau, nhiều mức độ khác nhau: tấn công, gây thương tích, chửi bới, và cách tệ hại nhất là giết chết (c. 21). Trong các câu trên (cc. 21-22), Chúa Giêsu không chỉ kết án hành động giết người, mà cả sự nổi giận trong lòng – vì nó thường đi trước hành vi giết người, sự sỉ nhục bằng lời nói. Hình phạt cho các trường hợp trên có tính cách tăng dần, và nhất là đi từ hình phạt/xét xử của con người sang hình phạt/xét xử của Thiên Chúa. Và hình phạt lửa hỏa ngục, gehenna, thì không thể thu hồi nữa một khi đã bị ném vào đó; khác với việc ở trong ngục tù cho “đến khi trả hết đồng xu cuối cùng” (c. 26). Vậy cách tốt nhất Chúa Giêsu bảo chúng ta phải làm là đi làm hoà với người chống đối/nghịch với mình. Câu “trước tiên hãy đi làm hoà… rồi đến dâng của lễ” là cách nói nhấn mạnh việc làm hoà. Từ “trước tiên” gắn liền với động từ “đi”, hupagō (x. 5,24, 7,5, 12,29). Chủ đề nầy nổi bật trong Matthêô (6,14-15; 18,21-35)
Về Cách Cư Xử Với Người Nữ (cc. 27-31)
Sang phần tiếp theo Chúa Giêsu nói đến cách hành xử với người nữ: vợ của người khác (5,27-30) và vợ của mình (5,31-32).
Vợ Của Người Khác (cc. 27-30)
Phần đầu nầy liên quan đến giới răn “Chớ ngoại tình” (Xh 20,14, Đnl 5,18). Cũng như trường hợp trên, Chúa Giêsu không chỉ nói đến hành động “ngoại tình”, mà cả ý muốn xấu. Câu “Pas blerōn…”, “Ai nhìn…” làm chức năng như một câu điều kiện, và pros + động từ nguyên mẫu: chỉ mục đích (6,1, 23,5, 26,12; BDF, § 402,5). Và trong Cựu ước luật Môsê cấm việc “ước muốn vợ người lận cận” (Xh 20,17). Ở đây Chúa Giêsu đã liên kết Xh 20,14 và 20,17, và đưa ra phán xét là chỉ sự việc ước muốn vợ người ta là đã phạm tội ngoại tình trong lòng rồi.
Để ngăn ngừa việc phạm tội trong ý muốn, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “móc mắt” và “chặt tay” (cc. 29-30). Các hành động nầy, trong câu điều kiện, đi trước hành động “gây dịp tội cho ngươi”, skandalisei se, tương tự như ước muốn đi trước hành động (c.28). Nếu dẹp bỏ đi ước muốn xấu, hành động xấu sẽ không xảy ra. Nếu “móc mắt” trước, thì sẽ không có cơ hội phạm tội bởi cái nhìn; và bởi đó khỏi bị ném vào lửa hỏa ngục. Vậy trước khi có hành động diễn ra, đã có ý muốn rồi. Muốn có hành động tốt, phải kiểm soát ý muốn trước.
Vợ Của Mình (cc. 31-32)
Phần sau nầy nói đến cách hành xử với vợ của mình. “Ai bỏ vợ thì cho vợ ly thư” (c. 31). Quy định nầy nhắm vào người vợ (Đnl 24,1-4). Theo mô tả trong đoạn nầy người chồng có quyền bỏ người vợ mà ông không hài lòng, và cho người vợ ấy ly thư để có thể lấy chồng khác. Đối với Chúa Giêsu, Ngài không chấp nhận chuyện li dị (19,9; Mc 10,11, Lc 16,18). Tuy nhiên ở đây Ngài nói đến một ngoại lệ có thể trao cho người vợ ly thư là khi “người vợ porneia”. Từ porneia phân biệt với moicheia (5,32, 15,19). Moicheia nghĩa là “ngoại tình” (5,27.28, 19,18). Porneia trong trường hợp nầy có thể hiểu là ràng buộc hôn nhân bất hợp pháp với người có liên hệ huyết tộc gần do việc đã chung sống với nhau (Lv 18,6-18; Cv 15,19-20.29; 1 Co 5,1); bởi đó các bản văn dịch khác nhau: “trừ phi là nó (người vợ) dâm bôn” (Nguyễn Thế Thuấn), “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” (Phụng vụ giờ kinh); thật ra từ porneia không có nghĩa là “hôn nhân bất hợp pháp”, mà là “dâm bôn”, “loạn luân”, “ngoại tình”. Nên bản dịch sau có tính cách diễn nghĩa thì đúng hơn.
Thề (cc. 33-37)
Trạng từ palin, “lại” và lập lại công thức “Các ngươi nghe…” (cc. 21. 33) bắt đầu một phần mới. Phần hai nầy (5:33-48) gồm ba phân đoạn: – Thề (5:33-37), – Không chống lại sự dữ (5:38-42), – Yêu thương kẻ thù (5:43-48). Cấu trúc của đoạn 5:33-37 tương tự như các đoạn khác, gồm một trích dẫn Cựu ước (c. 33, và sau đó là lời của Chúa Giêsu (cc. 34-37). Đặc điểm của đoạn nầy là lần đầu tiên Chúa Giêsu ra một lệnh cấm (c. 34), và lệnh cấm nầy được diễn giải trong ba mệnh đề bắt đầu bởi “mēte en…” và giải thích bắt đầu bằng “hoti”, “Đừng lấy trời/đất/Giêrusalem mà thề, vì…” (cc. 34b-35). Các lời giải thích nầy đều qui hướng về Thiên Chúa; câu 36 lấy “cái đầu mình” mà thề. Và kết luận ở câu 37, trở lại dùng ngôi thứ hai số nhiều (c. 34). Chủ đề chính của đoạn nầy là sự thật trong lời nói.
Cựu ước cấm “thề gian” (Xh 20,7; Lv 19,12; Ds 30,3–15; Đnl 23,21–3; Zach. 8,17). Chúa Giêsu ra lệnh “Đừng thề gì cả!”; trạng từ holōs có nghĩa là “hoàn toàn”; trong Cựu ước có những trường hợp ngay cả Thiên Chúa và tổ phụ đã có thề (Kn 14,22, Xh 6,8…). Mệnh lệnh “Đừng thề gì cả!” trước tiên là để tránh thề gian (x. kinh sư và Pharisêô: 23,16-22, Phêrô: 26,74). Trời, đất và Giêrusalem (cc. 34b-35) không có giá trị và ý nghĩa trong chính nó để được dùng làm nên lời thề (23,16.18). Chúng chỉ có giá trị và ý nghĩa bởi quy hướng về Thiên Chúa. Đền thờ Giêrusalem được dùng để thề bởi vì Thiên Chúa ngự trong đó (23,21), cũng thế lấy “trời” mà thề vì đó là cái ngai Thiên Chúa ngự trên đó (23,22, Is 66,1; Tv 99,5). Câu 36 “lấy đầu mình mà thề” cũng qui chiếu về Thiên Chúa: chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho sợi tóc ra trắng hay đen được (c. 6,27, 10,30-31); con người thì bất lực.
Tiếp đến “Đừng thề gì cả!” là ngay cả đối với Chúa cũng không được thề. Khi “lấy Thiên Chúa” qua – trời, đất, Giêrusalem – mà thề nghĩa là dùng uy tín của Thiên Chúa để làm chứng cho lời nói của mình. Thiên Chúa không phải thế (x. Lc 12,14). Trái lại, lời nói của con người phải chân thật vô điều kiện trong mọi tình huống, chứ không chỉ trong những trường hợp đặc thù “Lời của anh em phải là có thì nói có, không thì nói không” (c. 37a; Giac 5,12). Lời nói phải chân thật như chính Thiên Chúa là Đấng chân thật và hoàn hảo (5,48); đối nghịch với ác tà (5,11).
Như Môsê mới, Chúa Giêsu dạy các giá trị mới dựa trên lề luật của Môsê. Ngài đến để hoàn tất lề luật để mặc khải cho con người ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa. Lề luật được hoàn tất nầy chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều hơn nơi các môn đệ của Ngài. Muốn nên công chính hơn các thầy dạy của lề luật cũ, người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải sống lề luật mới của Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam