Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 49
Tổng truy cập: 1360568
LÚC NÀY ĐÂY, NGÀI CÓ PHẢI LÀ ANH EM TÔI KHÔNG ?
LÚC NÀY ĐÂY, NGÀI CÓ PHẢI LÀ ANH EM TÔI KHÔNG ?
Hôm qua, có người đột nhiên nói với tôi: “Tại sao linh mục để cho người ta gọi mình là cha? Linh mục hãy đọc Tin Mừng thì sẽ rõ!”
Tôi đọc được trong Tin Mừng: “Các con đừng muốn cho người ta gọi mình là thầy, các con đừng muốn cho người ta gọi mình là tiến sĩ, các con đừng gọi ai là cha”. Chắc chắn ở đây có một bài học mà chúng ta phải rút ra.
Tôi nghĩ rằng không nên chú mục vào những danh hiệu bị Chúa Giêsu lên án. Loại bỏ các danh hiệu đó, các bạn sẽ tìm được hàng chục danh hiệu khác cần thiết trong cuộc sống xã hội: ông thị trưởng, ông Tổng thống, Đại uý… Người ta thay thế danh hiệu Ngài bằng Đức giám mục? Danh hiệu này chẳng thích hợp và cũng không thoát được sự lên án của Chúa Giêsu.
Thật ra sự lên án của Chúa Giêsu nhắm đến điều gì? Tại sao lại gán cho điều chỉ là một chút kiêu căng một tầm quan trọng như thế? Thực tế, có điều gì trầm trọng đang xảy và một sự vụng về rõ ràng về biên tập của Matthêu lèo lái chúng ta. Luôn luôn nơi Matthêu, điều đó là cố ý, rất được trau chuốt từng ly từng tí. Ngài bắt đầu bằng: “Tất cả các con đều là anh em”. Sau đó Ngài tiếp: “Các con chỉ có một Cha mà thôi”. Nhưng ý tưởng anh em đến nhanh hơn bởi vì trong văn mạch, ý tưởng này là ý tưởng chủ đạo, mặc dầu ý tưởng này rõ ràng liên kết với tư cách làm Cha của Thiên Chúa: “Tất cả các con đều là anh em, bởi vì tất cả các con đều có cùng một Cha trên trời”.
Ở đây chúng ta rất kiêu căng, Chúa Giêsu sửa chữa lại những quan hệ bị sai lệch, giống như những nhà chuyên môn sửa lại những cái xương bị trật khớp. Chúng ta khó chịu trong cơ thể xã hội khi các quan hệ sai lệch và đau đớn: khi ông chủ đóng vai tay anh chị thì những người thuộc quyền khúm núm. Vấn đề là không phải nói: “Ông thị trưởng”, mà là có một ông thị trưởng tốt. Bên dưới danh hiệu không quan trọng đến thế, có những thái độ, những tấm lòng, một tinh thần.
Trong xã hội các môn đệ của mình. Chúa Giêsu muốn có một tinh thần, một tinh thần dường như rõ ràng nơi Ngài đến nỗi quan hệ giữa Ngài với Chúa Cha là rất thắm thiết. Chúng ta đừng đụng đến điều đó, đừng ai chiếm chỗ của Chúa Cha, đừng ai dành cho một người nào đó một tầm quan trọng làm lu mờ Thiên Chúa.
Hậu quả cũng rất rõ ràng: giữa con người với nhau chỉ có thể có quan hệ anh em mà thôi. Những chức vụ cần thiết và những danh hiệu có ích không được làm thay đổi tinh thần “anh em”. Tôi có thể để người ta gọi mình là cha… nếu tôi có một trái tim anh em! Nhưng điều đó phải rõ ràng trong các lời nói và trong các thái độ của tôi, và đừng ai cám dỗ tôi tự cho mình là Thiên Chúa.
Khuynh hướng ma quỷ làm cho chúng ta trượt về phía kiêu ngạo sẽ luôn luôn làm cho việc suy niệm bài Tin Mừng này có ích. Than ôi! Chúng ta có thể viết cả một quyển sách về sự kiêu ngạo trong Giáo hội, y phục, tước hiệu, ngôi thứ, và ghê gớm hơn nữa, chuyên quyền, tự mãn. Sự việc có phần tốt đẹp hơn, nhưng để duy trì tinh thần của Chúa Giêsu, các thầy, các cha và các tiến sẽ tự giữ gìn là điều chưa đủ: trong dân Chúa, bất cứ ai cũng có thể nói với họ rằng “Lúc này đây, Ngài có phải là anh em của tôi không?”
23. “Họ nói mà không làm!” – Lm. Quốc Toản, CRM
Khi còn là một Đệ Tử Sinh, trong lớp tôi có một anh rất đạo đức và hiền lành, nhưng nổi tiếng là lười… Không bao giờ muốn làm nhưng chỉ muốn đứng chỉ tay năm ngón. Vì thế, anh có biệt danh là trưởng ban “H.Ô.” Chỉ biết đứng “HÔ” hào người khác làm còn chính mình thì không bao giờ rớ tay vào. Do đó, chẳng ai ưa.
Ai trong chúng ta chẳng quí mến người hay làm ít nói hơn người hay nói ít làm. Chính Chúa Giêsu cũng thế. Bằng chứng là trong Tin Mừng hôm nay, Ngài chỉ trích bọn Pharisêu, những kẻ cho mình là người chỉ dẫn dân chúng nhưng chính mình chẳng quan tâm gì đến những băn khoăn của con người. Ngài trách họ là “những kẻ nói mà không làm… buộc những bó nặng và chất lên vai người ta nhưng chính mình lại không muốn giơ ngón tay để giúp kẻ khác gánh vác” (x. Mt 23:1-4).
Chúa Giêsu là Thầy chỉ dậy chúng ta biết tìm đến sự sống. Ngài không chỉ dậy bằng lời nói nhưng bằng chính việc làm. Ngài đã vác gánh nặng của kẻ khác. Ngài chữa người ốm đau, trừ quỉ, và cho kể chết sống lại. Ngài dậy dân chúng về tinh yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, ăn uống với quân thu thuế và phường tội lỗi trong khi kêu mời mọi người thống hối. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu dậy các tông đồ (nhất là Phêrô) biết tha thứ cho chính mình vì đã chối Ngài. Đặc biệt nhất, tuy Ngài vô tội nhưng đã chết cho những kẻ có tội.
Chúa Giêsu không yêu chuộng kẻ giầu hơn người nghèo. Ngài khác hẳn với những người làm đầu mà tiên tri Malachi quở trách trong bài Đọc I hôm nay. Ngài đã làm gương cho ta bằng việc tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội, kính trọng mọi người.
Chúa Giêsu không hề để ý đến danh tiếng. Bằng chứng là mỗi lần chữa cho ai khỏi bệnh thì cấm họ không được loan truyền cho ai biết. Ngài luôn luôn hướng dẫn mọi người chú ý đến Nước Thiên Chúa hơn là chú ý đến chính Ngài. Ngài không ưa những kẻ muốn cho lời nguyện của mình được nói lên nơi công chúng và cho mọi người ái mộ vì những việc từ thiện mình đã làm.
Thánh Phaolô cũng noi gương Chúa Giêsu và dậy dỗ mọi người bằng gương sáng. Khi đến một nơi nào thì việc đầu tiên là ngài bắt đầu hành nghề làm lều rồi mới giảng dậy. Trong Bài Đọc II hôm nay, Thánh nhân ca tụng dân Thành Thesalônica vì đã đón nhận sứ điệp của ngài “không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy” (1 Thes 2:13). Thánh Phaolô đã giảng dậy bằng việc làm trong khi sống với họ và thà chết hơn là chối bỏ đức tin nơi Chúa Giêsu.
Là môn đệ của Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi theo Chúa làm gương sáng bằng việc làm như Thánh Phaolô. Ta có thể làm gương sáng ngay trong gia đình. Khi còn nhỏ ai trong chúng ta cũng đã nghe những lời Bố Mẹ nói, đồng thời cũng quan sát những việc các ngài làm cách rất chăm chú. Nếu có điều trái ngước giữa lời nói và việc làm thì ta chọn làm theo những việc các ngài làm hơn là những lời các ngài nói. Ngày nay, giới trẻ vẫn tin vào hành động hơn lời nói; chúng luôn nhớ những lúc người lớn bỏ giờ để lắng nghe những bận tâm của chúng, hiện diện với chúng cũng như theo dõi chúng trong những sinh hoạt tại nhà trường hoặc sân banh v.v.
Bạn tôi tuy rất tốt lành nhưng không ai ưa thích vì anh ta thuộc thành phần “H.Ô.” Bọn Luật sĩ và Pharisêu cũng bị Chúa trách cũng chỉ vì “nói mà không làm.” Chúa Giêsu và Thánh Phaolô dậy và nêu gương cho ta bằng cách dùng việc làm để hướng dẫn anh em… Tiệc Thánh Thể ta tham dự hằng ngày hoặc hằng tuần nhắc nhở chúng ta: Chúa Giêsu không chỉ nói; Ngài đã thí mạng sống để chúng ta thấu hiểu tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Những người chúng ta sẽ tiếp xúc hôm nay cần phải thấy Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria giúp chúng ta luôn biết minh chứng đức tin bằng việc làm để Chúa không trách ta như trách bọn Pharisêu, “nói mà không làm”.
24. Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường
Nếu không dẫn đường chỉ lối thì thôi. Nếu là người dẫn đường thế nào cũng có ngày lạc đường, ngoại trừ chỉ đi những con đường quen thuộc. Đi con đường quen thuộc ít bị lạc vì là đường quen, đi thường xuyên. Lạc đường xảy ra khi phải đi những con đường lạ, đường chưa quen, hoặc có lần đi qua, chỉ nhớ mài mại, không nhớ rõ. Trong trường hợp đó lạc đường có thể xảy ra.
Không muốn đứng đường, phải tìm đường. Tìm về đúng đường cần định rõ vị trí nơi đang lạc mới có thể định hướng về. Định đúng hướng phải biết cách nhìn hướng. Nhìn hướng có nguyên tắc nhìn. Không biết cách định hướng, coi như phó mặc cho may rủi. May thì tìm được đường về. Rủi sẽ vất vả, khổ sở hơn, đói khát và sợ hãi ập đến. Đó là chưa kể đến sợ ngủ đêm giữa rừng, sợ gặp rắn độc, thú dữ, sợ chết không ai biết để cứu.
Lạc đường đời là thế. Lạc đường tâm linh còn nguy hiểm hơn. Nguy hiểm nhưng không thấy lo lắng, sợ hãi vì nỗi sợ tâm linh không đến dồn dập. Người chỉ đạo đi sai coi như là lạc đạo. Tình trạng lạc đạo tồi tệ hơn lạc đường gấp bội. Lạc đường nếu chết cũng chỉ chết về thân xác, thể lí, linh hồn chưa chắc đã chết; trong khi lạc đạo chết cả thể lí lẫn tâm linh. Tệ hơn nữa người lãnh đạo đi lạc không lạc một mình mà lạc bầy, đàn, phe nhóm. Lạc đường do thành tâm, không cố ý lạc. Lạc đạo do gây nên bởi ngoan cố, cố tình, chủ ý, gây bè, kéo phái rủ nhau đi lạc. Cá nhân đi lạc thường lo lắng sợ sệt; trong khi phe nhóm đi lạc to tiếng, ồn ào, hiếu động mục đích vừa tìm vây cánh vừa gây tiếng vang làm át tiếng nói chân chính. Nước cờ của nhóm lạc đạo là lên tiếng chỉ trích, chê bai người lãnh đạo. Nếu không chê người lãnh đạo kì thị thì cũng ghép tội thiếu hiểu biết lắng nghe hoặc gán cho tiếng xấu để đề cao việc lạc đạo của phe nhóm mình. Nhóm lạc đạo lợi dụng tính khoan dung, nhân từ của Giáo Hội để lung lạc, làm yêu sách. Khi đạt được một vài điều đòi hỏi, ước mong nhóm đó coi là chiến thắng, thành công. Nếu yêu cầu của nhóm không đúng sẽ không được đáp ứng, được đáp ứng như thế là bề trên sai, mình đúng.
Bài Phúc âm Đức Kitô vạch rõ trần tâm lí khát khao lãnh đạo, thích hư danh, ảo vọng, tiếng vỗ tay, tiếng ca ngợi, lời khen. Họ thích phô trương công việc họ làm để thiên hạ thấy mà ngợi khen họ. Thích được gọi là thầy và vui mừng vì là người chỉ đạo, lãnh đạo nhóm.
Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là Thầy (Mt 23,7)
Chương đầu sách tiên tri Malaki cho biết kẻ lãnh đạo lạc đạo nếu không hối cải sẽ bị chúc dữ. Điều lạ là ngay những điều chúc lành, lời cầu xin của người lãnh đạo lạc đạo cũng biến thành lời chúc dữ.
Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi (Ml 2,2)
Lạc đạo không chỉ ảnh hưởng đến người đó mà còn ảnh hưởng đến đời con cháu nữa. Họ ca tụng, tán thưởng, khuyến khích, ban khen cho nhau. Người biết chuyện nhìn vào lại khinh chê, bài bác. Cuối cùng mọi chuyện bị lật tẩy họ bị khinh rẻ trước mặt người đời.
Đức Kitô kết luận:
Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên (Mt 23,12)
Để tránh lạc đạo chỉ có con đường duy nhất dẫn ta đến cùng Chúa. Con đường đó là con đường chính Đức Kitô mặc khải:
Thầy là đường, là sự thật và là sự sống (Gn 14,6)
Bởi vì chính Ngài là đường, không phải người dẫn đường mà là đường. Con đường chẳng bao giờ đi lạc chỉ có người đi trên con đường đó bị lạc. Đức Kitô là đường nên đường Ngài dẫn đi là con đường công chính, không bao giờ sai lạc. Để đi trên con đường đó, đi đúng đường, tiếng nói chân chính nơi trần thế là tiếng nói của Giáo Hội Chúa trên dựng trên con đường hoàn thiện là Đức Kitô. Chống đối, chê bai Giáo Hội là từ chối đi trên con đường toàn thiện là Đức Kitô.
25. Đạo đức thật và đạo đức giả
Có một bà vợ thường xuyên càu nhàu về tình trạng khô khan nguội lạnh của ông chồng. Hơn thế nữa, bà còn tỏ ra khinh ghét tất cả những hình ảnh ông đã xâm trên mình.
Ngày kia, trong một cố gắng nhằm cải thiện đời sống cũng như mối liên hệ với vợ, ông đã quyết định xâm hình Chúa Giêsu thật to trên tấm lưng của mình. Trở về nhà, ông hớn hở giơ tấm lưng trần cho vợ xem và hỏi:
– Bà có biết ai đây hay không?
Chẳng đợi cho vợ trả lời, ông liền nói:
– Chúa đấy.
Thế nhưng, bà vợ bỗng nổi giận đùng đùng và quát lớn:
– Thật là báng bổ. Chúa nào lại ở trên cái lưng bẩn thỉu và nhớp nhúa của ông.
Nói rồi, bà vơ lấy cái chổi và cứ thế quất vào tấm lưng của ông cho đến khi bật cả máu.
Sau trận đòn ấy, ông ra ngồi dưới một gốc cây và bật khóc. Ông khóc không phải vì trân đòn của bà vợ thuộc vào hạng sư tử Hà Đông, nhưng khóc vì nhận ra rằng mình không còn cách nào để làm đẹp lòng bà vợ luôn tự hào về tình trạng đạo đức của mình.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đọan Tin mừng sáng hôm nay và chúng ta dễ dàng nhận ra hai mẫu người đã được Chúa Giêsu nhắc đến. Mẫu người thứ nhất là những người luôn vỗ ngực tự hào vì mình công chính và đạo đức. Còn mẫu người thứ hai là những kẻ tội lỗi và bị xã hội loại trừ.
Chúng ta còn thấy được chân dung hai mẫu người này qua những lời giảng dạy cùa Chúa và nhất là qua những câu chuyện Ngài đã kể.
Chẳng hạn câu chuyện về người con phung phá.
Cậu em tượng trưng cho kẻ tội lỗi, còn người anh cả tượng trưng cho những người tự nhận mình là đạo đức và công chính. Khi nghe biết thằng em mình đã ăn năn sám hối, quay trở về và được người cha niềm nở tiếp đón, thì anh ta đã sừng sổ và giận dữ. Trong lúc người cha dịu dàng khoan dung, thì anh ta đã bực tức xỉa xói:
– Thằng con hư đốn của cha.
Chủ đích của câu chuyện dĩ nhiên nói về lòng nhân từ và khoan dung của Thiên Chúa, nhưng đồng thời qua đó, Ngài còn nhắm tới bọn biệt phái và luật sĩ vì đám người này đã tỏ ra bực bội và tức tối khi thấy những kẻ tội lỗi được Chúa Giêsu ân cần tiếp đón.
Và hơn thế nữa, họ vốn tự hào là những người đạo đức và công chính, để rồi có thái độ kinh bỉ, chỉ trích và gay gắt kết an những kẻ tội lỗi.
Chúng ta cũng thấy được chân dung hai mẫu người trên qua câu chuyện về người biệt phát và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện.
Người biệt phái thì huênh hoang tự đắc:
– Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì con chẳng phải là kẻ ham hố, bất lương hay ngọai tình. Con cảm tạ Chúa vì con không giống cái thằng thu thuế kia. Con dâng cho Chúa một phần muời hoa lợi của con…
Ngược lại, người thu thuế thì đứng ở đằng xa, cúi đầu, đấm ngực và khiêm tốn kêu cầu:
– Lạy Chúa, xin thương xót con vì con chỉ là một kẻ tội lỗi.
Và Chúa Giêsu đã kết thúc câu chuyện:
– Ta nói cho các ngươi hay khi trở về, không phải người biệt phái mà là người thu thuế được nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
Sở dĩ như vậy là bởi vì ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.
26. Đầy tớ
Ba người Kitô hữu đang thảo luận với nhau về những bản dịch Thánh Kinh mới xuất bản gần đây. Một người nói: “Tôi thích bản dịch Phúc âm của The New English Version. Nó dễ đọc hơn những bản dịch cũ. “Người thứ hai thêm ý kiến: “Tôi lại thích bản dịch của The New Jerusalem Bible. Nó hiện đại hoá ngôn ngữ mà không mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh”. Người thứ ba trả lời: “Tôi biết một bản dịch hay nhất. Đó là bản dịch của mẹ tôi. Bà đã chuyển dịch Thánh Kinh vào trong đời sống, và đó là bản dịch có sức thuyết phục nhất mà tôi chưa bao giờ thấy. Mẹ tôi là một con người đầy tình thương luôn luôn để tâm tới những nhu cầu của người khác một cách nghiêm chỉnh. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm khi Ngài sống trên trái đất”. Với ý kiến này, tất cả ba người đều đồng ý như vậy!
Thánh Matthêu đã diễn tả một cách rõ ràng cuộc đời phục vụ của Chúa Giêsu qua những công việc đầy tình thương và quan tâm tới những người bị xã hội bỏ rơi. Ngài đã chạm đến những người cùi, đã ôm và hôn những em bé, đã khoan dung với những người tội lỗi bị khước từ bởi những kẻ tự cho mình là đạo đức, đã chết cho những người hèn mọn nhất của con cái Thiên Chúa, không trừ một ai: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Tư tưởng chính trong các bài đọc hôm nay kêu gọi chúng ta, giáo sĩ cũng như giáo dân phải trở về với bản chất đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Đó là phải trở nên những người đầy tớ phục vụ trong tinh thần khiêm tốn của Thiên Chúa: “Anh em cũng đừng để ai gọi mình là lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.
Bài đọc thứ nhất, đến từ ngòi bút của tiên tri Malachi. Ngày xưa, Malachi đã viết những lời gay gắt về những vị lãnh đạo tinh thần của Israel trong thời đại của ông. Những lời tố cáo về sự cẩu thả trong phụng vụ, ban bố những hướng dẫn sai lạc, có những quyết định thiên vị… Dĩ nhiên, Malachi là một người giáo dân. Ông không giữ vai trò gì trong phẩm trật của đền thờ. Nhưng như là một giáo dân sùng đạo, ông đã nhìn thấy một số vấn đề về tôn giáo đáng bị quở trách, do đó, ông không thể im lặng. Lương tâm của ông đã bắt ép ông phải nói những lời khó nghe với những vị lãnh đạo tinh thần của mình: “Và giờ đây, hỡi các tư tế – linh mục – đây là lệnh truyền dành cho các ngươi: Nếu các người không nghe và không lưu tâm tôn vinh danh Ta, Đức Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ khiến các người mắc tai hoạ, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai hoạ”.
Nhiều năm sau, dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, những điều trên cũng vẫn chưa khá hơn. Lần này, sự phê phán đến trên những người Biệt phái và các Kinh sư “ngồi trên toà Môsê mà giảng dạy… họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không muốn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy… ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc… ưa được chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rabbi”.
Tôi rất thích nghe những bài giảng đầu tiên của các thầy sáu. Thích không phải vì chứng kiến sự run rẩy và lúng túng. Thích không phải vì tò mò nghe xem có cái gì mới lạ, thầy sáu có khiếu giảng thuyết hay không. Nhưng thích vì các thầy sợ! Sợ không phải vì đứng trước công chúng. Sợ không phải vì không biết nói gì – đã dọn sẵn rồi, đã qua lớp giảng thuyết rồi! Nhưng sợ và rụt rè vì lần đầu tiên đứng ra giảng không biết lời mình giảng có phù hợp với việc mình làm hay không. Lời lẽ trong bài giảng nghe có vẻ dè dặt và nhẹ nhàng. Không dám nói mạnh! Còn ngại miệng lắm!
Đấy là kinh nghiệm của riêng tôi, lần đầu tiên giảng dạy. Càng làm linh mục lâu năm, ăn nói càng bạo dạn. Và nói nhiều điều chính mình chưa thực hiện được. Đôi khi xem ra giữa cái tôi mình nói và cái tôi mình sống nó không mấy ăn nhập phù hợp với nhau. Càng không ăn nhập với nhau thì lại càng nói hăng, có lẽ để làm cho lương tâm bớt cắn rứt! Nói hăng và nói hay nữa. Nhưng lại được giáo dân khen là giảng hay! Càng hay tức là càng nói những lý tưởng cao cả mà mình chưa thực hiện được. Thật là xấu hổ và đáng bị Chúa mắng cho là “Họ nói mà không làm”!
Tôi không lấy làm lạ trước những điều Chúa Giêsu khiển trách các Biệt phái và Kinh sư, vì đó là mặt trái của chức vụ tư tế ở mọi thời đại. Người thuyết giảng thích được nổi tiếng và thường phát biểu những lời hay ý đẹp. Chủ tế thích sự uy nghi lộng lẫy của nghi thức bên ngoài. Lãnh đạo tôn giáo thích được tôn vinh và kính trọng như thần thánh. Có lẽ tự trong ý niệm của tôn giáo đã có một cái gì đó làm cho người ta cảm thấy rằng một số người đã đạt tới một mức độ cao hơn của đời sống thánh hiến, và bây giờ họ đáng được sự kính trọng hay đối xử đặc biệt. Sự kính trọng quá đáng của người giáo dân Việt Nam nơi các linh mục là một điển hình. Gặp các cha thì phải khoanh tay cúi đầu: “Con xin phép lạy cha ạ!” Lạy mà còn phải xin phép nữa!
Đối với tôi, chính ở điểm này, một cách nào đó, đã làm mờ nhạt ý nghĩa của ơn kêu gọi và bí tích truyền chức thánh để trở thành những người đầy tớ của Thiên Chúa như Công đồng Vatican II đã giải thích:
“Để bảo đảm cho dân Thiên Chúa có các vị chủ chăn và các phương tiện tăng trưởng, Chúa Kitô đã thiết lập trong Giáo Hội của Ngài những thừa tác vụ khác nhau để phục vụ lợi ích của tất cả thân thể. Đúng thế, các thừa tác viên có quyền chức thánh sẽ phục vụ anh chị em mình, để tất cả những ai thuộc về Dân Thiên Chúa có thể đạt tới ơn cứu độ”.
27. Đầy tớ
Con người mang lấy thừa tác vụ của Giáo Hội dễ lạm dụng chức thánh của mình và quên đi trách nhiệm phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Vào thời điểm lịch sử của Giáo Hội Công giáo Hoa Kỳ hiện nay, đang khi có những lời tố cáo về việc lạm dụng tình dục trẻ em bởi các linh mục và một số giám mục, hơn bao giờ hết, sự đòi hòi về tư cách lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm trở nên cấp bách và cần thiết. Và, một lần nữa, ai là những vị tiên tri nói lên những lời cảnh giác trong tình thế hiện nay của Giáo Hội? Họ lại là những người giáo dân giống như tiên tri Malachi!
Trong lúc theo dõi những diễn tiến của Hội đồng Các Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ ở Dallas vào tháng 6 năm 2002, những người giáo dân như Scott Appleby, giáo sư sử học của trường đại học University of Notre Dame, và bà Margaret O’Brien Steinfels, chủ bút tạp chí Commonweal, đã nói về các giám mục rằng các ngài đã thất bại thê thảm trong vai trò trách nhiệm của mình để chăm sóc những con người dễ bị tổn thương nhất, con cái của chúng ta. Có lẽ chưa bao giờ có một giai đoạn trong lịch sử Công giáo Hoa Kỳ, những người lãnh đạo tinh thần đã bị công khai chỉ trích bởi giáo dân như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có những lời chỉ trích thực sự mang tính chất muốn sửa đổi và xây dựng như hiện nay…
Dĩ nhiên, phê bình chỉ trích thường liên hệ với một lý tưởng. Sự phê bình về thái độ của các thầy tư tế của tiên tri Malachi và của giáo dân nhằm vạch ra một con đường tốt đẹp hơn cho đời sống tôn giáo. Tự bản chất của các thừa tác vụ là để phục vụ cho Chúa Kitô và Giáo Hội như sách Giáo lý Công giáo số 876 đã dạy: “Được gắn liền cách nội tại với bản chất bí tích của thừa tác vụ Giáo Hội, là đặc điểm phục vụ của thừa tác vụ này. Đúng thế, các thừa tác viên hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Kitô là Đấng ban sứ mạng và uy quyền cho họ, và họ thật sự là “những nô lệ của Chúa Kitô”.
Vấn đề phục vụ được Giáo Hội kêu gọi, không phải chỉ dành cho các giáo sĩ, hay tu sĩ, nhưng còn cho mọi người Kitô hữu như là môn đệ của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta bằng chính gương sáng của ngài trong thư thứ nhất gửi cho người Kitô hữu của Thêsalônica: “Trong khi chúng tôi ở giữa anh chị em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quý mến anh chị em đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh chị em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa…”
Những lời của thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm lắng nghe lời Chúa, công bố lời Chúa và sống lời Chúa. Tất cả chúng ta được gọi để sống một cách nguyên vẹn và đầy đủ vai trò “chăm sóc” mà thánh Phaolô diễn tả. Chúng ta được kêu gọi để cùng nhau làm việc biến đổi trái đất này thành vương quốc Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi để chăm sóc lẫn cho nhau, và đặc biệt những người đã bị tước đoạt mất những nhân quyền căn bản và những nhu cầu của họ vì bất công, bạo lực và vì sự lãnh đạo vô trách nhiệm. Chúa Giêsu đã gọi những người Kitô hữu bước theo Ngài là “ánh sáng thế gian”, có nghĩa là mỗi người Kitô hữu phải chia sẻ vai trò lãnh đạo của Ngài.
Tuy nhiên, bổn phận của chúng ta phải được thi hành trong tinh thần khiêm tốn như Chúa Giêsu khuyên dạy: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”. Chúng ta được gọi không phải để đóng vai trò quyền lực hay kiêu hãnh, nhưng để phục vụ như những người đầy tớ khiêm tốn của Thiên Chúa.
Trong những ngụ ngôn Aesop có kể câu chuyện “Ngựa và con lừa”. Ngày xưa, có người kia nuôi ngựa và lừa để chúng giúp việc trong nhà. Ông có thói quen bắt lừa phải chở hàng nặng đến gần quỵ, trong khi lại để ngựa thong thả theo sau với mớ đồ nhẹ tênh. Ngày kia, cả ba lên đường. Con lừa vì đau yếu mấy ngày nên than thở với ngựa rằng: “Tôi khó chịu quá! Anh chở hộ tôi ít món. Nếu không tôi chết mất”.
Con ngựa đá giò lái, bảo lừa im đi kẻo gây rắc rối cho nó. Con lừa im lặng, ráng bước thêm nửa dặm nữa rồi lăn ra chết. Ông chủ tháo hết hàng đặt lên lưng ngựa. Không những thế, ông còn đặt luôn xác của con lừa xấu số lên lưng ngựa nữa. Bấy giờ, ngựa mới than thở: “Than ôi! Bây giờ tôi mới thấy cái tai hại của tính ích kỷ”.
Vai trò của Chúa Giêsu được diễn tả trong Phúc âm thánh Matthêu là vai trò Người Đầy Tớ của Thiên Chúa. Chúng ta, các giáo sĩ tu sĩ và giáo dân, được gọi để chia sẻ những khả năng tinh thần, vật chất và ngay cả chính đời sống của mình phục vụ cho tha nhân. Khi chúng ta phục vụ cho Giáo Hội và nhân loại, chúng ta được biến đổi từ những con người tội lỗi trở thành những con người mang Thần Khí của Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu thương và phục vụ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam