Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Tổng truy cập: 1363806

LUÔN NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN

LUÔN NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN(*)- Chú giải của Noel Quession

 

Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.

Như thế, chúng ta không phải là những người đầu tiên gặp những khó khăn trong việc cầu nguyện. Chính các tông đồ cũng “nản chí”. Và Đức Giêsu bắt buộc phải nâng tinh thần họ lên.

Thật vậy thường thì chúng ta bắt đầu cầu nguyện với lòng quảng đại. Chúng ta đã quyết định dành một ít thời gian mỗi ngày cho việc cầu nguyện. Một đôi khi, chúng ta đây mua một tranh thánh để đặt ở góc nhà và nó nhắc chúng ta “phải cầu nguyện”. Và rồi trong một vài ngày hoặc một vài tuần, chúng ta dùng một đoạn Tin Mừng và chúng ta cũng đã thử. Nhưng không có gì đã xảy ra! Chúng ta chỉ đụng phải sự im lặng của Thiên Chúa. Những sự phân tâm, chia trí đã chiếm hết thời gian suy niệm của chúng ta. Thế rồi, chúng ta đã ngừng lại…

Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí! Lạy Chúa, Chúa nói với chúng con như thế. Biết được Chúa hiểu những khó khăn của chúng con, tốt cho chúng con biết bao. Có một ngàn lý do để không cầu nguyện. Mọi khung cảnh của thế kỷ XX đều nói với chúng ta về hiệu quả tức thì của năng suất. Khoa học và kỹ thuật đã làm cho chúng ta tin rằng sau cùng con người có thể làm được mọi việc, ngay lập tức. Và rồi, bị sự tiêu thụ gặm nhắm, chúng ta chạy hết tốc độ. Chúng ta không còn có thời gian để dừng lại trừ lúc bị nhồi máu cơ tim. Bạn biết đấy, giữa những thời gian, học tập, công việc, lúc thư giản, tham gia; tôi không có thời gian cầu nguyện. Buổi sáng Chúa nhật là thời gian duy nhất để tôi nghỉ ngơi. Bạn biết đấy, tôi không đi dự thánh lễ được.

“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí!”

Và rồi, cầu nguyện để làm gì? Bạn thấy rõ Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của bạn. Bất công tiếp tục tồn tại trong thế giới. Thế thì tốt hơn hết là phải chiến đấu chống lại nó một cách cụ thể thay vì mất thời gian để cầu khẩn cho “Nước Cha trị đến” bởi vì xem ra Nước Cha không bao giờ đến.

Phải cầu nguyện luôn luôn và liên tục

“Phải cầu nguyện không được nản chí… vững vàng trong sự cầu nguyện… với lòng can đảm, kiên trì…

Độ là hai hình thức rất thường gặp dưới ngòi bút của thánh Phaolô, thầy của Luca (2Tx 1,11; Cl 1,3; Phl 4; Rm 1,10; 2 Tx 3,13; 2 Cr 4,1-16; Gl 6,9; Ep 3,13).

Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu.

Một lần nữa, Đức Giêsu đã chọn một thí dụ hắc ám hết mức để làm cho chúng ta hiểu điều Người sắp nói. Một ông quan tòa phương Đông một mình làm nhiệm vụ trong một thành phố nhỏ, không có sự kiểm tra của cấp trên, và có thể kéo dài vụ kiện tuỳ thích. Một người chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng sợ hãi ma quỷ và khinh khi mọi người. Đối đầu với ông ta là một “bà góa”, chính là biểu tượng của những người nghèo không nơi nhờ cậy và không có tiền của, bị những người giàu có thù địch tha hồ bóc lột; “một người đàn bà” không có chỗ dựa về pháp lý, không không để bênh vực.

Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.

Đấy là trong một ít từ, vẽ ra chân dung của một người ích kỷ và vô liêm sỉ. Nếu có khi nào ông ta làm điều tốt lành, “trả lại công bằng” thì người ta chớ có ảo tưởng mà nghĩ rằng đó là hành động của lòng nhân từ. Đơn giản là một sự tình cờ may mắn đã lằm cho lời ích của người khác trùng hợp với lợi ích riêng của ông ta. Ong ta luôn luôn chỉ hành động “vì mình”. Khi làm đen tối thêm bức tranh về sự châm biếm mạnh mẽ, Đức Giêsu muốn đẩy chứng minh của Người đến cùng cực. Mọi người đều chấp nhận rằng một người độc địa như thế có thể nhận lời một bà góa mà ông ta khinh miệt; đơn giản chỉ vì để bà góa đừng “quấy rầy” ông ta nữa.

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”

Vậy đây là một dụ ngôn dùng sự trạng phản, trong đó bài học được rút ra “trái ngược” với ví dụ được nêu ra: Một quan tòa bất chính, bất công, không có lương tâm và lòng nhân từ (1). ông ta từ chối (2) thực thi công bằng một thời gian dài. Sau cùng, bởi lòng ích kỷ phải nhường bộ một bà góa nghèo hèn (3) chẳng là gì đối với ông ta; để bà góa thôi quấy rầy ông ta nữa.

Trái lại, và với lý luận còn mạnh hơn rất nhiều, Thiên Chúa thì vô cùng (1) nhân từ, Người sẽ mau chóng “thực thi công bằng” cho những kẻ Người đã tuyển chọn (3) mà Người yêu thương vì những kẻ ấy kêu cầu Người.

Nếu một người độc ác như thế và nhẫn tâm sau cùng lại chấp nhận một lời cầu xin thì Thiên Chúa vốn nhạy cảm với những lời cầu nguyện của người nghèo sẽ còn phải làm nhiều hơn thế nữa.

Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người tuyển chọn sao?

Trong những dòng Tin Mừng này, bốn lần chúng ta nghe Đức Giêsu nói những từ đó lặp lại như một điệp khúc: Thực thi công bằng”; “Trả lại công bằng”; ông quan tòa bởi nghề nghiệp của mình phải là hiện thân của công lý. Công lý là một trong những giá trị cao nhất của nhân loại; liên quan đến những “quyền căn bản của con người”. “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người có quyền được xét xử công bình và công khai bởi một tòa án độc lập và vô tư” (Tuyên Ngôn Quốc Tế về Quyền Con Người: 10 tháng 12 năm 1948).

Đức tin Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải bảo vệ và thăng tiến công lý. Lời cầu nguyện của chúng ta chỉ trở nên chân thật nếu chúng ta đi tìm công lý. Mà nếu chúng ta “không thực thi công lý” thì Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chính Thiên Chúa, Người “sẽ thực thi công lý”.

Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.

Đúng vào lúc lên Giêrusalem, lúc mà Đức Giêsu sáng suốt ý thức rằng Người đang tiến đến một sự kết án bất công bởi các quan tòa không công bằng thì Luca đã báo tạo thuật lại các lời đó của Đức Giêsu: “Người sẽ mau chóng bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn”. Người sẽ mau chóng thực thi công lý. Khẳng định này có vẻ nghịch lý, khi chúng ta nói rằng sự bất công tiếp tục thống trị thế giới thì chẳng phải là chúng ta được mời Soi thanh luyện ý tưởng mà chúng ta tạo ra cho mình về sự chiến thắng của công lý? Chiến thắng của Thiên Chúa, quyền năng của Người phải được thực hiện theo một cách hoàn toàn khác với cách chúng ta chờ đợi. Chúng ta luôn có xu hướng thích những quan niệm của con người, những quan niệm thiển cận của chúng ta hơn là những quan niệm của Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện của chúng ta thường giống một thứ đòi nợ và chúng ta yêu cầu Thiên Chúa vâng lời chúng ta. Thiên Chúa như “máy phát quà tự động” là một thần tượng giả dối: bạn bỏ vào khe một đồng tiền, bạn kéo cái nút và cái máy đưa ra cho bạn một cái bánh sôcôla mà bạn yêu cầu!

Khi chúng ta có cảm tưởng không được nhận lời, chúng ta được mời gọi hiệp thông với Đức Giêsu. Người được nhận lời một cách khác! xin Cha cất chén này khỏi con”. Chén đau khổ không được cất đi. Nhưng, bởi cái chết, Người đi qua niềm vui mừng của sự Phục sinh.

Tuy nhiên bằng kinh nghiệm mà chúng ta biết điều này: Không phải lúc nào chúng ta cũng xin Thiên Chúa điều tốt nhất. Chúng ta không thể hiểu thấu tư tưởng của Chúa. Chúng ta sẽ ra sao nếu nhu mọi thói ngông cuồng ấu trĩ của chúng ta được nhận lời? Chúng ta giống như mọi sinh vật và cây cỏ: Cần phải có nhịp điệu của mùa màng, sự luân phiên của nắng mưa, của mùa hè và mùa đông và cả những cơn gió mạnh để lớn lên từ hạt đến hoa và đến quả. Một hạt mầm rẽ ra sao khi nó từ chối mọi thử thách trong dòng phát triển và muốn đòi có mùa gặt ngay hôm sau ngày gieo hạt?

Đức Giêsu biết rõ Chúa Cha! Người nói chúng ta phải có lòng trông cậy: “Thầy nói cùng anh em điều này, Thiên Chúa sẽ thực thi công lý cho những kẻ Người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Người”.

Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?

Thay vì có những “tín hữu” kêu cầu lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đụng phải những người “vô tín” ngày đêm đều không cầu nguyện. Một câu nói thể nghi vấn và đau đớn. Phải chăng rồi sẽ có một ngày người ta sẽ không còn hỏi liệu Thiên Chúa có nhận lời cầu nguyện hay không, bởi vì sẽ không còn có những lời cầu nguyện?

Nỗi đau của Đức Giêsu, nỗi đau của Thiên Chúa… khi đến gần cái chết sẽ xảy ra, không có được đức tin của dân Người chọn. Mầu nhiệm của tự do con người; tự do có thể từ chối tin, từ chối cầu nguyện.

Bất chợt, chúng ta khám phá rằng Đức Giêsu cảm thấy nỗi lo âu. Người lo âu thật sự trước việc sứ mạng và sứ điệp của Người bị từ khước.

Chính những người được tuyển chọn bị đe dọa bỏ đạo, bỏ đức tin. Sự tuyển chọn bởi phép rửa tội không phải là một bảo đảm. Đời sống trong một cộng đoàn Giáo Hội trong một khoảng thời giàn nào đó không chắc làm cho người ta không trở thành vô tín. Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta; còn chúng ta? Một câu hỏi nặng nề: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất?” Ngày mai, tôi sẽ còn đức tin không? và trong ngày tôi sẽ chết? ngày mà Đức Giêsu sẽ đến để gặp tôi?

Sau khi đã lặp lại rằng Thiên Chúa nhân từ và luôn luôn nhận lời cầu nguyện, Đức Giêsu cho chúng ta thấy lý do thật sự những thất vọng của chúng ta: Thiếu đức tin, cùng lời cảnh cáo nghiêm khắc đó được lặp lại hàng ngàn lần trong Tin Mừng (Lc 4,18-26; 21,23,50; 8,5-15; 9,41; 10,21-24; 11,29-32 v.v…).

Ngày nay, người ta nói về “khủng hoảng đức tin”. Đức Giêsu đã nói về nó. Cám dỗ bỏ đức tin không phải chỉ thời đại chúng ta mới có. Ngay từ hôm nay, tôi sẽ làm gì để nuôi dưỡng đức tin? Phải chăng tôi cầu nguyện.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – C

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN THEO GƯƠNG BÀ GÓA TRONG DỤ NGÔN – Chú giải của Fiches Dominicales

I/. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1/. Từ thái độ vụ lợi của vị thẩm phán bất lương…
Chúa Giêsu tiến bước về Giêrusalem, thành trì Người sẽ ra đi (9,32). Người không ngừng hướng lòng về với Chúa Cha trong cầu nguyện. Với những kẻ đi theo, Người dạy họ về ngày trở lại của Con Người. Bây giờ, Người khích lệ họ vững lòng: Hãy cầu nguyện luôn, đừng nản chí.
Minh họa cho bài học này bằng một dụ ngôn, Người dàn dựng hai nhân vật:
– “Một bà goá”, mà Kinh Thánh thường coi như mẫu người cần được bênh vực.
– “Một thẩm phán” chẳng có lòng tin, cũng chẳng quan tâm đến luật pháp, chẳng kính Chúa, cũng chẳng nể người. Bà góa tội nghiệp kêu mãi ông không nghe. Rồi, ông cũng cứu xét, không phải vì lương tâm, mà vì ích kỷ: “bà này quấy rầy ta quá, thôi thì xử cho bà, kẻo đến nhức óc vì bà”.

2/. …Đến thái độ nhân hậu của Thiên Chúa Cha.
Và đây là áp dụng. Bản văn long trọng nhập đề: “Và Chúa thêm….”.
Bức tranh u ám vẽ về vị thẩm phán bất lương đã sáng lên khi Đức Giêsu phác họa Cha Người ân cần nhân ái với mọi người. Nếu một thẩm phán chẳng kính sợ Chúa, không tôn trọng con người, cuối cùng, cũng bênh vực quyền lợi chính đáng của bà goá, không lẽ Thiên Chúa nhân lành cả với kẻ bất lương (6,6) lại không nghe lời chúng ta cầu xin!
Như vậy, dụ ngôn không có ý dạy ta phải cư xử với Chúa thế nào, nhưng có ý mạc khải cho ta biết Chúa cư xử với chúng ta ra sao. Chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Chúa, Đấng hằng nghe lời ta kêu nài sẽ là một động lực khích lệ ta cầu nguyện tin tưởng hơn, kiên nhẫn hơn, và bắt chước bà góa mà không ngại kêu nài và quấy rầy Người.
Diễn từ kết thúc. Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhắc đến sự trở lại của Con Người vào ngày thế mạt. “Nhưng, khi Con Người trở lại, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất không?”. Một bài huấn dụ thật cảm động để các môn đệ vững vàng trong đức tin, bền chí trong đức cậy và kiên tâm cầu nguyện. Cơn cám dỗ làm lung lay Phêrô và các bạn ông (22,32 và 22,46) chính là cơn cám dỗ Đức Giêsu đã đối mặt trong cơn hấp hối ở vườn cây Dầu và đã chiến thắng thì Giáo Hội cũng sẽ đương đầu với nó suốt dọc lịch sử mình. Như vậy, cũng như Chúa Giêsu và các Tông đồ, Giáo Hội sẽ phải cảnh giác không ngừng trong cầu nguyện.
H. Cousin kết luận: “Đề tài cầu nguyện liên hệ với đề tài lòng tin, lòng trung thành. Sự liên hệ ấy rất cụ thể và bền chặt. Nếu suốt chiều dài lịch sử của mình, các Kitô hữu không liên lỉ cầu nguyện, không nuôi lòng tin của mình bằng những lời nài xin liên lỉ, thì khi Đức Giêsu trở lại, Người sẽ không nhận ra lòng tín trung nơi những kẻ tự xưng là thuộc về Người. Theo dòng thời gian, các thành phần Giáo Hội cần trả lời cho vấn đề Đức Giêsu đặt ra ở đây.” (“L’Evangile de Luc”, Centurion, trg 235).
II/. BÀI ĐỌC THÊM:
1/. Một Thiên Chúa, là Cha hơn một người cha, công minh hơn cả quan án (Đức Cha L. Daloz, trong “Dieu a visité son peuple”, DDB, trg 133).
Thánh Luca đã tường thuật giáo huấn của Đức Giêsu về lời cầu nguyện. Ngài còn nhấn mạnh để chúng ta thấy: cầu nguyện nhất thiết phải kiên trì, không được thất vọng. Dụ ngôn về viên quan tòa không có lòng kính sợ Chúa, chẳng tôn trọng con người, nhưng cuối cùng cũng nhượng bộ sự kiên trì của một bà góa cứ quấy rầy ông ta, tương tự như dụ ngôn về một người chịu thua ông bạn đến mượn ba chiếc bánh (11,5-8). Đức Giêsu không hư cấu những dụ ngôn này. Người lấy ngay trong đời thường những nhân vật với những tính tốt và nết xấu. Qua đó, Người tỏ bày Thiên Chúa là Cha còn hơn một người cha, công minh hơn cả một quan án. “Hãy nghe điều quan án bất lương đó nói. Và Thiên Chúa lại không đem điều chính trực lại cho những kẻ được chọn bằng kêu cầu Ngài ngày đêm sao?” Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta về Chúa Cha. Nhìn vào cách con người đối xử với tha nhân: một người làm phiền bạn mình lúc khuya, người cha nuôi con cái, quan án bênh vực người cô quạnh… Đức Giêsu lại nghĩ tới Chúa Cha. Ngay cả tật xấu của người đời, Đức Giêsu cũng dùng như một thí dụ để miêu tả sự săn sóc chu đáo của Chúa Cha: “Thiên Chúa lại không bênh vực…”. Người ta thấy trong con tim Chúa Con rạo rực lòng nhiệt thành đối với Chúa Cha. Và Đức Giêsu muốn chúng ta chia sẻ tâm tình đó với Người.

2/. Cầu nguyện (H. Denis, trong “100 từ ngữ diễn tả đức tin”, DDB, trg 15-16).
Cầu nguyện! Đó là từ ngữ của lòng tin! Một tín hữu không cầu nguyện có còn là tín hữu không? Tuy nhiên, cần nhìn nhận cho đúng. Cầu nguyện không dễ đâu. Đó là một thách thức, nhất là khi không được lồng vào một cử hành phụng vụ, hay một tập họp của cộng đồng. Cầu nguyện, đó là mặt sau của mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Thiên Chúa sống động trong con người. Một nét phác thảo vô định, nhưng cháy bỏng.
Thiên Chúa chí thánh. Cầu nguyện trở thành lời ca ngợi.
Thiên Chúa nhân lành. Cầu nguyện trở thành lời van xin. Chẳng cần nhấn mạnh đến lời ca ngợi. Ngay trong kinh Lạy Cha đã nói tới rồi! Nguyện Danh Cha cả sáng. Yêu ai, chúng ta nói đủ mọi lời tỏ lòng tôn kính. Huống hồ, đối với Thiên Chúa.
Còn đối với lời cầu xin. Có vấn đề đây. Trước hết, những tâm hồn mạnh chủ trương cầu xin là vô ích và ấu trĩ. Chúa biết rành hơn mình rồi. Còn đối với những tâm hồn yếu, tôi muốn nói tới những kẻ cầu xin ơn này, ơn khác một cách vụng về, có khi lệch lạc. Chúa đâu phải là cái máy phân phối tự động các ơn huệ, hoặc ban ơn theo kẻo trao đổi: “Tôi dâng thứ này, Chúa ban lại ơn kia”. Hoặc tệ hơn, đòi dồn Chúa vào chân tường. Người ta đọc thấy trong sách Judith: “Đừng đòi Chúa bảo hành những ý định của Ngài. Đừng dồn Ngài tới chân tường như một phàm nhân. Đừng thôi thúc Ngài.” (8,16)
Không trao đổi, không tối hậu thư. Lời cầu xin đích thực chấp nhận trước rằng: có thể không được chấp nhận như mình muốn hoặc hoạch định. Không được như ý cũng là một ân huệ đấy. Thiên Chúa luôn ban điều Người đã hứa: Thánh Linh. Hãy xin chính Chúa và Thánh Linh của Người. Xin như vậy, bao giờ bạn cũng nhận được.
3/. Hiệp nhất để làm chứng (Tài liệu của Liên hiệp các nhà truyền giáo để cổ động Tuần lễ thế giới truyền giáo, trg 6)
“Đoạn Tin Mừng này dọi sáng chủ đề Hiệp Thông và Truyền Giáo dưới 3 khía cạnh:
a/. Dụ ngôn có ý dạy: “Hãy cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng” (Lc 18,1). Cầu nguyện là mệnh lệnh thứ nhất trong sứ mệnh truyền giáo. Nó kết hợp những người dấn thân truyền giáo. Nó nhắc người ta, đối với Chúa, đừng thất vọng bao giờ.
b/. Thiên Chúa không điếc trước tiếng kêu của những người nghèo khổ đang khát khao công bình. Trao đổi thông tin về thế giới, đó là mệnh lệnh thứ hai về sứ mệnh Truyền giáo. Nó làm cho kinh nguyện phổ quát có hương vị của một tâm hồn không còn gì hy vọng nhưng vẫn vững lòng cậy trông (Rm 4,18).
c/. Nhưng, khi Con Người trở lại, liệu còn thấy lòng tin trên trái đất? Đây là câu hỏi, không phải chúng ta đặt ra trước Chúa, mà là Chúa đặt ra trước chúng ta. Câu trả lời tùy thuộc một phần vào chúng ta, vào sự hiệp thông trong đức tin của chúng ta, vào ý chí chúng ta muốn trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Đức Kitô trên khắp thế giới. Vấn đề là như vậy. Hy vọng câu trả lời sẽ tích cực. Mệnh lệnh thứ ba của sứ mệnh Truyền giáo là dâng hiến thời giờ, tài sản , và cả mạng sống cho Tin Mừng của Thiên Chúa.”

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- C

TÍNH HỮU HIỆU CỦA LỜI CẦU NGUYỆN(*)-  Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm C thắp sáng tính hữu hiệu của lời cầu nguyện.

Xh 17: 8-13

Sách Xuất Hành thuật lại ông Mô-sê cầu nguyện suốt ngày đến mệt nhoài cho dân Do thái trong cuộc chiến chống quân A-ma-lếch, và kết quả là dân Do thái đã chiến thắng.

2Tm 3: 14-4: 2

Trong thư thứ hai gửi ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô nhắc nhở người môn đệ thân tín của mình về ơn linh hứng Kinh Thánh, nhờ đó, người của Thiên Chúa được trang bị đầy đủ cho công việc mục vụ.

Lc 18: 1-8

Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn về quan tòa bất chính và bà góa. Dù ông quan tòa bất chính khăng khăng từ chối, bà góa vẫn cứ nhất quyết khẩn khoản nài van, cuối cùng ông đành phải chịu bênh vực bà; “huống hồ gì” Thiên Chúa giàu lòng xót thương lại không bênh vực cho những kẻ liên lỉ kêu cầu Ngài, không hề nản chí sao?

BÀI ĐỌC I (Xh 17: 8-13)

Chuyện tích Xuất Hành không nói rõ cho chúng ta ông Mô-sê cầu nguyện; nhưng đôi tay ông giơ lên trời diễn tả thái độ cầu nguyện. Đôi tay biểu tượng quyền lực của lời cầu nguyện: khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì quân A-ma-lếch thắng thế. Ông Mô-sê là người cầu nguyện tuyệt vời.

  1. Cây gậy của ông Mô-sê

Thật ra, ông Mô-sê cầm trong tay một cây gậy mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Trên đỉnh đồi, ông cầm gậy giơ lên cao để mọi người có thể nhìn thấy dấu hiệu về sự bảo vệ che chở của Đức Chúa. Trong Cựu Ước, có những giai thoại dân gian về cây gậy, như cây gậy của ông A-ha-ron, tức là cây gậy của gia tộc Lê-vi, “đã đâm chồi, trổ bông và kết trái hạnh đào”, còn mười một cây gậy của các gia tộc kia vẫn là khúc gỗ (Ds 17: 16-23).

Cây gậy của ông Mô-sê là cây gậy mà Chúa đã trao cho ông trên núi Khô-rếp (Xh 4: 20), khi Ngài ủy thác cho ông sứ mạng đưa dân Do thái ra khỏi đất Ai-cập. Cây gậy đã giúp ông Mô-sê chiến thắng chiếc đũa thần của những phù thủy của Pha-ra-ô (Xh 7: 12) và thực hiện một loạt những điềm thiêng dấu lạ khiến cho toàn thể triều thần Ai-cập phải khiếp đảm (Xh 7: 20; 9: 23; 10: 15). Sau cùng chính với cây gậy này mà ông Mô-sê đã “rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào” (Xh 14: 16). Trong câu chuyện hôm nay, chính cũng cây gậy này mà ông Mô-sê giơ lên trời với đôi tay cầu xin cho dân Ít-ra-en được chiến thắng.

Sau này, vài bản văn được tu chỉnh cho thấy một phản ứng chống lại những mê tín dị đoan thời xưa. Như sách Xuất Hành gán cho cây gậy của ông Mô-sê thực hiện phép lạ nước phun vọt lên từ tảng đá (Xh 17: 5-6), trái lại, trong cùng một câu chuyện, sách Dân Số gán cho “lời” của ông Mô-sê mới thực hiện phép lạ (Ds 20: 7-8).

  1. Người A-ma-lếch

Việc người A-ma-lếch tấn công dân Do thái là cuộc đối kháng đầu tiên mà dân Do thái gặp phải trong cuộc hành trình băng qua sa mạc. Dân chưa đến chân núi Xi-nai thì phải giao chiến rồi. Cuộc chiến đầu tiên này được lưu truyền trong ký ức qua nhiều thế kỷ.

Người A-ma-lếch là những bộ tộc du mục xuất thân từ miền Nam đất Pa-lét-tin; tổ tiên của họ là A-ma-lếch, hậu duệ của ông Ê-sau. Người A-ma-lếch này còn được kể lại trong vài giai đoạn lịch sử của dân Ít-ra-en (Ds 14: 40-45; Tl 3: 12-13; 6: 1-7; Sm 15: 30); nhưng truyền thống đã làm cho họ trở thành kẻ thù tiêu biểu của dân Ít-ra-en. Một đoạn văn sách Đệ Nhị Luật long trọng công bố: “Anh em hãy nhớ A-ma-lếch đã xử thế nào với anh em trên đường, khi anh em ra khỏi Ai-cập: nó đã đón đường anh em và đánh tập hậu mọi kẻ lết theo sau, trong khi anh em mệt lả và kiệt sức; nó đã không kính sợ Thiên Chúa. Vậy khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, cho anh em được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em làm gia nghiệp để anh em chiếm hữu, thì anh em sẽ xóa hẳn tên tuổi A-ma-lếch, khiến dưới gầm trời, không còn ai nhớ đến nó nữa: anh em đừng quên!” (Đnl 26: 17-19).

BÀI ĐỌC II (2Tm 3: 14-4: 2)

Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi cho ông Ti-mô-thê. Đây là một trong những bức thư được gọi là “thư mục vụ”. Trong cảnh giam cầm ở Rô-ma, thánh Phao-lô biết rằng giờ chết của mình sắp đến gần rồi, nên đã truyền ngọn lửa đức tin cho những người kế nghiệp ngài, như ông Ti-mô-thê ở Ê-phê-xô. Thánh nhân diễn tả ước muốn không khoan nhượng của ngài, đó là ông Ti-mô-thê phải tôn trọng tính toàn vẹn của sứ điệp. Đức tin phải được cắm sâu vào hai điểm tựa vững chắc: giáo huấn mà ông Ti-mô-thê đã học được, vì giáo huấn này bắt nguồn từ các Tông Đồ; và Kinh Thánh, vì đây là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng.

  1. Giáo huấn mà ông Ti-mô-thê đã học được và đã tin chắc

Ông Ti-mô-thê phải kiên vững trong chân lý chặt chẽ của sứ điệp mà ông đã học được và đã tin chắc, không được thêm vào đây bắt cứ sở thích của riêng mình: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc”.

Thánh Phao-lô là một trong số những thầy dạy của ông Ti-mô-thê, vì thế thánh nhân nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ: “Anh biết anh đã học với những ai”. Rõ ràng thánh nhân vừa mới nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ lại mọi điều mà ông đã thụ huấn khi được ở bên cạnh thánh nhân trong suốt cuộc đời truyền giáo của ông: “Phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-ô, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào…” (2Tm 3: 10-11).

Nhưng thánh Phao-lô đã không là thầy dạy duy nhất của ông Ti-mô-thê. Chính không phải nhờ thánh nhân mà ông Ti-mô-thê lãnh nhận đức tin của mình. Quả thật, khi thánh nhân gặp ông ở Lýt-ra, thì ông Ti-mô-thê đã là người Ki-tô hữu rồi và thậm chí một người Ki-tô hữu được toàn thể cộng đồng đánh giá cao.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng việc loan báo Tin Mừng ở Ê-phê-xô và những vùng phụ cận đã được thực hiện sau khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem bị phân tán, tiếp theo sau việc giáo quyền Do thái bách hại những người Ki-tô hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy-lạp (thánh Tê-pha-nô được phúc tử đạo đầu tiên vào dịp này). Trốn chạy khỏi Giê-ru-sa-lem, những người Ki-tô hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy-lạp này mang Lời Chúa ra bên ngoài xứ Pa-lét-tin; họ là những nhà truyền giáo đầu tiên.

  1. Ơn linh hứng của Kinh Thánh

Bản văn này của thánh Phao-lô là lời khẳng định Ki-tô giáo đầu tiên liên quan đến ơn linh hứng Kinh Thánh: “Tất cả những gì được viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”. Do thái giáo từ lâu đã công bố rằng Lề Luật (bộ Tô-ra, Ngũ Thư) là Lời Thiên Chúa, tiếng nói của Đức Khôn Ngoan. Bên cạnh Lề Luật, còn có các Ngôn Sứ, những sứ giả của Thiên Chúa. Vì thế, khi thánh Phao-lô khẳng định ơn linh hứng Kinh Thánh, đồng lúc thánh nhân nhận ra sự liên tục của Do thái giáo với Ki-tô giáo.

Thánh nhân nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ rằng ông đã được thụ hưởng biết bao điều hữu ích khi ông đã được biết Kinh Thánh và đã được Kinh Thánh nuôi dưỡng “từ thời thơ ấu” như thế nào. Cha ông là người Hy-lạp còn mẹ ông là người Do thái. Vì thế, mẹ ông và bà ngoại của ông rất am tường những bản văn Kinh Thánh. Bà ngoại của ông đã theo đạo Ki-tô giáo trước, rồi đến mẹ ông: “Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kêu, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2Tm 1: 5). Nhờ họ, ông Ti-mô-thê phải nhận ra rằng Kinh Thánh “có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” và Kinh Thánh là dụng cụ “hữu ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn , và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”.

  1. Công việc mục vụ lớn lao

Thánh Phao-lô tiếp tục những lời khuyên của mình khi long trọng công bố giá trị di chúc tinh thần: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh”. Và thánh nhân khẩn khoản nài van ông Ti-mô-thê tuân theo chương trình mà thánh nhân đề ra cho ông về công việc mục vụ: “Hãy rao giảng Lời Chúa”, đây là công việc cốt yếu của người đảm nhận trọng trách trong Giáo Hội. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến một sự cố xảy ra trong cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi về việc các bà góa trong nhóm các Ki-tô hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy-lạp bị bỏ quên. Bởi thế, nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6: 2-4).

Người lãnh đạo cộng đoàn phải chu toàn những trách nhiệm của mình: “Hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, phải là người hướng dẫn luân lý và tinh thần: “Hãy biện bác, ngăm đe”, phải là người mục tử có tấm lòng từ bi nhân hậu, đầy nhiệt huyết và chú tâm dạy dỗ: “Khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại”. Đây là bản tóm lược quyền giáo huấn của Giáo Hội mà thánh Phao-lô đề ra.

TIN MỪNG (Lc 18: 1-8)

Trong số các tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng nhấn mạnh nhiều nhất đến cầu nguyện: Chúa Giê-su cầu nguyện trong tất cả những giờ phút quan trọng khi thi hành sứ vụ của Ngài như khi Ngài chọn nhóm Mười Hai, những người môn đệ thân tín của Ngài (6: 12), khi thánh Phê-rô tuyên xưng Ngài là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa (9: 18), khi Ngài biến hình trên núi cao (9: 28), khi Ngài dạy cho các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (11: 1), ngay cả trước khi chết trên thập giá, Chúa Giê-su cũng cầu nguyện với Cha của mình (23: 46). Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẩn khoản kêu mời các môn đệ của Ngài: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

  1. Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí

Lời khuyên này gợi nhớ lời khuyên của thánh Phao-lô, thánh nhân mời gọi hãy chuyên tâm cầu nguyện, kiên vững trong lời cầu nguyện, cầu nguyện trong mọi lúc (x. Rm 12: 12; Ep 6: 18; Cl 1: 3, vân vân). Đôi khi người ta đặt nhan đề cho Tin Mừng Lu-ca là “Tin Mừng thánh Phao-lô”. Quả thật, những dấu ấn của thánh Phao-lô không thiếu trong sách Tin Mừng này. Thánh Lu-ca đã là môn đệ và là bạn đồng hành của thánh Phao-lô: sự cộng tác của họ, tình bạn trung thành và thân thiết của họ.

Lời khuyên khởi đầu này dẫn vào dụ ngôn và trước tiên hướng sự chú ý đến bà góa. Theo truyền thống Kinh Thánh, bà góa gợi lên một con người cô thân cô thế, được liệt vào hàng những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người thua thiệt này mà Thiên Chúa lắng nghe những lời kêu cứu của họ và đứng ra báo oán cho họ.

Dụ ngôn giản dị này không xác định phải chăng bà góa chịu hàm oan; điều này chỉ là giả sử. Vả lại chẳng quan trọng gì. Chính tính kiên trì bền bỉ van nài kêu xin của bà được đưa ra làm gương và ruốt cuộc đã thắng sự khăng khăng từ chối của ông quan tòa bất chính. Đó là hiệu quả của lời khẩn nguyện, cứ lập đi lập lại không biết mệt, cho đến Chúa phải mệt.

  1. Tin tưởng vào sự công minh chính trực của Thiên Chúa

 Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giê-su khai triển cách hành xử của ông quan tòa hơn là trên thái độ của bà góa. Trọng điểm của dụ ngôn là ông quan tòa bất chính “chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì”. Ấy vậy, ông đành phải chịu thua trước những lời khẩn khoản nài van liên lĩ của bà góa cứ đêm ngày xin ông minh oan cho bà. Chúa Giê-su thốt lên: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!”.

Người ta gặp thấy trong giáo huấn của các kinh sư những ví dụ thuộc loại này, được chọn lựa một cách rõ ràng ngỏ hầu câu kết có thể bắt đầu với liên từ “huống chi”, “huống hồ gì”. Đó là trường hợp dụ ngôn này. Nếu viên quan tòa bất chính đành phải minh oan cho bà góa vì những lời khẩn cầu van xin liên lĩ của bà; “huống hồ gì” Thiên Chúa là vị quan tòa từ bi, nhân hậu, giàu lòng xót thương, Ngài sẽ không kiềm lòng được nữa trước những lời khẩn cầu của “những người được tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”.

Trong sách Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca chỉ một lần duy nhất dùng danh xưng “Người Được Tuyển Chọn” được viết hoa, tước hiệu mà các vị thủ lãnh Do thái gán cho Đức Ki-tô trên thập giá (Lc 23: 35). Nhưng thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô dùng danh xưng này cho những người được tuyển chọn dự phần vào Nước Thiên Chúa. Vì thế, phần cuối dụ ngôn là quay trở lại những viễn cảnh cánh chung. Ở phần nầy, Chúa Giê-su trả lời cho sự nôn nóng của những người chờ mong ngày Quang Lâm của Con Người mau đến, đây là sự nôn nóng của thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên. Thiên Chúa nghe những tiếng kêu cứu của họ, dù trì hoãn đi nữa, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ mau chóng bênh vực cho họ.

Nhưng một vấn đề được nêu lên: tại sao Thiên Chúa bắt họ phải chờ đợi? Ông quan tòa bất chính chậm trễ là do lòng chai dạ đá của ông, còn Thiên Chúa trì hoãn là do tấm lòng nhẫn nại và xót thương của Ngài. Những kiểu nói: “trì hoãn” hay “mau chóng”, là thuật ngữ Kinh Thánh được dùng để diễn tả Thiên Chúa chắc chắn can thiệp để cứu độ, mà không xác định một thời điểm nào. Trong Thư thứ hai của mình, thánh Phê-rô giải thích như sau: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn sám hối” (2Pr 3: 8).

  1. Đức tin

“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Câu nói bí ẩn này là một trong những câu gây sửng sốt của sách Tin Mừng. Được đặt vào mạch văn ở đây, câu này ám chỉ đến tội bội giáo, tội này phải đi trước ngày Thiên Chúa ngự đến, theo những viễn cảnh được phát triển thông thường trong các sách khải huyền. Một nỗ lực kháng cự sau cùng của Xa-tan phải đặt đức tin của các tín hữu vào sự thử thách dữ dội. Thánh Mát-thêu viết: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người” (Mt 24: 10-12).

Trong Thư thứ hai gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô cũng kể ra: “Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng” (2Tx 2: 3). Các bản văn Qum-ran nói về cuộc chiến giữa con cái Ánh Sáng chống lại con cái Bóng Tối, cuộc chiến này sẽ đạt đến tột điểm. Ở đây, tư tưởng của Chúa Giê-su chính là mời gọi “Hãy cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

  1. Truyền Giáo là trách nhiệm của mỗi người Ki-tô hữu

Chúa Nhật Truyền Giáo hôm nay nhắc cho mỗi người Ki-tô hữu nhớ đến sứ mạng loan báo Tin Mừng với niềm xác tín rằng “Kỳ thực Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn sám hối”. Công việc truyền giáo không đơn giản giao phó cho một nhóm người đặc biệt, nhưng là bổn phận và trách nhiệm của bất kỳ ai tự xưng mình là Ki-tô hữu.

Để công việc truyền giáo đạt được kết quả, trước tiên mỗi người Ki-tô hữu phải chuyên tâm cầu nguyện như lời mời gọi khẩn thiết của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tương lai của công cuộc truyền giáo phụ thuộc phần lớn vào việc chiêm niệm. Nhà truyền giáo phải là một người chiêm niệm trong hành động để loan báo Chúa Ki-tô bằng cách thế mà người ta có thể tin được”.

Thứ nữa, mỗi người Ki-tô hữu phải làm chứng cho Tin Mừng bằng chính cuộc sống tràn đầy niềm vui của mình như lời dạy của Mẹ Ma-ri-a trong một lần hiện ra tại Lộ Đức: “Khi cầu nguyện, chúng con hãy tìm cách làm cho con tim được hạnh phúc. Mẹ muốn rằng qua các con, toàn thể thế giới nhận ra Thiên Chúa là niềm vui. Bằng chính đời sống của mình, các con hãy trở nên nhân chứng về niềm vui của Thiên Chúa”. Chớ gì cuộc sống tràn đầy niềm vui của chúng ta giúp cho tha nhân nếm cảm được hương vị ngọt ngào của tình Chúa thương ta.

home Mục lục Lưu trữ