Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1357719

MA QUỶ

MA QUỶ

 

Nghĩ tới ma quỷ, chúng ta thường mường tượng ra một thằng người, vừa đen đủi lại vừa xấu xa, vừa có sừng lại vừa có đuôi. Nhưng đó chỉ là một hình ảnh ấu trĩ mà thôi. Trong bức thư gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã vẽ về nó bằng một đường nét khác, ngài gọi nó là quyền lực của đêm tối, quyền lực của tội ác.

Đúng thế, nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy nó đang mở rộng ảnh hưởng, đang bành trướng thế lực trong mọi lãnh vực. Từ khoa học kỹ thuật, cho đến sách báo phim ảnh. Chúng ta hãy nghĩ đến sách báo phim ảnh khiêu dâm, trình bày những tình cảm bệnh hoạn cùng với những vụ giết chóc dã man. Chúng ta hãy nghĩ tới những cuộc chạy đua vũ trang. Chỉ nguyên chương trình phòng thủ không gian của Mỹ, cũng đã tốn tới hằng tỉ mỹ kim, trong khi đó trên thế giới biết bao nhiêu người túng đói, chén cơm không có mà ăn, manh áo không có mà mặc. Chúng ta làm được những gì để ngăn chặn làn sóng tội ác, hay là chúng ta để mặc cho quyền lực của đêm tối cứ mỗi ngày một lan rộng.

Tội ác đã có từ lâu, nhưng ngày hôm nay, nó được tăng lên với một vận tốc kinh khủng, khiến cho con người như không còn ý thức về nó nữa. Người ta huỷ bỏ án tử hình vì cho đó là một hình phạt quá nặng nề. Thế nhưng khi được hỏi về những vụ phá thai, thì họ lại bảo đó là chuyện khác. Rồi khi được hỏi về những vụ ngoại tình, và ly dị, thì họ lại bảo con người có quyền được sống hạnh phúc. Dường như là cái nền văn minh vật chất, chỉ đem lại cho chúng ta một cái bộ mặt bên ngoài hào nhoáng, nhưng lại đánh mấy cái ý nghĩa, cái nền tảng bên trong. Vậy thì phải chăng quyền lực của đêm tối cứ tiếp tục trải dài. Và ai sẽ chiến thắng được nó?

Tôi xin thưa, người duy nhất đã chiến thắng được nó là Đức Kitô. Còn chúng ta, muốn chia sẻ phần chiến thắng, thì chúng ta phải mang lấy vũ khí của Ngài. Vũ khí ấy là gì? Tôi xin thưa đó là đức tin. Không phải chỉ là một đức tin được thực hành ở trong nhà thờ, nhưng là một đức tin mạnh mẽ và sống động, một đức tin vô điều kiện có nghĩa là ở mọi nơi và trong mọi lúc, gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn chấp nhận Thiên Chúa là Chủ tể tuyệt đối, đồng thời cố gắng biểu lộ đức tin ấy bằng những việc làm cụ thể.

Ma quỷ không thể tác động trên chúng ta nếu như chúng ta đã không giao nộp cho nó tâm hồn và thể xác. Đồng thời niềm tin vào Đức Kitô sẽ là sức mạnh duy nhất làm cho ma quỷ phải khiếp sợ và bỏ chạy. Nhờ đó mà chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của đêm tối, quyền lực của tội ác.

 

11.Chúa Nhật 5 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)

Nếu sắp xếp cho có thứ tự, chúng ta sẽ có một ngày sống của Đức Giêsu được Tin mừng Thánh Marcô hôm nay tường thuật lại. Từ một ngày sống của Đức Giêsu, chúng ta nhìn lại một ngày sống của chúng taphải như thế nào?

1. Một ngày sống của Đức Giêsu

Thứ nhất, Ngài cầu nguyện: Đức Giêsu bắt đầu ngày sống của mình bằng việc cầu nguyện. Tin mừng hôm nay cho biết: “Sáng sớm tinh sương, Ngài chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó.”(Mc 1,35).Ngài cầu nguyện để sống thân mật với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện để lắng nghe và thực hiện ý Chúa Cha muốn. Việc Ngài cầu nguyện nói lên sứ mạng của Ngài phát xuất từ Thiên Chúa và luôn có Chúa Cha đồng hành. Đọc Tin mừng chúng ta thấy, đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu cầu nguyện, mà Ngài cầu nguyện luôn, cả sớm mai và chiều tối, có khi Ngài cầu nguyện suốt đêm. Cách riêng, Ngài cầu nguyện trước những biến cố quan trọng, như trước khi Ngài chọn các Tông đồ, trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Ngài cầu nguyện cho Ngài, cầu nguyện cho các môn đệ, cho những người nhờ Ngài mà tin và cho thế gian. Ngài không những cầu nguyện mà còn dạy cho các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và Ngài khuyên bảo các Tông đồ và mọi người chúng ta hôm nay: Hãy cầu nguyện luôn kẻo phải sa chước cám dỗ; Cầu nguyện như vũ khí để xua trừ quỷ dữ: “Giống quỷ đó chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,29).

Thứ hai, Ngài rao giảng Tin mừng: Tại Caphácnaum, vào ngày sabát, Ngài vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (x. Mc 1,21-22). Tại Nazarét, là nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Sau đó, Ngài cắt nghĩa cho dân chúng về ý nghĩa của đoạn Kinh thánh mà họ vừa nghe (x. Lc 4,16-30). Ngài không chỉ rao giảng trong hội đường mà còn rao giảng nhiều nơi khác nữa: tại tư gia (x. Mc 2, 2), ngoài bờ biển (Mc2, 13), trên núi (x. Mt 5,1-12). Rồi Ngài đi giảng khắp mọi nơi vì Ngài đến là để làm công việc đó. Cho nên, khi các môn đệ đi tìm Ngài, Ngài nói với họ rằng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”(Mc 1,38).

Thứ ba, Ngài chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ: Tin mừng hôm nay cho biết, ra khỏi hội đường, Ngài cùng với ông Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê, Ngài chữa cho bànhạc gia của Simon khỏi bệnh cảm sốt (x. Mc 1,29-31). Không dừng lại ở đó, đọc Tin mừng chúng ta biết, Ngài dành nhiều thời gian để chữa bệnh và trừ quỷ. Ngài chữa lành hết tất cả các người bệnhđược đưa đến với Ngài: Bệnh phong cùi, bệnh bất toại, bệnh loạn huyết, bệnh mù, bệnh câm điếc, bệnh què quặt…Ngài dùng nhiều cách thế để chữa bệnh nói lên quyền phép của Ngài trên bệnh tật: chữa bệnh từ xa, phán một lời, Ngài lấy nước miếng trộn vào đất bôi lên mắt bệnh nhân được khỏi, người bệnh đụng đến Ngài, Ngài đụng đến người bệnh thì người bệnh được khỏi... Tin mừng hôm naylàm chứng cho chúng ta biết điều đó: “Lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến với Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.” (Mc 1,32-34).

Đức Giêsu không giới hạn việc chữa lành vào một số người bệnh hay một số vùng miền, nhưng đối tượng được Ngài cứu chữa là hết tất cả mọi người bệnh và các vùng miền. Như thế, chúng ta thấy một ngày sống của Đức Giêsu thật ý nghĩa: cầu nguyện, rao giảng, chữa lành. Còn một ngày sống của chúng ta thì sao?

2. Một ngày sống của chúng ta

Nếu một ngày sống của chúng ta giống như ngày sống của Đức Giêsu thì tốt biết mấy, nhưng có lẽ khó có ai thực hiện được như Ngài.Vậy, để ngày sống của chúng ta có ý nghĩa và phần nào họa lại ngày sống của Đức Giêsu, xin được gợi ý một số thực hành sau đây:

Thứ nhất, chúng ta hãy bắt đầu ngày sống bằng việc cầu nguyện: Tùy vào hoàn cảnh cho phép, sau khi thức dậy chúng ta có thể đi tham dự thánh lễ hoặc đọc kinh chung với cộng đoàn hay với các thành viên trong gia đình. Những hoàn cảnh đặc biệt khác, chũng ta có thể cầu nguyện, đọc kinh riêng hay đọc và suy gẫm Lời Chúa một mình. Nghĩa là phải cố gắng bắt đầu ngày sống bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện để xin ý Chúa. Cầu nguyện để kết hợp với Chúa trong công việc. Cầu nguyện để dâng tất cả các công việc trong ngày cho Chúa để Chúa lo liệu, nhờ đó, mọi công việc chúng ta làm trong ngày mang lại lợi ích hồn xác. Thực tế, trong cuộc sống hôm nay do công ăn việc làm và nhiều nguyên nhân khác nên rất nhiều kitô hữu đã không cầu nguyện đầu ngày, thậm chí bỏ cầu nguyện trong ngày. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta đừng quên cầu nguyện đầu ngày, thậm chí còn cần phải dành thời gian để cầu nguyện trong ngày và kết thúc ngày sống cũng phải bằng việc cầu nguyện.

Thứ hai, chúng ta làm việc trong ngày theo bổn phận trao phó với ý thức làm sáng danh Chúa: Có người làm việc đời, có người làm việc đạo; Có người làm việc tri thức, có người làm việc chân tay; Có người đi chợ bán hàng, có người đi chợ mua hàng; Thầy cô đi dạy, học sinh đi học; Có người đi cày, có người đi cấy; có người làm bác sỹ, có người là bệnh nhân; có người làm kỷ sư, có người làm công nhân…và biết bao nhiêu công việc khác. Nhưng dù làm bất cứ việc gì cũng không được gian dối, không được lỗi công bằng, không được lỗi bác ái yêu thương. Trái lại, hãy làm trọn phận vụ, hãy làm việc cho sáng danh Chúa. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời.” (Cl 3,23). Ngài còn khuyên: “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Thứ ba, chúng ta cần dành thời gian nhiều hơn để quan tâm chăm sóc các bệnh nhân: Hiểu theo nghĩa chặt thì bệnh nhân là những người mắc các chứng bệnh về phần xác nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì bệnh nhân là những người đau khổ cả về phần xác lẫn tinh thần: đói, khát, trần truồng, tù đày... Đó là đối tượng chúng ta cần phải quan tâm. Vì trong ngày phán xét, Đức Giêsu sẽ phán xét và thưởng phạt chúng ta dựa vào việc chúng ta có quan tâm hay không đối với các đối tượng trên.

Bài Tin mừng cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã dành nhiều thời gian để chữa lành bệnh tật và vì thể Ngài đã đem đến niềm vui và niềm hy vọng cho họ. Ngược lại, Bài đọc I, kể lại câu chuyện ông Gióp. Mặc dầu, ông là người thánh thiện, nhưng khi ông bị bệnh tật, thiếu sự quan tâm của người thân, ông vẫn cảm thấy bi quan.

Ngày hôm nay, những trường hợp như ông Gióp hay như bà nhạc mẫu Simon cũng đầy dẫy trong xã hội chúng ta đang sống. Họ ở bên cạnh chúng ta, có thể họ là người thân của chúng ta. Họ đang cần sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta. Nếu không giúp họ được khỏi bệnh thì chúng ta có thể góp phần làm xoa dịu họ bằng cách quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, động viên khích lệ, không được để người mắc bệnh phải cô đơn, thất vọng.

Nếu một ngày sống của chúng ta bắt đầu bằng việc cầu nguyện, sau đó làm tốt việc bổn phận với ý thức làm sáng danh Chúa, nhất là biết quan tâm giúp đỡ các bệnh nhân thì chúng ta đang họa lại ngày sống của Chúa Giêsu. Lạy Chúa Giêsu, xin cho ngày sống của chúng con giống như ngày sống của Chúa. Amen.

 

12.Đức Giêsu rao giảng và trừ quỉ

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc)

1. Từ Hội Đường đến nhà ông Phêrô

Rời khỏi hội đường của người Do-thái, Đức Giêsu đi thẳng tới căn nhà của ông Simon Phêrô. Chúng ta hãy hình dung và chiêm ngắm hành trình mang đầy ý nghĩa này của Đức Giê-su:

* Đó là hành trình từ Cựu Ước sang Tân Ước; từ Israen sang Dân Mới của Đức Chúa, là Giáo Hội. Với hành trình hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua này, Đức Giê-su làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất, nghĩa là đạt tới sự sống mới và sáng tạo mới, ngang qua và bất chấp bệnh tật, tai họa, những thăng trầm, tội lỗi, sự dữ và cuối cùng là chính sự chết.

* Ngoài ra, hành trình này của Đức Giê-su còn diễn tả hành trình từ nơi phượng tự sang ngôi nhà của đời sống bình thường, ở đó diễn ra mọi vấn đề của cuộc sống, của thân phận con người, sinh lão bệnh tử; và chính nơi ở đây, niềm tin và ơn gọi của mỗi người được thử thách và qua đó lớn lên, trở nên đích thực, trở nên kinh nghiệm thực sự.

Cũng giống như trong đời sống thánh hiến, từ nhà tập đến môi trường tông đồ và sứ mạng, từ lúc tuyên khấn đến đời sống ơn gọi cụ thể, với biết bao mới lạ và thách đố. Nhưng đó lại là môi trường làm cho lòng ước ao dâng hiến và phục vụ trở nên đích thực, và làm cho chúng ta lớn lên trong ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đặc sủng của một của Hội Dòng.

Vì thế, chúng ta được mời gọi suy niệm và nhất là chiêm ngắm thật lâu những gì diễn ra trong nhà ông Simon: những gì diễn ra thật đơn sơ, nhưng mang nhiều ý nghĩa cho hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta hôm nay, trong đời sống thánh hiến cũng như trong ơn gọi và hoàn cảnh chúng ta đang sống.

2. Chữa lành và phục vụ

Trong nhà, có sự hiện diện của người mẹ, bà nằm đó và đang bị sốt nặng; và như bài Tin Mừng kể lại, ngay tối hôm đó, người ta lũ lượt kéo đến nhà: đó là những người bệnh, những người bị quỉ ám, những người đau khổ vì sự dữ đủ loại; và rốt cuộc cả làng kéo đến đứng trước cửa nhà.

Đó là một hình ảnh thật cụ thể diễn tả nhân loại chúng ta: nhân loại có quá nhiều người bệnh. Nhưng trong thực tế, còn có một thứ bệnh không phải thể lí, nhưng lại làm chúng ta tê liệt hơn là bệnh thể lí: chán nản, mất niềm tin, mất hướng đi, thấy cuộc sống vô nghĩa, bi quan về mình, về hoàn cảnh, về người khác, bị hiểu lầm, bỏ rơi, không được lắng nghe hay tin tưởng… Ngoài ra, và ở một mức độ hay một nghĩa nào đó, cũng có nhiều người bị “quỉ ám”, nghĩa là bị Sự Dữ chi phối và làm chủ.

Các môn đệ nói với Đức Giê-su về bà mẹ. Điều này nói lên sự quan tâm chúng ta dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, và đó chính là nét thiết yếu làm nên Dân Mới do Đức Giê-su qui tụ. Đức Giê-su đi đến bên bà, cầm tay bà và giúp bà ngồi dậy. Ở đây, chúng ta còn được mời gọi cảm nhận sự thân mật trìu mến. Ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giê-su và người bệnh. Hình ảnh này còn nói đến ơn phục sinh, nói đến tình yêu, lòng thương xót, lời hằng sống và chính Mình và Máu Ngài làm chúng ta đứng dậy tiếp tục đi, tìm lại hướng đi, ý nghĩa, lòng ước ao phục vụ, ơn gọi. Đó thực là sự sống mới, hình bóng của ơn tái sinh.

Cơn sốt biến mất và bà bắt đầu phục vụ họ, nghĩa là Đức Giê-su và cả nhà. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới, sự sống mới, vì sự sống này hướng tới việc phục vụ quên mình. Kinh nghiệm của bà cũng phải là kinh nghiệm của chúng ta, của mọi Kitô hữu.

3. Rao giảng và trừ quỉ

Hôm sau, khi mọi người đi tìm Đức Giê-su, Người nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (c. 38). Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tự do của Đức Giêsu đối với nhu cầu của chính mình và của con người. Người không muốn khơi ra nhu cầu và tìm cách đáp ứng (như nền kinh tế thị trường trong đó chúng ta đang sống); nhưng, Ngài chỉ khơi dậy lòng ước ao Thiên Chúa, có nơi sâu thẳm của con người, như chính Người sống điều này, khi: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (c. 35)

Vì thế, trong thực tế, Ngài đã không làm hết việc, Ngài chỉ chữa nhiều người nhưng không chữa hết mọi người. Do đó, vẫn còn nhiều người nữa đang tìm Ngài, họ còn nhờ các môn đệ đi tìm dùm! Nhưng Đức Giê-su rời nơi đó để đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, và khắp miền Galilê để rao giảng và trừ quỉ (lưu ý: hoạt động chữa bệnh không được nêu ra).

Về sự sống của loài người và của từng người chúng ta. Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người còn bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là Lời Thập Giá (x. 1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.

Đức Giê-su dường như chỉ muốn đi lướt qua lịch sử con người, và chỉ dừng lại ở một số thân phận. Bởi vì Ngài chỉ muốn vạch ra cho chúng ta con đường phải đi, con đường dẫn đến ơn chữa lành triệt để và đích thực, đó là ơn chữa lành bởi Thập Giá, như thư Do Thái mặc khải cho chúng ta:

Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ.

(Dt 2, 14-15)

***

Ơn này sẽ dành cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Và Ngài vẫn cần chúng ta nói cho con người hôm nay về Ngài, và ơn chữa lành triệt để của Ngài, và cách nào đó, chúng ta cũng cần nói cho Ngài về con người hôm nay, như các môn đệ đã làm trong “Nhà ông Phêrô”.

 

home Mục lục Lưu trữ