Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 69
Tổng truy cập: 1362265
MẠCH NƯỚC
MẠCH NƯỚC
Con người dù lớn hay nhỏ, dù già hay trẻ đều cần có thực phẩm và nước uống để nuôi thân. Thức ăn, nước uống trở thành nhu cầu không thể thiếu. Ăn uống không chưa đủ mà còn cần tình yêu để sống thảnh thơi, hạnh phúc. Chỉ có người thành tâm yêu ta mới có thể trao tặng tình yêu chân chính. Ngoài ra những tình yêu khác đều là lợi nhuận. Bản chất của lợi nhuận là thương mại vì thế có tình trạng buôn bán tình yêu.
Câu người ta thường nói ‘bác ái bắt đầu tại gia đình’ câu này ám chỉ gia đình là nơi thực hành đức ái. Như thế bác ái không phải tự nhiên mà có mà là phải học hỏi và thực hành. Gia đình là trường đầu tiên và là trường tốt nhất dậy sống và thực hành đức ái. Như thế bác ái sản xuất tại gia. Gia đình thiếu thực hành đức ái là hoả lò và những ai lớn lên trong hoả lò đều, nếu làm nhỏ trở thành tội phạm xã hội; nếu làm lớn trở thành tội đồ dân tộc bởi hành động của họ thiếu yêu thương, vắng tha thứ. Lịch sử thế giới ghi nhận nhiều tội đồ dân tộc xuất thân từ gia đình thiếu đức ái. Lớn lên trong hoàn cảnh con người đối xử dã man với nhau nên về sau thành thân họ cũng hành xử vô cùng độc ác với đồng chủng và đồng loại.
Vui lòng, hăng say làm việc vặt trong nhà là thực thi Đức ái. Dù là việc cỏn con nhưng hiệu quả của chúng lại rất lớn bởi vì những việc cỏn con kia thể hiện tình yêu qua hành động. Người ta không thể nhìn thấy tình yêu nhưng qua hành động yêu thương làm rung động con tim người khác. Khi một thành viên trong gia đình cố gắng sống tinh thần bác ái người đó vừa làm giầu cho chính mình vừa mang lại nguồn vui cho gia đình và hạnh phúc thay những bạn nào được trở thành bạn những người giầu tinh thần bác ái.
Chu toàn bổn phận chưa hẳn là thực thi bác ái nhưng sống thực thi bác ái lại hoàn thành tốt đẹp hơn những gì bổn phận đòi hỏi bởi làm với tâm tình yêu mến. Việc làm với tâm tình yêu mến giúp kẻ đau khổ được ủi an, người sầu muộn cảm thấy an ủi, kẻ cô đơn tìm được chỗ dựa và kẻ tuyệt vọng sống hy vọng. Người thực thi bác ái thường nhìn thấy tình người quan trọng và không để cho lỗi lầm nếu có, dị biệt mầu da, chủng tộc và khác biệt về chính kiến ngăn trở việc thực thi đức ái.
Đức Kitô thực hiện những điều này tại bờ giếng bên làng cho người phụ nữ thành Samarita ra đó múc nước. Chính Ngài tiến đến bắt đầu câu chuyện, xin chị cho nước uống. Từ nước giếng dẫn chị đến nước trường sinh. Đức Kitô gây ngạc nhiên cho chị phụ nữ và các tông đồ vì Ngài đàm thoại với người xứ Samarita, phạm vào luật cấm kị thời đó.
Đức Kitô xin chị nước uống bởi đi đường dài, trời nắng, Ngài khát. Ngày nay Ngài còn khát không phải nước giếng mà khát khao cho mọi người đến cùng Ngài. Ngài đã lập lại điều này trên thập tự. Ta khát. Khát khao đến với các tâm hồn từ chối đón nhận Ngài. Kẻ từ chối đón nhận Ngài thường hận Ngài vì lời Ngài mời họ tin theo chạm tự ái. Họ muốn lãnh đạo đâu muốn tin theo. Đức Kitô khát khao đến thăm nhà những Kitô hữu. Ngài khát khao đến trọ đêm nhà bạn. Ngài sinh nơi đồng vắng mùa đông nên Ngài ước ao được đón vào nhà mà không bị xua đuổi. Ngài khát khao nghe tiếng bạn nói, tiếng bạn cười, hơi thở ngập ngừng của người già cả, tiếng ngáy ngủ ngon của người suốt ngày vất vả lao nhọc, tiếng thở dài của kẻ có điều phiền muộn. Đức Kitô khát khao ban cho bạn nước trường sinh. Những ai chân thành đón nhận Ngài đều nhận được nước trường sinh không bao giờ cạn vì nước đó như lời Ngài nói sẽ trở thành suối nước trong từ tâm hồn, dẫn bạn đến suối nước trường sinh.
Chị phụ nữ thành Samarita đã cho Đức Kitô nước giếng, Ngài cám ơn cho lại nước trường sinh, thoả mãn lòng chị ước mơ.
17.Nước – Lm. Vũ Đình Tường
Chúng ta nghe nói nhiều về nước nhưng ít ai có thể tưởng tượng được mức tàn phá khủng khiếp và tốc độ di chuyển thần tốc của nước. Nước di chuyển không trừ nơi nào, trên sông biển, trên cạn và cả trên không trung. Hạt sương nho nhỏ không đáng kể, cơn mưa rào không đáng sợ. Mưa tầm tã nhiều ngày quả là khủng khiếp. Hình ảnh sống động trên truyền hình của trận lũ lụt tại Úc châu và cơn động đất, tiếp theo là bão sóng thần tại Nhật mới đây gây kinh hoàng cho những ai nhìn thấy cảnh chết chóc, điêu tàn đang diễn ra trước mắt.
Không bỏ sót gì. Đi đến đâu nước kéo sập làng mạc, dinh thự, cột điện đến đó. Trong chớp nhoáng nước tràn sâu lục địa, vượt qua đại lộ, hất tung đoàn xe đang chạy, chiếc vất chơi vơi trên mái nhà, chiếc đắm chìm mất hút trong làn nước, chiếc xoáy tròn theo dòng thác lũ. Nước nhổ neo, vỗ nát con tầu đánh cá thành vạn mảnh trong nháy mắt. Trước sức mạnh vũ bão đó con người chỉ còn một chọn lựa duy nhất là chạy. May thì thoát, ngược lại là nạn nhân.
Biến cố lũ lụt vừa qua ít nhiều, giúp ta hình dung khung cảnh câu chuyện ghi trong sách Xuất Hành chương 14 ghi lại trong Cựu ước. Chúa sai Môise dùng cây gậy rẽ nước dẫn dân Ngài vượt Biển Đỏ ráo chân. Điều này cho biết Thiên Chúa làm chủ tất cả, từ biển khơi đến sông ngòi và ngay cả đường đi, chốn ở của nước. Nếu không, làm sao tổ phụ Môisen biết hòn đá nào có nước để gõ. Giữa samạc Zin khô cằn cát nóng bỏng. Thiên Chúa phán bảo ông gõ đá ra nước cho thấy Ngài là chủ tể muôn loài (Xh17). Làm chủ trời cao, đất liền, sa mạc, biển khơi, sông ngòi, và mọi sinh vật từ lòng biển đến lòng đất.
Nước trường sinh
Điều chắc chắn không phải nước nào cũng mang lại sự sống. Nước lụt và sóng thần tràn ngập nhưng dân chúng vùng đó lại thiếu nước uống. Vì nước bị nhiễm độc, uống vào làm mất sự sống. Thủy thủ trên biển cả bao la, bát ngát, luôn phải tiết kiệm nước vì sợ thiếu. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng trật tự thiên nhiên Chúa tạo dựng như vậy. Đảo lộn trật tự này sẽ lãnh hậu quả tang thương.
Nước ngọt mang lại sự sống cho tôm cá, ngư sản nước ngọt. Nước mặn cho nước mặn, nước lợ cho nước lợ. Nước nào cho loại sinh vật tuỳ loại đó nếu trái với thiên nhiên sự sống bị thiệt thòi. Vì thế nước trần gian mang lại sự sống nơi trần gian. Nước thiên đàng mang lại sự sống thiên đàng.
Sức nước đi đến đâu tàn phá, quyét sạch mặt đất đến đó. Còn lại là tàn tích của đổ vỡ, điêu tàn và mặt đất nhẵn lớp phù sa. Nước trường sinh có sức mạnh tẩy rửa đời sống bên trong, đời sống nội tâm. Xoá bỏ quá khứ cuộc đời. Đào tận căn mọi gốc rễ tội lỗi của tâm hồn thống hối, ăn năn. Nước trường sinh tẩy xoá mọi tì ố, vết dơ, đố kị, thù hằn. Nước trường sinh quyét sạch tội đời bằng cách tẩy thói hư, rửa tật xấu, xoá ích kỉ, gột kiêu căng. Nước trường sinh làm mềm tâm hồn cứng cỏi, dịu cơn giận, giảm cơn đau. Nước trường sinh sưởi ấm con tim nguội lạnh, san bằng bất công, tiêu diệt áp bức, càn trước, quét sau, dọn sạch tâm hồn cho hạt giống thứ tha nảy mầm, cho tình người nở hoa. Thắt chặt tình thân ái, cảm thông, tình anh em, mở đường dẫn đến ăn năn, thống hối để nhận ơn thứ tha, giao hoà cùng Thiên Chúa và tha nhân.
Nước trường sinh không đến từ giòng sông, không gây nên bởi bão táp, biển khơi lộng gió hay va chạm dưới lòng đất sâu. Nước trường sinh thức tỉnh bởi sóng lòng, rung nhịp con tim, mời lương tâm lên tiếng thúc dục, giúp óc tỉnh ngủ nhận ra lỗi lầm. Tất cả do sức mạnh Lời Chúa vì lời Chúa là đèn soi, chiếu dọi tâm hồn.
Bên bờ giếng
Bên bờ giếng Đức Kitô đối thoại với người phụ nữ thành Samarita. Ngài hỏi xin chị nước uống. Chị thắc mắc ông không phải dân làng sao lại đến đây xin nước. Gây cho chị ngạc nhiên hơn nữa, Đức Kitô, người hỏi xin nước, giờ hứa ban nước cho ai thành tâm xin. Chị phụ nữ thành Samarita tự hỏi gầu không có làm sao có thể lấy nước từ giếng sâu. Thắc mắc bình thường kia là dịp tốt để Đức Kitô giải thích về nước trường sinh. Ngài hứa ban, không phải nước thường, nước giếng, nước sông, nước rạch vì thế không cần gầu để kín, múc. Loại nước đó uống rồi lại khát, cần uống tiếp. Nước đặc biệt mà Đức Kitô ban là nước trường sinh, không cần gầu để múc, kéo.
Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. Gn 4,14
Làm sao để có được nước trường sinh.
Đổi tấm lòng
Đức Kitô cho biết nước Ngài ban sẽ thành mạch nước từ tấm lòng vọt lên mang lại sự sống. Như thế muốn nhận lãnh nước trường sinh chỉ có một cách duy nhất là nhìn đến tấm lòng, tìm ra nguồn nước hằng sống. Nguồn nước đó bị bụi đời che khuất, tội đời ngăn cản, thói đời lấp lối và tình đời làm bế tắc ống dẫn nước.
Tìm được nguyên nhân gây bệnh việc chữa trị xem ra có nhiều hy vọng hơn. Phủi sạch bụi đời sẽ tìm thấy nguồn nước. Từ giã tội đời nguồn nước được thông. Đổi đời để có cuộc đời mới. Nối kết tình người sẽ có nguồn sống mới. Dâng hiến cuộc đời sẽ nhận được đời mới. Giã từ lối sống trác táng để nhận lại cuộc sống mới tôn thờ Thiên Chúa.
Thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật c.24
Chúng ta cầu xin biết đổi đời thường lấy đời sống trường sinh. Dâng hiến đời sống trần gian lấy đời sống thiên quốc.
18.Cơn khát đam mê – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Người ta kể rằng: có một người thợ đào vàng chết và lên thiên đàng. Ngay ở cổng thiên đàng, thánh Phê rô hỏi:
- Ở trần gian con làm nghề gì?
- Anh ta thưa: Con làm nghề đào vàng.
- Thánh Phê rô nói: Trên thiên đàng đã có quá nhiều thợ đào vàng rồi.
- Anh ta đáp: Thưa ngài, xin cứ cho con vô, để con cai trị bọn nó, kẻo chúng tham lam mà gây náo loạn thiên cung, làm sao dẹp loạn.
- Nhờ dẻo miệng anh ta cũng được thánh Phê rô cho vào thiên đàng. Anh ta đảo một vòng thiên đàng thì quả thật có rất nhiều tay thợ đào vàng đang ở thiên đàng. Anh ta liền rỉ tai rằng: ở hoả ngục vừa phát hiện ra một mỏ vàng mới. Các anh mau xuống đó mà đào. Thế là một thoáng qua đi, các tay đào vàng đã bỏ thiên đàng, vác cuốc, vác xẻng nhảy bổ xuống hoả ngục tìm vàng. Nhìn quanh nhìn quẩn chỉ còn lại một mình, anh cũng cảm thấy đứng ngồi không yên. Anh liền xin phép thánh Phê rô cho anh xuống tham quan một vòng hoả ngục xem sao. Thánh Phê rô mới bảo anh: đừng có mà ảo tưởng. Chẳng có mỏ vàng nào ở hoả ngục đâu! Chỉ có sự chết mà thôi! Nhưng anh ta nói: thưa ngài, chính con là người phao tin đồn đó, nhưng biết đâu ở đó lại có vàng thật thì sao? Vì bọn kia đã ra đi mãi mà chẳng thấy đứa nào quay trở lại. Chắc là có vàng thật! Nói xong, anh liền nhảy luôn xuống hoả ngục. Thế là cả đống, cả chùm ở dưới hoả ngục. Lòng tham của con người thật khôn cùng, sẵn sàng hy sinh cả hạnh phúc đời đời để thoả mãn cái khát vọng thấp hèn trần gian mau qua.
Có thể nói, đói khát vàng bạc, giầu sang chỉ là một trong muôn vàn cơn đói khát đang hành hạ và giết chết hàng vạn người. Có biết bao cơn khát của đam mê lầm lạc, của thú vui xác thịt, của tiền tài danh vọng đã đẩy bao người vào hố sâu của vực thẳm. Càng ngụp lặn trong vực thẳm, càng làm cho họ trở nên điên rồ đánh mất nhân cách, đánh mất tính người. Họ đã lầm. Vì tất cả những thứ đó không bao giờ làm thoả mãn cơn khát trong lòng họ. Vì được voi đòi tiên. Vì lòng tham vô đáy. Họ chỉ bắt được bóng chứ không bắt được mồi. Giếng sâu của lòng tham chỉ làm cho con người thất vọng, chán chường. Con người vẫn khao khát một điều gì đó vượt lên những ảo ảnh trần gian.
Người thiếu phụ bên bờ giếng Giacob hôm nay cũng thế. Mỗi ngày, chị phải ra giếng kín nước. Nhưng uống nước này là tự đầy đoạ mình. Dù chưa nhận ra, nhưng chị vẫn thao thức và bị dày vò vì một cơn khát nào đó mà những mối tình trần tục đã không giải khát nổi, đã không làm dịu đi sự thèm khát chút nào, càng đi sâu vào biển tình, chị càng thấy thiếu thốn.
Thánh Gioan đã nói "vì chị đã có 5 đời chồng". Nói 5 đời chồng không có nghĩa là một mình thiếu phụ đã đi lập gia đình năm đời chồng liên tiếp. Nhưng có lẽ là 5 mối tình bất chính. Và cả người thứ sáu cũng không thực sự là chồng. Như vậy, chị đã quan hệ bất chính một lúc với sáu người đàn ông nhưng không ai thực sự là chồng của chị. Chị là một phụ nữ trắc nết, bị xóm ngõ khinh miệt, loại trừ, chị phải đi kín nước vào giữa trưa hè nắng thay vì ban sáng hay chiều hôm như bao phụ nữ khác. Chị đi vào giờ này là để tránh gặp hàng xóm láng giềng. Nhưng không ngờ chị lại gặp Chúa Giê su. Lần gặp này đã thay đổi vận mạng cuộc đời của chị. Chúa Giê su đã mở lối thoát cho chị thật nhẹ nhàng, khi Chúa nói: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị cho tôi xin nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống. Ai uống nước này sẽ không còn khát nữa".
Chúa Giê su đã dẫn dắt chị đi từ ý niệm cụ thể vật chất đến siêu nhiên. Từ việc chính Chúa khát nước giữa trưa hè nắng đổ lửa đến một sự khát bỏng của tâm hồn khô cạn ơn thánh. Người thiếu phụ này hằng khao khát hạnh phúc và chị đã tìm sự thoả mãn trong lạc thú với nhiều người đàn ông một lúc, thế nhưng vẫn không thoả mãn cơn khát trong lòng chị.
Cuộc đời của thiếu phụ này là một thất bại dài đầy nghiệt ngã thất vọng. Cho đến khi gặp được Đấng Ky tô, chị ta mới nhận ra. "Còn ai uống nước tôi ban sẽ không bao giờ khát nữa". Nước Chúa ban là nước trường sinh. Nước này không có cặn bã của tham lam bất chính, của dục vọng đen tối, của đam mê lầm lạc. Nguồn nước ân thánh tinh khiết có khả năng chữa lành các thương tích của tâm hồn và làm hồi sinh những tâm hồn đang chết trong đam mê tội lỗi. Người ta nói trong thất bại thường có sự may mắn. Chị là người may mắn đầu tiên được lãnh nhận nguồn nước ân thánh đó. Thế là tâm hồn chị được tha thứ, được rửa sạch và đã khát, chị chẳng cần đến giếng Giacob và nước nữa, chị thoăn thoắt chạy vào thành báo tin cho dân làng biết có thứ nước hằng sống, nước trường sinh mà mọi người đang khao khát, đó là Đấng Ky tô là Thiên Chúa cứu độ, là Đấng Messia họ đang mong đợi. Vì chính Đấng ấy đã nói với chị: "Chính tôi là Đấng đang nói với chị đây".
Hôm nay Chúa viếng thăm người thiếu phụ Samaria và bà đã được tỉnh ngộ. Bà đã làm lại cuộc đời. Hằng ngày Chúa cũng đến thăm chúng ta qua thánh lễ, qua Lời Chúa và các bí tích, nhưng liệu chúng ta đã tìm được nguồn suối ân sủng của Ngài hay ta vẫn còn loay hoay ngụp lặn trong những ảo ảnh trần gian?
Mùa chay mời gọi chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của mình: tôi đang khao khát những gì? Tôi đã tim được chúng chưa? Tôi thường tìm thoả mãn về những điều gì? Điều đó có giúp ta nên thánh hay đang huỷ hoại mình trong những cơn đói khát bất chính?
Lời Chúa vẫn mời gọi chúng ta: "ai uống nước này sẽ không còn khát nữa", chúng ta có tin và sống như thế hay không? Hay chúng ta vẫn đói khát của cải danh vọng, quyền thế để khi không được, chúng ta lại trách Chúa như dân Do Thái hồi ở Masa trong sa mạc năm xưa?
19.Giòng nước hằng sống – Cố Lm. Hồng Phúc
Dưới ngòi bút linh động của Gioan, bài Phúc Âm hôm nay mô tả cuộc gặp gỡ của Chúa bên bờ giếng Giacóp với thiếu phụ Samaria. “Khi ấy, Ngài tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria… ở đó có giếng của Giacóp, Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghĩ trên miệng giếng” giữa trưa hè. Chắc là Chúa ngồi sát mặt đất, lưng tựa vào bờ thành giếng. Ngài ngồi đó mệt mỏi, sau một khoảng đường dài qua xứ Samaria.
Ngài ngồi đó để chờ đợi. Ngài biết muốn gặp gỡ đàn ông thì ra phố chợ, muốn gặp gỡ đàn bà thì ra bờ giếng. Ngài ngồi đó để đón chờ chúng ta, vừa mệt vừa đói. Trời đã về trưa, nắng, nóng. Ngài ngồi đó để chờ một người đàn bà mà cuộc đời có nhiều sóng gió, đang ỏn ẻn đầu đội vò, tay xách gầu đi ra.
Cuộc gặp gỡ tương tợ như những lần gặp gỡ do Thánh Kinh kể lại giữa Giacóp và Rachel (Stk 29), giữa Moisê và các con gái của Rơuel-Yêthrô (Xh 2. 15-22) bên một suối nước. Chúa nói: “Xin bà cho tôi uống nước”. Ngài khát. Nhưng khát gì?
Lời nói của Chúa hàm chỉ hai ý nghĩa. Ngài khát sau những giờ cuốc bộ dưới nắng hè, nhưng Ngài khát khao cứu các linh hồn đang cần một thứ nước thiêng liêng cao trọng hơn.
Cuộc đối thoại giữa Chúa và người đàn bà kênh kiệu bắt đầu. Từ bối cảnh một giếng nước sâu đến thảm trạng một tâm hồn ngụp lặn trong tội lỗi, Chúa Giêsu đã khơi lên một giếng nước hằng sống “mà ai uống thì không bao giờ còn khát nữa”.
Mỗi ngày, thiếu phụ Samaria phải ra giếng kín nước. Nhưng càng uống lại càng khát cũng như càng đi sâu vào biển tình càng thấy thiếu thốn. Đời của bà là một chuỗi thất bại. Chúa đưa bà đến chỗ phải thú nhận. Tuy nhiên bà vẫn còn tin cậy và tìm kiếm, vẫn mong chờ Đấng Messia đến, “Ngài sẽ loan báo hết mọi sự”.
Và giòng nước đã vọt lên: “Hỡi bà, Đấng ấy chính là Ta, Người đang nói với bà đây”. Thiếu phụ đã cầu được ước thấy, được rửa sạch. Giòng nước Ngài ban “trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.
Thiếu phụ Samaria không còn nghĩ đến giếng, đến vòi, vội chạy về thành báo tin cho mọi người biết để họ cùng nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.
Gioan qua từng giai đoạn đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Chúa Giêsu. Ngài là một người tha hương mỏi mệt, một người Do thái bị khinh chê, một nhà tiên tri đọc được trong tâm hồn, là Đấng Messia đến để dạy cách thờ phượng trong tinh thần và chân lý, là Đấng Cứu chuộc của nhân loại. Đó là tóm lược bài Phúc Âm của Chúa ngày hôm nay.
Suy niệm bài Phúc Âm này, một số chị em ở Bỉ đã lập ra Tu hội “Eau Vive” (Nước Hằng Sống). Ngoài việc cầu nguyện trước Thánh Thể, chị em còn mở quán ăn phục vụ khách hàng. Các cô chiêu đãi là những cô thuộc nhiều quốc tịch mà câu châm ngôn là phục vụ Chúa Giêsu trong các thực khách. Mỗi buổi tối lúc 9 giờ, chị em có giờ cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm. Thực khách được mời tham dự, ai không tham gia thì cứ tự nhiên. Thế rồi các chị em cùng một số ít thực khách sắp ghế vòng quanh lại, bắt đầu cầu nguyện. Quán ăn đã trở nên Nhà Cầu Nguyện, vì có Chúa hiện diện như ngày xưa… bên bờ giếng Giacóp.
20.Nguồn nước diệu kỳ (Ga 4,5-42) – Thiên Phúc
(Trích “Như Thầy Đã Yêu”)
Có một người Ả Rập nghèo nọ phải băng qua giữa sa mạc trong cơn đói khát và mệt lả. Tình cờ, người đó bắt gặp một dòng suối. Với tất cả tấm lòng biết ơn ông ta uốn từng ngụm nước và cảm thấy ngọt ngào khôn tả. Ông múc nước đổ vào bầu da cho đầy và tiếp tục cuộc hành trình.
Sau nhiều ngày vất vả, ông đã đến thủ đô Baghdad. Tìm đủ cách để được tiếp kiến quan đầu tỉnh, ông dâng kính cho quan tặng vật là chính bầu nước. Quan đầu tỉnh đón nhận món quà một cách vui vẻ. Cho nước vào trong ly, ông uống cạn và cám ơn người Ả Rập, đồng thời tưởng thưởng ông một cách quảng đại.
Những người hầu cận cứ nghĩ thầm rằng đây là một thứ nước kỳ diệu nên ai cũng mong được nếm thử. Nhưng quan đầu tỉnh nhất mực từ chối… Chờ cho người Ả Rập đi khuất, quan mới giải thích về cử chỉ của mình. Nước để lâu trong bầu da đã trở nên bẩn và hôi thối. Quan nghĩ rằng nếu tất cả mọi người đều uống nước đó và đều tỏ thái độ khó chịu trước mặt người Ả Rập, ông ta hẳn sẽ bị tổn thương.
***
Người Ả Rập cứ tưởng mình trao tặng cho quan đầu tỉnh món quà diệu kỳ. Hóa ra là chính quan đầu tỉnh mới là người tặng cho anh món quà vô giá, với một phong cách trao ban hết sức tế nhị và thấm đậm tình người.
Người phụ nữ Samari cứ tưởng mình làm ơn cho Đức Giêsu khi cho Người uống nước từ giếng Giacóp. Hóa ra Người mới chính là vị ân nhân sẽ ban cho bà một thứ nước diệu kỳ, uống vào “sẽ không bao giờ khát nữa”.
Nước ấy chính là Nước hằng sống, nước đó chính là Lời Đức Giêsu, Lời bày tỏ con người kín nhiệm của Người, là Đấng Mesia sẽ đến. Để cuối cùng, Người dã tự tỏ mình ra không phải cho người Do Thái đồng hương, cũng không phải cho các môn đệ thân yêu, mà là cho chính chị, người phụ nữ ngoại giáo Samari: “Đấng ấy chính là tôi, Người đang nói với chị đây” (Ga 4,26). Niềm vui vỡ òa trong tim, chị vội vã đi loan báo cho dân làng, để họ cũng được uống thứ nước tuyệt diệu của Đức Giêsu, Nước hằng sống, nước uống vào sẽ không còn khát nữa.
“Đấng ấy” chính là Mêsia, vị cứu tinh của nhân loại. Chỉ những ai tin vào Người, mới đáng lãnh nhận ơn cứu độ.
“Đấng ấy” chính là Nước hằng sống. Chỉ những ai thật lòng khao khát mới được ban cho thỏa thuê dư dầy.
“Đấng ấy” chính là Lời hằng sống. Chỉ những ai đón nhận Lời và thực thi trong cuộc sống, mới được sống đời đời.
Cuối cùng, Đức Giêsu không ăn cũng chẳng uống. Vì Người dùng một thứ lương thực mà chính các Tông đồ cũng không hề biết. Thánh Gioan đã không để chúng ta phải chờ đợi lâu. Vâng, lương thực của Người chính là “đồng lúa đã chín vàng đang chờ gặt hái” (c.35), là “nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Người” (c.39). Cơn đói của Người là mong cho mọi người nhận biết và yêu mến Cha, cơn khát của Người là ước cho muôn người được no thoả “nước uống vào sẽ không còn khát nữa”.
Chúng ta sẽ làm thỏa cơn đói của Đức Giêsu, khi chúng ta làm theo người phụ nữ Samari mau mắn đi loan báo cho dân làng biết Người chính là Đấng Mêsia.
Chúng ta sẽ làm thoả cơn khát của Đức Giêsu, khi chúng ta cùng với dân làng Samari tin Người là “Đấng cứu độ trần gian” (c.42).
***
Lạy Chúa, xin khơi dậy nơi chúng con nỗi khao khát hướng về Chúa, nỗi khao khát được Chúa cứu độ và yêu thương. Amen.
21.Nước Hằng Sống – Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng
Có một câu chuyện mang tên “Lòng cảm thông”, có nội dung như sau:
Có một goá phụ giàu có nọ phụng dưỡng một tu sĩ trong 20 năm liền.
Bà xây cho vị tu sĩ này một tịnh xá ngay trong khu vườn vắng vẻ thanh tịnh của bà. Bà cung cấp cho ông đủ mọi thứ trong thời gian ông tu niệm. Bà rất đỗi sung sướng khi nhận thấy những tiến bộ của ông trong bước đường thiêng liêng, nhưng bà vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Để xem 20 năm hy sinh của bà có hoài công hay không, người đàn bà này quyết chí thử lòng kẻ tu trì.
Một hôm, bà cho tìm một cô gái trẻ đẹp, trả tiền cho cô và sai cô đến cám dỗ vị tu sĩ. Nửa đêm, trong lúc vị tu sĩ này đang ngồi thiền, cô gái xông cửa bước vào tịnh xá và dùng đủ mọi lời lẽ, cử chỉ để quyến rũ ông, nhưng vị tu sĩ vẫn một mực chìm đắm trong việc tụng niệm. Đến một lúc không còn chịu đựng được nổi sự tấn công của cô gái nữa, vị tu sĩ bèn quơ cái chổi đánh túi bụi vào người cô gái và tống cô ra ngoài.
Cô gái đến gặp người đàn bà và kể lại diễn tiến câu chuyện.
Người đàn bà hài lòng về sự thánh thiện của vị tu sĩ này ư? - Không! Nghe cô gái tường thuật xong, người đàn bà liền nổi giận thốt lên:
Hắn ta không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm tu niệm ăn chay của hắn qủa là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.
Tìm đến con người
Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với con người. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. (Ga.1,14).
Chúa Giêsu đã đi con đường băng ngang miền Samari, và Ngài đã mở đầu câu chuyện với một phụ nữ Samari bằng việc “xin nước uống”.
Thật ra, để có nước uống, Chúa Giêsu có cần phải “xin” người phụ nữ này không, khi mà người Samari và người Do-Thái xem nhau như kẻ thù? "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?" Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Samari. (Ga 4,9) – Chắc hẳn là không! Chúa Giêsu đang đi với các môn đệ. Chắc các ông sẽ có cách lo liệu cho thầy mình qua cơn khát. Nên, việc Chúa Giêsu xin nước là để mở đầu câu chuyện trong “hòa bình”. Ngài đóng vai một người đang cần “sự giúp đỡ”, và người giúp đỡ sẽ dễ dàng đặt câu hỏi đối với người xin mình, vì họ cảm thấy mình quan trọng.
Cuộc đối thoại trong Tin Mửng hôm nay là sự trao đổi bằng những ngôn ngữ thật đẹp, thẳng thắn và chân thành, không có khoảng cách thận trọng e dè giữa đôi bên.
Tôn trọng con người
Thiên Chúa luôn yêu thương và tôn trọng con người, vì con người là con Thiên Chúa. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv.8,5).
Thái độ “xin” là một thái độ “khiêm nhượng” và “tôn trọng” người mình xin. Trong tình yêu, luôn có sự kính trọng! Thái độ “lắng nghe” Chúa Giêsu nói của người phụ nữ Samari cho thấy ranh giới “nghi kỵ, thù hận” đã được tháo bỏ trong tâm hồn chị ấy. Ngay những lời nói sơ giao, người phụ nữ Samari đã thấy Chúa Giêsu, người đàn ông Do Thái này, là người “có thể đối thoại được”. Và điều ấy, cũng chính là sự mở đầu của niềm tin. – Không ai thèm nói chuyện với một người mà người ta hoàn toàn không thể tin tưởng!
Thái độ “phá bỏ cái giới hạn hẹp hòi” đã phân chia hai dân tộc anh em là người Samari và Do Thái đã tạo ra ngay trong lòng người phụ nữ “câu hỏi” đầu tiên:“người này là ai?”, vì sao là một người Do Thái lại có thể giao thiệp tự nhiên với một người Samari?
Diễn tiến câu chuyện, Chúa Giêsu đã tạo cho người phụ nữ Samari phải liên tiếp tự đặt câu hỏi về Ngài. Ta có thể suy ra những ý nghĩ trong lòng người phụ nữ này, tỷ như: Người này là ai mà biết tất cả những việc mình làm như thế? Người này là ai mà trả lời trôi chảy mọi điều mình thắc mắc như thế? Để rồi, người phụ nữ ấy đi dần đến nhận ra Ngài là một Ngôn sứ. Cuối cùng là Đức Kitô.
Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga.4,28-29).
Cứu chuộc con người.
Diễn tiến sự thay đổi trong lòng người phụ nữ Samari luôn là câu hỏi: “Người này là ai?”. Và trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng luôn muốn con người tự tìm ra câu hỏi ấy cho chính mình. Bởi vì Niềm Tin phải là sự “nhận biết” Đấng Cứu Thế.
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”. Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ. Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-mon thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt.16,13-16).
Nhận biết Con Người là ai? Giêsu Nagiarét là ai? Con người mới có thể đi tới Đức Tin. Tin vào Đức Kitô, con người mới nhận được “Nước Hằng Sống”, thứ nước đáp ứng đầy đủ mọi “cơn khát chính đáng” của con người, Những “khát vọng” mà cuộc đời không thể thỏa mãn được.
Chỉ có Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người, mới đem lại màu xanh sức sống cho những tâm hồn cằn cỗi kiếp nhân sinh.
Tất cả đều đến từ Tình Thương. Và Tình Thương luôn là điều cấp bách, vì con người quá thiếu.
Sẽ chẳng có câu chuyện Tin Mừng tuyệt đẹp hôm nay nếu Chúa Giêsu cũng tẩy chay người Samari, và lánh xa người phụ nữ Samari tội lỗi này, như thái độ tống khứ cô gái bằng vũ lực ra khỏi phòng của vị tu sĩ trong câu chuyện “lòng cảm thông” kể trên.
Hắn ta không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm tu niệm ăn chay của hắn qủa là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.
Tràn ngập trong cuộc sống con người là những nỗi lòng âm thầm đau khổ, là những bon chen trong hạnh phúc phù phiếm, là khắc khoải lo toan, là những cơn khát triền miên mà con người cố gắng tìm cách thỏa mãn với những niềm vui hụt hẫng chóng qua.
Trong điều kiện sống của người Samari, xứ sở cao nguyên và sa mạc, có được “giếng nước” là xem như có tất cả. Nguồn nước là nguồn sống. Mạch nước là mạch sống. Nên “giếng nước” rất quan trọng, đó là sự sống còn của họ.
Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”(Ga.4,11-12).
Nhưng sự vui mừng của người phụ nữ Samari thật rất cảm động, ta có thể hình dung sự vui mừng của chị ấy khi bỏ tất cả những gì đang có để reo mừng và chạy vào thành để loan báo Tin Mừng mà chị vừa nhận được.
Sự vui mừng của người phụ nữ Samari cho thấy cuộc sống của chị tuy đã có rất nhiều nhưng còn đó cơn khát vô tận. “Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” (Ga.4,15).
Không có một lời khiển trách nào đối với một người phụ nữ mà sáu người đàn ông bước qua cuộc đời chị không ai là chồng cả! Nhưng ở đây, niềm vui của chị khi đón nhận Lời Hằng Sống cũng chính là Sám Hối. Chị bỏ lại tất cả mọi thứ bên bờ giếng, cũng như bỏ lại quá khứ tội lỗi của cuộc đời mình, và đã đóng vai người đi loan báo Tin Mừng với niềm vui khôn tả!
Không có sự ngượng ngập hay hổ thẹn khi nhắc đến quá khứ đời mình, "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. (Ga.4,29), vì chị không để tâm gì đến nó nữa, mà trong tâm trí chị giờ đây chỉ nhớ đến một điều là loan tin về Đấng Cứu Thế. “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?" (Ga.4,29).
Truyền giáo
Thế giới vẫn còn đây cơn khát vô tận, dù sự khôn ngoan của con người đã lên đến đỉnh cao và cuộc sống con người đang rất giàu có.
Chỉ cần dành vài phút giây để nhìn vào thế giới hôm nay, để thấy đây đó bao cảnh thiên tai, chiến tranh, mất mát, đau thương. Để hiểu giá trị cát bụi, phù vân. Để nghe cơn khát bất tận của con người. Để chọn đâu là những chân giá trị. Để đi đúng con đường của sự sống đích thực.
Con đường Giêsu. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Có thể nhận ra trong Tin Mừng hôm nay bài học tuyệt đẹp về truyền giáo:
Truyền giáo là yêu thương. "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”
Truyền giáo là sứ mệnh. "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. (Ga.4,34).
Truyền giáo là cấp bách. “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (Ga.4,35).
Truyền giáo là hạnh phúc.“Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng.” (Ga.4,36).
Lạy Chúa,
Xin cho con một con tim giàu lòng nhân ái,
để con biết bước theo Chúa,
với một tấm lòng dạt dào yêu thương. Amen.
22.Nước Hằng Sống – Lm. GB. Trần Văn Hào
Nước Sự Sống.
Nước là nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống cho con người. Người ta có thể tuyệt thực và nhịn ăn trong nhiều ngày, nhưng khi cơ thể thiếu nước chỉ trong một thời gian ngắn, sức khoẻ của chúng ta sẽ suy kiệt dần và tính mạng bị đe dọa. Khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu cũng đã từng kinh qua cái đói và những cơn khát. Ngài cần bánh để ăn và cũng cần nước để uống. Câu chuyện về Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp hôm nay là một khải thị sâu xa cho chúng ta về chân dung cứu thế của Đức Giêsu. Ngài chính là ‘Mạch Nước của Sự Sống’. “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước trào lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Đây là chủ đề mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay quy chiếu vào.
Mảnh đời bầm dập nơi người thiếu phụ.
Câu chuyện khá dài được Thánh Gioan thuật lại trong chương 4 với nhiều chi tiết hàm ngậm những tư tưởng thần học rất sâu xa. Chúa Giêsu đang khát, một cái khát thể lý bình thường giống như mọi người, và Ngài xin nước để uống. Người thiếu phụ Samari cũng đang khát và chị đến giếng để múc nước. Nhưng nơi chị còn có một niềm khát khao sâu xa hơn, phát xuất từ mảnh đời nghiệt ngả chị đang trải qua. Chị đã có 5 đời chồng, nhưng chẳng ông nào ra ông nào, và hiện nay chị đang sống với một người đàn ông khác không phải chồng của mình. Xã hội thời đó chỉ xem phụ nữ như vật sở hữu của đàn ông để họ có con nối dõi. Phẩm giá của người phụ nữ hoàn toàn bị coi rẻ. Là con người cũng như bao người khác, chị cũng khát khao được làm người tử tế, được làm mẹ, làm vợ trong một mái ấm gia đình bình thường, nhưng hạnh phúc dường như đã vượt quá tầm tay của chị. Chúa Giêsu thấu tỏ tất cả. Ngài nhận ra cơn khát ẩn sâu nơi tâm hồn người thiếu phụ, và từ từ vén mở cho chị biết về Ngài, là chính ‘Mạch Nước Trường Sinh’. Trong nguồn nước ấy, mọi nỗi khát khao của kiếp người sẽ được hóa giải.
Vào tháng 11 năm 2004, nhân kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn ‘Đời sống Thánh hiến’ (Vita Consecrata), Giáo hội tổ chức Đại hội tu sỹ ở Rôma trong 5 ngày. Cuộc họp qui tụ gần 900 đại biểu đến từ các nơi, gồm các Bề Trên thượng cấp của các dòng tu cùng các chuyên gia thần học và Thánh kinh, để thảo luận về đời sống thánh hiến. Đại hội đã chọn chủ đề ‘Đam mê Thiên Chúa và đam mê con người’ (Passion for Christ, passion for human) để các thành viên suy tư. Hiển thị chủ đề này là 2 biểu tượng về 2 người Samari: Người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (Ga chương 4) và người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37). Câu chuyện về người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay đã được kể lại, được hội nghị nghiền ngẫm và đào sâu để làm khung quy chiếu cho các tham dự viên, đặc biệt cho những ai sống đời thánh hiến. Người thiếu phụ Samari vốn chỉ là một phụ nữ ngoại giáo bình thường, chưa hề biết Đức Giêsu là ai và luôn bị người Do Thái xem như thù nghịch. Nhưng chị đã biết trải lòng mình ra để ngày càng đi sâu vào mối thân tình với Chúa Giêsu. Cuối cùng chị đã khám phá ra Ngài: Đức Kitô, Đấng Messia, là ‘Nguồn Nước Sự Sống’.
Sau khi được Đức Giêsu thấm nhập và biến đổi, người thiếu phụ đã bỏ vò nước lại bên bờ giếng và chạy vội về làng để ‘công bố Tin mừng’ cho đồng hương của chị. Chị đã gác lại cơn khát của thân xác, vì đã được thỏa mãn cơn khát thâm sâu trong tâm hồn. Người thiếu phụ vội vã đi truyền tải thứ nước trường sinh ấy cho những người cũng đang khát cháy giống như chị. Đây là mô hình về đức tin và về sứ vụ chia sẻ đức tin, giúp chúng ta học hỏi để noi theo.
Những mảnh đời bất hạnh nơi phận người.
Con người chúng ta được sinh ra trong tiếng khóc chào đời của chính mình và chết đi trong tiếng khóc tiễn đưa của những người thân quen. Cuộc sống con người mãi luôn là một ẩn số với bao khổ đau. Đức Phật đã dạy các môn sinh rằng, đời là bể khổ, và ai ai cũng có thể nhận ra điều này. Phật giáo tìm cách giải mã đau khổ bằng liệu pháp diệt dục. Một vài tôn giáo khác lại chủ trương né tránh. Ông tổ của triết học vô thần Marxism thì lại lý tưởng hóa bằng cách mơ tưởng đến một thiên đàng trần gian nơi không còn người bóc lột người, tất cả được no cơm ấm áo... Nhưng tất cả chỉ là những lý thuyết không tưởng. Chỉ duy nhất Đức Giêsu mới đem lại cho chúng ta chìa khóa giải quyết tận căn mầu nhiệm đau khổ bằng chính cái chết của Ngài trên Thập giá. Từ Thập gía, Chúa đưa dẫn con người đến vinh quang (per crucem ad lucem). Từ cái chết ô nhục, Ngài khai mở cho chúng ta sự sống trường cửu. Thập giá của Đức Giêsu là mạch nước vọt trào ơn cứu độ, hóa giải những cơn khát thâm sâu nhất nơi phận người. Điều đó Đức Giêsu đã nói với người thiếu phụ Samari mà hôm nay chúng ta được nghe Giáo hội đọc lại.
Ông Tổng thống Mitterand là nhà lãnh đạo của nước Pháp trong 14 năm và được dân Pháp quý mến, xem ông như một thần tượng. Trong những năm tháng cuối đời, ông có dịp nhìn lại cuộc đời đã qua và viết lại những dòng nhật ký đáng để chúng ta suy nghĩ. Trang nhật ký có tựa đề ‘Tôi đang chuẩn bị cái chết’. Ông viết: “Lúc nhỏ, tôi được dạy phải đọc kinh, nhưng thay vì đọc kinh tôi lại thích thinh lặng và suy niệm. Tôi suy niệm về tôi, về Thiên Chúa, và về ý nghĩa cuộc đời. Lắm khi tôi tự hỏi không biết tôi có tin Thiên Chúa hay không, nhưng từ trong thâm tâm, tôi luôn bị thúc đẩy phải tin Ngài. Nếu không tin, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa và hoàn toàn trống rỗng.”
Ông viết tiếp: “Ai mà không cảm thấy khao khát muốn vươn tới hạnh phúc và muốn được sống mãi. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy lẻ loi và bị mất hút trong thế giới vĩnh hằng. Pascal đã nói chính xác rằng sẽ đến lúc thân xác mong manh của bạn bị ngã đổ. Bạn sẽ chết, sẽ không còn hiện hữu nơi trần thế này nữa. Nhưng từ trong thâm sâu, bạn vẫn có ước muốn được trường tồn, được sống và được sống mãi. Niềm khao khát đó, không một thứ gì ở trần gian này có thể lấp đầy.”
Đó cũng là niềm khao khát của người thiếu phụ Samaria năm xưa và cũng là của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Ngày xưa, dân Do Thái đi trong sa mạc Sinai cũng khát (bài đọc 1), nhưng cái khát đó chỉ là hình bóng. Khát khao tình yêu và hạnh phúc là những ẩn số triền miên nơi kiếp người, và đáp án của ẩn số đó đã được Chúa Giêsu khải thị trong bài Tin mừng hôm nay.
Kết luận
Ngày xưa, có một đạo sĩ dạy cho các môn sinh bí quyết để tìm tới hạnh phúc. Ông giảng dạy rất uyên bác. Một thanh niên bặm trợn đến gặp ông và thách đố: “Thưa Thầy, Thầy giảng dạy rất thâm thúy, nhưng tôi chỉ xin hỏi Thầy một câu thôi. Trong tay tôi là một con chim, đố thầy biết đó là con chim sống hay con chim chết?” Câu hỏi ma mãnh của chàng trai nhằm gài bẫy vị đạo sỹ vì trong tay anh ta, con chim đang còn sống sẽ bị anh ta bóp chết, nếu vị đạo sỹ trả lời rằng đó là con chim sống. Nhìn nét mặt quỷ quyệt của người thanh niên trẻ, vị đạo sĩ nói thẳng vào mặt anh ta: “Con chim này sống hay chết là do anh.” Ông nói tiếp: “Cũng vậy, hạnh phúc có đến được với chúng ta hay không còn tùy thuộc vào sự lựa chọn tự do của mỗi người.
Trong mùa chay, Giáo hội mời gọi chúng ta sám hối để trở với Chúa và với nhau. Chúng ta hãy hướng về Thập giá Đức Giêsu, kín múc cho mình nguồn nước sự sống để tâm hồn chúng ta luôn được an bình và vươn đạt tới hạnh phúc trường cửu.
23.Chúa Giêsu - Nguồn Nước Hằng Sống
Một trong những nhu cầu cần thiết và quan trọng cho sự sống của mọi sinh vật trên mặt đất này là nước. Những người nông dân nào có nhiều kinh nghiệm chắc hẳn sẽ thuộc nằm lòng câu tục ngữ: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Để cây trái có thể sống và phát triển xanh tốt người dân phải siêng năng cung cấp đủ nuớc cho chúng. Có lẽ hình ảnh người dân trên tay cầm thùng, gàu hay ống nước là một trong những hình ảnh đẹp nhất ở vùng nông thôn. Cũng vậy một trong những nỗi khổ nhất của con người là mỗi khi thiếu nước sinh hoạt. Trong cái nhìn đó Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết có một nguồn nước cần thiết và quan trọng hơn. Đó là Nước Hằng Sống do Chúa Giêsu mang đến.
Bài đọc 1 cho thấy dân Do thái trong sa mạc đã kêu trách ông Môisen vì họ đang khát nước. Ông cầu cứu với Chúa. Người kêu ông cầm gậy đập vào tảng đá tức thì nước từ tảng đá ấy chảy ra cho dân uống (Xh 17, 3 - 7). Nhờ có n ước đó mà dân Do thái được sống. Sang bài Tin mừng Chúa Giêsu đã gặp một phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp. Sau khi trao đổi với chị về nước uống hiện tại, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chị: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời". (Ga 4, 13 -14). Nghe lời ấy chị ta vội vàng xin Chúa Giêsu: "Th ưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước" (Ga 4, 15b). Chắc chắn đây cũng là ao ước của mỗi người chúng ta.
Ai trong chúng ta cũng muốn được sống. Sống thì phải dồi dào, phải sung túc chứ không èo ọt hay suy dinh dưỡng. Nước là yếu tố cần thiết và quan trọng để duy trì và phát triển sự sống. Đối với sự sống tạm bợ nay còn mai mất còn cần đến nước, huống chi là với sự sống đời đời. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp đã được Chúa Giêsu ban cho nguồn nước hằng sống. Chị đã biết đón nhận với tất cả niềm tin của mình vào Chúa Giêsu.
Mùa Chay là mùa mà chúng ta được kêu gọi để nhìn lại chính mình trước Chúa. Nhìn lại để thấy mình mỏng dòn và yếu đuối như thế nào. Càng thấy mình yếu đuối bao nhiêu thì chúng ta mới thấy mình cần Chúa bấy nhiêu. Một cây héo lá mới cần nước, một người cảm thấy khát nước thật sự mới thấy mình cần phải uống nước.
Tác giả Thánh vịnh 42 đã thưa lên cùng Chúa:
"Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mông
Tìm đến Ngài, lạy Chúa ".
Xin Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta biết tin vào Người, biết khao khát sự sống từ nơi Người mang đến. Để rồi chúng ta biết siêng năng đến và gắn bó với Người nhiều hơn.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam