Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1363992
MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ
MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ
Bài Tin Mừng tường thuật cuộc truyền tin kết thúc bằng hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Với hai tiếng “Xin Vâng”, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn thay đổi. Từ nay Mẹ không còn sống cho mình nhưng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Mẹ kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Và vì thế, Mẹ trở thành gương mẫu của lòng tôn sùng và thực hành bí tích Thánh Thể.
Thật vậy, với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là gương mẫu trong việc đón nhận Thánh Thể. Khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng, Mẹ hoàn toàn tin tưởng thịt máu của bào thai Mẹ được diễm phúc cưu mang trong lòng chính là Thiên Chúa. Như thế, Mẹ khuyên dạy ta khi đón nhận Mình Thánh Chúa, hãy tin vững vàng ta đã đón nhận Thịt Máu của Chúa Giêsu.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, tâm hồn Mẹ trở nên ngôi nhà chầu đầu tiên được đón tiếp, cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây chính là ngôi nhà chầu xinh đẹp nhất vì cung lòng thanh khiết của Mẹ là một đền thờ nguy nga lộng lẫy. Hơn nữa việc luôn ghi nhớ và suy niệm những điều thiên thần nói, giúp Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu trong lòng, biến Mẹ thành một người chầu Mình Thánh liên tục. Như thế Mẹ khuyên dạy ta hãy năng chầu Mình Thánh Chúa.
Sau khi thưa “Xin Vâng”, Mẹ vội và lên đường đi viếng bà thánh Elizabeth. Đây chính là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên. Cuộc rước kiệu thật đơn sơ, không kèn trống, không đông đảo, nhưng đầy sốt sắng, đầy cung kính nên đã đem lại lợi ích phi thường: đem ơn cứu độ đến cho ông thánh Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, làm cho mọi người tràn đầy niềm vui. Như thế Mẹ nhắn nhủ ta kiệu Thánh Thể sốt sắng sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.
Nhưng cũng với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu. Từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra trong hang đá Bêlem. Từ khi ấu thơ cho đến khi hoạt động công khai. Việc Mẹ tất tả đi tìm Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem nói lên sự gắn bó mật thiết. Mẹ coi Chúa Giêsu là lẽ sống. Mẹ không thể sống nếu thiếu vắng Chúa. Với lòng tha thiết tìm kiếm Chúa, Mẹ khuyên dạy ta hãy yêu mến đến khao khát Chúa. Vì Thánh Thể Chúa chính là nguồn sự sống của ta.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, không những Mẹ vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn, mà còn dạy mọi người biết vâng lời Chúa. Nên tại tiệc cưới Cana, Mẹ khuyên nhủ gia nhân: “Người bảo gì các con hãy cứ làm theo” (Ga 2,5). Thái độ hoàn toàn vâng phục đã được Chúa thưởng công bằng phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon”. Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhủ ta: Nếu Chúa đã dặn dò: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22-19), thì hãy vâng lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, chầu MTC, chịu lễ, chắc chắn Chúa sẽ làm phép lạ đổi mới đời các con như biến nước lã thành rượu ngon.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu, theo Chúa trên đường lên Núi Sọ và đứng dưới chân thánh giá để nên một với Chúa Giêsu trong việc dâng hiến chính bản thân mình, dâng những đau đớn khổ cực làm của lễ đền tội cho nhân loại. Ở đây Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tự hiến mình cho nhân loại. Như Chúa Giêsu, tấm lòng tan nát của Mẹ đã trở thành tấm bánh bẻ ra ban cho nhân loại sự sống mới. Như thế Mẹ dạy ta phải biết hiến thân chịu mọi đau đớn, vất vả trong đời sống để nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để hiến dâng thân mình sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Và với hai tiếng “Xin Vâng”, một lần cuối cùng Mẹ vâng lời Chúa, nhận thánh Gioan làm con. Nhận thánh Gioan là nhận cả nhân loại làm con. Vì thế Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể khi hiệp nhất với tất cả mọi người, nhận tất cả nhân loại vào gia đình mình, đón tiếp mọi người vào đồng bàn trong bữa tiệc Thánh Thể, và trong bữa tiệc Nước Trời. Hôm nay, Mẹ nhắn nhủ ta khi chịu lễ rồi hãy biết yêu thương đoàn kết vì tất cả chúng ta được đồng bàn với Chúa, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén với nhau. Và tất cả chúng ta đều là các chi thể trong thân thể của Chúa. Tuy năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng việc yêu mến sùng kính và nhất là việc sống bí tích Thánh Thể vẫn tiếp diễn. Đặc biệt trong tháng Mân Côi, nếu ta yêu mến Đức Mẹ, ta càng phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Mẹ chính là mẫu gương yêu mến Thánh Thể, đến nỗi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”. Nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắn Đức Mẹ sẽ hướng dẫn ta đến yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì tất cả các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi đều hướng về Chúa Giêsu. Và mầu nhiệm 5 Sự Sáng đưa ta trực tiếp tới bí tích Thánh Thể. Thật là đẹp khi ta lần hạt trước Thánh Thể. Vì như Đức Mẹ đã khấn cầu cho tiệc cưới Cana được ơn phúc thế nào, hôm nay, trước Thánh Thể, Đức Mẹ cũng khẩn cầu ơn phúc cho chúng ta như vậy.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ biểu lộ niềm tin. Bạn có giữ vững được niềm tin trong những lúc gặp thử thách để thưa “Xin Vâng” với Chúa trong đau khổ không?.
2) Gia nhân đã vâng lời Đức Mẹ “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” nên đã múc nước lã mà không hiểu gì. Bạn có sẵn sàng vâng lời Chúa làm những việc mà bạn không hiểu?
3) Khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã mời gọi ta thực hiện 3 điều. Bạn có sẵn sàng “Xin Vâng” để thực hiện không?
(Suy niệm của Lm. Alfonso)
Tin Mừng Lc 1: 26-38 "Hãy lần hạt Mân côi, để Mẹ Maria luôn ở với bạn, hướng dẫn, che chở, gìn giữ bạn như người Mẹ. Kinh Mân Côi phải là lời cầu nguyện trong gia đình bạn. Gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình tồn tại với nhau".
Suy niệm:
Kinh Mân Côi theo định nghĩa của các từ điển thần học Công Giáo, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh. Tiếng Việt đọc trại ra là Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi.
Như vậy, chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Bông hồng”. Thuở xưa, dân chúng hay kết vòng hoa thành triều thiêng dâng tặng một vị họ ngưỡng mộ. Cho nên gọi là lời kinh hoa hồng (hoa Mân Côi) vì hoa hồng là nữ hoàng của các loài hoa. Ban đầu có 15 mầu nhiệm Mân Côi gồm 150 Kinh Kính Mừng tương ứng với 150 Thánh Vịnh. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm sự Sáng để kinh Mân Côi trở thành cuốn sách Tin Mừng rút gọn. Sự tiến triển qua dòng thời gian của kinh Mân Côi quan trọng nhất nằm ở chỗ chuyển từ một lời kinh chúc tụng Đức Mẹ Maria đến chỗ suy niệm về cuộc đời Chúa Cứu thế với con tim và cặp mắt của Mẹ Maria. Mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Kinh Mân Côi suy niệm 20 Mầu Nhiệm, gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh, và được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa, như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng:
- Năm mầu nhiệm Vui: diễn tả mầu nhiệm Nhập thể và cuộc sống âm thầm của Chúa Giêsu suốt ba mươi năm tại Nadaréth.
- Năm mầu nhiệm Sáng: Diễn tả những biến cố trong ba năm Chúa Giêsu đi loan báo Tin mừng Nước Trời.
- Năm mầu nhiệm Thương: Diễn tả các sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu trong cuộc Tử nạn để đền tội và chết thay cho loài người.
- Năm mầu nhiệm Mừng: Diễn tả các sự kiện cứu độ của mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh mà Đức Maria là người đầu tiên đại diện cho Hội Thánh được hưởng ơn ấy.
Bởi đó, một tràng 200 Kinh Mân Côi là triều thiên hoa hồng lớn, và một chuỗi Mân Côi 50 kinh là một bó hoa hay một triều thiên hoa hồng nhỏ mà chúng ta dâng lên Chúa Giêsu và Mẹ Maria để tỏ ý ca ngợi các Đấng.
Lòng sùng kính Đức Mẹ đã có từ trong truyền thống Kinh Thánh. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật lại sự kiện Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến với một thôn nữ. Nhưng lời sứ thần Chúa rất cung kính: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Cung kính bởi vì sứ thần mang sứ điệp cho một người quan trọng thực thi việc nhiệm mầu. Sứ thần loan báo cho Đức Maria biết kế hoạch mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, bằng việc Chúa Cha muốn Con Một thụ thai làm người trong lòng Đức Trinh nữ Maria. Chúa Cha cũng chờ đợi Đức Maria ưng thuận trong sự tự do trước biến cố cứu chuộc mà Người sẽ thực hiện. Và Đức Maria đã khiêm tốn gật đầu: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Chính bởi sự tự khiêm ấy mà Mẹ đáng được ca tụng.
Sách Công vụ Tông đồ còn cho biết, sau khi Chúa Giêsu thăng thiên, “các môn đệ trở lại Giêrusalem, đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Người.” Mẹ chẳng những đồng hành hiệp công với công trình cứu chuộc của Chúa Con, mà còn tiếp tục đồng hành cùng Hội thánh cho đến ngày được Chúa rước lên trời. Vì thế mà chúng ta có lý khi chạy đến cậy trông nơi Mẹ.
Hội Thánh luôn nhắc chúng ta về sự linh nghiệm của Chuỗi Mân Côi trong đời sống Đức Tin. Chỉ những ai siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày mới cảm nhận được ơn ích thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho con người qua lời kinh đơn sơ này. Chính nhờ Chuỗi Mân Côi các tín hữu dâng kính Mẹ giúp Hội Thánh thoát khỏi biết bao cơn nguy biến như lịch sử đã minh chứng.
Vào thế kỷ XIII, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Đức Mẹ hiện ra với thánh Đaminh và chỉ cho ngài tràng chuỗi Mân Côi như một khí giới thiêng liêng. Chính nhờ lối sống đơn sơ khiêm hạ và sự nhiệt thành rao giảng Lời Chúa của các tu sĩ dòng Đaminh, cùng việc các tín hữu siêng năng lần hạt Mân Côi, chỉ sau một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh.
- Năm 1511, đạo quân Hồi giáo phát xuất từ Thổ nhĩ kỳ xâm lược Âu Châu, Đức Giáo hoàng Piô V đã kêu gọi thành lập đạo binh Thánh Giá. Ngài cũng kêu gọi mọi tín hữu hợp ý bằng việc siêng năng lần hạt Mân côi để xin Đức Mẹ giúp ngăn cuộc xâm lược. Ngày 7/10/1571, trong trận chiến tại vịnh Lepante, đạo quân Thánh Giá đã chặn đứng đà tiến của quân địch trang bị vũ khí hùng hậu. Để ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này, Đức Giáo hoàng đã truyền thiết lập lễ Mân côi hằng năm để tạ ơn Chúa.
* Thánh Đaminh quả quyết: "Không có cách cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria bằng đọc kinh Mân côi sốt sắng.”
* Thánh Bênađô nói: "Kinh Mân côi có sức xua đuổi ma quỷ, hỏa ngục kinh hoàng khi nghe Danh Thánh Maria".
* Theo thánh Grignion de Monfort: “Ngoài Thánh lễ Missa và kinh Nhật khóa (Phụng vụ Giờ kinh), không còn kinh nào có sức kéo ơn Chúa xuống cho ta hơn Kinh Mân Côi. Kinh là chiếc giây nối liền đất với trời".
* Còn với thánh Alphongsô Maria Liguori nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Mẹ Maria: “Hết mọi ơn thánh ở trong Chúa Giêsu như nguồn mạch, nhưng do ý định mầu nhiệm và thương xót của Chúa, không một ơn nào ban xuống cho loài người mà không có Mẹ cầu xin cho.” Cả những lúc tuổi già sức yếu trên giường bệnh, thánh Alphongsô vốn không ngừng lần hạt Mân Côi. Có lúc ngài hỏi thầy giúp bệnh nhân rằng: “Cha đã lần hạt Mân Côi chưa thầy?” Thầy giúp bệnh nhân trả lời: “Cha đừng sợ, vì Cha đã lần hạt nhiều rồi, Đức Mẹ không bao giờ bỏ Cha đâu!” Nghe thấy câu nói đơn sơ ngây ngô như thế, ngài đã nhấn mạnh khi nói với Thầy: “Con không biết rằng, phần rỗi đời đời của Cha hệ tại việc lần hạt Mân Côi sao?” Ngài dạy rằng áo choàng của Mẹ như tấm lá chắn cho tội nhân.
* Thánh Alano de la Roche thì cho biết những hồng ân ban cho những người siêng năng lần hạt:
1. Kẻ có tội ăn năn trở lại,
2. Người đói khó được dư đầy ơn phúc,
3. Người bị xiềng xích, nô lệ tội lỗi được giải phóng,
4. Người buồn phiền, than khóc được vui mừng,
5. Người chiến đấu được an bình, khỏi mưu chước ma quỷ.
6. Người thiếu thốn được no đủ,
7. Các tu sĩ sống xứng đáng với bậc mình,
8. Người ngu dốt thành thông giỏi,
9. Người ham danh sẽ chiến thắng hư danh,
10. Kẻ qua đời được tha hình phạt vì tội đã phạm.
Mẹ thánh Têrêsa Calcutta khuyên nhủ: "Hãy lần hạt Mân côi, để Mẹ Maria luôn ở với bạn, hướng dẫn, che chở, gìn giữ bạn như người Mẹ. Kinh Mân Côi phải là lời cầu nguyện trong gia đình bạn. Gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình tồn tại với nhau".
Kinh Mân Côi là lời kinh dễ đọc, phù hợp mọi người kể cả người già, trẻ em, người bận bịu kẻ rỗi rảnh, kẻ cô đơn hay nhóm hội đông đúc. Có thể nói Kinh Mân Côi là lời kinh gần gũi nhất trong các gia đình. Nhân tháng Mân Côi kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, trong suốt tháng Mười kính Đức Mẹ, cùng lần chuỗi trong tinh thần hiệp thông và ăn năn sám hối, cầu xin Thánh mẫu Thiên Chúa và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Giáo Hội khỏi ma quỷ, kẻ luôn tìm cách chia tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa và anh chị em mình.
Vậy các hội đoàn, lớp giáo lý, ca đoàn, các thành viên trong gia đình, khu xóm được mời gọi tổ chức lần Chuỗi Mân Côi sống mà giáo phận Phú Cường hướng dẫn. Giá trị ơn ích các tín hữu được hưởng của cả chuỗi Mân Côi dù là thực hiện chỉ một chục, nhờ sự liên kết, nâng đỡ nhau sống tâm tình đạo đức lời kinh Mân Côi mọi nơi mọi lúc.
- Kinh Mân Côi: Góp phần xây dựng nhân loại mới
(Suy niệm của Lm Px Đào Trung Hiệu)
Nói đến kinh Mân Côi, tôi nhớ đến mẹ tôi. Bà là hình ảnh của người tín hữu bình dân Việt Nam: Bà quen dùng kinh mân côi làm đơn vị đo chiều dài. Khi có người hỏi nhà thờ cách bao xa, bà trả lời: “Đi được ba chuỗi năm chục”. Nghĩa là phải đi bộ độ 45 phút, tính nhẩm ra khoảng ba cây số. Nếu nguồn gốc của lễ Mân Côi ngày 7 tháng 10, bắt nguồn từ việc các tín hữu Âu Châu thành công trong việc phòng thủ, trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 1571, tại vịnh Lepante thời thánh giáo hoàng Pio V. Thì cũng từ đó, Giáo hội cổ võ tín hữu dành trọn tháng mười để đặc biệt cầu nguyện bằng chuỗi hạt quý giá này, và hơn thế nữa, cổ võ chúng ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi trong suốt cuộc sống.
Kinh Mân côi là một hình thức cầu nguyện đơn giản nhưng phong phú đã được Giáo hội phổ biến qua nhiều thế kỷ. Đơn giản, vì bất cứ ai cũng dễ dàng thực hiện, dễ dàng đọc một mình trong mọi tình huống, ở mọi nơi, mọi lúc, và dễ dàng khi cầu nguyện chung mà ai ai cũng có thể tích cực tham gia. Nhưng kinh mân côi lại rất phong phú, vì có bao nhiêu sách viết về kinh Mân Côi đã tìm ra trong các mầu nhiệm nguồn suy niệm dồi dào, dường như không bao giờ cạn. Kinh Mân Côi chính là nguồn gia tăng sinh lực cho con người và là lời ngợi ca cuộc sống.
Gương một nhà trí thức...
Mỗi người có thể rút ra một bài học qua mẩu chuyện sau: Trên chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày. Ngồi đối diện với anh là một cụ già, đang cầm chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh. Chàng trai thấy chướng mắt lên tiếng nói: “Bác ơi! thời buổi này mà bác còn đọc thứ kinh của đàn bà trẻ con ấy nữa à!”. Cụ già ngước mắt nhìn anh và trả lời: “Cám ơn cậu, cậu có vẻ thông thái lắm, cậu giải thích cho tôi nghe đi”.
Thế là chàng trai có dịp khoe về mình: anh đang học năm cuối đại học Bách khoa; anh khuyên cụ già bỏ mấy thứ dị đoan lẩm cẩm đi, vì rồi đây khoa học sẽ xây dựng một thế giới mới chứ không phải những tôn giáo ảo tưởng của người xưa. Và chàng trai hăng say thuyết cho cụ suốt nửa tiếng. Cụ già chăm chú nghe anh nói, đến khi sắp xuống xe, còn mời anh khi nào rảnh đến nhà hướng dẫn thêm cho cụ và trao cho cậu một tờ danh thiếp. Chàng trai bỗng thấy mình như từ trên trời rơi xuống, vì trên danh thiếp ghi tên nhà khoa học mà anh suốt đời thán phục: “Louis Pasteur,Viện Hàn Lâm Pháp”
Êm đềm mà thấm lâu...
Trong xã hội thực dụng hôm nay, nhiều người đạo đức coi thường kinh mân côi. Họ nói: điều quan trọng của kitô hữu là hiểu và sống Lời Chúa, là thực thi công bằng bác ái Phúc Âm. Không sai, nhưng chưa chính xác. Thế nhưng, họ chưa hiểu ra sức mạnh êm đềm mà thấm lâu của những lời kinh đơn giản này.
Ta biết các vận động viên và các cầu thủ, dù thuộc bộ môn nào như bơi lội, đá banh, chạy đua... đều không thể bỏ những bài tập thể dục căn bản là tập thở. Đọc kinh Mân Côi chính là thực hiện một việc rất đơn giản như việc hít thở.
Các tôn giáo lớn như Hồi giáo và Phật giáo đều có xâu chuỗi. Với những lời kinh ngắn gọn, người tín đồ có một khoảng thời gian và không gian cần thiết để tiếp cận với Đấng tuyệt đối. Dù thiếu tập trung, Đấng tuyệt đối vẫn làm công việc của Ngài. Chính việc hội ngộ với Chúa cách thường xuyên này sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm của họ, và đem lại cho mọi hoạt động của họ một giá trị mới.
Qua 20 mầu nhiệm Mân côi, kitô hữu ngày càng được gắn bó sâu sắc hơn vào những biến cố chính trong công cuộc cứu độ. Ngày này qua ngày khác, họ chiêm ngưỡng và học theo gương Đức Kitô nhập thể trong ngày lễ Truyền Tin, theo gương Đấng Giáng Sinh tại Belem, Đấng bôn ba ra giảng về Nước Trời, Đấng Hiến tế chính đời mình trên Thập Giá và sống lại vinh quang. Họ chiêm ngưỡng đức Maria trên thiên quốc như một hứa hẹn cho tương lai của giáo hội và nhân loại.
Hơn thế nữa, phụng vụ lễ Mân Côi qua đoạn sách Công vụ Tông đồ (bài đọc II), nhắc cho chúng ta một truyền thống trong lịch sử giáo hội ngay từ thuở sơ khai. Như các tông đồ xưa trong ngày lễ ngũ tuần, đã cùng cầu nguyện với đức Maria tại nhà tiệc ly, để đón nhận Thánh Thần mà ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh. Thì nay kitô hữu sẽ cùng với Mẹ Maria để cầu nguyện và tìm được nguồn nghị lực trên bước đường sứ vụ.
Hướng đến một nhân loại mới
Lời kinh “Kính Mừng” quen thuộc, chính là lời chào mừng “Ave: Mừng vui lên” của thiên sứ Gabriel thưa với Đức Maria, mà chúng ta đọc lại trong Tin Mừng Luca hôm nay (1, 28).
Lời chào “Ave” ấy không chỉ gửi đến cho mình Mẹ Maria. Vì theo truyền thống Giáo hội, lời chào “Đấng đầy ơn sủng”, chính là một chứng nghiệm cho Lời Giavê đã hứa trong vườn địa đàng xưa, sau khi tổ tông nhân loại sa ngã: về người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn trong vườn địa đàng (bài đọc I). Người nữ ấy tuy xuất thân từ Adam và Evà, nhưng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội nguyên tổ. Người nữ ấy được tràn đầy ân sủng, được hồng ân Vô nhiễm; Người nữ ấy được so sánh như Evà mới của một nhân loại mới. Người nữ ấy, tên là Maria, là dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Như lời Thánh Thi trong kinh thần vụ kính Đức Mẹ:
“Chữ E-va Mẹ đảo vần,
Thành A-ve gửi bình an cho đời”.
Lịch sử cứu độ đã khởi sự từ lời hứa tại vườn địa đàng. Thiên Chúa hứa cứu độ nhân loại. Ngài hứa ở cùng nhân loại. Ngài hứa sẽ gửi đến Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng”. Lời hứa ấy nay được cụ thể hóa khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Giêsu có nghĩa là Chúa Cứu, sẽ được muôn đời nhắc đến trong lời kinh: “Và Giêsu Con lòng Bà đầy phúc lạ”.
Đọc kinh “Kính Mừng”, ta có thể cảm thấy tâm trạng tương tự như các khán giả đang theo dõi các vận động viên Olympic hoặc Saegames. Họ chờ đón những kỷ lục mới “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn”. Khi chúc mừng một vận động viên lãnh huy chương vàng, họ cũng chúc mừng khả năng của một dân tộc và của cả nhân loại...
Cũng vậy, qua những lời “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, chúng ta chiêm ngưỡng một “kỷ lục tuyệt hảo” của nhân loại. Chiêm ngưỡng Đức Maria, một tạo vật hoàn hảo của nhân loại mới.
Hơn thế nữa, trong nhân loại mới đó, chúng ta không chỉ là khán giả, mà còn là thành viên. Nên lời kinh “Kính Mừng” không chỉ được gửi đến cho đức Maria, mà còn là lời chúc mừng một nhân loại mới đang được hình thành.
Và như thế, qua kinh Mân Côi, chúng ta sẽ chìm sâu vào tình yêu và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, sẽ nhận ra lời Ngài kêu mời chúng ta giữ một vị trí riêng biệt trong lịch sử cứu độ và tìm được sức mạnh mới để hoàn tất vị trí ấy của mình trong lịch sử.
Nếu được như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận: Kinh Mân Côi góp phần biến đổi trần gian.
- Kinh Mân Côi và Đời Sống Đức Tin
(Suy niệm của Lm Đaminh Đinh Viết Tiên)
1. Kinh Mân Côi, bài ca đi cùng năm tháng
Trong Giáo Hội cũng có những bài ca, có thể gọi là “đi cùng năm tháng”, những bài ca luôn đồng hành với Giáo Hội qua thời gian, qua những thăng trầm, những sóng gió của lịch sử. Bài ca đó có tên là “Chuỗi Mân Côi”, là những Kinh Kính Mừng. Bài ca này được vang lên mỗi ngày trong các nhà thờ hay chỗ riêng tư, được lâm râm khẩn cầu nơi môi miệng của mọi người, kẻ trí thức hay người bình dân, người thanh niên hay những người tuổi đời đã xế bóng.
Kinh Mân Côi quả là “bài ca đi cùng năm tháng” đối với Giáo Hội, cũng như đối với mỗi người chúng ta. Ở đây xin đan cử Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng luôn cổ vũ mọi người đến với Mẹ qua Kinh Mân Côi.
Trong tông thư “Kinh Mân Côi” Ngài chia sẻ như sau: “Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi (…) Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng cũng như trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy, tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ (…) Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu. Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó (…). Con tim của chúng ta có thể gán vào chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại.
Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân cận, đặc biệt những người thân thiết nhất của ta. Vì thế, lời kinh Mân Côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người. Anh chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh Mân Côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phêrô, tôi muốn làm lại cũng một điều đó. Biết bao ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ Đức Thánh Trinh Nữ qua Kinh Mân Côi”.
2. Kinh Mân Côi, lời kinh kết nối
a. Với Đức Maria
Kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thân Gabriel trong buổi truyền tin, với lời mừng của bà Elisabet trong ngày thăm viếng, nên mỗi lần lặp lại đã trở thành lời chào mừng chính thức cho sự nối kết giữa nhân loại với Đức Maria.
Trong cuộc hội kiến lịch sử giữa Tổng Thiên Sứ và Đức Maria được khởi đầu bằng lời chào và kết thúc bằng lời thưa xin vâng. Nơi Đức Maria, người ta hiểu rằng tất cả khởi đi từ ơn phúc, nhưng còn ở trong tiềm ẩn cho đến khi có sự đáp trả bằng lời thưa: Xin vâng.
Xin vâng không chỉ bằng lời nói mà bằng cả một đời đánh đổi: vừa bền lòng thực thi ý Chúa, vừa bền chí chấp nhận những thử thách cam go vốn không thiếu trong hành trình đức tin, nhất là dưới chân Thánh Giá.
“Còn Đức Maria thì ghi nhớ những sự việc đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19.51). Khi đọc và suy niệm Kinh Mân Côi là ta cùng Mẹ suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa và của Mẹ. Qua việc cùng Mẹ suy niệm, sẽ giúp ta cảm nhận thật sâu sự đồng hành của Mẹ trong cuộc đời mỗi người.
b. Với Đức Giêsu
Trong Kinh Kính Mừng chỉ có hai danh xưng: Maria và Giêsu được xướng lên, mở đầu bằng Maria và kết thúc bằng Giêsu. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Lời kinh đã kết nối với Đức Mẹ, để rồi được nối kết với Con của Mẹ. Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.
Nơi trường học của Đức Maria, chúng ta được học bài học cơ bản: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm như vậy” (Ga 2,5). Như vậy, nếu ta mời Mẹ cùng đồng hành thì từng bước chúng ta sẽ được dẫn đến đích điểm là kết nối với Đức Giêsu. Lộ trình đức tin cũng là giáo án mà Mẹ sẽ dạy chúng ta trong hành trình làm môn đệ: Sống đức tin và can đảm bước theo Chúa. “Phúc cho em vì em đã tin rằng lời Chúa sẽ được thực hiện trong cuộc đời em” (Lc 1,45) và cũng như Mẹ, chúng ta dám thưa với Chúa trong mọi tình huống của cuộc đời.
c. Với mọi người trong Chúa Kitô, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria
Thực ra đây là hệ lụỵ của hai mối kết nối trên. Một khi liên đới với Đức Maria để hiệp thông với Đức Kitô, tất nhiên mọi người là anh chị em hiệp thông với nhau. Nhưng chính từ đây mở ra một nhãn giới mới đầy lạc quan, tin tưởng, hy vọng cho tất cả những ai đọc và suy niệm Kinh Mân Côi.
Thói quen của các gia đình Việt Nam là việc đọc kinh tối gia đình, kết hiệp giữa việc đọc Kinh Mân Côi và suy niệm Tin Mừng. Việc này đã có một âm hưởng rất tốt và có sức biến cải tình trạng gia đình.
Mỗi tối khi màn đêm xuống dần, sắp sửa kết thúc một ngày, không hình ảnh nào đẹp hơn khi mọi người quây quần trước bàn thờ, cử hành kinh tối gia đình. Bao niềm vui, nỗi buồn đều dâng lên Chúa, những thất bại đắng cay, cũng như những thành tựu phấn khởi trong ngày đều được trình bày cho Chúa nghe… tự nhiên tâm hồn cảm thấy ấm hơn và tình thân trong gia đình được nối kết thắm thiết, vì tất cả được dâng lên Chúa và được sẻ chia cho nhau, cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.
Nếu Chúng ta đọc Kinh Mân Côi với tất cả tâm tình, chúng ta cảm thấy mình được biến đổi: lòng tin mạnh mẽ, niềm cậy trông kiên vững, sống dễ thương hơn với mọi người.
3. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta cảm nghiệm: Mẹ vẫn ở bên ta
Tổng thống George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con hiếu thảo đối với mẹ mình. Ông năng về thăm mẹ. Một hôm, thấy con đã vất vả công việc quốc gia, lại còn mất nhiều thời giờ thăm viếng, an ủi mình, bà mẹ mới hỏi ông: - Tại sao con lại chịu khó mất hàng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?
Vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ đã trả lời:- Thưa mẹ, ngồi bên cạnh để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất thời giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng nhân hậu của mẹ đã giúp con vui sống.
Mẹ của Tổng thống George Washington đã không nói nhiều, nhưng sự hiện diện đầy thanh thản và lòng nhân hậu của một người mẹ đã giúp ông tăng thêm sức mạnh để dấn thân phụng sự tổ quốc, vui sống trong trách nhiệm nặng nề của một nguyên thủ quốc gia.
Đối với người Kitô hữu, Mẹ luôn hiện diện âm thầm nhưng rất gần gũi bên cạnh mỗi người chúng ta.
- Sự hiện diện của Mẹ trong gia đình Giacaria đã củng cố niềm tin của bà Elizabeth, đem lại niềm hân hoan vô bờ cho trẻ Gioan Baotixita.
- Sự hiện diện của Mẹ tại tiệc cưới Cana đã làm cho người chủ tiệc mát mặt và mọi thực khách được uống rượu ngon làm hoan hỉ lòng người.
- Sự hiện diện của Mẹ trên đường Thánh Giá đã tiếp bước cho Đấng Cứu Thế lên tới đỉnh đồi Canvê.
- Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá đã cho Chúa Giêsu an tâm về với Chúa Cha sau khi trối Gioan, đại diện loài người lại cho Mẹ.
- Sự hiện diện của Mẹ trong nhà tiệc ly đã giúp các tông đồ sốt sắng cầu nguyện để lãnh nhận Chúa Thánh Thần.
Và chắc chắn sự hiện diện của Mẹ trong cuộc đời người Kitô đã làm nảy sinh muôn ngàn phúc lộc. Sự hiện diện hiền mẫu của Mẹ trong cuộc đời chúng ta đã mang lại biết bao niềm vui, sự ủi an, lòng can đảm giúp chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin.
Những lúc mệt mỏi rã rời trong cuộc sống hiện tại, những lúc tối tăm bao phủ, những lúc nặng trĩu u buồn của quá khứ, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, qua việc đọc và suy niệm Kinh Mân Côi, ta sẽ thấy tâm hồn thanh thản và bình an
Đọc và suy niệm Kinh Mân Côi, là những giây phút êm ái, ngọt ngào, hạnh phúc bên cạnh Mẹ. Với tấm lòng từ bi nhân hậu của Mẹ sẽ là nguồn ủi an, nâng đỡ và giúp sức chúng ta trong mọi cảnh huống cuộc đời đầy thử thách chông gai này.
- Việc ấy sẽ xảy ra cách nào
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Bài Phúc Âm được đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi đề cập tới biến cố truyền tin. Điều đó có vẻ như thiếu thiếu một gì đó, vì thật ra truyền tin chỉ là ‘mầu nhiệm Mân Côi’ thứ nhất trong số 20 mầu nhiệm được đem ra suy gẫm? Phụng vụ muốn nói gì khi chọn đoạn Tin Mừng này, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam khi mà Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp tháng 4 năm 1991 đã quyết định cho phép mừng trọng thể lễ này vào ngày Chúa Nhật? Đặt vấn nạn như thế có nghĩa là muốn xác định nội dung đích thực của việc lần hạt Mân Côi: một việc đạo đức được Đức Mẹ ưa thích, hay còn là một con đường sống Tin Mừng bình dân nhưng hữu hiệu và sâu sắc?
Người Công giáo chúng ta vẫn biết rằng giá trị của việc lần hạt Mân Côi hệ tại ở suy niệm các sự kiện hay biến cố xảy ra trong cuộc đời đức Giêsu và đức Maria, hầu giúp ta nhận ra, ngày càng sâu sắc hơn, hồng ân cứu độ. Tuy nhiên sự nhận biết này nhiều khi chỉ dừng lại ở nhận thức, một cảm thức chung chung mang tính lý thuyết; hoặc giả hồng ân cứu độ đó chỉ là điều ta đã từng nhận lãnh một lần ngày rửa tội xa xưa. Biến cố truyền tin nói riêng, và mọi biến cố liên quan tới đức Maria nói chung, theo như tác giả Lu-ca trình bày, cho thấy một khía cạnh khác của cuộc sống Hồng Ân cứu độ: các biến cố thường nhật cần phải được nhìn nhận và được đưa vào hồng ân này, nhất là khi chúng xem ra càng khó hiểu và xa lạ với kế hoạch từ ái của Thiên Chúa.
Biết bao lần tôi phải tự hỏi, trong tư cách một Kitô hữu đứng trước nhiều biến cố liên quan tới mình, tới tha nhân và xã hội loài người, thì “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Câu hỏi này không mong tìm cho ra một giải đáp hợp lý cho từng sự kiện, nhưng là để nhận ra lòng từ bi thương xót của Chúa đang được thực hiện ra sao. Trong lần hạt Mân Côi, cùng với đức Maria, tôi giáp mặt với cuộc sống hàng ngày, có thể là những niềm vui, những biến cố trang trọng mang nhiều ý nghĩa, cũng có thể là những nỗi buồn, những đổ vỡ..., những chuyện vụn vặt vu vơ, những thành công hay thất bại, những kỳ vọng hay hoài bão…
Đối với một Kitô hữu như tôi, tất cả mọi biến cố bất luận tốt xấu, đều có giá trị nếu được nhìn nhận và đưa vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đối với Kitô hữu, sẽ không chỉ có vấn đề ‘thánh hóa = làm phép’ các biến cố hàng ngày, theo kiểu dâng chúng lên cho Thiên Chúa, như cách nói bình dân thông thường. Điều một Kitô hữu cần làm là dìm mọi biến cố của cuộc sống mỗi ngày ngập sâu trong hồng ân cứu độ. Truyền tin, và nhiều biến cố khác nữa, đã được đức Maria sống như thế. Mẹ đã ‘ghi nhớ tất cả các điều ấy… và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19.51). Maria đã không lần hạt, nhưng là Mẹ Mân Côi vì đã không ngừng khám phá và sống từng biến cố đời mình trong hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Dành được thời giờ mỗi ngày để xét mình và suy gẫm các ‘mầu nhiệm phép Mân Côi’ là điều tốt, nhưng rồi cũng có lúc trở thành nhàm chán. Chung qui đó vẫn còn là công việc nặng tính lý thuyết và khá trừu tượng. Lần hạt Mân Côi sẽ làm cho cả hai việc trên trở nên sống động hơn, hiện sinh hơn, nếu qua đó tôi cùng với Mẹ nhìn nhận lòng từ ái Chúa trong từng biến cố cuộc sống mình. Mà các biến cố thì luôn thực tế, thiết thực và biến đổi không ngừng trong đời sống thường ngày. Các biến cố không chỉ được phân loại tối hay xấu theo nghĩa luân lý, mà tất tất đều cần được ánh sáng hồng ân cứu độ của Chúa soi chiếu và biến đổi, Như thế tôi không chỉ lần chuỗi hạt, mà sống Mân Côi mỗi ngày. Chắc chắn sống Mân Côi như thế sẽ thiết thực dẫn đưa tôi đạt tới một cuộc sống Kitô ngày càng Tin Mừng hơn, hiểu theo nghĩa cho phép tôi ngày càng vào sâu hơn trong hồng ân cứu độ, và mau mắn biến đổi đời tôi - không theo nghĩa ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn - nhưng ngày càng thâm tín khi nhận ra rằng tình thương của Chúa trên tôi (và trên toàn nhân loại) không bao giời vơi cạn, bất chấp tất cả những yếu đuối biến thiên vô hình vạn trạng của con người. Sứ điệp Fa-ti-ma sẽ không bao giờ mất đi cái ý nghĩa thâm sâu của nó, đã được vang vọng từ thời Thánh Đa-minh, và sẽ còn tiếp tục mãi qua mọi thời: “Hãy năng lần Mân Côi!”
Lạy Mẹ Mân Côi! Cùng với Mẹ, xin cho con sống Mân Côi hàng ngày. Xin cho con luôn tìm được giải đáp thỏa đáng cho mọi tình huống và biến cố trong đời con qua câu nói của sứ thần mà chính Mẹ đã được nhắc nhở: “Vì đối với Thiên Chúa - nhân lành, không có gì là không thể làm được’. Cùng với Mẹ, con mong rằng việc lần hạt Mân Côi sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực cho con. Amen.
- Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên
Lịch sử Cứu Độ đã khởi đầu với việc Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi Abraham, được tiếp nối và thực hiện trong lịch sử Israel cho đến khi như lời thánh Phaolô viết “Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và lệ thuộc vào lề luật Do thái”. Về Người Con ấy, Sứ Thần Gabriel đã nói “Người sẽ nên cao cả, và Thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô tận”. Như thế lịch sử Cứu Độ phải được đón nhận như là lịch sử vương quyền của Đức Kitô trong dân Người: trước hết nơi Israel và bây giờ là nơi Giáo Hội của Người.
Qua cơ cấu diễn biến của lịch sử cứu độ chúng ta thấy cốt lõi là một cuộc đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với con người. Cuộc đối thoại không nhằm cách ly con người khỏi cuộc sống thường ngày với những lo âu và hy vọng của họ, nhưng ngược lại cuộc đối thoại nhằm mở cánh cửa đời sống, cánh cửa gia đình, cánh cửa dân tộc và xã hội để Thiên Chúa, và đích xác hơn là để Con của Người bước vào và đổ tràn Thánh Thần Người, để mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và toàn thể xã hội tự thẳm sâu đáy lòng mình có thể thốt lên “Abba, Cha ơi” đối với Thiên Chúa, và như thế, mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và xã hội trở nên “người thừa tự” gia sản của “Cha” trên trời.
Abraham đã dần dần khám phá ra được chân lý ấy khi ông ra khỏi xứ Ur. Từ biến cố này qua biến cố khác, cuối cùng ông được mời gọi tiến lên ngọn núi Thiên Chúa chỉ định, ở đấy ông đã khẳng định được với tất cả tự do và yêu mến: chính Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi sự cho ông và con cái ông.
Ở bình minh của Tân Ước, không phải nơi Đền Thánh Giêrusalem, mà ở trong chính mái nhà nhỏ bé nghèo nàn của Mẹ, Đức Maria được mời gọi trở về với chính mình, với vấn đề thiết thân nhất của Mẹ: “Làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến người nam!” Để rồi Mẹ được mời gọi để xác tín với tất cả sự tin yêu tự do Thiên Chúa sẽ đến, sẽ đảm nhận lấy cuộc sống Mẹ cho nó trở nên cảnh vực Thần Linh. Đó là điều thánh Phaolô cũng nói như thế trong mấy câu thư vắn tắt chúng ta vừa nghe.
Vì thế, khi đón nhận công việc thiết lập vương quyền của Đức Kitô như là sứ mạng riêng biệt của mình, Giáo Hội Đức Kitô qua các tông đồ đã ý thức về trọng tâm thiết yếu của sứ vụ là trở về “nơi các ông thường trú ngụ để “đồng tâm nhất trí, siêng năng cầu nguyện”. Cầu nguyện từ đó đã là hơi thở và sức sống của Giáo Hội, của công cuộc loan báo tin mừng Cứu Độ.
Thật khác với biết bao suy nghĩ và hành động của chúng ta ngày nay: chúng ta bị lôi kéo vào sức hấp dẫn và tính hiệu quả của những tổ chức, cơ cấu và phương tiện, đã gạt qua một bên nỗ lực “Đối Thoại với Thiên Chúa” “nỗ lực cầu nguyện liên lỷ”. Gia đình Kitô Giáo nơi chúng ta thường trú không còn là “nhà cầu nguyện”, thậm chí ngay cả “Nhà Cầu Nguyện” cũng trở thành những trung tâm trình diễn, tiếp thị, kỹ thuật. hơn là nơi con người đối thoại với Thiên Chúa!
Bài sách Công Vụ Tông Đồ tuy thật vắn gọn, nhưng đã gợi nhớ một yếu tố nền tảng của cuộc đối thoại cứu độ: Các Tông Đồ đã cầu nguyện với Đức Maria và cùng với anh em của Đức Giêsu. Sở dĩ các ông đã cầu nguyện cùng với Đức Maria, là vì duy mình Đức Maria mới có kinh nghiệm trọn vẹn về “đối thoại cứu độ” này. Với Đức Maria đây là đối thoại do sáng kiến của Thiên Chúa, được “Thánh Thần bao bọc chở che” và chính Thiên Chúa hoàn thành. Giáo Hội phải nhờ Mẹ để thực hiện sự cầu nguyện.
Trong viễn ảnh đó mà chúng ta hiểu được tại sao Giáo Hội khắp nơi, và cách riêng Giáo Hội Việt Nam vô cùng yêu mến và trân trọng Kinh Mân Côi. Chính đây là lúc mỗi người như được sống lại khung cảnh Nhà Tiệc Ly với các Tông Đồ, để bên gối Mẹ, Giáo Hội và mỗi người được Mẹ dẫn dắt qua mọi biến cố đời sống, Mẹ khám phá ra sự mời gọi của Thiên Chúa và bằng cách nào để Thiên Chúa đảm nhận lấy cuộc sống nhỏ bé của mình, mà thực hiện nên những điều kỳ diệu. Trong cũng cái nhìn đức tin ấy, chúng ta mới thấu hiểu được tại sao chỉ là những lời kinh thật đơn giản, không đòi hỏi sự thông thái khôn ngoan, lời kinh chất phác của những tâm hồn thật quê mùa, lời kinh phản ánh rất trung thực lời “Xin Vâng” của người con gái Xion làng Nazaret xưa, lại có thể có quyền lực giải thoát con người trong mọi tình huống khó khăn nhất, và đem lại có khi cho cả một dân tộc niềm hoan lạc hạnh phúc. Chỉ vì lời kinh ấy là ân tình trao ban kinh nghiệm về Thánh Thần của Mẹ.
Trong tháng Mân Côi và trong đời sống, khi trở về với Kinh Mân Côi, người Kitô hữu phải cảm nhận được niềm vui được trở về mái nhà Tiệc Ly xưa, để một lần nữa họ được Đức Mẹ cho thấy Chúa Thánh Thần đã đến với Mẹ bằng ngõ ngách nào, và làm sao Ngài đã hoàn thành sứ mạng của Ngài trong mỗi biến cố đời Mẹ: Sứ Mạng làm cho Chúa Giêsu hình thành và lớn lên trong lòng dạ và cuộc sống Mẹ. Đây qủa thực là một viễn cảnh bao la và kỳ diệu chờ đợi chúng ta trong Kinh Mân Côi. Ước gì những suy nghĩ này giúp chúng ta có thêm nhiệt tình và sốt sắng lần chuỗi Mân Côi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam