Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1356253

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CẦU NGUYỆN, SỐNG, VÀ SẺ CHIA

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CẦU NGUYỆN, SỐNG, VÀ SẺ CHIA

 

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ, chúng ta cùng với Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm nguồn cội và chính yếu của đời sống đức tin Công giáo. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vượt trên trí hiểu, tâm trí của con người chúng ta, nhưng đó chẳng phải là lí do mà chúng ta không sống được Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không hiểu thấu được mầu nhiệm cao quý khôn cùng này, nhưng chúng ta sống, cầu nguyện, cảm nghiệm mầu nhiệm này trong từng giây phút đời sống, trong từng hơi thở, trong từng trạng huống cuộc đời, trong mọi khoảnh khắc thường nhật của chúng ta.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải để tranh luận, nghiên cứu về mặt tri thức hay khoa học hàn lâm, nhưng là mầu nhiệm để sống, chia sẻ và cầu nguyện. Nó gắn liền mật thiết với con người và đời sống đức tin của chúng ta như nỗi lòng của Thánh Âu-gus-ti-nô được trải bày rõ nét, sống động trong cuốn ‘Tự Thuật’ (Confessio, Confessions): “Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng! Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài xa kia. Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp. Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa. Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức, và giờ đây hối hả quay về với Chúa. Con đã nếm thử Chúa và giờ đây con đói khát Người. Chúa đã chạm đến con, nên giờ đây con nóng lòng, chạy đi tìm an bình nơi Chúa..” (Confessio X, 27, “Sero te amavi, pulchritudo tam antiqua et tam nova, sero te amavi! et ecce intus eras et ego foris, et ibi te quaerebam…,”). Hơn nữa, chúng ta được gặp gỡ Chúa Ba Ngôi ngay chính trong thế giới nội tâm, chứ chẳng phải ở ngoài xung quanh ta, và một lúc nào đó chúng ta nhận ra, cảm nghiệm sâu sắc Chúa Ba Ngôi hiện diện thật ưu ái, gần gũi hơn chúng ta vẫn nghĩ. Người đi vào đời, vào tâm tư, cuộc sống mỗi người chúng ta như chính cảm nghiệm của thánh Phao-lô: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17, 28).

Nhưng làm sao có một cái nhìn chung nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi? Ở điểm này chỉ có một người giúp chúng ta khai thông, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Vì không ai thấy Thiên Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần, chỉ duy một mình Thầy Giê-su Chí Thánh hằng kết hiệp nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, “không ai nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Chúa Con, Đấng ở trong cung lòng của Thiên Chúa Cha. Người đã tỏ cho chúng ta biết” (x. Ga 1, 18) và “ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy…” (x.Ga 14, 9-12). Trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, Chúa Giê-su dạy dỗ các Thánh Tông Đồ về sứ vụ của Chúa Thánh Thần “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì. Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13-15). Tắt một lời, chúng ta muốn cảm nghiệm, nhận biết Chúa Cha là Đấng như thế nào, Chúa Thánh Thần là Đấng ra sao, thì chúng ta hãy đến gần, chiêm ngắm và học nơi con người Chúa Con, Đấng Cứu Độ chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô. Vì khi chúng ta yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng giàu lòng thương xót, là Chúa Chiên Lành hy sinh cả mạng sống mình cho đàn chiên, là người cảm thông sâu xa với nỗi mất mát của tha nhân, hằng bao dung, không một lời lên án nhưng vẫn chờ đợi, mời gọi những kẻ tội lỗi, những người bị xã hội ruồng rẫy, những người bày mưu tính kế bắt nộp Ngài; và Ngài cũng không ruồng bỏ bất cứ một ai, nhưng hằng giang tay đón mời với ánh mắt nhân hậu thay đổi đời sống của Gia-kêu, của Mát-thêu, v.v…thì chúng ta cũng cảm nghiệm sâu sắc Đấng hằng yêu thương, tạo dựng, chăm sóc, ban cho ta ơn được thông phần vào ơn cứu độ. Vì vậy, Chúa Ki-tô chính là hiện thân của Chúa Cha vô hình, của một Thiên Chúa toàn năng nhưng khiêm hạ, hằng tha thứ, thương xót và mong chờ, mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Và qua Chúa Giê-su, chúng ta nghiệm thấy sự kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thần. Ngài hằng làm việc với Chúa Thánh Linh trong sứ mạng của Ngài (x. Mt 12, 28; Rm 1, 4; 8, 11, v.v…).

Do đó, chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thế nào? Như lời chia sẻ một phần nhỏ ở trên, tuy chưa toàn diện, nhưng thiết nghĩ cũng ích lợi cho chúng ta ít nhiều, hầu rút ra một số điểm để cầu nguyện, để sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi một cách thâm sâu, đó là: năng chạy đến, ngắm nhìn, học hỏi, bắt chước con người Giê-su - hiện thân của Chúa Cha và kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Linh trong mọi công việc, sứ vụ. Thứ đến, việc năng đến với Giê-su ấy sẽ giúp chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa, gần gũi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bao nhiêu, thì chúng ta càng trở nên thân thiện, bao dung, nhẫn nại, tha thứ, ra đi đến với anh chị em của mình bấy nhiêu, đặc biệt những thành viên trong gia đình, hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ, mọi người xung quanh lối xóm, nơi công sở, trường học và tất cả ở những lãnh vực khác. Và sau cùng, mỗi người trong chúng ta nên sống, làm việc, hay bất cứ sinh hoạt nào đều dựa trên nền tảng đời sống tu đức, cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi mỗi ngày dù tất bật, bận rộn với cuộc sống, phải chạy đua với thời gian; để rồi kể cả trong sự im lặng của Thiên Chúa, chúng ta cũng không nao núng, nhưng vẫn tín thác trọn niềm nơi Người. Vì chưng, đối với nhiều người, sự thinh lặng của Thiên Chúa là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, theo John Updike trải nghiệm thì “một Thiên Chúa ồn ã và mặc nhiên sẽ là một bạo chúa không an toàn, thay vì là một sự động viên không giới hạn đối với bản chất yếu đuối và hay sợ sệt của chúng ta. Câu đáp lại của Người hoà nhập vào cuộc hành trình dài, gồm những sự kiện to lớn của đời sống, sâu thành chuỗi xuyên suốt mọi vật”

Để kết thúc bài chia sẻ này, con xin mượn lời bài hát “Dấu Thánh” của nhạc sĩ Lê Đức Hùng để cùng với quý ông bà, anh chị em tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, và sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi hằng ngày như lời bài hát biểu lộ sự ước vọng, nỗ lực cố gắng cũng như những yếu đuối chưa sống đức tin vào Chúa Ba Ngôi…Qua đó, xin Chúa Ba Ngôi sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh hay giá băng của chúng ta, để chúng ta can đảm sống đức tin vào Chúa Ba Ngôi giữa đời.

Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng

Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu

Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần

Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc đời con.

Mỗi lần làm Dấu Thánh xin ngự đến trong tâm hồn con

Mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con

Xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm

Ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương, của ngài giữa đời

 

53.Con búp bê và biển cả

(Trích trong 'Niềm Vui Chia Sẻ')

Trong quyển sách tựa đề: "Sức thu hút của Thiên Chúa", tác giả người Italia, ông A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối:

Muốn tìm hiểu thế nào là biển cđể thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:

- "Biển cơi, bản chat của biển cả là như thế nào?"

Và biển cđã trả lời:

- "Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả".

Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê kinh hãi lui lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:

- "Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sđươc hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất".

Tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển c.

Anh chị em thân mến, giữa con búp bê bằng muối và biển cả có một căn bản giống nhau. Cũng thế, giữa con người và Thiên Chúa cũng có một sự giống nhau. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, muốn được kết hợp với Ngài ngày càng khăng khít hơn, giống như con búp bê bằng muối kia muốn hiểu biển cả là thế nào.

Như con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi của mình được hòa tan đi, biến mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi la một mầu nhiệm. Lý trí loài người khó mà hiểu biết cho tường tận được. Chúng ta không hiểu biết Thiên Chúa bằng lý trí cho bằng tình yêu. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu và biết Chúa. Chỉ có sự hiểu biết như vậy mới làm cho ta thỏa lòng thỏa trí. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu.

Thiên Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là 3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa: "Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa" (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Thưa anh chị em, với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn vạch ra cho chúng ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau khi mỗi người thực sự phải là mình, và chấp nhận đồng hành gắn bó với tha nhân, coi tha nhân là thành phần của chính hiện hữu của mình, đồng thời ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, sống với tha nhân và sống cho tha nhân; bởi vì tự chính trong nguyên lý, sự sống không phải là một thực tại đơn độc, khép kín, mà là chia sẻ, hiệp thông: sự sống thần linh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Cái độc đáo mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn nói lên đó là Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Ngài yêu thích sự khác biệt. Ngài tạo ra sự khác biệt và Ngài bao hàm chính sự khác biệt đó trong bản tính của Ngài. Nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Ngài hiệp nhất những gì khác biệt. Phải có cái khác biệt thì mới có thể nói tới hiệp nhất. Phải có Ba Ngôi mới có thể hiệp nhất thành một Thiên Chúa. chỉ khi nào chúng ta chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt: khác biệt ve hiện hữu, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị, phái tính, tuổi tác v.v... và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những cái khác biệt đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu nhiệm Chua Ba Ngôi soi dẫn chúng ta. Sự hiệp nhất ấy không làm cho chúng ta phong phú hơn và sống đúng bản chất là cộng đoàn của Thiên Chúa yêu thương, là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, trong Thánh lễ hôm nay, cũng như trong các Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha của lễ cuộc đời chúng ta, nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời.

 

54.Vinh danh Ba Ngôi.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Biến cố lớn đã được khơi động trong Giáo Hội là mừng năm sinh thứ 2000 của Chúa Giêsu. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông Thư “Tiến đến Thiên niên kỷ thứ ba”. Chủ đề học hỏi của ba năm chuẩn bị là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Năm 1997 dành cho suy tư về Đức Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha, làm người do hoạt động của Chúa Thánh Thần (số 40). Năm 1998 dành cho Chúa Thanh Thần… Đấng đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con, trong mầu nhiệm tuyệt đối của Thiên Chúa vừa là một vừa là ba, là Ngôi vị tình yêu, tặng phẩm vĩnh hằng, nguồn mạch vĩnh cửu của mọi ân huệ Chúa ban… (số 44). Năm 1999, năm thứ ba và là năm cuối cùng, hướng đến Cha trên trời, Đấng đã sai Đức Kitô và là Đấng mà Ngài đã trở về (x. Ga 16,28. Số 49).

Trong các Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta đều tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất. Tôi tin kính một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra trước muôn thuở muôn đời. Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Chúa và la Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”. Đó là lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính, một công thức thần học súc tích, mang nặng tính chất lý luận dài dòng và khó hiểu.

Thế nhưng, đây là một mầu nhiệm tuyệt đối nhất trong các mầu nhiệm: Mầu nhiệm hiệp thông sự sống và tình yêu.

Thiên Chúa là tình yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích ky vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và moi tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là chính Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả ra ngoài trên khắp vũ trụ và đến nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian quà tặng quí giá nhất là Người Con chí ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Thiên Chúa”. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng lại trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chua: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8), còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, “vì Thiên Chúa là Tình yêu”.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của những người yêu nhau sẽ được thực hiện nơi người con họ cho nhau. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó là chúng ta, là tình yêu chung mà họ có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vi thứ ba: Họ trở thành tình yêu chung trong môt ngôi vị thứ ba: Họ trở thành một gia đình. Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mau nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi-gọi là phần nào, bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn không thể diễn đạt tương xứng được sự khác biệt nhưng lại duy nhất vô biên nơi Thiên Chúa. Có thể nói Thiên Chúa là một gia đình: Cha, Con và Thánh Thần. Yêu thương chính là bản tính thần linh chung của Ba Ngôi, là lời lý giải cho mầu nhiệm cao cả mà chúng ta tuyên xưng.

Mầu nhiệm đức tin không bao giờ là một trò chơi và thách đố trí tuệ, nhưng luôn hàm chứa lời mời gọi sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi là một thực tại sống động trong đời sống người kitô hữu. Thật vậy, đời sống kitô hữu được khai sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Lời cầu nguyện luôn luon là lời nguyện “với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”. Thánh Lễ, trọng tâm của đời sống kitô hữu, cũng được khai mở và kết thúc trong Danh Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi đang sống trong lòng mỗi người, đời sống Ba Ngôi đang diễn ra trong mỗi tâm hồn. Từng giây từng phút, người Kitô hữu được liên kết chặt chẽ với Chúa Con, đến độ khi được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, người kitô hữu trở thành con của Cha trên trời. Vì vậy, phúc lành vĩ đại nhất cho kẻ tin là “được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (1Cv 13,13). Do đó, sự nhận biết Thiên Chúa là tình yêu và là tình yêu cứu đo phải là sức đẩy cho chúng ta yêu thương mọi người anh em như Thiên Chúa yêu thương.

Như nơi Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi phải ra khỏi bản than và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi rũ bỏ não trạng ích kỷ vốn tiềm tàng ngay trong suy nghĩ, ước mơ, và tính toán để thực sự biết quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác, biết nhìn nhận người khac ngay trong cái khác biệt của họ.

Liệu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có là nền tảng cho sự hiệp thông trong cộng đoàn chúng ta không? Mỗi người trong cộng đoàn- từ cộng đoàn họ đạo đến khu phố, gia đình – có cảm thấy mình “yêu và được yêu” không? Có biết cho và nhận cách khiếm tốn không? Dấu Thánh Giá được ghi trên người “nhân Danh Chúa Ba Ngôi” có tác động gì trong đời sống chúng ta không? Có là tấm gương cho chúng ta soi bóng tình yêu hiến dâng của mình trong quan hệ với tha nhân không?

Tuy nhiên, không chỉ là tôi mở ra hướng về anh và anh hướng về tôi, để rồi lại tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng trào vọt và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người. Cũng vậy, niềm tin thúc bách tình yêu đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cản của màu da, chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ, để tình yêu lan toả khắp nơi. Và tình yêu làm nên hơi thở của sự sống. Cứu độ là ở đó. Nước Trời cũng là ở đó.

Chúng ta hãy cầu xin tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta từ bỏ thái độ cô độc khép kín, cùng nhau xây dựng một thế giới anh em bốn bể một nhà, cho nhân loại nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa chúng ta như Ngài đã tỏ hiện cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngài hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần muôn đời.

 

home Mục lục Lưu trữ