Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 106

Tổng truy cập: 1350292

MẸ MARIA ĐƯỢC PHÚC VÌ ĐÃ TIN

MẸ MARIA ĐƯỢC PHÚC VÌ ĐÃ TIN

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng luôn đề cao Đức Maria.

Mẹ luôn tin vào Lời Chúa: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em". Mẹ luôn vâng theo thánh ý Chúa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền". Mẹ sẵn sàng giúp đỡ người khác: viếng thăm và giúp đỡ bà Êlisabét.

Đức Thánh Cha Bênêđictô đã dâng Năm Đức Tin cho Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa, được tuyên xưng là ‘người diễm phúc’ vì ‘Mẹ đã tin’ (Lc 1,45)”. (Cánh Cửa Đức Tin, số 15).

“Nhờ đức tin, Mẹ Maria đã đón nhận lời thiên thần và tin nơi lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa trong sự tuân phục tận tụy của Mẹ (x. Lc 1,38). Khi viếng thăm bà Elisabeth, Mẹ cất bài ca chúc tụng Đấng Tối Cao vì những kỳ công Chúa thực hiện nơi những người tín thác nơi Ngài (x. Lc 1,46-55). Mẹ vui mừng và hồi hộp sinh hạ Con duy nhất, mà vẫn giữ nguyên sự đồng trinh [...] (x. Lc 2,6-7). Tín nhiệm nơi Thánh Giuse hôn phu, Mẹ mang Chúa Giêsu sang Ai Cập để cứu con khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê (x. Mt 2,13-15). Với cùng đức tin Mẹ theo Chúa trong thời gian giảng đạo và ở với Chúa cho đến tận đồi Golgota (x. Ga 19,25-27). Với đức tin, Mẹ Maria niếm hưởng những thành quả đầu tiên của cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, và cẩn giữ mọi kỷ niệm trong lòng (x. Lc 2,19.51), Mẹ thông truyền kỷ niệm ấy cho 12 Tông Đồ tụ họp với Mẹ trong Nhà Tiệc Ly để lãnh nhận Thánh Linh”. (x. Cánh Cửa Đức Tin, số 13).

Trong “Kinh Năm Đức Tin” (WHĐ), có lời cầu nguyện với Đức Mẹ:“Lạy Mẹ Maria, Mẹ được chúc phúc vì đã tin.Xin giúp chúng con luôn tin những lời Chúa dạy và Hội Thánh truyền, biết phó thác mọi sự cho tình yêu quan phòng của Chúa, biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người anh chị em chung quanh chúng con, nhờ đó họ sẽ được nhận biết Chúa, để chính họ cũng nhận được ơn đức tin đem lại sự sống đời đời”.

Đức Maria được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ không chỉ tin mà còn hành động theo điều Mẹ đã tin. Vì thế, Mẹ trở nên thầy dạy về đức tin và đức ái.

1. “Đức tin hoạt động qua đức ái”(Gl 5,6)

Khi được diễm phúc cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng, Đức Mẹ đã hân hoan lên đường đem niềm vui đến với người chị họ cũng đang tràn đầy hạnh phúc, chia sẻ khó khăn với chị mình tuổi cao mà mang thai.Dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm và giúp đỡ. Lòng tin thúc đẩy bước chân Mẹ thực thi bác ái. “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7). Hình ảnh Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, băng ngàn để loan báo tin vui cũng chính là hình ảnh Isaia đã loan báo.

Cuộc viếng thăm là sự gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang, giữa hai giao ước cũ và mới.

- Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng là đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ. Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con. Êlisabét được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.

- Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng mẹ Êlisabét nhảy mừng vui sướng.

- Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Thời đại mới mở ra giao ước mới. Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.

“Đức tin hoạt động qua đức ái”trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống của con người (x. Rm 12,2; Cl 3,9-10; Ep 4,20-29; 2 Cr 5,17). Đức tin không có đức ái thì không sinh hoa kết quả, và đức ái mà không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn bị sự nghi ngờ chi phối. Đức tin và đức ái cần nhau, đến nỗi đức này giúp đức kia đi trọn con đường của mình. Quả thật, có nhiều Kitô hữu hiến đời mình để yêu thương phục vụ những người cô đơn, bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc bị tẩy chay, coi họ như những người đầu tiên cần phải chú ý đến và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi họ phản ảnh dung nhan của Đức Kitô. (x.Cánh Cửa Đức Tin, số 14).

Đức tin đi đôi với lòng mến. Lòng mến càng nhiều đức tin càng mạnh. Khi yêu mến Chúa, chúng ta sống Lời Chúa: "ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy"; với trọn niềm tin:“Tất cả những gì anh em xin thì sẽ được như ý” (Mc 11,24).

2. Đức ái là hoa trái đức tin

"Đức tin không có Đức ái thì không mang lại hoa trái. Đức ái không có đức tin thì sẽ là một thứ tình cảm không thuyết phục. Đức tin và Đức ái cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình.” (x.Cánh Cửa Đức Tin, số 14). “Đức Tin là Đức ái trong gốc rễ, còn Đức ái là Đức Tin mang hoa trái. Vì thế, Đức Tin khi được canh tân thì cũng làm cho Đức ái được tăng triển và ngược lại, khi Đức ái được nồng cháy thì Đức Tin cũng được củng cố. Đức Tin đem ánh sáng, Đức ái đem hơi ấm”. (x.tham luận của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, tại Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam 2012).

Khi đến thăm bà Êlisabét, Đức Mẹ đem Chúa đến cho người thân của mình. Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Êlisabét vui mừng, mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan. Nhảy mừng diễn tả niềm vui. Đây là niềm vui ơn cứu độ. Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Êlisabét, được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ. Gia đình Bà Êlisabét là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.

Đức Mẹ là mẫu mực đức ái. Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà… Họ rất cần đựơc thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.

Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện hơn.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Êlisabét đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi.

Tình yêu đòi hỏi phải thể hiện bằng việc làm.Tình yêu được biểu lộ thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người khác trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Thăm viếng nhau là thể hiện tình liên đới, biết quan tâm giúp đỡ nhau.

Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân. Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ. Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ. Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.

Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ. Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ. Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu sống đức tin.

Những tuần lễ Mùa Vọng, mỗi người trong xứ đạo tiết kiệm chi tiêu để làm việc bác ái. Những phần quà ân tình chia sẻ cho các gia đình nghèo trong Đêm Giáng Sinh thật ý nghĩa, diễn tả tình yêu và sự quan tâm đến người khác.

3. Đức Mẹ, thầy dạy đức tin và đức ái

Đức Mẹ chính là thầy dạy đức tin và đức ái. Tin và yêu giống như đôi cánh giúp cho Mẹ bay lên rất cao, lên tới Thiên Chúa. Tin và yêu giống như chiếc chìa khóa có thể mở được cánh cửa kho tàng quý nhất. Mở được cả cánh cửa kho tàng nước trời, mở được cả tâm hồn của Thiên Chúa.

Đức Mẹ dạy chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa. Như xưa tại Cana, Mẹ đã bảo các gia nhân: "Người bảo làm gì, thì các anh hãy cứ làm theo". Hôm nay, Đức Mẹ cũng muốn nói với chúng ta: nếu Chúa đã dạy: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", thì hãy sốt sắng tin tưởng cử hành Bí tích Thánh Thể. Hãy vững tin, vì Đấng quyền năng đã biến nước lã thành rượu ngon thì cũng quyền năng biến đổi bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh của Người, “Anh em biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em” (Ga 13,17).

Đức Mẹ dạy chúng ta sống và thực thi đức bác ái. Mẹ đem tình thương đến với gia đình Bà Êlisabét. Người chị họ ca khen Mẹ: "Em có phúc vì đã tin". Đức tin đem lại hạnh phúc. Có nhiều bằng chứng trong các sách Tin Mừng:

- "Chúa Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh" (Mt 8,13)

- Chúa Giêsu quay lại nói với người đàn bà bị băng huyết: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con". Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (Mt 9,22)

- Chúa Giêsu nói với hai người mù đi theo Ngài "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp "Thưa Ngài chúng tôi tin". Bấy giờ Ngài sờ vào mắt họ và nói "Các anh tin thế nào thì được như vậy". Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,28-29)

Hạnh phúc cho những ai tin vào Thiên Chúa và thực thi đức ái trong đời sống hàng ngày. Sống đạo là sống niềm tin thể hiện qua việc làm “Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”(Mt 11,19).

Đức Maria giàu tình thương nên xứng đáng làm Mẹ của Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Học nơi Mẹ, bậc thầy về lòng tin và lòng mến chúng ta sẽ sống tốt lành và thánh thiện trên hành trình đức tin của đời sống.

 

60.Mang Chúa đến với mọi người

(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)

Cuộc sống hàng ngày, thăm viếng nhau là chuyện hết sức bình thường. Nghe tin bên nhà ông A có chuyện không may, ông B đến nhà ông A thăm hỏi, chia sẻ niềm đau. Hoặc biết nhà bà B có tin vui, bà A đon đả chạy sang góp thêm tiếng cười, chia sẻ niềm vui. Hai người hàng xóm thăm nhau, hai người bạn thăm nhau, những người trong thân tộc máu mủ, họ hàng thăm nhau, tất cả đều là chuyện bình thường của cuộc sống.

Hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng cho biết Đức Maria đi thăm bà Isave, người chị họ của Mẹ, khi nghe tin bà mang thai. Đây là một sự thăm viếng bình thường giữa hai người họ hàng của nhau. Dẫu cho Đức maria, lúc đó đã bắt đầu mang thai Chúa Giêsu, và dẫu cho bà Isave từ xưa tới nay không có con, bây giờ lại mang thai trong lúc già nua tuổi tác, thì việc Đức Maria thăm bà Isave vẫn là chuyện bình thường. Có chăng, thì chỉ niềm vui là lớn hơn mà thôi. Nhưng trong sự thăm viếng bình thường giữa hai người phụ nữ ấy, Thiên Chúa lại làm một điều khác thường đến nỗi rất lạ thường: phi thường. Vậy đâu là sự phi thường do bàn tay Thiên Chúa?

Vì đây không chỉ là một cuộc thăm viếng, gặp gỡ giữa hai người mẹ mà thôi. Nhưng trong cuộc thăm viếng giữa hai người mẹ, là một cuộc chào đón giữa hai người con, dù hai người con đó chỉ mới là bào thai trong lòng của hai người mẹ. Sự chào đón lạ thường này, đã khiến thánh Gioan Tiền Hô nhảy mừng trong lòng bà Isave, ngay sau lời chào đầu tiên mà Đức Maria dành cho bà. Đó cũng là lời chào đầu tiên của cuộc nói chuyện, Đức mẹ đã cất lên lời chào trước khi bà Isave chào Đức Mẹ.

Nhảy mừng là để diễn tả niềm vui. Bào thai trong lòng bà Isave, sau này chính là thánh Gioan Tiền Hô, đã biểu lộ niềm vui mừng bằng động tác “nhảy mừng”. Niềm vui cho gia đình của thánh Gioan lớn lắm. Vì đây không phải là niềm vui bình thường, nhưng là niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui lớn lao đó, trước hết không chỉ vì hạnh phúc được Đức Maria đến thăm, đúng hơn, cùng với sự thăm viếng của mình, Đức Maria đã mang Chúa đến viếng thăm gia đình thánh Gioan.

Niềm vui càng lớn và ý nghĩa nhiều hơn, khi vừa nhập thể trong lòng Đức Maria, nghĩa là vừa mới xuống thế làm người, Chúa Kitô đã chọn gia đình thánh Gioan làm gia đình đầu tiên để Người thực hiện cuộc viếng thăm đầu tiên. Bởi thế, ơn cứu chuộc, lần đầu tiên đến trong trần gian, ngoài Đức Maria và gia đình thánh Gia, gia đình đầu tiên được diễm phúc đón nhận là chính gia đình của thánh Gioan. Còn hơn thế nữa, chẳng những được Chúa đến thăm, gia đình thánh Gioan còn hãnh diện vô cùng vì cùng với việc Đức Mẹ ở lại, gia đình thánh Gioan được Chúa ngự đến, hiện diện và sống cùng. Chỉ có mỗi một mình gia đình thánh Gioan là gia đình đầu tiên được diễm phúc như thế.

Thật ra bào thai không thể nhảy mừng, hơn nữa, bào thai, dù sẽ là một siêu nhân, cũng không bao giờ biết niềm vui, nỗi buồn, cũng chẳng hiểu được bất cứ một điều gì, để có thể nhảy mừng hay không nhảy mừng. Nhưng ở đây, thánh Luca khẳng định rất dứt khoát: “Hài nhi nhảy mừng trong lòng bà” (tức là hài nhi nhảy mừng trong lòng bà Isave). Như vậy, ta phải giải thích làm sao cho hiện tượng kỳ diệu này? Chắc bạn đồng ý với tôi, đây là một phép lạ: Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ tuyệt vời. Người đã làm cho một cuộc viếng thăm bình thường, nên rất đỗi lạ thường: thai nhi có thể nhảy cẩng lên mà vẫn bình yên vô sự. Sự nhảy mừng, đồng thời là phép lạ ấy, có được là do một bào thai khác được một người mẹ khác mang trong lòng dạ mình làm nên. Người mẹ đó là Đức Maria, và bào thai mà Mẹ mang trong dạ, còn hơn cả một con người: đó là Thiên Chúa làm người. Chỉ có một Thiên Chúa và quy về Thiên Chúa, ta mới dám khẳng định đức tin của mình vào một sự kiện lạ thường như thế.

Vâng! Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên điều kỳ diệu đến nỗi con người phải chưng hửng. Do đó, việc Đức Mẹ thăm viếng bà Isave không còn là một cuộc thăm viếng bình thường nữa, mà là một cuộc trao ban ơn cứu độ. Mẹ đã mang chính Đấng là Ơn Cứu Độ tuyệt đối đến cho gia đình bà Isave.

Mẹ đến thăm bà Isave, thì trong hành động đến thăm đó, Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình bà Isave. Bởi vậy, bất cứ nơi nào người ta mang Thiên Chúa đến cho nhau, ở đó có niềm vui, có sự bình an, có ơn thánh, và sự cứu rỗi sẽ tràn ngập.

Trong cuộc thăm viếng người chị họ của mình, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối về anh chị em mà đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu của bản thân với mọi người. Càng hướng tới lễ Giáng sinh, ta càng phải chuẩn bị tâm hồn thoát ly khỏi những gì làm cản trở mình đến với anh chị em. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và bình an. Và để cưu mang chính Chúa Giêsu trong tâm hồn, bạn và tôi cần thường xuyên tra vấn chính mình, cần nhìn lại mình, kiểm điểm mình một cách cẩn thận, đừng làm qua lần chiếu lệ. Nhờ thái độ nội tâm ấy, ta sẽ nhận ra chỗ nào còn gồ ghề, chỗ nào là hố sâu, chỗ nào làm ta chưa thể đến với anh chị em, để rồi thành tâm sửa đổi, làm mới lại con người mình. Làm mới lại chính mình để có thể thuộc về anh em mình như thế, đó chính là biểu hiện của một tâm hồn có Chúa Kitô. Nói cách khác: đó chính là biểu hiện của một tâm hồn cưu mang Chúa.

home Mục lục Lưu trữ