Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 71
Tổng truy cập: 1355451
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên
Khi nói đến giới răn hay huấn lệnh là nói đến sự bó buộc. Quả vậy, một huấn lệnh thường mang nội dung yêu cầu phải làm hoặc cấm làm một điều gì đó. Như thế, phải chăng kính mến Chúa là một điều buộc? Nếu coi việc kính mến Chúa là một điều buộc, thì chẳng còn phải là một tình yêu tự nguyện, mà khi không xuất phát từ tự nguyện, thì chẳng còn phải là tình yêu, hay có chăng thì đó chỉ là tình yêu gượng ép.
Bài đọc thứ nhất (sách Đệ nhị Luật) và bài Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay nói với chúng ta về các huấn lệnh. Trong số các huấn lệnh của Thiên Chúa thời Cựu ước, ông Môisen đã nhấn mạnh tới một lệnh truyền căn bản: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái, cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài”. Những lời trên đây thực ra không phải là một điều áp đặt. Đây là những lời đề nghị hay một lời mời gọi, kèm theo lời hứa cho một tương lai tốt lành. Người tin Chúa không bị ép buộc, nhưng khôn ngoan suy nghĩ để lựa chọn và quyết định: nếu yêu mến Chúa và tôn kính Ngài, thì họ sẽ được Chúa chúc lành cho trong mọi ngày của đời sống dương thế, được trường thọ và hạnh phúc. Tác giả Thánh vịnh 17 (Phần Đáp ca) cũng diễn tả lý do yêu mến Chúa, là vì Ngài là sơn động cho ta trú ẩn. Ngài là đá tảng, là chiến luỹ và là vị cứu tinh đối với những ai cậy trông phó thác nơi Ngài.
“Hỡi Israen, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy, anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em đã phán với anh em”. Qua những lời này, ông Môisen muốn khẳng định với những người Do Thái: những mệnh lệnh Chúa truyền dạy không thể chỉ được lắng nghe, nhưng phải được thực hành. Một số người Do Thái đạo đức quá chú trọng đến tuân giữ Lề luật một cách tỉ mỉ, mà lại lãng quên việc thực thi tinh thần của Lề luật. Vì vậy, Chúa đã khiển trách họ: “Dân này chỉ tôn kính Ta bằng môi bằng mép, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6). Thực hành lời Chúa dạy là bảo đảm cho chúng ta được hạnh phúc đời này và đời sau. Lời hứa miền đất tràn trề sữa và mật, trong truyền thống Do Thái, là niềm hy vọng nuôi dưỡng niềm tin của dân riêng Chúa đã chọn. Đối với người Kitô hữu, đó chính là hạnh phúc đời đời Thiên Chúa ban cho những ai thực thi lòng mến Chúa yêu người.
Thực ra mến Chúa yêu người không phải là hai giới răn tách biệt, nhưng là một giới răn duy nhất, như hai mặt của một tấm huy chương. Lòng mến Chúa phải được chứng minh bằng việc yêu người. Tình mến mọi người phải được dựa trên nền tảng lòng mến Chúa, vì đó là lòng mến vô vị lợi, không dựa trên những tiêu chuẩn trần gian, không phân biệt và không biên giới. Thánh Gioan đã khẳng định với chúng ta: ai nói mến Chúa mà không thực hành đức thương yêu với tha nhân thì là kẻ nói dối, vì tha nhân là những người nhìn thấy mà họ không thương yêu, thì làm sao họ mến Đấng mà họ không nhìn thấy? (x. 1 Ga 4,20).
Người tín hữu có một mẫu gương về lòng mến hoàn hảo, đó là Đức Giêsu Kitô. Người là vị tư tế thánh thiện, vô tội tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Trên cây thập giá Đức Giêsu đã minh chứng tình mến đối với Chúa Cha và tình mến đối với nhân loại. Tác giả thư gửi tín hữu Hípri đã chứng minh Chúa Giêsu là vị tư tế tối cao. Ngày hôm nay, vị Tư tế đó vẫn đang chuyển cầu cho chúng ta (Bài đọc II).
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”. Đây là lời kinh mà những người Do Thái đạo đức phải tụng mỗi ngày, để rồi lời ấy vang lên trong mọi giây phút của cuộc sống. Lời ấy cũng là động lực chi phối mọi lời nói, hành vi và ý tưởng của những ai muốn tuân giữ lề luật. Đây cũng là câu Lời Chúa được chọn để đọc trong giờ Kinh Phụng vụ vào tối thứ Bảy hằng tuần. Xin cho lời kinh ấy luôn vang vọng trong tâm trí và cuộc đời chúng ta, để khởi đi từ lòng mến Chúa, chúng ta sẽ thực thi đức yêu người.
Hôm nay là ngày vọng lễ Các Thánh. Các thánh là những người mến Chúa yêu người. Các ngài đã trải qua nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn một lòng tín trung. Có nhiều vị thà hy sinh mạng sống còn hơn là bỏ Đạo. Có nhiều vị chấp nhận một cuộc sống trầm lặng trong suy tư cầu nguyện. Có nhiều vị thánh đã trải qua một cuộc sống rất đơn sơ bình dị, như một người cha, một người mẹ trong gia đình, một công dân của xã hội, một người phong lưu hoặc một người nghèo khó. Tất cả các thánh đều có một điểm chung: đó là lòng mến Chúa yêu người. Thánh Phaolô đã khẳng định: Ai yêu thương, thì đã chu toàn lề luật (Rm 13,8b). Nên thánh chính là thực thi giới răn mến Chúa yêu người.
Lạy Chúa là nguồn mạch sự thánh thiện, xin che chở nâng đỡ chúng con trong hành trình cuộc đời, cũng là hành trình nên thánh. Amen.
GIỚI LUẬT VÀ BÍ TÍCH
Jorathe Nắng Tím
Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu không chỉ ban một lệnh truyền mang tính luân lý khi phán: Dạy bảo họ “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” nhưng còn ban chính mình như Bí Tích Tình Yêu khi dặn dò: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Và Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19.20).
Lệnh truyền Đức Giêsu ban là “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”, và “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,29.30).
Thánh Gioan quảng diễn giới luật yêu thương này trong thư của Ngài: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Vậy “ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 20.21).
Nhưng nếu dừng lại ở phạm trù giới luật, thì Tình Yêu sẽ chỉ là đòi hỏi của luân lý, và thuần túy là nghĩa vụ của con người tự nhiên, như chúng ta thường nói: “làm người thì phải ăn ngay ở lành”. Và vì là đòi hỏi nền tảng của con người tự nhiên, nên các tôn giáo đều có chung đòi hỏi tín đồ, giáo hữu phải sống giới luật “làm người ngay lành, lương thiện”. Đây là lý do đã dẫn đến kết luận : đạo nào cũng như đạo nào, vì tất cả đều dậy ăn ngay ở lành.
Đức Giêsu đã truyền dạy giới luật tình yêu, nhưng giới luật Ngài ban không bắt nguồn từ bản tính con người, nhưng từ Ngài; không lớn lên nhờ có gắng sống tốt của con người, nhưng nhờ sức sống của chính Ngài. Và để thực hiện điều này, nghiã là “nâng tầm” giới luật lên hàng bí tích, nâng đòi hỏi luân lý lên hàng siêu nhiên, nâng việc làm tự nhiên lên hàng thánh thiêng, Đức Giêsu đã sai các môn đệ “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Làm phép rửa cho muôn dân là làm cho muôn dân đi vào đời sống bí tích, nghĩa là làm cho mọi người đi vào hiệp thông, hiệp nhất với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, như Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định về yếu tính của Giáo Hội: “Giáo Hội ở trong Đức Kitô như bí tích hoặc dấu chí và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể” (LG 1) – Bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X).
Tại sao Phép Rửa như bí tích của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và với nhân loại?
Thưa, vì Bí Tích Rửa Tội ban cho chúng ta ơn trở nên con Thiên Chúa. Được rửa tội trong Đức Giêsu, tức là “được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giêsu”. Và được dìm vào nước thanh tẩy chính là “được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đuợc sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4). Đời sống mới ấy là đời sống làm con Thiên Chúa, nên khi chịu phép rửa, Chúa Cha cũng nói với mỗi người chúng ta như đã nói với Đức Giêsu, khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Bí tích Rửa Tội như thế đã làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa, mà đã là con thì yêu mến, hiếu thảo với Cha không còn là bổn phận nhưng là niềm hạnh phúc, nỗi khát khao.
Bí tích Rửa Tội không chỉ làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, nhưng cùng lúc cho chúng ta trở nên anh em với mọi người. Đây là điểm chúng ta dễ lãng quên, vì không mấy quan tâm, trong khi lại là điều Đức Giêsu không ngừng nhấn mạnh và nhắc nhở trong Tin Mừng. Do đó, tình yêu dành cho Thiên Chúa sẽ chỉ có giá trị và ý nghĩa nếu chúng ta cũng yêu thương anh chị em mình, như hạnh phúc chúng ta khao khát tìm kiếm, mà không như một lề luật nặng nề, trói buộc.
Như kinh sư trong Tin Mừng hôm nay đã được Đức Giêsu khuyến khích: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12,34), xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để yêu mến Chúa và yêu mến mọi người, mà hành động yêu mến cao quý, đẹp lòng Chúa hơn cả chính là “dâng lễ tế hy sinh, trước là đền tội của mình”, để tỏ lòng yêu mến Chúa, và “sau là để đền thay cho người khác” (Dt 7,27), để thực hiện ước muốn yêu thương, phục vụ tha nhân như Chúa dạy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam