Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 69

Tổng truy cập: 1355462

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

 

Qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hai khía cạnh của một giới răn, đó là lòng mến Chúa và tình thương người.

Trước hết là lòng mến Chúa.

Trong Cựu ước Chúa phán bảo người Do Thái: Ngươi hãy kính mến Chúa hết lòng và hết sức ngươi. Trong Tân ước Chúa Giêsu cũng bảo: Giới răn trọng nhất đó là ngươi hãy kính mến Thiên Chúa hết tâm hồn và trí khôn ngươi.

Thánh Gioan vị tông đồ, thấu triệt được đường lối của Chúa Giêsu, đã viết: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong tình yêu thì người ấy ở trong Thiên Chúa. Và thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: Anh em hãy mặc lấy đức ái, là giềng mối mọi sự trọn lành.

Như thế, chúng ta thấy lòng mến Chúa là mục đích chúng ta phải theo đuổi trong cuộc sống trần gian hay nói cách khác, đó chính là sự thánh thiện vậy. Qua giòng thời gian, các thánh, là những người đã xác tín được cái chân lý ấy và đã ra sức thực hiện trong lòng cuộc đời của mình.

Thánh nữ Têrêsa đã viết: Tôi hiểu rằng Giáo Hội có một trái tim, trái tim ấy bùng cháy ngọn lửa tình yêu… Tôi hiểu rằng chỉ tình yêu mới làm cho các chi thể hoạt động. Nếu tình yêu mà lịm tắt, thì các vị tông đồ không còn đi loan báo Tin mừng, các vị tử đạo không còn đổ máu ra để làm chứng cho Phúc âm. Lòng mến này được biểu lộ qua việc chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa bằng những tâm tình cầu nguyện. Nhất là được biểu lộ qua việc chúng ta thực thi thánh ý Chúa, mỗi khi chúng ta làm một việc dù là nhỏ mọn nhất. Chúng ta hãy biết thân thưa với Chúa như thánh nữ Bernadetta: Lạy Chúa, xin cho con biết chu toàn mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.

Người ta kể lại thánh Arcadio, khi bị dẫn tới pháp trường, ngài đã bình tĩnh chấp nhận bị khổ đau, rồi ngài nói với những người đứng chung quanh: Chết vì Chúa là được sống, khổ vì Chúa là được hạnh phúc.

Tiếp đến là tình thương người.

Trong Phúc âm Chúa phán: Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi. Các ngươi hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Thầy truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.

Thánh Augustinô đã giải thích tư tưởng của Chúa như sau: Tình thương là dấu chỉ duy nhất để phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỉ. Mặc cho những ai cứ làm dấu thánh giá trên trán, cứ chịu phép rửa tội, cứ vào nhà thờ, nhưng chỉ có tình thương mới phân biệt được ai là con cái Thiên Chúa.

Đức Giám mục Bossuet cũng nhấn mạnh: Ai chối bỏ tình thương là chối bỏ đức tin. Ai chối bỏ đức tin là sống ngoài Giáo Hội. Bởi vì như lời thánh Gioan đã diễn tả: Anh em là những người họ trông thấy mà họ chẳng yêu thương, thì làm sao họ có thể kính mến Thiên Chúa Đấng mà họ chẳng hề trông thấy bao giờ.

Bên Âu Mỹ, người ta thử nuôi những trẻ sơ sinh bằng máy dưỡng nhi thay cho người. Với những máy móc ấy, con trẻ được nuôi một cách rất khoa học. Ăn uống đầy đủ, vệ sinh chu đáo. Thế mà đứa trẻ cứ mỗi ngày một ốm o gầy mòn, biếng ăn kém ngủ. Thế nhưng, khi người ta thêm vào trong phòng một cái máy phát ra những tiếng động như nhịp đập của trái tim người mẹ, thì các em trở lại bình thường, ăn ngon ngủ kỹ, da dẻ hồng hào. Như vậy cái yếu tố thiết yếu trong cuộc sống là yêu và được yêu.

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Thực hiện được hai điều ấy là chúng ta đã chu toàn được mọi lề luật, và mọi lời Chúa truyền dạy.

 

9.Chúa Nhật 31 Thường Niên

TÌNH YÊU LÀ SỰ HOÀN THIỆN CỦA CON NGƯỜI

(Suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào SDB)

Tình yêu là sự hoàn thiện của con người (Th. Augustinô).

Một nữ văn sĩ đã viết: “Cuộc đời con người vốn trống trải như một quán trọ. Không ai trên cõi đời này có thể sống mà không yêu một người nào hay yêu một cái gì. Bao giờ trái tim còn rung lên những nhịp đập, bao giờ đôi mắt còn nhìn thấy mặt trời mọc, mặt trời lặn bên kia đồi, bao giờ còn khoảng cách mênh mông của những vì tinh tú trên bầu trời cao, con người còn phải yêu để sống”. Tư tưởng của nhà văn ngụ ý nói rằng tình yêu là một nhu cầu thiêng liêng và cao quý của kiếp sống hiện sinh nơi mỗi người chúng ta. Chỉ có gỗ đá và thú vật mới không biết rung cảm và yêu thương, còn đã là người, chúng ta cần phải yêu để có thể tồn tại. Đó là quy luật thiết yếu mà Thiên Chúa đã đặt để nơi cuộc sống mọi người.

Nhưng thật trớ trêu, người ta đã và đang lợi dụng cũng như bóp méo ý niệm thân quen này. Có những tình yêu đáng lẽ rất trong sáng, lại bị đánh đổi bằng chút ít tiền bạc. Có những tình yêu thoi thóp nơi những trái tim chỉ biết đợi, biết chờ mà không bao giờ được đáp trả. Có những bạn trẻ lao đầu vào những cuộc tình quái gở, vội trao ban những gì quý giá nhất của đời con gái để suốt đời phải ôm một nỗi sầu mênh mang. Có những con người điên điên khùng khùng rao bán tình yêu chỉ với vài ba chỉ vàng, hoặc dùng vốn tự có để đổi lấy một mảnh tình rách. Biết bao phũ phàng và xót xa vẫn đang xảy ra đặc biệt nơi các bạn trẻ, khi họ muốn vươn tới một tình yêu trong sáng nhưng không thể nào có được. Ai cũng biết và cảm thấu sự cao quý của tình yêu, nhưng tình yêu thực sự là gì?

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay vạch dẫn cho ta câu giải đáp. Những môn đệ của Đức Giêsu phải thâm tín rằng không thể có một tình yêu chân chính nếu không quy tập về chính Thiên Chúa, bởi lý do giản đơn như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Nói cách khác, Thiên Chúa vốn tự bản chất là Tình yêu, đã thiết định một lề luật căn bản nơi nội tâm mỗi người, đó là luật yêu thương. Càng sống sung mãn ơn gọi tình yêu, con người càng trở nên hoàn hảo, và trở nên giống Thiên Chúa.

Giới răn quan trọng nhất

Mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và vị kinh sư mà Tin mừng hôm nay thuật lại xoay quanh chủ đề ‘Đâu là giới răn quan trọng nhất’. Chủ đề này đã được Đức Giêsu lập đi lập lại khá nhiều lần, ví dụ qua bài giảng trên núi, hoặc khi Ngài nói chuyện với chàng thanh niên muốn nên trọn lành, và đặc biệt trong diễn từ Chúa nói với các học trò trước khi đi thụ nạn. Quả thật, Đức Giêsu đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo, nhưng để công bố cho chúng ta một Tin mừng, đó là tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Ngài chính là bí tích biểu thị tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính con một Ngài” (Ga 3, 16). Đức Giêsu chính là nhịp cầu nối kết con người với Thiên Chúa, đồng thời cái chết của Ngài trên Thập giá chính là câu định nghĩa hoàn hảo nhất về tình yêu Thiên Chúa dành trao cho ta. Tình yêu mà Ngài nói tới không phải là những biểu hiện tình cảm ngốc nghếch mà rất nhiều bạn trẻ thường hay nghĩ tưởng. Chúa nói với các môn sinh “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúng ta phải học, phải hiểu và phải sao chép lại chính tình yêu mà Đức Giêsu đã diễn bày.

Tình yêu mà Chúa Giêsu khai mở và giải thích cho vị kinh sư khi ông ta đến hỏi Ngài gồm hai chiều kích: đối nhân và đối thần, tức yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại. Thực sự đây là hai cách diễn bày, nhưng tình yêu chỉ là một thực tại duy nhất. Thánh Giacôbê đã viết: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà giận ghét anh em, đó là người nói dối” Cụ thể, chúng ta không thể nào mở miệng thưa với Chúa: “Lạy Chúa con yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự”, mà lại không thể nở một nụ cười thân thiện với người hàng xóm bên cạnh. Chúng ta vẫn mở miệng đọc kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con”, nhưng lắm khi chúng ta vẫn ôm nơi mình biết bao dao găm và lựu đạn khi đến nhà thờ cầu nguyện với Chúa. Những lời cầu nguyện như thế rất giả dối, nhằm đánh lừa Thiên Chúa và rốt cục chỉ là những sáo ngữ rỗng tuếch.

Tình yêu là sự hoàn thiện của con người.

Thánh Phanxicô Salê, tiến sĩ về đức ái, đã viết: “ Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu”. Vì thế, càng sống sung mãn ơn gọi tình yêu, chúng ta càng vươn đạt đến sự hoàn thiện theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành.” Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã đến trần gian để khải thị cho ta Tin mừng về lòng yêu thương của Thiên Chúa. Khi nói chuyện với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã vén mở cho ông điều này. “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Nhiều nhà chú giải cho rằng đây là câu tóm kết toàn bộ sách Tin mừng, diễn tả sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Ngài đi vào trần gian để loan báo cho ta về tình yêu của Thiên Chúa. Cái chết của Đức Giêsu là tột đỉnh diễn bày tình yêu tuyệt vời này. Trong 3 năm rao giảng, Đức Giêsu đã thiết lập một ngôi trường, ngôi trường đó mang tên Trường học Tình yêu. Ngài quy tập những người học trò để truyền thụ cho họ một môn học duy nhất, đó cũng chính là môn học về tình yêu. Trong bữa tiệc vượt qua cuối cùng trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu để lại cho các môn sinh bản di chúc tối hậu: “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”; “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy yêu thương nhau.”

Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai, cho dù người đó hiện như thế nào. Một đứa con đi hoang vẫn được vòng tay cha nó ôm đón khi nó trở về. Một cô gái điếm vẫn có thể bình thản ngồi tâm sự sát kề bên Chúa và hôn lên đôi chân thánh thiện của Ngài. Thậm chí một tên cướp khét tiếng, với một quá khứ đan kín tội ác vẫn có thể là một vị đại thánh, được chính Đức Giêsu mở cửa Thiên Đàng đón đưa vào. Tình yêu Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm khó hiểu, là một nghịch lý vĩ đại và tình yêu ấy trở thành khuôn mẫu nội tâm để tất cả chúng ta noi theo.

Yêu như Chúa yêu

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta những giáo huấn căn bản về tình yêu. Tình yêu mà Đức Giêsu mời gọi không mang dáng vẻ lãng mạn và ủy mị như nhiều bạn trẻ thường hay mơ nghĩ. Chúa Giêsu đã sống tận căn mầu nhiệm tình yêu và Ngài mời gọi các học trò hãy sao chép lại tình yêu ấy. “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Cái chết trên Thập giá là câu định nghĩa tuyệt vời nhất về tình yêu mà Đức Giêsu diễn bày, đồng thời Ngài mời gọi chúng ta dần dần tiến sâu vào quỹ đạo yêu thương độc đáo này.

Thánh Gioan Tông đồ là chuyên gia về tình yêu. Khi tự giới thiệu về mình, vị tông đồ đã không theo kiểu cách thế gian. Ngài không khoe khoang chức vụ hay học vị của mình như người đời vẫn hay làm, ví dụ: ông Nguyễn Văn A, Tổng giám đốc, Tiến sĩ này, thạc sỹ nọ v..v. Thánh Gioan chỉ nói đơn giản về bản thân mình là ‘Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến’. Trong bữa tiệc ly, Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa, lắng nghe những nhịp đập từ con tim thổn thức của người Thầy quý mến. Đứng dưới chân Thập giá cùng với Đức Maria, Gioan cũng chứng kiến trái tim Chúa mở toang, vọt trào cho đến giọt nước và giọt máu cuối cùng, biểu tượng tình yêu dạt dào như một dòng chảy bất tận. Cảm nghiệm được tình yêu sâu xa này, nên trong Tin Mừng thứ tư và đặc biệt trong cả 3 lá thư Ngài viết, Thánh Gioan hầu như chỉ nói đi nói lại một chủ đề duy nhất, đó là tình yêu “ Hãy yêu như Thầy đã yêu.” Trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay, tác giả thư Do Thái cũng nhắc đến hiến tế Thập giá của Đức Giêsu, như là nguyên mẫu cho tình yêu mà chúng ta được mời gọi sao chép lại.

Kết luận

Để kết luận, tôi xin trích dẫn một câu chuyện ngắn của tác giả Trường Long. “Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái hỏi mẹ nó: Sao mẹ lại đuổi bố? Mẹ trả lời “Tại bố hư.” Để đứa bé khỏi vặn vẹo lôi thôi, Người mẹ mua cho nó một cái bánh. Đứa anh từ đâu phóng tới chộp cái bánh bỏ vào miệng. Con bé khóc ré lên bắt đền. Mẹ nó dỗ: “Anh này hư quá, nín đi con, bỏ qua cho anh một lần”. Đứa bé phụng phịu: “Thế sao mẹ không bỏ qua cho bố? Bà mẹ trẻ nhìn xa xăm rồi thở dài: “Ừ, thì ra mẹ cũng hư.”

Chúng ta cũng dễ thường hay ‘hư’ như thế vì đã không sống triệt để mầu nhiệm tình yêu, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tình yêu đó đòi hỏi chúng ta phải biết sẵn sàng cho đi và biết quảng đại tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy lập lại tâm tình trong kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha….”. Chúng ta cũng nhớ lại lời dạy của Thánh Augustinô: “Bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm (Ama et fac quod vis).

home Mục lục Lưu trữ