Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 76

Tổng truy cập: 1356357

Mở Cửa Mộ

Sự sống

 

Đối với nhiều người Việt Nam, sự chết không nhất thiết là điều đáng sợ. Người xưa coi chết là mãn kiếp, tức là hết đời sống, nên thường ung dung thư thái đón chờ cái chết và chuẩn bị cho cái chết của mình ngay những tháng năm còn khoẻ mạnh. Chẳng hạn như mua sắm quan tài và những đồ khâm liệm đề phòng khi cái chết đến. Cho nên ông Nguyễn Khuyến, vì không muốn phí phạm xa hoa, nên đã căn dặn con cái:

 

- Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,

Kín chân tay đầu gót thì thôi.

 

Trong khi đó, người Tây phương thì không làm như vậy. Họ không sắm sẵn quan tài và những đồ khâm liệm. Thậm chí, họ còn sắp xếp để người thân yêu của mình không chết trong gia đình. Tốt hơn nên để người đó chết ở bệnh viện, rồi từ đó đưa thi hài người quá cố, tới quàn tại nhà xác trước khi đưa tới nhà thờ, và từ nhà thờ đưa thẳng ra nghĩa địa.

 

Còn Chúa Giêsu, Ngài nghĩ gì về cái chết? Theo Cựu Ước, người Do Thái không quan niệm chết là hồn lìa khỏi xác, vì đó là quan niệm của người Hy Lạp. Còn người Do Thái thì cho rằng chết là mất hết sự sống. Với phép lạ cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc tìm hiểu xem sự sống và sự chết là gì, nhưng điều chính yếu Ngài muốn gởi gấm, muốn xác quyết: Ngài chính là sự sống lại và là sự sống.

 

Đây cũng là một chủ đề được đề cập đến nhiều lần qua Tin Mừng theo thánh Gioan. Với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob, Ngài xác quyết: Nước Ta ban sẽ vọt lên đem lại sự sống đời đời. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Ngài nói với người Do Thái: Ta là bánh ban sự sống. Nơi khác Ngài bảo: Ta là ánh sáng mang lại sự sống. Có lần Ngài đã mạnh mẽ công bố: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Mục đích của Ngài đến trong thế gian là gì, nếu không phải là để cho chúng ta được sống và được sống một cách dồi dào.

 

Và để thực hiện mục đích này Ngài đã phải trả một cái giá thật đắt bằng chính mạng sống của Ngài với cái chết trên thập giá. Ngài đã sánh ví mình như hạt lúa được gieo trên ruộng đồng, có mục nát đi, thì mới sinh nhiều bông hạt. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử nhân lành, hiến mạng sống vì đàn chiên. Và chính Ngài đã thực hiện lời giảng dạy: Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình là giá cứu chuộc cho nhiều người.

 

Qua cái chết của mình, Ngài đã đem lại cho chúng ta ơn cứu độ, cũng như biểu lộ được tình yêu tuyệt vời Ngài đã dành cho chúng ta, bởi vì không ai yêu hơn người liều mạng sống mình vì bạn hữu.

 

Để chuẩn bị bước vào tuần thánh, chúng ta hãy suy gẫm lời thánh Phaolô: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.

 


Mở cửa mộ

Đức TGM. Ngô Quang Kiệt.

Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.

 

Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.

 

Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.

 

Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lagiarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.

 

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lagiarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lagiarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lagiarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lagiarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.

 

Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lagiarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.

 

Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.

 

Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.

 

GỢI Ý CHIA SẺ

 

1) Tôi còn bị giam cầm trong những ngôi mộ nào?

 

2) Tôi còn muốn xây những ngôi mộ nào để chôn vùi anh em?

 

3) Hôm nay tôi phải làm gì để mở cửa mộ cho tôi và cho anh em?

 

4) Việc Chúa cho Lagiarô chết bốn ngày sống lại có ảnh hưởng gì trên tôi?


 

 

Thầy là Sự Sống Lại

 

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

 

Bệnh tật và cái chết đeo đẳng lấy đời người. Bệnh tật làm con người bị tê liệt. Còn cái chết thì như một nhát dao cắt đứt tất cả mọi dự tính về cuộc sống. Ngay cả đối với người tín hữu, cái chết vẫn là một mầu nhiệm làm họ run rẩy.

 

Đức Giêsu trong Vườn Dầu cũng sợ hãi trước cái chết. Cái chết đưa đến chia ly nên có nước mắt, tiếc thương, nhung nhớ. Hai chị em Macta và Maria rất đau buồn trước cái chết của người em là Lagiarô. Cả hai đều tiếc vì Thầy không có mặt lúc ấy. Bốn ngày đã trôi qua, đá đã lấp cửa mồ. Thi hài người chết đã bắt đầu rữa nát. Chẳng còn chút hy vọng nào...

 

Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, Đức Giêsu vẫn trở lại Giuđê để đến thăm gia đình mà Ngài có lòng quý mến. Ngài biết Ngài sẽ làm gì để tôn vinh Chúa Cha, và qua đó chính Ngài cũng được tôn vinh. Dầu vậy, trước nỗi đau của hai chị em, Đức Giêsu vẫn thổn thức và xao xuyến. Ngài bật khóc trên đường đi đến mộ.

 

Trước ngôi mộ đá, Ngài đã cất tiếng cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời Ngài xin khi cho Ngài quyền làm cho người chết được sống lại. Làm sao nói hết được niềm vui của ba chị em, và sự kinh ngạc của những người chứng kiến.

 

Trong sứ điệp nhân ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha đã yêu cầu các bạn trẻ "hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình yêu, những ngôn sứ của niềm vui."

 

Thế giới văn minh nhưng có nhiều bóng tối sự chết: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, sida, những vụ ám sát, đặt chất nổ, tai nạn giao thông...

 

Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn, cái chết của tình yêu ở trong lòng con người. Cái chết thắng thế khi con người sống buông xuôi, chán chường và khép kín trong ích kỷ.

 

Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Ngài trả lại sự sống cho Lagiarô. Ngài lau khô nước mắt cho Macta và Maria. Khi gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta cũng có khả năng thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới.

 

Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, đời này và đời sau. Ngài say mê sự sống của con người. Ước gì chúng ta dám cất đi những phiến đá che mộ để người chết có thể bước ra.

 

Gợi Ý Chia Sẻ

 

- Chẳng ai thích sự chết, nhưng mặt khác, con người lại nghiêng chiều về bạo lực. Bạn có thấy khuynh hướng bạo lực ở nơi mà bạn đang sống không?

 

- Bạn đã làm gì để sống lời mời gọi này của Đức Thánh Cha: "Kitô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần giúp đỡ, có những giọt nước mắt phải lau khô, có những lời cầu cứu mong được đáp ứng"?

 

Cầu Nguyện

 

Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.

 

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

 

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

 

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

 

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)

home Mục lục Lưu trữ