Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1364252

MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU

MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU- Lm. Jos. Phạm Thanh Liêm SJ

Ai cũng được mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu, nhưng không phải ai cũng là môn đệ Ngài. Để trở thành môn đệ của Chúa, phải chọn Thiên Chúa và từ bỏ những gì trái với Ngài.

Từ bỏ chính mình

Đám đông đi theo Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả là môn đệ của Ngài: “nếu ai đi theo tôi mà không từ bỏ chính mình, thì không thể theo tôi được”.

Từ bỏ chính mình, là cách nói khác của thái độ chọn Chúa trên tất cả. Không có sự trái nghịch giữa giữa việc đi theo Chúa và đạo hiếu, vì giới răn thứ tư Chúa dạy: “thảo kính cha mẹ”; nhưng giả như cha mẹ hay bất kỳ ai đó có những đòi hỏi trái với luật Chúa, thì phải chọn Thiên Chúa trên tất cả. Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nhưng muốn con người được sống và sống hạnh phúc với Thiên Chúa; nhưng giả như có trường hợp phải chọn giữa Thiên Chúa và mạng sống mình, chẳng hạn như trường hợp bách hại đạo, thì phải chọn Thiên Chúa trên cả mạng sống mình.

Chọn Chúa trên tất cả, sẽ được tất cả. Chọn Chúa, là yêu thương cha mẹ thật sự, là giữ đạo hiếu tuyệt hảo. Thí dụ, cha mẹ của một ai đó ép con mình lấy người nó không yêu không thương; thì theo đạo hiếu “thiển cận”, người con phải vâng lời lấy người cha mẹ muốn; nhưng nếu chỉ một thời gian ngắn sau cha mẹ người đó chết mà người con phải sống khổ cả đời vì đã vâng lời cha mẹ lấy người mình không thương yêu, thì nếu cha mẹ người đó biết con mình không sống hạnh phúc, chắc cha mẹ đã không ép con mình làm như vậy; nên trong trường hợp này không làm theo ý cha mẹ, là có hiếu hơn nghe theo lời cha mẹ. Nói như vậy, không có nghĩa là coi thường ý kiến của cha mẹ về vấn đề hôn nhân cho con cái. Con cái phải trân trọng ý kiến của cha mẹ, vì thường cha mẹ chỉ muốn cho con cái mình hạnh phúc; nhưng giả như có trường hợp khác, thì phải chọn Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn tôi làm điều đúng, và Ngài muốn tôi sống hạnh phúc.

Chấp nhận chính mình

“Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi”. Con người, ai cũng có những giới hạn.

Chẳng hạn, một người không được thông mình như chúng bạn mình, một người không đẹp như bạn mình, một người có một tật nào đó về thể lý hoặc tinh thần. Nếu con người không chấp nhận chính mình, luôn càm ràm Thiên Chúa “tại sao Chúa dựng nên con xấu như vậy, tại sao con lại không được thông mình bằng người khác, tại sao răng của con như vậy, tại sao mắt của con như vậy,…”, muốn làm “tài khôn” cho Chúa, thì người đó không thể làm môn đệ của Chúa được. Chấp nhận con người mình, chấp nhận những giới hạn của mình, đó là vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu. Chấp nhận con người mình như mình là, đã là vượt qua chính mình và nên thánh từng ngày rồi. Phaolô cũng có một cái dằm đâm vào xác thịt, và ngài đã ba lần xin Chúa cất cái dằm đó khỏi mình, nhưng Thiên Chúa phán “ơn ta đủ cho con” (2 Cor.12, 7-9).

Chấp nhận chính mình, là chấp nhận để Thiên Chúa làm tất cả những gì Ngài muốn trên mình. Đó là thái độ cần thiết để một người có thể sống hạnh phúc trên trần gian này. Nếu ai không hài lòng với chính mình, không nhận ra được gì hay nơi con người mình để tạ ơn Chúa, thì thật bất hạnh cho người đó.

Chấp nhận tha nhân trong yêu thương

Thiên Chúa là nhất đối với Phaolô. Con người là một giá trị tuyệt vời đối với Thiên Chúa và đối với con người. Trở nên con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, là một hồng ân vô cùng lớn mà không gì có thể so sánh và mua được.

Onesimus, người nô lệ của Philemon đã được ơn trở lại qua Phaolô. Phaolô chấp nhận Onesimus như một người với tất cả giá trị của con người, cho dù người đời có phân biệt nô lệ và tự do. Phaolô mời gọi Philemon, người môn đệ của mình, nhận ra và chấp nhận phẩm giá của Onesimus, và đối xử với Onesimus, người nô lệ của mình, như người anh em trong Chúa. Để làm được điều này, Philemon phải chọn Chúa trên hết, coi trọng người tông đồ đã rao giảng Lời Chúa cho mình, đặt nhẹ lợi lộc trần gian, và nhận ra giá trị đích thực của con người không tựa vào nô lệ hay tự do theo kiểu trần thế.

Chọn Thiên Chúa trên tất cả, chấp nhận con người của mình như mình là, từ bỏ tất cả thậm chí cả bản thân mình, là điều kiện của người môn đệ Đức Giêsu. Xin cho chúng ta được ơn trở thành môn đệ Đức Giêsu trong cuộc sống.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1/. Có sự xung đột giữa những bổn phận đối với Thiên Chúa, cha mẹ và vợ chồng không? Xin bạn cho thí dụ và chia sẻ cái nhìn của bạn?

2/. Bạn có đồng ý với quan điểm “chọn Thiên Chúa trên tất cả, sẽ được tất cả” không? Đâu là quan điểm của bạn?

3/. Liệu con người có thể từ bỏ chính mình được không? Tại sao?

 CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- C

ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ CHÚA- Lm. Micae Võ Thành Nhân

Theo tường thuật của thánh sử Luca trong bài Tin Mừng hôm nay: “ Có rất nhiều đám đông đi theo Chúa “. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy Chúa như là một người Mục Tử. Chúa đi trước để Chúa dẫn đoàn chiên của Chúa theo sau: “ Vì chính Người là Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, Đấng đã dựng nên chúng ta. Còn chúng ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt “ ( Tv 95, 7 ). Và rồi “ Chúa ngoảnh mặt lại “, nghĩa là Chúa yêu thương, Chúa quan tâm đến số phận của tất cả những người theo Chúa. Những người theo Chúa đông đảo đây dường như  họ theo Chúa vì cảm tính. Bởi họ thấy Chúa làm được rất nhiều phép lạ như là cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phong hủi được lành sạch, người bị bệnh được mạnh khỏe, kẻ chết được sống lại, người bị quỷ ám được khỏi, và Tin Mừng Chúa rao giảng thật hấp dẫn: “ Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư “ ( Mc 1, 22 ). Và vì cảm tính cho nên mục đích theo Chúa của họ lúc này chưa rõ ràng, chưa chắc chắn. Do đó, Chúa mới ngoảnh mặt lại để nói với đoàn người đông đảo này xác tín lại mục đích theo Chúa, nếu có sai thì hãy sửa lại cho phù hợp với thánh ý Chúa mà được hạnh phúc đời sau và đời này. Giả sử Chúa không ngoảnh mặt lại nói với họ thì họ sẽ dễ bỏ Chúa khi họ gặp những gian nan thử thách trong cuộc sống.

       Chúa nói: “ Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta “ ( Lc 14, 26 – 27 ). Và cuối bài Tin Mừng, Chúa lại nói tiếp: “ Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta “ ( Lc 14, 33 ).

       Như vậy, Chúa nói với đoàn người ngày xưa và chúng ta ngày hôm nay là một khi chúng ta theo Chúa, chúng ta trở thành con cái của Chúa, trở thành môn đệ của Chúa thì chúng ta phải đặt Chúa lên trên tất cả mọi sự, lên trên mọi thứ tình cảm nhân thế, lên trên tất cả của cải vật chất tiền tài, danh vọng, chức quyền, địa vị….ngay cả mạng sống là điều quý giá nhất của chúng ta, vì mỗi người chúng ta chỉ có một lần sinh ra đời, một lần để sống trên cõi dương gian, và một lần chết đi chứ không có lần thứ hai mà Chúa còn nói chúng ta khi cần là phải hy sinh luôn thì mới xứng đáng là môn đệ Chúa thì quả là Chúa muốn chúng ta phải tôn Chúa lên trên hết mọi sự và yêu Chúa trên hết mọi sự.

       Đồng thời, Chúa còn cho chúng ta thấy theo Chúa không phải để được vinh hoa phú quý chức trọng quyền cao, mà là theo Chúa thì phải dấn thân, phải vác thập gía mình hàng ngày mà theo Chúa. Thập giá đó là: bệnh hoạn tật nguyền, khổ đau, túng nghèo, cơ cực, bị bỏ rơi, bị chà đạp, bị coi thường khinh bỉ, bị thất bại…

       Chúng ta theo Chúa, chúng ta từ bỏ tất cả mọi sự, chúng ta vác thập giá hàng ngày của mình mà theo Chúa. Điều này không dễ dàng thực hiện chút nào đâu, vì có rất nhiều người đã bỏ cuộc giữa đường, không trung thành được với Chúa. Do đó, Chúa nói với chúng ta hãy khôn ngoan tính toán cho rõ ràng, cụ thể. Việc theo Chúa là việc tâm linh, là việc của linh hồn, vì như trong bài đọc một được trích từ sách Khôn Ngoan ( Kng 9, 13 – 19 ), Chúa nói những việc ở dưới đất, những việc trước mắt của chúng ta mà chúng ta còn chưa tính toán ra được thì làm sao chúng ta lại có thể hiểu được những việc thiêng liêng khi mà chúng ta không thấy, không đụng chạm tới được. Do đó, chúng ta phải giống như những người Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay; chúng ta như người đang tính toán xây ngôi nhà, đang tính toán đem quân đi giao chiến…Chúng ta biết khả năng của chúng ta có giới hạn. Chúng ta không đủ sức tự mình trung thành theo Chúa được vì chúng ta là loài hay chết. Cho nên chúng ta cần tựa nương vào Chúa trong mọi sự, để cho Chúa sửa lại mọi suy nghĩ của chúng ta cho thẳng ngay để chúng ta mới trung thành vác thập giá theo Chúa mỗi ngày.

       Khi chúng ta bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa, chúng ta phải hy sinh từ bỏ những gì nghịch với Lời Chúa, đó là chúng ta đã vác thập giá theo Chúa rồi. Ông Philêmon trong bài đọc hai hôm nay nghe lời khuyên của thánh Phaolô mà tiếp nhận lại Ônêsimô, một người nô lệ, phạm tội ăn cắp của ông. Để nghe lời khuyên của thánh Phaolô, ông phải bỏ ý riêng là không trừng phạt, không loại trừ Ônêsimô mà còn tiếp nhận Ônêsimô như một người anh em rất thân mến của mình.

       Lạy Chúa, phận làm người là chúng con phải đối diện với những gian nan, thử thách, khổ đau, cơ hàn, trái ý cực lòng…nhờ Lời Chúa dạy mà chúng con biết được đó là những thập giá để chúng con vác theo Chúa mỗi ngày. Xin Chúa giúp chúng con biết đặt Chúa lên trên tất cả mọi sự ở trần gian này. Xin Chúa ban sức mạnh nội tâm để chúng con trung thành vác thập giá hàng ngày bước theo Chúa. Xin Chúa cho chúng con được chia sẻ hạnh phúc vinh quang phục sinh với Chúa sau này. Xin Chúa sửa lại những ý nghĩ tiêu cực khi mà chúng con sống theo lời Chúa dạy hôm nay. Amen.

CHÚA NHẬT  XXIII THƯỜNG NIÊN-C

TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Đạo Đức Chúa Trời có 10 điều răn, nhưng  3 giới răn đầu dành cho việc thờ phượng kính mến Chúa, còn 7 giới răn sau Chúa dành cho việc đối xử với tha nhân. Và giới răn đầu tiên trong 7 giới răn là thảo kính cha mẹ.

 Rồi ngay từ xa xưa sách Huấn ca có viết: “Ai trọng kính cha sẽ được xoá bỏ lỗi lầm; ai thảo kính mẹ thì như người tích trữ kho báu trên trời” (Hc 3,3-4).

Trong thư Êphêsô thánh Phaolô tông đồ có nhắn nhủ: “Đạo làm con phải thảo hiếu với cha với mẹ, đó là điều răn Chúa kèm theo lời hứa” (Êp 6, 1-2).

Và theo truyền thống Á đông, đạo hiếu luôn được đặt lên hàng đầu, tội lớn nhất là tội bất hiếu. Thế mà Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta:“Ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta được”. Như vậy lời Chúa dạy có nghịch lý không?

Thực ra, vì ngôn ngữ Do thái không có kiểu so sánh hơn kém, nhiều hơn, ít hơn, như ngôn ngữ Việt Nam chúng ta, nên khi cần diễn tả hơn kém, thì họ dùng văn tự đối ngẫu “yêu và bỏ”. Vì thế, chúng ta có thể diễn tả theo ngôn ngữ Việt Nam thế này “Ai đến với Ta, mà không yêu Ta hơn cha mẹ, hơn vợ con, hơn anh chị em và ngay cả mạng sống mình, thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”.

Có nghĩa là ý Chúa muốn nói: Nếu ai muốn làm môn đệ Chúa, thì phải đặt Chúa ưu tiên trên hết mọi sự, Chúa là quan trọng đối với chúng ta. Mà nếu Chúa quan trọng, thì Lời Chúa quan trọng, thánh ý Chúa quan trọng…

Nếu Chúa quan trọng, thì sáng sớm khi mở mắt thức dậy, người mà anh chị em nhớ  đầu tiên là ai, có phải là Chúa không?

Việc chúng ta lo lắng, tìm kiếm đầu tiên có phải là Nước trời không? Vì Chúa đã nói: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác Chúa thêm cho sau” (Mt 6,33).

 Và cuối ngày trước khi chúng ta ngã lưng nằm xuống nghỉ đêm, người chúng ta nhớ đến cuối cùng có phải là Chúa không?

Anh chị em thân mến,

Trước khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ mình để đi theo Chúa thì Ngài đã từ bỏ trước rồi.

          Ngài từ bỏ trời cao xuống đất thấp để ở với chúng ta. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa hạ mình xuống làm người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Sự từ bỏ được thể hiện rõ nét qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của nhân loại và tự nguyện chết thay cho loài người. Hơn thế nữa, Chúa còn từ bỏ bản thân, trở nên lương thực thần linh nuôi sống linh hồn chúng ta. Hành vi cao cả nhất là Chúa đã từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá.

Theo gương Chúa, có nhiều người sống từ bỏ, có nhiều người đặt Chúa ưu tiên trên hết mọi sự. Chẳng hạn như Mẹ Maria đã từ bỏ ý riêng thưa lời xin vâng sống theo thánh ý Chúa.

Các môn đệ năm xưa đáp lại tiếng Chúa mời gọi, họ dám từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống mình để đi theo Chúa.

Các nhà truyền giáo dám từ bỏ gia đình, quê hương xứ sở, để ra đi đem Tin mừng cứu độ đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Các thánh tử đạo dám từ bỏ mạng sống để làm chứng cho đức tin.

 Thế thì, khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã tuyên xưng từ bỏ ma quỉ; từ bỏ những gì không phải là Thiên Chúa, để trở thành con Chúa.

Thế nhưng, dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, nhìn lại đời sống đạo, chúng ta có thực sự dám từ bỏ ý riêng để sống  theo thánh ý Chúa không?

 Chúng ta có can đảm từ bỏ đời sống đen tối để sống như con cái ánh sáng không?

Chúng ta có dám từ bỏ những ước muốn trái với lương tâm, những hành động gian tà, những đam mê bất chính không?

Chúa không những đòi hỏi chúng ta từ bỏ, mà Ngài còn đòi chúng ta vác thánh giá mỗi ngày đi theo Chúa nữa.

Trong anh chị em đây, có những người bị bệnh tật, đau khổ, làm ăn thất bại nợ nần chồng chất, con cái hư thân mất nết, những rủi ro trong đời sống… đó là những thánh giá mà Chúa đã an bài gửi đến để chúng ta vác đi theo Ngài.

Chúng ta cầu nguyện cho nhau, và xin Chúa thương xót nâng đỡ thêm sức mạnh thiêng liêng, giúp chúng ta bền vững theo Chúa mỗi ngày. Xin Ngài giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa dạy, là đặt Chúa ưu tiên trên hết mọi sự. Chúa luôn là quan trọng đối với chúng ta, có như thế chúng ta mới xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN- C

BÀI HỌC CHO NGƯỜI MÔN ĐỆ- Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 Vào thời Chúa Giêsu, các bậc thầy thường có những môn đệ hay các môn đệ theo thầy để học với thầy. Mục tiêu của việc theo thầy để học là để  trở nên giống như thầy, đầy hiểu biết và quyền năng như thầy. Bình thường, những người trẻ, khi bước vào đời, họ thường phải tìm thầy hay là tầm sư để học đạo, học võ thuật, hay học nghề nào mà họ yêu thích để chuẩn bị cho cuộc đời tương lai của họ. Đó là điều cần thiết trong cuộc đời, bởi vì như người đời thường nói: không thầy đố mày làm nên. Người ta cần phải học với thầy để được hướng dẫn một cách đầy đủ, chính xác nếu như muốn tinh thông thành thạo một nghề nghiệp nào đó.

Trong Tin mừng Luca, một chủ đề mà chúng ta gặp, đó là những giáo huấn mà Chúa Giêsu đưa ra cho những người muốn theo người trên hành trình đi lên Giêrusalem để thực sự là môn đệ của người. Hành trình đi Giêrusalem là hành trình quyết định. Chúa Giêsu thay đổi địa bàn rao giảng Tin mừng, người không tiếp tục rao giảng ở Galilê, mà quyết định đi lên Giêrusalem nơi mà người biết rằng người sẽ gặp nhiều khó khăn và đe dọa đến tính mạng của mình, nhưng người vẫn tiếp tục đi Giêrusalem với sự xác tín người sẽ làm chứng trọn vẹn cho Thiên Chúa ở nơi này, nhất là bằng cái chết thập giá. Giáo huấn này hướng đến đám đông dân chúng, và cũng là những điều kiện cần thiết căn bản và triệt để cho mọi người muốn làm người môn đệ của thầy Giêsu : phải  “ghét” những người thân thiết nhất của mình như cha mẹ, vợ con, anh em, ngay cả mạng sống của minh, đồng thời vác thập giá của mình mà theo người, thì mới có thể làm môn đệ của người. Thầy Giêsu không đưa ra một điều kiện ngoài tầm với của mỗi người, người đưa ra những điều kiện thật gần với mỗi người nhưng cũng thật triệt để. Chữ “ghét” mà Chúa Giêsu dùng ở đây không theo nghĩa thông thường, nhưng chỉ muốn nói là ai không đặt chính Chúa lên trên những tình cảm dành cho những người thân thương nhất của mình thì không thể xứng đáng làm môn đệ của người. Một loạt những mối liên hệ mà Chúa Giêsu nêu ra là những liên hệ ruột thịt thân thiết nhất. Bình thường ai cũng có những liên hệ quyến luyến đối với cha mẹ, vợ con, anh em. Nhưng Chúa Giêsu như thể đẩy môn đệ của mình về phía trước để chúng ta có được những tầm nhìn và quyết định mới. Đứng trước một vận mệnh quyết định là chính sự sống đời đời của mình, mỗi người phải có những chọn lựa quyết liệt. Những tình cảm dành cho cha mẹ vợ con anh em phải nhường bước cho chọn lựa làm môn đệ của thầy Giêsu bởi vì chọn lựa này là chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Chỉ có thể ưu tiên chọn lựa thầy Giêsu và con đường thập giá mà thầy đã đi mới có thể có được sự sống đời đời cho chính mình, ngược lại nếu chỉ biết giữ sự sống của mình hay ưu tiên lo lắng cho những người thân thì sẽ phải chết đời đời. Đây vừa là một từ bỏ quyết liệt, vừa là một tính toán và cân nhắc thận trọng của một người thực hiện một việc xây dựng công trình lớn, hay còn là chọn lựa sống chết của một nhà vua xuất quân giao chiến với quân thù. Cần phải chọn lựa và hành động khôn khéo, dám hy sinh để gìn giữ được danh giá nếu không muốn bị người khác chê cười và sự sống của mình nếu không muốn bị quân thù tiêu diệt.

  Chọn lựa của thầy Giêsu phải chăng là một chọn lựa không có nền tảng. Phải chăng thầy Giêsu dẫn đưa các môn đệ của mình đến một ảo tưởng thất bại. Truyền thống khôn ngoan vốn đã là một truyền thống suy tư của những người do thái. Theo truyền thống này, đã bắt đầu có nhận thức về sự bấp bênh của những tính toán con người. Con người có sự thông minh và tri thức, nhưng dù sao phải nhìn nhận là những suy tính của con người vẫn bấp bênh và không chắc chắn lý do là vì tinh thần con người bị lệ thuộc và chi phối bởi thân xác yếu đuối nặng nề. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa không ban khôn ngoan và Thánh Thần của Thiên Chúa, thì con người không thể hiểu thấu thánh ý Thiên Chúa mà sống đẹp lòng người được.

  Môn đệ thì phải theo thầy và ở với thầy, môn đệ còn phải học với thầy để trở nên giống như thầy. Mục tiêu của người môn đệ không phải chỉ là theo thầy trên cùng một con đường mà còn trở nên giống như thầy, chia sẻ cùng một vận mệnh thăng trầm vinh nhục để rồi cũng sẽ tham dự vào vinh quang với thầy. Những người môn đệ của thầy Giêsu không chỉ đến học một ít lý thuyết, nhưng họ thực sự được đào tạo để trở nên giống như thầy, tham dự trọn vẹn vào vận mệnh của Thầy Giêsu, để rồi thực sự được tham dự vào quyền năng và vinh quang của thầy. Học là người môn đệ của thầy Giêsu vì thế bao hàm việc từ bỏ cũng như suy nghĩ chọn lựa. Họ không phải chỉ là những người đi theo một cách ngây ngô, không hiểu biết, mà trái lại, họ phải là những người biết suy tính và chấp nhận trả giá cao cho sự chọn lựa này, ngay cả dám hy sinh tất cả, ngay đến cái chết. Ngược lại, thầy Giêsu của họ sẽ dẫn đưa họ đến sự sống đời đời. Thầy Giêsu đã dùng những lời giáo huấn với ngôn ngữ rất triệt để nhằm cho mỗi người suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận trong việc làm và chọn lựa của mình với ý chí vững mạnh xác tín.

Thầy Giêsu muốn huấn luyện những người muốn đi theo người cách thực sự và quyết liệt, người chỉ cho họ thấy những điều kiện thiết yếu nhất mà chính người đang thực hiện để hoàn tất sứ vụ của người: từ bỏ chính gia đình của mình, và sẵn sàng vác thập giá như chính người đã đón nhận cái chết hiến tế trên thập giá. Thầy Giêsu không thực hiện một con đường cứu độ nào khác như người ta hình dung. Lúc bấy giờ, khi cùng theo thầy Giêsu trên con đường đi Giêrusalem, nhiều môn đệ vẫn còn hình dung thầy Giêsu sẽ thực hiện một đường lối cứu thế bằng sức mạnh để chiến đấu chống lại chính quyền Rôma. Thầy Giêsu đã tỏ ra rất là mạnh mẽ đầy quyền năng trong những việc chữa lành cho những người bệnh tật, thậm chí những lần người làm phép lạ để hóa bánh nuôi năm ngàn người ăn no là những dấu chứng người ta hình dung người sẽ thực hiện một cuộc giải phóng dân tộc quyết liệt. Thế nhưng, thầy Giêsu lại đưa ra những điều kiện của một chuộc chiến đấu nội tâm chống lại những cản trở từ trong chính nội tâm của mỗi người. Đây là một chọn lựa bởi khôn ngoan và Thánh Thần Thiên Chúa, vượt lên trên những tầm nhìn hẹp hòi thiển cận của con người. Đây là chọn lựa sẽ dẫn đưa người đến sự sống vinh quang bởi vì theo sự hiểu biết của Thầy Giêsu, nếu người hiến thân chịu chết, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và người sẽ được phục sinh vì chính Chúa Cha sẽ phục sinh người vì người hằng làm theo thánh ý của Chúa Cha.

home Mục lục Lưu trữ