Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1355728

Muối Và Ánh Sáng Cho Đời

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI

 

I. TÌM HIỂU LỜI Chúa

1) Ý CHÍNH: MUỐI ƯỚP CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO THẾ GIAN

Đây là đoạn Tin Mừng tiếp theo bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, nhằm nói lên bản chất và sứ mệnh của người môn đệ trong xã hội trần thế. Bản chất việc tông đồ của họ là muối mặn ướp cho đời khỏi hư hỏng và là ánh sáng soi đường cho thế gian. Họ có sứ mệnh loan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Để chu toàn được sứ mệnh khó khăn này thì người môn đệ của Chúa phải trở thành thứ muối có chất mặn và là cây đèn cháy sáng được đặt lên đế đèn cao để có thể soi sáng mọi vật trong nhà. Nghĩa là họ phải sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su, để nhờ nếp sống tốt lành trổi vượt này, người đời sẽ được cảm hóa và đón nhận Tin Mừng do họ rao giảng.

2) CHÚ THÍCH:

- Chính anh em là muốn cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quãng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi (c. 13):

+ Muối cho đời: Muối là một thứ chất cần cho đời sống con người. Nó có tác dụng tẩy uế và sát trùng (x. Tl 9,45). Đức Giê-su muốn cho các môn đệ trở thành những người giữ cho xã hội khỏi hư hỏng tội lỗi, cũng giống như muối ướp thịt cá khỏi hư thối. Muối cũng làm cho đồ ăn được thơm ngon, là thứ gia vị cho mọi bữa ăn (x. Lv 2,13). Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải cải tạo xã hội loài người ngày một tốt đẹp hơn theo Thánh Ý Thiên Chúa, cũng như chất muối làm cho các món ăn thêm đậm đà ngon miệng.

+ Muối mà nhạt đi: Ở đây nói đến thứ muối bị biến chất, không còn vị mặn nữa. Nhưng thực ra muối nào mà chẳng mặn. Khi dùng kiểu nói này, Đức Giê-su muốn dạy rằng: Môn đệ nào không sống đúng vai trò muối mặn, là một môn đệ bị biến chất, không còn là môn đệ thực sự của Người nữa.

+ Nó đã thành vô dụng: Muối mà ra nhạt sẽ chẳng ích lợi gì, không được dùng dù chỉ là làm phân bón. Người môn đệ cũng vậy: một khi không sống Tám mối phúc, họ đánh mất sự cao quý của mình, và sẽ trở thành đồ hư vất bỏ và bị người đời khinh dể.

+ Chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi: Nhiều nơi có thói quen đổ các đồ phế thải ra đường. Đây là hình ảnh về số phận của người môn đệ biến chất sẽ bị người đời chà đạp khinh khi như vậy.

- Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được (c. 14):

+ Ánh sáng: Có đặc tính chiếu soi, xua đuổi bóng tối và làm cho người ta nhìn thấy mọi vật chung quanh.

+ Ánh sáng cho trần gian: Môn đệ là ánh sáng soi cho thế gian, phân biệt với Đức Giê-su chính là nguồn sáng như lời Người nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46), và: “Hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,36).

+ Một thành xây trên núi sẽ không tài nào che giấu được: Cũng vậy, ánh sáng là cái tự nhiên có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta. Đời sống người môn đệ Đức Ki-tô tất nhiên cũng ảnh hưởng tới người khác. Điều này không trái nghịch với lời cảnh giác các môn đệ Chúa phải tránh thói phô trương công đức như các người Pha-ri-sêu (x. Mt 6,1).

- Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà (c. 15):

+ Cái thùng: là một dụng cụ đo lường chừng 9 lít, đế thùng có ba hoặc bốn chân.

+ Câu “thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng”: cũng giống như câu “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (x. Mc 4,21).

- Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (c. 16).

+ Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi: Ở đây nhắc đến mục đích và cách thức làm việc tông đồ: Môn đệ sống tốt lành là để người ta ngợi khen Cha Trên Trời, chứ không để người ta ca tụng mình. Thánh Ky-sô-lô-gô (Chrysôlôgô) nói: “Nếu người Ki-tô hữu sống xứng danh Ki-tô hữu, thì sẽ không còn người ngoại giáo nữa!”.

II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA:

1) LỜI CHÚA: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (c. 16a).

2) CÂU CHUYỆN:

- GƯƠNG SÁNG PHỤC VỤ CỦA MỘT NỮ TU:

Gần đây một đoạn phim ngắn được chiếu trên đài truyền hình Pa-ri (Paris) nước Pháp: Đầu tiên người ta nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ một đôi bàn tay xinh xắn và nõn nà đang săn sóc một vết thương lở loét trông thật ghê sợ. Tiếp theo là cảnh một nữ tu bác ái đội voan chùm đầu đang phục vụ một người bị bệnh phong. Rồi đến cảnh một khán giả đang ngồi xem truyền hình nói với người bên cạnh: “Có cho tôi một ngàn phờ-răng, tôi cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm ấy!”. Cuối cùng là cảnh phóng viên hỏi chị nữ tu kia: “Xin hỏi chị phục vụ các bệnh nhân phong ở đây được bao lâu rồi?” Nữ tu trả lời: “Thưa được gần 20 năm”. Phóng viên hỏi tiếp: “Thế mỗi tháng chị nhận được thù lao bao nhiêu?” Nữ tu trả lời: “Thưa không có đồng nào cả!”. Câu hỏi tiếp: “Có người nói: Dù có cho họ một ngàn phờ-răng, họ cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm này. Vậy tại sao chị lại bằng lòng làm gần hai mươi năm?” Nữ tu trả lời: Tôi cũng vậy, có cho tôi một triệu phờ-răng tôi cũng không muốn làm. Nhưng chỉ vì lòng yêu mến Chúa Ki-tô mà những người bệnh này là hiện thân của Người, nên tôi sẵn sàng làm tất cả mà không đòi bất cứ thù lao nào hết!”.

- GƯƠNG SÁNG CỦA MỘT CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH:

Tại một trạm xe điện ngầm bên Nhật, có một bức tượng khá nổi tiếng, không phải tượng một nhân vật danh tiếng, nhưng là tượng một chú chó. Ai đi qua cũng chăm chú nhìn tượng con vật được tạc trong tư thế nằm ngước mắt nhìn về phía trước như đang đợi ai đó. Bức tượng này là hình ảnh của một chú chó mà câu chuyện về sự trung thành của nó đánh động lòng người như sau: Một công nhân Nhật có nuôi được một con chó khôn ngoan và trung thành. Nó luôn đi theo và quấn quít bên ông chủ. Ngày nào nó cũng tiễn đưa ông đi làm tại trạm xe điện ngầm gần nhà. Nó chờ cho chủ lên tàu đóng cửa lại rồi mới đủng đỉnh ra về. Chiều đến, nó lại xuất hiện đúng giờ xe điện về đến trạm, vẫy đuôi chào đón chủ và sau đó ngoan ngoãn đi theo ông về nhà. Ngày nào cũng vậy, sáng theo chủ đến bến, chiến đến bến đón chủ. Nhưng rồi một buổi chiều kia, người chủ của nó đã không trở về, vì ông đã bị tai nạn sập hầm mỏ và bị chết trong đó. Hôm ấy con chó như mọi lần đã đến trạm chờ chủ. Nhưng chờ đến chuyến xe cuối cùng mà không thấy chủ. Nó đành thất thểu ra về khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Hôm sau, trời vừa hừng sáng nó đã có mặt tại trạm xe điện và ngồi yên chờ chủ. Nhưng đến tối mịt không thấy ông, nó lại lui thủi trở về. Và ngày nào cũng vậy, con chó luôn có mặt và ra về đúng giờ dù không có ông chủ đi cùng. Chẳng ai thèm quan tâm để ý tới con vật đáng thương ấy, ngoại trừ ông xếp ga và mấy nhân viên phục vụ trong bến. Người ta thấy càng ngày con chó càng gầy đi. Ai cho đồ ăn, nó cũng chỉ ngửi qua và không ăn. Đôi mắt nó ngày một buồn hơn, và bước đi của nó cũng ngày một loạng choạng chậm chạp hơn. Nó thất vọng vì bị mất ông chủ thật rồi!

Vào một buổi sáng kia, tiết trời giá rét, bên cạnh dòng người mặc áo ấm chen chúc nhau lên tàu, người ta thấy con chó trắng đã nằm chết co quắp bên vệ đường từ bao giờ. Thương hại con vật trung thành, ông xếp và các nhân viên nhà ga xe điện đã chôn cất nó tử tế. Và để tưởng nhớ một con vật trung thành, người ta đã đúc một bức tượng của nó và đặt ngay nơi nó thường nằm mỗi khi đến đưa đón chủ.

- HAI CÁCH XỬ SỰ DẪN ĐẾN HAI KẾT CỤC TRÁI NGƯỢC NHAU:

Đức cha PHUN-TƠN SIN (Fulton Sheen) đã kể lại hai câu chuyện sau:

+ CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Tại một nhà thờ bên Nam Tư, một em lễ sinh đang giúp lễ cho cha già, đã vô tình đánh rơi làm bể lọ rượu. Ngay lúc đó, vị linh dục dù đang dâng lễ, nhưng đã không kềm nổi sự tức giận, đã thẳng tay đánh em một cái bạt tai té giập vào tường. Ông còn thét lên: “Đồ nhãi ranh, làm ăn như vậy hả? Mau cút ngay đi khuất mắt tao và nhớ đừng bao giờ vác mặt trở lại đây nữa nhé!” Cậu bé giúp lễ bị đánh rất tức giận cậu ta liền cởi ngay chiếc áo giúp lễ, rời khỏi nhà thờ và thề quyết sẽ không bao giờ thèm đặt chân vào nhà thờ nữa. Từ ngày đó, cậu ta trở thành kẻ thù của Giáo Hội. Về sau khi đã trở thành một người quyền hành lớn lao, ông ta ra sức gây khó dễ và muốn tiêu diệt Giáo Hội. Kẻ đó không ai khác hơn là thống chế Ti-tô, một thời cai trị nước Nam Tư cũ.

+ CÂU CHUYỆN THỨ HAI: Đức cha Phun-tơn tiếp tục kể câu chuyện về mình như sau: “Tôi còn nhớ rõ là hồi còn nhỏ, tôi đã ước muốn được giúp lễ phục vụ bàn thờ khi cha dâng lễ. Năm lên bảy tuổi, mẹ tôi là một người đàn bà rất có lòng đạo. Bà đã dẫn tôi đến gặp đức Tổng giám mục giáo phận để xin cho tôi được vào ban lễ sinh giúp lễ tại nhà thờ. Một hôm, đến phiên tôi lần đầu tiên được giúp lễ. Vì lần đầu làm công việc này, nên tôi cảm thấy lóng ngóng và lỡ tay làm rớt bình đựng rượu xuống nền cung thánh nhà thờ bể tan thành từng mảnh nhỏ. Ngay lúc đó tôi rất xấu hổ và sợ hãi, vì bọn giúp lễ chúng tôi kháo nhau rằng: Đức Tổng giám mục là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng biết tôi làm bể lọ rượu, mà ngài vẫn không mảy may phản ứng và cứ tiếp tục dâng thánh lễ như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi thánh lễ kết thúc và cởi áo lễ xong, ngài gọi tôi đến gần. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe ngài quở mắng vì tội bất cẩn làm bể lọ rượu của mình. Nhưng sự thể lại diễn ra trái với sự tưởng tượng của tôi. Đức cha thân mật đặt bàn tay lên vai tôi rồi âu yếm nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi: “Này con, lớn lên con có muốn đi tu và vào đại học không? Con có bao giờ nghe nói về đại học Lu-vanh (Louvain) chưa?” Tôi đáp: “Thưa đức cha chưa ạ”. Ngài nói tiếp: “Con hãy về nhà thưa với mẹ con rằng: Đức cha bảo lớn lên con sẽ đi tu và sẽ vào học tại đai học Lu-vanh nhé”. Từ ngày đó, tôi cố gắng chăm chỉ học hành và mỗi năm đều đạt thứ hạng cao. Khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, được cha mẹ đồng ý, tôi đã tự động đến gặp đức cha để xin ngài cho tôi được dâng mình cho Chúa và được vào chủng viện học làm linh mục. Vì là học sinh xuất sắc, tôi được đức cha cấp học bổng để vào đại học Lu-vanh là đại học rất danh tiếng thời đó. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp đại học với hạnh ưu và được thụ phong linh mục, rồi một thời gian sau đó thành giám mục. Nghĩ lại cuộc đời của mình, tôi thấy phải cám ơn Chúa đã thương cho tôi có được cha mẹ thật tuyệt vời, đã yêu thương và nuôi nấng dạy dỗ tôi nên người. Nhưng người tiếp theo tôi phải đặc biệt nhớ chính là Đức Tổng giám mục giáo phận. Ngài là người khoan dung độ lượng: đã không la mắng khi tôi sai lỗi mà đã thay Chúa để kêu gọi tôi theo Chúa ngay từ khi mới được 7 tuổi. Cũng nhờ lòng khoan dung và sự quan tâm ưu ái của ngài, mà tôi mới có được như ngày hôm nay.

3) SUY NIỆM:

- ANH EM LÀ MUỐN ƯỚP CHO ĐỜI:

“Thế nào là một Ki-tô hữu?”. Lời Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay là câu trả lời chính xác nhất: Ki-tô hữu là người gắn liền với xã hội, hòa mình với mọi người, giống như muối thấm vào thức ăn, để giữ cho khỏi hư hỏng và thêm đậm đà ngon miệng. Vị mặn là bản chất của muối. Nếu muối không còn chất mặn và bị nhạt đi thì sẽ không còn thực sự là muối nữa. Một khi người môn đệ đánh mất bản chất, không còn sống theo Tám Mối Phúc Thật, thì muối của họ đã bị biến chất, họ sẽ không còn giá trị gì nữa, và sẽ bị người đời khinh dể giống như muối mất vị mặn sẽ bị quăng ra đường cho người ta chà đạp lên.

- ANH EM LÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN:

Đây là định nghĩa thứ hai quan trọng của người Ki-tô hữu. Vì chỉ có Đức Giê-su mới dám tự nhận: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Đức Giê-su hôm nay cũng đòi các môn đệ của Người phải trở nên ánh sáng thế gian, vì họ được ở gần Người là ánh sáng thật.

- THỰC TRẠNG THẾ GIỚI HÔM NAY:

Nhiều người tín hữu chúng ta thường hay phàn nàn rằng: xã hội ngày một suy đồi xuống cấp. Nhưng chúng ta ít ai dám nhận phần trách nhiệm về sự xuống cấp suy đồi đó. Thực vậy: Xã hội suy đồi có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có phần lỗi của chúng ta: Vì chúng ta là muối nhưng bị ra nhạt, đã bị biến chất, nên chúng ta đã không còn đủ sức để làm cho thế giới này nên tốt hơn. Vì cây đèn đức tin của chúng ta đã cạn dầu và không còn cháy sáng, nên thế giới mới trở nên tối tăm tội lỗi. Chúng ta cần ý thức về sự xuống cấp của bản thân mình, để khiêm tốn cầu xin Chúa Giê-su ướp cho mặn lại. Ngọn đèn đức tin của chúng ta cần được đổ thêm dầu ân sủng nhờ năng chịu các phép bí tích.

Hiện nay vẫn có nhiều người tín hữu tuy có khả năng ướp mặn tha nhân, có đủ sức chiếu ánh sáng của Chúa, nhưng họ không dám dấn thân vào đời vì sợ gặp nguy hiểm. Cần có nhiều người công giáo trở thành những văn nghệ sĩ ưu tú của xã hội. Cuộc đời chúng ta phải tỏa sáng qua những việc tốt đẹp chúng ta làm phục vụ Chúa, cụ thể nơi những người nghèo khó, đang bị khinh dể và bị bỏ rơi.

4) THẢO LUẬN: 1) Trong lịch sử Việt Nam, bạn có biết những nhân vật người công giáo nào đã để lại những công trình ích quốc lợi dân, làm rạng danh Thiên Chúa trước mặt đồng bào Việt Nam lương dân hay không? Cụ thể: Đức cha A-lếch-xăng đờ Rốt đã để lại công trình nào? Ông Nguyễn Trường Tộ đã làm gì? Hàn Mặc Tử đã làm gì? 2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để chiếu soi ánh sáng của Chúa cho đồng bào Việt Nam chưa nhận biết Chúa?

III. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1) LẠY CHÚA GIÊ-SU, Chúa đã ban cho chúng con mặt trời chiếu sáng ban ngày và mặt trăng soi chiếu ban đêm. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con trở thành ánh sáng thế gian. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm phải chu toàn. Xin cho chúng con luôn có ánh sáng của Chúa trong lòng, để đi đến đâu chúng con sẽ đẩy lùi bóng tối là tội lỗi, bất công và thù hận đến đó. Xin giúp chúng con luôn giữ gìn ngọn lửa cháy sáng trong tim, và luôn đi theo con đường Chúa soi dẫn trong mọi phút giây cuộc sống. Ước gì chúng con đừng ngồi đó mà nguyền rủi bóng tối, nhưng biết dấn thân thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương trong cuộc đời mình, để cả thế giới này đều tràn ngập ánh sáng tin yêu của Chúa.

LẠY CHÚA GIÊ-SU, thật là hân hạnh cho chúng con, khi được kế thừa sứ vụ cao cả của Chúa là làm tươi lại bộ mặt trái đất, làm sáng lên và tiêu trừ sự u tối tội lỗi của nhân loại. Nhiều người tín hữu đi trước đã làm được những việc tốt đẹp, khiến cho người đời ca ngợi đạo Chúa. Thế nhưng bên cạnh đó, không thiếu những người đồng bào của chúng con đã làm cho muốn đức tin ra lạt, làm lu mờ ánh sáng tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết thực thi lời dạy của Chúa. Xin cho chúng con biết thực thi lời dạy của Chúa để xứng đáng trở nên những môn đệ đích thực, nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tôn thờ Chúa và cùng được hạnh phúc thiên đàng đời sau với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

2) LẠY MẸ MA-RI-A, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã dạy các tín hữu chúng con phải là muối mặn và là ánh sáng chiếu soi giúp người đời nhận biết ca ngợi Chúa. Trong thực tế, xin Mẹ giúp con trở thành muối ướp cho bạn bè khỏi hư hỏng, và tích cực giúp họ bằng sự khuyên bảo thân tình và bằng những phương thế phù hợp với khả năng bé nhỏ của con. Xin cho con luôn quên mình phục vụ để trở thành muối men cho đời, thành ánh sáng chiếu soi trần gian. Xin cho các bậc mẹ biết nêu gương sáng về sự công chính và hòa thuận, khiêm tốn và đạo đức để thánh hóa con cái của mình. Xin Mẹ giúp con tìm thấy niềm vui khi sẵn sàng hiến thân phục vụ Chúa trong anh em nghèo khổ chung quanh con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

home Mục lục Lưu trữ