Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 86

Tổng truy cập: 1358111

Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá Mà Thành Bữa Đại Tiệc

Cập nhật : 29-07-2011
 
NĂM CHIẾC BÁNH & HAI CON CÁ MÀ THÀNH BỮA ĐẠI TIỆC !

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Vào khoảng đầu mùa hè 1998 tôi nhận được tập sách nhỏ “NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ“ của Đức Cố Hồng Y (lúc này ngài mới là Tổng Giám Mục) FX Nguyễn Văn Thuận. Tôi đã đọc một mạch từ chữ đầu cho đến chữ cuối cùng và đọc ngấu nghiến như người đói gặp được mâm cơm và đọc đi đọc lại nhiều lần. Lý do thứ nhất là vì tác gỉa là vị Tổng Giám Mục mà tôi rất ngưỡng mộ, kính mến và chịu ơn rất nhiều cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Lý do thứ hai là cuốn sách viết hay quá khiến tôi không cầm được nước mắt. Dù rất quý mến tập sách nhỏ ấy, tôi cũng đã để lại cho anh em bạn bè để họ photocopy mà tặng cho nhiều người khác đọc, trước khi tôi đi Roma. Khi gặp Đức Tổng Giám Mục FX Nguyễn Văn Thuận vào đúng lúc ngài vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình thay thế Đức Hồng Y Etchegaray, tôi đã kể lại những chuyện nhỏ ấy cho ngài nghe. Đức Tổng Thuận đã cho tôi nhiều sách của ngài và của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình để vừa bù vừa thưởng cho tôi. Năm chiếc bánh và hai con cá chính là câu chuyện của Phúc Am Chúa nhật XVIII Thường niên năm A hôm nay. Tôi chẳng muốn viết gì nữa khi hầu hết chúng ta đều đã đọc tác phẩm nổi danh trên. Thế nhưng, các bạn cho phép tôi làm phận sự của mình chứ?

II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM

2.1 Lắng nghe Lời Chúa: Mt 14, 13-21: Đức Giê su hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất

“Nghe tin ấy (tin Gioan Tẩy Gỉa bị chém đầu) Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giêsu bảo họ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.“ Các ông đáp: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!” Rồi sau đó Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

2.2 Trong đoạn Tin Mừng Mt 14, 13-21 trên, chúng ta khám phá Chúa Giêsu là Ai?

Là một tường thuật bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rất rõ Đức Giêsu là Ai và muốn dạy chúng ta điều gì.

(1o) Trước hết cũng như trong bài Phúc âm Chúa nhật XV/TNA chúng ta thấy Đức Giêsu là Người rao giảng rất ăn khách. Chỉ cần nghe biết Người dừng chân ở đâu là dân chúng ùn ùn kéo tới để gặp và nghe Người. Như vậy thì lời rao giảng của Người đáp ứng đúng nhu cầu và khát vọng thâm sâu của rất nhiều người đương thời.

(2o) Kế đến chúng ta thấy Đức Giêsu là Đấng rất khôn ngoan trong khi thi hành sứ vụ. Khi được tin Gioan Tiền Hô (Tẩy Giả) bị vua Hêrôđê giết hại, Đức Giêsu “đã lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một nơi thanh vắng riêng biệt.” Mátthêu không cho biết tại sao Đức Giêsu lại làm như thế. Có phải vì Người sợ bị vua Hêrôđê tìm cách bắt giữ và sát hại không? Hay vì là GIỜ của Người chưa tới? Dựa vào cách hành xử của Đức Giêsu và vào nhiều đoạn văn Phúc Am khác thì có lẽ lý do thứ hai dễ chấp nhận hơn là lý do thứ nhất.

(3o) Hơn nữa chúng ta thấy Đức Giêsu là Đấng có một tâm hồn rất nhạy cảm, đầy tinh tế và yêu thương đối với dân chúng. “Chạnh lòng thương” là phản ứng thường xuyên của Đức Giêsu trước nhu cầu vật chất, tinh thần, tâm linh của con người, nhất là những người gặp cảnh thiếu thốn, khốn khổ.

(4o) Rồi chúng ta còn thấy Đức Giêsu là Nhà Giáo Dục Cách Mạng và Táo Bạo Bất Ngờ: Khi các môn đệ chỉ có thể nghĩ ra được và thích chọn một giải pháp dễ dàng và quen thuộc nhất -là để cho dân chúng tự lo lấy bữa ăn -, thì Đức Giêsu lại đề nghị một biện pháp bất ngờ và khó thực hiện nhất: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.“

(5o) Sau cùng chúng ta thấy Đức Giêsu là Người rất thực tế: Tình yêu thương của Người không dừng lại ở tình cảm xuông mà được thể hiện một cách hết sức cụ thể và thiết thực, để ai nấy được no nê.

2.3 Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng Mt 14, 13-21 dạy chúng ta điều gì?

(1o) Trước hết Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rõ thêm về Chúa Giêsu: con người, tâm hồn, lòng yêu thương, sự tinh tế và cách hành động của Người với năm đặc điểm mà chúng ta vừa khám phá ở trên. Và một khi đã biết rõ thêm về Chúa Giêsu thì đương nhiên chúng ta được mời gọi tăng thêm lòng ngưỡng mộ, tâm tình kính mến và hành động noi theo bắt chước Người nhiều hơn.

(2o) Kế đến Lời Chúa hôm nay dậy chúng ta biết rằng phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn đàn ông và số phụ nữ và trẻ em đông hơn, vừa là dấu chỉ Nước Trời hiện diện vừa là dấu báo hiệu Bí Tích Thánh Thể trong đó, Chúa Giêsu không còn lấy bánh nuôi dân mà lấy chính Thịt Máu mình mà nuôi chúng ta.

(3o) Sau cùng Lời Chúa hôm nay còn dạy chúng ta phải biết góp phần của mình vào trong công trình của Thiên Chúa. Không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của ai đó trong đám đông thì Chúa Giêsu vẫn có thể thực hiện phép lạ để có nhiều bánh và nhiều cá. Nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn các môn đệ và dân chúng góp phần nhỏ bé của mình vào công trình vĩ đại của Người.

III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

(1o) Lời Chúa hôm nay cho tôi thấy rõ hơn nữa chân dung và tấm lòng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Trong tuần lễ này, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn bình thường để chiêm ngắm, ngưỡng mộ, yêu mến, lắng nghe (đọc Phúc âm, nhất là đọc lại Bài Phúc âm này), trao đổi tâm tình với Chúa Giêsu Kitô.

(2o) Lời Chúa hôm nay dạy cho tôi biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Thể trong đời sống cá nhân và cộng đoàn. Trong tuần lễ này tôi sẽ kiểm điểm lại xem tôi xem trọng Thánh Lễ và Mình Máu Chúa như thế nào!

(3o) Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi góp phần mình vào công trình Sáng Tạo & Cứu độ của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và của Giáo hội. Giáo hội ngày nay được định nghĩa là Cộng đoàn Dân Chúa mà trong đó mọi người có phần và phải góp phần (Participatory Church). Trong tuần lễ này, tôi sẽ nhìn lại xem tôi có phần không? và tôi góp phần như thế nào vào hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, giáo hội toàn cầu?

IV. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng Phục Sinh hiện diện khắp mọi nơi, trên các Bàn Thờ và trong các Nhà Tạm trên toàn thế giới, con xin dâng lời ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Chúa về những điều bài Phúc Am “năm chiếc bánh và hai con cá“ gợi lên và soi sáng cho con hôm nay. Con nghĩ con phải sống những điều ấy không chỉ trong tuần lễ này mà trong suốt cả Năm Thánh Thể 2005!

Con quyết tâm tăng cường đời sống nội tâm nối kết thân mặt hơn với Chúa bằng cách năng đọc và học hỏi Phúc Am, cầu nguyện, trao đổi tâm tình và học tập cách Chúa sống.

Con cũng quyết tâm tích cực góp phần nhỏ bé của con -tài năng, tiền của, thời gian- vào các việc chung của cộng đoàn Giáo hội và cộng đồng xã hội trong đó con sống, để Chúa thực hiện những công trình vĩ đại cho mọi người được sống và sống dồi dào. Amen.

Gs. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ