Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1357345

NẾU HẠT LÚA CHẾT ĐI, NÓ MỚI SINH NHIỀU HẠT KHÁC

NẾU HẠT LÚA CHẾT ĐI, NÓ MỚI SINH NHIỀU HẠT KHÁC

 

Vào dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu lên Đền thờ mừng lễ. Dân chúng rước Ngài long trọng và tung hô Ngài là Đấng Mêsia. Có mấy người Hy Lạp tòng giáo cũng đi dự lễ, họ ngỏ ý muốn gặp Ngài. Họ nói với Philipphê. Ông này bối rối không biết nghĩ sao, đến nói với Anrê. Cả hai cùng đến với Chúa và trình bày cho Ngài biết ý định của mấy người Hy Lạp.

Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng nói lên những lời mang nhiều ẩn ý. Vừa như độc thoại vừa nói với các môn đệ: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. “Đến giờ” là giờ nào?

Trong Tin Mừng Gioan từ giờ được nói đi nói lại nhiều lần. Từ này chỉ có nghĩa chung chung, là lúc chương trình của Chúa Cha được thực hiện. Chúa Giêsu không bao giờ làm gì theo ý Ngài, chính Ngài cũng đã xác nhận như thế. Ngài đến trong trần gian là thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha vì “ý Cha là muốn cứu rỗi mọi người”. Giờ của Ngài chính là giai đoạn mà Chúa Cha đã ấn định. Chỉ một lần, Ngài đi trước ý Cha khi Ngài chấp nhận theo yêu cầu của Mẹ Ngài trong tiệc cưới Cana. Vâng lời Mẹ cũng như vâng lời Cha, vì Mẹ cũng có quyền.

Nhiều lần người Do Thái muốn bắt Ngài, nhưng vẫn không thể được vì “giờ Ngài chưa đến”. Giờ của Ngài cũng là lúc chấp nhận chịu treo trên thập giá và cũng là lúc phục sinh vinh hiển.

Trong giây phút này, lúc những người Hy Lạp đến xin gặp Ngài, Chúa lại tuyên bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Có liên hệ gì với những người Hy Lạp này?

Được tôn vinh có nghĩa là được những dân tộc khác biết đến. Tôn vinh không thể hiểu theo nghĩa trần thế mà theo viễn tượng của Thiên Chúa. Những người ngoại được hưởng ơn cứu độ như người Do Thái. Họ đang khao khát và họ được no đầy. Họ muốn gặp Ngài và gặp Ngài là gặp Đấng cứu độ. Tôn vinh chính là hồng ân cứu độ được lan tràn cho mọi người, kể cả những người ở xa.

Nhưng Chúa Giêsu đi xa hơn khi nói đến hạt lúa mì chết đi để sinh bông hạt. Ngài chính là hạt lúa mì được gieo vào luống cày đẫm máu của nhân loại. Tôn vinh chính là chết đi để sống lại, để sinh nhiều bông hạt. Tôn vinh chính là chấp nhận theo ý Cha đến tận cùng, là tình yêu đã nên trọn vẹn. Ngài chấp nhận chết đi cho mọi người, đó là cách Ngài tôn vinh Cha Ngài, là cho mọi người biết Chúa Cha đã yêu thương trần gian như thế nào.

Và đây chính là định luật của tình yêu. Mọi người đều được mời gọi đi vào tình yêu hiến dâng đó: “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được nó cho sự sống đời đời”. Chúng ta xem sự chết như một mất mát lớn, vì chúng ta bám vào sự sống như một sở hữu vô giá. Chúa Giêsu ngược lại, Ngài xem cái chết như một hiến tế, như một cử chỉ yêu thương tột đỉnh. Còn chúng ta lại ngại nói đến cái chết, chúng ta sợ chết. Chúa Giêsu không coi trần gian này như một tài nguyên quí giá mà là dụng cụ của tình yêu. Ngài xem mình như hạt lúa thôi, được gieo vào trần gian, lệ thuộc vào trần gian, vào những mùa màng của nhân loại, của các nền văn minh và chờ ngày lúa chín. Ngài chấp nhận những mùa đông của lịch sử và đợi mùa xuân để phục sinh.

Ngài mời gọi chúng ta đi vào lối bước của Ngài: “Ai phục vụ Thầy, hãy theo Thầy”. Theo Thầy, mục nát với Thầy để cùng Thầy mang lại hoa trái.

Ngài chấp nhận tất cả và biết rõ tất cả. Nhưng làm sao khỏi xao xuyến khi Ngài mang lấy xác thịt như chúng ta: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Một lời thật não nuột! Tiếng kêu thương của một con người yếu đuối đứng trước gánh nặng của vâng phục, nhưng đầy yêu: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Tiếng than thở như một lời cầu cứu. Một ngày nào đây, Ngài cũng nói lại như thế: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này”. Nhưng sau cùng vẫn là vâng phục: “Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. ““Nhưng không theo ý con mà theo ý Cha”. Tất cả tình yêu của Chúa Con được chứa đựng trong một vài câu ngắn ngủi này. Và hơn nữa: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Tôn vinh Danh Cha bằng sự vâng phục trọn vẹn của con. Tôn vinh Danh Cha bằng cách chịu giương cao lên khỏi mặt đất. Vì lúc ấy, con sẽ kéo mọi người lên với con”. Đó là ý muốn của Cha. Đó là tình yêu của Cha đối với trần gian, đã ban người Con Một.

Trong giờ phút ấy, cái chết ô nhục đã hiện rõ trong tâm trí của Ngài. Mọi sự đã được quyết định và sự vâng phục đã trở nên như một dấu hiệu tình yêu không phai tàn. Chính trong cái chết ô nhục mà “thủ lãnh thế gian này bị tống ra ngoài”. Đây chính là cuộc chiến thắng vẻ vang làm vinh danh Chúa Cha. Chính Cha đã xác nhận bằng một tiếng nói bởi trời: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” Thập giá ô nhục kia trở thành vinh quang vì sự vâng phục đầy yêu thương của Chúa Con.

Chúng ta cũng phải đi vào con đường thập giá mới chiến thắng sự dữ và tội lỗi. Thập giá mới là vũ khí hữu hiệu nhất để diệt trừ thủ lãnh thế gian. Tự nhiên chúng ta không thể dễ dàng chấp nhận thập giá. Chúng ta bám ghì vào thế gian, vào cuộc sống nhàn hạ dễ dàng. Chúng ta muốn hưởng thụ hơn là hy sinh.

Chúng ta có muốn gặp Chúa như những người Hy Lạp kia không? Hay chúng ta lại tránh né, sợ Ngài đòi hỏi chúng ta hy sinh? Hay chúng ta đã quá quen với Ngài rồi, Ngài không còn hấp dẫn nữa? Thế gian với những sự sung sướng của nó hấp dẫn hơn?

Chúng ta đã tin Ngài rồi, đã được gần gũi với Ngài nhiều rồi, cây thập giá của Ngài không còn gây sự chú ý nữa. Mấy người đã nhìn đó như dấu hiệu tình yêu tuyệt hảo, tình yêu dám liều mạng vì bạn hữu? Mấy người dám tôn vinh Ngài như Ngài đã tôn vinh Chúa Cha bằng chính sự vâng phục tuyệt đối của Ngài?

Chúng ta sắp bước vào Tuần thánh là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu mà cũng là cực kỳ quan trọng đối với chúng ta là những người đã nhìn lên Đấng được giương cao, vì nơi Ngài, chúng ta được cứu chuộc, được chữa lành, được trở thành con của Chúa Cha. Hãy nghe tiếng mời gọi của Ngài, hãy theo Ngài đến nơi Ngài chịu giương cao, cùng với Mẹ Maria thông phần vào đau khổ của Ngài để được sống lại với Ngài vinh quang. Chỉ khi nào chúng ta chịu theo Ngài, chúng ta mới được ở với Ngài, vì Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó với Thầy.

Theo Ngài, chúng ta phải mang lấy thân phận hạt lúa mì, thối đi, bị dìm trong lòng đất nhân loại, nhưng cây lúa sẽ mọc lên và sinh nhiều bông hạt. “Anh em đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Dù chúng ta bị chôn vùi nhưng hy vọng vẫn không bao giờ hao hụt vì chúng ta tin vào Đấng là sự sống và là sự sống lại. Ngài được giương cao không phải chỉ là chết mà sống lại vinh hiển. Và chúng ta cùng chết với Ngài sẽ được sống lại với Ngài. Đó là niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta, những kẻ tin vào Ngài, phục vụ Ngài và Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ được ở đó với Ngài, trong tình yêu của Cha muôn thuở.

Và khi chúng ta chấp nhận chết với Ngài thì chính Ngài sẽ đến với chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng thịt máu Ngài, để ngay hôm nay, chúng ta đã được ở cùng Ngài trên thiên đàng. Thiên đàng đó chính là Ngài, hôm nay và mãi mãi.

 

9.Chúa Nhật 5 Mùa Chay

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang - Joshepus Quang Nguyễn)

PHỤC VỤ THA NHÂN NHƯ CHÚA GIÊSU PHỤC VỤ

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2015, Đức Thánh Cha Phaxico nói rằng: “Mùa Chay là thời gian thuận tiện chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ mình - nhờ đó chúng ta trở nên giống Ngài hơn, mỗi khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Nơi đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Thân Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho thói vô cảm rất thường chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không được dửng dưng đối với nhau. “Vì nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau; và nếu một chi thể được vinh dự thì mọi chi thể đều được chia sẻ niềm vui ấy” (1 Cr 12,26) (số 1). Vì thế Ngài kêu gọi Giáo Hội, giáo xứ, cộng đoàn và từng cá nhân hãy gạt bó thói vô cảm dững dưng với tha nhân đặc biệt là những người nghèo khổ nhất trong xã hội hôm nay thay vào đó phải sẵn sàng phục vụ, yêu thương và chăm sóc họ vì họ là thân mình Chúa Kitô.

Vì thế, Chúa Giêsu hôm nay nói rõ: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy. “(Ga 12, 26). Chúa Giêsu coi việc phục vụ là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống với Thiên Chúa và tha nhân. Qủa thế, Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại để ai tin vào Người sẽ được sống đời đời (Ga 3,31-36) và đền bù sự chối từ phục vụ Thiên Chúa của ông bà nguyên tổ chúng ta (St 3,6) qua việc phục vụ rửa chân cho các môn đệ, chịu nạn, chịu chết đau thương trên thập giá (Mt 16,21). Là Kitô hữu, chúng ta trước hết rập theo Chúa Giêsu: chuyên tâm cầu nguyện, phục vụ Lời Thiên Chúa (Cv 6,4), rồi lo việc tế tự và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (Rm 15,16) với “tất cả lòng khiêm nhường dù có gặp nhiều gian nan thử thách” (Cv 20,19). Điều đáng lưu ý rằng chúng ta phục vụ Thiên Chúa như con cái của Ngài, chứ không phải người nô lệ (Gl 4,4-7) vì chúng ta phục vụ trong sự mới mẻ của Thần Khí chứ không phải trong sự cũ kỹ của chữ viết (Rm 7,6), ngõ hầu chúng ta được Chúa Cha chúc phúc và mời đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa (Mt 25,34).

Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy nhưng “Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và ban sự sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người” (Mc 10,45). Cho nên, cả đời Ngài là một chuỗi hành vi phục vụ con người. Ngài phục vụ như một người nô lệ, một tôi tớ: cúi mình xuống thật sâu để mặt mình ngang hàng với chân của học trò và thậm chí kẻ phản bội mình (Ga 13,1-15) để rửa chân.

Còn chúng ta có làm được như thế cho mọi người nhất là những người nghèo, người khuyết tật, bệnh nhân hay tù nhân không, chúng ta có khả năng tươi cười, tha thứ yêu thương hay phục vụ họ như bao người khác không? Chắc chắn Chúa Giêsu phải có một trái tim yêu thương cao thượng đến tột độ mới phục vụ chúng ta như thế! Chúa Giêsu lại ban cho chúng ta tình yêu cao quí đó qua việc chúng ta liên kết và hợp nhất với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, cùng hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Giờ đây, chúng ta hãy cất bước vào đời thi hành tinh thần phục vụ mọi nơi, mọi lúc và trong từng việc chúng ta làm; phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ, và phục vụ tất cả vì Chúa Kitô. Vì vậy, trong cuộc sống, nếu chúng ta không yêu thương người ta, không ao ước phục vụ người ta, hãy tự hỏi lòng mình rằng: liệu Chúa Giêsu Kitô có thật sự ở trong tôi không? Và tôi có phải là môn đệ Chúa Kitô không? Cho nên, Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Vì vậy, cũng trong sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi: “Mỗi cộng đoàn Kitô hữu được kêu gọi ra khỏi chính mình để dấn thân vào đời sống của xã hội rộng lớn hơn mà mình cũng là thành phần, nhất là với những người nghèo và những người ở xa Giáo hội. Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, Giáo hội không co cụm vào mình, nhưng được sai đến với mọi quốc gia và mọi dân tộc” (số 3). Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, trong Mùa Chay này chúng ta hãy cầu xin Chúa: Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa” (Kinh cầu Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu) để có được một con tim mạnh mẽ và biết xót thương, ân cần và quảng đại mà phục vụ anh chị em đang cần chúng ta giúp đỡ để đừng rơi vào cám dỗ của nạn toàn cầu hóa thói vô cảm hôm nay. Amen.

 

10.Yêu thương là cho đi

Yêu thương là cho đi, là chia sẻ, là dám chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau. Hoa hồng nào mà chẳng có gai, tình yêu nào mà chẳng có những hy sinh gian khổ của nó.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại rằng: Hồi đó, nhằm lúc thiếu đường trong thành phố, thì ngày kia có một cậu bé bốn tuổi, đem đến cho mẹ một chén đường và nói: Thưa mẹ con đã nhịn đường suốt cả một tuần lễ nay, xin mẹ dùng ít đường này cho các trẻ mồ côi của mẹ. Một cử chỉ thật anh hùng biết bao đối với một em bé 4 tuổi. Em đã học biết yêu thương kẻ khác đến mức hy sinh tất cả những gì mình cần thiết. Một dịp khác, đang lúc mẹ đang vo gạo thì có một người đàn ông đến gặp mẹ và nói: Thưa mẹ, gần đây có một gia đình người Hindu gồm tám đứa con, nhưng đã cả tuần lễ nay họ không có gì để ăn. Lập tức mẹ bưng rá gạo đi theo người đàn ông đó đến nhà người Hindu kia. Bước vào túp lều xiêu vẹo, mẹ đã gặp được trên những nét mặt xanh xao đó cơn đói đang hành hạ. Không cầm lòng được, mẹ đã đưa cả rá gạo cho người đàn bà. Bà này cảm động cầm lấy rá gạo rồi lập tức chia làm hai phần, bưng nửa ra đi, lát sau mới trở lại. Mẹ thấy vậy bèn ngạc nhiên hỏi: Bà đi đâu vậy và đem gạo cho ai? Không chút do dự người đàn bà trả lời: Họ cũng đói lắm. Nhưng họ là ai? Là những gia đình Hồi giáo, cũng có những người con đói khổ như con. Họ ở bên kia đường và cả tuần lễ nay họ cũng chẳng có gì để ăn.

Từ những câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy, yêu thương chính là cho đi, chính là chia sẻ. Không phải những gì mình dư thừa, nhưng cả những gì cần thiết cho đời sống của mình. Sức mạnh của tình yêu chính là khả năng chấp nhận những hy sinh gian khổ cho người khác được hạnh phúc. Trong chiều hướng này, chúng ta nhận thấy tình yêu Thiên Chúa thực lớn lao biết bao, bởi chưng, vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người chịu đựng mọi vất vả túng thiếu và sau cùng chịu chết một cách ô nhục trên thập giá, để cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi và đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu: Ta đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Và rồi Ngài đã xác quyết: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

 

11.Giờ của Chúa

Từ đầu mùa Chay cho đến giờ, chúng ta đã chuẩn bị tham dự vào biến cố quan trọng nhất của lịch sử nhân loại. Hôm nay chúng ta nghe Chúa Giêsu loan báo về những gì sắp xảy đến, nhưng thay vì mở ra một cảnh tượng hùng vĩ thì Ngài lại tỏ lộ chính những tâm tình thầm kín nhất của Ngài.

Thực vậy sau khi Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào thành Giêrusalem, thì có mấy người Hy Lạp đến tìm Philipphê và nhờ ông giới thiệu mình với Chúa Giêsu. Lúc đầu có lẽ Philipphê cảm thấy hơi ngại ngùng, nhưng sau đó cũng đã dẫn họ đến với Chúa Giêsu. Lạ thay, Ngài không tỏ ra chấp nhận hay từ chối họ, nhưng lại mạc khải cho họ một điều khác. Và chính trong sự mạc khải này, Ngài đã cho biết những tâm tình thầm kín của Ngài. Ngài nói: Đã đến giờ Con Người được vinh quang.

Giờ mà Ngài đã tiên báo lần đầu tiên, khi xuất hiện trước quần chúng tại tiệc cưới Cana. Giờ mà Ngài vẫn mong chờ trong suốt ba năm giảng dạy. Chính vì thế, bây giờ không còn phải là lúc tiếp nhận hay từ chối những người Hy Lạp, nhưng là lúc phải hoàn thành sứ mạng cao cả và phổ quát của Ngài.

Tuy là giờ vinh quang, là giờ Ngài hằng mong đợi, nhưng điều lạ là Chúa Giêsu nói tới giờ đó không phải với một giọng điệu nao nức, nhưng trái lại, hình như đượm vẻ lo âu. Ngài biết rõ con đường nào mình sẽ phải đi qua đến tiến tới vinh quang. Như hạt lúa phải mục nát đi, thì mới trổ sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình, thì sẽ được sống đời đời. Qua đó, Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Điều kiện để tiến tới vinh quang là phải chấp nhận thập giá.

Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy, thập giá không phải là một cái gì thơ mộng, ngọt ngào, nhưng là một cái gì cay đắng ê chề. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng hoang mang và run sợ, nên Ngài đã lên tiếng cầu nguyện: Lạy Cha xin cất chén đắng này cho con. Đồng thời Ngài còn thêm: Nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi. Nơi khác Ngài cũng đã thốt lên: Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng cũng chính vì giờ này mà Con đã đến.

Đó là một sự chấp nhận thật can đảm. Lời cầu nguyện của Ngài vừa là một tiếng xin vâng, vừa là một tâm tình phó thác cho Chúa Cha, Đấng sẽ biến cái chết của Ngài thành sự phục sinh vinh quang. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết bước vào con đường mà Chúa đã đi qua hay không? Bởi vì có trải qua đau khồ thập giá thì chúng ta mới tiến đến vinh quang phục sinh.

 

home Mục lục Lưu trữ