Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1361321
NGHE VÀ HIỂU
NGHE VÀ HIỂU
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Đức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm. Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ. Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Đức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt, và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay, nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng. Đức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng. Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình:
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi? Đâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường. Tôi nghe mà không hiểu. Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh, bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình. Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá. Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay, nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt. Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi. Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến, tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai. Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải. Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt. Tôi nghe và hiểu. Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời. Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi. Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt. Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi, cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn. Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới, để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những trở ngại, từ bên ngoài cũng như từ bên trong, khiến hạt giống Lời Chúa khó nẩy mầm và lớn lên trong bạn?
Có khi nào bạn mê một câu Lời Chúa không? Có khi nào bạn dám sống một câu Lời Chúa không? Có khi nào đời bạn đã hoàn toàn đổi khác, vì bạn gặp được một câu Lời Chúa không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
2.Gieo và đón nhận hạt giống
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Phụng vụ hôm nay dùng hình ảnh ruộng đồng ở miền quê để diễn tả giáo huấn về việc đón nhận Lời Chúa. Những hình ảnh này gần gũi với người Do Thái cũng như với người Việt Nam chúng ta. Qua những hình ảnh đơn sơ bình dị, Chúa muốn gửi đến chúng ta những thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc.
Người gieo giống được Đức Giêsu kể lại trong Tin Mừng mang những nét kỳ lạ: ông có vẻ như thiếu tính toán và hoang phí, vì gieo hạt cả vào vệ đường, bụi gai, sỏi đá. Tuy vậy, hình ảnh người gieo giống nhằm giới thiệu với chúng ta về Thiên Chúa. Ngài luôn quảng đại, hào phóng và mời gọi thiện chí của con người. Quả thực, nếu hạt giống không thể mọc ở bụi gai, ở vệ đường hay ở đá sỏi, thì Lời Chúa vẫn có thể sinh hoa kết trái nơi những người khô khan và chai đá, nếu họ thiện chí mở lòng đón nhận.
Cũng giống như hạt sương rơi xuống từ trời làm cho đất đai màu mỡ, Lời Chúa tác động và làm cho tâm hồn con người phục thiện (Bài đọc I). Lời Chúa đến với chúng ta có thể bằng nhiều hình thức khác nhau: một sự kiện, một biến cố hay một nhân vật. Đức tin giúp chúng ta nhận ra đó lời cảnh báo của Chúa, để đón nhận thông điệp Ngài gửi cho chúng ta. Khi thành tâm đón nhận Lời Chúa, chúng ta sẽ được bình an hạnh phúc trong tâm hồn.
Thiên Chúa luôn hào phóng gieo vãi hạt giống của Ngài trong mọi nền văn hoá, mọi truyền thống, mọi chủng tộc và mọi quốc gia. Những gì là tinh tuý trong các nền văn hóa ấy, được coi như “hạt giống” của Ngôi Lời vĩnh cửu. Thiên Chúa ghi khắc lề luật của Ngài trong nơi sâu thẳm của con người, để mặc dù chưa được nghe nói về Chúa, những ai thành tâm thiện chí sống theo tiếng nói của lương tâm, thì được kể là thuộc về Chúa và có thể nên trọn lành.
Chúa Giêsu chính là người gieo hạt giống Tin Mừng. Các tác giả Phúc âm kể lại, Chúa Giêsu đi khắp xứ Galilêa để loan báo Tin Mừng cứu độ. Người nói với chúng ta về Chúa Cha và kêu gọi mọi người hãy nhận ra Chúa Cha là Cha chung của gia đình nhân loại. Người gặp tất cả mọi hạng người, không phân biệt. Trong số đó, có những người rộng mở tấm lòng để đón nhận Lời Chúa, đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi và trở nên thánh thiện. Tuy vậy, cũng có những người khước từ lời giáo huấn của Chúa. Họ cho những lời ấy là “chối tai”, là “lỗi thời”, là “cứng cỏi”. Thời xưa cũng như thời nay, vẫn có những người đón nhận giáo huấn của Chúa và vẫn có những người khước từ. Tuy vậy, Chúa không vì thế mà ngừng gieo hạt giống. Trái lại, Ngài vẫn quảng đại vãi hạt giống khắp nơi.
Khi nêu lên bốn loại đất khác nhau trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn khuyên dạy chúng ta: hãy khiêm tốn nhìn nhận xem mình thuộc thể loại đất nào: đất vệ đường, đất có bụi gai, đất sỏi đá hay đất màu mỡ. Đương nhiên, Chúa mong muốn và kêu gọi chúng ta hãy trở nên mảnh đất tốt, để Lời Chúa được gieo vãi sẽ sinh nhiều bông hạt. Công đồng Vatican II dạy: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (Hiến chế về Mạc Khải, 21).
Đón nhận Lời Chúa và cộng tác phần mình làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái. Đó là một chuỗi những nỗ lực cô gắng hy sinh. Tâm hồn nào bề bộn những toan tính mưu đồ, không còn có chỗ để đón nhận Lời Chúa. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: những đau khổ hiện tại không thể sánh được với phần thưởng và vinh quang Chúa ban. Như người nông phu phải vất vả mới có một mùa bội thu, người tín hữu phải dầy công tôi luyện mới sinh hoa kết trái thiêng liêng. Chúng ta không chỉ chờ đợi phần thưởng Chúa ban ở đời sau, khi đã kết thúc hành trình trần thế. Trái lại, người công chính được đón nhận phần thưởng ngay ở đời này, khi họ chuyên tâm thực hành Lời Chúa mà họ được nghe. Tiếc rằng nhiều giáo dân Việt Nam chúng ta chưa hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa cũng như chưa nghiêm túc đón nhận Lời Chúa trong Phụng vụ. Vì thế, họ tham dự Thánh lễ như một thói quen và chiếu lệ. Những người này chưa thực sự là mảnh đất tốt để đón nhận Lời Chúa, nên khó sinh hoa kết quả. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Bài giảng ngày 26-01-2020 đã nói: “Để theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp chúng ta bước ra biển đời. Do đó, chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng về sự sống”.
Được mời gọi trở nên mảnh đất màu mỡ để đón nhận Lời Chúa, người tín hữu cũng được sai đi để gieo hạt giống Tin Mừng trong môi trường mình đang sống, tùy hoàn cảnh, khả năng Chúa ban. Đừng bận tâm và bức xúc về những thể loại đất xung quanh bạn. Điều quan trọng là bạn có nỗ lực và miệt mài gieo giống hay không. Gieo là bổn phận của chúng ta. Làm cho lớn lên và sinh hoa kết quả là hoạt động của ơn Chúa.
3.Hạt giống gieo vào đất tốt - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Một phái đoàn Việt Nam sang Nhật nghiên cứu về nông nghiệp. Phái đoàn rất ngạc nhiên thấy nhà nông Nhật sản xuất 21 tấn lúa trên một mẫu tây. Ở Việt Nam, mỗi mẫu chỉ sản xuất được 4 đến 6 tấn là khá rồi. Như vậy, một hạt giống của ta chỉ sinh tới 20, 25 lần, còn một hạt giống của nông dân Nhật sinh gấp 70, 80, 90 lần, tương tự như hạt giống trong bài Tin mừng được gieo vào đất tốt nảy sinh gấp 30, 60, 100; còn những hạt rơi xuống vệ đường đá sỏi, bụi gai không sinh lợi gì.
Chắc chắn khi Đức Giêsu giảng dụ ngôn này, trước mặt Người là cánh đồng đang gieo xạ hạt giống. Hẳn người ta rất đau lòng nhìn những hạt giống cắm xuống vệ đường, rơi vào bụi gai, lăn trên đá sỏi. Tội nghiệp cho những hạt giống đó! Tiếc thay biết bao cho người gieo giống, công việc của ông gặp nhiều thất bại. Bao nhiêu hạt giống quý giá ra vô ích.
Đức Giêsu kể dụ ngôn này, Người nói lên chính công việc rao giảng Tin mừng nước Trời của Người cũng gặp nhiều thất bại, nói lên tâm sự thương tiếc của Người. Tâm sự này âm ỉ tới lúc gần về cuối đời đã bật ra tiếng khóc khi Người khóc thương thành Giêrusalem (Lc. 13, 34-35; 19, 41-44).
Phải chăng Đức Giêsu đã khóc thương những thất bại của mình? Khóc thương những hạt giống Tin mừng của Người đã ra vô ích khi rơi xuống dân thành Giêrusalem. Khóc thương lòng người đầy sỏi đá, gai góc?
Người khóc thương những thất bại, nhưng không thất vọng. Thương tiếc mất một số hạt giống này, nhưng còn bao nhiêu hạt giống khác đã nảy sinh gấp 30, 60, 100. Thật kỳ diệu, một kết quả chan chứa hy vọng. Hy vọng đạt được kết quả tốt tuyệt đối, như người đã khẳng định trên thập giá: “Mọi sự đã hoàn thành”. Lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột của Đức Giêsu đã củng cố tinh thần các tông đồ, củng cố đức tin của chúng ta.
Khi nhìn ngắm đời sống của Đức Giêsu, lịch sử của Giáo Hội đối với lịch sử của trần gian, dù phải trải qua chồng chất những đau thương, những thất bại. Tin mừng nước Trời vẫn không ngừng phát triển, vẫn sinh hoa kết quả gấp 30, 60, 100. Trong khi đó lịch sử các chế độ trần gian, các vua chúa phàm nhân đã sụp đổ như thành Giêrusalem không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Hai ngàn năm trôi qua, tình yêu Thiên Chúa luôn luôn trải rộng, bao trùm khắp muôn dân. Thế giới cần tình thương đó. Chúng ta cần tình thương đó. Dù trải qua bao đau thương thất bại, chúng ta vẫn lạc quan tin tưởng và hy vọng chắc chắn trời lại sáng, vì “Thầy đã chiến thắng thế gian” chiến thắng bằng tình thương: “thế gian sẽ thuộc về ai yêu thương nó”.
Muốn chiến thắng thế gian, muốn sinh hoa kết quả gấp 30, 60, 100, ta phải biến lòng mình thành tình thương tin mừng cứu độ, phải cải tạo đất xấu thành đất tốt, những đất vệ đường, sỏi đá, bụi gai thành đất phì nhiêu màu mỡ.
Cải tạo lối sống lang thang trôi dạt theo quỷ dữ, theo những kẻ xấu xa tội lỗi, thành lối sống theo Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng.
Cải tạo lối sống vui chơi, lăn lộn trên những đá sỏi ồn ào, vô trật tự, thành lối sống kiên trì hy sinh, chịu đựng mọi gian nan, khó khăn thử thách, bách hại để vác Thập giá mình theo chân Đức Giêsu.
Cải tạo lối sống chôn vùi vào những việc đời, đam mê danh, lợi, sắc, thành lối sống đi tìm nước Trời cho mình và cho mọi người trước đã, còn mọi sự Chúa sẽ ban cho.
Khi cải tạo lối sống của mình được như thế, tâm hồn ta mới thành đất tốt sẽ nẩy sinh lòng tin mạnh mẽ, đón nhận đức tin sống động, đức tin sống động bởi tình thương Thiên Chúa. Lúc đó, chúng ta mới có thể theo Đức Giêsu đi chiến thắng thế gian và gặt hái được một mùa màng bội thu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương tiếc bao nhiêu hạt giống bị cướp mất, bị cháy khô, bị chết nghẹt. Sao con dám lờ đi trước những thảm bại đó? Xin cho con nhiệt tâm cải tạo đời con trở thành đất tốt cho lời Chúa sinh hoa kết quả gấp 30, 60, 100. Amen.
4.Đất tốt
Hãy trở thành một mảnh đất tốt để hạt giống được gieo xuống sinh nhiều hoa trái. Như chúng ta đã biết Lời Chúa được ví như hạt giống mà người nông phu mang đi gieo. Để hạt giống có thể nẩy mầm lớn lên, đâm bông và kết trái, thì trước hết nó phải mục nát hoà tan vào với đất. Chúa Giêsu chính là lời của Thiên Chúa, một thứ hạt giống được gieo vào lòng nhân loại. Để có thể đến với lòng người, tạo được một niềm tin và một tình mến, từ đó làm phát sinh cuộc sống mới, Chúa Giêsu đã phải trải qua những khổ đau nhất là cái chết nhục nhã trên thập giá. Với cái chết này, Ngài và những kẻ tin nơi Ngài, mỗi ngày một đông, được dẫn đến vinh quang của Thiên Chúa.
Giáo Hội có thể thực hiện sứ mạng Chúa Giêsu trao phó một cách có hiệu quả cao, không thể không đi theo con đường của Chúa Giêsu. Giáo Hội là như một hạt giống được gieo vào lòng thế giới, thế nhưng hạt giống chỉ đâm bông kết trái khi Giáo Hội thực sự chia sẻ không chỉ những vui mừng và hy vọng, mà cả những lo âu, những khắc khoải, những khó khăn của thế giới. Đồng thời Giáo Hội cũng như mỗi người chúng ta đều được kêu gọi để trở thành những mảnh đất tốt cho Lời Chúa thực sự đem lại kết quả. Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài hầu như ở khắp nơi. Số người nghe Ngài giảng dạy thật nhiều. Nhưng không phải tất cả những ai nghe Ngài đều tin Ngài, trái lại có những người nghe Ngài rồi bỏ đi, vì họ thấy lời Ngài khó nghe hay khó thực hiện.
Có những người càng nghe Ngài lại càng thêm căm phẫn đối với Ngài để rồi cuối cùng bày mưu tính kế để thủ tiêu Ngài. Cũng có những người nghe lời Ngài nhưng lại chẳng hiểu gì hay chẳng có được một hiệu quả nào. Sở dĩ như vậy là vì lòng trí họ còn đuổi theo những mưu đồ những toan tính, hay đã ra chai đá và xơ cứng vì những giáo điều, hay vì những đam mê dục vọng. Lời Chúa và con người cũng như cuộc đời họ là những khối khác nhau, không thể hoà vào được với nhau. Mảnh đất tốt đối với Lời Chúa là những ai nghe lời Ngài, đem lòng suy nghĩ, tìm hiểu, nhào nặn cuộc đời mình theo những đòi hỏi của Chúa, và cuối cùng thực thi Tin Mừng của Ngài trong chính cuộc đời thường ngày của mình. Mảnh đất tốt chính là những tâm hồn bé mọn, những con ngườikhông có những kho lẫm quyền lực để bám víu, và do đó luôn sẵn sàng mở rộng lòng trước lời mời gọi của Chúa. Còn chúng ta thì sao. Chúng ta đã thực sự trở nên những mảnh đất tốt cho Lời Chúa được lớn lên và đem lại nhiều hoa trái hay chưa?
5.Gieo giống
Bác nông phu đi ra ruộng và gieo hạt giống. Đây là một hình ảnh đẹp và quen thuộc. Bác nông phu đi với dáng bộ nghiêm trang và thận trọng, vai đeo thúng lúa. Ông thọc tay phải vào thúng, bốc hạt giống xạ xuống trên ruộng đồng theo nhịp chân bước. Người gieo giống đi gieo và đã xảy ra là có những hạt rơi trên vệ đường và chim trời đến ăn mất. Những hạt khác rơi trên sỏi đá, chúng mọc lên nhưng vì không đủ đất, cho nên bị ánh nắng mặt trời làm cho khô héo. Còn những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm cho chúng chết ngạt. Và sau cùng, những hạt khác rơi vào đất tốt, chúng sinh hoa kết quả, có hạt được 100, hạt 60, hạt 30.
Chúng ta có thể nghĩ rằng: gieo giống gì mà kỳ lạ quá vậy. Tại sao không gieo trên đất tốt, mà còn gieo cả trên vệ đường, trên đất xấu và cả vào trong bụi gai. Gieo như thế vì đó là phương pháp làm ruộng của người dân miền Palestina. Họ có cách gieo giống khác với chúng ta. Họ gieo giống trước rồi mới cày úp sau. Vì vậy, ông bạn gieo giống trong dụ ngôn, đi gieo trong ruộng chưa cày bừa chi cả. Suốt thời gian đất nghỉ, dân làng thường đi tắt qua những thửa ruộng đã gặt hái chỉ còn lại những gốc rạ. Vậy khi gieo, ông ta đã tung hạt giống trên cả thửa ruộng, trên cả những con đường tắt này với ý định là sẽ cày cả con đường này lên, nhưng chim trời đã nhìn thấy những hạt giống đó và đã ăn mất trước khi chúng nẩy mầm. Ông cũng chủ ý gieo vào cả bụi gai khô héo vì ông cũng định cày cả đám gai này nữa. Nhưng hạt gai đã rụng xuống đất, lại được cày úp lẫn lộn với những hạt lúa, do đó gai mọc lên và làm cây lúa non chết ngạt. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy những hạt rơi trên sỏi đá. Đó là lớp sỏi đá cứng nằm ngầm dưới mặt đất, chỉ có một lớp đất mỏng phủ trên, người ta không trông thấy và chỉ khám phá ra khi lưỡi cày đụng phải. Nếu gặp lớp sỏi đá này, rễ lúa không thể đâm sâu xuống được và ánh nắng mặt trời sẽ làm cho chúng khô héo. Hình như người gieo giống không mấy lạc quan với công việc của mình. Nhưng may thay, phần lúa giống còn lại rơi trên đất tốt và đã sinh hoa kết quả tốt đẹp, hạt được 30, 60 hay 100.
Dĩ nhiên chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang giảng bằng dụ ngôn, và chân lý tôn giáo được núp sau hình ảnh của dụ ngôn đó. Điều này thực sự muốn nói là kết quả của lời Chúa. Lời ấy có khả năng phát triển và sinh hoa kết trái cách phi thường trong lòng người. Chính thánh Marcô đã cắt nghĩa dụ ngôn này một cách vắn tắt: Người gieo giống là chính Thiên Chúa và hạt giống là Tin Mừng, hay nói một cách khác, chính Chúa Giêsu là người gieo giống và hạt giống là những lời Ngài giảng dạy, còn tâm hồn chúng ta là những thửa đất. Thế nhưng những thửa đất ấy giờ đây như thế nào?
Lời Chúa nơi chúng ta không phải là những hạt giống rơi trên vệ đường, rơi giữa bụi gai hay ở trên sỏi đá. Nhưng lời đó phải được thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta để rồi sinh hoa kết trái một cách tốt đẹp. Lời Chúa luôn có một sức sống làm nẩy sinh hoa trái, nhưng lời ấy có thực sự đem lại kết quả tốt cho tâm hồn chúng ta hay không, thì còn tuỳ thái độ đón nhận và cộng tác của chúng ta đối với lời Chúa.
6.Lòng quảng đại Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Tâm hồn con người vẫn được ví như thưở ruộng. Ngay từ nhỏ được gieo vào đó biết bao điều hay điều dở. Cái tốt, cái xấu. Cái trí thức, cái lạc hậu... Người may mắn là được cha mẹ hướng dẫn chắt lọc cái hay bỏ cái dỡ. Lấy cái tốt bỏ cái xấu. Người tốt là người biết mở rộng lòng đón nhận lời hay lẽ phải để sống cho nên người. Người xấu là người thích tự do phóng khoáng và không đi theo thuần phong mỹ tục của luân thường đạo lý.
Kinh nghiệm dân gian khi nói về những con người sống bỏ ngoài tai lời dạy của bề trên bằng câu ca dao:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Đây là bài học thực tiễn hết sức giản đơn. Khi mua cá ở chợ về, muốn giữ được tươi lâu, người ta mổ sạch sẽ rồi đem ướp muối. Cá thấm muối, thịt săn chắc, khi chế biến thành món ăn, hương vị sẽ đậm đà. Ngược lại, nếu để lâu không ướp muối, cá sẽ ươn, ăn mất ngon.
Con cái không nghe lời dạy bảo của cha mẹ khác nào như cá không ăn muối, sẽ hư hỏng, không thể trở thành người tốt được. Xã hội cũng có những quy định những luật lệ nếu ai không sống theo luân thường đạo lý cũng tựa như cá không thấm muối sẽ trở thành người hư hỏng.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đón nhận hạt giống Nước Trời là Đức Giêsu - Ngôi Lời của Thiên Chúa Nhập thể ở cùng nhân loại qua mọi thời. Hạt giống này sẽ được Giáo Hội, được các môn đệ của Đức Giêsu mọi nơi và mọi thời gieo vào khắp nơi, trong lòng mọi người, không phân biệt một ai, nhưng việc sinh hoa kết quả hay không thì sẽ tùy thuộc vào lòng người đón nhận.
Đây cũng là một lời nhắc nhở chúng ta đừng để cho lòng mình thành sỏi đá khô khan hay thành đường đi với lối mòn vô tâm và lạnh nhạt, cũng đừng biến lòng mình thành bụi gai của lòng tham tiền tài danh vọng mà bóp nghẹt hạt giống lời Chúa, nhưng hãy là mảnh đất được cày xới làm cho mầu mỡ phì nhiêu để cho hạt giống lời Chúa nảy mầm và sinh hoa kết quả dồi dào.
Nhưng xem ra với thế giới hưởng thụ đã khiến con người trở thành thuở đất đang bóp nghẹt lời Chúa bởi đam mê danh lợi thú trần gian. Nhiều người bỏ ngoài tai chân lý và sự thật. Họ chỉ tìm kiếm tiền, lợi lộc và đam mê xác thịt. Họ để cho tham sân si chế ngự khiến họ không còn sống theo sự thật và công lý.
- Ở đâu đó ta vẫn thấy có những người đang tìm kiếm thú vui xác thịt bất chính mà sống sai luật Chúa và Giáo hội.
- Ở đâu đó ta vẫn thấy những con người nguội lạnh thờ ơ với đức tin vì chạy theo danh vọng trần gian.
- Ở đâu đó ta vẫn thấy những người mang danh Công Giáo nhưng vẫn sống thiếu công bình bác ái, đôi khi còn sống thù hận, tranh chấp, loại trừ lẫn nhau.
- Ở đâu đó ta vẫn thấy những cuộc tranh chấp hơn thua, tố tụng nhau đôi khi còn vu khống, cáo gian nhau.
- Dầu vậy, ta vẫn thấy những mảnh đất tốt giữa cánh đồng xấu. Đó là những người thiện chí sống đời công chính. Họ không chạy theo gian tà. Không vì tiền mà bỏ Chúa. Vì danh vọng mà sống sai luật Chúa. Không vì quyền lực mà làm hại anh em. Họ vẫn sống theo tin mừng dù thiệt thòi nhưng lòng họ vẫn thanh thản bình an.
Đây là thuở ruộng đẹp mà người ky-tô hữu cần phải vn trồng nơi trần gian. Người ky-tô hữu cần phải tự canh tân mình theo ánh sáng tin mừng để Lời Chúa đơm hoa kết trái trong cuộc đời chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống theo tin mừng để trở thành muối ướp mặn trần gian và thành men yêu thương thẩm thấu vào trong từng ngõ ngách cuộc đời hôm nay. Amen.
7.Gieo hạt giống cho mình
(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Khao khát hạnh phúc là lẽ thường của con người. Ai cũng đi tìm hạnh phúc. Ai cũng mong hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải là trái, là hoa mà hạnh phúc là hạt giống mình phải gieo vãi mới mong gặt hái được niềm vui hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà quan yếu là trao ban. Người đón nhận là kẻ yếu. Người trao ban mới là kẻ mạnh. Trao ban là gieo vãi hạnh phúc. Càng gieo vãi nhiều tình yêu, càng gặt hái nhiều hạnh phúc. Càng gieo vãi điều thiện, điều tốt càng thu nhận về nhiều niềm vui. Đó là quy luật thường tình “có gieo có gặt” và “gieo gì gặt nấy”.
Người ta kể rằng: Tại một vùng miền quê nọ có một người nông dân trồng được giống ngô rất tốt. Năm nào những cây ngô của ông cũng cho ra những bắp ngô vừa to, vừa thơm ngon, hạt nào cũng đều tăm tắp. Hàng năm ông đem ngô tới hội chợ của vùng để thi và lần nào cũng giành giải nhất. Ai cũng cho rằng hẳn ông đang sở hữu một bí quyết nào đó.
Ngày nọ. một phóng viên đến phỏng vấn ông, anh ta rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.
Tại sao ông lại chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình cho những người hàng xóm và cũng là đối thủ trong các cuộc thi ngô hàng năm? - Người phóng viên hỏi.
- Ồ, anh không biết à? - Người nông dân trả lời - Gió sẽ mang những hạt phấn hoa từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm của tôi chỉ trồng những cây ngô không tốt thì rõ ràng, khi ngô được thụ phấn nhờ gió sẽ làm giảm chính chất lượng ngô của tôi. Tôi muốn trồng ra những cây ngô tốt thì tôi cũng tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!
Hóa ra cuộc sống chỉ nhận lại những cái mình đã cho đi. Người nông dân này thật khôn ngoan, anh biết rằng nếu mình cho đi những giống ngô tốt thì sẽ nhận lại những phấn hoa tốt cho chính vườn ngô của mình. Cuộc sống con người xem ra cũng chỉ nhận được tình yêu thương, sự quan tâm trìu mến của tha nhân nếu chúng ta biết san sẻ cho họ những việc lành bác ái của chúng ta.
Nhưng đáng tiếc xã hội hôm nay thật thực dụng. Người ta ít quan tâm tới người khác. Người ta chỉ tích lũy, vun quén mà quên rằng phải san sẻ để được lợi hơn. Người ta thích hái quả hạnh phúc mà ngại gieo trồng. Đôi khi lại gieo những trái đắng, trái sầu cho anh em qua những việc làm thiếu tình người, và có khi còn ác nhân ác đức...
Là người ky-tô hữu Chúa mời gọi chúng ta hãy chăm sóc hạt giống tốt mà Chúa đã gieo sẵn trong lòng chúng ta. Chúa bảo chúng ta hãy để cho Lời Chúa được đơm bông kết trái trong cuộc sống chúng ta. Chúa dạy chúng ta hãy để cho cái chân thiện mỹ trổ sinh muôn vàn việc tốt lành trong con người chúng ta. Đừng để cho những hạt giống chết nghẹt vì lòng chai cứng trong đam mê tội lỗi. Đừng để cho những hạt giống èo uột bởi sự lười biếng, ngủ mê trong danh lợi thú trần gian. Hãy để cho ánh sáng của Lời Chúa làm trổ sinh một tâm hồn thánh thiện, bác ái yêu thương.
Ở đời người ta bảo rằng: “gieo gì gặt nấy”. Nếu muốn thành công hãy giúp người khác thành công. Nếu muốn vui vẻ hãy làm cho người khác vui tươi. Nếu muốn có ngô tốt hãy chia sẻ giống tốt cho mọi người... Nếu đã đón nhận nhưng không từ ân ban của Thiên Chúa thì hãy biết rộng rãi trao ban.
Có một chân lý hiển nhiên là chúng ta chỉ hạnh phúc khi những người chung quanh cũng hạnh phúc. Vì con người có một mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, đến nỗi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Vì “không ai là một hòn đảo”, thế nên phải biết sống mình vì mọi người và cho mọi người, có như vậy chúng ta mới gặt hái được những nghĩa cử yêu thương. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam