Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1353373

Ngôi Mộ Trống

Ngôi mộ trống

Lm. Stephano Huỳnh Trụ

Trong Giáo Hội, có nhiều lễ mừng kính các mầu nhiệm của Chúa. Nhiều người lầm tưởng lễ lớn nhất là lễ Giáng sinh, nhưng kỳ thật phải là lễ Phục sinh; bởi lẽ, nếu Đức Kitô không sống lại từ cõi chết, thì không còn đức tin và tất nhiên không có Kitô giáo nữa!

Thế nhưng, những sự kiện để minh chứng việc Đức Giêsu sống lại thì thật là hiếm hoi và quá đơn giản! Việc Người bị đóng đinh và chết trên Thập Giá thì công khai, mọi người đều có thể biết. Nhưng Người sống lại, chỉ giới hạn vỏn vẹn vài nhân chứng thuộc nội bộ những người tin theo Chúa mà thôi. Thật khó mà thuyết phục với những lý lẽ ‘rõ ràng’ như những sự kiện lịch sử trần thế. Điều đó nói lên ý nghĩa gì?

Điều đó muốn nói với chúng ta rằng: Nhận biết Chúa bằng trí khôn, bằng lý lẽ thuần tuý mà thôi thì chưa đủ. Cần phải có ơn Chúa soi sáng, giúp nhận thức cho. Ơn ban đó là ơn đức tin. Nhưng tin là một hành vi giác ngộ, tự nguyện tự phát từ lòng yêu thương. Vì thế chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta tin được những việc vượt tầm hiểu biết, thực thi được những việc ngoài lẽ thường tình của con người.

Đề cập việc Chúa sống lại, Tin Mừng Thánh Gioan chỉ ghi nhận ngôi mộ hoàn toàn trống. Bà Maria Mácđala sau khi chu toàn đủ luật lệ về ngày Sabát, đã đi thăm mộ thật sớm, để than khóc Đức Giêsu; hoặc đã ở trong nhóm các bà định ra ướp lại xác Chúa. Khi thấy không còn xác Chúa ở ngôi mộ, các bà kia đã về, còn bà thì về tìm ông Phêrô -trưởng nhóm tín hữu- để thông báo cho ông. Cùng chạy ra với ông Phêrô khi ấy, còn có ông Gioan, Tông đồ trẻ tuổi nhất và cũng là người được Chúa Giêsu thương yêu nhất. Các ông hoảng hốt trước lời báo tin của bà Maria. Sau đó là hoang mang dao động và suy nghĩ trước ngôi mộ trống.

Ngôi mộ trống, như vậy, chỉ còn là một sự thật hiển nhiên để thấy được xác Đức Giêsu không còn ở đó. Thái độ ngơ ngác, ngạc nhiên của các Tông đồ cho thấy rõ các ngài không can dự gì vào âm mưu trộm xác Thầy rồi phao tin Thầy sống lại, mà tầng lớp kinh sư đã gán cho. Đồng thời, ngôi mộ trống cũng là dịp để cho các ngài nghiệm lại lời Đức Giêsu đã báo trước: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời; họ sẽ giết chết Người và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mt 17,22-3), hoặc: “Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư 3 ngày 3 đêm thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất 3 ngày 3 đêm như vậy” (12,40), hoặc: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội 3 ngày, Tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19).

Sau khi suy nghiệm lời Chúa, lời Kinh Thánh, các ngài đã tin hẳn vào Chúa. Ông Phêrô được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, đã đứng trước đám đông dân chúng hành hương, mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa và mời gọi mọi người tin vào Chúa. Thánh nhân đã gián tiếp nêu lên lời Kinh Thánh khi nhắc lại những công việc tốt lành mà Đức Giêsu đã thực hiện, bởi những việc đó nói lên tính cách Kitô của Chúa; đồng thời cũng cho người ta biết được Chúa Giêsu đã hiện ra, sống và ăn uống với các Tông Đồ của Chúa.

Chính Thánh Phaolô -con người từng ghét bỏ nhóm môn đệ của Chúa, từng bắt bớ hành khổ các tín hữu của Chúa- khi đã nhận ra Chúa, ông tin Chúa và rao giảng về Chúa cách nhiệt thành không thua kém các Tông Đồ khác -những người đã theo Chúa ngay từ thuở ban đầu. Trong thư gửi tín hữu Côlôxê hôm nay ngài viết: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”, vì “sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (3,1.3). Ngài công nhận Đức Kitô là nguyên lý sự sống của mọi người và sự sống của con người được tàng ẩn trong Chúa. Như Đức Kitô đã dùng cái chết nơi thân xác của Người để tiêu diệt cái chết nơi con người, thì nếu Đức Kitô đã đóng đinh tội lỗi nhân loại nơi cây Thập Giá, Người cũng sẽ dùng sự sống của Người mà phục hồi sự sống cho nhân loại.

Niềm tin này không phải tự nhiên có thể hiểu thấu, tự nhiên có thể đón nhận, nhưng cần có ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn ai, nếu kẻ đó không tin, không yêu mến Chúa chăng? Thánh Phêrô đã từng thưa với Chúa 3 lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15..); còn Thánh Phaolô sẵn sàng đánh đổi mọi sự để có cho được Đức Giêsu, vì Đức Giêsu là mối lợi tuyệt hảo (x.Pl 3,8). Các ngài đã bằng lòng chịu chết để làm chứng cho Chúa. Những chứng cứ ấy cho thấy tất nhiên là Chúa đã sống lại!

Vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay, đó là làm thế nào kết hợp được với Đức Kitô Phục sinh, để sau này cùng được Phục sinh với Chúa. Nếu Đức Kitô đã vượt qua cái chết và tội lỗi của nhân loại, để về cùng Thiên Chúa, người Kitô hữu cũng phải chế ngự xác thịt tội lỗi, ma quỷ và thế gian để vươn lên cùng Thiên Chúa.

Cũng như các môn đệ Chúa Kitô ngày xưa, sau khi biết Chúa đã sống lại, họ đã thay đổi cuộc sống, để trở thành những con người xây dựng một nếp sống mới và một thế giới mới, thì người Kitô hữu cũng phải đổi mới đời mình, gia đình mình, xứ đạo mình bằng tinh thần của Đức Kitô Phục sinh.

Ước gì hôm nay, mỗi người Kitô hữu chúng ta nhận được ơn Phục sinh mạnh mẽ như vậy.

home Mục lục Lưu trữ