Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 83

Tổng truy cập: 1357294

NGƯỜI BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG TRƯỚC MẮT CÁC ÔNG

NGƯỜI BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG TRƯỚC MẮT CÁC ÔNG”

 

. Đi riêng ra một chỗ

Trên đường đi theo Đức Ki-tô, vào một lúc nào đó, các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giê-su hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi, chẳng hạn Bài Giảng Trên Núi trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 5-7); và đặc biệt lần này, trên một ngọn núi cao, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ.

Trong đời sống đức tin của chúng ta, trong ơn gọi thánh hiến và cả trong ơn gọi gia đình nữa, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới “ngọn núi cao” biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.

Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.

* Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.

* Đó là thời gian chúng ta dâng Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.

* Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm hay những lúc chúng ta khao khát cầu nguyện và sắp xếp được thời gian.

Ước gì trong những lúc “đi riêng ra một nơi” với Chúa, Chúa ban cho chúng ta có cùng kinh nghiệm thiêng liêng như các tông đồ, đó là cảm nếm căn tính chói ngời của Chúa, để có thể nói: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!”.

2. Dung nhan rạng ngời của Đức Giê-su

Ánh sáng chói lòa của Đức Giê-su trên đỉnh núi (Mc 9, 2-8) muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói trước đó:

Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

(Mc 8, 34-38)

Chính lúc Đức Giê-su biến đổi hình dạng, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9, 31). Như thế, lịch sử cứu độ (Lề Luật và ngôn sứ) loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, không chỉ từ khởi đầu của dân tộc Israel, nhưng ngay từ khởi của loài người (x. St 3).

Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giê-su trở nên chói lọi như mặt trời, như bản văn Tin Mừng tường thuật: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (c. 2-3); và theo lời kể của thánh Mát-thêu: “Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời ban ánh sáng, sức nóng và sự sống: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).

Dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ được hiểu như trên, chúng ta được mời gọi đọc lại và nhận ra cuộc đời chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, như kinh nghiệm thiêng liêng của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35), tuy đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, nhưng hướng tới Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất, như thánh sử Gioan mong ước: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31). Chính khi nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta hướng tới và được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Ki-tô, đó sẽ là lúc chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Ki-tô.

Vậy, trên hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này: Đức Ki-tô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta với những đòi hỏi của ơn gọi, là lời diễn tả tâm tình vui sướng: “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!”

3. “Chúng con ở đây thật là hay”

Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô:

Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!

Chúng con xin dựng ba cái lều…

Có người hiểu câu nói này của ông Phê-rô như sau: “Rất may, có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài…”. Tuy nhiên, như Thánh Mác-cô thuật lại, thực ra ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Vì thế, chúng ta phải hiểu đó đơn giản là lời diễn tả cảm xúc, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu ; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. Lều là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây.

Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-au, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói lọi đối với chúng ta. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Ki-tô chói ngời trong các Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa chói ngời, ngay trong đời sống đi theo Người đầy thách đố của chúng ta.

Thật vậy, đó chính là điều Chúa Cha muốn, khi Ngài đáp lời Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ cách ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều ; và từ đám mây Thiên Chúa Cha lên tiếng:

Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời người.

Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giê-su, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay!”.

 

7.Muốn hạnh phúc phải vâng lời Người

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của ViKiNi - Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

“Lạy Thầy, chúng con ở đây sướng quá, chúng con xin dựng ba nhà, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. Đây là tâm sự của Phêrô lúc được hưởng hạnh phúc Chúa biến hình rực rỡ vinh quang, một hạnh phúc thiên đàng vừa hé mở. Phêrô đã thuật lại rất sống động tâm sự này cho các tín hữu đang chịu thử thách cam go vì đạo, và được Marcô, con tinh thần của Phêrô viết lại.

Thánh Phêrô đã quả quyết có hạnh phúc đời đời để cho mọi người tin tưởng vững vàng sống theo lời Chúa, sẵn sàng hy sinh vì đức tin, họ sẽ được vinh quang nước trời. Một thứ hạnh phúc làm ngây ngất mãi mãi. Một thứ hạnh phúc sáng láng rực rỡ toát ra từ chính con người của Đức Giêsu, chứ không phải thứ ánh sáng bên ngoài bao phủ Người. Ánh sáng đó là chính ánh sáng Ngôi Lời Thiên Chúa. Gioan đã được cùng với Phêrô hưởng ánh sáng rực rỡ này nên khi mở đầu sách Tin mừng thứ bốn, Gioan đã viết: “Ngôi Lời là sự sáng đích thực, sáng soi cho mọi người” (Ga. 1, 9).

Trong lễ dâng Đức Giêsu vào đền thờ, tiên tri Simêon đã nhìn thấy “Người là ánh sáng muôn dân, là vinh quang của dân Chúa” (Lc. 2, 32). Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai tin Tôi sẽ không ở trong tăm tối” (Ga. 12, 46). Nhất là khi “Người sống lại sáng chói rực rỡ khiến quân dữ ngã lăn bất tỉnh” (Mt. 28, 3-4). Do đó, trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng”. Và trong kinh cầu chúng ta tung hô: “Chúa Giêsu là mặt trời soi đường công chính”.

Ánh sáng đó làm cho những người công chính như Môisen, Êlia được vinh phúc tràn ngập đời đời, còn người phàm đã biết theo Chúa như Phêrô, Giacôbê, Gioan cũng được ngây ngất chút đỉnh rồi lịm đi vì chưa đủ sức chứa đựng ánh sáng huy hoàng của nước trời, còn kẻ dữ phải khiếp sợ chết xỉu đi.

Từ hạnh phúc biến hình núi Tabor, Đức Giêsu dẫn đưa các môn đệ vượt qua đau khổ núi Sọ để đến hạnh phúc vinh quang phục sinh muôn đời.

Hôm nay Giáo hội là mẹ nhân lành theo gương Chúa Giêsu, cũng muốn dẫn đưa con cái mình là chúng ta từ hạnh phúc núi Tabor vượt qua biển khổ trần gian đến hạnh phúc vinh quang phục sinh bất diệt.

Không một thứ hạnh phúc thế gian nào sánh được. Hạnh phúc thế gian luôn luôn chất chứa đắng cay, đau khổ như ma túy, rượu chè, cờ bạc, trai gái. Khi chưa được thì thèm khát, khi mắc vào thì chán ngán, thất vọng, càng sa bẫy, càng bị kìm kẹp trong đau khổ tuyệt vọng.

Thí dụ: Tôi biết có anh chị đậu cao học (Master), quen nhau, yêu nhau nồng nàn suốt hai năm trời. Lễ cưới chi phí đến 20.000 đô. Họ hàng bạn bè, ai cũng mừng cho đôi uyên ương hạnh phúc. Nhưng chỉ được một tuần, giận nhau, bỏ nhau, đoạn tuyệt. Cha mẹ khuyên can cực lòng đến sinh bệnh, con cũng chẳng nghe.

Đấy là những hạnh phúc của thế gian.

Còn hạnh phúc của Thiên Chúa ban thì chưa thấy một đấng thánh nào chán cả. Phêrô được hưởng rồi, đã ra sức cố gắng nghe lời Con Yêu Dấu đến nỗi phải hy sinh chịu đóng đanh chết trên thập giá, vẫn luôn luôn “sướng quá”. Phaolô khi té ngựa được thấy ánh sáng rực rỡ của Đức Giêsu, dù mắt mù đi, ông đã bỏ đạo Biệt phái, đạo tổ tiên mà ông đã hăng say học hỏi từ nhỏ và cuồng nhiệt chống đối, bắt bớ kẻ phản đạo đó, để trở về với ánh sáng Đức Kitô, làm tông đồ của Đức Giêsu, một tông đồ vĩ đại nhất, nhiệt thành truyền đạo Ánh sáng nhất, chịu nhiều cực hình đau khổ nhất. Biết bao nhiêu các thánh tử đạo chỉ được thấy ánh sáng đức tin, đã coi cực hình thân xác nhẹ như lông hồng.

Muốn được hạnh phúc như các ngài, ta phải đến với ánh sáng Đức Kitô, nghe lời Con yêu dấu Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Abraham đã triệt để nghe lời Người, đến nỗi sẵn sàng sát tế con mình để tỏ lòng trung thành kính mến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hài lòng về tinh thần nghe lời Người của Abraham hơn là của lễ sát tế con ông. Vì: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần tế lễ” (Mt. 9, 13). Và nhờ đó “mọi dân trên mặt đất sẽ được chúc phúc, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Môisen đã nghe lời Người, dù kinh hoàng run sợ nghĩ đến phải trở về đối diện với vua Pharaon đang lùng bắt ông. Dù phải cực khổ vào sinh ra tử suốt bốn mươi năm trong sa mạc để dẫn đưa dân về đất Hứa.

Êlia đã nghe lời Người dù biết mình phải lao vào lưỡi gươm trả thù của hoàng hậu Giêzabel, để cứu thoát dân khỏi nô lệ tà thần. Và hàng triệu, hàng tỷ người đã nghe lời Con yêu dấu của Chúa Cha, vì biết rằng: “Thiên Chúa bênh đỡ ta, ban tất cả cho chúng ta, chí như chính Con mình, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc cho Con mình phải chết vì hết thảy chúng ta”, để “Con Người từ cõi chết sống lại” “sẽ cho chúng ta được sống lại vinh phúc với Người” (Rm. 8, 31-34).

Lạy Chúa, xin cho con lắng nghe lời Con yêu dấu Ngài, dù phải nhục nhã ê chề. Xin cho con trung kiên giữ trọn lời Người, dù phải chịu sát tế với Người, con vẫn một lòng thưa như tổ phụ Abraham: “Dạ con đây”.

 

8.Chúa Nhật 2 Mùa Chay

(Suy niệm của Lm. Anmai, C.Ss.R.)

BIẾN ĐỔI LÒNG TIN - BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI!

Ông bà ta vẫn thường nói “Ở trong chăn mới biết chăn có rận!” hay là “Đèn nhà ai nấy rạng”. Những câu nói ấy như muốn nói rằng khi và chỉ khi ở trong hoàn cảnh thì mới hiểu được chứ còn ở ngoài không thể nào hiểu được. Người ta cũng thường nói “có đau bệnh mới thương người ốm!”. Cũng như ý ở trên, ông bà ta muốn nói rằng khi mình đối diện với thực tại, đối diện với hoàn cảnh bi đát của cuộc đời người ta mới biết chứ còn chưa đối diện thì không thể nào biết được.

Nhớ lại thầy già trong nhà Dòng. Những ngày cuối đời, Thầy phải đối diện với những cơn đau đớn vật vã do chứng bệnh ung thư mang lại. Khi đến thăm Thầy, thầy thỏ thẻ với tôi: “Bây giờ có ai đến an ủi đi chăng nữa thì cũng không thể nào hiểu được cơn đau của tôi!”. Và cứ như vậy, Thầy cố gắng chịu đựng, dâng những cơn đau của thể xác lên cho Chúa như của lễ cuối đời của Thầy vậy. Câu nói của Thầy già làm tôi nhớ mãi. Chỉ có ai đau bệnh mới biết nỗi đau là gì chứ còn chỉ đến thăm, chỉ đến an ủi thì cũng chẳng thể nào hiểu được cơn đau đang hành hạ bệnh nhân.

Và rồi, một linh mục đàn anh cũng ra đi với căn bệnh ung thư quái ác. Những ngày cuối đời, cũng vào thăm anh nhưng tôi chỉ lặng lẽ nhìn anh chứ không dám nói gì vì có nói gì thì nói cũng chẳng thể nào xoa dịu được nỗi đau của anh. Đôi khi lời an ủi, lời nói nó trở thành phản cảm khi người bệnh vì lẽ chúng ta không hiểu, không mang tâm trạng đau đớn là gì. Phải có sự hy sinh và đặc biệt là có lòng tin con người mới có thể chịu đựng, vượt qua những cơn đau đớn mà thể xác bị hành do đau bệnh.

Mới đây, chiều mùng 1 Tết. Nhận được cuộc điện thoại của một Sơ báo tin một Sơ thân quen vừa được Chúa gọi về sáng mùng 1. Kể lại hành trình chuyển Sơ kia từ thành phố về Buôn Ma Thuột, Sơ bên kia điện thoại nhấn đi nhấn lại chuyện phải đấu tranh với ma quỷ trong những giờ phút cuối đời của bệnh nhân. Những cơn đau đớn hoành hành, những cơn vật vã do chứng bệnh ung thư đôi khi làm nhụt chí bệnh nhân, làm cho bệnh nhân nản lòng trông cậy. Sơ nói với tôi rằng, lúc ấy phải đọc kinh, cầu nguyện để giành giật lại với sức lôi kéo của ma quỷ.

Nhớ đến giờ khắc cuối cùng của Mẹ tôi cũng thế! Bà bị bệnh ung thư! Trước khi mời cha đến xức dầu, Mẹ cứ quay mặt vô tường không thèm nhìn ai, nói chuyện với ai dù lúc đó Mẹ rất tỉnh táo. Kể từ lúc lãnh bí tích xức dầu và được người đọc kin phó linh hồn, bỗng dưng bà quay ra nhìn mọi người lần cuối và vẻ mặt thanh thản hơn trước đó! Thế đấy! Giờ phút cuối, giờ phút chuẩn bị ra đi của con người, giờ phút phải đối diện với cái chết thật là căng thẳng. Chính giờ phút ấy con người phải đối diện với lòng tin vào Đấng Cứu Độ mà bao nhiêu lâu nay họ theo. Chính giờ phút ấy là giờ phút quyết định ơn cứu độ của con người và con người phải dứt khoát trước giờ phút ấy.

Câu chuyện về Abraham sát tế cục cưng của mình là Isaac chúng ta đã nghe quá nhiều lần. Nhiều đến độ chỉ cần nghe “Lời Chúa trong sách sáng thế …” rồi “Người gọi ông: "Áp-ra-ham! " Ông thưa: "Dạ, con đây! ". Cứ nghe như vậy là chúng ta biết về trình thuật về việc Thiên Chúa thử lòng tin của ông. Phải nói là Thiên Chúa quá cay nghiệt khi bắt Abraham đáp trả lòng tin bằng việc sát tế đứa con yêu của mình. Thử hỏi mỗi người chúng ta khi phải từ bỏ vật chất, từ bỏ một chút lợi lộc nào đó chúng ta chưa dám bỏ chứ huống hồ gì là đứa con độc nhất vô nhị của mình. Nghe nhiều, đọc nhiều thấy chẳng có gì cả vì chúng ta biết trước kết cục của câu chuyện là Abraham đã sẵn sàng sát tế con mình nhưng Thiên Chúa đã ra tay ngừng lại như đoạn sách mà chúng ta vừa nghe.

Biết câu chuyện, biết trình thuật, biết kết quả có lẽ không hay lắm khi ta phải đối diện với thử thách to lớn như Abraham. Nói thì ai nói cũng được và nói thì dễ nhưng làm thì quả là quá khó khăn, quá xa vời. Thử đặt mình vào hoàn cảnh thật của Abraham chúng ta sẽ thấy căng thẳng đến chừng nào khi đáp trả lời mời gọi của Chúa. Lòng tin lúc đó được thử thách một cách hết sức căng thẳng. Thử hỏi chúng ta có một đứa con duy nhất chúng ta có dám sát tế để dâng cho Chúa không? Trường hợp Abraham còn bi đát hơn khi ông và bà Sara vợ ông đã quá thời sinh nở. Có đứa con cầu con tự vậy mà Chúa lại bảo phải hiến dâng! Thật là cay nghiệt, thật là bi đát.

Sau khi thử thách lòng tin, Thiên Chúa đã ban cho ông ân huệ đúng như lời Thiên Chúa hứa là cho ông trở thành cha của nhiều dân tộc, là cha của dòng dõi những kẻ tin. Abraham đã được Thiên Chúa đổi tên và từ đó, cuộc đời của ông được ơn nghĩa với Thiên Chúa và ơn của Chúa ở với ông cho đến suốt đời.

Cũng như những người bệnh, chúng ta khi đối diện chúng ta mới biết được căng thẳng là dường nào. Chúng ta có đáp trả lại lòng tin trong thử thách đau đớn phút cuối đời để sau đó chúng ta được hưởng phúc vinh quang với Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta không?

Chúng ta chúc tụng, hoan hô, ca ngợi Abraham thì cũng bằng thừa vì lẽ chuyện đã xảy ra rồi. Phải nói là Abraham liều mạng, Abraham đã bỏ ngõ cuộc đời mình, bỏ ngõ tương lai của mình vào phán quyết của Thiên Chúa. Đứng vào vị thế của Abraham chúng ta sẽ trả lời với Chúa như thế nào? Câu trả lời ấy tuỳ thuộc vào mỗi người chúng ta, vào lòng tin của mỗi người chúng ta.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Maccô thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ thân tín. Trong giây phút huy hoàng của cuộc đời, các ông nói với Thầy rằng: “chúng con ở đây thật là hay!”. Thế nhưng sau cái giây phút vinh quang ấy, trở về với đời thường, lòng tin của các ông cũng rất chênh vênh, cũng rất cheo leo. Đơn giản nhất mà chúng ta thấy đó là vào giây phút nghiệt ngã nhất của cuộc đời Chúa Giêsu, giây phút mà Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chịu đau khổ ấy thì chúng ta thấy còn được mấy môn đệ theo Chúa? Lúc bấy giờ còn ai dám nói với Thầy Giêsu rằng “chúng con ở đây thật là hay” nữa. Chỉ còn mình Mẹ Maria và môn đệ yêu dấu là Gioan mà thôi.

Thật ra, chúng ta thấy các môn đệ được Chúa Giêsu tỏ mình và rồi các môn đệ đã một lần nữa xác tín cuộc đời của mình vào Thầy Chí Thánh. Dẫu cuộc đời có những lúc chênh vênh, có những lúc chuệch choạc như Phêrô chối Thầy nhưng cuối cùng Phêrô vẫn tin vào Thầy và được làm Đá Tảng của Hội Thánh.

Vâng! Chắc có lẽ cuộc đời của ta cũng giống như các môn đệ xưa thôi! Chúng ta vẫn đi theo Chúa, chúng ta vẫn được Chúa tỏ mình nhiều lần nhiều cách trong cuộc đời nhưng chúng ta không nhận ra chúng ta không tin để chúng ta biến đổi cuộc đời như các môn đệ xưa.

Chúng ta dừng lại đôi chút để nhìn lại cuộc đời mình. Chúa ban cho chúng ta quá nhiều ơn, Chúa đã tỏ mình cho chúng ta quá nhiều lần nhưng lòng chúng ta cứ chai lại, cứ cứng thêm.

Qua các ngôn sứ, qua sách Thánh chúng ta biết rõ rằng Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta – đã đón nhận cái chết và chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ chúng ta nhưng lòng chúng ta cứ hững hờ làm sao đó.

Một con người phải nói là cứng tin, quay lưng lại với Chúa nhưng rồi sau những biến cố của cuộc đời đã thay đổi cuộc đời, đã biến đổi lòng tin của mình. Người ấy chính là tác giả thư gửi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe đấy. Cuộc đời của Ngài có quá nhiều thử thách. Ngài sinh ra thuộc dòng dõi Bengiamin, là người Pharisêu chính hiệu, Ngài được học hành tử tế và giữ luật Do Thái một cách không ai trách khứ được như Ngài đã từng tâm sự. Ban đầu bắt Chúa đấy nhưng cuối cùng đã quay về với Chúa và quy phục trước Chúa. Trong đoạn thư ngắn hôm nay Ngài quả quyết với chúng ta: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8,31b-34).

Để có lòng tin vào Chúa thánh Phaolô đã trải qua biết bao nhiêu thử thách về lòng tin, về sự từ bỏ những vinh quang lợi lộc trần gian. Qua những thử thách, qua những khó khăn Thánh Phaolô đã khẳng định, đã xác quyết với mỗi người chúng ta về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa sau những trải nghiệm của đời Ngài. Ngài đã minh định lòng tin cho chúng ta để rồi lòng tin của chúng ta có nền tảng. Không chỉ mình Thánh Phaolô mà còn nhiều vị thánh Tông đồ và các thánh khác đã tuyên xưng lòng tin của mình trước bao nghịch cảnh của cuộc đời. Sau khi được biến đổi lòng tin, cuộc đời của các Ngài đã được biến đổi và được hưởng Nhan Thánh Chúa muôn đời.

Con đường của lòng tin, con đường của sự tín thác vào Thiên Chúa không đơn giản như một số người nghĩ. Lòng tin luôn bị thử thách và luôn luôn cần được đáp trả. Như Abraham xưa, chúng ta vẫn được Thiên Chúa mời gọi lời đáp trả về lòng tin.

Thiên Chúa ngày hôm nay có thử thách chúng ta thì Ngài không thử thách khắc nghiệt như thử thách Abraham hay Phaolô. Thiên Chúa không còn đòi buộc chúng ta phải sát tế đứa con thừa tự duy nhất của chúng ta như Abraham hay là Thiên Chúa không đòi buộc chúng ta phải từ bỏ tất cả những vinh hoa phú quý của cuộc đời như Phaolô. Thiên Chúa thử thách chúng ta qua những biến cố nho nhỏ trong cuộc đời: Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ một chút đố kỵ trong lòng chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta bỏ một chút lòng tự cao tự đại trong ta, Chúa mời gọi chúng ta bỏ một chút tính điêu ngoa chua chát trong lòng chúng ta …. Phần đáp trả chính là phần của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn ở lại với mỗi người chúng ta như Chúa đã từng ở với Abraham, với Phaolô.

Nguyện xin Chúa đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta xác tín hơn lòng tin của chúng ta vào Chúa. Xin Chúa thương ban thêm lòng tin cho mỗi người chúng ta để chúng ta có thể đứng vững trước bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.

Xin Chúa biến đổi lòng tin của chúng ta, xin Chúa biến đổi cuộc đời của chúng ta như xưa Chúa biến đổi cuộc đời Abraham, cuộc đời Thánh Phaolô và các thánh nam nữ của Thiên Chúa.

 

9.Xin ơn biến đổi

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm biến cố Chúa Giêsu biến hình, một mầu nhiệm vĩ đại. Lịch sử cho thấy ba Tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê là những tấm gương sám hối suốt Mùa Chay dẫn chúng ta tới Đại lễ Phục Sinh, khi chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của tinh thần trên thể xác, của ơn cứu chuộc trên tội lỗi.

Thánh sử Marcô nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa ba ông lên núi cao cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện... bỗng có hai vị đàm đạo với Người, là Môsê và Êlia.... Một số câu hỏi được đặt ra chung quanh biến cố Chúa Biến Hình:

1. Tại sao Đức Giêsu Biến Hình?

2. Tại sao Môise và Êlia lại có mặt lúc Chúa Giêsu Biến Hình?

3. Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu đưa lên núi?

Tại sao Đức Giêsu Biến Hình?

Chúng ta biết, trước khi Chúa Giêsu biến hình, Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no (x. Mc 6, 30-44; 8, 1-10). Vẻ chưng hửng của các Tông đồ về tương lai tươi sáng, và sự mãn nguyện về vị Thiên sai của dân chúng. Khi thăm dò ý kiến chung, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó lần thứ I (x. Mc 31, 33). Như thế, Người đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Người đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh vinh quang. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi sau khi chứng kiến Chúa biến hình (x. Mc 9, 5). Như thế, Phêrô đã muốn biến cái tạm thời trở thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá.

Trở lại câu hỏi tại sao Đức Giêsu lại chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan, phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?

Theo Thánh Gioan Kim Khẩu, Phêrô được chọn, vì Phêrô đã từng tuyên xưng Đức Giêsu là “Ðức Kitô” (x. Mc 8, 29). Hơn nữa, cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn, “Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa!” (Ga 21, 17). Phần Gioan, vì đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 21, 20). Còn Thánh Giacôbê, là vì ​​phản ứng của ông đã thực hiện cùng với anh trai mình: “Chúng tôi có thể uống chén của Thầy” (Mt 20, 22), ông giữ lời và đã đi đến cùng điều ông cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.

Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môisen và Êlia?

Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về Người. Có kẻ cho Người là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác cho là Êlia, Giêrêmia hay là một tiên tri (x. Mc 8,28).

Người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu vi phạm luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang, mà theo họ, vinh quang đó là của Thiên Chúa, không thuộc về Người. Trong lúc biến hình đàm đạo với Môisen và Êlia, Người khẳng định mình còn hơn cả Môisen và Êlia nữa. Môisen là người đã trao ban lề luật cho dân chúng, nên những người Do Thái không thế nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm lề luật. Còn Êlia xuất hiện cùng Chúa Giêsu, Người dạy chúng ta rằng Người là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Người biến hình cùng với Êlia là người đã không chết.

Một điều rất thú vị là Môisen đã rẽ đôi nước biển để cho dân chúng đi ráo chân, Phêrô đã đi trên mặt nước, để rồi chữa lành tất cả bệnh hoạn tật nguyện cho dân chúng, xua trừ ma quỷ, đưa mọi người về với Đức Kitô. Êlia đã làm cho kẻ chết sống lại, các Tông đồ cũng đã làm cho kẻ chết được sống lại, khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Đó là những lý do Chúa Giêsu chọn Môisen và Êlia hiện ra đàm đạo với mình.

Đức Giêsu biến hình để cho chúng ta được chiêm ngưỡng:

Vinh quang Ba Ngôi

Vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong biến cố Chúa biến hình. Chúa biến hình là hình ảnh loan báo trước cho biến cố Chúa Phục Sinh. Chúa mạc khải vinh quang mình cho các tông đồ với lời xác nhận của Thiên Chúa Cha: “Ðây là Con Ta Yêu Dấu!” (Mc 9, 7). Trong ánh sáng vinh quang, chúng ta nhìn thấy ánh sáng; và được Chúa Thánh Thần nâng lên, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi qua mọi muôn thế hệ.

Lắng nghe lời Đức Giêsu

Trong biến cố Chúa biến hình, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa mỗi ngày một sâu xa hơn vừa đi từ ánh sáng này sang ánh sáng khác, mà còn được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa gửi đến. Ngoài Lề Luật nơi ông Môisen và lời tiên tri nơi sứ ngôn Êlia, lời Chúa Cha còn vang lên mời gọi chúng ta “vâng nghe lời Người” (Mc 9, 8).

Xin ơn biến đổi

Nhìn xem và lắng nghe, chiêm ngắm và vâng phục, là những con đường dẫn chúng ta lên Núi Thánh. Ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong vinh quang của Chúa Con.

Chúa biến hình, loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Người. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa gửi trao mới được theo Chúa là Đường là Sự Thật là Sự Sống để được hưởng vinh quang Phục sinh với Người.

Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta cũng biết biến đổi: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của thập giá Chúa và ban ơn cho chúng con biết sống mầu nhiệm thập giá Chúa trong cuộc đời, để được sống lại vinh quang với Ngài. Amen.

 

10.Xin ơn biến đổi trong Mùa Chay Thánh

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay Thánh, phụng vụ Giáo Hội trình bày cho chúng ta cảnh đẹp lộng lẫy biến hình của Chúa Giêsu, có Phêrô, Giacôbê và Gioan làm chứng. Tin Mừng mô tả: “Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt các ông và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết” (Mc 9, 2-3).

Chúa Giêsu biến hình

Trước khi Chúa Giêsu biến hình, Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no (x. Mc 6, 30-44; 8, 1-10). Vẻ chưng hửng của các Tông đồ về tương lai tươi sáng, và sự mãn nguyện về vị Thiên sai của dân chúng. Khi thăm dò ý kiến chung, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó lần thứ I (x. Mc 31, 33). Như thế, Người đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Người đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh vinh quang. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi sau khi chứng kiến Chúa biến hình (x. Mc 9, 5). Như thế, Phêrô đã muốn biến cái tạm thời trở thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá.

Xin ơn biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần

Chúa biến hình, báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng con mắt cũng như trái tim để nhìn thấy Ánh Sáng nhiệm mầu của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Bốn thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu như sau khi chịu phép rửa nơi sông Giordan “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với các dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người” (Mc 1,12-13), thì giờ đây chúng ta cũng phải xin Chúa Thánh Thần trợ giúp.

Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta biết biến đổi. Nhưng để biến đổi đâu có dễ, cần phải ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng bước trong Mùa Chay, đặc biệt là xin Ngài biến đổi.

Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người khô khan biếng trễ xưng tội rước lễ, lười đi nhà thờ bỏ lễ Chúa nhật thành người đạo đức thánh thiện và siêng năng. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự mãn thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

Chúa Thánh Thần đã biến đổi các giác quan của các tông đồ, họ mới có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Cặp mắt được đổi mới, các ông mới nhìn rõ hơn những gì tỏa sáng, tai được biến đổi để nghe rõ hơn tiếng nói tuyệt vời và có thật: là tiếng nói của Thiên Chúa Cha, Đấng hài lòng về Con yêu dấu của Ngài. Chúng ta cũng thế, hãy để Chúa Thánh Thần tác động mới mong được biến đổi, giác quan của chúng ta mới có thể nhìn thấy và nghe được những điều kỳ diệu và vui mừng trong Thiên Chúa cùng với hàng ngũ các thánh đã được Chúa Giêsu phục sinh từ trong cõi chết.

Để được biến đổi

Hãy vâng nghe lời Chúa.

Nhờ vâng nghe và thực hành lời Chúa, tổ phụ Abraham đã lên đường. Chúa bảo đi là đi. Thế nên, Abraham đã trở nên tổ phụ của một dân tộc đông đảo như sao trời cát biển.

Trong lúc biến hình, Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, và dạy các môn đệ: “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Có vâng nghe lời Chúa Cha, Đức Giêsu mới trở nên người con chí ái đẹp lòng Cha mọi đàng. Nhờ vâng nghe Lời Chúa, chúng ta mới xứng đáng là người môn đệ của Đức Giêsu.

Cầu nguyện

Đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trở nên sáng láng. Chúng ta cũng chỉ được biến đổi thân phận tội lỗi của mình bằng việc tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp và thứ tha. Đây là Mùa Chay, mùa biến đổi, chúng ta cần đến với Chúa để được biến đổi trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Chẳng hạn như tham dự tĩnh tâm, giục lòng ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm sửa đổi thói hư tật xấu bằng việc thực hành nhân đức mỗi ngày để đền tội.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con. Xin biến đổi con mắt, môi miệng và lỗ tai con, để con biết thấy cái hay cái đẹp của tha nhân, biết nói lời hay lẽ phải, biết nghe Lời Chúa, và nhất là thực hành Lời Chúa dạy. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ