Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1361794

NGƯỜI CHĂN CHIÊN LÀNH

NGƯỜI CHĂN CHIÊN LÀNH

 

Chúa nhật hôm nay thường được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành. Gioan Thánh sử mời gọi chúng ta một vòng qua các ngọn đồi Galilê để chứng kiến một cảnh thanh bình: các mục tử dẫn bầy chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên giòng suối mát.

Trong lịch sử trước kỷ nguyên, các vì vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử. Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng ấy, dân du mục người Israel thường dành cho Thiên Chúa. Ngài dẫn đưa họ qua Biển Đỏ, qua sa mạc đến Đất Hứa, như người mục tử gắn liền số mạng với đoàn chiên, vui buồn gian khổ dưới sương sớm với nắng chiều. Đó là viễn ảnh của một vị mục tử mà Thiên Chúa sẽ gởi đến là Chúa Giêsu. Hôm nay, khi nhìn thấy cảnh bầy chiên trên đồi Galilê, Chúa đã tự mô tả mình như một người chăn chiên lành phúc hậu.

Nhiều lần, Chúa Giêsu tự ví mình là Người Mục tử, nhưng lần này Ngài đã nói tất cả ý nghĩ.

Khác với những người chăn thuê giữ mướn, những người lợi dụng và trộm cướp, người chăn chiên lành chỉ biết phục vụ đoàn chiên và cứu thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Đối lại, con chiên nghe tiếng người chăn, hăm hở đi theo và tỏ tình yêu mến. Người mục tử đi trước để bảo vệ đoàn chiên, đoàn chiên theo sau ngoan ngoãn và tín nhiệm. Chúa phán: “Ta đến để mọi người được sống và được sống dồi dào”, cho dầu phải trả một giá rất cao, bằng chính mạng sống mình.

Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử, Chúa Giêsu lại tự ví mình với cửa chuồng chiên.

Mỗi một khi Giáo hội tổ chức Năm Thánh, ngày khai mạc và bế mạc, Đức Giáo hoàng đã chủ sự nghi lễ và đóng một cánh cửa lớn nằm bên phải đền thờ Thánh Phêrô. Nghi lễ ấy có một quá trình trong Thánh Kinh tượng trưng cho Ơn Thánh Chúa đổ xuống trên nhân loại (Tv 78, 23; Ml 3, 10); cho cuộc trở về toàn thắng của đức vua (Tv 24, 7-10); cho nơi gặp gỡ của sự bình an và hiệp nhất (Tv 122).

Hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là cửa chuồng chiên… Ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy ra vào và tìm thấy của nuôi thân”. Nơi Chúa Giêsu, loài người gặp gỡ Thiên Chúa và loài người cũng gặp gỡ anh em mình. Nhưng con người ta có kẻ tốt và người xấu, kẻ thánh thiện và người gian hiểm. Đối với đoàn chiên hiền lành, có kẻ không qua cửa mà đột nhập vào, họ là kẻ trộm cướp, đến để ăn cướp, để sát hại và phá hủy. Xưa nay, trong Giáo hội cũng có những tên ăn trộm, những sói dữ đột nhập vào giữa đoàn chiên, nhất là khi họ là sói dữ đội lốt chiên lành.

Thánh Phaolô kết luận: “Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử là Đấng canh giữ linh hồn anh em”.

Và Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Là con chiên tôi đi theo vết chân Chúa, tôi chẳng lo sợ gì. Vua Thánh Venceslaô xứ Tiệp Khắc (907-929) một đêm nọ trời đông giá rét đi đến nhà thờ viếng Thánh Thể. Viên thị vệ theo hầu xuýt xoa kêu giá lạnh. Thánh nhân bảo: Cứ chịu khó theo và đặt bàn chân ngươi lên vết chân ta. Viên thị vệ tuân theo và bỗng nhiên cảm thấy ấm áp lạ thường.

Theo vết chân của vị Mục tử ta sẽ thấy đời ấm áp.

 

25.Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

Cầu Cho Ơn Thiên Triệu – Linh mục và Tu sĩ

(Suy niệm của Lm Gioan Phan Tiến Dũng)

Khi nói đến “Ơn Thiên Triệu”, ơn gọi để trở nên và sống thiên chức Linh mục và Tu sĩ. Câu hỏi được đặt ra: Làm Linh mục, Tu sĩ để làm gì? Có phải là để được có cuộc sống sung sướng, bớt đau khổ-vất vả? Hay là để có địa vị cao và nhiều quyền lực? Hoặc là để có nhiều của cải tiền bạc chăng? Chắc chắn câu trả lời: đi tu, không phải là để đạt được những điều nêu trên. Thế nhưng, có người vẫn nghĩ và cho rằng “đi tu làm ông Cha thì sướng, giàu có, vì làm Cha là sẽ làm vua một cõi, có thể ra lệnh, sai khiến người này người kia, được người khác hầu hạ, phục vụ mình…”; bên cạnh đó cũng có suy nghĩ rằng “đi tu sẽ khổ, vất vả; khi về già thì cô đơn buồn chán, tủi thân…”Dù suy nghĩ thế nào, nhưng thực tế, ơn gọi sống đời Linh mục và Tu sĩ đang gặp rất nhiều khó khăn thử thách về cả số lượng lẫn chất lượng; nên xã hội ngày nay hơn bao giờ hết đang rất cần những con người quảng đại, hy sinh dấn thân để đáp lại tiếng mời gọi của Chúa trở nên những Linh mục và Tu sĩ như lòng Chúa mong ước. Được trở nên Linh mục và Tu sĩ là một ơn ban nhưng không mà Thiên Chúa ban cho những ai mà Ngài kêu gọi họ một cách đặc biệt; và họ đã đáp trả lại tiếng mời gọi của Chúa với lòng tín thác và lòng mến. Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ để làm gì? Có phải là ơn để ban cho con người được chọn hay là không? Các bài đọc Lời Chúa hôm nay sẽ soi sáng cho chúng ta.

Trong bài TĐCV, Phêrô cảm nhận được chính ơn gọi Tông đồ của mình, là rao giảng về Thiên Chúa, rao giảng và làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Con người ở mọi thời đại, luôn khao khát tìm kiếm niềm hạnh phúc đích thực, mà điều này chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban cho chúng ta. Với Phêrô làm sao chúng ta có thể đến với Thiên Chúa để được Ngài ban ơn nếu như không có ai rao giảng và giới thiệu Chúa cho họ. Do đó, được rao giảng về Chúa vừa là một ân ban nhưng không, vừa là một sứ vụ-lệnh truyền từ Thiên Chúa dành cho những ai tin và chấp nhận Ngài. Để có thể rao giảng về Chúa, người Tông đồ trước hết phải là người đã sống thân mật với Chúa với lòng tin và lòng mến. Chính nhờ đó, qua sự rao giảng và đời sống chứng tá, thì người khác mới có thể đến với Chúa, tin vào Chúa và cảm nhận được ơn ban của Chúa qua người tông đồ. Thật vậy, qua việc rao giảng của Phêrô và các Tông đồ, nhiều người đã tin vào lời các Ngài rao giảng và đã được chịu phép rửa “ngày hôm ấy có thêm chừng 3000 người gia nhập đạo”. Đây chính ơn gọi và sứ vụ dành cho những ai muốn sống và dấn thân trong sứ vụ Linh mục và Tu sĩ để tiếp tục con đường mà các Tông đồ của Chúa đã dấn thân.

Thư thứ 1 của Phêrô một lần nữa cũng khẳng định về sứ vụ của người Tông đồ, được chọn và sai đi để hướng dẫn, giúp người khác đến cùng và đến với Thiên Chúa. Người Tông đồ không hướng người khác về mình, nhưng về Thiên Chúa; vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được ơn tha thứ, thánh hóa và bình an. Đây chính là niềm hạnh phúc đích thực mà con người đang tìm kiếm.

Tin mừng của Gioan hướng chúng ta đến và tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đức Giêsu - vị Mục tử nhân lành, đầy tình yêu thương mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta. Hình ảnh mà Chúa Giêsu tuyên bố “Ta là cửa chuồng chiên” theo Gioan là hình ảnh rất đẹp và phong phú, hình ảnh này gợi lên sự gần gũi, thân mật giữa Thiên Chúa và con người. Nơi “cửa chuồng chiên” hễ ai đến và vào đó, thì họ sẽ được Thiên Chúa chở che, Ngài sẽ ban cho họ được sự an toàn và hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”. 

Anh chị em thân mến, ơn gọi của mỗi người chúng ta là để trở nên những con người thánh, đây là ơn gọi phổ quát. Bên cạnh đó, Chúa cũng kêu mời một số người cách cụ thể hơn trong ơn gọi sống đời tận hiến, để quảng đại, hy sinh dấn thân chính cuộc sống, sứ vụ và lý tưởng của mình cho Chúa, cho Giáo hội và tha nhân. Chúa mời gọi những con người này hãy trở nên khí cụ tình yêu thương và ân sủng của Chúa cho tha nhân. Nhờ Giáo hội, và qua những con người sống đời tận hiến, anh chị em của mình được nhận biết Chúa, hiểu rõ về Chúa, tin và chấp nhận Chúa. Chúa là Đấng ban ơn, che chở phù trì, người Tông đồ và người sống đời tận hiến chỉ là khí cụ được Chúa tuyển chọn và sử dụng, hầu ơn Chúa được trao ban và chuyển tải một cách trọn vẹn cho anh chị em mình. Xin Chúa, vị “Mục Tử Nhân Lành” thương ban cho Giáo hội và xã hội có nhiều người trẻ biết quảng đại để luôn dấn thân đáp lại tiếng Chúa để sống đời tận hiến với lòng tín thác yêu thương. Amen.

 

26.Tiếng gọi yêu thương

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)

Một vị mục sư trung thành, đạo đức, đang đau nặng. Anh em tín đồ quì cạnh giường bệnh, cầu xin Chúa cứu chữa ông. Họ nhắc với Chúa rằng ông coi sóc bầy chiên của Người rất tận tâm và họ lập đi lập lại câu ngày: “Chúa biết không mục sư yêu mến Ngài biết bao!”

Nghe vậy vị mục sư bèn xoay qua phía họ mà nói:

- Xin anh em đừng cầu nguyện như thế. Khi Maria và Macta sai người đi mời Đức Giêsu, thì họ không nói “Lạy Chúa, này kẻ yêu Chúa”, nhưng nói: “Lạy Chúa, này kẻ Chúa yêu đang bị đau nặng”. Tôi được yên ủi chẳng phải vì tôi yêu Chúa cách bất toàn, nhưng vì Chúa yêu tôi cách trọn vẹn.

***

Nhiều khi chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu chúng ta trước, yêu vô điều kiện, và yêu không bờ bến.

Đức Giêsu chính là mục tử tốt lành, Người luôn yêu thương đàn chiên, và yêu từng con chiên một. Chính Người yêu thương chăm sóc đàn chiên nên các con chiên mới được ăn trên đồng cỏ xanh, uống bên dòng suối mát. Chính Người lưu tâm bảo vệ đàn chiên, nên các con chiên mới an toàn khỏi kẻ bắt trộm, khỏi nanh sói dữ.

Nếu Người đã nói: “Tôi biết các chiên tôi”, thì phải hiểu là Người biết rõ chúng ta cần những gì cho linh hồn và thể xác, nên đừng băn khoăn xao xuyến. Hãy tin tưởng ở nơi Người.

Nếu Người đã nói: “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, là Người muốn chúng ta được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người.

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Chúng ta cần cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn quảng đại, biết dấn than vô điều kiện, và phục vụ vô vị lợi cho đàn chiên Chúa. Vì đàn chiên không thể thiếu chủ chiên.

Chúng ta cần cổ vũ cho ơn gọi linh mục và tu sĩ bằng cách khích lệ tinh thần và hỗ trợ tài chính cho các mầm non ơn thiên triệu trong giáo phận và giáo xứ của mình.

Chúng ta cần tích cực dạy cho con cháu biết lắng nghe Lời Chúa, chuyên tâm cầu nguyện, hăng say làm việc tong đồ, và quan tâm phục vụ người nghèo. Nhờ vùng đất mầu mỡ này mà ơn gọi linh mục và tu sĩ sẽ nảy sinh.

* * *

Lạy Chúa, Chúa là mục tử tốt lành, xin dẫn dắt chúng con đi trên nẻo đường của Chúa, để chúng con được no thỏa ân tình của Ngài.

Xin ban cho chúng con những chủ chiên nhân lành, chỉ biết say mê Chúa và say mê con người, chỉ biết yêu thương, phục vụ, và chăm lo cho đàn chiên Chúa, để chia sẻ với Chúa nỗi bận tâm về một đàn chiên “được sống và sống dồi dào”. Amen.

 

27.Đồng cỏ xanh, Dòng suối mát

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)

Dương Ân Điển là đứa bé bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền Nam, đảo Đài Loan. Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.

Thế mà 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng. Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ và Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.

Cuộc đời co thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi. Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường. Ông đã nói với cô: “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”. Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trái tim yêu thương của Người. Tấm lòng quảng đại yêu thương của ông Tưởng Kinh Quốc dành cho cô bé tàn tật Dương Ân Điển chỉ là hình bóng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con chiên của Người.

Vâng, chiên của Chúa thì nghe Chúa, biết Chúa và theo Chúa.

- Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo Hội, và những ơn soi sáng trong tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, vạ nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10, 17).

- Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà chính là hiểu biết sâu xa, yêu mến thân tình, đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.

- Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng chính là từ bỏ, từ bỏ con người cũ, nếp sống cũ, đường lối cũ: Các môn đệ đã bỏ mọi sự, Maddalêna đã bỏ đường tội lỗi, Augúttinô đã bỏ đời trụy lạc, để đi theo Người.

Nghe Chúa, biết Chúa và Theo Chúa để được những gì? Đức Kitô đã trả lời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 28). Đoàn chiên đi theo chủ chiên nhân lành thì đồng cỏ xanh với dòng suối mát chắc chắn phải là đích đến của chúng, vì chủ chiên Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người không những ban cho chúng ta sự sống đời đời mà còn bảo đảm sự sống ấy chắc chắn không thể mất được.

Không chỉ Chúa Con mà cả Chúa Cha cũng gìn giữ, bảo vệ chúng ta trong bàn tay yêu thương của Người: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10, 29). Chúa Cha đã trao ban đoàn chiên cho Chúa Con như quà tặng quí giá nhất, nên Chúa Con cũng gìn giữ và yêu mến đoàn chiên như Chúa Cha đã yêu mến và gìn giữ vậy. Như thế, chúng ta được bảo vệ an toàn tuyệt đối trong cả hai bàn tay, của cả cha lẫn mẹ, còn hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa!

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên nhỏ bé đơn sơ, để chúng con được nằm trong bàn tay yêu thương của Chúa.

Giữ một thế giới ồn ào vì tranh giành quyền lực, của cải, xin cho chúng con lắng nghe được tiếng Chúa.

Giữa một thế giới chỉ biết tôn thờ vật chất, xin cho chúng con hiểu biết Chúa thật sâu xa để yêu mến Người thiết tha.

Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo danh lợi thú, xin cho chúng con luôn theo Chúa là chủ chiên nhân lành của đời chúng con mà thôi. Amen.

 

28.Cánh cửa mở toang

(Barbara E. Reid, nữ tu dòng Đaminh tại Grand Rapids, Michigan Hoa Kỳ. Bà là giáo sư môn Tân ước tại Đại học công giáo ở Chicago, bang Illinois. Cũng tại đây bà làm trưởng khoa và là phó viện trưởng. – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7)

Vài năm trước, trên truyền hình có trình chiếu một chương trình đố vui mang tên “Mời bạn tham gia trò chơi”. Người tham gia cuộc chơi sẽ có cơ hội trúng thưởng. Sự hồi hộp gay cấn xảy ra khi họ được hỏi phải chọn cửa nào trong ba cửa. Hai trong ba cửa không trúng giải, còn cửa thứ ba sẽ trúng một giải thưởng có giá trị, như một chuyến du lịch, một chiếc xe hơi hay một số tiền mặt khá lớn. Mỗi lần tổ chức như thế, sẽ có người may mắn trúng giải khi chọn đúng cánh cửa có giải thưởng.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví mình như là “cánh cửa” đem đến cho ta quà tặng đắt giá nhất. Không giống như trò chơi đố vui ở trên khi người ta đánh lừa người tham gia để họ chọn sai cánh cửa có giải thưởng. Đức Giêsu đã minh thị Ngài chính là cánh cửa mở toang, để tất cả chúng ta có thể chọn đúng cánh cửa này.

Khởi đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói về Ngài như là mục tử chăn dắt chiên. Ngài sẽ đến với đàn chiên qua cửa chuồng chiên. Ngài sánh ví mình với hình ảnh trái ngược về những người ăn trộm. Họ lần mò vào đàn chiên không bằng cửa chính, và sẽ không thể điều khiển đàn chiên theo họ đi ra ngoài. Họ là người xa lạ, và các con chiên sẽ chạy trốn, vì chúng không nghe được tiếng của họ. Sau đó, trong phần cuối của chương này, Chúa Giêsu đã đưa hình ảnh người chăn chiên nhân lành để nói về chính Ngài. Một khía cạnh khác khá quan trọng khi trưng dẫn hình ảnh này, đó là cánh cửa được mở ra cả hai hướng: Đi vào và đi ra. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay quy chiếu về Đức Giêsu như là cửa chuồng chiên. Các môn đệ không chỉ đến với đàn chiên qua Ngài, nhưng họ còn được Ngài dẫn ra ngoài đồng cỏ để bổ dưỡng.

Tất cả những ai được Ngài dẫn vào sẽ tìm được cho mình, giữa sự thân ái của cộng đoàn đức tin, một nơi để thư giãn và nghỉ ngơi, một nơi để được an dưỡng và chữa lành. Đó cũng là nơi chúng ta được nuôi dưỡng qua bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Nhưng bất cứ ai được dẫn vào cũng sẽ được dẫn ra, đi đến những đồng cỏ xanh tươi, những đồng cỏ mầu mỡ để thực hiện sứ mệnh. Đức Giêsu là cửa chuồng chiên, vừa dẫn chúng ta đi vào, vừa dẫn chúng ta đi ra.

Sau đó, trong Tin Mừng Gioan, hình ảnh cánh cửa mở toang cũng mang lấy một hình thái mới. Cạnh sườn Chúa Giêsu trên Thập giá được mở ra, khi người lính lấy giáo đâm Ngài (Ga 19, 34), cũng gọi mời chúng ta tiến vào, để bước ra trong sức mạnh của Đấng Phục Sinh. Tất cả những ai đi vào cuộc sống như Ngài đã sống, một cuộc sống trải rộng y hệt một đồng cỏ mênh mông đầy ắp những khinh miệt, những quên lãng, và những chống đối từ những con người đã đi vào chuồng chiên bằng con đường khác, thậm chí ngay cả mạng sống chúng ta cũng bị lấy đi, thì khi đó chính Đức Giêsu mở toang cạnh sườn Ngài ra để dẫn chúng ta ra ngoài đến một cuộc sống hồi sinh hoàn toàn mới mẻ. Trước cái chết, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sẽ kinh qua như một cơn đau quặn khi sinh nở để có được niềm vui lúc một sinh linh được chào đời (Ga 16,20-26). Máu và nước tuôn trào từ cạnh sườn mở toang ra, gợi nhắc chúng ta về những “dòng sông mang chở nước sự sống” mà Chúa Giêsu đã hứa. Những dòng sông đó sẽ tuôn trào từ nơi Ngài (theo nguyên ngữ là từ cõi lòng của Ngài) và từ con tim của những kẻ tin Ngài (Ga 7,38).

Ngôi mộ mở toang ngày Chúa Nhật Phục Sinh khép lại hình ảnh này. Cánh cổng sự chết đã bị bẻ gẫy bởi Đấng đã đến để “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Cánh cổng sự sống bây giờ đã rộng mở ra cho mọi người. Lời mời gọi hãy đi vào cánh cổng này qua Ngài và qua cách sống của Ngài, đối với nhiều người cũng không dễ dàng để chấp nhận. Những người Pharisêu, đại biểu cho hạng người cứng lòng, đã không chấp nhận lời gọi mời đó để bước vào và bước ra cùng với Ngài và qua Ngài. Họ nghĩ rằng có một lối đường khác, chứ không chấp nhận đi qua cửa chuồng chiên là chính Đức Giêsu.

Chắc chắn, không có một kỹ xảo nào nhằm đánh đố chúng ta để chọn cho đúng cánh cửa. Cánh cửa Giêsu vẫn luôn mở toang ra chờ đón mọi người.

 

29.“Tôi là cửa cho chiên”

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Suy niệm:

Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới.

Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên.

Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10).

Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực.

Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa, đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2). Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh. Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh. Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).

Chiên nghe tiếng của anh (c. 3). nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8). Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình.

Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường, chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn, vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu. Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử.

Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên.

Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.”

Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn. Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.

Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ.

Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9). Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật.

Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu.

Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên, biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc. Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhận mình là Tấm Bánh, vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con.

Chúa nhận mình là Cây Nho, vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống.

Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành, vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ.

Chúa nhận mình là Cửa, vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời.

Chúa nhận mình là Con Đường, vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha.

Chúa nhận mình là Ánh sáng, vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này.

Chúa nhận mình là Sự Thật, vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa.

Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại, vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi.

Lạy Chúa Giêsu,

tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con, và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa. Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.

 

30.Tình mẹ hiền – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Người ta nói người mẹ có thể đọc được tâm tư của con. Dù con không nói nhưng mẹ vẫn biết con đang muốn gì? Bởi vì tình yêu của mẹ luôn quan tâm đến con cái một cách rất tỉ mỉ. Từng cử chỉ, từng hành động đều không qua được mắt mẹ.

Có một anh bạn nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được một suất hợp tác lao động, anh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, anh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư anh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.

Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, anh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.

Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân anh rồi mẹ lại sụt sùi. Anh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói:

- Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!

Hóa ra tình mẹ thật sâu lắng. Sâu lắng đến độ có thể hiểu được con tim của con. Mẹ có thể hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì. Mẹ cũng có thể biết được phải làm gì để xoa dịu nỗi đau cho con.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục tử luôn gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.

Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.

Ngày 27/04/2014, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh. Người là một môn sinh đã hoạ lại rõ nét hình ảnh mục tử của Thầy Chí Thánh Giêsu. Người mục tử luôn làm việc không nghỉ ngơi. Cho dù tuổi đã cao lại thêm bệnh tật kéo dài, thế mà ngài vẫn đến với đàn chiên, vẫn cất cao tiếng gọi đàn chiên, vẫn là chỗ dựa thật vững chắc và an toàn cho đàn chiên. Đến nỗi khi ngài qua đời, Đức tổng Giám mục Leônardo Sandri, thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã nói với toàn thể thế giới rằng: “Hôm nay, chúng tôi như những đứa con mồ côi”.

Tại sao người ta thương tiếc một cụ già như thế? Có phải người ta ngưỡng mộ Ngài vì ngài nhiều tiền, nhiều quyền lực không? Thưa không phải thế. Người ta thương tiếc một mục tử hết mình vì đàn chiên. Một mục tử canh giữ hoà bình không chỉ cho đàn chiên mà cho hàng tỉ người trên khắp hành tinh này. Người mục tử với 26 năm chăn dắt đàn chiên của Chúa đã không ngừng bảo vệ quyền sống của con người, nhất là của các thai nhi. Người mục tử đã không ngừng đi đến tận cùng thế giới để gieo rắc an bình, công bình, tha thứ và yêu thương. Người mục tử đã đi đến cùng đường để quy tụ đàn chiên, để tìm kiếm các con chiên lạc đưa về một mối và cuối đời, trong những tiếng nấc hoà trộn với hơi thở bị ngắt quãng, ngài đã nói với đàn chiên đang canh thức cầu nguyện cho ngài trong giờ lâm chung rằng: “Ta đã đi tìm kiếm các con. Và bây giờ các con đã đến với Ta. Ta xin cám ơn các con”.

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử như lòng Chúa mong ước. Cám tạ Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa.

Hôm nay cũng là Chúa nhật II trong tháng năm, được chọn là ngày của mẹ. Mẹ chính là một mục tử gần gũi nhất để chăm sóc chúng ta. Tình thương của mẹ là vô bờ bến. Tình thương của mẹ dám hy sinh đánh đổi cả cuộc đời của mình để cho con niềm vui, tiếng cười. Thế nên, khi nói về mẹ có lẽ chúng ta phải nói về những hy sinh của mẹ. Nói với mẹ chúng ta phải nói lời cám ơn mẹ đã sẵn lòng hy sinh cho chúng ta.

Người ta kể lại rằng trong nạn đói vào năm Ất Dậu 1945, có một bà mẹ đã cắn đứt ngón tay của mình để con được bú những giọt máu cuối cùng thay cho dòng sữa đã cạn kiệt vì cái đói kéo dài. Bà chỉ hy vọng đứa con sẽ được cứu khỏi chết. Bà không can tâm nhìn con chết đói mà mình không làm điều gì đó để cứu con. Bà đã chấp nhận cái chết để con được sống.

Tình thương của mẹ là thế. Yêu thương quên cả chính mình. Một tình thương dám hòa trộn mồ hôi trong những giọt nước mắt bể dâu để mang lại hạnh phúc cho con. Một tình thương không bao giờ giả dối nhưng luôn mộc mạc chân tình gần gũi như chuối ba hương hay như xôi nếp mật.

Thế nên, trong ngày của mẹ chúng ta hãy cám ơn mẹ đã cho chúng ta vào đời. Cám ơn mẹ đã thức trọn canh khuya để canh giữ giấc ngủ cho chúng ta, để gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy giữa cuộc đời. Cám ơn cuộc đời đã cho chúng ta có mẹ để được yêu thương. Cầu mong mẹ mãi ở với chúng ta để chúng ta mãi tận hưởng sự ngọt ngào của tình mẹ, và cầu Chúa ban hạnh phúc thiên đường cho mẹ vì cả một đời gian nan mẹ đã làm cho con cái. Amen.

 

31.Mục Tử Nhân Lành

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Ga 10: 11-18: Hôm nay là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội chúng ta...

Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến cách đây hơn 2000 năm.

Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ.

Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước.

Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn.

Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên lạc bầy.

Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng.

Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27)[1]

Chiên và chủ chiên biết nhau

Chiên rất thân thiện với chủ chăn.

Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả.

Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên  đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên.

Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc.

Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.

Tận hiến cho đoàn chiên

Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình.

Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc.

Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó.

Họ sẵn sàng vác cho chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc.

Đức Giêsu nói “Sẽ không ai cướp được đàn chiên khỏi tay tôi được”.

Bằng cách này, Người đang nhấn mạnh rằng đối với Người, đàn chiên quý giá đến thế nào. Nếu có Người giúp đỡ, thì không bao giờ có một điều xấu nào có thể xảy ra cho bất cứ người nào trong số họ.

Khi kẻ làm thuê trông coi đàn chiên, thì lũ chó sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm sao thoát thân cho an toàn.

Người chủ tốt lành của đàn chiên thì không như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của lũ sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.

Hôm nay là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội chúng ta: chúng ta đang thiếu linh mục.

Rất nhiều họ đạo không có linh mục.

Ngày xưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy những đồng lúa chín vàng và bảo "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Chúng con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng cho thêm thợ gặt đến đồng lúa của Ngài".

Chúa biết nhu cầu của chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta phải cầu xin thì Chúa mới ban ơn. Xin gì?

Xin cho có nhiều thiếu niên, thanh niên quảng đại dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn.

Xin cho những người đang theo tiếng gọi của Chúa hôm nay, tức là các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ, các em dự tu, được bền tâm vững chí. Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Chúa đã nói "Ai bền đỗ tới cùng thì sẽ được cứu rỗi".

Xin cho các linh mục của chúng ta được xứng đáng là những phương tiện tốt Chúa dùng để ban ơn cho đoàn Dân Chúa, nghĩa là xin cho các ngài được thánh thiện và bình an chăm lo cho đàn chiên. Amen.

---------------------

[1] Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171

 

32.Đức Giêsu, Đấng chăn dắt đời tôi – An Phong

Đàn chiên và người chăn dắt, đó là hai hình ảnh quen thuộc trong Kinh thánh. Hình ảnh người chăn chiên đi trước, đoàn chiên đi theo sau, hình ảnh đó là "độc nhất vô nhị", là hình ảnh rất thân thương, nói lên mối ân tình sâu đậm giữa hai thực thể này.

Người chăn dẫn đoàn vật đến đồng cỏ xanh tươi, đến giòng suối mát trong, để bổ dưỡng, nghỉ ngơi; hình ảnh đó đã hằn sâu trong tâm trí dân Israen, được diễn tả rõ nét trong thánh vịnh 22:

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Trên đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi nằm nghỉ

Đàn chiên có béo tốt, khoẻ mạnh, là nhờ người chăn gần gũi yêu thương; Đàn chiên có cho nhiều thịt, sữa, nhiều lông để làm áo, là nhờ người chăn ân cần chăn nuôi, bồi dưỡng.

Đàn chiên được an toàn là nhờ người chăn dắt hết mình, trọn lòng bảo vệ. Vì đàn chiên nghe thấy người chăn gọi tên từng con vật. Vì đoàn chiên đi theo bước chân người chăn đến mọi chốn mọi nơi người chăn dẫn tới.

Như thế, giữa người chăn và đàn chiên có một mối tương quan tình cảm "đồng hành", không phải tương quan "vua tôi", "chủ-tớ".

Nhưng, Đức Giêsu là Đấng chăn dắt đời tôi, Người gần gũi thân quen. Người kitô hữu được trở nên "Kitô thứ hai", nên bạn Đức Kitô.

Đức Giêsu là Đấng ân cần chăn nuôi, bồi dưỡng tinh thần tôi; vì Người đã đem đến cho tôi Tin mừng. Tin mừng đó là sống làm người cho ra người, bằng "mến Chúa yêu người".

Đức Giêsu là Đấng hết mình, trọn lòng bảo vệ tôi, vì Người đã chia sẻ thân phận con người của tôi, hiểu tôi, muốn tôi "sống và sống dồi dào".

Trong một thời đại mà đặc trưng là khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả, bạn đã chọn Đức Kitô là Đấng chăn dắt thật của đời bạn chưa?

Hãy mở sách Thánh, bạn sẽ hiểu Đức Giêsu là Đấng chăn dắt tôi, Người cho tôi "sống và sống dồi dào hơn".

Lạy Chúa Giêsu,

Ngài là Đấng chăn dắt cuộc đời chúng con.

Xin ban cho chúng con ánh sáng soi đường,

để chúng con luôn đi trên đuờng ngay nẻo thật.

Xin dẫn dắt cuộc đời chúng con

để chúng con không bị lạc lối trong đêm đen mù mịt;

Xin đưa chúng con tới quê hương của sự sống,

để chúng con được ở gần bên Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ