Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1361102
NGƯỜI ĐÂU MÀ KÉM TIN VẬY
NGƯỜI ĐÂU MÀ KÉM TIN VẬY
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)
Tin Mừng Mt 14: 22-33: Trong cuộc sống bình yên và nhất là trong những lúc gặp gian nan thử thách, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Chúa sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi chúng ta kêu cầu.
Sau khi dân chúng được ăn no nê bởi phép lạ hóa bánh ra nhiều (14,13-21), “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng” (c.22). Người muốn các ông rời xa khung cảnh “huy hoàng” của một phép lạ cả thể, và rời xa đám đông đang phấn khích vì phép lạ đó.
“Giải tán xong, Người lên núi cầu nguyện.
Khi Đức Giêsu đang cầu nguyện một mình trên núi, thì chiếc thuyền của các môn đệ “đã ra xa bờ, bị sóng đánh vì ngược gió” (c.24). “Vào khoảng canh tư, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (c.25). Nhưng các môn đệ không tin vào quyền năng và phẩm tính thần linh của Chúa Giêsu, nên khi “thấy Người đi trên mặt biển, các môn đệ hoảng hốt bảo nhau: ‘Ma đấy!’ và sợ hãi la lên” (c.26).
Họ không nhận ra Đức Giêsu và vì thế, họ từ chối sự hiện diện của Người bên cạnh họ.
Họ nghĩ đó là ma!
“Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (c.27).
“Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”
Phêrô có vẻ tin vào Đức Giêsu. Nhưng đó là tin vào quyền năng của Đức Giêsu chứ không phải tin vào tình yêu của Người. Ông muốn được “đi trên mặt nước” tức là muốn được tham dự phẩm tính thần linh của Đức Giêsu.
“Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Chúa không từ chối Phêrô, trái lại, còn mời ông thực hiện ước muốn của ông. Vì thế, Đức Giêsu không ngần ngại bảo ông Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Người. Vậy “ Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu”, nhưng thấy gió thổi thì ông đâm hoảng sợ.
“Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (c.31).
Có câu chuyện kể rằng:
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp.
Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: "Lạy Chúa".
Bốn bề thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van.
Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: "Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa."
Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: "Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế."
"Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất."
Tiếng ấy trả lời: "Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra." Người vô thần thất vọng thốt lên: "Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao !"
Cũng như Phêrô, người vô thần này có vẻ tin vào Chúa. Nhưng đó là lòng tin vào quyền năng làm những sự lạ lùng của Chúa, chứ không phải là lòng tin vào tình yêu của Người.
Hơn nữa lòng tin của ông chỉ là lòng tin vụ lợi. Tin vào Chúa bởi vì đang rơi vào con đường cùng, nghĩa là bí quá nên phải tin vào Chúa. Tin vào Chúa, nhưng vẫn còn nghi ngờ, không dám buông tay ra, như vậy chưa tuyệt đối tin vào Chúa.
Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước và cứu Phêrô cho khỏi bị chìm, nói lên quyền năng vô biên của Chúa.
Trong cuộc sống bình yên và nhất là trong trong những lúc gặp gian nan thử thách, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Chúa sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi chúng ta kêu cầu. Để bảo đảm cho cuộc sống, chúng ta hãy luôn ngước mắt nhìn lên Chúa, đừng nhìn xuống, đừng cậy dựa vào mình hay vào người khác mà chỉ cậy nhờ ơn Chúa phù giúp.
Lạy Chúa xin nhìn đến đức tin yếu kém của chúng con. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.
29.Những cơn sóng
Thiên Chúa tạo dựng con người. Ngài ban cho họ tự do. Ngài luôn tôn trọng tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta thấy trong bài phúc âm hôm nay.
Sau khi cho dân chúng ăn no nê (Mt 14, 13 - 21) Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu để các môn đệ lên thuyền rời khỏi đó; còn phần mình, Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Chúa Giêsu phải thúc giục các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia. Chúa Giêsu muốn dạy họ rằng: tránh quan niệm sai lầm của dân chúng muốn tôn Người lên làm vua theo kiểu trần thế. Đàng khác, Người muốn dạy các môn đệ bài học: "phục vụ không phải để được danh vọng, quyền uy".
Vâng lời Thầy nên các môn đệ ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng, các ông không vui vì họ ít ra đã đóng góp trong phần thành công của bữa tiệc no nê hôm nay mà chỉ vỏn vẹn có "năm chiếc bánh và hai con cá" (Mt 14, 17). Phép lạ hoá bánh ra nhiều này là một chiến tích lẫy lừng. Một chiến tích mang lại cho họ những thành công mà họ đang mong mỏi đợi chờ. Một thành công làm cho họ phấn khích. Một thành công xứng với niềm mong mỏi mà các ông đã bỏ công đi theo Thầy Giêsu. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm Vua, cơ hội đó hôm nay đã đến nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội mà Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ nơi đó, bỏ lại những thành công trước mắt mà không phải hối tiếc. Bỏ lại tất cả để đi vào sứ vụ mới. Đó là ý Chúa Giêsu muốn. Đứng trước lời mời gọi này, các ông hết sức ngỡ ngàng, nuối tiếc; nuối tiếc đã dẫn các ông đến chỗ bất mãn, chán nản. Chán nãn, bất mãn gây cho các ông mệt nhọc. Mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Các ông đã bước đi nhưng bàn chân rã rời. Chân bước đi nhưng lòng mình còn bị níu kéo. Từng bước đi đang nặng trĩu cõi lòng. Nhịp đập con tim vẫn mãi dan díu. Ánh mắt con người ngoái lại đắng sau.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết rất rõ tâm trạng của học trò mình. Không những Ngài biết họ bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Bởi vì Ngài là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn mà! Các môn đệ chèo chống vất vả bởi lẽ thuyền các ông đi ngược với sóng gió và hơn nữa chính các ông còn gặp trở ngại lớn hơn là gặp ngược lại với cả ý muốn. Ý muốn của Chúa Giêsu lại ngược lại với ý muốn, ngược lại với sở thích của mình. Tư tưởng, ước muốn làm cho các ông cứ ở mãi trong vòng lẫn quẫn. Con thuyền đang gặp phải sóng gió chòng chành. Sóng trên biển cả. Sóng trong cõi lòng. Sóng dâng trong ước muốn. Sóng cứ mãi vỗ về. Sóng cứ mãi nhấp nhô. Từng đợt sóng cứ di chuyển. Sóng sau xô sóng trước. Sóng sau cao hơn sóng trước. Sóng đánh mất phương hướng. Sóng làm cho lòng người thêm rối rắm. Sóng vỗ tan vỡ tình người. Sóng vỗ tan tình hiệp thông. Sóng làm lạc xa niềm tin. Sóng làm cho lòng người nôn nao. Sóng càng da diết thì càng làm cho lòng người càng nuối tiếc! Sóng vô hình và hữu hình đang sánh đôi. Sóng vô tình ly tán. Ôi con sóng xôn xao!
Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài vẫn hiện diện. Ngài đến gần hơn. Ngài làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có quyền trên bánh ăn no nê, Ngài có quyền trên cơn sóng, Ngài có quyền năng trên biển cả. Ngài có quyền năng chế ngự thiên nhiên. Ngài có quyền năng và thấu suốt từng cơn sóng trong cuộc đời mỗi người. Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy. Đi trên sóng nước, Chúa Giêsu cũng để chuẩn bị cho các môn đệ tin vào thiên tính của Người. Vì chỉ có mình Thiên Chúa mới có được quyền năng như thế. Điều này mời gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương và quyền năng cứu sống của Chúa khi chúng ta phải đương đầu với những sự dữ do thiên nhiên hay những sự dữ bởi ma quỷ.
Nếu trong Cựu Ước, Môisen dẫn dân Do Thái đi qua Biển đỏ một cách an toàn thì trong Tân Ước, Thánh sử Matthêu cho chúng ta thấy Chuá Giêsu là Môi sen mới. Đấng nuôi dưỡng dân chúng nơi hoang địa cũng chính là vị Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái khỏi ách Aicập: "Con đường Người nằm trên sóng biển" (Tv 77, 20). Và sự chiến thắng trên sóng nước tử thần này thuộc về Chúa Phục Sinh, vì Chúa chế ngự sóng biển là cách diễn tả Chúa tỏ uy quyền trên thiên nhiên, trên sự dữ và như vậy Người cũng là Đấng chiến thắng sự chết. Ngài đầy quyền năng, có khả năng đem dân Chúa qua biển cuộc đời còn an toàn hơn nhiều và an toàn đến Thiên đàng vĩnh cửu.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa. Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa để Chúa làm nên cuộc đời chúng con như ý Ngài muốn. Xin dẹp tan những con sóng xô vô tình đang làm xon xao cõi lòng chúng con. Xin cho chúng con một niềm tín thác vào Chúa. Amen.
30.Hãy an tâm vì luôn có Chúa
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Chúa nhật vừa qua, chúng ta nghe thánh Matthêu thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 13-21), tiếp theo là biến cố Chúa biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9) và hôm nay chúng ta nghe tiếp Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (x. Mt 14, 22-33).
Êlia và Phêrô là hai nhân vật nổi bật của tuần này. Êlia chứng kiến ba sự kiện trên trái đất là gió bão, động đất và lửa, Thiên Chúa đều không hiện diện ở đó. Giữa sức mạnh của vũ trụ với tiếng gió hui hui, Êlia phải học phân định để nghe thấy lời trong thinh lặng, hay trong chính bản thân mình (x. 1V 19, 9a. 11-13a).
Trước khi đề cập đến Phêrô, chúng ta không thể không nói đến các môn đệ được Chúa Giêsu "giục xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước" (14, 22), còn dân chúng, những người Do thái được giải tán, theo một nghĩa nào đó, họ là "những người ở bên này". Việc các môn đệ phải "sang bờ bên kia", nghĩa là các ông phải vượt qua những thực tại hữu hình, tạm thời của thân xác, bước sang sự vĩnh cửu vô hình. Dĩ nhiên, các ông không thể cập bờ bên kia trước Chúa Giêsu; các ông phải trải qua kinh nghiệm không có Thầy, họ không thể tới bến bình an.
Có chuyện gì mà Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải xuống thuyền? Phải chăng là để chống lại cơn cám dỗ và các tình huống khó khăn? Chắc chắn có một cơn giống tố trong lòng các ông và ở biển hồ Galilêa. Vì chưa hiểu dấu chỉ phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên các ông đã theo dân chúng muốn tung hô Chúa làm vua! Giờ đây họ cảm thấy thế gian sợ hãi và xao xuyến biết bao!
"Người lên núi cầu nguyện một mình" (Mt 14, 23). Người cầu nguyện cho ai? Chắc chắn là cho dân chúng vừa giải tán, sau khi đã được ăn bánh no nê, họ không biết phải làm gì. Chúa Giêsu cũng cầu cho các môn đệ, ở giữa biển khơi đang bị kiệt sức bởi sóng đánh vì ngược gió khỏi mọi sự dữ. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha mà các môn đệ không bị chìm vì sóng to gió lớn.
Còn Phêrô, được Chúa Giêsu mời gọi bằng kinh nghiệm đức tin. Ông xin Thầy cho được đi trên mặt nước (x. Mt 14, 28). Chúa Giêsu đã ban cho ông quyền đi trên biển. Biển, tượng trưng cho mãnh lực của sự dữ và sự chết; Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là đi trên sự chết, thể hiện sự chiến thắng của Người trên sự dữ và sự chết. Toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh là ở chỗ Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và biển cả. Theo quan niệm của người Do thái, biển là sào huyệt của sự chết. Đi trên biển là liều chết. Chính sự rủi ro này mà khi Phêrô đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu, "xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước" (Mt 14,29), là ông giẫm chân trên sự chết. Nên không có lạ, khi ông nghi ngờ.
Chỉ khi Phêrô tin và phó thác vào Thầy, ông mới có thể đi trên mặt nước. Ông bị chìm xuống lúc ông nghi ngờ. Thấy gió mạnh, ông sợ, sự sợ hãi trước tai ương của thế gian này lại giúp cho ông tin vào quyền năng của Thầy. Chính lúc ông thôi tin vào Chúa, ông mất quyền đi trên biển, và chìm xuống. Khi đi được trên mặt nước chứng tỏ Phêrô tin, lúc chìm xuống cho thấy ông không tin. Thật là đức tin ngược đời, vì chính lúc ông không cậy dựa vào Chúa, ông bị chìm, ông lại kêu Chúa cứu.
Với lời kêu cứu của Phêrô: "Lạy Thầy, xin cứu con!" (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" (Mt 14, 31) Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. "Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trên biển: "Thầy đây, đừng sợ. Ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây", cũng là lời Chúa nói với các ông sau khi Chúa phục sinh " Tại sao các con run sợ, tại sao các con nghi ngờ… chính Thầy đây, hãy xem tay chân Thầy đây". Hai khung cảnh khác nhau về thời gian nhưng đều có một điểm chung là run sợ, kém lòng tin và nghi ngờ, cả hai lần Chúa Giêsu đều khẳng định "chính Thầy đây mà" (x. Lc 24; Mt 14).
Ở cuối trình thuật, các môn đệ được mô tả là những người tin khi sấp mình xuống thờ lạy Chúa. Còn Phêrô, mỏng giòn, yếu đuối, Chúa Giêsu lại trao Giáo hội cho ông. Chúa Giêsu sẽ đồng hành cùng Giáo hội. Như Phêrô, người yếu tin, chúng ta cần có bàn tay của Chúa kéo chúng ta lên, bước vào con thuyền Giáo hội để sang bờ bên kia.
Phần chúng ta, nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con giao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14,27). Amen.
31.Thầy đây, đừng sợ
Sau phục sinh, Chúa Giêsu hứa ở lại với các môn đệ cho đến ngày tận thế. Ngài đã thực hiện lời hứa đó trong Hội thánh, trong Bí tích Thánh thể để ở với từng người chúng ta cách đặc biệt và luôn nâng đỡ chở che cho chúng ta mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Trong đức tin, chúng ta được gặp gỡ Chúa và nhận được sự trợ giúp của Ngài. Xưa kia thánh Phêrô và các Tông đồ trong đêm tối chống chọi với sóng gió, họ sợ hãi vì không cảm thấy Chúa đang ở với mình. Ngay khi Chúa xuất hiện và tiến đến gần, họ cũng không nhận ra vì lòng còn bối rối. Thế nhưng, Chúa Giêsu không muốn các Tông đồ phải sợ hãi quá nhiều. Ngài đã lên tiếng xoá tan nỗi hoảng hốt của các ông: "Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô là người đầu tiên đáp lại lời Thầy nói, ông tỏ niềm tin vào Đức Giêsu và không còn sợ hãi những cơn sóng to gió lớn còn đang bạt vào thuyền: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài" (Mt 14,28). Trước niềm tin và sự hăng hái của Phêrô, Đức Giêsu đã ban cho ông đặc ân đi trên mặt biển. Tuy nhiên, khi đối diện với thực tế vượt quá sức phàm nhân, Phêrô bắt đầu sợ hãi, không ý thức vững vàng vào sự trợ giúp của Thầy. Chính lúc đó, thân phận phàm nhân của ông đã theo quy luật tự nhiên bắt đầu chìm xuống nước. Nhưng Phêrô đã biết kịp thời nài xin Chúa cứu giúp cho lòng tin còn non kém của ông. Lòng tin đó chỉ vững vàng sau ngày Chúa Phục sinh. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, lòng tin của các môn đệ dần dần tiến triển và hiểu rằng Đức Giêsu là Mêssia Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.
Ngày nay, nhiều lúc chúng ta cũng gặp những trường hợp giống như Phêrô, có những lúc cuộc đời gặp gian nan sóng gió, chúng ta hay quên rằng Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng trợ sức cho chúng ta, chúng ta dễ lo lắng, không nhận ra Chúa đang tiến lại gần chúng ta, không nhận ra Chúa đang nhắn nhủ hay nhắc nhở chúng ta. Thường khi, lúc gặp hoạn nạn chúng ta hay phiền trách người xung quanh không giúp đỡ, nhưng khi Chúa cho cuộc sống khá lên, chúng ta lại quên giúp đỡ những anh em kém may mắn hơn mình về vật chất và tinh thần. Thật ra, nhiều lúc Chúa cũng để cho chúng ta gặp khó khăn để thanh luyện chúng ta. Xưa kia, Chúa Cha cũng để cho Con mình gặp khó khăn vất vả đến chết vì muốn cứu độ chúng ta, Ngài đã vui lòng đón nhận những hình phạt mà loài người chịu trên Thánh giá. Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Ngài là Mêssia đau khổ đến cứu loài người khỏi nô lệ tội lỗi chứ không phải một vị vua trần thế đem lại lợi lộc vật chất theo ý loài người! Nếu chúng ta thật lòng yêu mến Chúa thì chúng sẽ đón nhận tất cả những gì Chúa gởi đến, dù là thánh giá hay hoa hồng, miễn là trong đó có dấu hiệu tình yêu của Chúa đối với chúng ta.
Chúa đến để nâng cao đời sống tinh thần, cho chúng con thoát khỏi sự lệ thuộc vật chất chóng qua chóng tàn này và hướng về sự thật vững bền. Đời này là đời tạm. Chúng ta không bỏ những bổn phận đời này nhưng biết hoàn thành bổn phận cho thật tốt: bổn phận kính Chúa và phục vụ anh em trong tình bác ái để xứng đáng nhận phần thưởng của Chúa trao, được kết hợp với Chúa và nên con Chúa đời đời trên Thiên đàng hạnh phúc.
Chúng ta hãy mạnh dạn xin Chúa cho mình vượt qua những khó khăn sóng gió cuộc đời như thánh Phêrô hôm nay. Những lúc gặp khó khăn như Phêrô đang bước đi trên mặt biển là lúc chúng ta kiểm chứng được niềm tin của mình: Chúng ta còn hoài nghi tình yêu của Chúa hay đã vững tin, chúng ta có thật là chứng nhân của Chúa chưa hay hoài nghi khi gặp thử thách gian nan? Chúng ta có mạnh dạn chèo thuyền để vượt qua những khó khăn hay buông xuôi và đổ thừa Chúa không giúp sức!
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến trợ giúp niềm tin yếu kém của chúng con. Xin cho chúng con ngày một trưởng thành trong đời sống đức tin, ý thức nhiệm vụ và bổn phận cải thiện cuộc đời mình, gia đình mình, xã hội mình đang sống theo sự hướng dẫn của Chúa trong Kinh thánh, qua Giáo huấn của Giáo hội, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong lương tâm của mình.
32.Yêu mến và tín thác vào Chúa Giêsu
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai Cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do Thái rời bỏ Ai Cập đến Biển Đỏ thì quân Ai Cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai Cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai Cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển. Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê. Trong dịp hành hương Đất Thánh vào Mùa Chay vừa rồi, tôi có đi thuyền ngắm trời mây sông nước trên Biển hồ Galilê.
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).
Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.
Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.
Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền. Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”.
Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài.
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên. Tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài là chúng ta sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời.
Lời Chúa gởi đến hai sứ điệp, yêu mến và tín thác nơi Chúa Giêsu.
1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an: Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bảo của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách. Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.
2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu: Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải: sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người: Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy. Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, thì càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm.
Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin
giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen (Mana).
33.“Đừng sợ… !!!”
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc các môn đệ Chúa Giê-su hoảng hốt sợ hãi trước sóng biển ba đào đe doạ cuốn trôi, nhất là giữa đêm khuya xuất hiện một bóng người từ xa đi tới trên mặt nước. Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giê-su thì lại lên núi cầu nguyện. Như thế, điều đầu tiên mà Tin Mừng hôm nay nhắm tới là Chúa Giê-su không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người, hoặc chỉ nhìn Chúa Giê-su dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giê-su cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ an tâm vì luôn có Chúa đồng hành. Đặc biệt với Tông Đồ trưởng Phêrô qua biến cố “suýt chìm” là một kinh nghiệm nhớ đời, huấn luyện ngài vững mạnh hơn cho việc dẫn lái con thuyền Giáo hội mà Chúa Giê-su sẽ trao phó cho ngài sau này.
Chúng ta cùng tập chú suy niệm qua hai ý tưởng sau đây:
1. Con người được mời gọi tham dự vào bản tính thần linh.
Câu chuyện được liên kết cách liên tục với những sự kiện:
– Chúa Giê-su đi trên mặt nước giữa đêm đen.
– Chúa Giê-su bảo: “Thầy đây, đừng sợ”
– Chúa Giê-su chấp nhận lời thỉnh cầu của Phêrô
– Chúa Giê-su đưa tay nắm lấy Phêrô
– Chúa Giê-su lên thuyền thì trời êm bể lặng.
Một chuỗi sự kiện trên chứng tỏ quyền năng và hành động của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Giê-su. Điều này mặc khải bản tính thần linh nơi Chúa Giê-su và mời gọi con người tham dự vào bản tính thần linh ấy.
Đi trên mặt biển và làm cho gió yên biển lặng là một điều vượt ra ngoài khả năng tự nhiên. Theo quan niệm Thánh Kinh, biển cả là không gian hoạt động của ma quỷ và bóng đêm là thời gian hoạt động của sự dữ. Việc Chúa Giê-su đi trên mặt biển giữa đêm đen và chế ngự chúng là chứng minh thiên tính của Người.
Một minh chứng về thiên tính nữa là khi Chúa Giê-su nói: “Thầy đây”, hay “Ta đây”, hoặc “có Ta”. Đây là lời mà chính Thiên Chúa mặc khải danh của Người cho Môsê trong Cựu Ước: “Yavê”, “Ta là”, “Ta có”, “Ta đây”, “Ta hiện hữu”. Đấng đã đến giải thoát Israel khỏi nô lệ Ai-cập, thì đây Đấng đến cứu độ giải thoát nhân loại khỏi ma quỷ và tội lỗi.
Hành động cho phép Phêrô cũng được bước đi trên mặt nước (nghĩa là cho con người được thông dự vào bản tính thần linh, chà đạp trên ma quỷ, sự dữ và tội lỗi) và nhất là Chúa Giê-su lặp lại hành động của Thiên Chúa khi đưa tay nắm lấy Phêrô lúc ông sắp chìm xuống biển đã được Thánh vịnh 18,17 viết: “Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông”.
Phêrô bước đi cách vững mạnh trên biển vì ông dám tin Người đi trên mặt nước là Chúa và dám bước xuống nước để đến với Người; nhưng khi đang bước đi, có thể ông cảm thấy tự hào và tưởng là mình tài giỏi, hoặc ông bắt đầu nghi ngờ liệu bóng người đàng kia là Chúa hay ma, thì ngay lúc đó Phêrô chao đảo, may mà ông vội kịp kêu xin Chúa cứu. Chúa mời gọi Giáo hội, cách riêng mỗi một người được thông dự vào bản tính thần linh của Chúa: Khi Giáo hội cũng như chúng ta tự tin vào khả năng mình để bước đi trên biển đời này thì chắc chắn sẽ bị những cám dỗ của ma quỷ và thế gian xô ngã, nên cần phải bước đi bằng niềm tin vào quyền năng của Chúa; khi bị chao đảo vấp ngã, hãy mau cầu xin Chúa đưa tay nắm lấy mình và mời Chúa lên thuyền với mình, nghĩa là cho Chúa bước vào trong cuộc đời mình.
2. Mời Chúa lên thuyền với mình giữa biển đời sóng gió.
Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… Tất cả làm cho người Ki-tô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng, đến nỗi không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma.
Tin Mừng kể lại, Chúa Giê-su đã trấn an: “Thầy đây đừng sợ”, rồi khi Người bước lên thuyền thì trời yên bể lặng.
Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ”, chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công, vì sợ hãi như là một bản năng sinh tồn và hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, nhưng cũng khiến ta cảnh giác hơn. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”.
Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Người luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Người luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Người ở bên.
Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin.
Khi Đức Giê-su lên thuyền, gió liền lặng. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa Giê-su, thì sự dữ, ma quỷ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi ánh sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lùi.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời” chúng con, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì do ma quỷ và thế gian bày ra có thể làm chúng con lo sợ và bị xô ngã. Amen.
34.Xin cứu con
Đời người từ khi sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc đời là một chuỗi dài của những tiếng kêu: kêu xin, kêu cầu, kêu cứu, kêu gọi... tiếng kêu ấy được biểu lộ với nhiều hình thức khác nhau: kêu khóc, than thở, nhờ vả, sợ hãi... điều này muốn nói lên rằng: con người không thể tự lo cho mình, không thể tự cứu lấy mình. Vì thế, con người cần phải sống liên đới với nhau, nhất là phải biết hướng lòng mình lên một Đấng siêu vượt trên mình để làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời của mình và đảm bảo cho cùng đích của mình.
Trong đời sống tôn giáo, khi con người biết mở miệng kêu xin lên Đấng mình tôn kính thì có nghĩa là họ đã có đức tin và đã biểu lộ đức tin của mình. Nhưng bất hạnh thay cho những ai kêu xin với Đấng mà mình không biết và không yêu mến.
Người Kitô hữu là người có Chúa Kitô trong mình và tin tưởng vào Chúa Kitô cũng như tin tưởng vào Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mạc khải. Chúng ta cần nhận ra sự thật căn bản này là: Thiên Chúa là Đấng tạo hóa, là Đấng dựng nên muôn loài và nuôi sống chúng, trong đó có chúng ta; còn chúng ta là tạo vật của Ngài. Chúng ta cần đến Ngài để được thương yêu và chăm sóc. Vũ trụ này là một bản trường ca tình yêu được viết lên nhằm thông truyền rằng: Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu thương mọi loài nói chung và yêu thương con người nói riêng.
Hãy kêu cầu Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Đừng ngại mở lời kêu xin Ngài. Không phải Thiên Chúa không thấy trước những nhu cầu của chúng ta, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta tự do bày tỏ tấm lòng của mình với Ngài. Nếu Thiên Chúa chỉ ban cho con người những gì họ kêu xin mà thôi, thì có lẽ rất nhiều người của chúng ta đã ra tro bụi lâu rồi. Bởi lẽ, những gì là căn cốt làm nên sự sống cho con người và vũ trụ đã được Thiên Chúa ban cho và gìn giữ liên tục. Có nhiều điều con người đã không hề thấy để xin nhưng Chúa vẫn ban cho vì chúng cần cho sự sống của con người. Còn những điều khác, Chúa muốn con người kêu cầu lên Chúa với mục đích duy nhất là biểu lộ sự gần gũi, thân tình và gắn bó giữa con người với Thiên Chúa, cũng như biểu lộ sự tín thác trọn vẹn của con người vào Thiên Chúa. "Ta muốn tình thương chứ không phải hy hy lễ". Quên kêu cầu Chúa và quên tạ ơn Ngài là thái độ vô tâm, vô ơn nhất của con người.
Khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với mình, các môn đệ hốt hoảng la lên. Đó là một tiếng kêu trong cơn bối rối và Chúa Giêsu đã đáp lời họ ngay "cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ". Rồi khi thấy mình sắp chìm xuống biển sâu, Phêrô lại kêu la: "Thưa Thầy, xin cứu con", và Chúa Giêsu đã đáp lời ông. Nếu ngày xưa, Chúa Giêsu đã ở gần các môn đệ thế nào, thì ngày nay, Ngài cũng ở kề bên chúng ta và cứu giúp chúng ta y như vậy. Có khác chăng là cách thức Ngài hiện diện với ta mà thôi. Chúng ta đừng dùng lối suy nghĩ của con người để suy đón về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong bài đọc 1, tiên tri Êlia cảm thấy hết sức buồn bã và đau khổ khi ông quyết tâm chống lại việc thờ ngẫu tượng mà bị nữ hoàng Dezebel tìm sát hại ông. ông đã chạy trốn vào sa mạc và trú ẩn trong một cái hang. Con người đau khổ ấy đã kêu xin Chúa và cầu mong cho mình được chết đi. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, ông đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa luôn ở gần bên ông để giúp sức cho ông và cứu thoát ông. Cũng chính khi đó, ông khám quá ra rằng: đường lối của Thiên Chúa không giống với đường lối của con người. Thiên Chúa đến với ông trong một cơn gió nhẹ chứ không đến với ông trong cơn giông bão hay động đất kinh hoàng như ông nghĩ tưởng. Khi Chúa đến với ông thì ông tìm được sức mạnh để tiếp tục hành trình của mình.
Cuộc đời của người Kitô hữu chúng ta chắc chắn cũng có những khoảnh khắc đau buồn và chán nản khi hết lòng sống cho niềm tin mà mình đã lãnh nhận nhưng lại bị người đời chống đối, bắt bớ và vu khống. Chúng ta hãy vững tin vào Chúa và không ngừng kêu cầu Ngài. Chính Ngài đang ở kề bên chúng ta và sẽ giải thoát chúng ta. Vì thế, ta đừng để mình lạc mất lòng tin nhưng hãy thành tâm kêu cầu Chúa.
Có người đến hỏi vị linh mục:
"Thưa cha, có nhiều lần con cầu nguyện với Chúa, nhưng sao con cảm thấy chán nản và thất vọng quá. Lời cầu của con không được Chúa đáp lại. Hơn nữa, những biến cố không may lại cứ dồn dập đến với con. Hầu như con không thấy Chúa can thiệp vào những sự kiện này cho con. Đôi lúc, con thấy Chúa ở thật xa. Thậm chí con còn thấy nghi ngờ sự hiện diện của Chúa nữa".
Vị linh mục lắng nghe và nhỏ nhẹ: "Này con, cha hằng cảm nhận rằng Chúa luôn ở với chúng ta. Nhưng vì con chưa thật sự phó thác vào Chúa, chưa kiên trì trong việc cầu nguyện và chờ đợi Chúa ban ơn; chưa kiên trì để khám phá ra ý Chúa trong cuộc sống của con. Vì con chỉ muốn nhìn thấy những thành quả ấy trước mắt con ngay mà lại không muốn chấp nhận thử thách trong đời sống của con. Con hãy kiên nhẫn và chờ đợi Chúa".
Rất nhiều người trong chúng ta cũng có những tâm trạng tương tự như thế trong cuộc sống của mình. Nhưng chúng ta hãy xác tín một điều là Chúa đang ở bên cạnh ta và không hề bỏ quên một lời kêu xin nào của chúng ta. Những gì Chúa chưa ban cho ta là vì chúng chưa cần thiết hoặc nguy hại cho đời sống đức tin của chúng ta mà thôi. Nhưng chắc chắn một điều là "Chúa sẽ kiếp giải oan cho những ai thành tâm tìm đến với Ngài".
35.Cùng phiêu lưu theo Chúa - AM Trần Bình An
Anh Maciek Kozierski, 26 tuổi, người Ba Lan, là người có thể chạy trên mặt nước dễ dàng như chạy trên mặt đất. Trước khi thực hiện màn chạy trên nước, anh Maciek Kozierski đã sử dụng một con diều và bay với tốc độ tối đa, sau đó anh đứng trên ván lướt và thả con diều ra, cách làm này để anh "cảm giác" được những bước đi trên mặt nước.
Để làm được như này, anh Maciek Kozierski đã phải tập luyện rất nhiều lần. Anh đã mất 4 ngày để "làm quen" với con sông Galilee ở Israel. Trong 4 ngày tập luyện này, anh mất tới 50 lần thử nghiệm mà không thành công, anh đã gặp phải không ít khó khăn như gió quá mạnh hay trời mưa… nhưng cuối cùng mọi việc cũng đã ổn.
Ngoài vấn đề về cách chạy, anh Maciek Kozierski còn phải chọn lúc biển lặng và gió không quá mạnh thì mới có thể thực hiện màn trình diễn của mình. Anh tự hào nói: “Những gì tôi làm hoàn toàn không có một chút thủ thuật gì.” (Zing)
Dù rất cố gắng tập luyện, anh Maciek Kozierski chỉ chạy bộ trên hồ Galilê theo quán tính, rồi cuối cùng cũng chìm lỉm, khi hết đà. Làm sao sánh nổi với Đức Giêsu nhẩn nha, bình tĩnh đi bộ trên biển hồ Galilê trong cơn bão?
Tin Mừng hôm nay, Thánh Matthêu thuật lại phép lạ thật bất ngờ. Trong khi vật lộn với bão tố trong đêm tối, các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước. Họ sợ hãi vì nghĩ đó là ma, nhưng Người bảo họ đừng sợ mà hay vững tâm. Người ra tay dẹp tan cơn bão, bước đến lên thuyền và cùng họ vào bờ.
Một chi tiết đáng chú ý trong câu chuyện này, vốn chỉ được chép trong Phúc âm Mátthêu, khi thấy Đức Giêsu, ông Phêrô bước ra khỏi thuyền, đi trên mặt nước để đến với Người, nhưng đang khi đi thì ông Phêrô bỗng sợ hãi và bắt đầu chìm xuống nước, Đức Giêsu đã cứu ông.
Thiên Chúa luôn an nhiên tự tại. Ngài là chủ tể vũ trụ, nên mọi loài, mọi vật, thời gian và không gian đều quy hướng về Ngài. Theo cảm nhận của ngôn sứ Êlia: Ngài không ở trong bão táp mưa sa gầm hú, chẳng ở động đất kinh khủng, cũng chẳng ở trong lửa đỏ nóng bỏng, mà hiện diện êm ái bình an trong cơn gió hiu hiu. (1V 19, 9A, 11- 13A)
Bình an trước cám dỗ
Sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều gấp vạn lần, có lẽ các môn đệ đã xuất sắc trở thành những “dư luận viên,” tác động dân chúng vừa được no thỏa, đồng lòng tôn vinh Đức Giêsu lên ngôi hoàng đế. “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.”(Ga 6, 15)
Chẳng phải lần đầu Đức Giêsu chịu cơn cám dỗ háo danh, ham hố quyền lực, phú quý, sang giàu, mà ngay trước khi đi rao giảng, Người đã thấm thía trải qua, khi Satan hứa hẹn trao cho tất cả vinh hoa lợi lộc các nước trên thế gian, nếu bái lạy, tùng phục quỷ vương.
Vũ khí chống lại dục vọng kiêu căng, tham sân si, mà Đức Giêsu sử dụng hiệu quả, chính là mũi giáo cầu nguyện và tấm khiên lao động, hãm mình, hy sinh. Người cách ly ngay các môn đệ khỏi đám đông, lệnh cho các ngài ra khơi. Còn chính Người giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện. Như thế mới vững vàng bình an trước cơn thử thách cám dỗ thế gian.
Đức Giêsu hẳn muốn nhắn nhủ các môn đệ: Hãy quên ngay đi chút vinh quang phù phiếm, quên đi những thành công ngoạn mục, quên đi những công trình giáo đường nguy nga mới kiến thiết, quên đi những thành quả rao giảng rực rỡ. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, mà con người chỉ có vinh dự tiếp tay hoàn thành. Bởi vì sự kiện, sự việc đó chỉ để vinh danh Thiên Chúa, chứ không phải tôn vinh bản thân, cá nhân bất cứ ai, vốn đều chỉ là tạo vật thừa hành. Diệt được dục vọng tham quyền cố vị, háo danh, háo lợi, thoát khỏi thói kiêu căng, hợm hĩnh, trở nên khiêm nhường, nhu mì con người mới được bình an đích thực trong Chúa.
Bình an trong bão tố cuộc đời
Cuộc đời ai cũng đều là một cuộc bể dâu, ba chìm bảy nổi, chín bấp bênh, chẳng ai có thể nắm tay qua đêm. Mọi thứ đều có thể xảy ra trong đêm tối giông tố cuộc đời. Nhưng giữa bão bùng, gió thét gầm hú, tưởng chừng sắp bị nhận chìm vào ba đào, thì Đức Giêsu vẫn luôn thương yêu quan tâm, mà âm thầm, lặng lẽ tìm đến an ủi, che chở, cứu giúp. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Nếu tỉnh táo, sốt mến liền nhận ra Người, hân hoan mừng rỡ và bình an ngay lúc hiểm nguy đó. Nếu không, chắc chắn buông xuôi chìm nghỉm, vì thất vọng ê chề, ngỡ là ma quái gọi hồn, sợ hãi la lên: “Ma đấy!” Vậy cứ vững lòng phiêu lưu cùng Chúa Giêsu trên hành trình Nước Trời, dù bao thử thách phong ba bão táp đe dọa.
Ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, tại quảng trường Thánh Phêrô, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:
“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Bình an trong Tin Cậy Mến
“Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 32-33) Khi có Chúa đồng hành, cư trong tâm hồn, khi tràn đầy lòng Tin Cậy Mến, thì lập tức có bình an, sự dữ bị khuất phục, đẩy lui. Tà thần sóng dữ, gió gầm đành bó tay, tan biến.
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27) Đừng bao giờ quên lời dặn ân cần chan chứa tình yêu nồng thắm của Đức Giêsu, Người là Đức Chúa, là Thầy, cùng là Bạn, và là Anh của chúng con.
“Đường con đi có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được. Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, đi như Cyrillô, Anathasiô,… Đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen.” (Đường Hy Vọng, số 693)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đưa tay cho ông Phêrô nắm lấy, thoát chết, xin Chúa tiếp tục nắm lấy tay chúng con, cứu chúng con khỏi sa chước cám dỗ, khỏi cạm bẫy ma quỷ, khỏi hiểm họa, tai ương trần thế, để được mãi bình an của Chúa trao ban.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu, che chở, giúp đỡ và ban sức mạnh chúng con chiến đấu khải hoàn những mưu ma chước quỷ, những cạm bẫy thế gian và những ham muốn dục vọng thấp hèn của chúng con, để chúng con được bình an trong Chúa. Amen.
36.Đã tin và chưa tin
(Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương)
Như có lần chúng ta đã nói: Sống là một hành trình tìm kiếm liên lĩ, tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa tối hậu cuộc đời. Có bao nhiên con người thì có bấy nhiêu cuộc hành trình. Với người kitô hữu, hành trang cuộc đời không gì khác hơn là Đức Tin. Đức tin là kim chỉ nam, là bảng chỉ đường hướng dẫn chúng ta đi tới mục đích.
Vậy thì tin có nghĩa là gì? Sách Giáo lý Công Giáo mới có một đĩnh nghĩa rất vắn gọn: "Tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải và hiến mình cho con người, khi ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình" (s. 26).
Tin không phải là tin vào một cái gì, vào một học thuyết, một ý thức hệ, một số lề luật, nhưng tin chính là gắn bó, là gặp gỡ, là bước theo một Con Người, và để Con Người đó hướng dẫn ta, chỉ cho ta biết đâu là hạnh phúc đích thực và ý nghĩa tối hậu cuộc đời. Con người đó có tên là Đức Giêsu Nazareth. Như thế tin là sống với, sống như, sống cho Đức Kitô và cùng với Người bước đi trong cuộc đời này.
Những sóng gió của Đức tin
Nhưng sống niềm tin vào Đức Kitô đó trong bối cảnh của ngày hôm nay đang gặp sóng gió mà Lời Chúa hôm nay nói tới với những hình ảnh đầy tính biểu tưởng.
Nếu "biển" là biểu tượng của cuộc đời này, thì sóng gió là những thử thách và trở ngại của con thuyền Đức tin.
Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng: Các môn đệ và nhất là Phêrô là những người "đã tin mà vẫn chưa tin", đã tín thác mà vẫn còn hoài nghi ngờ vực, khi họ phải đối diện với sóng gió cuộc đời. "Thấy Chúa đi trên biển, họ hoảng hồn mà nói rằng: Ma kìa"! Đúng là những người kém tin, nên mới "nhìn gà hóa cáo" thôi. Trước những khó khăn, họ không còn nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Chúa nữa!
Nhìn vào các tông đồ để chúng ta cũng soi bóng mình và thấy mình ở trong đó. Các tông đồ và Phêrô chính mỗi người chúng ta, những người đã tin mà vẫn còn chưa tin.
Ngày hôm nay chúng ta đang bị thử thách bởi một nền văn hóa vắng bóng Thiên Chúa (nhiều người thấy Chúa tưởng là ma, thấy ma tưởng là thiên thần, thấy thiên thần tưởng là quỉ dữ!), một nền văn hóa đề cao tiền bạc, tính dục, và hưởng thụ cá nhân. Sự hấp dẫn của chúng đã khiến nhiều người bỏ Chúa để chạy theo những lối sống dễ dãi, thực dụng và vì cái lợi trước mắt mà quên nhân phẩm và đạo lý của mình.
Cũng như các môn đệ, khi bình an, thành công, thì chúng ta dễ dàng tin Chúa, đến với Chúa, nhưng những khi hoạn nạn, thất bại thì chúng ta thất vọng, bỏ Chúa, không cầu nguyện và đến nhà thờ nữa, như bài thơ Dấu Chân Trên Cát diễn tả: khi bình an yên ổn thì con nhận ra dấu chân Chúa bên cạnh dấu chân con, lúc con đau buồn lẫn cô đơn. Con chỉ thấy một dấu chân trên cát. Nhưng Chúa trả lời, chính lúc đó lúc Ta đang ẳm bồng con!
Phải có một Đức Tin mang tính cá vị để khám phá sự hiện diện của Chúa
Trước những thử thách của cuộc sống, mỗi người chúng ta phải có một Đức Tin mang tính cá vị vào Đức Kitô. Có nghĩa là Đức Tin đó phải dựa trên một xác tín, một chọn lựa và dấn thân riêng của tôi để sống gắn bó với Chúa mỗi ngày. Dù có nhiều lối rẽ, cám dỗ mời mọc hấp dẫn, tôi vẫn xác tín rằng: Chỉ có Chúa mới mang lại cho tôi ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc bền vững. Dù có bị thử thách, bị chao đảo, nhưng tôi xin chọn "Chúa là gia nghiệp của riêng mình" (Tv 32, 12b), tôi vẫn bám lấy Chúa, trung thành với Chúa cho đến cùng. Đức tin như thế là cuộc gặp gỡ mang tính cá vị với Đức Giêsu, chỉ có đức tin đó mới giúp chúng ta vững vàng trước sóng gió cuộc đời và chỉ có Đức Tin đó mới giúp chúng ta khám phá sự hiện diện, dấu chân và cánh tay yêu thương của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
Lạy Chúa, con thuyền đức tin của Chúng con đang bị sống gió cuộc đời vùi dập, xin Chúa ban cho chúng con có một Đức tin sống động, mang tính cá vị và biết tĩnh thức, để dù có phải trải qua những thử thách, chúng con vẫn trung kiên theo Chúa đến cùng. Xin cho cặp mắt đức tin của chúng con luôn sáng ngời để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời chúng con. Amen!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam