Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 63
Tổng truy cập: 1359336
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Chúa Giêsu đã đến trần gian, nhập thể, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, nhưng Ngài không giống ai cả. Ngài làm nổ tung tất cả những suy nghĩ, những lý thuyết của chúng ta.
Hôm nay, chúng ta nghe Ngài dạy các tông đồ một bài học lạ lùng. Đang lúc danh tiếng Ngài lừng lẫy, dân chúng nô nức theo Ngài để nghe Ngài giảng và cũng vì thấy dấu lạ Ngài làm, nhưng Ngài lại thông báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người”. Đó là một tin buồn. Thánh Maccô ghi lại: “Các môn đệ không hiểu lời đó và các ông không dám hỏi Người”
Họ không thể hiểu và cũng không dám hỏi gì cả. Tại sao?
Thực ra họ hiểu nhưng theo chiều hướng của họ. Đây là lần thứ hai Ngài loan báo cái chết của Ngài. Thế nhưng họ vẫn không dám hiểu. Nếu ai báo cho chúng ta một tin như thế, chúng ta hiểu thế nào? Chắc hẵn chúng ta sẽ hoài nghi và sợ. Các môn đệ cũng thế thôi, họ hiểu nhưng nghĩ rằng chuyện đó không thể xảy ra. Lần trước, khi Chúa loan báo như thế, Phêrô đã phản ứng mãnh liệt, lần nầy thì sợ không dám hỏi Thầy. Có lẽ họ nghĩ rằng không đến nỗi thê lương đến như vậy. Hơn nữa, họ đang nuôi hy vọng là sẽ có ngày làm lớn, được vinh dự với Thầy. Những ước mơ đẹp đã lấn át những lo âu của hôm nay.
Về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi: “Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì?” Các ông không dám trả lời vì họ đang cãi nhau xem ai sẽ là người lớn nhất.
Chúng ta nhận thấy rằng, tâm hồn họ đang hướng về một hướng khác. Họ đang mơ mộng và không mấy chú ý đến lời Thầy loan báo tai nạn đang gần kề.
Về đến nhà. Đây là lúc thuận tiện để cho họ một bài học để đời. Ngài ngồi xuống như một vị tôn sư giữa một đám môn đệ ngơ ngác. Và từng tiếng Ngài dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.
Một câu nói đơn giản đã quét sạch tất cả những mơ mộng “làm lớn”của các ông. Họ nghĩ gì khi nghe Thầy nói như thế? Chắc các ông đã cúi mặt xấu hổ. Và chúng ta nghĩ gì khi nghe Chúa nói như thế?
Ai trong chúng ta đều ước mong làm vua thiên hạ, muốn “nổ” và chúng ta đã làm hết khả năng để có “một chỗ đứng trong mặt trời”. Chúng ta nhìn quanh xem người ta đang làm gì? Người ta đang tranh nhau, chà đạp lẫn nhau vì một mối lợi, vì đồng tiền, vì danh giá. Người mạnh đè bẹp người yếu…
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta một bài học đáng giá: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Những lời nói làm đảo lộn tất cả đường lối của con người. Chúng ta có thể chấp nhận không? Đây có phải là ngu ngốc không? Có mấy người trong chúng ta dám làm người rốt hết, làm đầy tớ cho mọi người?
Chúa Giêsu không đòi buộc gì cả. Ngài chỉ đưa ra một đường lối.
Nhìn vào Chúa đi, chúng ta thấy gì? Chúng ta nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, là Đấng nắm chủ quyền trên trời dưới đất, nhưng Ngài đã làm người, “mặc lấy thân nô lệ… Ngài đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và… ban mạng sống làm giá chuộc cho muôn người.
Đó là khuôn mặt của Thiên Chúa và Thiên Chúa Tình Yêu. Cuộc đời của Ngài là cuộc đời cho không, phục vụ và yêu thương đến tận cùng. Ngài là Tình Yêu tuyệt đối. Trước khi lên thập giá để biểu lộ tình yêu của Ngài, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và căn dặn: “Anh em hãy rửa chân cho nhau”.
Và cuối cùng Ngài đã chấp nhận chết cho con người, “ban mạng sống làm giá chuộc cho muôn người”. Hành động chứng minh cho lời Ngài nói. Cha Huvelin đã nói: “Chúa Giêsu đã chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai dành được chỗ đó của Ngài”.
Hãy nhìn vào khuôn mặt của Chúa để thấy rõ khuôn mặt của chúng ta, để thấy sự khác biệt.
Sự tranh đua, giành giựt trở thành luật của con người. Ngay cả trong gia đình, anh em ganh ghét nhau, hãm hại nhau… Bệnh ganh tị trở thành một thứ dịch bệnh tràn lan khắp nơi, kể cả trong những tu viện. Thế giới hôm nay trở thành một bức tranh thê thảm chỉ vì người ta không biết bài học của Chúa chúng ta.
Chúng ta dám trở thành những khuôn mặt của Chúa trong trần gian không? Những con người xả thân vô điều kiện? Làm người rốt hết và phục vụ vô điều kiện là vũ khí Chúa dùng để chinh phục các linh hồn. Chúng ta hãy trở thành những chiến sĩ của khiêm tốn và phục vụ.
Chúa lại nói đến việc tiếp đón trẻ nhỏ. Ở đây chúng ta có thể hiểu rằng, trẻ nhỏ là những kẻ không có tiếng nói, không vũ khí, những người chỉ có sự yếu kém làm hành trang. Tiếp đón một em bé là tiếp đón Thầy. Chúng ta có hiểu được tầm quan trọng của sự tiếp đón đó không? Ngài đang khốn khổ trong những người khốn khổ, Ngài làm như đang cần đến chúng ta: “Làm một điều gì cho một người anh em bé nhỏ của Thầy là làm cho chính Thầy”.
Thiên Chúa đến với chúng ta hôm nay, không phải trong sấm sét hay lửa hỏa hào như trên đỉnh núi Xinai thuở nào, mà trong khuôn mặt của người anh em thống khổ, bị chà đạp, bị bóc lột tận xương tủy, nằm trên giường bệnh mà không ai biết đến… Sự thống khổ hôm nay dâng trào như một làn sóng thần, phủ lấp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta, những người tin Chúa, Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Chúng ta là tập thể, tại sao chúng ta không cùng nhau dấn thân phục vụ như Chúa? Phục vụ không chỉ bằng tiền bạc, bằng công khó mà thôi mà phải bằng con tim, bằng cầu nguyện, bằng cố gắng hằng ngày để sống yêu thương thực sự. Một hành động yêu thương là một viên gạch xây dựng Nước Trời.
Chúa Giêsu tiếp tay với chúng ta. Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài vẫn ở với chúng ta trong phép Thánh thể, nuôi dưỡng chúng ta, phục vụ chúng ta dưới hình thức khiêm tốn nhất. Ăn lấy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm tốn mỗi ngày, sao chúng ta không thành Chúa? Bữa tiệc tình yêu của Ngài không mang lại lợi ích gì cho chúng ta sao? Ăn lấy Tấm bánh Tình yêu nầy, chúng ta phải trở nên tình yêu sống động, nhiệt thành, không mệt mỏi mới có thể đáp lại tình yêu vô biên của Ngài. “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.
25.Chúa Nhật 25 Thường Niên
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Lần thứ hai Chúa Giêsu cho các môn đệ biết về số phận của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại”.
Đây là lần thứ hai, Người đề cập đến vấn đề nầy. Thánh Maccô đã chú thích: Ngài nói không úp mở; nghĩa là rõ ràng. Nhưng lần này Thánh Maccô lại nói rõ: “Các môn đệ không hiểu Ngài muốn nói gì và các ông sợ không dám hỏi Người”.
Các môn đệ không hiểu, nhưng chúng ta có hiểu không?
Chúng ta đã nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều hơn các môn đệ, nhưng hình như chúng ta cũng chẳng hiểu gì. Tâm trí chúng ta mù tối. Hình như Chúa Giêsu là một người xa lạ. Ngài sống hay chết, chúng ta cảm thấy như ngoại cuộc, người dưng nước lã.
Giữ đạo là gì?
Đâu phải chỉ là những nghi thức phải giữ, những lề luật phải tuân hành!
Giữ đạo chính là gắn bó với Chúa Giêsu đến nỗi thân phận của Ngài trở nên thân phận của chúng ta. Cái gì liên hệ đến Ngài là liên hệ đến chúng ta. Phải là một với Ngài như vợ chồng thương nhau.
Chúng ta có cảm thấy cuộc sống chúng ta liên hệ mật thiết với Ngài không?
Thánh Phaolô đã đạt đến mức độ đó: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Chúa Kytô sống trong tôi”.
Tuy chúng ta chưa đạt đến mức độ thâm sâu đó, nhưng chúng ta có xem đó như mục tiêu chúng ta phải đạt đến không? Và từng ngày, chúng ta nhắm đích điểm đó để tiến tới. Tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Không có tình yêu, tất cả chỉ là vô nghĩa. Tình yêu của Chúa Giêsu mới mang lại cho chúng ta lẽ sống và ý nghĩa tròn đầy của nó. Thánh Phaolô đã nói rõ điều đó: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa…Giả như tôi được nói tiên tri và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”.
Các môn đệ không hiểu lời Chúa nói vì đó chỉ là tiên báo, còn chúng ta, đó không còn là tiên báo mà đã trở thành hiện thực rồi. Chúng ta chưa hiểu sao? Chúng ta không thấy tử tội trên thập giá hay sao? Sao chúng ta vẫn chưa hiểu? Ngài đã yêu thương chúng ta đến như thế, chúng ta vẫn dửng dưng, lòng trí chúng ta vẫn mù tối đến mức độ nào nữa?
Phải nhận chân rằng chúng ta vẫn chưa hiểu tình yêu của Ngài, làm sao có thể yêu Ngài như Ngài đáng được yêu?
Các môn đệ không thể hiểu vì việc đó chưa xảy ra, họ không thể nghĩ rằng số phận của Thầy bi đát đến thế. Còn chúng ta, chúng ta đã thấy, đã nghe, chúng ta vẫn không hiểu. Làm gì hơn nữa để chúng ta biết được rằng Ngài đã yêu chúng ta đến chết và chết trên thập giá? Tại sao Ngài phải lãnh nhận một thân phận đau đớn như thế?
Chúng ta chưa hiểu, nhưng chúng ta có cố gắng tìm hiểu hay không? Đó chính là vấn đề cần phải lưu tâm.
Khi về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi ngay: “Dọc đường anh em bàn tán với nhau việc gì vậy?” Họ không trả lời vì dọc đàng, các ông đã cải nhau xem ai là người lớn hơn cả…”
Đây là một bài học khác mà Chúa Giêsu muốn dạy các ông. Ngài đã biết mọi sự, nhưng Ngài muốn các ông ý thức hơn.Vì thế Ngài nói ngay: “Ai muốn là người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.
Thoạt nghe như thế, chúng ta tưởng như Chúa đảo lộn tất cả, nhưng Chúa chỉ nhắc lại một điều bình thường , chính chúng ta mới đảo ngược. Xin đan cử một ví dụ: cha mẹ là gì của con cái? Cha mẹ sinh ra con, đúng ra cha mẹ có quyền trên con mình; nhưng nghĩ cho cùng, cha mẹ chỉ là đầy tớ của con cái. Vậy là đúng với điều Chúa nói: “Ai muốn làm lớn, phải là người rốt hết…” Chính chúng ta đảo ngược chứ không phải Chúa.Thế gian không biết phục vụ. Người lớn cứ tưởng mình có quyền sai khiến người nhỏ hơn mình, buộc người dưới quyền phải phục vụ mình nhưng phải là người phục vụ mới đúng. Chúng ta cần thiết lập lại trật tự đầu tiên.
Chính Chúa Giêsu đã thiết lập lại những gì con người đã đảo lộn. Chính Ngài trở thành con người phục vụ: “Ở giữa chúng con, Thầy là tôi tớ”. Ngài là Thiên Chúa, Ngài biết quyền lực của Ngài, Ngài biết Ngài là Thiên Chúa toàn năng, thế nhưng Ngài đã “chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai giành được chỗ đó của Ngài”. Chúng ta nghĩ sao?
Các môn đệ tranh nhau chỗ cao nhất. Chúng ta nhớ câu chuyện của hai anh em con ông Giêbêđê: bà mẹ của hai anh em nầy đến xin Chúa Giêsu cho hai đứa con mình một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả. Chúa Giêsu không trả lời mà chỉ mời gọi họ uống chén của Ngài. Uống chén tức là thông dự vào cuộc khổ nạn, chịu chết với Ngài.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài cho đi. Đó là định luật căn bản Ngài thiết lập khi tạo dựng con người. Chúa Giêsu là Tình Yêu, Ngài luôn giữ đúng định luật đó. Chúng ta thì không. Thế gian đã đảo ngược định luật của Ngài. Chúng ta cần trở về nguồn để tìm lại một nếp sống thực sự là Công giáo, tức là sống cho tình yêu, sống cho tha nhân chứ không chỉ sống cho bản thân mình. Lề lối thế gian đã ăn sâu vào trong chúng ta đến nỗi chúng ta không còn biết cho đi mà gom góp. Chúng ta không còn biết yêu thương là gì?. Hãy thành thật nhìn lại nếp sống của chúng ta, chúng ta đã sống cho ai? Chúa Giêsu đến, phá đổ thành trì ích kỷ của chúng ta, Ngài dẫn chúng ta đi vào con đường của Ngài và chúng ta la hoảng lên vì sợ người khác dẫm lên chúng ta. Chúng ta sợ thua kém người khác.Vậy bài học khiêm tốn của Chúa Giêsu, chúng ta đã để ở đâu?
Thiên Chúa là sự khiêm tốn. Cha Henri Varillon đã viết một quyển sách để chứng minh cho mọi người Thiên Chúa khiêm tốn như thế nào, chỉ vì Ngài là Tình Yêu. Chúng ta không thể đi con đường nào khác. Thế gian không biết yêu thương là gì, vì thế họ cũng không bao giờ biết khiêm tốn là gì. Chỉ có con người biết yêu thương mới khiêm tốn và ngược lại con người biết khiêm tốn mới biết yêu thương. Và khiêm tốn mới có thể phục vụ.Phục vụ mới đem đến hạnh phúc. Ông Gandhi, một vị anh hùng hiếm có trong thế giới đã nói rất chí lý:
“Đêm ngủ, tôi mơ thấy đời là hạnh phúc.
Khi tỉnh giấc, tôi thấy đời là phục vụ.
Khi phục vụ, tôi thấy đời là hạnh phúc”.
Một người không phải là công giáo đã tìm được con đường của Tin Mừng. Ông đã thuộc lòng sách Tin Mừng mặc dù ông không là người Công giáo. Thật đáng cho chúng ta khâm phục!
Tất cả những ai Giáo Hội tôn phong hiển thánh đều là nhưng con người phục vụ tối đa. Thánh Gioan Maria Vianney đã phục vụ các linh hồn trong công việc Mục vụ, nhứt trong Tòa giải tội. Thánh Gioan Boscô phục vụ các thanh thiếu niên bụi đời đến chết. Thánh Đamiên phục vụ những người cùi. Thánh Maximilianô Kolbê đã chết để cứu một người tù. Chúng ta đã phục vụ ai chưa? Phục vụ đến mức độ nào?
Trên hết, Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta đến chết trên thập giá, và giờ đây vẫn còn phục vụ chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Nét phục vụ của Ngài không ai so sánh được, và Ngài đang mời gọi chúng ta làm như Ngài, trong thực tế của hôm nay. Hãy đi vào con đường của Ngài, chúng ta sẽ thấy cuộc sống chúng ta phong phú và tuyệt diệu.
26.Người làm lớn
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Trong xã hội loài người, ít ai chọn cái cực khổ, bần hàn, thấp kém. Người ta lo tranh giành cái sung sướng, lợi lộc, vinh hoa. Ai lại thèm khát chức quyền là vì mưu cầu lợi ích quốc gia? Ai lại ra công tìm cho mình một chiếc ghế ông lớn vì mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh? Ai lại dùng đủ mọi xảo thuật gian tà tranh giành một địa vị quan trọng vì nghĩ đến chuyện ấm no hạnh phúc của toàn dân?
Con số những người lãnh đạo đất nước giữ được lòng công chính may ra đếm được trên đầu ngón tay. Bởi vì, quyền lực và tài sản công của đất nước luôn cám dỗ đức công chính của người lãnh đạo. Điều đó càng hiển nhiên hơn trong những xã hội không muốn biết đến Thiên Chúa và Đức Công Chính của Người. Đức Công Chính của Thiên Chúa vẫn còn réo gọi trong lương tâm họ, nhưng họ không muốn nghe theo, vì nghe theo Đức Công Chính thì đành bỏ mất cơ hội kiếm chác – bất hợp pháp cách nào cũng làm cho thành hợp pháp!
Chuyện này không phải mới hôm nay, mà đã từ ngàn xa xưa trước, không chỉ ở đất nước này, mà là khắp nơi. Bất kỳ ai làm người cũng đều bị Satan cám dỗ thèm khát quyền lực, thèm khát bả vinh hoa phú quí. Nếu không chiến thắng nổi cơn cám dỗ ấy, có nghĩa là phải quy phục Satan, biến thành kẻ gian ác và làm theo lệnh của nó: chống lại, bức bách, hãm hại người công chính. Bởi vậy, sách Khôn Ngoan viết rằng: “Những kẻ gian ác nói: "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật” (Kn 2, 12).
Từ xưa đến nay, chuyện thanh trừng nhau giành chỗ ông lớn ngay trong một đảng phái chính trị không phải là hiếm hoi, nhưng lại là chuyện thường ngày như chuyện xử nhau của bọn giang hồ, dao búa, hoặc của những kẻ vô học, hoặc của những tên có chữ mà không có nghĩa! Chuyện hãm hại nhau trên thương trường cũng nhan nhãn đến mức giết người không gớm tay. Tất cả đều bắt nguồn từ tham vọng bảo vệ và phát triển cái vốn liếng bất lương mà ma quỷ đã ban cho. Chuyện thanh trừng nhau bỗng rộ lên từ bí mật đến công khai vào những lúc tranh sáng tranh tối, lúc một mất một còn của một chính thể. Thật đáng quí, đáng kính nể những người có lương tâm ngay thẳng, có tiếng nói thật thà, có ước nguyện đả phá cái bất công và xây dựng sự công chính ngay trong những guồng máy gian tà. Họ bị trù dập, cách chức hoặc bi hãm hại, bị ám sát vì lẽ công chính. Họ là người công chính, chung số phận với Chúa Giê-su như sách khôn khoan đã nói: “Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó” (Kn 2, 19 – 20).
Từ chuyện làm lớn trong xã hội, đến chuyện làm lớn trong làng xóm, trong gia đình cũng không khác là bao. Ai làm ông thôn, ông xóm, ai có tiền hơn, giàu có hơn, là có quyền thế hơn, “miệng có gang có thép” hơn, được nể nả hơn và có thể xem người khác chẳng ra gì. Vợ chồng tranh nhau quyền làm chủ gia đình. Ai làm ra kinh tế thì mặc nhiên có quyền bính hơn, coi thường lấn lướt người kia. Cả con cái, đến lúc ổn định cuộc sống rồi, khấm khá rồi, nên ông kia, nên bà nọ rồi, nhìn cha mẹ già như một gánh nặng, một món nợ đời. Ai phục vụ ai?
Có vẻ như người ta đang đánh mất dần ý nghĩa “Phục Vụ” nhau, mất dần “Đức Công Chính” trong cuộc sống hôm nay, từ trong gia đình đến xã hội, thậm chí cả trong các sinh hoạt của Giáo Hội!
Chúa Giêsu đến trong xã hội loài người để tái lập một nền Công Chính của Nước Thiên Chúa bằng việc Thiên Chúa nêu gương phục vụ cho con người, để con người biết phục vụ nhau cách trân trọng nhất.
Trong trang Tin Mừng hôm nay, các môn đệ, những người gần gũi nhất với Chúa Giêsu cũng không hiểu ý định yêu thương, khiêm tốn phục vụ, sống vì hạnh phúc tha nhân của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Những tưởng, theo ông Giêsu tài phép này chắc chắn cũng sẽ tìm được một chỗ đứng, một vị trí trên hàng chóp đỉnh quyền lực và danh vọng của đất nước Do Thái. Bởi vậy mới có chuyện họ tranh luận với nhau xem ai cao trọng hơn ai, ai làm lớn hơn ai, ai sẽ vào bộ chính trị, ai giữ bộ tài chính, ai nắm ngoại thương... Nhưng không ngờ Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ hãy bỏ ngay cái ý tưởng ám muội của loài người ấy đi, vì đối với Thiên Chúa thì: "Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35).
Chúa Giêsu đã dạy như thế và đã sống trọn cuộc đời như thế. Người đời, dùng chân lý này làm chiêu bài lừa bịp với khẩu hiệu rằng: “Lãnh đạo là đầy tớ nhân dân”, “Cán bộ là đầy tớ nhân dân”. Nói như thế, nhưng chẳng bao giờ làm như thế. Ai đầy tớ ai? Ai phục vụ ai?
Còn chúng ta thì sao?
"Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" hẳn phải là kim chỉ nam cho tất cả mọi tín hữu trong đời sống Đức Tin và đời sống Giáo Hội, là kim chỉ nam cho mọi thành phần trong Giáo Hội. Trong chuyến viếng thăm Liban ngày 16-9-2012 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 nói: “Một đòi hỏi khẩn thiết đối với Giáo Hội là phục vụ và, đối với các tín hữu Kitô, là phải trở thành những người phục vụ đích thực theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong căn tính các môn đệ của Chúa Kitô (Xc Ga 13,15-17)
Những con người bị cho là cùng đinh, thấp bé nhất dưới cái nhìn xã hội không thể cũng bị xem là cùng đinh thấp bé nhất dưới cái nhìn của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Kitô nhìn loài người, nhìn vạn vật với con mắt Chúa Kitô. Bao lâu trong Giáo Hội chúng ta, kẻ bề trên bề dưới, nhìn nhau với con mắt xác thịt loài người, con mắt cao, con mắt thấp, thì bấy lâu, chưa thực sự là Giáo Hội Chúa Kitô. Tiếng nói của Dân Chúa chưa hẳn là tiếng nói của những người đại diện Dân Chúa, nếu những người đại diện ấy chưa muốn lắng nghe, chưa ghi nhận tiếng nói của những kẻ cùng đinh, thấp bé nhất, ít học nhất trong Giáo Hội để quan tâm đáp ứng.
Là Tín Hữu Chúa Giêsu, là môn đệ Chúa Giêsu hẳn phải là người chung số phận với Chúa Giêsu: số phận của người công chính, số phận của những đầy tớ phục vụ anh em, số phận những người nhẫn nai chịu nhục mạ, chịu kết án, chịu đóng đinh và chịu chết vì sự Công Chính của Nước Thiên Chúa. Như vậy, số phận của Kitô hữu đã đành rành: được sinh ra, sống yêu thương phục vụ mọi người, làm chứng cho Đức Công Chính của Thiên Chúa, cùng chết với Đức Kitô, cùng sống lại với Người.
Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần gìn giữ chúng ta đừng bị vướng vào bẫy của Satan, để rồi tranh nhau cao thấp mà quên việc chính của chúng ta ở đời là phục vụ cách trân trọng nhất. Đừng vì muốn làm ông lớn mà “ganh tị và cãi vã, sinh ra hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”, nhưng hãy làm người phục vụ như Chúa Giêsu đã yêu thương khiêm tốn phục vụ. Thánh Giacôbê nói, đó là “sự khôn ngoan từ Trời xuống, trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình” (Gc 3, 16 – 4, 3).
Lạy Chúa, xin cho Lời Ngài thức tỉnh những ai đang tranh giành quyền lực biết theo gương Ngài mà phục vụ nhân loại các chân thành. Xin cho mọi người trong Giáo Hội biết phục vụ nhau cách trân trọng nhất, nhất là đối với những người thấp bé cùng đinh. Amen.
27.Hãy cùng dìu nhau tiến bước
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất và tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.
Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và quay lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:
- Như thế này em sẽ thấy tốt hơn.
Cô nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.
Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.
Cuộc đua nào cũng cần chiến thắng. Nhưng chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng vươn lên, dù ta phải chậm một bước. Bởi lẽ đó, nền văn minh thực sự chỉ có khi con người cùng dìu nhau tiến bước. Không để ai ở lại phía sau. Không đạp đổ ai ngã quỵ. Nhưng cùng nhau vun trồng cây tình thương giữa nền văn minh hôm nay. Cuộc đời sẽ không còn khoảng cách quá xa giữa người giầu và người nghèo, và phẩm giá con người được tôn trọng khi nhân loại biết xiết chặt vòng tay và dìu nhau tiến bước.
Nhưng đáng tiếc cho nhân loại chúng ta, có quá nhiều người tham quyền cố vị. Họ cần địa vị, cần có chức, có quyền để “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ. Họ đua nhau leo lên đài cao danh vọng để hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà chức tước sẽ mang lai cho họ. Vì quyền, vì lợi mà biết bao người đã chẳng ngại lừa thầy, phản bạn, sống vô ơn, phản phúc. Vì bổng lộc mà biết bao người đã chẳng sợ đánh mất nhân phẩm của mình để chà đạp người dưới và tâng bốc, luồn cúi cấp trên. Có mấy ai sống vị tha, sống quên mình vì lợi ích đồng loại?
Năm xưa, Chúa Giêsu đã rất đau buồn khi nghe các môn đệ thân tín của mình đang kèn cựa nhau địa vị và bổng lộc. Nỗi lòng của Thầy, các môn sinh đâu muốn chia sẻ. Chúa Giêsu thật cô đơn. Cô đơn vì chẳng ai hiểu mình. Cô đơn vì các môn sinh vẫn còn đó bản tính vụ lợi. Chẳng ai nên giống Thầy Chí Thánh. Thầy quên mình vì lợi ích nhân sinh. Trò lại lo vinh thân phì gia. Thầy đang đi dần đến đỉnh cao của hiến tế để cứu độ nhân loại, các môn sinh lại tìm kiếm vinh hoa phú qúy trần gian.
Chúa Giêsu đã không ngần ngại đặt thẳng vấn đề với các môn sinh: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”. Các ông im lặng làm thinh. Im lặng vì có mấy ai trong lòng không chứa đầy những toan tính vụ lợi. Có mấy ai thanh sạch lòng ngay trước danh vọng mà các ông tưởng chừng như sắp đến tay mình? Im lặng để lắng nghe. Lắng nghe lòng mình để thấy rằng tính tham sân si vẫn còn đó sau bao ngày tháng theo Thầy tầm đạo. Lắng nghe lời Thầy giáo huấn để sửa đổi và bước đi theo gương Thầy chí thánh đã đi.
Chúa buồn nhưng không trách mắng. Chúa kêu gọi các ông thay đổi cách suy nghĩ chứ không ra lệnh. Chúa mời gọi các ông: “ai làm lớn hãy hết mình phục vụ”. Phục vụ với thái độ như một người đầy tớ. Phục vụ không phân biệt sang hèn. Đỉnh cao của phục vụ là không toan tính theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ để tượng trưng cho những con người tay trắng, yếu đuối và chắc chắn không có gì để đền ơn đáp nghĩa. Họ mới cần chúng ta giúp đỡ. Họ mới thực sự có nhu cầu để van xin lòng tốt của chúng ta. Họ mới thực sự là đối tượng mà Chúa cần chúng ta rộng tay giúp đỡ. Chúa còn đồng hoá họ trở nên chính Chúa. Thế nên, ai tiếp đón họ là tiếp đón chính Chúa. Và ngược lại, ai từ chối họ là từ chối chính Chúa.
Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu hằng ao ứơc các môn sinh của mình phải suy đi nghĩ lại trong cuộc đời và đem ra thực hành với trọn lòng mến yêu. Đó chính là nét đẹp của người kytô hữu sống đạo theo gương Thầy chí thánh Giêsu. Chính Chúa đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người như chúng ta, và qua đó thánh hoá chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn sinh để từ nay “kẻ làm lớn phải trở thành kẻ phục vụ như một đầy tớ” theo gương Thầy đã để lại.
Có lẽ cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết từ bỏ tham sân si, để sống bác ái vị tha. Cuộc đời sẽ hết khổ đau bởi ganh ghét, tị hiềm và nhân loại sẽ cùng đan tay nhau xây dựng một thế giới đầy yêu thương. Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết dùng khả năng, địa vị Chúa ban để phục vụ lẫn nhau trong yêu thương chân thành.
Nguyện xin Chúa là Đường dẫn đến sự thật và sự sống dẫn dắt chúng ta bước đi trên con người mà Chúa đã đi để mỗi ngày chúng ta được trở nên giống Chúa hơn.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam