Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 71
Tổng truy cập: 1359518
NGƯỜI GIỮ CỬA
NGƯỜI GIỮ CỬA
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Có bao nhiêu thời gian sống ở đời được chúng ta dành cho việc chờ đợi?
Có sự chờ đợi làm ta căng thẳng, mệt mỏi; nhưng cũng có sự chờ đợi đem lại hương vị và ý nghĩa cho cuộc sống. Người mẹ tần tảo nuôi con, chờ ngày con thành tài. Người vợ chờ đợi ngày chồng trở về từ biên ải.
Con người không chỉ sống bằng quá khứ nhưng còn bằng những ngóng đợi về tương lai.
Cái tương lai tưởng như mơ hồ, xa xôi mà lại lôi kéo được cái hiện tại đi về một hướng.
Biết sống là biết chờ đợi
Chờ đợi làm nên cuộc sống.
Mùa vọng đưa ta đi vào thái độ chờ đợi. Chờ đợi Chúa sẽ đến trong vinh quang mai này. Chờ đợi Chúa vẫn đến trong niềm vui và nước mắt.
Chờ như người giữ cửa thức trắng đêm, vì không biết giờ nào chủ trở về. Nhưng chờ không phải là thụ động khoanh tay mà là vuông tròn sứ mạng được giao phó.
Ông chủ đi xa đã để lại ngôi nhà, giao quyền cho các đầy tớ, mỗi người một việc (câu 34).
Có lẽ từ lâu ta đã thấy không cần chờ đợi Chúa, vì chúng ta có quá nhiều điều khác để đợi mong, những điều gần gũi hơn, thiết thực hơn, cấp bách hơn.
Hãy nói cho tôi biết, bạn đang chờ gì, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn đang đi về đâu.
Nếu không có Ai để chờ, thì cũng chẳng cần tỉnh thức.
Tỉnh thức trong đêm tối đâu phải là chuyện dễ dàng.
"Ngài trở lại và thấy các môn đệ đang ngủ... Rồi Ngài lại đến và thấy họ vẫn đang ngủ, đôi mắt họ li bì nặng giấc" (Mt 26, 40-45).
Chiến đấu chống lại sự buồn ngủ của mắt còn dễ dàng hơn chống lại sự mê ngủ của tinh thần.
Cuộc sống vật chất ngày càng cao cung ứng cho con người biết bao thứ ru ngủ và đưa con người vào cơn mê mà họ không hay biết.
Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay.
Ma túy đi vào trường học, được bán ở cổng trường, để chích, để hút, để ngửi. Nó cho người ta sống lâng lâng trong một thế giới ảo, để rồi không còn khả năng sống đời thực của mình nữa. Nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, cần sa.
Ma túy là tất cả những gì gây nghiện, khiến con người thành nô lệ và đánh mất mình.
Tiền bạc, tiếng tăm, tình dục, tiện nghi... vẫn là những thứ ma túy mê hoặc con người.
Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, để thành thật tự hỏi:
"Tôi đang nghiện thứ ma túy gì?"
Gợi Ý Chia Sẻ
Sống là có ước mơ và chờ đợi. Đâu là những ước mơ của bạn? Chúa có chỗ trong những ước mơ đó không?
Có bạn trẻ coi chuyện tình cảm là chuyện hết sức quan trọng, đến độ dám tự tử nếu cuộc tình đổ vỡ. Bạn nghĩ thế nào là thái độ quân bình nên có khi yêu nhau?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ, nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê, những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện, xin cho con thức luôn và sáng luôn, trước nhan Chúa.
2.Tỉnh thức và canh thức
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Suy Niệm
Trong Kinh Tin kính, có hai tín điều mà ta còn phải chờ.
“Và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau.”
Cả hai điều trên đều chưa xảy ra, nhưng là nỗi chờ mong
của các kitô hữu từ hai mươi thế kỷ.
Người Do-thái chờ Đấng Mêsia đến trần gian,
còn kitô hữu chờ ngày Con Thiên Chúa trở lại.
Đôi khi chúng ta nghĩ Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời,
như thế là xong, Ngài chẳng còn phải làm gì nữa.
Thật ra khi phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết,
nhưng Ngài chưa toàn thắng, và cuộc chiến vẫn còn kéo dài.
Thiên Chúa chưa “bắt muôn loài quy phục dưới chân Ngài”
và kẻ thù cuối cùng là sự chết vẫn chưa bị tiêu diệt (1 Cr 15,24-28).
Hai tín điều trong Kinh Tin kính mà ta còn phải chờ
lại là hai biến cố trùng nhau về thời gian.
Ngày Chúa Giêsu trở lại như một thẩm phán đầy quyền năng
cũng là ngày tận thế, ngày thân xác kẻ chết sống lại.
Ngày đó thật là một ngày quan trọng cho cả vũ trụ loài người,
và cũng là ngày vinh quang lớn lao cho chính Chúa Giêsu.
Nhiều người đoán già đoán non về lúc nào ngày ấy đến.
Đã có những lời đồn đoán về ngày tận thế, và tất cả đều sai.
Có người đã bán cả nhà cửa ruộng vườn để ngồi chờ tận thế.
Có người bỏ cả công ăn việc làm, nhưng chẳng thấy gì xảy ra.
Họ quên rằng chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mang phận người,
cũng thú nhận chỉ mình Chúa Cha mới biết về Ngày ấy (Mc 13,32).
Chúng ta tin Ngày ấy thế nào rồi cũng đến,
nhưng chúng ta không biết rõ khi nào (Mc 13,33.35.36).
Chính vì thế đời của kitô hữu tự bản chất là chờ đợi.
Nếu Chúa Giêsu không quang lâm,
công trình cứu độ vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn,
và Thiên Chúa chưa “là tất cả trong muôn loài” (1 Cr 15,28).
Nhưng kitô hữu không khoanh tay chờ suông cách thụ động.
Bài Tin Mừng hôm nay dạy ta cách chờ.
Chúng ta là những đầy tớ được ông chủ đi xa tin cậy,
giao nhà và giao cả quyền hành, phân công mỗi người mỗi việc.
Chúng ta là anh giữ cửa, có nhiệm vụ mở cửa ngay khi chủ về.
Thường thì ông chủ không về vào ban đêm,
vì trời thì tối, đường không có đèn, ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Nhưng biết đâu ông chủ lại bất thần trở về
vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
Đó là lúc mọi người dễ chìm trong giấc ngủ say.
“Hãy tỉnh thức! Hãy canh thức!” Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần,
không phải chỉ cho bốn môn đệ thân tín (Mc 13,3),
mà cho mọi người và từng người chúng ta (Mc 13,37).
Không phải Ngài cấm chúng ta ngủ trưa hay ngủ tối.
Nhưng Ngài dạy chúng ta đừng ngủ mê trong tội.
Khi ngủ mê, người ta quên mình là đầy tớ,
nhận quyền hành của chủ để chu toàn công việc được giao.
Khi ngủ mê, người ta để chủ ban đêm đứng chờ ngoài cửa.
Sống ở đời, ta dễ bị ru ngủ bởi nhiều thứ gây nghiện.
Thế gian này quá hấp dẫn khiến ta nghĩ nó là vĩnh cửu.
nghĩ chuyện Chúa quang lâm là chuyện không đáng tin (2 Pr 3,4).
chẳng có thưởng phạt, cũng chẳng có phục sinh cho thân xác.
Thái độ thức tỉnh đòi hỏi ta cảnh giác liên tục.
Chính vì không biết lúc nào chủ về, lúc nào Chúa đến
nên lúc nào ta cũng phải sẵn sàng, tích cực chờ đợi,
để ra đón Chúa trong niềm vui bình an.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao,
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
3.Tỉnh thức và cầu nguyện
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.
Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.
Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Người.
Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.
Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.
Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Đức Kitô. Đừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Đừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực. Đừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Đức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.
Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hi sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.
Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.
Lạy Chúa, xin giữ hồn con tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tỉnh thức là đừng mê ngủ. Hãy kể ra những bóng tối khiến ta mê ngủ?
2) Tỉnh thức là tỉnh táo phân định. Làm thế nào để nhận ra khi Chúa đến?
3) Tỉnh thức là phải hành động. Muốn tỉnh thức, bạn phải làm những gì?
4) Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để tỉnh thức?
4.Niềm khát vọng khôn nguôi
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Thượng đế đã đặt để nơi sâu thẳm của cõi lòng con người khát vọng chân lý. Bất kể thuộc về nền văn hoá hay chủng tộc quốc gia nào, con người đau đáu một niềm đi tìm sự thật. Con người hướng về Chân lý như cây cỏ hướng về mặt trời, như dòng suối chảy về nguồn cội và như con thơ hướng về mẹ hiền. Dưới nhãn quan Kitô giáo, đích điểm mà con người đang kiếm tìm chính là Thiên Chúa. Ngài là Cội nguồn của Chân lý và cũng Cội nguồn của sự thánh thiện. Như thế, cuộc sống trần gian là một hành trình đi kiếm tìm Thiên Chúa. Chỉ khi nào gặp Thiên Chúa, con người mới tìm thấy sự bình an đích thực. Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa mới thoả mãn”. Sống ở trần gian, con người luôn hoài niệm về Thiên Chúa, luôn mang trong mình niềm khát vọng khôn nguôi và luôn cố gắng để đi tìm Chúa.
Mùa Vọng diễn tả niềm khao khát Chúa, đồng thời giúp cho chúng ta gặp gỡ Ngài. Ngôn sứ Isaia đã diễn tả nỗi mong chờ da diết của con người. Họ đang khao khát Chúa và muốn được gặp Ngài. Vẫn biết rằng Thiên Chúa chí thánh mà con người thì phàm hèn, nhưng trong lời cầu nguyện của mình, tác giả vẫn xin Chúa “xé tầng trời mà xuống” để vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa và con người. Bởi lẽ, ông xác tín rằng, có Chúa là có tất cả. Khi Chúa ghé mắt yêu thương thì con người sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Khi suy tư về cuộc sống, con người thấy họ không thể sống mà không có Thiên Chúa. Vắng bóng Thiên Chúa, cuộc đời này sẽ trở nên vô nghĩa. Con người sẽ đi trong một hành trình vô định, tức là đi mà không biết mình đi về đâu.
“Trời cao hãy đổ sương xuống!”. Đó là nỗi khao khát của vũ trụ, của con người và của tạo vật. Như sương mai làm cho đất đai màu mỡ và làm cho muôn vật hồi sinh sau những tháng ngày khô khan hoang mạc, sự hiện diện của Chúa giúp tâm hồn tìm lại niềm vui.
Thực ra, Thiên Chúa không ở đâu xa. Ngài đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Phụng vụ của Mùa Vọng muốn nói với chúng ta: hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Tin Mừng Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng là lời kêu gọi tỉnh thức cầu nguyện. Giữa cuộc đời bôn ba nhiều bon chen tính toán, con người dễ bị lôi kéo theo những đam mê mà quên mất mục đích cuộc đời, để rồi lạc vào mê hồn trận của những toan tính đời thường. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã viết: “Chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa phi nhân. Chỉ có thứ nhân bản mở ra cho Tuyệt Đối mới có thể giúp ta cổ võ và đạt được những hình thức sống xã hội và dân sự – trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hoá, đạo đức -, bằng cách nó giữ ta khỏi rơi vào tình trạng nô lệ cho những cái mốt, những cái thời thượng” (Thông điệp Bác ái trong Chân lý, số 78). Đây cũng là cám dỗ lớn nhất mà loài người từ thời nguyên thủy đã gặp phải, đó là muốn nên như Thiên Chúa và tin rằng có thể thay thế Ngài (x. St chương 3). Nhân loại của chúng ta hơn bao giờ hết đang cần đến Thiên Chúa. Tình trạng xã hội hôm nay kinh nghiệm rõ về điều này: một khi khước từ Thiên Chúa, hậu quả là cuộc sống đầy bạo lực, giết chóc, tệ nạn xã hội, lừa đảo dối trá, luân thường đạo lý suy đồi.
“Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”. Mỗi chúng ta hiện hữu trên trần gian đều giống như người đầy tớ được ông chủ trao phó cho coi sóc tài sản. Người đầy tớ hay người quản lý đều phải trung thành cần mẫn với công việc. Những người chủ quan, lười biếng, thờ ơ với bổn phận chắc chắn sẽ phải lãnh nhận án phạt.
Thánh Phaolô nói với chúng ta về một khía cạnh khác của tình trạng tỉnh thức, đó là ăn rễ sâu trong giáo huấn của Chúa Giêsu, tức là đón nhận và thực thi lời dạy của Chúa. Nhờ thực thi Lời Chúa, người tín hữu luôn sẵn sàng chờ đón Chúa đến mà không phải lo sợ bất cứ điều gì, giống như một đầy tớ luôn chu toàn bổn phận thì không lo lắng về việc chủ trở về. Tác giả thư gửi giáo dân Côrinthô hài lòng về đời sống đức tin của các cá nhân cũng như của cả cộng đoàn, đồng thời khích lệ mọi người hãy gia tăng lòng mến, với niềm xác tín Chúa đang hiện diện và đồng hành với những ai tin tưởng yêu mến Người (Bài đọc II).
Mùa Vọng đã khởi đầu, chúng ta hãy thức tỉnh và ra khỏi cơn mê. Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh không chỉ thể hiện qua những điệu nhạc du dương và những trang trí lộng lẫy, nhưng phải giúp người tín hữu gặp được Chúa, là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Người là Đấng có thể lấp đầy những khát vọng thâm sâu của nhân loại và của cá nhân mỗi người.
5.Chờ đợi trong tỉnh thức
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Ai trong chúng ta cũng đã có những lúc chờ đợi: chờ đợi một biến cố hoặc một người thân. Chờ đợi bao giờ cũng làm chúng ta hồi hộp, trăn trở, nôn nóng. Những lúc chờ đợi, dường như thời gian trôi chậm hơn. Khi chờ đợi một sự kiện hay một người thân, cũng là lúc chúng ta liên tưởng nhiều về sự kiện hay về người thân đó. Sự chờ đợi càng lâu, niềm vui càng lớn lao và vỡ òa khi gặp gỡ.
Năm Phụng vụ khởi đầu với một thời gian mang tên “Mùa Vọng” hay “Mùa Đợi”. Mùa Phụng vụ này nhắc nhớ chúng ta đợi chờ Chúa đến trong cuộc đời. Thực ra, Thiên Chúa vẫn hiện diện và tỏa ánh vinh quang của Ngài trong cuộc sống, nhưng để gặp gỡ Ngài, mỗi người phải nỗ lực tìm kiếm và mở rộng tâm hồn để đón tiếp Ngài. Những ai thành tâm tìm kiếm và gặp gỡ Chúa sẽ được Ngài hướng dẫn và phù trợ. Có Chúa trong đời, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.
Chúa vẫn hiện diện, như dòng suối vẫn miên man chảy tứ thời bát tiết. Người thành tâm kiếm tìm Chúa sẽ giống như người đến múc nước nơi dòng suối và mang về nhà mình. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta thật lạ kỳ. Bởi lẽ Chúa vừa hữu hình vừa vô hình, vừa hiện diện, vừa vắng mặt. Người tìm được Chúa rồi, lại khao khát tiếp tục tìm Chúa để hiểu biết Chúa hơn, vì gặp gỡ Chúa đem lại sự dịu ngọt và niềm vui hạnh phúc cho tâm hồn. Hiểu như thế, suốt cuộc đời tín hữu chúng ta là một vòng xoay của sự chờ đợi, tìm kiếm, gặp gỡ, rồi lại tìm kiếp tiếp cho đến khi thực sự gặp Chúa trực tiếp, mặt giáp mặt chứ không còn như trong gương. Đó là tình trạng hạnh phúc thiên đàng những ai yêu mến Chúa sẽ được hưởng.
Ngôn sứ Isaia diễn tả niềm mong đợi Chúa của dân Israen (Bài đọc I). Đối với những người Do Thái lưu đày, họ cảm nghiệm được nỗi đau của kiếp nô lệ. Không còn Đền thờ, không còn lễ nghi phục vụ, họ thấy cuộc sống của họ thật vô nghĩa. Họ cần Chúa như con người cần hơi thở, như cỏ cây cần ánh mặt trời. Vắng Chúa, cuộc đời họ sẽ suy tàn, sự nhơ uế sẽ lan tràn khắp chốn. Lời cầu nguyện của vị ngôn sứ cũng là lời than van của dân chúng. Họ cầu xin Chúa đến để nâng đỡ và giải thoát họ, đem cho họ ánh sáng và niềm tin.
Niềm khao khát của Israen cũng là niềm khao khát của thời đại chúng ta. Con người thời nay cậy dựa vào những triết thuyết vô thần và những thành tựu của khoa học để chối bỏ Thiên Chúa. Thay vì tôn thờ Đấng Tạo Hóa, người ta tôn thờ khoa học kỹ thuật vì cho rằng khoa học kỹ thuật có thể trả lời được mọi vấn nạn của cuộc sống. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã viết:“Chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa phi nhân. Chỉ có thứ nhân bản mở ra cho Tuyệt Đối mới có thể giúp ta cổ võ và đạt được được những hình thức sống xã hội và dân sự - trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hoá, đạo đức -, bằng cách nó giữ ta khỏi rơi vào tình trạng nô lệ cho những cái mốt, những cái thời thượng”(Thông điệp Bác ái trong Chân lý, số 78). Đây cũng là cám dỗ lớn nhất mà loài người từ thời nguyên thủy đã gặp phải, đó là muốn nên như Thiên Chúa và tin rằng có thể thay thế Ngài (x. St chương 3). Nhân loại của chúng ta hơn bao giờ hết đang cần đến Thiên Chúa. Xã hội Việt Nam của chúng ta hôm nay cho thấy kinh nghiệm rõ về điều này: một khi khước từ Thiên Chúa, hậu quả là cuộc sống đầy bạo lực, giết chóc, tệ nạn xã hội, lừa đảo dối trá, luân thường đạo lý suy đồi.
Lời Chúa hôm nay nói đến nỗ lực cố gắng của chúng ta trong khi chờ đợi Chúa. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người chủ đi xa trao nhà cho đầy tớ coi sóc. Mỗi người một việc, người thì coi ban ngày, người thì gác ban đêm. Ông chủ sẽ về bất cứ lúc nào. Những người coi nhà buộc phải tỉnh thức và thận trọng để lúc chủ về, không những thấy họ còn thức mà còn thấy tài sản còn nguyên vẹn.
Mùa Vọng giống như “nốt nhấn” của bản nhạc cuộc đời. Đây là thời điểm Giáo Hội mời gọi chúng ta xác định vị trí của Chúa trong đời chúng ta cũng như tình trạng tâm hồn của mình. Chúa đang đến trong cuộc đời chúng ta. Lễ Giáng Sinh là một kỷ niệm đẹp của mối tình Thiên Chúa – Con người. Sau bao thế hệ xa cách, nay Thiên Chúa đã chủ động đến với con người. Ngài hạ cố đến gặp gỡ con người và tâm tình nghĩa thiết với họ. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, chính là bằng chứng hữu hình của sự nghĩa thiết ấy.
Chờ đợi trong tỉnh thức, đó là tâm tình của mỗi tín hữu chúng ta trong suốt cuộc đời. Lạy Chúa, xin hãy xé trời mà ngự xuống. Xin hãy đến để nâng đỡ và soi sáng chúng con. Amen.
6.Tỉnh thức
(Trích dẫn từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Mở đầu niên lịch Phụng vụ, ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay phác họa lại cho chúng ta một vài thái độ trong khung cảnh sống của Dân Chúa: ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng nhau tự thú những lỗi phạm của mình, cương quyết sống trung kiên mong chờ ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu Kitô trong niềm tin tưởng và thái độ tỉnh thức.
Quả vậy, bài đọc Isaia 63,16-64,7 trình bày lại bối cảnh của đoàn dân Thiên Chúa sau thời Lưu đày. Kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch trên phần đất ngoại bang đã đem lại cho họ một ý thức tập thể về những lỗi phạm của mình. Họ ngước mắt nhìn về Thiên Chúa là Cha để thốt lên lời khẩn nguyện: "Ôi phải chi Người xé trời ngự xuống, thì núi non cũng sẽ tiêu tan trước Nhan Ngài". Tâm trạng hối lỗi và tha thiết khẩn nài ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa nhận định lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người.
Bảy thế kỷ sau, khoảng 25 năm sau ngày Đức Kitô về trời, thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở lại ơn gọi thực sự của người Kitô hữu: không những chỉ ý thức những sai lỗi của mình, nhưng còn phải sống vươn lên mong chờ ngày Đức Kitô trở lại. Các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã sống trong hoàn cảnh hồi hộp, nao nức mong chờ ngày trọng đại đó. Những lời nguyện: "Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy trở lại" (1Cr 16,22) càng đặt họ vào tâm trạng xao xuyến và đầy xúc động. Ngài ở đây! Ngài ở kia! (2Th 2,2). Và có khi vì mỏi mệt đợi chờ, họ đã không ngần ngại thốt lên: "Có lẽ Ngài đến chậm".
Tâm trạng khắc khoải đó cần bắt gặp được một cái gì vững chắc củng cố lòng tin tưởng: nếu không, thái độ tỉnh thức mong chờ của họ sẽ hão huyền, ảo vọng.
Quả vậy, mỗi lần cử hành nghi lễ bẻ bánh, cộng đoàn dân Chúa vẫn long trọng tuyên xưng lại niềm tin của mình:
"Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến".
Nỗi lòng mong chờ khắc khoải đó như được xoa dịu và soi sáng bởi lời Đức Kitô trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô 13,33-37. Ngài như một chủ nhà phải ra đi, vắng xa và vắng lâu. Sau khi trao phận sự quản lý cơ nghiệp cho gia nhân, mỗi người theo chức vụ của mình, Ngài đặc biệt tín cẩn và căn dặn người canh cửa: "Hãy tỉnh thức". Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Cuộc tái ngộ có thể xảy ra một cách rất bất ưng vào một lúc nào đó trong ban đêm. Gia nhân và nhất là người canh cửa phải tỉnh thức, luôn sống trong ánh sáng ban ngày để không ngái ngủ, không thất hứa với chủ nhà trước lúc ra đi.
Đặt đoạn văn trên vào khung cảnh lịch sử cứu độ, giữa ngày về trời và ngày trở lại của Đức Kitô, chúng ta có thể nói, thái độ tỉnh thức đó chính là thái độ của Giáo hội, của toàn dân Chúa và nhất là của những người hữu trách các cộng đoàn.
Nhưng tại sao phải tỉnh thức?
Vì trước tiên, đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Để cho cửa nhà êm ấm, an toàn và trường tồn, phận sự của người canh cửa, không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.
Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.
Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Đó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ... Nó đưa đến sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.
Và tỉnh thức như thế nào?
Phải chăng là thắp đèn ngồi chờ? Là sống trong tâm trạng viễn vông! Không! Đọc lại Thánh Kinh và lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động. Nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế, thái độ tỉnh thức của Giáo hội và đặc biệt của những người hữu trách dân Chúa phải sống động và đầy tính chất sáng tạo. Đó là thức tỉnh hiệp thông với người bạn của mình. Đó là thái độ của một người bạn trung thành, cởi mở để luôn lắng nghe lời nói của bạn mình. Như thế, tỉnh thức đối với Giáo hội, có nghĩa là không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Dầu xa vắng, nhưng hầu như tiếng nói, lời hứa và sự hiện diện của Ngài luôn xoáy động trong lòng Giáo hội và chi phối mọi sinh hoạt của dân Chúa. Với ánh đèn soi sáng và sưởi ấm đó, Giáo hội như có một nghị lực để cảm thông và tìm ra được ý muốn của Ngài qua mọi biến cố trong cuộc sống, qua mọi dấu chỉ thời đại.
Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng, mà chúng ta phải dùng như một đà tiến để vươn lên, Giáo hội có phận sự rút kinh nghiệm từ các sự kiện xảy ra trong lịch sử quá khứ và hiện tại để sửa chữa lỗi lầm, tự thanh luyện mình để tiến tới sự hoàn thiện như Chúa Kitô mong muốn. Đặc biệt Giáo hội phải sẵn sàng từ bỏ địa vị ưu thế trong xã hội để chấp nhận thân phận đầy tớ phục vụ chủ nhà mình và anh em.
Để tỉnh thức chờ Chúa đến, Giáo hội phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, Giáo hội thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đợi Đức Kitô, vì ngày trở lại của Ngài sẽ xảy tới bất chợt.
Đồng thời, nếp sống của Giáo hội sẽ là ánh sáng thức tỉnh mọi người để họ nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế đích thực. Giáo hội đang mang trong lòng sức sống và động lực thúc đẩy chính mình và cả thế giới tiến lên gặp Đức Kitô. Thế nên, tỉnh thức là phận sự cần thiết của những con người chứng nhân cho ánh sáng. Và Giáo hội phải là kho dự trữ sức sống phong phú và sung mãn chuẩn bị cho mọi người đón nhận thời viễn lai. Vì thế, khi hướng về ngày Chúa Kitô trở lại, Giáo hội quả là niềm hy vọng cho toàn thể thế giới và vũ trụ.
BÀI GIẢNG
1. Đời sống con người, có thể nói, bao giờ cũng bao hàm một khía cạnh đau thương khổ sở. Không phải chỉ thời nay mới khổ; thời trước cũng đã khổ rồi và bao lâu còn sống ở trần gian thì con người vẫn phải chịu đựng hy sinh và đau khổ. Bài sách Isaia chúng ta đọc hôm nay, đã được viết ra sau thời dân Dothái bị lưu đày bên Babylon. Bài sách ấy cho ta thấy rằng: tuy hết bị lưu đày, nhưng dân Dothái vẫn tiếp tục gánh chịu đau khổ. Điều làm cho họ đau khổ nhất, chính là họ nhận thức ra rằng họ đã "đi lạc xa đường Chúa", đã "phạm tội" và "đã bị phó mặc cho quyền lực tội lỗi".
Tội lỗi của con người, đó chính là nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ. Bài sách Isaia hôm nay thôi thúc ta nhìn vào khổ sở hiện tại như là tiếng gọi cảnh tỉnh ta nhận thức tội lỗi của mỗi người và của cả nhân loại để mau hoán cải trở về với Thiên Chúa. Ngài là Cha yêu thương, là Đấng cứu độ nhân từ và luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa.
Những khó khăn kinh tế hiện nay cũng gây nên cho ta những khổ sở, nhưng ta nên biết rằng đó là hậu quả không thể tránh được của một nước vừa bị 30 năm chiến tranh tàn phá như nước ta. Và chúng ta, người công giáo còn phải nhìn nhận như dân Chúa thời xưa "Này Chúa thịnh nộ vì chúng tôi đã phạm tội". Với ý chí đổi đời và cải tạo, với quyết tâm từ bỏ mọi ích kỷ cá nhân, mọi tham lam và hận thù, Chúa sẽ ban cho ta nguồn nghị lực mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp và huynh đệ hơn.
2. Trong công cuộc này, chúng ta hãy lắng nghe những lời đầy an ủi trong thư thánh Phaolô: "Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì anh em được đầy tràn mọi ơn, trong khi mong chờ Đức Kitô lại đến". Thánh Phaolô ảo tưởng, không nhìn thấy thực tế sao? Ngài không ảo tưởng. Ngài biết rõ các giáo đoàn của ngài. Họ là dân không giàu có, không thế lực. Nhưng hết thảy họ là những người được kêu mời hiệp nhất với Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Phải, chúng ta là những con người như thế. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào đời sống vật chất của mình để thấy xót xa vì thiếu thốn, nhưng còn phải biết nhìn vào tâm hồn, vào tinh thần, vào thiên chức được làm con cái Thiên Chúa, được vinh dự phát huy tình yêu của Ngài đối với trần gian.
Chúng ta cũng hãy hãnh diện, tin vào ý kiên trì của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, đã khắc phục được bao khó khăn để vươn lên trong tư thế độc lập tự do, thì trong tương lai cũng sẽ thành công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, ấm no và có tình yêu thương giữa mọi người đồng bào cùng máu mủ.
3. Mùa Vọng nhắc lại cho ta cả hai chân lý ấy, một đàng dân Chúa như đang lầm than khổ sở, nhưng đàng khác cũng chính dân ấy đã được bảo đảm một tương lai tốt đẹp, trước hết theo ý nghĩa tinh thần, nhưng sau đó cũng kèm theo tất cả mọi khía cạnh được Chúa thánh hóa để làm nên hạnh phúc toàn diện cho con người. Thế nên, Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay dạy ta hãy tỉnh thức đừng mê ngủ. Những than vãn, thở dài, chỉ làm cho thân xác rũ xương và đời sống trở nên đen tối. Trái lại, nếu tỉnh táo, nhìn về tương lai với niềm tin vững mạnh, thì một chân trời mới đang dần dần mở ra trước mắt ta.
Người tín hữu cũng sống trong trần gian và phải hy sinh gian khổ như mọi người. Nhưng nhờ niềm tin như đèn sáng trong tay, chúng ta là những người đang tỉnh thức chờ Đức Kitô trở lại: Ngài là Chúa đem lại hòa bình, là Đấng cứu độ trần gian. Thế nên, lòng ta tràn đầy hy vọng và ta có phận sự chiếu tỏa niềm hy vọng phấn khởi ấy chung quanh ta.
4. Chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của Giáo hội chúng ta, trước khi đem cuộc đời lam lũ đặt vào đĩa thánh, hiến dâng sự sống và con người của ta cho vinh quang Nước Trời mà Chúa đang dành cho các con cái của Người.
7.Chúa Nhật 1 Mùa Vọng
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.)
“ANH EM PHẢI CANH CHỪNG, PHẢI TỈNH THỨC”
Hôm nay Chúa Nhật I Mùa Vọng, lời đầu tiên của Đức Giê-su mà Giáo Hội muốn chúng ta lắng nghe, đó là lời mời gọi tỉnh thức:
Anh em phải canh chừng, phải tỉnh thức,
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.
(c. 33)
Trong tuần cuối cùng của năm Phụng Vụ vừa qua, chúng ta đã được Giáo Hội cho nghe lời của Đức Giêsu về “thời ấy”, trong sách Tin Mừng theo thánh Luca. Thời ấy là “Ngày của Con Người” và những biến động phổ quát và triệt để trong thiên nhiên cũng như trong thế giới loài người sẽ xẩy ra trước khi Con Người đến.
Để giúp chúng ta sống “cái thời ấy” ngay hôm nay một cách bình an, bởi vì chúng ta tuyệt đối không biết khi nào, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy “canh chừng” và “tỉnh thức”. Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Người dùng một dụ ngôn nhỏ để giúp chúng ta hiểu và sống điều Ngài mời gọi chúng ta là “hãy canh chừng và tỉnh thức”. Dụ ngôn nhỏ nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa, hay nói chính xác hơn, nhiều mặc khải.
Canh thức
“Cũng như người kia trẩy đi phương xa”. Trong dụ ngôn các nén bạc, Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh này: “Cũng như có một người kia sắp đi xa” (Mt 25, 14). Như thế, có thể nói Đức Giê-su rất thích dùng hình ảnh này để diễn tả tương quan của chúng ta với Ngài, tương quan thiết thân ngay trong thời gian vắng mặt, hay đúng hơn tương quan thiết thân ngang qua các dấu chỉ, nói lên ân huệ và sự hiện diện.
Và trong dụ ngôn của Đức Giêsu, dấu chỉ mà chủ nhà để lại cho các tôi tớ là quá nhiều: ông để nhà lại, ông trao quyền và ông trao việc. Dụ ngôn các nén bạc, tuy dài, nhưng chỉ nói đến nén bạc, nghĩa là “vốn liếng” của mỗi người; còn dụ ngôn hôm nay, tuy ngắn, nhưng lại nói lên gần như tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta: căn nhà là tất cả những gì chúng ta có trong cuộc đời, quyền bính trên cuộc đời của chúng ta (ít nhất là tương đối, xét cho cùng, cũng gần như tuyệt đối), và trao sứ mạng: “ông chỉ định cho mỗi người mỗi việc”. Chúa cũng làm thế, và khi làm thế, Ngài trao ban chính lòng tin của Ngài cho chúng ta. Trên đời này, không ai tin chúng ta như Chúa tin chúng ta.
Bóng tối sự dữ
Điều lạ lùng trong dụ ngôn là chỉ có người giữ cửa mới phải canh thức: “Và ông ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”. Điều này cũng hợp lí, vì chẳng lẽ lại bắt tất cả mọi người trong nhà đêm nào cũng phải canh thức! Như ở trong Nhà Dòng, sẽ có những đêm, cả nhà canh thức, nhưng bình thường chỉ có một số Soeurs hay một số thầy canh thức thôi, để cho mọi người trong nhà ngủ yên!
Người giữ cửa được lệnh canh thức; Đức Giêsu dùng từ ngữ “canh thức”, để gộp lại hai từ ngữ mà Ngài đã dùng lúc đầu: “canh chừng và tỉnh thức”. Vì thế, canh thức có nghĩa là: hãy canh chừng, và để canh chừng thì phải tỉnh thức. Trong dụ ngôn, nhiệm vụ canh thức được giao cho người giữ cửa, nhưng Đức Giêsu lại muốn áp dụng cho tất cả mọi người chúng ta: “Vậy anh em phải canh thức”. Và Chúa đặc biệt mời gọi chúng ta, mọi người Ki-tô hữu và nhất là những người sống đời sống dâng hiến: “Anh chị em hãy canh thức như người giữ cửa”. Và sứ mạng canh thức chỉ diễn ra khi trời bắt đầu tối và hãy còn tối mà thôi, như chính Chúa nói:
Vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến:
lúc chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
(c. 35)
Điều gây cho chúng ta khó khăn, đó là thời gian mà Đức Giêsu nêu ra, lại là thời gian chúng ta ngủ hằng ngày: chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng; hay ít nhất là chúng ta ngủ phần lớn thời gian từ chập tối cho đến tảng sáng! Vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu sứ mạng canh thức không phải ở bình diện tự nhiên (nghĩa là trong thời gian có bóng tối). Vì đêm nào cũng canh thức, chúng ta sẽ chết sớm! sứ mạng canh thức mà Đức Giêsu mời gọi, phải được hiểu ở bình diện thiêng liêng, nghĩa là canh thức trong thời gian có bóng tối của sự dữ. Và, như chúng ta đều có kinh nghiệm, bóng tối của sự dữ có thể ập đến với chúng ta, với cộng đoàn chúng ta, với thế giới chúng ta đang sống, bất cứ khi nào, ngày cũng như đêm.
Mùa Vọng
Lời của Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy coi chừng, hãy ở trong tình trạng tỉnh thức”, lời này trong bối cảnh của Tin Mừng, chuẩn bị các môn đệ bước vào cuộc Thương Khó. Thương khó là giờ của bóng tối, của sự dữ; nhưng đồng thời cũng là giờ của ánh sáng, giờ của sự thiện.
Thời đại chúng ta đang sống cũng có nhiều dấu chỉ nói về giờ của bóng tối: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, gian dối, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác. Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.
Chúng ta bước vào Mùa Vọng kể từ hôm nay. Mùa vọng, khởi đi từ hồng ân lớn lao Chúa đã đến, và hướng chúng ta đến biến cố Chúa chắc chắn sẽ đến. Trong thời gian chờ đợi, tất yếu chúng ta sẽ phải đối diện với bóng tối, không chỉ là bóng tối của thiên nhiên, nhưng nhất là bóng tối của sự dữ.
Chúng ta được Đức Giêsu mời gọi: “Hãy canh chừng và tỉnh thức”. Và cách canh chừng và tỉnh thức tốt nhất là sống tâm tình mà Thánh Phao-lô chia sẻ ngay từ những lời đầu tiên trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, đó là không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha chúng ta, vì ân huệ Người đã ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Ki-tô, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh:
Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.
(1Cr 1, 45)
8.Chúa Nhật 1 Mùa Vọng
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
ĐỜI KITÔ HỮU LÀ ĐỜI CANH THỨC VÀ COI CHỨNG
Trong truyện Thần thoại Hy lạp có câu chuyện: “Con Ngựa Gỗ Thành Troia” kể về cuộc chiến tranh thành Troia diễn ra ròng rã hơn 10 năm trời vẫn chưa kết thúc được vì quân đội của nhà vua Menelaus đã dùng rất nhiều cách nhưng vẫn không thể nào công phá được cổng thành Troia để vào tiêu diệt quân đối phương. Vì sao, quân đội không thể vào Thành Troia được dù quân đội rất hùng mạnh bởi vì quân địch bên trong thành canh giữ rất tỉ mĩ, nghiêm ngặt không để một sơ hở nào, hơn nữa bức tường thành rất cao to vững chắc và nguy hiểm không cách gì vượt qua được. Lúc này, quân đội nhà Vua đã nghĩ ra một cách đó là lấy gỗ ghép lại thành một con ngựa to lớn, mượn danh nghĩa đây là báu vật của thần linh ban tặng cho quân sĩ trong thành Troia để chống lại quân nhà vua bên ngoài thành. Thế là mọi người trong thành Troia tin và đã mở cửa rước ngựa gỗ vào thành. Thật không ngờ rằng trong bụng con ngựa gỗ kia chính là quân sĩ của nhà vua, thế là nhân lúc nửa đêm lính bên trong bụng con ngựa gỗ thoát ra ngoài, đánh giết quân địch, đốt phá thành, mở cửa cho quân mình vào thành và thành Troia bị thất bại mà không kịp trở tay. Vâng, chính vì sự sơ hở một tí này mà mọi sự bị phá hủy và tiêu diệt cho nên đừng coi thường mà hãy tỉnh thức luôn!
Hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng, bắt đầu năm Phụng vụ mới, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: phải coi chừng thân xác và thức tỉnh tâm hồn để chúng ta trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người, khiến chúng ta không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người (Lời Chúa trong bài đọc 2 Thánh Phaolô xác quyết như thế).
Trước hết, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng thân xác”. Tại sao phải coi chừng thân xác bởi vì thân xác này, mạng sống này là do Chúa tạo ra như Lời Chúa trong bài đọc 1 khẳng định: “Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Chúa, chính tay Ngài đã làm ra tất cả cho chúng con” (Is 64,7). Hơn nữa, mỗi người là hình ảnh của Chúa và mỗi người đều được Máu Chúa Giêsu đổ ra để cho chúng ta được sống dồi dào ngay ở đời này và vĩnh hằng nữa.
Cho nên, các Đức Giám Mục Việt Nam đã đưa ra chủ đề mục vụ năm nay là: “Đồng hành với gia đình trẻ”. Trong thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa, Các Đức Giám mục nói rằng: “Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh. Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới” (số 2). Vì thế, Lời Chúa hôm nay như là sự cảnh tỉnh cho chúng ta về việc tôn trọng thân xác của nhau, nhất là tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống”. Vì thế, Chúa dạy phải coi chừng thân xác đừng vì tham lợi, háo danh hay dục vọng hay đau khổ mà hủy diệt thân xác người khác hay chính mình để rồi phải chết đời đời thì nào có lợi chi. Vì vậy, điều răn thứ 5 trong Mười Điều Răn, Chúa dạy rằng: Chớ giết người, vì Sách giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “Mạng sống con người do Thiên Chúa ban thuộc quyền sở hữu của một mình Chúa: nó là thánh thiêng ngay từ lúc nó hiện hữu đầu tiên, và nó không chịu bất cứ con người nào kiểm soát. Cho nên, Lời Chúa nói “Trước khi ngươi được thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi (Jr 1,5). [Số 2270-2274, 2322]”. Cho nên, Chúa Giêsu dạy “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Kết án đây chính là chết muôn đời, vì vậy, chúng ta phải coi chừng thân xác của chúng khỏi phải chết đời đời coi chừng ở đây nói như lời Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 rằng vâng nghe lời chứng về Đức Ki-tô để Lời Chúa thật sự ăn sâu vững chắc vào lòng trí chúng ta, khiến chúng ta không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô đến mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho chúng ta nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được chúng ta trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Ki-tô (1Cr 1,6-9).
Cuối cùng, Chúa Giêsu dạy phải canh thức tâm hồn bởi vì tâm hồn là nơi thánh và là nơi Chúa ngự vì vậy đừng tội lỗi, đừng vì nghen tương, tức giận, ganh ghét, tham lam… mà biến tâm hồn của chúng ta thành nơi ở của quỷ dữ đầy mưu mô xảo nguyệt gian tà và độc ác. Chẳng hạn, Sáng 20.11 vừa qua, bà Phạm Thị Lan (54 tuổi), sống tại khu tập thể giáo viên Trường THPT Đoàn Kết, Tỉnh Đồng Nai, bà thấy phía trước nhà có một gói quà, tưởng quà mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, bà lan mở ra xem thì bất ngờ gói quà nổ khiến bà chết tại chỗ. Một ngày, thủ phạm ra đầu thú. Thủ phạm là Nguyễn Thanh Thanh, anh ta nói rằng anh tức bạn gái cũ của anh có quan hệ tình cảm với thầy Nam, con trai bà Lan, nên mua vật liệu về chế mìn để khử thầy Nam ai ngờ bà mẹ chết.
Mùa vọng đã bắt đầu. Đây là thời gian và mọi ngày trong đời sống chúng ta phải coi chừng và canh thức luôn vì như Lời Chúa trong bài đọc I quả quyết rằng: “Thiên Chúa sẽ ngự xuống với ai tin cậy nơi mình. Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy. Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con, nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát” (Is 64,2b-4). Hôm nay, bắt đầu năm Phụng vụ mới, năm nay Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy đồng hành và giúp đỡ các gia đình xây dựng hạnh phúc. Như vậy, bậc sống thánh hiến hay là bậc giáo dân đều phải coi chừng canh thức, có nghĩa rằng phải nhận ra Chúa luôn hiện diện trong ta đồng thời siêng năng lắng nghe và sống Lời Ngài dạy từng giây từng phút trong đời sống hầu tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên thánh và thiện để Chúa Giêsu sẽ giáng sinh nơi chúng ta làm cho đời ta tươi sáng và rạng ngời hạnh phúc. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam