Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1359318

NGƯỜI LÀM CHỨNG

NGƯỜI LÀM CHỨNG

 

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Trong bài Tin Mừng trên đây cụm từ ‘làm chứng’ được dùng đến bốn lần.

Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7). Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).

Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Đức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu con người ông.

Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai? Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: "Tôi không phải là Đức Kitô" - "Không phải" - "Không". Những tiếng ‘không’ dứt khoát và trung thực.

Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông. Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê. Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Đấng ông giới thiệu bị che khuất.

Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai?

Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Đức Kitô.

Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30). "Tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Làm đầy tớ cho Đức Kitô, ông nhận mình không xứng.

Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.

Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Đức Giêsu, và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga 3,26).

Có ai siêu thoát như Gioan?

Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30).

Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

"Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết."

Hôm nay Đức Giêsu vẫn là Đấng xa lạ với nhiều người.

Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Đấng Cứu Độ đã đến từ hơn 2000 năm.

Xin được làm người chứng như Gioan, giới thiệu cho bạn bè Đấng mà họ đang tìm kiếm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Giới trẻ hôm nay say mê các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao... Theo ý bạn, điểm nào nơi Đức Giêsu có thể làm cho giới trẻ say mê? Đức Giêsu có phải là mẫu người lý tưởng của các bạn trẻ không?

Gioan là con người siêu thoát. Ông không tìm mình, ông vượt lên trên cái vòng danh lợi. Bạn có quen biết ai làm chứng tuyệt như Gioan không?

Cầu Nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

 

2.Chúa Nhật 3 Mùa Vọng

(Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

 

3.Loan báo niềm vui

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều chung một ý tưởng chính là diễn tả niềm vui của những ai tin vào Chúa. Niềm vui ấy lan tỏa trọn vẹn cuộc sống con người, đồng thời là động lực và sức mạnh giúp cho họ vươn lên giữa bao sóng gió của cuộc sống trần gian. Sắc màu lễ phục tím của Mùa Vọng không chỉ diễn tả sự sám hối, mà còn diễn tả niềm hy vọng. Khi chúng ta chờ đợi điều gì, chúng ta khấp khởi vui mừng vì thời gian càng trôi qua thì điều chúng ta chờ đợi càng đến gần. Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng là Chúa nhật của niềm vui, và chính chúng ta, các Kitô hữu được mời gọi để loan báo niềm vui tuyệt vời, đó là Chúa đang đến.

Bài đọc I diễn tả niềm vui và hứng khởi của vị Thiên Sai. Vị Thiên Sai là người được Chúa xức dầu và sai đi vào lòng thế giới. Ngài đến với muôn người, đi đến đâu là đem niềm vui và niềm hy vọng đến đó. Đấng Thiên Sai là người gieo mầm tin yêu: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân”. Dưới nhãn quan Kitô giáo, vị Thiên Sai mà ngôn sứ Isaia loan báo chính là Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc viếng thăm quê nhà tại Nagiarét, Chúa Giêsu đã vào hội đường ngày Sabát và đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta nghe hôm nay. Sau đó, trước sự ngỡ ngàng của những người đồng hương, Người tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (x. Lc 4,16-22). Trong suốt ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu đã chứng minh và thực hiện những gì các ngôn sứ của Cựu ước đã loan báo. Người đến với muôn người, không loại trừ ai. Người đem cho họ niềm hy vọng vào tình thương diệu kỳ của Thiên Chúa.

Nhờ được xức dầu mà chúng ta được gọi là Kitô hữu. Nếu Chúa Giêsu đã tuyên bố tại Nagiarét: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe”, thì mỗi Kitô hữu hôm nay cũng có thể tuyên bố như vậy. Bởi lẽ, nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Nhờ được xức dầu, chúng ta được sai đi đến mọi chân trời để loan báo Tin Mừng. Mỗi Kitô hữu phải ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng tuỳ khả năng và bậc sống của mình. Một cách cụ thể, tín hữu phải là người loan báo niềm vui. Thần Khí Chúa ngự trên chúng ta. Thần Khí là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng tác sinh và là Đấng ban cho con người niềm vui. Có sức mạnh của Thần Khí, con người không còn sợ hãi, không còn ủ dột lo buồn và bi quan thất vọng, nhưng chan chứa niềm vui vì có Chúa đồng hành với mình trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh mời gọi các Kitô hữu nhìn nhận phẩm giá và sứ mạng của mình trong đời sống Đức tin. Họ là những người được Chúa gửi gắm sứ mạng loan báo niềm vui. Một người Kitô hữu ủ dột, buồn bã không thể diễn tả Đức tin Kitô giáo cách trọn vẹn. Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Thessalônia phải luôn vui trong Chúa, mặc dù cuộc sống hằng ngày còn nhiều truân chuyên. Ngài cũng lưu ý họ đừng dập tắt Thần Khí, chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Một khi thành tâm lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần tự nơi sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta sẽ biết đối nhân xử thế và biết lựa chọn những gì tốt đẹp cho cuộc đời. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã nhận định: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ” (Số 2). Để thoát khỏi tình trạng cô đơn khô cằn này, vị Chủ chăn của Giáo Hội Công giáo hoàn vũ mời gọi: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến” (Số 3). Gặp gỡ Đức Giêsu để được hưởng niềm vui Người ban tặng, đó chính là thông điệp quan trọng của lễ Giáng sinh và Mùa Giáng sinh. Không tìm gặp Chúa Giêsu, cuộc sống người tín hữu sẽ trở nên khô cằn và vô nghĩa.

Một lần nữa, Tin Mừng Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng lại nhắc đến nhân vật Gioan Tẩy giả với lời mời gọi khiêm nhường sám hối. Lời mời gọi của Gioan tẩy giả cũng đang được nhắn gửi đến với mỗi người chúng ta, nhờ đó chúng ta được hưởng niềm vui trọn vẹn. Nhân vật Gioan Tẩy giả cũng nhắc nhớ chúng ta, mỗi người hãy ra đi loan báo niềm vui mà mình đã cảm nhận khi thực hành chân lý đức tin. Biết bao người quanh ta chưa được một lần nghe nói về Chúa. Họ đang ao ước được gặp gỡ Ngài. Các tín hữu được sai lên đường đến với họ, mang cho họ tình thương, niềm vui, sự tha thứ, sự đỡ nâng và giải thoát. Niềm vui Giáng sinh phải được loan báo cho mọi người, vì đó là niềm vui cho cả toàn dân. Chân lý cứu độ phải được trình bày cho thế giới, vì Thiên Chúa muốn cứu vớt muôn loài. Chúng ta không chỉ giữ niềm vui Giáng sinh cho riêng mình, nhưng mỗi tín hữu phải là người tiếp nối sứ mạng đem tin vui ấy cho những người xung quanh. Người không cảm nhận được niềm vui thực sự của Đức tin trong tâm hồn và trong cuộc sống, không thể loan báo niềm vui cho người khác, và như thế, không thể trở thành chứng nhân của Chúa cho thời đại mình. Thánh Gioan Tẩy giả là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta: khiêm nhường, xác tín, can đảm và trung thành. Nhờ những đức tính này, chúng ta sẽ trở nên những sứ giả loan báo niềm vui.

 

home Mục lục Lưu trữ