Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 61
Tổng truy cập: 1363625
NGƯỜI SẼ ĐẾN
NGƯỜI SẼ ĐẾN
(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Đoạn tin mừng được chia làm hai 24,37-41 và 24,42-44, có chủ đề chung với đoạn trước và sau nó là không ai biết khi nào Con Người sẽ đến. Chủ đề nầy nói về “Ngày” của Con Thiên Chúa (24,36; x. 24,37.28[2x].42.44 “giờ”.50). Trong đoạn nầy Mathêô đưa ra các minh hoạ (24,39-41) và dụ ngôn kẻ trộm (24,42-44). Chúa Giêsu đã loan báo ngày Con Người sẽ đến trong quyền năng và vinh quang. Trong ngày ấy các thiên thần sẽ được sai đi qui tụ những người được tuyển chọn khắp mặt đất (24,30). Ngày Con Người đến liên quan đến từng người; như thế, mỗi người phải sống sao để ngày ấy đến không trở nên tai họa cho mình.
Không ai biết ngày giờ Người đến (24,39-41). Đoạn nầy gồm so sánh ngày Người đến với tai họa lụt hồng thủy vào thời Nôê (24,37-39); sự chọn lọc (24,40-41). “Con Người” đóng khung đoạn nầy (cc. 37.39).
Mathêô dùng “hospēr gar” “vì cũng như” để so sánh ngày Nôê vào tàu tương tự ngày Con Người đến (cc. 37.41). Ông nhấn mạnh sự không hay biết của con người về ngày ấy; cũng thế ngày Con Người đến (parousia). Trước lụt đại hồng thủy dân chúng chỉ biết ăn uống, cưới vợ lấy chồng (c. 38); các động từ nầy ở thể phân từ hiện tại chỉ sinh hoạt thường nhật của họ. Họ chẳng hay biết ngày Nôê vào tàu, và cuộc sống của họ đã không thay đổi. Lụt đại hồng thủy ập đến và cuốn họ đi mất (Kn 6,5-24). Sự hủy diệt nầy sẽ được ám chỉ trong câu 24,44. Ngày Chúa đến (parousia) được ví như lụt đại hồng thủy ấy (kataklysmos). Parousia chỉ việc Chúa đến (c. 39); đó cũng là lúc tận cùng của vũ trụ nầy (24,3.27). Chúa chưa đến, nhưng ngày ấy đã được loan báo. Đừng để ngày ấy trở nên tai hoạ cho mình vì không biết.
Mathêô tiếp tục nói đến hành động của Thiên Chúa trong ngày Người đến (24,40-41). “Tote”, trạng từ chỉ thời gian “bấy giờ” (c. 40), liên kết với đoạn lúc Con Người đến (c. 39b). Hình ảnh làm ruộng vườn và xay bột chỉ công việc thường ngày. Hai người cùng làm một việc giống nhau có nghĩa là nhìn từ bê ngoài không thấy có sự phân biệt nào giữa họ. Tuy nhiên, khi ngày của Chúa đến, Người sẽ đem một người đi, và để lại một người. Hai động từ “đem đi”, paralambanō, và để lại”, aphiēmi, đối nghịch nhau hoàn toàn. Paralambanō liên hệ đến sự tuyển chọn của Thiên Chúa (x. 24,31); trong khi aphiēmi liên hệ đến cái chết (x. 22,25). Như thế, khi Chúa đến, Người sẽ phân biệt cách rõ ràng ai được chọn và ai không được chọn. Cũng như chỉ khi lụt hồng thủy đến, người ta mới biết Nôê và gia đình ông được cứu, trong khi những người khác bị tiêu diệt.
Đoạn 24,42-44 là một trong hai dụ ngôn làm thành một đơn vị (24,42-51), nói về thái độ tỉnh thức phải có trước việc Người đến. Đoạn nầy dùng dụ ngôn về kẻ trộm, gồm: -mệnh lệnh “Hãy tỉnh thức” (c. 42); tính tương tự của việc kẻ trộm đến (c. 43); áp dụng (c. 44). Động từ “biết” ở thể phủ định đều có mặt trong cả ba câu 42.43.44. Chúa muốn nhấn mạnh lần nữa con người chẳng biết gì về ngày Người đến; nên phải tỉnh thức.
Dụ ngôn bắt đầu với mệnh lệnh “Hãy tỉnh thức” (c. 42). Mệnh lệnh nầy được dùng bốn lần, và chia hai trong hai tình huống khác nhau: một là lời loan báo Chúa sẽ đến (24,42; 25,13); hai là trong vườn Cây Dầu (26,38.41). Tỉnh thức theo nghĩa đen là không ngủ (x. 26,38); nghĩa bóng là canh chừng và chú ý để tránh khỏi tai họa ập tới như dụ ngôn kẻ trộm nầy; hay tránh khỏi cám dỗ (26,41). Trong cả hai trường hợp, tỉnh thức là bảo vệ chính mình được an toàn và giữ được thông hiệp với Thiên Chúa.
Hình ảnh kẻ trộm gắn liền với “đột nhập” và “ăn trộm” (6,19.20). Sự nguy hiểm của kẻ trộm, đột nhập và lấy đi của cải, rất lớn đến nỗi Chúa Giêsu khuyên phải tích trữ của cải trên trời, chứ không dưới đất. Kẻ trộm chỉ có thể lấy trộm nếu không ai biết. Ở đây dù chủ nhà đã biết kẻ trộm sẽ vào, ông vẫn phải tỉnh thức để của cải không bị lấy đi (c. 43). Vậy người môn đệ càng phải tỉnh thức hơn, vì họ không biết ngày giờ Người đến (c. 44). Động từ “dokeō” có nghĩa là “nghĩ”, “tưởng”. Con Người không đến vào ngày giờ người môn đệ nghĩ đến.
Chúa đã đến và vẫn đến mỗi ngày. Mùa Vọng chúng ta trông chờ Người hay Người trông chờ chúng ta? Người đến và trông chờ chúng ta mở lòng ra đón tiếp Người.
26.Niềm vui bất ngờ
(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)
Tại chùa Tô châu, có một nhà sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được.
Khách đến chơi trông thấy cười nói rằng:
- Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?
Vị sư trả lời:
- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu lo buồn vất vả suốt đời, chẳng biết cái chết là gì.
Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi.
***
Mới đây nhất ngày 8 tháng 11 năm 2013 người Phi Luật Tân đã bị siêu bão Haiyen quét đi biết bao nhà cửa, nhân mạng chết hay bị thương. Hầu như tất cả mọi người không thể ngờ hay biết trước siêu bão sẽ đến như thế nào! Hay tại tiểu bang Lousiana Hoa Kỳ năm 2005 với cơn bão Katrina tràn ngập nước bùn biết bao nhà cửa hư hỏng mặc dù con số tử vong không có bao nhiêu người, nhưng tổn thất rất là nặng nề.
***
Nhà sư Viên Phủy Trung quả là một con người biết tỉnh thức:
Tỉnh thức là biết nhìn xa trông rộng; nhìn tới cùng đích của kiếp người là cái chết, trông đến mục tiêu của nhân sinh là Nước Trời.
Tỉnh thức là biết lo trước nghĩ xa, vì không lo xa ắt có buồn gần. Bỏ cái lợi nhỏ trước mắt để được cái lợi lớn ở tương lai.
Tỉnh thức là biết phải hành động tốt đẹp cho hôm nay, để chờ đón bao phúc lộc, vạn hạnh cho ngày mai.
“Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24,42).
Tỉnh thức để chờ đón Chúa đến thì còn gì vui sướng hơn. Tỉnh thức để chuẩn bị cho cuộc hạnh ngộ thì còn gì hạnh phúc bằng. Tuy nhiên, con người lại hay mê ngủ: tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt lại nặng nề.
Sợ rằng khi Chúa đến họ lại chẳng đủ sức để tỉnh thức ra đón Người. Thấu hiểu thân phận yếu của con người nên Chúa đã khuyên dạy: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).
“Lúc Con Người đến” chính là ngày tận thế, ngày Chúa quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng thật trớ trêu là nó lại đến một cách bất ngờ: bất ngờ như biến cố đại hồng thủy thời ông Noe, bất ngờ như kẻ trộm đêm khuya đột kích vào nhà. Chẳng bao giờ kẻ trộm gọi điện thoại báo trước giờ nó đến, vì vũ khí của hắn là sự bất ngờ. Chỉ có một cách duy nhất để tai họa khỏi chộp xuống đầu chúng ta như “tiếng sấm đánh không kịp bịt tai”, là chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng trong ơn nghĩa Chúa.
Con người có một nhược điểm hết sức phổ biến, là luôn cho rằng vẫn còn ngày mai để chuẩn bị, còn ngày mai để sám hối ăn năn, còn ngày mai để thay đổi nếp sống. Nhưng có một kinh nghiệm hết sức chua xót đã từng đổ ập xuống bao người là ngày mai ấy không bao giờ trở lại. Chần chừ, khất lần chính là cơn cám dỗ hiểm độc nhất của ma quỉ. Xin đừng để quá muộn! Muốn vậy hãy tỉnh thức và đợi chờ.
Mùa vọng là mùa của đợi chờ:
Không phải đợi chờ trong mỏi mòn, day dứt khôn nguôi nhưng là đợi chờ trong niềm hy vọng.
Không phải đợi chờ mà không làm gì cả, nhưng là làm việc trong đợi chờ.
Không phải đợi chờ một ai đó, nhưng là đợi chờ chính Con Thiên Chúa.
Chờ đợi như thế chính là tỉnh thức, là sẵn sàng, là mở đường về tới Nước Trời.
Chờ đợi như thế chính là chung tay xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương, an vui và hạnh phúc.
Chờ đợi như thế thì ngày Chúa đến không còn là bất ngờ đáng sợ, nhưng lại là niềm vui bất ngờ.
Vui vì Chúa chúng ta đã toàn thắng vinh quang.
Vui vì bao con người được ơn cứu rỗi.
Vui vì vũ trụ này đã được giải thoát.
Vui vì “trời mới đất mới” sẽ mở ra, dẫn đưa chúng ta vào nơi vinh phúc.
***
Lạy Chúa Giêsu, trong khi chúng con chuẩn bị mừng ky niệm Chúa đến lần thứ nhất, và mong chờ Chúa sẽ đến lần thứ hai , xin cho chúng con luôn tỉnh thức để nhận ra biết bao lần Chúa đến với chúng con nơi dung mạo những anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, để ngày Chúa đến sẽ là một ngày hội vui cho tất cả mọi người. Amen.
27.Tỉnh để chờ – Anmai
Chắc ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần chờ xe, chờ đò, chờ máy bay...
Kỷ niệm lại về khi nhớ về ngày xưa ở vùng ven biển. Muốn đến nơi cần đến phải qua 2 chuyến phà. Chuyến phà thứ nhất ngày xưa như thế này, vì sợ hao xăng hao dầu nên chạy cầm chừng và rồi những chuyến đò ngang được cập bến phà để chở thêm người ngoài, vừa nhanh vừa tiện. Thế nhưng từ khi báo động đến mức nguy hiểm khi dùng đò ngang đi qua đoạn sông hơn một cây số thì tất cả đò ngang đều bị cấm, Thế là chỉ còn phương tiện duy nhất là phà. Nếu tạm gọi là may mắn vừa chuyến phà thì kịp lên, bằng không thì đành phải đợi. Hôm nào rơi vào ngày Tết ngày Lễ thì lượng người đi tăng gấp đôi ba lần. Như vậy thì chỉ đành chờ và chờ. Tâm trạng người chờ thì lúc nào cũng sốt ruột không biết khi nào đò sang để qua bờ bên kia.
Chờ đò là như thế, chờ xe cũng chẳng khác gì. Vài lần, anh em đi chung với nhau nhưng chẳng hiểu sao có vài anh ngủ quên cả dậy nên xe đã lăn bánh. Thế là lọ mọ dậy và chỉ còn cách duy nhất là ra bến để tìm phương tiện đến nơi cần đến.
Chỉ cần mất tỉnh thức một chút thì lỡ chuyến xe và lỡ chuyến đó. Chuyện này hết sức thực tiễn trong cuộc đời con người.
Mới đây thôi, từ Phát Diệm về Hà Nội để về lại Sài Gòn làm tôi phải sôi ruột. Cơm trễ, 1 giờ trưa khởi hành về Hà Nội, trong khi đó chuyến bay về lại Sài Gòn cất cánh lúc 5 giờ. Quán ăn từ Phát Diệm về Hà Nội khoảng hơn tám mươi cây số nhưng sợ cảnh kẹt xe. 3 giờ kém xe về đến quận Đống Đa. Chờ 10 phút, xe đưa tôi vào sân bay. Vừa ra đường Nguyễn Lương Bằng thì chuyện không mong nó vẫn đến là kẹt xe. Xe này nối xe kia một hàng dài. Thoát khỏi cảnh kẹt xe, tài xế biết gần đến giờ bay nên tăng tốc. Đến sân bay thì hỡi ôi một hàng dài đang chờ để Hải Quan kiểm tra. Đến lượt mình cũng là người cuối cùng bước chân vào máy bay. Một tí nữa coi như phải ở lại Hà Nội để chờ đến ngày mai mới được vào Sài Gòn. Một hành trình đầy kinh hãi!
Ngày hôm nay, bước vào Chúa nhật đầu tiên của mùa Vọng. Sống tâm tình mùa Vọng là chờ mong, đợi chờ Thiên Chúa đến trong cuộc đời chúng ta.
Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi các môn đệ cũng chính là mời chúng ta sống tâm tình tỉnh thức để đợi Chúa đến.
Trong tâm tình nhắc nhở này, Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh của gia đình ông Nôê ở Cựu Ước. Được báo là sẽ có một trận lụt hồng thủy đến trên mặt đất này để rồi ông Nôê và gia đình ông chuẩn bị đóng một con tàu thật lớn để lên đó tránh lụt. Như lời tiên báo căn dặn, ông đã làm tất cả những gì cần thiết và sẵn sàng để "đối phó" với cơn đại hồng thủy sắp đến. Trong khi đó, những người khác cùng sống cùng thời với ông vẫn cứ vui vẻ để sống chứ không hề bận tâm chuyện gì cả.
Chuyện gì đến sẽ đến. Như trong lời báo, nước ngày mỗi ngày một dâng cao. Và, dĩ nhiên là những ai lên tàu, thậm chí súc vật mới được sống sót sau trận lụt hồng thủy kinh hoàng.
Chuyện hồng thủy trong đời ông Nôê cũng chỉ là cảnh lụt lội. Sau cơn mưa trời lại sáng, sau bão lũ thì mọi sự cũng sẽ trở lại bình thường và con người số gắng lao nhọc để kiếm sống từ hai bàn tay trắng. Dù phải làm lại từ đầu, dù phải xuất phát điểm từ hai bàn tây trắng nhưng con người còn có cơ hội sống để làm lại từ đầu. Những người thời ông Nôê bị cơn lụt cuốn trôi thì muốn làm lại từ đầu như gia đình ông Nôê cũng không làm được vì tất cả đã chết.
Sao bão tố, sau thiên tai con người còn có thể sống. Như những nạn nhân trong cơn bão dữ để đời ở Philippines là một bằng chứng hết sức cụ thể. Còn lại 5 người gia đình người Việt sống trong vùng tâm bão sống sót. Những người này rơi vào cảnh hai bàn tay trắng và phải làm lại từ đầu. Giờ này, họ cũng chẳng mong gì khác ngoài thực phẩm để cứu sống họ sau những ngày tan thương này chứ cũng chưa nghĩ rằng phải vực lại nền kinh tế như xưa. 5 người này may mắn hơn cả ngàn người khác vì họ đã qua đi ngay khi bão đến.
Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta không chỉ là được báo trước như ông Nôê hay dự báo bão dữ như những cơn bão năm này qua năm khác ập đến. Không phải báo trước mà là thân phận con người đến một ngày nào cũng phải kết thúc.
Chúa Giêsu nói thẳng chứ không mấp mé, không hoa mỹ, không gợi hình gợi ý gì cả. Chúa Giêsu nói thẳng luôn là trong khi hai người đang xay bột thì có một người bị đem đi và một người ở lại, có người đang trồng lúa thì cũng sẽ một người được ở lại.
Chân lý này không ai có thể phủ nhận được vì lẽ ngày mỗi ngày đều diễn ra cái sự thật này, cái chân lý này.
Nếu đến Từ Dũ, chúng ta sẽ thấy nhiều và thật nhiều bà mẹ đang quằn quại trong cơn đau để sinh hạ đứa con yêu của mình. Và, nếu chúng ta đến Đa Phước hay Bình Hưng Hòa, chúng ta sẽ bắt gặp đoàn xe tang nối đuôi nhau đưa người quá cố lên đài hỏa táng. Nhìn như thế, gặp như thế và rồi một ngày nào đó ta cũng như thế chứ không sai.
Chúa Giêsu, trong tâm tình giờ người làm ruộng và người xay bột bị mang đi đó, mời gọi con người, mỗi người, nhất là những người có niềm tin phải tỉnh tức.
Chuyện quan trọng nhất của đời người đó là tỉnh thức. Lý do để chúng ta luôn canh thức là “vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”. Sự kiện Chúa sẽ đến trong cuộc quang lâm là một thực tại chắc chắn, nhưng đồng thời đó cũng là một thực tại sẽ xảy đến hoàn toàn bất ngờ, vượt ra bên ngoài những dự đoán hay hiểu biết chính xác của con người.
Ngày mỗi ngày, chúng ta vẫn “xay bột”, vẫn “làm ruộng”, tức là vẫn sống trong các thực tại bình thường hằng ngày của cuộc sống con người, nhưng bên trong phải là một sự canh thức đích thực, tức là một sự tham dự thật sự vào số phận và mầu nhiệm của Đức Giêsu. Đó mới là điều quan trọng.
Để minh họa cho tính chất bất ngờ đó của cuộc quang lâm, Chúa Giêsu kể dụ ngôn kẻ trộm đêm khuya: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình” (24, 43). Tân Ước vẫn thường dùng hình ảnh kẻ trộm để nói về tính chất bất ngờ của ngày Chúa đến (1 Tx 5,2; 2Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15). Vì tính chất bất ngờ này, các đồ đệ của Chúa được yêu cầu phải luôn luôn hiện diện trong tư thế sẵn sàng đối diện với biến cố đó (c.44), tức là luôn hiện diện một cách tròn đầy trong từng phút giây hiện tại trong sự liên kết mật thiết với cuộc vượt qua của chính Đức Kitô Giêsu. Cuộc quang lâm của Chúa là biến có cứu độ, vì Ngài ngự đến để tập hợp những người được tuyển chọn ( 24, 31), và khi ấy, “kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu độ” (24, 13).
Chúa Giêsu kết luận: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình.44 Cho nên anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24.42-44).
Căn cốt của trang Tin Mừng hôm nay là động từ “canh thức” trong câu 42. "Canh thức" có nghĩa là không ngủ, là tỉnh thức. Động từ này xuất hiện trong trình thuật về Chúa Giêsu trong vườn Dầu (26, 38.40.41). Nó diễn tả sự liên đới và đồng nhất hóa với cái chết mà Chúa Giêsu trải qua trong chiều sâu kinh hoàng thật sự của cái chết cứu độ đó. Vậy đây không chỉ là sự không mê ngủ, mà còn là sự nên một với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Đây chính là tâm tình lời mời gọi của Chúa Giêsu mời các môn sinh của Ngài cũng như mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy canh thức”.
"Canh thức" như Chúa Giêsu mời gọi có nghĩa là ngồi đó thức và chờ đợi chứ không làm gì cả. Thái độ, tâm tình như thế là tâm tình tiêu cực, tâm tình bi quan và chẳng có ý nghĩa gì với ta cả.
Tâm tình "canh thức" được Thánh Phaolô mời gọi rất rõ qua đoạn thư của Ngài: "... vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.
Xin cho chúng ta sống tâm tình "canh thức" như Thánh Phaolô mời gọi để bất cứ khi nào Chúa đến với đời ta, ta sẵn sàng đón chờ Chúa và Chúa đưa ta vào hưởng hạnh phúc Quê Trời với Ngài.
28.Để Chúa đến trong cả cuộc đời
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Bài đọc 1 trích sách Ngôn sứ Isaia: "Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Hãy đến đây, nhà Gicop hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường" (Is 2,1-5).
Ngôn sứ Isaia ước mơ về một tương lai thế giới hoà bình, không còn đánh nhau, không còn chinh chiến nữa, gươm đao giáo mác trở nên liềm hái làm dụng cụ lao động. Bức tranh về một nền hoà bình tuyệt đẹp: sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò (Is 65,25), trẻ con thọc tay vào hang rắn lục...
Isaia hướng nhân loại về niềm hy vọng: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan (Is 65,17-18).
Khát vọng của Ngôn sứ Isaia cũng như của nhân loại ngàn đời là một nền hoà bình vĩnh cữu. Chính trong niềm khát vọng ấy mà Tu sĩ Hermann Schaluck, Ofm đã ước mơ đến: Trình Thuật Mới Về Công Việc Sáng Tạo:
- Và Thiên Chúa nhìn thấy cách thức loài người khắp cõi trần, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, không phân biệt nòi giống, nam nữ, đang khởi công liên hệ cùng nhau cách chân tình. Các dân tộc tự chọn giữa họ những người nam nữ tốt lành nhất và gởi họ tới lâu đài trứ danh bằng kính trên hòn đảo Manhattan (Trụ sở Liên Hiệp Quốc), nơi mở cửa đón tiếp tất cả các quốc gia hoàn cầu. Tại đây, họ lắng nghe đối thoại thân mật, thông cảm lẫn nhau và khai triển những dự án cộng đồng.
Và Thiên Chúa phán: "Như thế là tốt". Và đây là ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới.
- Và Thiên Chúa nhìn thấy cách các chiến sĩ hoà bình tách biệt các đạo quân đang lâm chiến với nhau, các tranh chấp được dàn xếp bằng lẽ phải và điều đình, chứ không phải bằng khí giới. Các nhà lãnh đạo quốc gia biết lắng nghe tiếng nói của các dân tộc, biết cùng nhau khởi sự coi trọng lợi ích toàn cầu và hoà bình thế giới kết hợp với lợi ích riêng biệt.
Và Thiên Chúa phán: "Như thế là tốt". Và đó là ngày thứ hai của hành tinh mới.
- Và Thiên Chúa nhìn thấy cách loài người bắt đầu yêu chuộng và bảo vệ thay vì khai thác tạo vật: bầu khí quyển với lớp ozon, nước sông, nước biển, trái đất và nguyên liệu cũng như tất cả những gì sinh sống và phát triển tại đó. Và Thiên Chúa cũng thấy rằng bắt đầu loài người không còn thống trị và khai thác lẫn nhau, nhưng tự coi là con một Cha duy nhất và đối xử đồng đều với nhau.
Và Thiên Chúa phán: "Như thế là tốt". Và đó là ngày thứ ba của kỷ nguyên tư tưởng mới.
- Và Thiên Chúa thấy cách loài người khắp hoàn cầu khởi công khám phá và loại trừ các nguyên nhân gây nên đói khát, bệnh tật, dốt nát và nghèo đói bất công. Họ khởi sự san sẻ cùng nhau những gì thuộc về tất cả và vì lợi ích chung và sự sống còn của toàn cầu, họ khởi sự xem xét các khía cạnh tích cực và quan điểm chung của các dân tộc và tôn giáo.
Và Thiên Chúa phán: "Sự việc phải như vậy". Và đó là ngày thứ tư của cuộc sáng tạo mới.
- Và Thiên Chúa thấy cách loài người, với một ý thức hoàn hảo, có trách nhiệm chứ không vì ham muốn quyền lực, khởi sự sử dụng tài nguyên thiên nhiên được giao phó cho mình, đặc biệt là chất đốt rút ra từ lòng đất và năng lượng nguyên tử. Thiên Chúa thấy cách lương tâm họ luôn thức tỉnh thúc đẩy họ tự vấn xem lại các dự án mới mà họ định nghiên cứu có thích hợp với việc phục vụ Thiên Chúa và nhân loại không. Họ từ bỏ ương ngạnh để chủ trương tế nhị, từ bỏ tham lam để chủ trương không vụ lợi, ích kỷ cá nhân và quốc gia để chủ trương tinh thần liên đới.
Và Thiên Chúa phán: "Như thế là tốt". Đó là ngày thứ năm của một thế giới nhân đạo hơn.
- Và Thiên Chúa thấy cách loài người năm châu khởi sự tháo gỡ và phá bỏ các dàn phóng hoả tiễn, các kho bom đạn, vũ khí hoá học, vi trùng cũng như các vệ tinh do thám và hệ thống truy tầm, giải phóng quân đội và vì thế phổ biến trong học đường và chương trình giáo dục những mô hình sư phạm về hoà bình minh bạch và hữu hiệu đến nỗi các cuộc tranh chấp có thể được giải quyết bằng đường lối hoà bình.
Và Thiên Chúa phán: "Tất cả như thế là tốt". Đó là ngày thứ sáu của một bầu trời mới.
- Và Thiên Chúa nhận thấy cách loài người bắt đầu tái nhận biết Ngài nơi mọi sự, Ngài, Thiên Chúa hằng yêu quý sự sống. Họ coi cuộc tranh đấu cho sự sống, cho phẩm giá và cho việc nhìn nhận quyền lợi mỗi cá nhân là một việc phụng vụ Thiên Chúa. Và mỗi lần một trong những ý thức hệ họ sụp đổ, lúc thảo lại một hiến pháp mới, họ ghi vào đó rằng: Ta đừng bao giờ quên lãng Thiên Chúa là nguồn gốc và tận cùng một thế giới công bình và nhân đạo. Và họ nhìn nhận con người được sống và được giải phóng là dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử.
Và Thiên Chúa phán: "Bây giờ, tất cả đều trở nên tốt lành". Đó là ngày thứ bảy của việc sáng tạo hoàn cầu. Từ đây hoàn cầu đồng thuộc về nhân loại mới và Thiên Chúa.
Một nền hoà bình đích thực dẫn đưa con người đến "trời mới, đất mới" (Kh 21,1) hiệp thông với Đấng là sự Thật và là Sự Sống. Loại bỏ những việc làm đen tối (Rm 13,13), mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (Rm 13,14), nhân loại sẽ xây dựng được nền hoà bình vĩnh cửu. Niềm hy vọng một nền hòa bình vĩnh cửu gắn liền với lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại bởi lẽ: Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa. Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử. Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường.Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.
Thiên Chúa là Sự Sống, là Tình Yêu. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm Người. Đức Giêsu Kitô chính là Tin Mừng Sự Sống và Tình Yêu.Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu loan báo cho loài người là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Yêu. Ngài luôn mời gọi mọi người thiện tâm chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương.
Năm Phụng Vụ khởi đầu bằng Mùa Vọng. Bài thánh ca quen thuộc ngân vang trong những sinh hoạt đạo đức hàng ngày: Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến, xin cho lòng chúng con luôn thắm đượm một tình yêu mến, xin cho lòng chúng con luôn ước ao, luôn khát khao, một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.... để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi...
Để đón chờ Chúa đến, cần phải tỉnh thức và cầu nguyện. Chúa Giêsu dạy trong trang Tin Mừng: ngày Con Người đến thật bất ngờ: vào ngày nào, giờ nào không một ai biết. "Lúc Con Người đến" chính là ngày tận thế, ngày Chúa quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng nó lại đến một cách bất ngờ. Bất ngờ như trận lụt đại hồng thủy thời ông Noê. Bất ngờ như hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người đàn bà đang xay bột, một người bị đem đi, một người để lại. Không ai biết được mình sẽ ra đi lúc nào. Không ai biết được tương lai của mình ra sao. Không ai biết được ngày tận thế. Vào thời ông Noê, trong khi không ai để ý chuyện gì sắp xảy ra, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục với những dấu hiệu bình an: "Thiên hạ vẫn ăn uống, dựng vợ gả chồng". Chỉ có ông Noê là người tỉnh thức và sẵn sàng. Vâng lệnh Chúa, ông Noê đóng một chiếc tàu rất lớn. Đang khi đóng tàu, dân chúng chế giễu ông lẩm cẩm. Sau khi hoàn tất, ông và gia đình cùng với súc vật vào tàu, trời bắt đầu sấm chớp và đổ mưa như trút ngày đêm. Lụt đại hồng thủy dâng lên bất chợt. Tất cả đều bị cuốn trôi trong nước lũ. Chỉ còn lại gia đình ông Noê được cứu sống. Chúa đến sẽ bất chợt khi chúng ta đang làm việc, đang sinh sống, đang ăn uống, đang ngũ nghỉ.
Chúa đã đến và vẫn đến mỗi ngày. Để đón chờ Chúa đến, cần phải tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức không "chè chén say sưa", là đừng quá đam mê những hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không "lo lắng sự đời", là không quá mê say danh, lợi, thú. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Tỉnh thức để không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình.Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.
Có tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời. Cầu nguyện trong tỉnh thức để luôn sẵn sàng vì không biết ngày giờ Chúa viếng thăm. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới "đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người". Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.
Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện, chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.
Mùa Vọng chúng ta trông chờ Chúa hay Chúa trông chờ chúng ta?
Mùa Vọng được khai mở với lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bước đầu là bước quyết định cho cả một cuộc đời, một chương trình kế tiếp như như sách Nho có câu: Nhất nhật chi kế tại ư thần, nhất niên chi kế tại ư xuân ( Kế hoạch một ngày hệ tại giờ ban mai, kế hoạch một năm hệ tại mùa xuân).
Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ sống của người tín hữu suốt năm phụng vụ.
Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu trong nhà thờ, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen.
29.Niềm tin yêu phó thác.
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)
CON THUYỀN KHÔNG BẾN
Trong một lớp giáo lý Rước Lễ Trọng Thể, khi được hỏi: “Con tàu No-ê đã trôi về đâu”, một em học viên tuổi vào đời đã trả lời nhanh: “Dạ, nó trôi lênh đênh như con thuyền không bến”.
Hay! Giữa trời biển bao la, còn đâu là bến bờ, câu trả lời thật thơ mộng và chính xác!
Nhưng đó chỉ là hình ảnh được hiểu theo kiểu “người trần mắt thịt”, thấy sau biết vậy. Con thuyền No-ê không trôi vô định, phó mặc dòng đời tùy hên xui may rủi, kiểu “con thuyền không bến” của người đời: “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Con thuyền No-ê đã được tạo thành có mục đích, nó trôi nổi giữa dòng đời theo mục đích, và sẽ dừng lại đúng mục đích.
Đó là một cuộc hành trình có khởi điểm, có lộ trình, và có điểm đến. Đó là một cuộc hành trình do Thiên Chúa hoạch định. Đó là ơn gọi vì yêu thương.
Bến cũ không còn an toàn, Thiên Chúa muốn ông No-ê rời bỏ nơi ấy, để đến bến bờ mới của sự sống, nơi sẽ là Trời Mới, Đất mới - một Thế Giới Mới. No-ê đã vâng lời. Ông tin những gì Thiên Chúa nói. Ông vâng phục những gì Thiên Chúa dạy. Ông phó thác mọi sự trong chương trình của Thiên Chúa.
Nên, giữa trời biển bao la, vẫn có một bến bờ mà nếu không có đôi mắt đức tin không thể nào thấy được, đó là bến bờ vô hình đang chờ đợi “con thuyền không bến” của No-ê cập bến: - bến bờ sự sống mới.
Như vậy, cuộc hành trình của con tàu No-ê là một cuộc hành trình hy vọng. Hy vọng những điểu tốt lành Thiên Chúa sẽ trao ban như lời Ngài đã hứa.
CHỜ ĐỢI VÀ HY VỌNG
Chờ đợi luôn chứa đựng hy vọng. Hy vọng đòi hỏi đợi chờ. Có những người tự tử vì họ không còn hy vọng. Họ không còn gì để đợi chờ. Có những người đầy nghị lực vượt gian khổ, vì họ luôn hy vọng điều tốt lành đang ở phía trước. Họ kiên nhẫn đợi chờ. Họ đợi chờ trong hy vọng.
Tháng ngày lênh đênh trên sóng nước bao la của con tàu No-ê là cuộc hành trình chờ đợi trong hy vọng. Mong đợi thấy được ánh mặt trời của ngày mới rực sáng trên mặt đất hồi sinh.
Đó là Mùa Vọng của con tàu Nô-ê. Mùa Vọng của những người luôn được Chúa yêu mến và luôn biết yêu mến Chúa. Những người luôn tỉnh thức để trung thành với niềm tin yêu vào Thiên Chúa.
Muốn có được niềm hy vọng, người ta luôn phải phấn đấu. Không ai đạt được mục đích mà chỉ “nằm há miệng chờ sung”. Để trung thành với niềm tin yêu vào Thiên Chúa đòi hỏi con người luôn nổ lực để tự hoàn thiện bản thân. Phải có hy sinh, đau đớn, khổ luyện, con người mới vươn lên được. “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài. Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”.
Cuộc sống chỉ để thỏa mãn những thú vui thấp hèn. Theo đuổi những giá trị nhất thời. Hưởng thụ những thứ phàm tục thoáng qua. Buông thả theo bản năng. Mất phương hướng đời người. Không còn cảm nhận được những giá trị cao cả lâu bền. Cuộc sống ấy sẽ thật sự chấm hết trong thế giới tan biến phù hoa ảo ảnh. Vì cuộc sống ấy không nối kết được với nguồn sống vĩnh cửu là Thiên Chúa. “Thời ông Nô-ê thế nào, thì con người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày con người quan lâm cũng sẽ như vậy”. (Mt.24,37-39).
VÀO GIỜ PHÚT KHÔNG NGỜ...
Ở quê tôi, không nhớ rõ năm nào, chỉ biết là trước năm 1975, người ta báo tin một chiến sĩ tên Sang tử trận. Phải mất gần ba ngày sau, gia đình người thân mới đi lãnh xác về được trong chiếc quan tài được hàn chì bên trong cẩn thận.
Thật khó mà tả được hình ảnh người mẹ đau khổ. Bà ôm chiếc quan tài và tha thiết xin được nhìn mặt con lần cuối, nhưng không ai đáp lại nguyện vọng của bà. Vì ai cũng hiểu: chẳng còn hình thù gì nữa để nhìn. Người ta giữ lại chiếc quan tài một đêm để cầu lễ và dự định ngày hôm sau thánh lễ an táng sẽ cử hành lúc 2 giờ chiều.
Buổi sáng ngày dự định chôn cất, lúc ấy khoảng 8g, khi người mẹ còn đang thỉnh thoảng bước lại nhìn di ảnh đứa con trai cưng của mình, thắp vài nén hương trong nước mắt, thì một người ở ngoài đường hối hả chạy vào nhà báo tin: “Mẹ ơi, người ta điện về xã cho biết tên Sang đó không phải là người ở xã của mình, ở nơi khác. Mẹ ơi, anh Sang còn sống! Mẹ ơi, anh Sang còn sống!”.
Người mẹ đứng chết trân, ngỡ ngàng, không biết mơ hay thực, nước mắt tiếc thương chưa kịp khô, những giọt nước mắt vui mừng trào trào ra tuôn dòng trên đôi má nhăn nheo.
Ngay ngày hôm sau, người ta cho anh Sang về phép. Có lẽ ai đó có trách nhiệm trong việc lầm lẫn tai hại này muốn chuộc lại lỗi lầm chăng. Hay muốn bảo đảm chắc chắc rằng người nằm trong quan tài kia không phải là Sang ở gia đình này. Sau đó, người ta đem chôn tạm chiếc quan tài kia ở phía sau ruộng. Gần một tháng sau mới có thân nhân đến tìm mộ.
Mấy ngày sau, tôi đến thăm người mẹ đó. Bà nói câu nào cũng khóc. Khóc rồi cười. Cười rồi lại khóc. Đó là thứ ngôn ngữ diễn tả niềm vui quá sức lớn lao đến mức người ta có thể điên lên được vì hạnh phúc đến quá bất ngờ. Thật không ngờ! Tôi cứng rắn lắm, vậy mà cũng khóc. Tôi khóc vì cảm động trước lòng mẹ...
Ôi, sự sống quý trọng biết bao và là khát vọng muôn thuở của con người!
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh của Chúa Giêsu đã xúc động trước đám tang của con trai bà góa thành Na-im (Lc.7,11-17). “Trông thấy bà Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa’”. Niềm hạnh phúc của bà mẹ này chắc chắc rất lớn lao và thật không ngờ. “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ”.
Niềm vui ấy không chỉ riêng của bà mẹ thành Na-im và bản thân người chết, mà còn là niềm vui của mọi người. Đó là nỗi khắc khoải chờ mong của mọi người, của kiếp nhân sinh. “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người ’”. (Lc.7,16).
Đó là niềm vui lớn nhất mà chúng ta chờ đợi. Đó là hy vọng mà chúng ta ấp ủ trọn cả kiếp người.
Cuộc đời của chúng ta có rất nhiều điều không ngờ. Chúng ta là thân cát bụi mà Chúa đã yêu thương chúng ta đến mức không ngờ. Ngài tha thứ chúng ta đến mức không ngờ. Ngài là Thiên Chúa mà chọn cái chết vì chúng ta thật không ngờ. Ngài sẽ đến vào ngày không ngờ. Ngài sẽ đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc không ngờ.
Chỉ có điều, ta đáp lại tình Ngài như thế nào qua cách sống của chúng ta. Nếu ta bước đi vững vàng trong niềm tin yêu Thiên Chúa. Nếu ta biết lắng nghe Lời Chúa. Nếu ta biết chọn lựa những gì thuộc về Chúa. Nào ta còn sợ gì lạc lối. Mặc cho cuộc đời có đổi thay. Sóng gió tư bề bao phủ. Chuyện kinh thiên động địa tràn lan, ta chẳng hề sợ đến “hồn xiêu phách lạc”, vì ta tin vững Thiên Chúa không hề bỏ rơi những ai trung thành và hằng kêu cầu đến Thánh danh Ngài. “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và hãy ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ” (Lc.21.28).
Có một chút màu trắng trinh nguyên,
Có một chút màu đen bóng tối,
Có một chút màu xanh hy vọng,
Có một chút màu đỏ tình yêu.
Đan quyện lấy nhau.
Pha trộn vào nhau.
Để cho ra màu tím.
Màu Tím Mùa Vọng.
Màu của đợi chờ.
Lạy Chúa,
Cho con cúi xuống, chẳng dám nhìn lên,
Dòng lệ ăn năn khóc đời lầm lỡ.
Cho con ngước lên, dòng lệ òa vỡ,
Trông chờ Chúa thương cứu chuộc đời con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam