Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1362151

NGƯỜI TA SỐNG

NGƯỜI TA SỐNG

 

Người ta sống không nguyên bởi bánh.

Chúa Giêsu người đã nói câu đó, không phải là một kẻ mơ mộng hoặc chỉ sống bằng những lý tưởng cao đẹp, hoặc đã có dư ăn dư mặc để có thể dễ dàng lên mặt dạy đời về sự tầm thường của vật chất. Ngài hiểu rõ giá trị của đồng tiền bát gạo vì đã khó nhọc làm ăn nuôi sống gia đình. Ngài biết rằng có thực mới vực được đạo, bằng chứng là có lần Ngài đã phải nuôi ăn cho một đám đông đói khát sau những ngày tìm đến với mình để được nghe giảng dạy. Ngài cũng biết rằng bần cùng sinh đạo tặc, bởi vì Ngài đã thường xuyên lui tới với những đám người khốn khổ nhất của xã hội, biết rõ hoàn cảnh đời sống của họ. Thế nhưng Ngài vẫn nhất định không để cho nhu cầu thiết yếu và căn bản ngự trị trên các nhu cầu khác của con người. Ngài nhất định không coi của cải vật chất là tất cả đến nỗi phải làm bất cứ cách nào cho có được.

Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh.

Có một thời cách đây không lâu, chúng ta ngơ ngác không hiểu tại sao thanh niên Âu Mỹ lại chán chường, nổi loạn, phá phách hay làm những chuyện điên rồ, có vẻ vô nghĩa, khi mà họ đã có thừa mứa mọi tiện nghi hưởng thụ. Sở dĩ như thế vì lớp thanh niên này có mọi thứ, nhưng lại thiếu lý tưởng, thiếu lẽ sống, thiếu cái gì cao cả để mà vươn lên. Thời ấy, chúng ta nghe, nhưng vẫn cảm thấy đó là những điều hơi xa lạ và viễn vông. Bây giờ, khi nhìn thấy một lớp trẻ sống thực dụng, không lý tưởng, bất chấp đạo nghĩa, đặc biệt là những hạng con ông cháu cha trong xã hội, thì chúng ta mới thực sự thấm thía. Cha ông chúng ta vốn thường dạy: Tốt danh hơn lành áo. Chết vinh hơn sống nhục. Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi. Còn giới trẻ hôm nay thì đã phản ứng ngược lại.

Thầy giáo kể lại câu chuyện về cha Maximilien Kolbê, người đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù, là người cha còn trẻ trong gia đình, bị Đức quốc xã giam cùng trại với cha. Vị linh mục nói: Tôi già rồi nếu có sống thì cũng không có lợi ích và cần thiết bằng người cha gia đình này. Nghe xong, một cậu học trò đã phê bình một câu sắc như nhát chém: Sao mà ngu thế.

Ngoài cơm bánh, chúng ta còn đói khát rất nhiều thứ khác, chẳng hạn như đói khát sự thật, đói khát tình thương, đói khát tự do, đói khát phẩm giá, đói khát lòng kính trọng, đói khát kiến thức, đói khát lẽ sống và lý tưởng.

Chúng ta cần phải giúp cho bản thân cũng như cho người khác, để chúng ta cùng nhau vươn lên, vươn lên mãi, cho đến khi gặp được nguồn chân thiện mỹ mới thôi.

 

9.Cám dỗ trong đời thường

Sống kiếp con người nơi trần thế này, ai trong chúng ta cũng thường gặp những thách đố và cám dỗ trong cuộc sống. Có nhiều người ý thức và nhẹ nhàng vượt qua, nhưng cũng có rất nhiều người đã rơi vào những cạm bẫy của ma quỷ và trở thành kẻ nô lệ của chúng một cách đáng thương. Vấn đề đặt ra cho chúng ta bây giờ là làm sao có thể vượt qua những cám dỗ đó. Đâu là sức mạnh và trợ lực an toàn cho chúng ta?

Chúng ta đang bước vào Chúa nhật thứ I Mùa Chay, mùa dành riêng cho việc kêu gọi con người hãy ăn năn sám hối và trở về với Thiên Chúa để nhận lãnh lòng thương xót và ơn tha thứ của Ngài.

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời về sự chiến đấu trước những cơn cám dỗ đụng chạm trực tiếp đến những nhu cầu thiết yếu và phổ biến nhất của con người. Mẫu gương đó chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Trước khi khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, Ngài đã được dẫn vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Có lẽ có rất nhiều ý nghĩa xung quanh vấn đề này, nhưng có lẽ chúng ta thấy được nhất là ý nghĩa nêu gương của Chúa Giêsu qua những cơn cám dỗ mà Ngài đã chịu. Ma quỷ rất gian xảo và tinh vi trong mọi cố gắng nhằm quyến dụ con người đi vào con đường chết, trở thành những kẻ chống đối Thiên Chúa hay thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, Người Con vẹn toàn của Thiên Chúa đã chiến thắng Ma Quỷ và vạch trần những âm mưu xảo trá của chúng vì chúng vốn là cha của những kẻ gian trá.

Cơm áo bạc tiền luôn là nổ băn khoăn và lo lắng của biết bao nhiêu con người. Cuộc sống bận rộn suốt ngày đêm cũng chỉ xoay quanh vấn đề này. Người còn nghèo khó thì muốn cố gắng làm sao để có đủ cơm ăn áo mặc. Người khá giả một chút thì muốn giàu có hơn. Còn người đã giàu có rồi thì tìm cách làm sao để giữ vững cơ nghiệp của mình, tìm cách hưởng thụ và làm sao để cho danh tiếng của mình vang xa, cho thiên hạ nể nang mình... Có thể nói, không ai tìm thấy thoả mãn với những nhu cầu vật trong cuộc sống này. Chính vì lý do này mà con người dễ dàng rơi vào những cơn thèm khát mang tính danh, lợi, thú do ma quỷ giăng mắc khắp nơi. Khắp nơi đều nghe thấy con người kêu khổ: nghèo cũng khổ, giàu cũng khổ, cũng khóc như ai. Như vậy hạnh phúc đích thực không có nơi trần gian này, mà chỉ tồn tại nơi Thiên Chúa mà thôi.

Có một anh nông dân rất nghèo, làm việc vất vả suốt ngày quanh năm nhưng cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Rồi anh nghe người ta đòn rằng, ở trên núi có một thiền sư pháp thuật cao lắm, ông có thể làm cho người nghèo trở nên giàu có dễ như trở bàn tay. Thế là anh nông dân này bèn hỏi han đường sá để tìm đến với vị thiền sư đó. Cuối cùng thì anh cũng gặp được vị thiền sư tài giỏi ấy. Anh liền bày tỏ với vị thiền sư nổi khổ tâm của anh và ước nguyện được giúp cho thoát khỏi cảnh nghèo túng. Vị thiền sư nói: "tưởng chuyện gì khó chứ chuyện ấy thì quá dễ. Nhưng mà không được, vì nó nguy hiểm lắm". Anh nông dân ấy nói: Chỉ có cái nghèo mới nguy hiểm và tôi chỉ sợ cái nghèo thôi. Ngoài ra tôi không sợ gì nữa cả.

Cuối cùng thì vị thiền sư cũng bằng lòng làm theo yêu cầu của anh ta và căn dặên: "Đây ta truyền cho ngươi câu thần chú này. Mỗi lần ngươi đọc câu thần chú này thì lập tức có một con quỷ hiện ra và nó sẽ làm tất cả những gì ngươi sai khiến nó. Nhưng hãy nhớ. Khi nó hiện ra rồi thì ngươi phải có cái gì đó cho nó làm, nếu không nó sẽ vặn cổ ngươi đó". Thế là anh nông dân nghèo đó hí hửng ra về mang theo câu thần chú mà anh cố gắng nhớ trong đầu. Về đến nhà, anh liền niệm câu thần chú ấy, và lập tức có một con quỷ hiện ra để sẵn sàng chờ lệnh của anh. Anh liền bảo nó xây cho anh một toà lâu đài lộng lẫy vào hạng bậc nhất thế giới. Tưởng đâu mấy tháng mới xong, không ngờ chỉ có 3 phút là xong. Anh liền bảo nó đi tìm cho anh một cô mỹ nữ về làm vợ, vì trước đây chẳng có ai thèm lấy anh. Tưởng mấy ngày mới xong, nào ngờ cũng chỉ có 2 phút là xong. Anh liền bảo nó dọn cho anh một bữa ăn ngang hàng với các bậc vua chúa trần gian. Tưởng mấy tiếng đồng hồ mới xong, ai ngờ chỉ có 1 phút là xong. Lúc này anh ta mới sợ hãi và cuống cuồng lên vì biết lấy gì mà sai nó làm nữa đây. Con quỷ liền thúc giục anh ra lệnh cho nó làm, nếu không nó sẽ vặn cổ anh ngay đấy. Anh nông dân sợ hãi quá liền sai nó đưa anh ta đi gặp vị thiền sư ngay. Khi gặp được vị thiền sư thì anh khóc lóc thảm thiết và nói lên nổi sợ hãi của anh. Vị thiền sư mới nói với anh: "Ta đã nói với anh rồi, nó nguy hiểm lắm mà anh không chịu nghe ta. Thôi ta chỉ cho ngươi cách này là ngươi hãy về nhà và sai nó ngồi vuốt đuôi chó cho thẳng ra. Thế là con quỷ đó ngồi vuốt đuôi con chó cho đến vĩnh cửu!

Chúng ta hay tưởng tượng và cho rằng ước mơ của mình và của con người trong cuộc đời này nó lớn lắm. Nhưng quay đi quẫn lại cũng chỉ là chuyện làm sao tôi được giàu có, được ăn sung mặc sướng, được vợ đẹp con ngoan mà thôi. Nó không lớn như chúng ta tưởng đâu! Vì thế, nếu chúng ta không biết làm cho cuộc đời của mình có những ước mơ cao thượng hơn chuyện cơm áo bạc tiền thì chúng ta quả là những con người đáng tội nghiệp ở trần gian này!

Ma quỷ vì hiểu rõ những suy tính và ước muốn của con người là chỉ quanh quẩn trong những chuyện như thế, nên chúng không ngừng cám dỗ con người làm sao có thật nhiều của cải, hưởng thụ thật nhiều, cố tạo uy quyền cho mình thật nhiều... bất chấp những thủ đoạn gian ác và nguy hiểm.

Chúng ta hãy nhìn vào gương của Chúa Giêsu để học cùng Ngài và xin Ngài giúp chúng ta biết cách chiến đấu và chiến thắng trước những cơn cám dỗ tinh vi và nguy hiểm của ma quỷ trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Phương thế đế chúng ta có thể chiến thắng với những mưu chước của ma quỷ là hãy hướng về Thiên Chúa, kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời này như Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Hãy cảnh giác với việc lạm dụng Lời Chúa hay giải thích sai lệch Lới Chúa để đi tìm những điều nhằm thoả mãn cho mình.

Có rất nhiều người mở miệng ra là nói Lời Chúa nhưng chỉ toàn tìm những câu Lời Chúa nghe có vẻ là lạ rồi giải thích theo ý của mình và cuối cùng là dẫn anh đến một cuộc sống hoàn toàn sai lệch. Ma quỷ trong khi cám dỗ Đức Giêsu cũng không ngừng trích dẫn Lời Chúa hầu giăng lưới chụp bắt Đức Giêsu và làm cho Đức Giêsu trở thành người thách thức Thiên Chúa và nghi ngờ Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu đã tỉnh thức trước những mưu chước đó và đã chiến thắng cách vẻ vang nhờ Ngài áp dụng Lời Chúa cách đúng đắn.

 

10.Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành

Chúng ta đã bước vào Mùa chay thánh. Mùa chay thánh hay còn được gọi là mùa chiến đấu thiêng liêng. Đối tượng đặc biệt mà chúng ta phải chiến đấu đã được Tin mừng hôm nay nhắc tới, đó là sự cám dỗ. Vậy, cám dỗ do đâu? Ai bị cám dỗ? Cám dỗ về điều gì? Làm thế nào để thắng được sự cám dỗ?

1. Cám dỗ do đâu?

Từ “cám dỗ” thường được hiểu theo nghĩa xấu. Bởi vì, sự cám dỗ thường đến từ Ma quỷ hoặc những hình thức khác do Ma quỷ bày đặt ra. Chẳng hạn, ma quỷ lấy hình con rắn để cám dỗ Adong và Evà phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa; Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu như được ghi chép trong Tin mừng hôm nay; Ma quỷ có thể dùng danh, lợi, thú để cám dỗ con người qua mọi thời đại.

Nhưng chúng ta cũng có thể thay thế từ “cám dỗ” bằng từ “thử thách”. “Thử thách” thường được hiểu theo nghĩa tốt. Thử thách được hiểu như là một cuộc sát hạch, một cuộc thi, ai vượt qua được thử thách ấy là kẻ chiến thắng, được coi như thi đậu. Ai không vượt qua được thử thách đó là kẻ thất bại, hay còn gọi là thi trượt. Kinh Thánh nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Chí sĩ Phan bội Châu cũng nói:

Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,

Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Vì thế, thử thách rất cần thiết trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng. Trong đời sống thiếng liêng, thử thách thường đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa thử thách để biết lòng trung thành của con người. Thiên Chúa đã thử thách ông Abraham khi đòi hỏi ông sát tế Isaac (St 22,1). Thiên Chúa thử thách ông Gióp khi để ma quỷ làm hại con cái, tài sản của ông (x. G 1,1-22; 2, 1-13). Đức Giêsu thử thách lòng tin của người đàn bà Ca-na-an (x. Mt 15, 21-28)…

Như vậy, trong đời sống thiêng liêng: cám dỗ đến từ ma quỷ còn thử thách thì đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa để cám dỗ xẩy ra đối với con người và có những lúc Ngài thử thách con người, nhưng Ngài vẫn luôn muốn con người chiến thắng thử thách, không sa chước cám dỗ. Bằng chứng là trong Kinh Lạy Cha, Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Mt 6,13).

2. Ai bị cám dỗ? Cám dỗ về điều gì?

Đã là con người ai cũng có thể bị cám dỗ. A-dong và E-và đã bị cám dỗ. Các thánh cũng thường xuyên bị cám dỗ. Chính Đức Giêsu bởi mang theo bản tính loài người nên Ngài cũng bị cám dỗ. Ma quỷ có thể cám dỗ con người về mọi phương diện. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu về ba phương diện.

Thứ nhất: Lợi dụng khi Đức Giêsu đang đói, cần của ăn, Ma quỷ đã cám dỗ Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh” (Mt 4,3). Chúng ta biết, Đức Giêsu thừa khả năng để làm phép lạ. Sau này, chính Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no mà còn dư thừa. Nhưng, trong trường hợp này, nếu Đức Giêsu làm phép lạ biến đá thành bánh thì Ngài sẽ mắc âm mưu của Ma quỷ: Thứ nhất, Ngài dùng quyền năng mình sai mục đích; Thứ hai, Ngài không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cho nên, Đức Giêsu không làm phép lạ theo yêu cầu của Ma quỷ, trái lại Ngài đã trích lời Kinh Thánh rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4).

Thứ hai, Ma quỷ muốn cám dỗ Đức Giêsu về tội kiêu ngạo, muốn tôn mình lên, nên mới nói với Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy gieo mình xuống đi” (Mt 4,6). Ở cơn cám dỗ này, Quỷ muốn Đức Giêsu đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp để làm theo ý mình, nghĩa là áp đặt ý Thiên Chúa trên ý mình để làm phép lạ. Đây là một sự thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu đã biết âm mưu của Ma quỷ, Ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ này bằng lời Kinh Thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”(Mt 4,7).

Thứ ba, Tin mừng kể lại: “Quỷ đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi’” (Mt 4,8-9). Chúng ta thừa biết rằng, thờ lạy Thiên Chúa là bổn phận của con người. Nhưng con người thường bị cám dỗ từ bỏ Thiên Chúa để thờ lạy các thần khác ngoài Thiên Chúa. Ma quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu về phương diện này. Một lần nữa, Đức Giêsu đã chiến thắng Ma quỷ bằng Lời Kinh Thánh: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”(Mt 4,10).

Như vậy, ai cũng bị cám dỗ. Cám dỗ về mọi mặt nhất là về danh, lợi, thú. Đức Giêsu đã bị cám dỗ và Ngài chiến thắng. Nhờ ơn Chúa, có rất nhiều người đã thắng được cơn cám dỗ nhưng cũng không thiếu những người đã sa chước cám dỗ.

3. Làm thế nào để chiến thắng cám dỗ?

Waterstone có viết: “Đầu hàng cám dỗ là hành động của thú tính, chiến thắng nó mới là con người.” Nhưng làm sao để chiến thắng cơn cám dỗ của Ma quỷ?

Thứ nhất, hãy tránh xa chước cám dỗ: Ma quỷ rất tinh ranh, thông thường chúng cám dỗ con người theo cách tiệm tiến. Nghĩa là nó bắt đầu cám dỗ con người phạm các tội nhẹ, đến các tội ít nhẹ hơn, đến các tội nặng và cuối cùng là phạm tội rất nặng. Chẳng hạn, để các trẻ em nghiện geam, ma quỷ dụ dỗ chúng đến các quán nét; để các ông nghiện cờ bạc, ma quỷ dụ dỗ họ thường xuyên lui tới các sòng bạc; để các thanh thiếu niên lỗi đức trong sạch, Ma quỷ cám dỗ con người xem những hình ảnh, những trang mạng xấu (gương vua Đa-vít); để ai đó trở thành kẻ ăn cắp, ma quỷ cám dỗ họ bắt đầu bằng hành động ăn cắp vặt…

Vì vậy, cần đề phòng những nơi nguy hiểm, tránh xa các chước cám dỗ mà ma quỷ bày ra, cố gắng nói không với các chước cám dỗ, cho dù đó chỉ là những lỗi nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vì,“Trẻ trộm gà, già trộm trâu, lâu lâu thành giặc.” Mặt khác, cần biết chọn điều tốt và loại bỏ điều xấu; chọn điều lành và bỏ điều ác; chọn Chúa và bỏ Ma quỷ.

Thứ hai, siêng năng cầu nguyện: Thiên Chúa không bao giờ thử thách hay để cho ma quỷ cám dỗ quá sức chịu đựng của con người. Thánh Phaolô đã từng nói: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Chính vì thế, con người cần phải cố gắng hết sức mình để chống trả chước cám dỗ. Đồng thời, hãy dùng những phương tiện Chúa ban để lượt thắng những thử thách mà Thiên Chúa có thể gửi đến và chiến thắng các chước cám dỗ do Ma quỷ bày ra. Có nhiều cách thế để xua đuổi Ma quỷ nhưng cách thế hiệu quả nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện để xin Chúa giúp sức cho chúng ta. Đức Giêsu đã cho chúng ta biết, có những thứ quỷ chỉ trừ được bằng “cầu nguyện” (x. Mc 9,29). Chính Ngài mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo phải lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,41). Vì vậy, hãy siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng. Rất nhiều vị thánh đã chiến thắng được cám dỗ nhờ cầu nguyện. Chẳng hạn, thánh Gioan Maria Vianay đã phải bị Ma quỷ quấy phá suốt 35 năm, từ 1824-1858, nhưng Ngài đã chiến thắng nhờ cầu nguyện. Thánh Antôn, một ngày kia, bị Ma quỷ cám dỗ về đàng trái, Ngài đã cầu nguyện sốt sắng và lấy tay ghi hình thánh giá lên nền nhà thờ, Ma quỷ thấy vậy liền bỏ chạy.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiến thắng Ma quỷ cám dỗ, xin giúp chúng con đủ sức để chiến thắng các cơn cám dỗ trong đời sống đức tin của chúng con. Amen.

 

11.Cám dỗ.

Adong Eva được Thiên Chúa đặt ở vườn địa đàng, sống trong hạnh phúc và tình nghĩa với Chúa. Hai ông bà không biến đến đau khổ, bệnh tật và chết chóc. Trái lại hai ông bà là những người bạn,là những người con của Thiên Chúa bởi vì mỗi khi chiều xuống, Ngài thường hiện ra đàm đạo với hai ông bà. Chính vì vậy, mà quỷ đã ghen tương và muốn phá huỷ cái thế cân bằng hài hoà ấy. Nó đã cám dỗ hai ông bà về tội kiêu ngạo, muốn trở nên bằng Thiên Chúa. Và rồi hai ông bà đã nghe theo lời quyến rủ đường mật ấy, phản bội cùng Thiên Chúa qua hành động giơ tay bứt trái cấm mà ăn, để rồi phải cúi đầu nhận lãnh hình phạt của đau khổ và chết chóc. Và tệ hại hơn cả là đã làm mất đi tình nghĩa với Thiên Chúa, làm mất đi ơn thánh tức là sự sống của Ngài trong tâm hồn. Cái hậu quả thảm khốc này được truyền cho nhân loại trong suốt dòng thời gian.

Thế nhưng rất may mắn cho chúng ta, bởi vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ và giàu lòng thương xót, Ngài không muốn để chúng ta sống trong sự đau khổ và tuyệt vọng, vì thế ngay sau khi hai ông bà sa ngã, Ngài đã hứa ban cho nhân loại một Đấng cứu thế, tức là Đức Kitô. Ngài sẽ đến để sửa lại những hậu quả thảm khốc do tội Adong gây nên, Ngài sẽ đến để nối lại nhịp cầu cảm thông giữa trời và đất, giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa. Bởi đó, trong đêm thánh vọng phục sinh, chúng ta đã gọi tội Adong là tội hồng phúc vì nhờ đó mà chúng ta có được Đấng Cứu thế.

Cũng trong chiều hướng ấy thánh Phaolô đã viết: Bởi một người mà tội lỗi đã đột nhập vào thế gian, và cùng với tội lỗi là sự chết. Thì cũng vậy, bởi một người mà sự công chính đã ngự trị trên thế gian, và cùng với sự công chính là sự sống. Sự sống này được chuyển thông cho hết thảy mọi người. Ba chữ "bởi một người" đã trở nên một điệp khúc được lặp đi lặp lại. Thực vậy, bởi một người mà nhân loại đã bị dẫn vào vòng tội lỗi, nhưng đồng thời cũng bởi một người mà nhân loại được dẫn vào miền đất sống. Thánh Phaolô đã đưa ra sự tương phản giữa Adong và Chúa Giêsu. Adong thì kiêu ngạo, còn Chúa Giêsu thì khiêm nhường. Adong thì sa ngã, còn Chúa Giêsu thì chiến thắng. Kết quả là Adong thì dẫn đến sự chết, còn Chúa Giêsu thì dẫn đến sự sống. Và thánh Phaolô đã kết luận: Nơi nào tội lỗi ngập tràn thì ân sủng lại càng tràn ngập hơn.

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta nhận thấy Satan đã cám dỗ Chúa Giêsu cũng với cái chiến thuật mà nó đã dùng để dụ dỗ hai ông bà nguyên tổ. Từ của ăn vật chất, đến khát vọng kiêu căng muốn thử thách Thiên Chúa và trở nên ngang hàng với Ngài.

Chúa Giêsu đã chiến thắng và nêu gương cho chúng ta. Bởi đó mỗi khi gặp phải những cám dỗ và thử thách, chúng ta hãy xin Chúa nâng đỡ, để chúng ta cũng sẽ chiến thắng, hầu nhờ đó mà trung thành với Chúa mãi mãi.

 

12.Những cơn cám dỗ

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Có nhiều người thắc mắc: Ăn chay là gì? Phải chăng là để dằn vặt thân xác, hành khổ con người cho Chúa vui lòng? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải quá độc ác, bệnh hoạn, vui lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là để thao luyện tâm hồn chống lại quỷ dữ.

Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỷ. Nhưng ma quỷ vẫn có đó và và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Ma quỷ rất tinh ma xảo quyệt nên người ta khó nhận ra âm mưu, dấu vết của chúng.

Nhìn vào ba cuộc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta thấy ma quỷ rất tinh khôn. Nó có kế hoạch, có chiến thuật, tấn công nhiều đợt, nhiều bước.

Thoạt tiên ma quỷ tấn công vào những bản năng sơ đẳng nhất nơi con người: bản năng sinh tồn, bản năng thống trị, bản năng đối nghịch. Những bản năng ấy gắn liền với những nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.

Kéo chú ý của người ta vào những nhu cầu rồi, ma quỷ tiến bước thứ hai, đó là phóng đại những nhu cầu đó lên, làm cho người ta lầm tưởng rằng, đó là những nhu cầu cấp bách, phải thoả mãn ngay tức khắc.

Khi ta đã hoàn toàn mê mẩn vì cái bẫy nhu cầu, ma quỷ mới đẩy ta đến bước thứ ba, đó là tìm thoả mãn những nhu cầu theo ý riêng mình. Cách giải quyết đó ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích sau cùng của ma quỷ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng lìa xa Thiên Chúa.

Ông bà nguyên tổ đã rơi vào bẫy của ma quỷ nên đã không sống tâm tình của người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn ngang bằng cha mình, muốn chống lại cha mình.

Chúa Giêsu, trái lại, đã sáng suốt vạch trần âm mưu của ma quỷ và kiên quyết sống tâm tình của người con hiếu thảo.

Khi ma quỷ phóng đại nhu cầu, muốn cho Chúa Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, chỉ sống nhờ bánh vật chất, vật chất là tất cả đời sống. Chúa Giêsu đã sáng suốt chỉ cho ta thấy vật chất không phải là tất cả, bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng bánh tinh thần của trời cao còn cần hơn.

Khi ma quỷ thúc giục Chúa Giêsu hãy thoả mãn tức khắc nhu cầu của mình, Chúa Giêsu đã biết kiên nhẫn chờ đợi. Khi ma quỷ khích Chúa Giêsu dùng quyền năng riêng của mình để thoả mãn nhu cầu, Chúa Giêsu đã từ chối. Người muốn vâng phục Đức Chúa Cha, tin tưởng phó thác vận mệnh trong tay Chúa Cha, để mặc Chúa Cha quyết định.

Tuy đã thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn dỗ khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất, khi thì đến từ những người chống đối đòi xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô để ngăn cản Chúa Giêsu thực hành ý Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Chúa Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ vì Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Dù khi phải chiến đấu trong mồ hôi pha máu, Người vẫn nói: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, xin vâng theo ý Cha mà thôi”.

Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỷ. Ta mắc bẫy ma quỷ khi mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.

Thay vì tuân phục ý Chúa, tôi luôn luôn bắt Chúa làm theo ý tôi. Thay vì vâng lời Chúa, tôi luôn luôn muốn sai bảo Chúa.

Mùa Chay này, Chúa kêu gọi tôi trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, tôi phải chiến đấu chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa.

Hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón tôi trở về, và sẽ ban sức mạnh để tôi đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu tôi biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin đón nhận tâm hồn khiêm nhường sám hối của con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Theo bạn, ngày nay ma quỷ còn hoạt động trong thế giới không? Nếu có, bạn cho một ví dụ.

2) Bạn thường thua hay thắng cuộc khi gặp phải cám dỗ. Thua, tại sao? Thắng, nhờ đâu?

3) Đâu là âm mưu của ma quỷ che dấu đàng sau những cơn cám dỗ?

 

13.Cám dỗ thời nay

Cám dỗ là một trong những thực tại khó nhận biết nhất trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Khó nhận biết là vì nó vô hình vô dạng, vì nó muôn màu muôn vẻ. Nguy hiểm hơn thế nữa là vì nó rất êm ái, dịu dàng và nó lại rất phù hợp với bản năng và sở thích của mỗi người chúng ta.

Bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đã phải chịu, Thật ra, ba cơn cám dỗ này là đại diện tiêu biểu cho tất cả các cơn cám dỗ thường ngày của mỗi người chúng ta. Nó bao gồm ba lãnh vực mà có lẽ con người quan tâm nhiều nhất đó là: tiền tài, danh vọng và quyền lực.

1. Cơn cám dỗ thứ nhất: Hoá đá thành bánh.

Nhiều người nghĩ rằng, cơn cám dỗ này chỉ có thể xảy ra với Chúa Giêsu chứ làm sao mà cám dỗ chúng ta được. Vì chúng ta làm sao mà hoá đá thành bánh được? Thưa không. Hơn bao giờ hết, cơn cám dỗ này thường xuyên đeo bám chúng ta, không những thế nó còn được tinh vi hoá một cách đa dạng và phong phú. Nó len lỏi vào trong cuộc sống chúng ta với đủ mọi thứ hình thức mời gọi hấp dẫn, với những lý lẽ rất thuyết phục, nó được đội lốt dưới những sự việc xem ra rất đạo đức. Ai trong chúng ta chẳng muốn "ngồi mát mà ăn bát bát vàng", muốn có được đủ mọi thứ mà không phải lao động vất vả, muốn Chúa làm phép lạ cho ta khỏi phải cực nhọc. Tệ hơn nữa, đôi khi chúng ta còn tham lam vơ vét, bóc lột hoặc là chèn ép anh em để tích luỹ, làm giàu cho một mình chúng ta. Muốn biến hoá tất cả tài sản cua người khác thành của chúng ta. Đó chính là cơn cám dỗ hoá đá thành bánh thời nay của mỗi người chúng ta.

2. Cơn cám dỗ thứ hai: Nhảy từ trên nóc đền thờ xuống.

Đền thờ lúc đó là nơi tập trung rất nhiều người, nếu nhảy từ trên nóc xuống mà không hề hấn gì, chắc chắn mọi người sẽ trầm trồ thánh phục và khen ngợi. Danh tiếng sẽ nổi nang lừng lẫy.

Chúng ta cũng vẫn thường bị cám dỗ nhảy từ trên nóc đền thờ xuống mỗi khi chúng ta sống phô trương. Đây cũng chính là căn bệnh của thời đại. Người ta đua nhau phô trương. Phô trương tài cán, phô trương bằng cấp, phô trương thành tích, phô trương tiền của, phô trương thế lực, thậm chí phô trương cả thân thể...

Không ít người đã bỏ ra hàng trăm triệu cho một bữa tiệc sinh nhật, mua chiếc điện thoại với giá 120 triệu, kinh khủng hơn có người còn dám bỏ ra 20 triệu đô để thực hiện chuyến du lịch lên cung trăng... Tất cả những điều này với mục đích gì nếu không phải là muốn chứng tỏ mình là người giàu sang, sành điệu, làm cho người đời kính nể, thán phục. Hay nói cách khác là để lôi kéo sự chú ý về mình. Đó là cơn cám dỗ về danh vọng.

3. Cơn cám dỗ thứ thứ ba: Bái lạy quỷ sẽ có được quyền lực.

Cơn cám dỗ thứ ba này nghe có vẻ lộ liễu, trắng trợn, xem ra khó mà thuyết phục được ta. Vì chẳng ai muốn bỏ Chúa để bái lạy ma quỷ đâu. Nhưng trên thực tế thì khác, nhiều khi chúng ta vẫn bái lạy ma quỷ mà chúng ta không biết hoặc chúng ta biết mà chá chẩn làm ngơ như không biết vậy, để lương tâm khỏi bị cắn rứt.

Thật vậy, nhiều người công giáo khi buôn bán vẫn đặt tượng thần tài trong góc nhà, vẫn cúng bái ông địa để được ăn nên làm ra. Nhiều người vẫn đi xem bói toán, vẫn coi ngày coi tháng, vẫn tin dị đoan nhảm nhí. Nhiều người vẫn phủ nhận mình là người công giáo để được thăng quan tiến chức. Như vậy một cách nào đó chúng ta đã gạt Chúa ra một bên và bái lạy ma quỷ rồi.

Mùa chay là mùa sám hối, hãy mau trở về với Chúa vì Chúa đang chờ đợi từng người chúng ta. Lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở rất đúng lúc, là một cảnh báo khẩn thiết cho chúng ta. Nhiều khi chúng ta cũng bận rộn mải mê trong vòng xoáy của xã hội, với những trói buộc của tiền tài danh vọng và quyền lực mà chúng ta không nhận ra, chúng ta cứ nghĩ đó là những chuyện thường tình, bởi vì ai cũng làm như vậy mà chứ có phải mình tôi đâu. Tôi không làm thì người khác cũng làm... Chúng ta cũng thường đưa ra những lý do rất thuyết phục cho những việc làm sai trái của chúng ta để rồi chúng ta cứ an tâm sống trong tội lỗi mà không biết.

Chúng ta hãy tha thiết xin ơn Chúa giúp chúng ta hồi tâm trở về với Chúa, và luôn luôn cảnh giác trước những mời gọi hấp dẫn của thế gian, trước những cơn cám dỗ của thời đại. Chúng ta hãy xét xem những cám dỗ nào đang trói buộc chúng ta và giúp ta can đảm nói "không" trước những cám dỗ đó như gương của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu, dứt khoát:

 Không nghe theo ma quỷ để được thoả mãn nhu cầu cá nhân, mặc dù rất cần.

 Không tìm danh vọng để được tung hô, mặc dù nó nằm trong tầm tay.

 Không màng quyền lực để tránh khỏi thập giá, mặc dù rất dễ.

Nhưng một lòng vâng theo thánh ý Chúa Cha, cho dù có phải đau khổ và phải chết. Amen.

 

14.Những cuộc cám dỗ bất tận – R. Veritas.

(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’)

Khởi đầu công cuộc cứu chuộc, Chúa Giêsu đã trải qua biến cố chịu thử thách, chịu ma quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng. Những cám dỗ của Chúa Giêsu xét cho cùng cũng có thể rút về hai điểm chính, là cám dỗ về thực thể mình là ai? Đến sống trên trần gian này để làm gì?

Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu về thực thể mình là Con Thiên Chúa: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy biến những hòn đá này thành thức ăn".

Thử thách đòi có dấu lạ để trắc nghiệm xem mình có thật là Con Thiên Chúa hay không. Ma quỷ cám dỗ Chúa nghi ngờ thay đổi sứ mạng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha: "Nếu ông sấp mình thờ lạy ta, thì ta sẽ cho ông tất cả".

Sứ mạng của Chúa Giêsu là con người trở về cùng Thiên Chúa, chứ đâu phải con người làm nô lệ cho tội lỗi để củng cố vinh quang cho riêng mình Ngài. Chúa Giêsu nhắc lại: "Con chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi".

Sống vâng phục Thiên Chúa, thi hành thánh ý Ngài đã là sứ mạng căn bản nhất của con người, của mỗi người chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc để trở thành con cái Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống Thần Linh của Thiên Chúa. Chúng ta được Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường để chiến thắng những cám dỗ, và chúng ta không thể nào tránh khỏi con đường này trong cuộc sống của mình, đó là con đường vâng phục, lắng nghe Lời Chúa.

Hôm nay chúng ta bắt đầu Mùa Chay, và chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, chúng ta dốc quyết một điều cụ thể cho đời sống của mình trong Mùa Chay này. Mỗi người chúng ta hãy nhìn về cuộc sống của mình, xem mình đã có ý thức về thực thể mình là ai và xác tín mình là con của Thiên Chúa, đã được Chúa Giêsu cứu chuộc hay không? Có ý thức rõ ràng là sứ mạng của mình trên trần gian này là sống vâng phục Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa không?

Chúng ta hãy dốc quyết một cách cụ thể trong Mùa Chay này, đọc Lời Chúa, ít ra không đọc hàng ngày thì mỗi tuần một lần để cho Lời Chúa chỉ dẫn cuộc sống chúng ta, nhắc cho chúng ta luôn luôn nhớ mình là con cái Thiên Chúa và sống trên trần gian này bằng cuộc sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ