Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1357325

NHÀ CỦA CHA TÔI

NHÀ CỦA CHA TÔI

 

(Suy niệm của ĐGM. Arthur Tone)

Người mẹ có 4 người con. Bà khổ tâm biểu chúng dọn dẹp đồ chơi, nhất là vào lúc cha của chúng đi làm sắp về. Dọa nạt, dụ ngọt đều vô ích. Đồ chơi ngổn ngang như thể cơn lốc vừa thổi qua.

Một bữa nọ, bà tìm ra một ý tưởng hiệu nghiệm, ít ra trong gia đình của các con bà: Bà chỉ nói đơn giản: “Chúng con thử xem hết bao lâu để dọn nhà sạch sẽ để đón cha chúng con về”. Không đầy năm phút mọi đồ chơi được cất trong hộp.

Người mẹ này gợi cho chúng ta cách thực hành ít nhất một ý tưởng được nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay: Đức Giêsu nói về “Nhà Cha Tôi”. Đức Giêsu yêu mến Đền thờ, nhà của Cha Người trên trần gian. Thỉnh thoảng, đôi khi mỗi ngày, Người ở trong Đền thờ. Người khích lệ những gì làm cho Đền thờ trở nên nơi cầu nguyện và phụng thờ. Người lên án những gì làm cho nhà Cha Người mất vẻ thánh thiện. Đó là lý do Chúa đuổi những người đổi tiền ra khỏi Đền thờ.

Cùng với Đức Giêsu, Người anh cả, mỗi người chúng ta có thể nói: “Đây là nhà Cha tôi”. Ngôi nhà thờ này, nhà thờ của chúng ta, dù nhỏ bé, nó rất thanh lịch. Nó thật là nhà của Cha chúng ta.

Như Chúa chúng ta, như các em nhỏ trong câu chuyện. Chúng ta muốn làm hết sức cho nhà của Cha chúng ta xứng đáng, đẹp và thánh thiện.

Khi chúng ta dâng cúng để bảo quản nhà thờ, chúng ta phải coi đó như món quà dâng cho Cha chúng ta, không có gì là quá đáng.

Quan trọng hơn bảo quản phương tiện vật chất, là bảo quản giá trị và vẻ đẹp thiêng liêng: Ngôi nhà của Chúa. Nơi đây, nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được nhận vào gia đình Chúa. Nơi đây với việc Rước Lễ, chúng ta đoàn tụ quanh bàn tiệc của Cha chúng ta. Nơi đây, nhờ Bí tích Thêm Sức, chúng ta được can đảm và sức mạnh để làm vui lòng Người. Nơi đây, trong Bí tích Hôn Phối, Chúa đóng ấn sự kết hợp vợ chồng. Chúng ta tới đây để hầu chuyện với Người và lắng nghe lời Người. Chúng ta đến đây để xin Người trợ giúp và lời chỉ bảo.

Chúng ta tới đây để thổ lộ với Người niềm vui, nỗi buồn của chúng ta, sự thành công, thất bại của chúng ta.

Chúng ta tới đây để làm lại điều mà Đức Kitô đã làm trong bữa tối sau hết. Chúng ta sẽ làm điều đó trong chính giờ này.

Hãy đến nhà Cha của bạn, chắc chắn Người yêu bạn, bất kể mọi chuyện, hơn những người cha tuyệt hảo ở trên trời. Chúa sẵn sàng tha thứ, phù giúp, an ủi và khích lệ. Bạn hãy nhớ trong kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta thường gọi Người là Cha. Bạn hãy biết tại sao chúng ta gọi Người là Cha trong kinh Lạy Cha. Bạn chú ý tới những lời trong kinh Tiền xướng rước lễ hôm nay: “Ngay cả con chim se sẻ còn tìm được cái nhà. Con chim nhạn tìm ra tổ ấm để ấp con. Cạnh bàn thờ Chúa, lạy Chúa các đạo binh. Vua của con, Chúa của con – Hạnh phúc thay những ai cư ngụ trong nhà Chúa”.

Bạn tự nhiên trong nhà của Cha bạn. Như người mẹ trong câu chuyện. Mẹ Giáo Hội bảo chúng ta: “Chúng ta cố gắng hết sức làm cho nhà của Cha chúng ta đẹp và ấm cúng.

Xin Chúa chúc lành bạn.

 

5.Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc)

1. Lề Luật và Đền Thờ

Bài đọc I của Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay trích sách Xuất Hành, kể lại biến cố trọng đại: qua trung gian ông Mô-sê, Đức Chúa công bố cho dân Mười Điều Răn, vốn sau này sẽ trở thành trung tâm của toàn bộ Lề Luật[1]. Và trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan cũng kể lại một biến cố trọng đại không kém: Đức Giê-su “sắp xếp” lại Đền Thờ, vốn là trung tâm của đời sống Dân Chúa. Có thế nói, Người “sắp xếp” lại khởi đi từ tình trạng “hỗn mang” của Đền Thờ. Vì thế, hành động “sắp xếp” của Người có ý nghĩa “sáng tạo”; bởi lẽ, sáng tạo theo trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày” (St 1), không chỉ là tạo ra sự vật, nhưng còn là sắp xếp những sự vật đã hiện hữu. Nhưng đâu là tương quan giữa hai biến cố trọng đại này?

* Cả hai biến cố đều có bối cảnh Xuất Hành: “Ta là Đức Chúa… đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập” (Xh 20, 2); “Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái…” (Ga 2, 13). Như thế Lề Luật và Đền Thờ đều đặt nền tảng trên ơn huệ Thiên Chúa ban và có mục đích vừa tưởng nhớ ơn huệ Thiên Chúa ban và vừa bày tò lòng biết ơn bằng việc phụng tự và bằng cuộc sống. Điều này cũng phải là như thế đối với chúng ta, trong việc giữ luật và việc cử hành phụng vụ, nhất là cử hành phụng vụ Thánh Thể.

* Tuy cả hai là đều là “trung tâm”, như chúng vừa nói, nhưng cả hai đều có “vấn đề”: Đền Thờ, Nhà của Thiên Chúa, nhưng bị Sự Dữ, ngang qua những con người cụ thể, biến thành nơi buôn bán. Và tương tự như thế, Luật là tốt và thánh, nhưng trong thực tế đã để cho Tội, nghĩa là Sự Dữ, lợi dụng để mang lại bầu khí chết chóc và gây ra cái chết cho con người (St 3, 1-7 và Rm 7, 7-13).

* Vì thế, cả hai, Lề Luật và Đền Thờ, cần được Đức Giê-su “sắp xếp” lại. Và điều lạ lùng là Ngài thực hiện bằng chính cái chết của Ngài, nghĩa là bằng mầu nhiệm Vượt Qua, vì Lề Luật và vì Đền Thờ. Vì Lề Luật: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết” (Ga 19, 7)[2]. Vì Đền Thờ: người ta sẽ dựa vào hành động “sắp xếp” lại Đền Thờ để chất vấn (x. Ga 2, 18) và kết án Đức Giê-su (x. Mt 26, 61), như lời Thánh Vịnh loan báo: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69, 10); hơn nữa, Đức Giê-su muốn thay thể Đền Thờ bằng chính thân thể của Người (x. Ga 2, 19 và 21).

Chết vì Lề Luật và vì Đền Thờ, phải chăng công trình “sắp xếp” của Đức Giê-su bị thất bại? Để mình bị lên án và bị giết chết, đó là sỉ nhục và điên rồ đối với con người, như thánh Phao-lô nói trong bài đọc II: “; nhưng đối với TC, đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, là con đường ĐGS hoàn tất công trình “sắp xếp” hai vấn đề “trung tâm” nhất của đời sống con người, Lề Luật và Đền Thờ.

Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

(1Cr 1, 22-24)

Đó là chính là “công trình kì diệu của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21, 42 và Tv 118, 23), mà chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong mầu nhiệm Vượt Qua.

2. Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán

Hình ảnh Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, có thể làm chúng ta kinh ngạc. Tương tự như sự kinh ngạc được gây ra bởi những lời nguyền rủa chống lại kẻ dữ trong các Thánh Vịnh (chẳng hạn Tv 69; Tv 139, 19-22; Tv 141, 10).

Về biến cố này, trong ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng theo thánh Luca kể nhẹ nhàng nhất: “Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán” (Lc 19, 45); hai Tin Mừng còn lại kể lại cùng một biến cố với nhiều chi tiết hơn: kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu… (x. Mt 21, 12 -14; Mc 11, 15 -19). Nhưng thánh sử Gioan, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa nhật hôm nay, tường thuật biến cố này cách đặc biệt nhất:

* Đức Giê-su đi Giê-ru-sa-lem và vào Đền Thờ ngay từ đầu thời gian rao giảng Tin Mừng. Chính vì thế, biến cố này có liên quan và hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua. Tương tự như ngay từ đầu, Người đã so sánh con rắn đồng với mầu nhiệm Thập Giá, khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3, 14).

* Và hành động của Ngài rất mạnh mẽ: Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi mọi người và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ: súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán.

Các môn đệ chứng kiến cảnh tượng, liền trích Tv 69, 10: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” !

***

Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu và nhất là cảm nếm hành vi mạnh mẽ của Ngài:

Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,

đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.

(c. 18)

Bởi vì có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán. Tin Mừng Luca nói cho chúng ta biết yếu tính của từng nhà, nhà Chúa Cha và nơi buôn bán:

Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi biến thành sào huyệt của bọn cướp.

(Lc 19, 46)

Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra “sào huyệt của bọn cướp” ở nơi người ta buôn bán ! Tuy nhiên, kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy, trong cách người ta buôn bán ngày nay, nhất là trong cách người ta buôn bán ngày nay, thường hay có sự gian dối, lọc lừa, thậm chí hành vi nguy hại cho sự sống, chỉ vì ham lợi trước mắt. Một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài; đàng khác, là “sào huyệt của bọn cướp”. Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối:

* Nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống.

* Nhưng trong thực tế, nơi này đã trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giê-su đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được? Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải phóng, chứ không phải loại bỏ: giống như những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh, Đức Giêsu làm bật sự dữ khỏi chỗ ẩn nấp của nó, để chúng ta nhìn thấy, và khi nhìn thấy, chúng ta không thể chấp nhận được, vì nó không tương hợp với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta. Đó chính là cách Người chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ trong cuộc Thương Khó và mầu nhiệm Thập Giá.

Chúng ta được mời gọi đọc tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta, bởi vì đó cũng là những “nơi tôn nghiêm” như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng, trở thành “nơi buôn bán” !

Hiểu ra như vậy, chúng ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu: nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa Ngài đã đến giảng dạy trong Đền Thờ hằng ngày.

3. Thanh tẩy Đền Thờ và mầu nhiệm Vượt Qua

Qua hành động “thanh tẩy”, Đức Giê-su không chỉ phá đổ cái trật tự đang có của Đền Thờ, nhưng còn đụng đến “quyền lợi” của các thượng tế và kì mục. Hơn nữa, Ngài còn gọi cái “trật tự” đang có của Đền Thờ là cái hang trộm cướp! Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi các thượng tế và kì mục đến chất vấn Người về quyền hạn:

Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?

(c. 18)

Tất cả các thánh sử đều kể lại lời chất vấn này (x. Mt 21, 23; Lc 20, 2; Mc 11, 28), bởi vì câu hỏi này là một câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giê-su, đến tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha: quyền của Ngài đến từ Chúa Cha, bởi vì Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài là Con Duy Nhất của Chúa Cha. Chính vì thế, Người trả lời bằng cách nói về mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm qua đó, Người mặc khải cho người Do Thái và cả loài người chúng ta, Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống:

“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”… Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.

(c. 19 và 21)

Hành động và lời nói của Đức Giê-su về Đền Thờ loan báo cuộc Thương Khó của Người. Chính vì thế, theo lời kể của thánh sử Mác-cô, các thượng tế, kinh sư và kì mục đã có ý định giết Đức Giê-su khi chứng kiến Ngài đánh đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu, và khi nghe Ngài nói: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11, 17).

Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy,

thì tìm cách giết Đức Giê-su.

(Mc 11, 18)

Một cung cách đã khơi dậy nơi người chứng kiến ý định loại trừ, thì hẳn phải là một cung cách có tầm mức rất lớn, tầm mức lịch sử cứu độ, bởi vì đó là ý định loại trừ Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nhưng, đó lại là con đường Thiên Chúa chọn để xây dựng Đền Thờ mới, để hoàn tất lịch sử cứu độ.

Như thế, với mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ thay thế Đền Thờ và cơ chế lễ tế của Đền Thờ bằng Lời của Ngài, bằng sự hiện diện của Ngài và bằng chính thân mình Ngài, làm của lễ hoàn thiện dâng lên Chúa Cha, vì loài người chúng ta. Đó là chính là Thánh Lễ Tạ ơn mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

***

Sự Dữ, ngang qua những con người cụ thể, đã “phá hủy” Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, khi biến Đền Thờ thành “hang trộm cướp”. Sự phá hủy này loan báo Sự Dữ sẽ “phá hủy” Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Nhưng Thiên Chúa đã dùng chính sự phá hủy này để xây dựng Đền Thờ Mới, là Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng Sự Dữ và sự chết.

Chúng ta vốn là “đền thờ của Thiên Chúa”, nhưng đã bị Sự Dữ phá hủy. Xin cho chúng ta biết mở lòng ra để đón nhận Đền Thờ mới là chính Đức Ki-tô.

--------------------

[1] Mười Điều Răn (MĐR) là trung tâm của toàn bộ Lề Luật, bởi vì MĐR qui định hai mối tương quan cản bản: tương quan với Thiên Chúa và tương quan với người khác. Vì thế, những luật khác không phải là những khoản thêm vào MĐR, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa MĐR. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này; chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Ngày nay, Mười Điều Răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội.

[2] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sa-bát, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).

 

6.Đền thờ là Nhà Cha Ta

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của ViKiNi - Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Đền thờ có mục đích quy tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý là nhận biết những điều chân thật để kính mến và tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Những điều chân thật đó là: Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu độ, là Chúa và Chủ tể duy nhất hằng hữu, là tình yêu vô biên và hằng thương xót: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa ngươi và chỉ một mình Ngài” (Mt. 4, 10). Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy, đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh “Magnificat - Linh hồn tôi ngợi khen Chúa …” (Giáo lý c. 6. 1992, số 2096-2097).

So sánh với trường học là nơi đào tạo học sinh thâu thái những kiến thức khoa học và những luật lệ xã hội để trở thành công dân hữu ích, mục đích tốt của trường học đạt tới thành nhân. Đền thờ đào tạo tín hữu thành thánh nhân, thành công dân nước trời bây giờ và vĩnh viễn muôn đời. So sánh với gia đình, nơi con người được sống trong tình thương ấm cúng, được nuôi dưỡng, săn sóc tới khôn lớn, được chia vui sẻ buồn, an ủi khuyến khích lẫn nhau, che chở, đùm bọc, hy sinh cho nhau. Đền thờ nơi tín hữu sống trong tình thương bao la của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng của ăn thịt máu Con Thiên Chúa, được ấp ủ soi sáng bằng ân sủng Thánh Thần, được chia sẻ lời hằng sống. Và cùng cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa những hy sinh đau khổ, hiệp thông Thánh giá cứu độ của Đức Kitô, cùng với các thánh chung hưởng vinh phúc bất tận của Đấng Cứu Thế phục sinh.

Đền thờ đối với dân Do thái là lẽ sống của dân tộc. Đền thờ còn thì dân tộc còn. Đền thờ tan thì đất nước mất. Đền thờ bị xúc phạm thì toàn dân bị ô nhục. Thời vua Sêđêkia, đền thờ bị quân Babylon thiêu hủy, dân bị lưu đầy. Đền thờ được xây dựng lại, dân được trở về nước (2Ks. 36, 17). Thời Đức Giêsu khi toàn quyền Philatô treo ảnh hoàng đế Caesar (Sêda) ở khuôn viên đền thờ, lập tức dân nổi dậy mạnh mẽ chống đối quân La mã, dù phải chết, phải chịu đóng đinh vào thập giá.

Công vụ Tông đồ cũng kể trường hợp thánh Phaolô dẫn bốn người dân ngoại đã được tẩy uế trước khi dẫn vào đền thờ, thế mà Phaolô vẫn bị người Do thái xách động đám đông bắt ông và đang tìm cách giết Phaolô. May nhờ binh sĩ Rôma đã đến kịp thời, xiềng còng ông lại dẫn về đồn (Cvtd. 21, 26-32).

Đền thờ được tôn trọng như thế, nhưng chính họ lại biến đền thờ thành chợ búa, như hang trộm cướp, không còn là nhà Thiên Chúa, nhà Cha chung để cầu nguyện, tôn thờ Thiên Chúa, nơi quy tụ mọi người trong tình thương mến anh em nữa.

Phải chăng, chỉ còn một mình Đức Giêsu “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà sẵn sàng thiệt thân, sẵn sàng bị giết đi, sẵn sàng chịu phá hủy, nhưng Người sẽ xây lại đền thờ chỉ trong ba ngày”. Để cứu nguy dân tộc, giải thoát muôn dân, một đền thờ mới sống động bất diệt là “chính mình Người” (Ga. 2, 17. 19-21).

Chính mình Người mới đích thực là đền thờ, là nhà cầu nguyện: “Toàn thể được xây dựng trên tảng đá góc tường là chính Đức Giêsu Kitô để thành ngôi đền thờ. Trong Người cả anh em nữa, cùng với những người khác cũng được xây thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Eph. 2, 20-22).

Trong đền thánh cực trọng này, Người dâng lên Chúa Cha tâm tình trìu mến con thảo: “Này con xin đến, để làm theo thánh ý Cha”. Trong đền thánh này, Người cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha … Lạy Cha, tất cả những gì Cha ban cho Con đều do bởi Cha. Con đã ban lời Cha cho họ … Lời Cha là sự thật, xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ … Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho tất cả những ai nhờ họ mà tin vào Con …” (Ga. 17, 1. 7-8. 17-20).

Trong đền thánh này, Đức Giêsu còn dâng lên Cha bao nhiêu những người đói nghèo, bệnh hoạn, tật nguyền mà Người cứu chữa hàng ngày; bao nhiêu những lao công vất vả gồng gánh nặng nề mà Người đến bổ sức cho họ; bao nhiêu những tội nhân, quỷ ám, mà Người xin Cha cho họ vì họ lầm chẳng biết; bao nhiêu những người bị đả thương nửa sống nửa chết, bao nhiêu những người đau khổ, nhục nhã oan khiên, tù đày, tử đạo thập giá như Người.

Trong đền thờ này, “chính Người là thượng tế đến muôn đời … Một vị thượng tế thánh thiện vẹn toàn, vô tội … cao cả vượt các tầng trời … Người dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ … và chỉ mình Đức Kitô dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại” (Pt. 7, 11.26. 28 và 10, 12).

Mỗi người chúng ta đang được dự phần vào đền thờ Đức Giêsu muôn thuở. Mỗi người là một viên gạch nhỏ, một đền thờ nhỏ trong một đền thờ vĩ đại bao trùm cả trời đất. Nhưng mỗi người chúng ta tự hỏi mình là đền thơ, là “nhà Cha Ta”, là “nhà cầu nguyện” hay đã tự biến thành chợ búa, hang trộm cướp.

Thực ra, mỗi người chúng ta đã được là đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa ngay khi chúng ta được rửa bằng nước và Thánh Thần. Thánh Thần đã xức dầu thánh hiến chúng ta thành đền thờ Chúa. Muốn cho đền thờ chúng ta mãi mãi là nhà Cha Ta, là nhà cầu nguyện, chúng ta không được treo một tà thần nào, một thần tượng nào của vùng trời, vùng đất, vùng biển trong đền thờ mình, dù là tiên giáng trần, hay thần tài, thần quyền, chỉ được treo hình ảnh Thiên Chúa mà thôi, vì “Ta là Đức Chúa, Chúa của ngươi … Những ai yêu mến Ta và giữ giới răn của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa với họ đến ngàn đời”. (Xh. 20, 1-17).

Lạy Cha, trong mùa Chay thánh này, xin cho chúng con biết khuyến khích nhau kéo nhau: “nào ta lên đền thánh Cha” để cầu nguyện, dâng lời cảm tạ Cha với tấm lòng sám hối, tan nát, khiêm cung và dâng lên Cha những của lễ hy sinh bác ái, cùng với của lễ duy nhất là Mình Máu thánh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ