Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1360743

Nhân Đức Vâng Lời

Nhân Đức Vâng Lời

          Trong bài Tin Mừng Ngày Chúa Nhật Thường niên XXVI năm A hôm nay, Chúa Giêsu có nói về việc vâng lời trong Dụ ngôn Hai Người Con: người con cả, đầu tiên không vâng lời cha, nhưng sau đó, hối hận, vâng lời; người con thứ, đầu tiên, dạ dạ vâng vâng, nhưng sau đó, lại không làm.

          Vậy chúng ta hãy suy niệm về nhân đức Vâng Lời.

+++

Thiên Chúa phạt nặng những ai không vâng lời. Chúa đuổi hai ông bà ra khỏi vườn địa đàng vì họ không vâng lời Chúa. Vì tội không vâng lời, dân Hibá bị Chúa phạt đi lang thang trong rừng vắng bốn mươi năm, thay vì bốn mươi ngày, và nhiều người trong số họ bị Chúa phạt không cho vào Đất Hứa. Ngay cả ông Môisen, người được Chúa khen là thành thiện nhất trong dân Hibá, vì lỗi đức vâng lời một chút, vẫn bị Chúa phạt chỉ cho nhìn thấy Đất Hứa, chứ không cho vào Đất Hứa. Vua Saul bị Chúa truất quyền làm vua và bị Chúa cho bại trận, cũng vì không vâng lời Chúa.

Thiên Chúa thưởng bội hậu những ai vâng lời. Abraham, vì vâng lời Chúa, được Chúa thưởng cho dòng dõi trường tồn và đầy hạnh phúc.

Chúa Giêsu sống vâng lời

Chúa Giêsu vâng lời trước khi xuống trần gian: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: ‘Lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con“ (Hb 10,5-7). Sau nầy, khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu nói rõ điểm nầy: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).

Khi còn sống trong gia đình, Chúa Giêsu luôn vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse, như Phúc Âm thánh Luca viết: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu luôn đề cao sự vâng lời. Ngài không bao giờ làm theo ý riêng của mình, như lời ngài nói: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Sợ Chúa mệt, các môn đệ giục Chúa ăn, nhưng Chúa nói đã ăn rồi: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Chúa Giêsu rất hãnh diện vì đã vâng lời Chúa Cha một cách hoàn toàn: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4).

Khi phải vâng lời quá khó khăn, Chúa Giêsu vẫn cảm thấy rất đau khổ, nhưng vẫn cắn răng vâng lời: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy. Nhưng chính giờ nầy mà con đã đến” (Ga 12,27). Nhất là trong vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu quá sức đau đớn trong khi vâng lời Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin Cha cho con khỏi phải uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Và Chúa đã phải cầu nguyện như thế đến ba lần.

Chúa Giêsu vâng lời một cách lạ lùng, và vâng lời như thế cho đến chết, như lời thánh Phalô nhận xét: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Và cũng chính thánh Phaolô làm nổi bật một cách đặc biệt đức vâng lời lạ lùng của Chúa Giêsu trong hồi Thương Khó và Tử nạn: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Hb 5,8), 

          Chúa Giêsu dạy đức Vâng lời.

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn cầu mong cho được vâng theo thánh ý Chúa Cha: “Anh em hãy cầu nguyện như thế nầy: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh Thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Mt 6,9-10).

Ai vâng lời Chúa Cha, Chúa Giêsu xem họ thuộc về gia đình của Ngài: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 2,50).

  Ai vâng lời Chúa Giêsu, kẻ đó mới yêu mến Ngài và được Đức Chúa Trời Ba Ngôi  ngự đến trong lòng: ”Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu nmến. Thầy sẽ yêu nmến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).

Chúa Giêsu thưởng đức vâng lời

Ai vâng lời Chúa Giêsu, Ngài nhận họ làm bạn hữu của mình: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những gì Thầy truyền dạy” (Ga 15,14)

Các tông đồ đánh cá suốt đêm mà vẫn không bắt được con cá nào, nhưng vì vâng lời Chúa Giêsu mà đánh cá lại, nên được Ngài thưởng: chỉ trong nháy mắt, bắt được rất nhiều cá (x. Lc 5,4-7).

Chúng ta hãy sống đời vâng lời

Chúng ta hãy vâng lời một cách siêu nhiên, nghĩa là vâng lời vì Chúa mà thôi. Vì vâng lời một cách siêu nhiên, vâng lời vì Chúa, chúng ta ta vẫn luôn vâng lời, dẫu thấy mình không được lợi lộc gì trong khi vâng lời, dẫu khi thấy không có ai kiểm soát. Vì vâng lời một cách siêu nhiên, vâng lời vì Chúa, chúng ta vâng lời một cách tích cực, hiểu ý bề trên, hiểu ý cha mẹ, để vâng lời cho đúng. Vì vâng lời một cách siêu nhiên, vâng lời vì Chúa, chúng ta vâng lời đàng hoàng, dẫu thấy bề trên, cha mẹ, có thể có khuyết điểm, lỗi lầm.

         Chúng ta hãy vâng lời vì lòng yêu mến Chúa. Vì yêu mến Chúa mà vâng lời, nên khi vâng lời, chúng ta không tỏ ra chút gì càu nhàu, không kháng cự lại, hoặc không làm cho rắc rối thêm. Lòng yêu mến Chúa làm cho sự vâng lời của chúng ta ra nhẹ nhàng, vui vẻ, làm cho tâm hồn chúng ta được bằng an vì biết hoàn toàn phó thác cho Chúa quan phòng, định liệu.

Giá trị của Đức Vâng Lời

Lời Chúa nói rõ: “Vâng lời trọng hơn lễ tế” (x. 1 Sm 15,22)  vì khi vâng lời, chúng ta dâng lên Chúa chính ý muốn của chúng ta để làm lễ tế.

Khi sống đức vâng lời, chúng ta có tất cả các nhân đức khác, như lời thánh Augustinô dạy: “Nơi đâu có đức vâng lời ngự trị, nơi đó không thể vắng mặt một nhân đức nào”.

Khi vâng lời, chúng ta giống như vị tử đạo: “Kẻ nào vui vẻ chịu đựng ách nặng nề của đức vâng lời, kẻ đó là một vị tử đạo mà không đổ máu”.

Khi vâng lời, chúng ta lãnh được nhiều công nghiệp nhất: “Lượm một cọng rơm dưới đất vì vâng lời, thì có công nghiệp hơn là theo ý riêng mình mà giảng dạy, ăn chay, giữ luật và cầu nguyện lâu giờ”.

Khi vâng lời, chúng ta rất được đẹp lòng Chúa, như lời thánh Phanxicô Xalêsiô dạy: “Một việc nhỏ nhất mà ta làm vì đức vâng lời, thì đẹp lòng Chúa lắm. Các con ăn vì vâng lời, thì sự ăn đó đẹp lòng Chúa hơn những sự ăn chay của các thánh tu rừng, nếu họ ăn chay không phải vì vâng lời. Các con đi nghỉ vì vâng lời, thì sự nghỉ ngơi của các con có giá trị hơn và đẹp lòng Chúa hơn là việc làm theo ý mình”.

    Chúng ta hãy bắt chước Đức Mẹ, luôn sẵn sàng vâng lời trong bất cứ hoàn cảnh nào để thực hiện thánh ý của Chúa: “Tôi là tôi tớ của Chúa, tôi xin vâng lời”.

Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, xin cho con biết vâng lời theo như gương Chúa và Mẹ.

Amen!

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

home Mục lục Lưu trữ