Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1355272

NHIỀU HƠN AI HẾT

NHIỀU HƠN AI HẾT (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư

“Kinh Sư” là những nhà chuyên môn và những người giải đáp chính thức Kinh Thánh. Sau một thời gian dài học tập vào khoảng 40 tuổi, họ được công nhận thi hành chức vụ của họ và trở nên những người cố vấn chính thức trong những quyết định tư pháp. Đức Giêsu và các tông đồ đã không được đào tạo như thế.

Ngay từ đầu, các “Kinh Sư” luôn tỏ ra chống đối Đức Giêsu. Chỉ trong Tin Mừng Maccô, chúng ta đã thấy nhiều cuộc xung đột (Mc 2,6; 3,22; 7,1; 11,18). Ở đây, Đức Giêsu nghiêm chỉnh cảnh giác chúng ta. Đây là lần cuối cùng Người nói trước công chúng, khoảng vài tuần lễ trước khi Người bước vào cuộc thương khó và bị kết án bởi Thượng Hội đồng mà các Kinh sư thường chủ trì xét xử.

Matthêu đã quy tụ lại thành một diễn từ của Đức Giêsu về đề tài này: “Khốn cho các Kinh sư” (Mt 23). Sự hiểu biết không nhất thiết mang lại cho ta đức hạnh… và than ôi, kể cả sự hiểu biết tôn giáo cũng thế.

Những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.

Vẫn còn những Kitô hữu bực tức vì Giáo Hội đang cố gắng gột bỏ mọi vẻ huy hoàng. Tuy vậy, chúng ta phải nhìn nhận rằng sự cố gắng đó dù chưa hoàn tất, nhưng hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của Đức Giêsu. Giáo Hội trong mọi thời đại; có nguy cơ rơi vào cám dỗ khủng khiếp của uy thế, đặc quyền những “vẻ bề ngoài sang trọng” những tước vị và những chỗ ngồi danh dự. Lạy Chúa, xin cho chúng con càng ngày càng làm quen với một Giáo Hội, biết gột bỏ những danh dự, chấp nhận nghèo khó. Với các linh mục, biết sống như mọi người, không dành đặc quyền đặc lợi nào cả.

Tính cách Pharisêu mà Đức Giêsu lên án, đó là việc sử dụng những “dấu hiệu bề ngoài” để làm cho người khác nể trọng mình và được hưởng những đặc quyền. Ngày nay, có một phong trào tân Pharisêu cũng giả dối như thế, cốt làm tăng giá trị của mình bằng cách làm ra vẻ “thông thạo thời sự”, “giữ đúng thời trang” bằng cách theo nhưng “quan điểm tiến bộ nhất”, dù là những quan điểm rỗng tuếch.

Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ

Điều mà Đức Giêsu quở trách kinh sư thời ấy, đó là thái độ “khoa trương”, lòng “tham lam”, nếp sống “giả hình” của họ. Có lẽ họ đã đòi hỏi những khoản thù lao rất cao đối với những người đến hỏi ý kiến họ, và điều này rất nghiêm trọng vì họ được coi như những người đạo đức, cầu nguyện lâu giờ. Kẻ nào muốn loan truyền những đòi hỏi của Lời Chúa, cũng phải tỏ ra rất khắt khe với chính mình. Khi các Kitô hữu, hay phẩm trật Giáo Hội phạm những bất công xã hội thì đó là điều đặc biệt nghiêm trọng. Thiên Chúa nghe thấy tiếng kêu của những người nghèo khổ bất hạnh, Người ban “công lý” cho kẻ bị áp bức, nâng đỡ góa phụ và cô nhi (Tv 1,45).

Kẻ nào muốn thuộc phe Chúa, thì nhờ cầu nguyện, phải đặc biệt trở nên liêm khiết và công bằng.

Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn

Cộng đoàn của Đức Kitô là Giáo Hội phải nghe lời cảnh cáo này: Người sẽ càng khắt khe hơn với chúng ta, khi chúng ta càng được nhận lãnh nhiều. Chúng ta không thể lừa dối Thiên Chúa! Người thấy tận đáy các sự việc và những sự giả dối của chúng ta sẽ bị lột trần trước mắt Người.

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao

Maccô là một nhà quay phim tài tình. Chúng ta hãy thưởng thức sự chính xác của thiên phóng sự này. Đức Giêsu đã chọn một điểm quan sát tốt, ngồi trên các bậc thềm, đối diện với các hòm tiền. Người nhìn xem. Đám đông những người hành hương diễn qua trước mặt Người. Chúng ta hãy ghi nhận lòng nhân ái của Đức Giêsu: Người chú ý đến những đám đông, chú ý đến những gì xảy ra chung quanh Người. Chúng ta có biết chú ý không? Chúng ta có biết ngắm nhìn không?

Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.

Vào thời Đức Giêsu cũng như ngày nay các tầng lớp xã hội luôn có những mức lợi tức rất chênh lệch. Điền chủ, thương gia, luật gia, giới tư tế thường là giàu có và là sở hữu chủ tại Giê-ru-sa-lem những dinh thự với tất cả tiện nghi và xa hoa: Nhiều gian phòng, hồ tắm, sân vườn, cột nhà cẩm thạch… Trong khu ở riêng của các người quyền quý một khu đẹp và sang trọng! Còn những người nghèo thì chạy sống từng ngày và ở trong “khu vực thấp hèn” tại Giêrusalem.

Nếu lưu ý đến bản văn của Maccô, chúng ta sẽ thấy ông đã viết “một số” người giàu… nhiều người giàu, đã cống hiến ‘những số tiền lớn’ như vậy, họ cũng thiết thân làm nghĩa vụ đối với Đền Thánh.

Ở đây Maccô không chú thích gì cả, nhưng ông vẫn không thể không so sánh:

Cũng có một bà góa nghèo đến.

Bây giờ nhà quay phim cống hiến cho ta một cận cảnh:

Người đàn bà nghèo khó bước tới gương mặt khiêm tốn giữa các khuôn mặt khác. Không có một chỗ danh dự, không danh tiếng gì. Một người không quen biết. Đó là một người đàn bà, trong thế giới mà người đàn ông thống trị, một góa phụ trong thế giới mà chỉ có người đàn ông mới có quyền được luật pháp công nhận. Một người đàn bà nghèo, không lợi tức. Đức Giêsu đưa mắt nhìn bà.

Bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.

Thật là trái ngược với “số tiền lớn” của những kẻ khác!

Tôi muốn nhìn ngắm hai đồng tiền nhỏ này, hai đồng xu đút giấu kín trong lòng bàn tay bà.

Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.

Cách tính tiền thật là kỳ cục? Bà này đã cho “nhiều hơn” tất cả mọi người. Đức Giêsu đã nói thế. Người làm đảo lộn mọi hệ thống xã hội của chúng ta. Người coi thường hệ thống phân loại, những giai cấp xã hội của chúng ta, với những bậc thang phân biệt rõ ràng mà người ta phải leo lên để “thăng tiến”. Ở bậc thang xã hội “cao”, thì giàu có được người khác trọng nể; mặc y phục lộng lẫy, được người ta chào hỏi công cộng, có chỗ ngồi danh dự trong những bữa tiệc, tất cả những điều này không làm Chúa Giêsu quan tâm đến. Còn chúng ta thì sao?

Phản ứng của chúng ta trước trang Tin Mừng này như thế nào? Hay nó vẫn làm chúng ta thản nhiên, không chút bận tâm?

Trong một xã hội dồi dào của cải mà chúng ta đang sống chúng ta có thái độ nào đối với một số nghề nghiệp dành cho người nghèo? Có những người nào mà tôi khinh khi vì chủng tộc, vì môi trường xã hội, nghề nghiệp hay sự nghèo khó của họ không?

Mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản

Người ta không thể đánh lừa Chúa được. Người thấy tận đáy lòng chúng ta. Bà này đã cho “nhiều hơn”, vì bà đã cho “tất cả”. Muốn biết giá trị của một quà tặng, ta không nên chỉ nhìn vào đồ vật đó, mà còn, phải để ý đến người cho. Thiên Chúa đã nhìn như thế. Người nhìn thấy những gì còn lại trong két sắt hay trong trương mục ngân hàng.

Chúng ta cần suy niệm hai từ mà Đức Giêsu đã dùng. Đó là hai ý niệm đơn giản: ‘Sự túng nghèo’ là tình trạng của người không có đủ yếu tố cần thiết để sống; ‘Điều cần thiết’ là những gì tương xứng cho đời sống bình thường. ‘Của cải thừa’ là những gì chúng ta có nhiều hơn cái cần thiết.

Chắc chắn đó không phải là những giá trị toán học cố định. Vì ta có thể thắc mắc: “Sự cần thiết sẽ dừng lại ở mức nào?”. “Sự dư thừa” bắt đầu từ đâu? Nhưng thực tế khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng có quá nhiều khác biệt giữa điều kiện sống của con người trong cùng một xứ sở nhất là giữa quốc gia này với quốc gia khác. Với những đồ vứt bỏ trong thùng rác ở New York, người ta cũng có thể cứu sống cho một thành phố với số dân tương đương thuộc thế giới thứ ba. Những phí phạm của chúng ta kêu lên tới Thiên Chúa, và trước mặt người nghèo. Vào thời đó, Đức Giêsu đã dám tố cáo một số người sống quá ‘dư thừa’, còn ngày nay Người sẽ phải nói sao đây?

Tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.

Đức Giêsu không nhìn sự việc như chúng ta. Chính Người cũng là một kẻ nghèo.

Người đã nhìn ngắm và thấy tâm hồn cho đi tất cả. Chúa để mắt trên người nghèo. Họ đang làm vui lòng Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã ca ngợi người đàn bà góa nghèo, cống hiến hai đồng tiền nhỏ. Lạy Chúa, Chúa nghĩ gì về lòng quảng đại của con? Tôi có “cho đi” không? Bao nhiêu? Như thế nào? Ngày nay ta có thể cho rằng người đàn bà này có lý do chính đáng để giữ lại số tiền đó và để cho kẻ khác “cống hiến” thôi! Nhưng Thánh Vinh Sơn đã nói: May thay cho những người nghèo, vì vẫn còn có những người nghèo ‘biết cho’.

Trước khi khởi sự bước vào cuộc thụ khổ, Đức Giêsu cho chúng ta biết bí mật cái chết của Người sắp đến gần: Người đàn bà này là “hình tượng” của Thiên Chúa, Đấng trao ban tất cả, tất cả những gì Người có để sống! “Thiên Chúa dù giàu có, đã trở nên khó nghèo để làm giàu cho chúng ta”. Thánh Phaolô đã dám nói như vậy (2 Cr 8,9). Tình yêu không biết tính toán. Chúa là tình yêu. Người đã không tính toán, Người đã cho đi tất cả. Nếu Giáo Hội nguyên thủy đã ghi lại đoạn này bề ngoài xem ra không quan trọng ngay trước cuộc thương khó, là vì Giáo Hội đã tự nhủ: Vâng, Đức Giêsu đã tự nhận ra chính Người nơi người đàn bà này, vì bà đã “cho đi tất cả”.

(*)  Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- B

CHÚA GIÊSU VÀ CÁC KINH SƯ – Chú giải của Jacques Hervieux

Chúa Giêsu lại một lần nữa lên tiếng tố cáo các đối thủ là biệt phái và kinh sư. Ngài miệt thị những người hướng dẫn tâm linh quá kiêu căng này. Họ là những người có uy tín trong dân Do Thái những thái độ của họ khiếm nhã. Chúa Giêsu lên án sự phô trương phù phiếm của giới “thượng lưu” này khi họ tìm sự ngưỡng mộ nơi dân chúng (38b-39). Chưa hết, “Họ giành giật tài sản của các bà góa và làm bộ cầu nguyện lâu dài” (40a). Như thế còn hệ tại hơn là thiếu khiêm tốn. Đó là thói đạo đức giả. Các vị lãnh đạo này không ngần ngại bóc lột những kẻ bần cùng cô thế. Những lời cầu nguyện lê thê của họ nhằm mục đích che đậy tội lỗi của họ, để phình lừa dân chúng. Ta thấy lời kết án của Chúa Giêsu có vẻ quá cứng rắn. Nhiều khi Chúa Giêsu cùng quan điểm với nhóm biệt phái và các thủ lãnh của họ là các kinh sư. Ta cũng đã có lần chứng kiến một số người trong họ thành tâm kiếm tìm Nước Thiên Chúa (12,28-34).

Nhưng nên nhớ rằng mãi 40 năm, Maccô mới viết những đoạn Tin Mừng này. Trong khoảng thời gian trôi qua đó, hình ảnh giới hữu trách Do Thái đã thay đổi. Khi thuật lời đả kích nghiêm khắc của Chúa Giêsu đối với ký lục, Maccô muốn cho độc giả của mình, là các Kitô hữu Rôma thấu đáo về não trạng lẫn hành vi của các thủ lãnh Israel sau khi họ đã bắt bớ Chúa Giêsu. Cuộc khẩu chiến giữa Chúa Giêsu và các kinh sư đã nổ ra ngay từ đầu cũng như sự thù nghịch ngày càng tăng giữa Giáo Hội Kitô giáo non trẻ và hội đường (Do Thái giáo) xảy ra trong những năm 80-90. Ở Luca (11,42-54), và nhất là ở Matthêu (23,13-32), sự phê phán gay gắt giới biệt phái và kinh sư diễn ra theo một tiến trình dễ chấp nhận và phù hợp hơn với lối viết Tin Mừng.

ĐỒNG XU CỦA BÀ GÓA (12,41-44)

Đây là hồi cuối thuật lại cảnh Chúa Giêsu ở Đền thờ. Một hồi thật cảm động. Maccô vừa mới phác họa hình ảnh tàn nhẫn của nhóm kinh sư (“Họ bóc lột của cải các bà góa”) (12,40a) xong, liền đưa ngay ra hình ảnh một bà góa rộng rãi đặc biệt. Hai hình ảnh tương phản hoàn toàn. Những từ “bà góa” nối kết hai đoạn văn thật tài tình.

Cảnh tượng diễn ra trong nơi thánh của Đền thờ, gần bên kho tàng. Đó không phải là nơi chứa tài sản đền thờ, mà là nơi cất chứa lễ vật các tín đồ dâng cúng (2V 12,10). Ở cuối phòng người ta đặt các hòm tiền. Những kẻ giàu có, chiếm phần lớn, bỏ vào đấy “các số tiền lớn” (c. 41b). Nhưng Chúa Giêsu chỉ đưa mắt nhìn một sự kiến đáng lưu tâm mà thôi. “Một người đàn bà góa tiền đến và bỏ vào đó 2 đồng xu” (x. 42). Đó là một bà góa, nghĩa là một phụ nữ, một người đáng thương hại dưới con mắt củ nam giới vốn có ưu thế trong gia đình và xã hội thời ấy. Vì không còn sự bao bọc của chồng, người góa phụ chỉ còn nhờ vào tàn sản chính mình, không ai giúp đỡ. Theo Thánh kinh các bà góa được liệt vào số những người nghèo khổ nhất cùng với những kẻ mồ côi và những kẻ tha phương cầu thực (Đnl 24,17-22). Chính vì vậy Maccô mới nói: “Người góa phụ khốn khổ”. Số tiền bà bỏ vào thùng chẳng có đáng là bao: hai đồng xu (theo đơn vị tiền tệ Do Thái), một món tiền không nghĩa lý gì. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã nắm lấy cơ hội này hầu qua cử chỉ khiêm tốn đó, Ngài dạy cho các môn đệ một bài học quan trọng (43-44). Ngài nhấn mạnh đến sự trái ngược này kẻ giàu có cho đi “cái dư thừa” của họ, còn người góa phụ bần cùng lại cho chính cái mình đang cần đến nhất, cho luôn chính bản thân mình. Còn gương nào đẹp hơn? Các bạn hữu Chúa Giêsu hẳn phải nhận ra, nơi góa phụ tuy cơ bần mà độ lượng hình ảnh của một “môn đệ” chân thực. Ta nên lưu ý đặc biệt đến sự thể trong Tin Mừng là Chúa Giêsu thường làm nổi bật đức tính của giới phụ nữ (Lc 10,38-42): Martha và Maria; Ga 4,1-42: người đàn bà Samari) cho các “ông” môn đệ thấy. Sau khi dạy dỗ các môn đệ về sự kiện đời thường này, Chúa Giêsu rời đền thờ (13,1) và Ngài không còn trả lời đó lần nào nữa.

home Mục lục Lưu trữ