Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 70
Tổng truy cập: 1362273
NHỎ BÉ VÀ TẦM THƯỜNG
NHỎ BÉ VÀ TẦM THƯỜNG
Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại rằng: Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao và tại đó, Ngài đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời. Áo Ngài trở nên trắng tinh như tuyết. Rồi lại có Môisê và Êlia hiện ra và trò chuyện với Ngài.
Trước cảnh tượng huy hoàng ấy, Phêrô đã thốt lên:
- Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy muốn, con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Êlia.
Qua sự việc kể trên, chúng ta nhận ra một khuynh hướng chung cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Đó là chúng ta vốn ưa thích những sự việc lạ lùng và khác thường.
Đúng thế, dân làng Nadarét đã khâm phục sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thế nhưng vì không thấy Ngài làm một phép lạ nào, nên họ đã tỏ ra bực bội tức tối và muốn xô Ngài xuống vực thẳm.
Dân Do Thái nhiều người đã muốn suy tôn Ngài lên làm vua, vì Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi sống họ trong hoang địa. Thế nhưng, sau khi nghe Chúa Giêsu nói về một thứ của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Ngài, thì họ đã lấy làm chướng tai gai mắt, nên đã bỏ Ngài mà đi. Và cũng chính họ trước tòa án Philatô, khi nhìn thấy vóc dáng thiểu não và thân hình tiều tụy của Ngài, đã không ngần ngại kêu gào:
- Đónh đanh nó đi, đóng đanh nó vào cây thập giá.
Hêrôđê cũng vậy, ông ta muốn gặp Ngài chỉ vì tính hiếu kỳ, chỉ vì óc tò mò, mong được xem Ngài biểu diễn những trò ngoạn mục. Thế nhưng, khi thấy Ngài giữ thái độ yên lặng, thì ông đã cười nhạo và khoác cho Ngài một chiếc áo trắng để nói lên rằng Ngài chỉ là một tên điên khùng, mà trao trả Ngài lại cho Philatô.
Thái độ của Phêrô hôm nay cũng vậy. Trên đỉnh Tabôrê, ông đã say mê ngất ngây trướ cảnh tượng huy hoàng và ánh vinh quang của Chúa Giêsu. Thế nhưng, khi nghe Ngài nói về cuộc thương khó sắp xảy ra, thi ông đã lấy làm bực bội và lên tiếng can ngăn, khiến Ngài đã phải quở trách nặng lời:
- Hỡi Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chỉ biết những việc của người đời, mà chẳng biết chi đến những việc của Thiên Chúa.
Rồi chính Phêrô trong sân nhà thầy cả thượng phẩm đã chối Chúa ba lần. Không hiểu trong lúc chối Chúa như vậy, ông có nhớ tới vinh quang Tabôrê nữa hay không?
Từ những điều vừa trình bày, chúng ta nhận thấy cách thức hoạt động của Thiên Chúa thật khác xa với cách thức hoạt động của chúng ta, đúng như lời Ngài đã nói:
- Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.
Thực vậy, đang khi chúng ta đi tìm những sự vinh quang và những việc lạ lùng khác thường, thì Chúa lại dùng chính những cái nhỏ bé, những cái tầm thường và ngay cả những khổ đau, những thất bại và ngay cả cái chết tủi nhục của mình để cứu độ chúng ta.
Lịch sử đã cho chúng ta hay biết về sự thật này. Có ai tầm thường cho bằng Đavít, một cậu bé chăn chiên, thế mà Thiên Chúa đã dùng cậu bé này để thiết lập một triều đại mới, dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại hoàng kim và phồn vinh.
Có ai khiêm nhường cho bằng Maria, một thôn nữ âm thầm, thế mà Thiên Chúa đã dùng Mẹ để khởi đầu cho chương trình cứu thế.
Có ai đã thất bại cho bằng Chúa Giêsu với cái chết ê chề và nhục nhã trên thập giá, thế mà Ngài lại dùng chính khổ đau của thập giá để cứu chuộc chúng ta.
Và ngày hôm nay, Chúa vẫn còn tiếp tục nói với chúng ta qua những sự việc nhỏ bé, tầm thường và khiêm tốn như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là chúng ta có biết lắng nghe và thực thi ý định của Ngài được tỏ lộ qua những sự việc nhỏ bé, tầm thường và khiêm tốn ấy hay không?
58.Phêrô
Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về thái độ của Phêrô.
Như chúng ta đã thấy: trước sự hiện diện của Môisê và Êlia cùng với ánh vinh quang bao phủ, Phêrô đã vui mừng hớn hở thưa lên:
- Lạy Thày, được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thày muốn, chúng con xin làm ba lều.
Thế nhưng sau đó, cũng chính Phêrô đã lên tiếng can ngăn Chúa khi Ngài tiên báo về những khổ đau sẽ phải chịu, để rồi Ngài đã phải nặng lời quở trách:
- Hỡi Satan, hãy xéo đi, ngươi chỉ biết những việc thuộc về trần thế mà chẳng biết chi những việc thuộc về Thiên Chúa.
Rồi cũng chính Phêrô trong sân nhà thày cả thượng phẩm đã chối Chúa ba lần chỉ vì câu hỏi bâng quơ của một đứa nữ tỳ. Phải chăng thái độ của Phêrô cũng là thái độ của người đời như tục ngữ đã nói:
- Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.
Đúng thế, khi chúng ta có tiền và có quyền thì cũng thường có nhiều tình. Người xưa đã từng bảo:
- Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm. Nghèo mà ở ngay giữa phố chợ thì cũng chẳng ai thăm, còn giàu mà ở tận chỗ núi cao rừng thẳm, thì vẫn khối người tìm đến.
Hay như tục ngữ cũng nói:
- Thấy người sang bắt quàng làm họ.
Thế nhưng khi tiền hết và quyền hết thì tình cũng thường chắp cánh bay cao:
- Hết cơm hết gạo hết ông tôi.
Không những hết tình mà đôi khi vào lúc sa cơ thất thế, những kẻ trước kia đã hàm ơn, không chừng sẽ trở mặt, phản lại chúng ta, giậu đổ bìm leo, để rồi chính chúng ta sẽ phải âm thầm và cay đắng ghi nhận:
- Thế thái nhân tình gớm chết thay,
Nhạt như nước ốc bạc như vôi.
Hay lẩm bẩm kêu trách:
- C’est la vie, đời là thế.
Tuy nhiên chúng ta đừng vội trách người cũng như đừng vội trách đời, mà hãy trách chính bản thân chúng ta trước, bởi vì đó cũng chính là thái độ của chúng ta đối với những tha nhân và nhất là đối với Thiên Chúa.
Thực vậy, kinh nghiệm cho hay: Khi gặp được may mắn và hạnh phúc chúng ta dường như cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi, thật dễ thương, thế nhưng khi gặp phải những gian nguy thử thách, những đớn đau buồn phiền, chúng ta lại cảm thấy Thiên Chúa thật xa vời và độc địa như lời thơ cổ:
- Trẻ tạo hóa đành hanh chi ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Rồi từ đó chúng ta bực bội tức tối và lên tiếng nguyền rủa Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta chỉ muốn bước theo Chúa lên đỉnh Taborê, chứ không muốn bước theo Chúa lên đỉnh Canvê. Chúng ta chỉ muốn cắm lều trong vinh quang, chứ không muốn đóng đinh mình vào thập giá. Chúng ta đã nhìn đau khổ qua cặp kính màu đen tuyệt vọng, chúng ta kéo lê thập giá chứ không vui vẻ vác lấy và coi thập giá như phương tiện cứu độ.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng:
- Đỉnh Canvê mới chính là nơi để Chúa Giêsu chu toàn sứ mạng cứu độ của mình, mới chính là nơi để Ngài gieo mầm phục sinh cho nhân loại.
Là môn đệ của Chúa chúng ta không có một con đường nào khác ngoài con đường thập giá, như lời Ngài đã nói:
- Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta.
Chúng ta không dừng lại tại thập giá và khổ đau, nhưng cùng với Đức Kitô tiến vào vinh quang và phục sinh. Vì thế, mặc dù vai vác thập giá nhưng mắt chúng ta vẫn luôn hướng tới trời cao. Trời cao, sự sống và hạnh phúc phải là điểm kết thúc cho con đường thập giá. Những hy sinh chúng ta gặp phải sẽ kết thành cây thập giá đời thường, nếu chúng ta trung thành vác lấy, cây thập giá đời thường ấy sẽ là con đường dẫn chúng ta tới vinh quang phục sinh.
59.Cõi phúc
Trong cuộc đời này, có nhiều người đã đi tìm cái chết cho mình. Trong số ấy có những người giàu sang quyền quí, và cũng có những người nghèo khổ bần cùng. Người giàu sang quyền quý sau khi hưởng thụ mọi thú vui của cõi đời, đã chỉ thấy một sự trống rỗng trong tâm hồn, một sự vô vị của cuộc sống nên tìm đến cái chết như muốn nói lên rằng họ tuyệt vọng về cuộc đời. Những người nghèo khổ bần cùng suốt đời phải làm thân trâu ngựa. Họ không đủ sức chịu đựng những nhọc nhằn, những tủi nhục của kiếp tôi mọi nên cũng đã tìm đến cái chết như tìm một sự giải thoát cho cuộc đời. Dù chết trong hoàn cảnh nào thì cả người giàu lẫn người nghèo kể trên đều có một lý do chung và lý do mạnh nhất đã đẩy đưa họ tới chỗ chào thua cuộc đời. Lý do đó là vì họ “Sống mà không có lý tưởng để vươn tới, không có niềm tin vào ngày mai ở bên kia cuộc đời”. Đối với họ, đời người chỉ thu gọn lại trong những tháng năm của cuộc sống này và chết là hết, không còn gì.
Nhưng người Kitô hữu không thể nghĩ thế. Người Kitô hữu biết rằng mình có một cõi phúc để đi về sau khi cuộc đời này chấm dứt. Cõi phúc ấy được báo trước qua cuộc biến hình đầy vinh quang huy hoàng của Chúa Giêsu. Cõi phúc ấy đã làm cho ba môn đệ của Chúa Giêsu ngây ngất đến độ ông Phêrô đã phải thốt lên rằng: “Thầy ơi, chúng con được ở đây thì sướng lắm”. Những chưa được. Cõi phúc ấy nằm ở cuối cuộc hành trình đời người, và các tông đồ cũng như mỗi người chúng ta chỉ có thể đi vào cõi phúc ấy sau khi đã đi hết lộ trình cuộc đời của mình. Khổ một nỗi hành trình cuộc đời của người Kitô hữu không phải là xa lộ thênh thang, bằng phẳng, nhưng lại là một con đường khúc khuỷu, quanh co, đầy chông gai sỏi đá. Nó giống như con đường lên núi Sọ của Chúa Giêsu. Và vì thế mà nhiều người, trong đó có cả chúng ta đã không dám bước vào. Thành công nào trong đời cũng có cái giá phải trả. Chúa Giêsu chỉ có thể bước vào vinh quang của ngày Phục Sinh sau khi đã đi vượt qua con đường đau khổ, con đường thập giá. Người đã can đảm vượt qua được con đường ấy và đã đi vào cõi phúc. Người mời gọi và chờ đợi chúng ta cùng đi vào cõi phúc ấy với Người: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Không có con đường thứ hai, không có con đường tắt nào khác dẫn tới cõi phúc ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Bước sang năm mới có lẽ ai trong chúng ta cũng có một kế hoạch làm ăn, và chúng ta có thể mường tượng ra những thành công sẽ đến. Những thành công ấy sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta làm việc, chấp nhận mưa nắng dãi dầu, chấp nhận thức khuya dậy sớm v.v… Đạt được cõi phúc trường sinh chính là một thành công lớn nhất và chung cuộc của đời sống con người, nhưng chẳng biết nó có đủ hấp dẫn để lôi kéo ta, để giúp ta chấp nhận những hy sinh, từ bỏ, chấp nhận lấy những thập giá trong đời sống mình hay không? Nếu không thì quả là đáng tiếc.
60.Thập giá
Anh chị em có biết tại sao khi nghe hai chữ thập giá, chúng ta không thấy sởn gai ốc, và có khi còn dửng dưng nữa, trong khi các môn đệ Chúa Giêsu nghe nói đến thập giá thì nổi da gà, và ông Phêrô run rẩy can ngăn Chúa đừng đi tới đó? Có lẽ vì chúng ta chỉ nhìn thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ quí nhẵn bóng hay bằng xi măng tô đá rửa, đá mài, nên hình ảnh mà hai chữ thập giá gợi lên trong chúng ta không có gì đáng sợ. Còn các môn đệ Chúa thì trái lại, các ông chưa bao giờ thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc… và hai chữ này không chỉ gợi lên một cây khổ giá trần trụi, mà gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Chính vì thế mà các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.
Nhưng Chúa Giêsu không phải là ông thầy dễ dãi hay nhu nhược. Chúa vẫn nói thẳng, nói thật và Chúa đòi ai theo Chúa phải nhìn thẳng vào thập giá và chấp nhận nó: “Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy”. Ông Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thì Ngài lại nói đến thập giá. Thập giá Chúa nói ở đây như mặt sau của tấm huân chương. Rồi sau đó Chúa lại đưa ba môn đệ thân tín lên núi, cho các ông thấy vinh quang chói lòa của Ngài và sự có mặt làm chứng của Môisê và Êlia: một vị đã được Chúa dùng để giao ước Sinai, còn vị kia thì được Chúa trao nhiệm vụ tái lập giao ước Sinai.
Chúng ta có thể đảo lại thế này: sau khi chỉ cho các môn đệ thấy cây thập giá làm cho các ông run sợ, Chúa Giêsu lật cho các ông thấy đằng sau cây thập giá có gì. Cũng vậy, sau này, trên đường Emmau, chúng ta thấy Chúa quở trách hai môn đệ thất vọng bỏ đi, vì các ông chỉ thấy mặt trước mà không thấy mặt sau của cây thập giá: “Chẳng phải là Đức Kitô phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang của Ngài sao?”.
Nếu ôm lấy cây thập giá và thỏa mãn với nó thì đúng là một kẻ điên khùng hoặc bệnh hoạn. Không, Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta trở nên điên khùng, bệnh hoạn. Chúa đã nhận lấy thập giá như đường tới vinh quang. Đàng sau thập giá là vinh quang mà chỉ có đức tin mới cho chúng ta thấy được. Chúa không gọi chúng ta vác thập giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ có đi theo Chúa, chúng ta mới tới được vinh quang ở phía sau cây thập giá.
Cuộc sống có những lúc êm đềm thanh thản, có những ngày tưng bừng hoa lá, nhưng cũng lắm khi cảm thấy tất cả nỗi ê chề của cây thập giá sù sì và những lời độc địa, chát chúa của khách qua đường. Chúng ta cảm thấy nỗi cô đơn của kẻ bị treo lơ lửng giữa trời và đất. Chúng ta khát khô cổ muốn có một lời an ủi, một chút cảm thông, nhưng quanh chúng ta chỉ có thờ ơ và thinh lặng, hoặc tệ hơn nữa, chỉ có phỉ báng và xua đuổi. Những lúc ấy chúng ta mới cảm thấy tất cả sự rùng rợn của cây thập giá. Có khi chúng ta cảm thấy chán nản muốn buông xuôi tất cả. Chúng ta cảm thấy như Chúa Giêsu đã cảm thấy và phải kêu lên: “Lạy Chúa, nhân sao Chúa bỏ con…”.
Những lúc ấy chúng ta phải vận dụng sức mạnh của lòng tin, hết ánh sáng đức tin, để thấy được đằng sau cây thập giá. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đấng đang vác thập giá đi đằng trước chúng ta, chớ rời mắt xa Ngài. Nhưng chúng ta đừng chờ tới lúc đó mới nhìn vào Ngài. Chúng ta phải giữ tầm nhìn luôn hướng về Ngài trong mọi nơi, mọi lúc, mọi việc. Chúng ta hãy làm tất cả với Ngài, vì Ngài và trong Ngài. Nếu chúng ta biết sống với Ngài trong niềm vui, chúng ta cũng biết sống với Ngài trong nỗi buồn. Nếu chúng ta biết sống trong Ngài khi hạnh phúc, chúng ta cũng biết sống trong Ngài lúc đau khổ. Nếu chúng ta biết sống với Ngài trong ngày hội, chúng ta cũng biết sống với Ngài giữa cô đơn. Nếu chúng ta biết sống trong Ngài lúc đầy tiền của, chúng ta cũng biết sống trong Ngài khi trắng tay…
Điều chúng ta cần ghi nhớ là chúng ta đừng mang thập giá một mình. Chúng ta sẽ không bước nổi đâu, và nếu chúng ta có đem tất cả sự kiêu hãnh của con cái Ađam mà lết đi được thì cũng chẳng ích lợi gì, cây thập giá của chúng ta chỉ là cây gỗ chết mà thôi. Bởi vì cây thập giá chỉ trở nên xanh tươi và đầy hoa trái khi nó mang con Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống: “Nếu chúng ta cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ sống với Ngài”.
Như vậy, Chúa Giêsu hiển dung là để củng cố đức tin của các môn đệ. Bởi vì Chúa thấy các môn đệ quá sợ các đau khổ, không chấp nhận cuộc khổ nạn của Ngài, nên Chúa đã hé mở vinh quang của Nước Thiên Chúa cho các ông thấy để đem lại cho các ông một niềm tin và một hy vọng vào ngày mai. Do đó, việc Chúa hiển dung cũng dạy bảo cho các môn đệ biết: phải trải qua đau khổ rồi mới vào vinh quang. Chính Thầy của các ông là Con Thiên Chúa, mà còn phải chịu đau khổ mới bước đến vinh quang thì các ông cũng phải đi theo con đường đó: không thể đến cõi hằng sống mà không phải qua đau khổ, thử thách.
Sống ở đời, không ai trong chúng ta tránh được những đau khổ chúng ta gọi là những thánh giá mà Chúa muốn chúng ta vác. Dù trong bậc nào vẫn phải vác thánh giá của mình. Ngay chính lúc này, mỗi người chúng ta đều cảm thấy những lo âu, những buồn phiền, những khổ đau… Tất cả đều là thánh giá. Nếu biết vác cho nên, với một thái độ khiêm ngường, với lòng cậy tin, thì Chúa sẽ ở bên chúng ta, và sẽ thưởng công cho chúng ta. Những công phúc tuy vô hình, chúng ta không trông thấy, nhưng chúng sẽ là những hạt men, những hạt giống sẽ nở ra trong đời sau và trong thế hệ con cháu chúng ta.
61.Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Ý nghĩa của những chi tiết trong cuộc hiển dung là gì? Mục đích của cuộc hiển dung là gì?
2. Lời Chúa Cha giới thiệu về Đức Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Nội dung của lời giới thiệu này có mấy điểm? Là những điểm nào?
3. Vâng nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha khuyên ta thì được lợi ích gì?
Suy tư gợi ý:
1. Ý nghĩa thị kiến hiển dung của Đức Giêsu
Đây là một thị kiến mà ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu nhìn thấy. Thị kiến này mạc khải cho ba môn đệ thấy thần tính của Đức Giêsu. Những gì thấy trong thị kiến đều có một ý nghĩa thần bí:
– ngọn núi cao: biểu tượng sự siêu việt, thánh thiện, cao cả, thanh thoát, xa rời thế tục
– chỉ có bốn thầy trò với nhau: sự mạc khải chỉ biểu lộ cho những người thân thiết nhất, mang tính riêng tư.
– sự biến hình đổi dạng: cho thấy một bản chất sâu xa bên trong, một cái gì sẽ được tỏ hiện trong tương lai. Người thường không thấy được điều ấy, họ chỉ thấy được cái gì hiện ra bên ngoài trong hiện tại.
– dung nhan chói lọi như mặt trời: biểu tượng của thần tính, hay thiên tính, đầy vinh quang, quyền lực.
– y phục trắng tinh như ánh sáng: biểu tượng sự trong sáng, sự quang minh chính đại cực độ, hoàn toàn không lầm lỗi, không khiếm khuyết.
– Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo: đây là hai nhân vật lớn nhất tiêu biểu cho Cựu Ước, hay Giao Ước cũ. Môsê, nhà làm luật, tượng trưng cho luật pháp, Êlia, ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước, đại diện các ngôn sứ. Luật pháp và các ngôn sứ là cốt tủy, là những thứ biểu trưng và thiêng liêng nhất trong Cựu Ước. Hai ông còn là hai người có thế giá nhất đã báo trước sự ra đời của Đức Giêsu. Môsê là tác giả của bộ Ngũ Kinh (5 cuốn đầu của Cựu Ước) đã tiên báo một đại ngôn sứ sẽ đến (x. Đnl 18,15-19). Còn Êlia là nhân vật mà Thiên Chúa sai đến như một dấu chứng báo trước ngày mà chính Thiên Chúa đến trần gian (x. Ml 3,23). Trong thị kiến này, hai ông biểu tượng cho hai chứng từ sống động nhất làm chứng cho thiên tính của Đức Giêsu.
– Đám mây sáng ngời bao phủ cả ba người: tượng trưng cả ba người đều đến từ Thiên Chúa, và đang sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh (cũng như trong các kinh điển của các tôn giáo), đám mây tượng trưng cho mầu nhiệm Thiên Chúa đang hiện diện: chẳng hạn cột mây dẫn đường dân Do Thái qua biển đỏ (Xh 13,21-24), cột mây trước Lều Tạm (Xh 33,9-10; 40,34-38), hay Gia-Vê thường hiện ra với Môsê trong đám mây (Xh 16,10; 19,9; 20,21; 24,15-16).
– Tiếng phán ra từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”: Đây là dấu chứng mạnh nhất, vĩ đại nhất mang tính dứt khoát cho biết Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, mà mọi người có thể tin tưởng và vâng phục. Chính Chúa Cha trực tiếp giới thiệu “Con Yêu Dấu” của mình. Còn lời chứng nào giá trị hơn nữa?
2. Hãy vững tin vào thiên tính của Đức Giêsu
Qua thị kiến hiển dung này, Thiên Chúa đã trực tiếp củng cố niềm tin cho ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu vào Ngài, và cũng gián tiếp củng cố niềm tin của các môn đệ khác, và cả chúng ta nữa. Thị kiến này các ông đã mang theo trong tâm trí suốt cuộc đời như một hành trang quý báu giúp các ông tin vững chắc vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế mà mọi người đều trông mong. Nhờ niềm tin vững chắc này, các ông rao giảng về Đức Giêsu một cách xác tín, và vượt qua được mọi gian lao thử thách do việc rao giảng ấy. Thánh Phêrô đã nhắc lại biến cố này như một dấu chứng chắc chắn để mọi người tin vào lời chứng của mình: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).
Nếu mục đích của sự hiển dung này là để củng cố niềm tin các tông đồ vào thiên tính của Đức Giêsu, thì nó cũng có mục đích củng cố niềm tin mỗi người chúng ta. Đức tin được càng được xác tín mạnh mẽ từ trong thâm tâm, chứ không chỉ tuyên xưng ngoài miệng, sẽ làm cho đời sống Kitô hữu càng thêm sâu sắc và phong phú, càng làm tình yêu và nội lực ta thêm dồi dào.
3. “Hãy vâng nghe lời Người!”
Qua biến cố hiển dung, Đức Giêsu chẳng những được giới thiệu cho chúng ta. Sự giới thiệu có giá trị hay không, và giá trị đến mức nào tùy thuộc vào thế giá của người giới thiệu. Còn ai có thế giá trong tôn giáo cho bằng Môsê và Êlia, và nhất là còn ai thế giá trong toàn vũ trụ bằng Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên cả vũ trụ bao la này. Chúa Cha đã giới thiệu Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”.
Lời giới thiệu ấy tuy ngắn ngủi nhưng nội dung rất quan trọng, gồm 3 điểm sau đây:
a) Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: Đó là một chức vị duy nhất và cao nhất sau Chúa Cha trong toàn vũ trụ. Ngài là Con duy nhất của một Thiên Chúa độc nhất. Và Ngài cũng là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Ngài đầy uy tín và rất đáng tin tưởng do bản chất Thiên Chúa của Ngài.
b) Đức Giêsu rất đẹp lòng Chúa Cha: Một người đẹp lòng Chúa Cha tất nhiên hết sức hoàn hảo, không một khiếm khuyết nào. Vì thế, Ngài đầy uy tín và rất đáng tin tưởng do phẩm chất hết sức cao quí của Ngài.
c) Vì thế, Chúa Cha khuyên chúng ta “hãy vâng nghe lời Người!”. Lời khuyên của Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng lại đầy khôn ngoan và quyền năng ắt phải có một giá trị vô cùng lớn. Không một lời khuyên nào đối với ta có thể khôn ngoan và đem lại lợi ích cho ta như vậy. Vậy chúng ta hãy vâng nghe lời Đức Giêsu.
Thánh Phêrô, người đã chứng kiến việc hiển dung của Đức Giêsu và đã nghe được lời giới thiệu về Ngài của Chúa Cha, đã phải thốt lên tâm tình của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chính Đức Giêsu cũng đã xác nhận: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51). “Không bao giờ phải chết” ở đây nghĩa là có được sự sống đời đời.
4. Sự sống đời đời do vâng nghe lời Đức Giêsu
Lợi ích lớn lao do việc vâng nghe lời Đức Giêsu chính là có được sự sống đời đời. Sự sống đời đời ấy không phải là một cái gì xa lạ mà phải qua thế giới bên kia mới cảm nghiệm được, mà là một cái gì thực tế và cụ thể, có thể cảm nghiệm được ngay ở đời này, thậm chí “tại đây và lúc này” (hic et nunc) một cách hết sức hiện sinh. Sự sống ấy đã được Đức Giêsu nói đến trong câu: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ở đời này, sự sống đời đời được thể hiện bằng sự sống dồi dào nội lực và sinh khí để có thể sống tràn đầy bình an và hạnh phúc, trong tinh thần vị tha, quên mình, biết yêu thương và hy sinh cho tha nhân không mệt mỏi. Đó là thứ hạnh phúc đích thực của thiên đàng là nơi chỉ có yêu thương, không còn ích kỷ hay thù hận. Đó là sự bình an và hạnh phúc vô biên trong nội tâm, thứ hạnh phúc không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh hay những yếu tố bên ngoài, một thứ hạnh phúc không ai lấy mất được.
Sự sống đời đời ấy ta có được là do vâng nghe lời Đức Giêsu, để chúng ta có thể nhìn cuộc đời, quan niệm mọi sự như Đức Giêsu đã nhìn và quan niệm, để ta có thể tư tưởng, nói năng và hành xử như Ngài đã từng tư tưởng, nói năng và hành xử. Ở đời này, sự sống ấy có thể ví như ở dạng hạt, và nó sẽ phát triển thành cây cổ thụ và sinh hoa kết trái ở đời sau. Chỉ khi ta có được “hạt giống sự sống đời đời” ở đời này do việc vâng nghe lời Đức Giêsu, ta mới có được “cây sự sống đời đời” ấy ở đời sau (x. Kh 22,2.14.19).
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha đã giới thiệu Đức Giêsu cho con, đã khuyên con hãy vâng nghe lời Ngài. Con biết: sự sống đời đời – là điều con ao ước nhất và có khả năng làm thỏa mãn con nhất – con có thể tìm được nhờ vâng nghe lời Ngài một cách triệt để và sâu xa. Xin Cha giúp con thực hiện được điều ấy. Amen.
62.Biến hình
Cách đây vài năm khi đang đi bộ lang thang khu siêu thị, tôi để ý thấy đám đông chăm chú nhìn vào một cái gì đó trong tủ kính trưng bày của một cửa tiệm. Tò mò, tôi bước tới nhìn xem. Người ta ngắm một bức tranh. Bức tranh vẽ đủ mọi màu sắc sáng với những biểu tượng và hình thù chẳng có ý nghĩa gì. Ban đầu tôi chợt nghĩ: “Chắc là một loại nghệ thuật trừu tượng. Và mình sẽ không bao giờ có thể hiểu được loại nghệ thuật này!”
Tình cờ, một trong những người khách chỉ vào bức tranh và nói: “Tôi thấy Ngài rồi! Tôi thấy Ngài rồi!” “Thấy cái gì? Thấy ai?” một vài người đứng đó hỏi. “Thủng thẳng đã, tôi không chắc chắn lắm, và tôi cũng không muốn quấy rầy quí vị”. Sau đó một người khác cũng la lên: “Rồi, tôi cũng thấy Ngài nữa!”
Một vài người lắc đầu bỏ đi. Và chỉ còn vài người chúng tôi ráng đứng lại nhìn. “Xin lỗi, bà có thể nói lại cho tôi biết cái gì vậy?” Tôi hỏi một trong những người đã nói rằng bà trông thấy “Ngài”. Bà cắt nghĩa: “Đây là một bức hình ba chiều, nếu nhìn vào bức hình khi có ánh sáng phù hợp vào đúng góc cạnh, sẽ nhìn thấy một bức hình ở đó”. Thế hả? Tôi đáp lại nhưng vẫn còn nghi ngờ. “Nhưng nó không dễ nhìn thấy đâu!” Bà nói thêm. “Tôi phải mất gần ba chục phút mới nhìn ra đấy. Nhưng kìa thấy rồi”. Bà chỉ ngón tay vào bức hình: “Bộ không thấy sao?” Bà hỏi. Tôi cố gắng nhìn tập trung vào bức tranh muốn chóng cả mặt. “Tôi chẳng trông thấy gì cả”, tôi phải tự thú như vậy, “Hay là tưởng tượng đấy?” Bà mỉm cười, rồi quay mặt bước đi, nhưng vẫn không quên khích lệ tôi: “Đừng bỏ cuộc! Cố nhìn thêm chút nữa!”
Tôi đã phải nhìn vào bức hình đó hằng chục lần nữa mà cũng không thấy gì. Trên đường trở ra bãi đậu xe, tôi quyết định trở lại để thử nhìn thêm một lần nữa. Khi tôi nhìn vào bức tranh, hơi cúi khom đầu xuống một chút, những đường nét trang trí bắt đầu mờ nhạt, và một khuôn mặt xuất hiện. Một cách rất khoan khoái tôi nhận ra đây là khuôn mặt của Chúa Giêsu. “Tôi đã trông thấy Ngài! Tôi đã trông thấy Ngài!” Rồi mất thêm một tiếng đồng hồ nữa để giúp cho những người xung quanh cũng nhìn thấy Ngài. Thật là thú vị trông thấy khuôn mặt của họ tươi sáng hẳn lên khi nhận diện ra khuôn mặt của Chúa Giêsu lần đầu tiên sau những nỗ lực vất vả.
Hôm nay, Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, bài Phúc âm thánh Matthêu nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi. Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhìn thấy khuôn mặt vinh quang của Con Thiên Chúa lần đầu tiên. Họ đã ở với Chúa Giêsu hằng ngày trong khoảng thời gian ba năm. Họ đã nhìn thấy Ngài, lắng nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn chưa thực sự nhận ra Ngài là ai.
Trong cuốn “Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin”, “Chúa Giêsu Đang Sống Qua Nhân Chứng”, cha Emiliano Tardif chia sẻ như sau: “Một sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà một Đấng-Vẫn- Sống đang ban sự sống dồi dào”. “Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho”.
Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Ngài để giúp họ học hỏi và sống đời sống chứng nhân sau này.
1. Thiên Chúa nâng chúng ta lên.
Trong Cựu ước, ngọn núi cao thường là nơi mô tả sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã mời gọi Môsê đi lên núi để lãnh nhận Mười điều răn. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người Chúa Giêsu tuyển chọn, được đưa lên núi cao để hưởng đặc ân của Thiên Chúa. Họ đã chứng kiến một điều sẽ ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời chứng nhân sau này như Phêrô đã thú nhận: “Là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai”.
Ngài cũng có chương trình riêng cho mỗi người chúng ta. Bằng những cách gọi rất cá nhân và khác nhau, Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người và nâng chúng ta lên. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều này nếu biết cầu xin và đón nhận với lòng biết ơn. Cha Emiliano Tardif đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ngài: “Chúng ta có thể gặp được chính Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô, Đấng hôm qua và hôm nay vẫn là thế, và hằng sống muôn đời”.
Sách Giáo lý Công giáo, số 556 cũng đã viết: “Sự biến hình cho ta nếm trước ngày quang lâm vinh hiển của Chúa Kitô, “Đấng sẽ biến đổi thân xác khốn khổ của chúng ta, để hóa nên giống như thân xác vinh hiển của Ngài”.
2. Thiên Chúa đem chúng ta xuống.
Sau kinh nghiệm cực kỳ sung sướng vừa thấy Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang sáng ngời của Ngài, thì có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”. Vừa mới lên cao đến tột đỉnh sáng ngời, liền bị hạ sấp mặt xuống đất trong kinh hãi. Thiên Chúa nâng họ lên cao và hạ họ xuống thấp. Đây là những chi tiết thú vị của câu chuyện.
Dân gian Việt Nam gọi cái thăng trầm, và thử thách của cuộc đời là: “Lên voi xuống chó”, “Lên bổng xuống trầm”, “Lên ngàn xuống bể”, “Lên thác xuống ghềnh”. Những thành ngữ rất gợi hình này nói lên một phần thực tại của cuộc sống lữ hành.
Thánh Kinh cũng thường diễn tả việc Thiên Chúa hạ những kẻ cao sang và kiêu căng xuống. Tiên tri Isaia đã viết: “Vì Đức Chúa, các đạo binh đã dành sẵn một ngày để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống”. Sách 1 Samuel nói: “Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhấc lên cao”. Thánh vịnh 75 nói rằng: “Chỉ Thiên Chúa mới là thẩm phán, Chúa hạ bệ người này, cất nhắc kẻ kia”. Trong bài ca “Ngợi Khen”. “Kinh Magnificat” xác định: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.
Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm này, đang “hằm hằm những lời đe dọa và giết chóc…” thì “bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói…”. Và chính Chúa Giêsu cũng đã bước qua những thăng trầm này: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?”
3. Tin tưởng vào Chúa Giêsu và tiếp tục cuộc sống:
Thiên Chúa đã đưa ba tông đồ lên núi, làm họ ngã sấp mặt xuống đất, thì cũng chính Ngài, qua Đức Giêsu Kitô lại nâng họ lên: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Rồi cùng với họ đi xuống núi. Trên đường đi xuống núi lòng họ hoang mang, đầy những câu hỏi, nghi vấn, nhưng Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Bí mật của cuộc biến hình này tạo nên sự tin tưởng cho các tông đồ khi phải đối diện với đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá và của chính các ông sau này.
63.Biến hình
Họa sĩ người Ý, Raphael (1483 – 1520), khi chết mới 37 tuổi, nhưng đã để lại một số lượng tác phẩm tuyệt vời cho hậu thế. Một trong những tác phẩm danh tiếng của ông có tên là “Cuộc Biến Hình”, “Transfiguration”. Trong tang lễ, bức tranh này đã được đặt trên đầu quan tài của ông. Bức tranh vẽ có hai phần. Phần trên, diễn tả cảnh Chúa Giêsu biến hình trong sự sáng láng và vinh quang của Ngài, mặt Ngài chiếu sáng, áo Ngài trắng như tuyết. Bản tính Thiên Chúa ngời sáng qua nhân tính của Ngài. Ở bên phải là Môsê, đại diện cho luật cũ, và bên trái là tiên tri Elia, đại diện cho các tiên tri của Cựu ước. Ở dưới chân của Chúa Giêsu là ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong sự sửng sốt và kinh ngạc khi thấy vinh quang thiên quốc của Ngài.
Trái lại, phần dưới của bức tranh tối tăm u buồn. Trong cái u tối đó có một bé trai bị bệnh, đang đau đớn quằn quại trên chiếc giường nhỏ, gia đình quy tụ xung quanh, cùng với chín tông đồ còn lại. Một tông đồ đang chỉ tay vào em bé bị bệnh, và một tông đồ khác chỉ tay hướng về Chúa Giêsu đang trên đường đi xuống núi. Các tông đồ không thể chữa được cơn bệnh ngặt nghèo của em bé, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa được. Em bé trai phải hướng về Chúa Giêsu và tin tưởng vào Ngài.
Đau khổ và thập giá là sự kiện hiển nhiên trong cuộc sống. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Không ai có thể tránh khỏi. Sách Giáo lý Công giáo cũng xác định rằng: “Muốn vào chốn vinh quang của Ngài”, “Ngài phải trải qua thập giá tại Giêrusalem”.
Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Ngài giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách. Đó là lý do tại sao câu chuyện Chúa Giêsu biến hình được sắp xếp cử hành trong Mùa Chay. Giống như em bé trai thống khổ trong bức tranh vẽ của Raphael, chúng ta không bao giờ thất vọng khi nhìn ngắm vào thập giá của Chúa Giêsu, mà phải luôn tìm kiếm Ngài trong vinh quang. Chỉ qua Ngài, với Ngài, và ở trong Ngài chúng ta mới chiến thắng được thế gian và ma quỉ.
64.Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm Antôn Nguyễn Văn Độ)
Bước vào Chúa nhật II Mùa Chay, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại, đó là biến cố biến hình của Chúa Giêsu.
Hôm nay, thánh sử Matthêu nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông. Và đây Môisen cùng với Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Những câu hỏi được đặt ra: tại sao Chúa Giêsu biến hình? Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Ngài đưa lên núi? Tại sao Môise và Êli lại có mặt lúc Chúa Giêsu biến hình?
Tại sao Chúa Giêsu biến hình?
Chúng ta biết rằng, sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no lần thứ nhất (x.Mt 14, 13-21) và chừng bốn ngàn người lần thứ hai không kể đàn bà con trẻ (x.Mt 15, 32-39). Các Tông đồ chưng hửng về tương lai tươi sáng, dân chúng thì mãn nguyện về Đấng Thiên Sai. Khi thăm dò ý kiến chung (x.Mt 16, 13-20), Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất (x.Mt 16, 21-23): “Ngài phải đi Yêrusalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21). Như thế, Ngài đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Ngài đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh sáng vinh quang. Nhưng các ông đâu có chấp nhận, khi nghe vậy Phêrô liền can ngăn: “Thiên Chúa thương! Chứ sẽ có đâu như thế!” (Mt 16,23). Vì thế, để củng cố niềm tin các Tông đồ, đồng thời giúp các ông sẵn sàng chấp nhận và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Ngài, nên Ngài đã biến hình sáu ngày sau đó (x. Mt 17, 1-9). Nhưng vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi cao (x.Mt 17, 4). Và như thế là Phêrô đã muốn biến cái tạm bợ trở thành vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với thập giá và khổ đau.
Tại sao Chúa Giêsu lại gọi Phêrô, Giacôbê và em ông là Gioan? Phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?
Về vấn đề này, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Vì Phêrô đã từng tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và được Ngài trao cho chìa khóa Nước Trời “Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời” (Mt 16, 19). Hơn nữa cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn, “Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa!” (Ga 21, 17)
Phần Gioan, vì Gioan đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là (người môn đệ Chúa yêu) (Ga 21, 20). Còn Giacôbê, ông đã cùng với em mình khi Chúa Giêsu hỏi: “Các ngươi có thể uống chén Ta sắp uống không?” Họ nói với Ngài: “Thưa được” và ông đã giữ lời, đã đi đến cùng của lời cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.
Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môisen và Êlia?
Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về con người của Ngài. Có người cho rằng Ngài là Đấng Kitô, là Môisen hoặc Êlia, Giêrêmia hay là một tiên tri (x. Mt 16,14). Chúng ta biết rằng, người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu là người vi phạm Luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang Thiên Chúa, mà theo họ, vinh quang đó là của Thiên Chúa chứ không thuộc về Chúa Giêsu. Họ nói: “Con người ấy không bởi Thiên Chúa được, vì hắn không giữ Hưu lễ!” (Ga 9, 16) Và chỗ khác họ nói: “Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông; nhưng vì một lời phạm thượng! Ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10, 33). Chúa Giêsu muốn cho mọi người biết, vì nghen tương mà họ gán cho Ngài hai tội danh ấy. Nên khi biến hình đàm đạo với Môisen và Êlia, Ngài muốn khẳng định rằng, Ngài còn hơn cả Môisen và Êlia nữa. Môisen là người đã trao ban Lề Luật cho dân chúng, nên người Do Thái không thể nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm Lề Luật. Còn Êlia xuất hiện với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Ngài biến hình cùng với Êlia là người đã không chết.
Tin Mừng cũng khai mở cho chúng ta biết, Chúa Giêsu muốn cho các Tông đồ thấy vinh quang của thập giá, củng cổ niềm tin của Phêrô và các môn đệ trước cuộc khổ nạn sắp đến, giúp họ thêm can đảm. Vì Môisen, Êlia cùng với Chúa Giêsu, cả ba không im lặng, nhưng: “đàm đạo với Người...” (Mt 17 9, 3), về khổ nạn và thập giá. Đó chính là điều mà các tiên tri hay nói đến. Chúa Giêsu cũng muốn các Tông đồ mình noi theo Môisen và Êlia về những nhân đức trổi vượt trong quá khứ, và Ngài cũng muốn rằng: “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Một điều rất thú vị là Môisen đã rẽ đôi nước biển để cho dân chúng đi ráo chân, phần Phêrô ông cũng đã đi trên mặt nước, để rồi chữa lành tất cả bệnh hoạn tật nguyện cho dân chúng, xua trừ ma quỷ, đưa mọi người về với Đức Kitô. Êlia đã làm cho kẻ chết sống lại, các Tông đồ sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần cũng đã làm cho kẻ chết được sống lại. Đó là những lý do Chúa Giêsu chọn Môisen và Êlia hiện ra đàm đạo với mình.
Rút ra bài học
Đối với chúng ta ngày hôm nay, biến cố Chúa biến hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt tâm hồn chiêm ngắm Mầu Nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn trong Mùa Chay này biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Chúa. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa trao mới được theo Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống, để được hưởng vinh quang Phục sinh với Ngài.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng để nêu gương cho chúng ta, giúp chúng ta cũng biết biến đổi: từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của Thập Giá Chúa và xin ban ơn để chúng con biết sống Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa trong cuộc đời chúng con, hầu mai ngày được sống lại với Chúa trong vinh quang với. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam