Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1364234

NHỮNG ĐỒNG BẠC LẺ

NHỮNG ĐỒNG BẠC LẺ

 

(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc)

Tin mừng Lc 16:1-13: Chúa Giêsu đã đem ơn cứu độ đến qua lời giảng dạy và gương sáng của Ngài, nhưng sao người ta hững hờ và chậm chạp đến như vậy!

Một người Đức giàu có nọ đến nghĩ mát tại một ngôi làng nhỏ bên cạnh bờ biển, dân chúng đa số là các ngư dân nghèo nàn chất phác. Chiều đến người khách lạ đi vào các hàng quán để đổi tiền hầu mua thức ăn và chi trả các thứ cần thiết. Ông vào một quán nhỏ và nhờ người chủ quán đổi cho một tờ giấy bạc 1.000 Đức mã. Đây là lần đầu tiên người chủ quán nhìn thấy một tờ giấy bạc to như thế. Ông lắc đầu và nói với người khách lạ:

"Với tờ giấy bạc nầy ông sẽ không mua được bất cứ cái gì ở đây. Ở đây chúng tôi chỉ trao đổi với nhau bằng những đồng bạc nhỏ mà thôi".

Nhiều người dân làng bu lại để nhìn tờ giấy bạc 1.000 Đức mã. Họ cười nói với nhau: "Làm gì có giấy bạc 1.000 Đức mã". Những người đánh cá cũng đứng lại biểu đồng tình. Họ nói rằng đồng bạc lớn nhất mà họ chỉ thấy năm ba lần trong đời là tờ 100 Đức mã. Thế là dân làng bắt đầu nghi ngờ về thành tích bất hảo của người khách lạ. Đêm hôm đó, từ cửa sổ của nhà trọ ông nghe có tiếng bàn tán như sau:

"Hắn ta phải là một tên bịp bợm. Trước hết là phải tìm cách tống hắn đi khỏi làng của chúng ta".

Sáng hôm sau, trước khi mặt trời lên, người đàn ông giàu có đã vội vã ra khỏi phòng trọ. Ông đi đến một đô thị nhỏ cách đó gần một ngày đàng và đổi tờ giấy bạc 1.000 Đức mã ra những đồng bạc nhỏ. Với hai bao tiền dầy cộm, ông thuê xe trở lại ngôi làng. Lần nầy dân chúng tin rằng ông thực sự có tiền và họ đã tiếp đón ông rất tử tế.

Anh chị em thân mến,

Người khách lạ giàu có đã xoay xở khôn khéo và kịp thời để thoát khỏi sự nghi ngờ là một tên bất lương và lại được các ngư dân nghèo niềm nở tiếp đón khi ông đổi tờ giấy bạc 1.000 Đức mã thành những đồng bạc nhỏ. Tờ giấy bạc 1.000 Đức mã của ông nhà giàu chẳng có giá trị gì đối với dân nghèo mà còn trở nên nguy cơ cho chính bản thân ông nhà giàu. Cũng thế, thái độ của chúng ta đối với tiền của chỉ đáng tin cậy khi được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của bác ái, chia sẻ cho những người nghèo khổ và như thế chúng ta sẽ mua được nhiều bạn hữu.

Hôm nay, khi kể câu chuyện người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa Giêsu cũng muốn kêu gọi chúng ta hãy dùng tiền bạc mà mua lấy bạn bè, để bảo đảm cho tương lai hạnh phúc. Đây là chuyện khéo léo xoay xở của một người quản lý bất lương. Anh đã lợi dụng cơ hội biển thủ tiền của hoa lợi của ông chủ. Ông chủ cho đòi người quản lý tới tính sổ và sau đó sẽ cho anh ta thôi việc. Thật là một tin bất ngờ như sét đánh. Mất việc làm, anh sẽ đi đâu? sinh sống thế nào? Cuốc mướn thì không nổi, ăn xin thì xấu hổ. Vậy chỉ còn một cách là tìm được người để nhờ vả. Anh vội vàng gọi các con nợ của chủ đến. Anh làm ơn cho họ để sau nầy họ sẽ giúp đỡ anh. Anh biến họ nên những kẻ đồng lõa. Và thấy lợi trước mắt, họ đã làm theo anh.

Cứ xử như vậy, đối với chủ là bất lương. Nhưng đó là khôn ngoan theo kiểu thế gian. Chúa Giêsu khen sự khôn ngoan đó vì Ngài thấy con cái đời nầy khôn khéo hơn con cái sự sáng. Chúa không khen các việc làm của người quản lý kia, vì anh ta là kẻ bất lương. Nhưng Ngài phải nhận rằng anh ta khôn khéo và mau lẹ tháo vát, xoay xở. Và Ngài tỏ ra đau lòng khi nghĩ đến phương diện Nước Trời, ở đây người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy: Chúa Giêsu đã đem ơn cứu độ đến qua lời giảng dạy và gương sáng của Ngài, nhưng sao người ta hững hờ và chậm chạp đến như vậy! Người ta không lanh lẹ mau trí xoay xở đối với Nước Trời như người quản lý bất lương kia mau trí lanh lẹ xoay xở đối với việc ở đời nầy. Đó là điều đau lòng và đáng trách!

Nhưng nếu muốn lanh trí, khôn khéo xoay xở đối với Nước Trời thì phải làm gì? Và đây là điểm chú yếu của Tin Mừng hôm nay.

Phải bắt chước anh quản lý trong việc khôn khéo tìm cách bảo đảm cho tương lai của mình. Anh quản lý tìm bảo đảm tương lai ở đời nầy, còn con cái sự sáng phải tìm bảo đảm tương lai ở đời sau. Vậy phải làm gì? Tiền của đời nầy có giúp ích được gì không? – Có chứ! Hãy dùng tiền của mà mua sắm kho tàng cho mình ở trên trời mai ngày, nơi không có mối mọt đục khoét và không trộm cướp nào lấy mất được (x.Mt 6,19-21). Ngược lại, nếu chỉ dùng tiền mà tích trử cho riêng mình ở đời nầy, thì như có lần Chúa đã nói: "Khốn cho kẻ ngu ngốc như vậy, vì khi chết y có thể mang theo được gì không?" (Lc 12,16-21).

Nhưng thế nào là dùng tiền của để mua sắm kho tàng cho mình ở trên trời?

Theo giáo huấn của Chúa và như các kitô hữu tiên khởi đã thi hành, thì của cải vật chất được ký gởi cho chúng ta không phải để chúng ta giữ làm của riêng và coi nó như thần tượng để tôn thờ, nhưng là để chúng ta san sẻ với anh em, làm cho không ai còn thiếu thốn. Tất cả vấn đề nằm trong quan điểm nầy. Người ta phải lựa chọn: hoặc là coi tiền của là đối tượng mình phải tìm kiếm, thu tích cho thật nhiều; hoặc là coi nó như của ký gởi để san sẻ giúp đỡ nhau. Nói cách khác, hoặc coi tiền của như thần tượng để tôn thờ, hoặc coi tiền của như phương tiện để xây dựng hạnh phúc chung cho mọi người.

Cũng như Ngôn sứ Amos (Bđ.1), Chúa không chấp nhận được thái độ tham lam tiền của, chỉ biết làm giàu cho mình và không sợ bốc lột người khác. Và tham lam như vậy là chứng tỏ đã coi tiền của là thần tượng, là một thứ tôn giáo. Đúng như lời Chúa dạy: "Không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được".

Anh chị em thân mến,

Tiền của, vàng bạc là những thứ đem lại giàu sang, sung sướng, nhưng cũng là nguyên do của những phản bội, tráo trở, thất nhân thất nghĩa, bôi đen lòng người. Vì thế, người kitô hữu xác tín có một đời sau, có một kho tàng đích thực đang chờ đón chúng ta, chúng ta không thể chấp nhận và sống theo tôn giáo thờ Thần Mammon – ngày nay là Thần Đô-la – tôn đồng tiền làm thần tượng, coi đồng tiền là tất cả, là vạn năng.

Chúng ta hãy đặt tiền bạc trở về đúng vị trí của nó là một tên nô lệ chứ không phải là một chủ nhân ông thì mới hy vọng có một thái độ, một cách cư xử đúng mức đối với tiền của trong tương quan với tha nhân. Với lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu qua dụ ngôn hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm lại thái độ của mình, đồng thời thành khẩn xin Chúa ban cho chúng ta một nghị lực dứt khoát và can đảm để luôn chế ngự được hấp lực của đồng tiền, biết cách xử dụng tiền bạc, của cải trần gian cho tình thương yêu, bác ái và chia sẻ. Như thế là chúng ta gởi vào kho tàng bất diệt trên trời.

Hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống mai sau. Hãy hướng tất cả mọi sự vào cùng đích của cuộc sống. Hãy coi con người hơn tiền bạc của cải và trong tình bạn hơn sự giàu sang phú quí. Bởi vì cái gì sẽ tồn tại mãi? Không phải là tiền bạc hay giàu sang mà là tình bạn của con người. Hãy cư xử thế nào để ngày sau luôn có đông đảo bạn hữu chân thành đón rước chúng ta vào Cửa Trời hạnh phúc.

 

16.Trung tín – Lm Giuse Trần Việt Hùng

Truyện kể: Ngày xưa có tên lái buôn gian xảo dùng mạt cưa pha vào cám đem bán. Nhưng có tên bán mướp, còn gian hơn. Hắn lấy mướp đắng, giả làm dưa leo bán giá đắt hơn. Ngày kia, hai gã gặp nhau. Cả hai người tưởng hàng của nhau là thật, liền thỏa thuận đổi cám lấy dưa về dùng. Cả hai người đều hí hửng. Nhưng tới lúc xài mới hay là của giả, rõ ràng gian lại gặp tham

Sự gian manh đã len lỏi đi vào lòng người từ rất xa xưa. Với lòng gian xảo, nhiều người tham lam đã dùng đủ mọi cách để làm lợi cho mình, bất chấp sự thiệt hại của tha nhân. Tiên tri Amos đã nêu ra những thói đời xấu xa: Các ngươi bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả (Am 8, 5). Xưa cũng như nay, xã hội nào cũng có những người xấu chuyên môn lường gạt, gian dối, lừa lọc, xảo trá và dùng nhiều thủ đoạn để vun đắp phần lợi về mình. Họ dùng những đồ giả, đồ nhái hay đồ giả mạo che mắt người khác để bán kiếm lợi lộc cách bất công. Làm ít mà muốn hưởng nhiều, của giả mà đòi bán giá thiệt.

Mỗi thời đại đều có những tệ nạn xã hội khác nhau. Nơi đâu cũng có kẻ tốt và người xấu xuất hiện. Người tiểu tâm lại khéo nói và dễ gây cảm tình. Họ dùng rất nhiều mánh khóe để tìm lợi ích cho cuộc sống riêng tư. Họ khéo xử dụng miệng lưỡi để mua chuộc nhân tâm. Amos tố cáo âm mưu của họ. Họ nói: Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát" (Am 8, 6). Đối với họ, đồng tiền là trên hết. Họ có thể dùng tiền bạc đổi chác những gì mà họ ưa thích. Của cải không còn là phương tiện, mà trở thành chủ nhân và cùng đích cuộc đời. Cũng thế, khi say mê của cải phù vân ở đời, chúng ta dễ bị lệ thuộc và làm nô lệ cho của cải. Vì sự tham lam như chiếc túi không đáy. Đã có, lại muốn có thêm. Chúng ta chẳng khi nào cảm thấy đầy đủ.

Qua bài dụ ngôn Người Quản Lý, Chúa Giêsu vạch rõ cách cư xử khôn khéo của người đời. Tin rằng đời sống sẽ không bao giờ bị bế tắc, vì không ra được cửa này và sẽ luồn qua cửa kia. Người quản lý gian tham và bất tín đã tìm ra cách gian dối để cứu vãn đời mình. Đặt lợi ích đời sống của mình trước và bất chấp sự thiệt hại cho người chủ. Anh quản lý đã sửa đổi văn tự, giảm bớt giấy nợ và lấy của chủ cho đi để gây phúc cho mình. Phải nói rằng anh quản lý đã tính toán rất khôn ranh. Lương tâm của anh trở nên chai lì không còn nhậy bén về sự công bằng và ngay thật. Khi học biết sự việc đã xảy ra, ông chủ cũng thầm cảm phục sự khéo tính toán của anh ta: Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng (Lc 16, 8).

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dạy chúng ta bài học về sự trung tín và ngay thẳng. Dù việc tư hay công, một hành động gian dối nhỏ, cũng sẽ làm thiệt hại lòng tin tưởng. Chúa nói: Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn (Lc 16, 10). Đúng là một sự bất tín, vạn sự chẳng tin. Hình như sự gian dối cứ luẩn quẩn quanh cuộc sống của mỗi người chúng ta. Ở đời có mấy ai thoát khỏi sự dối trá, gian lận to hoặc nhỏ. Nói dối hoặc nói lối cách này hay cách khác để tránh nói sự thật. Có khi nói dối để tránh sự tò mò, vô thưởng vô phạt, không hại mình hay hại người. Người ta thường nói: Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Trẻ em thành thật hơn. Chúng ta ghi nhớ Giới răn Chúa dạy: Thứ Tám là chớ làm chứng dối.

Qua câu truyện trong dụ ngôn, Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta dùng tiền bạc cách khôn ngoan: Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời (Lc 16, 9). Tiền bạc gian dối là của cải trần đời. Tiền được lưu truyền qua tay người này tới người khác. Đồng tiền lang thang khắp chốn. Chúng ta chẳng biết tiền sạch hay dơ. Nhờ tín dụng, của cải tiền bạc có giá trị trao đổi. Tờ giấy đồng tiền có giá trị khi chúng ta biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ. Chúng ta có thể dùng tiền bạc đời này để sắm sửa gia tài đời sau. Với ý thức, tình yêu và lòng muốn, con người giúp hoán chuyển những giá trị của cải tạm thời hư không trở thành những món qùa vô giá. Những của cải mà chúng ta dâng cúng làm phúc, làm việc bác ái và giúp đỡ kẻ khó nghèo đã trở thành gia sản quí báu ở Nước Trời.

Truyện kể: Ngày kia, một cô hội viên từ thiện chuẩn bị gõ cửa để vào quyền tiền, thì nghe bà chủ nhà cằn nhằn cô tớ gái: Chị lại đốt phí một que diêm rồi đấy. Cô hội viên thầm nghĩ có lẽ mình sẽ quyên được rất ít. Tuy vậy, cô gõ cửa và cánh cửa mở ra. Bà chủ nhà tươi cười nói: Thưa cô, chắc cô vừa nghe tôi cằn nhằn, nhưng nếu tôi không tiết kiệm từng que diêm, thì ngày nay đâu có 500 quan tiền để giúp Hội Từ Thiện.

Tiền bạc của cải gắn liền với chúng ta suốt quãng đời trần thế. Của cải chỉ buông tha khi chúng ta nhắm mắt lìa đời. Biết rằng, cho dù chúng ta có gắng công làm giầu, gom góp và tích trữ của cải thật nhiều nhưng khi ra đi, chỉ có hai bàn tay trắng chẳng mang theo được gì. Khi đó của cải của chúng ta sẽ để lại cho người khác hưởng dùng. Nên biết cuộc đời của con người là một hành trình đi về cùng đích. Khởi đi từ trần thế và lữ hành về cõi sau. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời đang hướng về cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không thể dừng lại bám víu vào của cải phù hoa thế trần. Chúng ta cần dứt khoát chọn lựa thái độ sống để hưởng hạnh phúc. Chúa Giêsu nhắc nhở: "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được" (Lc 16, 13). Dĩ nhiên, chúng ta chọn làm tôi Thiên Chúa. Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho. Có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả.

Thiên Chúa quan phòng yêu thương mọi loài thụ tạo. Kìa xem hoa qủa đồng nội, Thiên Chúa luôn chăm sóc thiên nhiên cho mưa thuận gió hòa tưới gội. Muông thú nơi rừng xanh và chim trời cá biển chẳng cần phải gieo vãi thu hoặch, Thiên Chúa vẫn nuôi chúng hằng ngày. Sự sống của con người đáng giá hơn chim sẻ bội phần. Chúng ta cần nhận biết sứ mệnh làm người rất là cao cả. Thiên Chúa an bài cho con người cuộc sống an vui đời này và hạnh phúc đời sau. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho Timôthêo viết: Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý (1Tm 2, 3-4). Cùng đích của cuộc đời là lãnh nhân ơn cứu rỗi và chung hưởng hạnh phúc quê trời. Chính Chúa Giêsu đã mở lối dẫn đường. Chúng ta không thể chọn lựa con đường nào khác. Một con đường duy nhất là chọn Thiên Chúa làm chủ và làm gia nghiệp đời chúng ta. Vì chỉ có một Thiên Chúa và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô, cũng là con người (1Tm 2, 5).

Lạy Chúa, rất nhiều khi chúng con đã xả thân tìm kiếm những của cải phù vân. Chúng con bán lương tâm để gom góp những của nợ hay hư nát của trần đời. Xin cho chúng con biết tỉnh ngộ, biết buông bỏ và nhận biết chân lý. Xin Chúa dủ thương dẫn dắt chúng con đến cùng Chúa và chọn Chúa làm gia nghiệp.

 

17.Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà

CHUYỂN ĐỔI CỦA CẢI PHÙ DU THÀNH KHO TÀNG VĨNH CỬU

Tất cả những gì ta có là do Chúa tạm ứng cho ta

Thân xác của ta không do ta mà có, mà là do Chúa ban. Mai đây Chúa sẽ lấy đi, ta không thể giằng lại được. Đến ngày Chúa gọi ta về thế giới bên kia, ta không thể nói: “Con không đi! Con không đi! Con phải ở lại đời này, con đang quyến luyến đời này, không đi đâu hết!”

Sức khỏe của ta không do ta mà có, nhưng là do Chúa ban. Về phần ta, lúc nào ta cũng muốn mình được khỏe mạnh, cường tráng, muốn sống lâu trăm tuổi chưa vừa; ngoài ra, ai cũng rất sợ đau ốm, sợ ung thư, sợ đột quỵ… Nhưng không ai có thể duy trì sức khỏe trong tình trạng tốt mãi được. Nay mai, ta phải già đi, phải suy yếu đi, phải mắc hết bệnh này tới bệnh khác, phải nằm liệt giường, phải rên la đau đớn… chẳng còn chút hơi sức nào!

Ngôi nhà của ta, xe cộ, vàng bạc châu báu và rất nhiều đồ dùng của ta… hôm nay, chúng còn thuộc về ta, nhưng mai đây, tất cả những thứ đó đều không còn là của ta nữa mà phải sang tay cho người khác.

“Của vào nhà khó như gió vào nhà trống”

Đúng vậy, sức khỏe, của cải, vàng bạc, châu báu … đến với ta cũng như luồng gió lùa vào gian nhà trống, chúng chợt đến rồi chúng lại bay đi. Không ai có thể nhốt được gió cho riêng mình. Cũng thế, không ai ôm ghì lấy sức khỏe, tài sản, vàng bạc châu báu cho mình mãi được. Chúng chợt đến rồi chúng chợt đi. Ai khư khư giữ lấy chúng là chưa khôn ngoan sáng suốt.

Tốt nhất là biết cấp tốc chuyển đổi chúng thành tài sản vĩnh cửu cho mình.

Công nghệ năng lượng gió

Hiện nay, trên đất nước ta có nhiều tua-bin (turbine) gió được lắp đặt nhiều nơi. Những cánh quạt của tua-bin vươn ra đón lấy những làn gió thoảng qua rồi biến chúng thành nguồn năng lượng hữu ích cho muôn người, trước khi để gió thổi vèo qua nơi khác. Biến gió thành điện là một công nghệ tuyệt vời.

Vậy thì chúng ta cũng nên ứng dụng “công nghệ” này vào cuộc sống của mình, bằng cách đón lấy của cải chóng qua đời này, như những cánh quạt của tua-bin đón gió, rồi biến chúng thành kho tàng thiêng liêng cho cuộc sống mai sau.

Người quản lý trong Tin mừng hôm nay đã nắm được “công nghệ” này. Khi biết chủ sắp sa thải mình và biết rằng lúc đó thì anh không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như xưa nay, anh nghĩ ra một diệu kế:

Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi anh bị sa thải, những con nợ nầy sẽ đền ơn anh và sẽ đón rước anh vào nhà họ.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu dạy ta: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” hay nói khác đi, hãy dùng của cải ta có hôm nay mà mua lấy một chỗ ở trên thiên đàng.

Đó là một chọn lựa khôn ngoan, vì cho dù hôm nay, ta cố sức bám trụ vào mặt đất nầy, bám víu thật chắc vào những tài sản của mình, ra sức thu gom thật nhiều tiền bạc, tài sản, ruộng vườn… thì mai đây, chúng ta cũng sẽ bị bứt ra khỏi cuộc đời nầy như chiếc lá lìa cành trong cơn lốc dữ…

Tất cả những gì ta mua sắm được hôm nay, người khác sẽ sử dụng. Những gì ta đang sở hữu sẽ thuộc về người khác… Rốt cuộc, ta chẳng còn gì!

Vì thế, người khôn ngoan là người biết chuyển đổi của cải chóng qua thành gia tài vĩnh cửu trên trời, y như tua-bin của các giàn điện gió chuyển đổi những làn gió thoảng qua thành năng lượng hữu ích cho muôn người.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho Lời khôn ngoan của Chúa đánh thức chúng con khỏi quyến luyến của cải đời này, nhưng biết khôn ngoan đánh đổi những tài sản phù du để thu về những lợi ích vĩnh cửu.

 

18.Nhìn rộng thấy xa – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Người quản lý trong Tin Mừng hôm nay, khi biết chủ sắp sa thải mình và biết rằng lúc đó thì anh không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như xưa nay, nên anh nghĩ ra một diệu kế: Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi anh bị đuổi việc, những con nợ nầy sẽ đền ơn anh và sẽ đón rước anh vào nhà họ.

Hành động khôn khéo nầy cũng đã được một người khác thực hiện và đã được ghi lại trong sách xưa như sau:

Thời Chiến Quốc, tại Nước Tề có một vị tướng quốc tài hoa lỗi lạc là Mạnh Thường Quân. Ông là người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, hào phóng với hết mọi người. Trong nhà lúc nào cũng tấp nập khách thập phương thăm viếng, chuyện trò, ăn uống. Danh tiếng Mạnh Thường Quân vang khắp các lân bang thời ấy.

Một hôm, Mạnh Thường Quân sai một người bạn tên là Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi lên đường, Phùng Nguyên hỏi Mạnh Thường Quân rằng: "Ngài có muốn tôi mua thứ gì bên đó về cho ngài không?" Mạnh Thường Quân trả lời: "Ngươi xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua." Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên triệu tập các con nợ của Mạnh Thường Quân lại và yêu cầu họ xuất trình giấy nợ. Sau khi nắm được số liệu giấy tờ, thay vì đòi họ thanh toán hết tiền gốc tiền lãi, Phùng Nguyên nhân danh Mạnh Thường Quân tuyên bố tha hết nợ cho dân và truyền cho các đầy tđem tất cả giấy nợ ra đốt sạch.

Thế là trong phút chốc, bao nhiêu nợ nần xưa nay biến tan theo làn khói; tất cả các con nợ thở phào nhẹ nhõm và ghi tâm khắc cốt ân đức của Mạnh Thường Quân.

Mấy hôm sau, thấy Phùng Nguyên trở về tay không, Mạnh Thường Quân hỏi: “Nhà ngươi đã thu được bao nhiêu tiền nợ? Đã mua được thứ gì?” Phùng Nguyên trả lời: "Theo thiển ý của tôi thì trong nhà của ngài chẳng thiếu gì cả, có chăng là thiếu ơn nghĩa dành cho người túng cực mà thôi. Chính vì thế, tôi đã trộm phép ngài để mua ơn nghĩa cho ngài. Tôi hy vọng là ngài sẽ rất hài lòng".

Về sau, Mạnh Thường Quân bị hàm oan và bị bãi quan, phải về nương náu tại đất Tiết. Dân chúng nơi đây nhơn vđại ân nhân đã tha nợ cho họ năm xưa, rủ nhau ra đón rước thật tưng bừng và thân mật. Mạnh Thường Quân vui sướng quay lại nói với Phùng Nguyên: "Nhà ngươi xem, chắc hẳn đây là cái ơn nghĩa mà trước đây nhà ngươi đã mua giùm cho ta!"

Dù hôm nay tôi cố hết sức bám trụ vào mặt đất nầy bằng cách củng cố thật vững địa vị của tôi, nắm ghì thật chặt chiếc ghế của tôi, ra sức thu gom thật nhiều tiền bạc, tài sản, ruộng vườn… thì mai đây, tôi cũng sẽ bị bứt ra khỏi cuộc đời nầy như chiếc lá lìa cành trong cơn lốc dữ…

Tất cả những gì tôi mua sắm được hôm nay, người khác sẽ sử dụng. Những gì tôi đang sở hữu sẽ thuộc về người khác… Còn lại gì cho tôi?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy phải lấy của cải phù du để đổi lấy tài sản muôn đời và biết tận dụng những gì hiện có để mua sắm cho mình một nơi cư ngụ vĩnh cửu trên thiên quốc. Cụ thể là hãy dùng những ân huệ Chúa ban như sức khoẻ, thời giờ, tài năng, trí tuệ, tiền bạc… để mua nghĩa, mua bè bạn, mua lấy một chỗ ở trong Nước Trời.

Người tôi tớ bất lương trong Tin Mừng hôm nay quả là rất khôn ngoan khi biết lợi dụng tài sản mà anh được người chủ trao cho quản lý tạm thời để mua lấy bạn hữu và mua lấy nơi ăn chốn ở cho mình trong những ngày khốn đốn.

Phùng Nguyên cũng đã rất khôn khéo khi dùng tiền bạc của Mạnh Thường Quân để mua ơn, mua nghĩa cho bạn của mình, nhờ đó mà sau nầy ông cùng Mạnh Thường Quân được hưởng phúc trong lúc sa cơ.

Phúc thay cho những người có tầm nhìn xa. Họ như thuyền trưởng phát hiện được tảng băng từ xa, nên có đủ thời giờ quay mũi tàu thoát hiểm. Họ như người săn tìm ngọc quý, bán đi những gì tầm thường mình có để mua cho bằng được một viên ngọc tuyệt vời.

Lạy Chúa, xin cho Lời khôn ngoan của Chúa đánh thức chúng con khỏi mê đắm những thứ phù phiếm đời nầy và biết khôn ngoan đánh đổi những thứ phù du để thu về những điều vĩnh cửu.

 

19.Tiền là ma là quỷ

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Người ta nói: “Đồng tiền là Tiên là Phật”. Nhưng có thật, nhờ có tiền mà họ thành BỒ TÁT cứu đời hay không? Thực tế, vì tiền mà người ta xấu đi rất nhiều! Đồng tiền đã làm biến chất một con người. Từ hiền ra dữ. Từ ngay thẳng ra lừa dối gian tham. Từ con người nết na thuỳ mị, trở thành kẻ sa đoạ, trụy lạc. Xem ra đồng tiền là nguyên do đưa đến những tiêu cực. Xem ra đồng tiền đã làm “hư bột, hư hồ”. Xem ra không thể gọi đồng tiền là Tiên là Phật được, mà phải gọi là Ma, là Qủy. Tiên, Phật theo dân gian là luôn dạy người ta ăn ngay ở lành. Tiên-Phật luôn giúp con người hướng về thiện, luôn gìn giữ, bảo vệ những nét đẹp của con người và thiên nhiên. Tiên Phật đâu khiến con người gian tham, lừa đảo. Chỉ có ma qủy mới làm biến chất con người. Chỉ có ma qủy mới làm cho con người tha hoá đạo đức. Chỉ có ma qủy mới làm băng hoại những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp cao qúy của biết bao nền văn hoá nơi các dân tộc.

Thời xưa, tiên tri Amos đã đau lòng khi nhìn thấy con người đang đầy đoạ lẫn nhau chỉ vì tiền. Có quá nhiều kẻ tham lam nên đã dùng quyền để đàn áp và bóc lột người khác. Có quá nhiều kẻ chỉ vì tiền mà chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Họ coi mạng người chỉ là đồ vật để mua bán trao đổi. Có quá nhiều kẻ vì ham tiền nên đã đang tâm buôn gian bán thiếu để vun quén cho đầy túi tham. Nhà tiên tri đã nói với họ rằng: "Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người nghèo và muốn tiêu diệt những ai bần cùng. Các ngươi tự nhủ: ‘Bao giờ mới hết tuần trăng để chúng tôi buôn bán? Khi nào mới qua ngày nghỉ lễ để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lượng đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu…’ Và Chúa đã thề rằng: ‘Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”. (Am 8:4-7).

Lời cảnh tỉnh của tiên tri Amos xem ra vẫn là lời nhắc nhở cho con ngừơi hôm nay. Bởi vì vẫn còn đó những kẻ lợi dụng sự khó khăn túng thiếu của người khác để chèn ép, tước đoạt, để cho vay nặng lãi và làm giàu. Vẫn còn đó những kẻ bỏ lễ, bỏ đạo để làm tôi cho ma qủy, mong được hưởng những bổng lộc trần gian mau qua. Vẫn còn đó những kẻ chuyên gian dối, lọc lừa, đổi giá, tráo hàng để thu lợi. Vẫn còn đó những kẻ buôn thần bán thánh nhân danh nhân nghĩa để biển thủ tư lợi riêng. Đồng tiền đã và đang làm cho xã hội điêu đứng, cho tình con người trở thành thứ yếu vì “tiền là trên hết”.

Lời Chúa hôm nay, phải là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta: Hỡi những kẻ quản lý của Thiên Chúa. Chúa đã yêu thuơng và tin tưởng giao cho chúng ta quá nhiều gia sản của Ngài. Ngài trao cho chúng ta quản lý tiền của, thời giờ và tài năng. Tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban. Đó là những nén bạc mà Chúa bảo chúng ta phải sinh lời cho Chúa. Chúa bảo chúng ta phải sử dụng theo ý Chúa. Là người quản lý, không chỉ có bổn phận gìn giữ, sinh lời mà còn biết ban phát theo ý Chúa. Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Chúa để chúng ta tiếp tục thay Ngài làm cho tha nhân được hạnh phúc, làm cho tình yêu và lòng đại lượng của Ngài trải rộng tới muôn nơi. Như vậy, người quản lý làbiết dùng khả năng Chúa ban để phục vụ anh em của mình, chứ không phải để vun quén cho bản thân.

Trong chuyện cổ Trung Hoa có câu chuyện kể rằng:

Mạnh Thường Quân là người rất giàu có, tiền bạc dư thừa nên cho người ta vay mượn rất nhiều. Một hôm, ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi:

- Tiền nợ thu được, ngài định mua gì không?

Mạnh Thường Quân đáp:

- Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu gì thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên gọi dân lại và bảo:

- Công nợ của các ngươi bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả.

Nói xong, ông thu các văn tự lại và đốt đi hết.

Lúc về, Phùng Nguyên thưa với Mạnh Thường Quân:

- Nhà của tướng công châu báu đầy kho, gia súc đầy chuồng, tôi tớ đầy nhà, không còn thiếu thứ gì, ngoại trừ “ân nghĩa”. Vì thế, tôi trộm phép tướng công mà mua về.

Mạnh Thường Quân nghe nói thế, tuy không hài lòng lắm, nhưng cũng không quan tâm nhiều, vì tiền bạc châu báu trong nhà đều dư thừa cả.

Ít năm sau, Mạnh Thường Quân bị bãi nhiệm phải trở về sống ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ lại ơn xưa nghĩa cũ, họ ra đón đầy dường. Thấy vậy, ông liền ngoảnh lại bảo Phùng Huyên:

- Trước kia tiên sinh vì ta mà mua “ân nghĩa”. “Ân nghĩa” đó giờ ta đã thấy.

Hôm nay Chúa Giê-su cũng đang nói với chúng ta: “Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền bạc bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16, 9).

Xin cho chúng ta biết sử dụng những ân huệ Chúa ban là tiền bạc, thời giờ và khả năng để mua lấy bạn hữu nước trời ngõ hầu, mai sau, chính họ, những con người đã được chúng ta trao ban giúp đỡ sẽ đón chào chúng ta ở trên quê trời. Amen.

 

20.“Gieo gì gặt nấy” - Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Có một em bé hỏi cha rằng: cha ơi, có phải “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” hay “gieo gió gặp bão” là quy luật của cuộc đời phải không cha?

Người cha trả lời: Đúng đó con, quy luật cuộc đời là thế! Hễ “gieo gì thì gặt nấy”. Trồng cây cam thì sẽ ra trái cam. Trồng cây quýt thì ra trái quýt. Quy luật là nhất định, không thay đổi. Chúng ta đều biết những điều như: không học bài thì không thi đậu, không biết giữ sức khỏe thì sẽ sinh bệnh, biết siêng năng làm việc thì sẽ thành công trong sự nghiệp, làm việc tốt thì có nhiều bạn bè trợ giúp khi hoạn nạn v.v...

Vâng, ai cũng muốn nhận những cái hay cái tốt về mình. Ai cũng muốn gặt hái thành công. Nhưng những điều ấy không bao giờ tự dưng có mà là kết quả của những nỗ lực, gắng sức vun trồng. Ai cũng muốn được cuộc đời đãi ngộ vinh quang hạnh phúc, nhưng muốn được nó phải trải qua hy sinh đau khổ mới đạt được vinh quang. Ai cũng muốn được người khác quý mến, nhưng có mấy ai dám chịu thiệt thòi để trồng cây phúc để đời về sau?

Chuyện xưa kề rằng: Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

- Ngài có định mua gì về không?

- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho c”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

- Nhà Ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý Ngài.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, vđất Tiết. Dân đây nhơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước?”

Mạnh Thường Quân đã biết mua cây phúc khi ông xóa nợ cho dân. Ông biết thân phận của mình “quan nhất thời dân vạn đại” nên đã biết mua cây phúc để phòng khi “sa cơ thất thế”. Có thể nói ông là một quản gia khôn ngoan, biết dùng của cải để mua lấy bạn bè, để lấy phúc cho mình về sau. Và ông đã có một kết cục tốt đẹp khi ông bỏ quan trở về thường dân lại được nhiều người thương mến đón rước. Đó là quy luật cuộc đời. Có gieo có gặt. Cuộc đời con người muốn có bạn bè giúp đỡ, chia sẻ khi hoạn nạn thì cũng phải quảng đại dấn thân cho anh em trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới có bạn bè trong lúc nguy nan.

Là người ky-tô hữu chúng ta còn tin có thưởng phạt đời sau. Công hay tội tùy thuộc vào cách sống của chúng ta hôm nay. Thiên Chúa yêu thương nên ban cho chúng ta trông coi gia sản của Người. Ngài muốn chúng ta biết sử dụng gia sản cách khôn ngoan chính là làm phúc cho kẻ khác. Chúa không cho chúng ta chức vụ để “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ. Chúa không cho chúng ta tài năng để vun quén cho bản thân. Chúa cũng không cho chúng ta sự giầu có để tích lũy cho riêng mình. Chúa trao cho chúng ta chức vụ, tài năng, sự giầu có để ta hành động cho Thiên Chúa. Điều mà Chúa muốn nơi chúng ta là làm giầu có trước mặt Chúa bằng công đức của mình. Chúa cho mỗi người một công việc tùy theo khả năng của chúng ta, và Ngài mong muốn chúng ta biết chu toàn một cách chu đáo.

Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta là những quản gia của Thiên Chúa. Hãy biết sống trung tín trong bổn phận của mình. Đừng biếng nhác. Đừng mê ngủ trong tội lỗi đam mê. Hãy siêng năng làm việc để sinh lợi những nén bạc Chúa trao. Mỗi người chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về những việc chúng ta làm và những việc đáng lý phải làm mà chúng ta đã từ chối bỏ qua.

Xin Chúa cho chúng ta luôn là những quản lý trung tin trong bổn phận của mình và hoàn thành tốt trách nhiệm đời mình theo như thánh ý Thiên Chúa. Amen.

 

21.Quản lý trung tín – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Không biết đã từ thuở nào người ta đã coi "đồng tiền là Tiên là Phật". Đồng tiền có thể thay đổi vận mạng của một đời người. Từ hèn ra sang. Từ lính quèn lên quan lớn. Đồng tiền còn có sức mạnh cải tử hoàn sinh. Từ bản án tử hình có thể trắng án vô tội. Đồng tiền còn làm biến chất một con người. Từ hiền ra dữ. Từ ngay thẳng ra lừa dối gian tham. Từ con người nết na thuỳ mỵ, trở thành kẻ sa đoạ, trụy lạc. Xem ra đồng tiền là nguyên do đưa đến những tiêu cực. Xem ra đồng tiền đã làm "hư bột, hư hồ". Xem ra không thể gọi đồng tiền là tiên là phật được, mà phải gọi là ma, là qủy. Tiên, Phật theo dân gian là luôn dạy người ta ăn ngay ở lành. Tiên Phật luôn giúp con người hướng về thiện, luôn gìn giữ, bảo vệ những nét đẹp của con người và thiên nhiên. Tiên Phật đâu đang tâm gây nên những xáo trộn cho nhân thế. Tiên Phật đâu khiến con người gian tham, lừa đảo. Chỉ có ma qủy mới làm biến chất con người. Chỉ có ma qủy mới làm cho con người tha hoá đạo đức. Chỉ có ma qủy mới làm băng hoại những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp cao qúy của biết bao nền văn hoá nơi các dân tộc.

Thực vậy, đồng tiền luôn có một ma lực hấp dẫn con người. Nó làm cho con người "hoa mắt vì tiền". Nó mê hoặc lòng người đến mất cả tính người, và trở thành tay sai cho ma qủy gieo vãi khổ đau cho nhân thế. Thời xưa, tiên tri Amos đã đau lòng khi nhìn thấy con người đang đầy đoạ lẫn nhau chỉ vì tiền. Có quá nhiều kẻ tham lam nên đã dùng quyền để đàn áp và bóc lột người khác. Có quá nhiều kẻ chỉ vì tiền mà chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Họ coi mạng người chỉ là đồ vật để mua bán trao đổi. Có quá nhiều kẻ vì ham tiền nên đã đang tâm buôn gian bán thiếu để vun quén cho đầy túi tham. Nhà tiên tri đã nói với họ rằng: "Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người nghèo và muốn tiêu diệt những ai bần cùng. Các ngươi tự nhủ: 'Bao giờ mới hết tuần trăng để chúng tôi buôn bán? Khi nào mới qua ngày nghỉ lễ để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lượng đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu' Và Chúa đã thề rằng: 'Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng". (Am 8,4-7).

Vâng, Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực. Chính Ngài sẽ đòi lại công bằng cho những kẻ bị bóc lột và ức hiếp. Từng hành vi của kẻ gian ác đều phải trả lẽ công bằng trước toà án Tối Cao. Thiên Chúa sẽ lau khô những giọt lệ cho người cùng khốn. Và chính Ngài sẽ trừng phạt những kẻ gian tham vào nơi tối tăm, ở đó chỉ còn tiếng khóc lóc và nghiến răng.

Lời nguyền dành cho kẻ gian ác được đọc lên từ thời rất xa xưa, nhưng nó vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay. Bởi vì vẫn còn đó những kẻ lợi dụng sự khó khăn túng thiếu của người khác để chèn ép, tước đoạt, để cho vay nặng lãi và làm giàu. Vẫn còn đó những kẻ bỏ lễ, bỏ đạo để làm tôi cho ma qủy, mong được hưởng những bổng lộc trần gian mau qua. Vẫn còn đó những kẻ chuyên gian dối, lọc lừa, đổi giá, tráo hàng để thu lợi. Và vẫn còn đó những kẻ sợ có thêm một miệng ăn, một gánh nặng cho vợ chồng nên quyết định phá thai, giết người. Vẫn còn đó những kẻ dùng tiền để biến người khác thành hàng hoá, đồ vật để trao đổi và thoả mãn lạc thú. Đồng tiền đã và đang làm cho xã hội điêu đứng, cho tình con người trở thành thứ yếu vì "tiền là trên hết".

Lời Chúa hôm nay, phải là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta: Hỡi những kẻ quản lý của Thiên Chúa. Chúa đã yêu thương và tin tưởng giao cho chúng ta quá nhiều gia sản của Ngài. Ngài trao cho chúng ta quản lý tiền của, thời giờ và tài năng. Tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban. Đó là những nén bạc mà Chúa bảo chúng ta phải sinh lời cho Chúa. Chúa bảo chúng ta phải sử dụng theo ý Chúa. Là người quản lý, không chỉ có bổn phận gìn giữ, sinh lời mà còn biết ban phát theo ý Chúa. Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Chúa để chúng ta tiếp tục thay Ngài làm cho tha nhân được hạnh phúc, làm cho tình yêu và lòng đại lượng của Ngài trải rộng tới muôn nơi. Như vậy, người quản lý phải tuyệt đối trung thành với Chúa. Người quản lý không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi ma qủy. Làm tôi Thiên Chúa thì không thể để cho ma qủy dẫn dắt vào đường gian dối, tham lam và ich kỷ hưởng thụ. Cho dù có được những bổng lộc trần gian nhưng mất linh hồn thì được ích gì.

Ngày xưa, Alexandre Đại đế, một ông vua đầy uy quyền, đã truyền phải treo ở ngoài quan tài một bàn tay khô và trống trơn của ông, để nhắc nhở cho mọi người biết rằng: dù là Đại đế uy quyền, thì cũng chỉ ra đi với hai bàn tay trắng và không thđem theo bất cứ sự gì. Đó là sự thật. Bên cạnh đó, sự sống con người không dừng lại ở cái chết. Sự sống vẫn tiếp diễn. Có khác chăng là con người không còn làm kẻ quản lý gia sản của Thiên Chúa. Con người chỉ ở một trong hai tình trạng: hưởng hạnh phúc đời đời vì một đời làm quản lý trung tín hay bị đau khổ muôn đời vì những bất trung trong đời sống dương gian. Đau khổ hay hạnh phúc đời đời tuỳ thuộc vào cuộc sống hôm nay. Thế nên, Chúa bảo chúng ta hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn hữu Nước Trời. Hãy can đảm vượt thắng những cám dỗ của tiền tài và lạc thú. Hãy sử dụng những ân huệ Chúa ban là tiền bạc, thời giờ và khả năng để gieo rắc tình yêu và hạnh phúc cho nhân thế ngõ hầu, mai sau, chính họ, những con người đã được chúng ta trao ban giúp đỡ sẽ đón chào chúng ta ở trên quê trời. Giống như Mạnh Thường Quân năm xưa, khi ông còn tại chức, ông đã dùng quyền của mình để xoá nợ cho người nghèo, để giúp đỡ kẻ thấp hèn, đến khi ông thôi chức quan, và trở về quê hương, ông đã trở về giữa muôn tiếng reo hò của vạn dân mà ông đã từng giúp đỡ. Phải chăng đó cũng là cách hay nhất để chúng ta có được một ngày trở về nhà Cha giữa muôn tiếng reo hò của bạn hữu Nước trời? Amen.

 

22.Suy niệm của ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

(Trích dẫn từ ‘Nút vòng xoay’)

CĂN BỆNH NGUY HIỂM

Tháng 10 năm 1990, ông Nhêbôisa Bôtrêvích, nhà tiên tri nổi tiếng gốc Nam Tư, người đã tiên báo bức tường Bá Linh sụp đổ và nước Đức thống nhất, trong cuộc gặp mặt tại nhà văn hóa Liên Xô, đã buồn rầu thông báo: chẳng bao lâu nữa, trên thế giới sẽ xuất hiện một căn bệnh nguy hiểm được truyền qua những tờ giấy bạc (x. Sáng Tạo số 44, tháng 10 năm 1990).

Nghe lời thông báo ấy, thú thật ban đầu tôi không tin. Ba láp! Nhưng khi tổng hợp những sự kiện nước ngoài: Tỷ phú Max Well chết đột ngột trên du thuyền để lại món nợ bất minh hàng triệu đô la; hàng loạt chính khách Nhật Bản rớt đài vì dính líu làm ăn với những công ty đa quốc gia; quan tòa Ý Falcon bị sát hại, tôi nghĩ có thể có một căn bệnh nguy hiểm truyền qua tiền bạc. Rồi nối kết với một vài sự kiện gần đây trong nước: đường giây sextour Bambi bđem ra ánh sáng và băng cướp “quý t” bị hầu tòa, tôi nghiệm ra ra thật có một căn bệnh như thế. Để rồi hôm nay tiếp cận với Phúc Âm, khi Thiên Chúa không chấp nhận cho kẻ tin đặt Ngài đứng chung liên danh với tiền bạc, xin được chia sẻ về dấu vết của căn bệnh ấy. Phần gọi tên xin nhường cho cộng đoàn. Chỉ biết rằng một khi mắc phải căn bệnh ấy người ta khinh thường tất cả: phá đổ đạo đức, khai trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và đó là căn bệnh nguy hiểm cho lòng tin tín hữu. Có ba dấu vết:

1. Dấu vết thứ nhất được nhận ra trong thái độ cần tiền.

Tiền bạc vốn lạnh lùng. “lạnh như tiền”. Tiền chẳng quen ai, nhưng ai cũng quen tiền: trẻ khóc đòi dòng sữa mẹ, nhưng được người lớn dỗ dành dúi vào tay một tờ giấy bạc, lâu ngày thành quen, để sau này mỗi lần khóc lại thích nhận lấy tờ giấy bạc thay cho nỗi sầu nhớ mẹ. Một người nhà quê chẳng biết chữ nhưng trong sinh hoạt hằng ngày đố ai thấy bác tính toán sai một đồng.

Tiền chẳng có tình cảm, nhưng không thiếu những tình cảm với tiền: được tiền thì vui cười hỉ hả, mất tiền thì rầu rĩ xót xa. Ngày tết lì xì tiền thay cho phước thọ và ngày cưới, mừng tiền thế cho tình thân. Dù Tết hay Cưới, người ta đều chúc: “Tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”.

Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền: chưa sinh ra đã cần tiền để mẹ tròn con vuông và chết rồi vẫn cần tiền để ma chay tốt đời đẹp đạo. Trẻ cần tiền ăn học, lớn cần tiền để gầy dựng sự nghiệp và già cần tiền để dưỡng thân. Đời cần tiền để phát triển nhưng đạo cũng cần tiền để xây dựng mở mang.

Tiền cần nên tiền quý. Người làm ra tiền là người giỏi, nghề hái ra tiền là nghề trọng, người có nhiều tiền được nể vì. Cứ như thế đồng tiền ung dung đi vào tư tưởng lời nói và việc làm của con người. Tình trạng cần tiền lâu ngày ủ mầm có thể dẫn đến nguy cơ lệch lạc trong cách nhìn con người và sự việc, nhất là lẫn lộn giữa sở hữu và hiện hữu, giữa tài sản và con người. Người ta tay không có thể bình đẳng, nhưng đồng tiền đặt lên ai thì cán cân nghiêng về người ấy. Đáng giá trị rốt cuộc là đấu giá cả. Và nguy hiểm là ở chỗ đó.

Sáng nay quan sát thiếu nhi sinh hoạt, thấy có một đội không chơi, hỏi ra mới biết đội đó không chơi chỉ vì thiếu vắng một em đóng tiền nhiều nhất.

2. Dấu vết thứ hai được nhận ra trong thái độ kiếm tiền.

Đối với nhiều người, kiếm tiền là một trách nhiệm thuộc bậc sống, bởi lẽ có tiền mới trang trải được những nhu cầu cơm ăn áo mặc hằng ngày. Nhưng vấn đề không phải là kiếm tiền mà là cách kiếm tiền.

Kiếm tiền bằng lao động chân tay trí óc, đó là điều chính đáng, nhưng quá lo lắng đến kiếm tiền để rồi quên đi những trách vụ khác trong đạo làm người và làm con Chúa thì ở đó căn bệnh đã xuất hiện ở dạng cấp tính có nguy cơ gây thiệt hại cho chính bản thân và cho những người lân cận.

Kiếm tiền bằng thù lao phù hợp với công sức bỏ ra thì đó là lương thiện. Nhưng kiếm tiền bằng cách chỉ đuổi theo tiền mà không biết đến giá trị đạo đức nào khác, hoặc tự động chấp nhận “thủ tục đầu tiên”, hay “quà biếu trên mức tình cảm” của một thứ lương đồng nghĩa với sự đút lót hoặc chủ động vi phạm lẽ công bình như làm hàng giả thuốc giả “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” của một thứ kinh tế mánh mung, thì ở đó căn bệnh đã phát triển ở dạng mãn tính chẳng những gây thiệt hại mà còn chà đạp lên tiếng nói lương tâm khi ăn trên mồ hôi nước mắt kẻ khác. Lúc đó lương tâm nhẹ hơn lương lậu, lương thiện nhỏ hơn lương tiền và lương tri phải nhường cho lương bổng lên ngôi. Thiên Chúa ư? Ngài đi chỗ khác chơi, để yên cho tôi làm giàu!

Kiếm tiền để sống là đẹp, nhưng thật thảm hại khi sống chỉ để kiếm tiền. Đồng tiền ở đấy đã xuất hiện là một căn bệnh nguy hiểm. Thảo nào người ta vẫn bảo “tiền bạc” là đồng tiền đi liền với bạc bẽo.

Ở đây xin nhường lời cho cụ ông trước kia giàu nứt đố đổ vách, giờ gặp cảnh khố rách áo ôm quyền chia sẻ kinh nghiệm: “Khi còn trẻ người ta sẵn sàng phí sức khỏe để kiếm tiền, nhưng khi về già người ta lại sẵn sàng phí tiền để tìm lại sức khỏe”. Mà nào có được đâu! Mời suy nghĩ.

3. Dấu vết thứ ba được nhận ra trong thái độ xài tiền.

Cần tiền – kiếm tiền – xài tiền. Không có gì đáng nói nếu chỉ có thế. Nhưng một khi xem tiền như một phương tiện vạn năng “có tiền mua tiên cũng được” lâu ngày sẽ trở thành di căn. Hoặc trong lối sống ghẻ lạnh với những giá trị đạo đức để rồi hóa giá tất cả: phẩm giá, lẽ phải, tình thương, nhân tính… Lối sống ấy chỉ có câu hỏi “bao nhiêu?”. Ngoài ra chấm hết. Không lạ gì đồng tiền gây nên tệ hại theo kiểu nói “tiền tệ”. Hoặc trong niềm tin dẫn tới hậu quả xem thường đạo giáo buôn thần bán thánh và hạ bệ Thiên Chúa, để tôn sùng tiền bạc làm thượng đế của mình như một câu vè truyền miệng đó đây: “Tiền là tiên là Phật, tiền là sức bật con người, tiền là nụ cười tuổi trẻ, tiền là sức khỏe người già, tiền là cái đà danh vọng, tiền là chiếc lọng che thân, tiền là cán công công lý. Hết ý!”

Vẫn biết “đồng tiền đi liền khúc ruột” theo kinh nghiệm của các bậc tiền bối là một lời dạy khôn ngoan rất gần với sự tiết kiệm vốn phải có cho mọi kẻ giữ tiền. Nhưng khi cẩn trọng quá hóa keo kiệt trong những tiêu pha, đến nỗi không dám bỏ ra một đồng cho nhu cầu vật chất hay tinh thần thì xem ra đồng tiền lúc ấy đã “làm phiền” khúc ruột không ít. Hoặc khi cẩn trọng quá hóa bịn rịn trong thái độ đối với tiền như “ra đường chắt bóp tiêu pha, về nhà ngây ngất lăn ra đếm tiền” thì chừng như đã để đồng tiền “xích xiềng” khúc ruột mà không ai biết.

Ngược với thái độ cẩn trọng là một sự hoang phí tiêu xài vung vít. Khi vung vít nhẹ là khi “vung tay quá trán” con nhà lính tính nhà quan làm một xài hai. Khi vung vít nặng là khi “vung tiền qua cửa sổ” dấu hiệu của sự vô độ tiêu xài. Rồi khi để cho đồng tiền len lỏi vào trong tính toán hằng ngày và giấc ngủ hằng đêm theo kiểu lên sàn thị trường chứng khoán ngợp choáng thời giờ thì lúc ấy khúc ruột đã nuốt trửng đồng tiền và hậu quả duy nhất chính là đồng tiền “xay nghiền” khúc ruột.

Làm sao tín hữu có thể dung hòa lòng tin với những sinh hoạt vốn liên hệ đến tiền? Thưa dựa trên Phúc Âm chỉ cần một chữ Tín. Nếu giàu, hãy tín trung với Thiên Chúa để biết xài tiền phù hợp với bác ái, vì tiền là một đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ xấu. Nếu nghèo, hãy tín thác nơi Thiên Chúa để từng ngày kiếm tiền mà không vi phạm công bình, vì chỉ để một đồng xu trên mắt thôi cũng đủ bị che chắn hết tầm nhìn hướng thượng. Và dẫu giàu hoặc nghèo, hãy tín nghĩa để gần tiền mà chẳng hôi hám mùi tiền. Tiền bạc như dòng nước, nếu không cẩn thận người ta có thể bị cuốn trôi.

Chữ TÍN ấy là thuốc chủng ngừa căn bệnh nguy hiểm mà Bôtrêvích đã tiên báo.

home Mục lục Lưu trữ