Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 62
Tổng truy cập: 1360646
NHỮNG KẺ ĐƯỢC MỜI KHÔNG XỨNG ĐÁNG
“NHỮNG KẺ ĐƯỢC MỜI KHÔNG XỨNG ĐÁNG”
(Suy niệm của Lm Gioan B. Phan Kế Sự)
1. “Làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới”
Chuyện dài nhiều tập của những kẻ coi thường mọi hành rào của luân thường đạo lý. Chuyện thật dễ hiểu của nét văn hóa dành cho những người học thức: khi ta biết tôn trọng người khác thì người khác cũng sẽ tôn trọng mình. Thường người ta chỉ thích và bắt người khác tôn trọng ý riêng mình, còn ngược lại thì lại làm lơ tất cả, thậm chí coi thường và tỏ ra mình là phường vô học. Thái độ không đúng mức sẽ bị trừng phạt như những kẻ được mời nhưng không xứng đáng.
Thật hớ hênh và lố bịch khi chúng ta “không có lòng tự trọng”. Thật khó coi, khi chính mình muốn được người khác kính trọng và đánh giá cao về mình, thì chính hành động lố bịch của chúng ta tự tố cáo sự trơ trẽn của mình. Cũng thật công bằng, khi chính mình không biết tôn trọng tha nhân hay không biết tự trọng mình, thì chẳng ai dại gì mà kính trọng chúng ta.
Thật trơ trẽn khi chúng ta không biết trân trọng “lời mời” của Đức Vua khi vào dự tiệc cưới của Hoàng Tử. Được mời vào dự tiệc cưới của Hoàng Tử, được chung chia vinh dự cùng với khách dự tiệc, được hưởng dùng những “cao lương mỹ vị”… Quả là điều vượt mọi ước mơ của mỗi người chúng ta. Không còn biết đâu là trọng, đâu là hèn, đâu là điều cần phải làm, đâu là điều phải tránh; thì tự thân giá trị của người đó trở thành con số không. Chẳng ai dại gì mà phải kính trọng những hạng người chỉ biết sống cho mình, vì mình, vì cái chỗ đứng của mình mà chẳng bao giờ biết trân trọng những giá trị khác ngòai mình!
Thật xấu hổ khi chúng ta không biết chuẩn bị, không biết sắm sửa được một “bộ cánh đàng hoàng” cho chính mình. Và cũng thật nhục nhã khi chính chúng ta bị “tống vào ngục”, không tự lo được cho phần rỗi mình. Con cái trong nhà, lẽ ra là người được ưu tiên hơn cả, nay lại bị đuổi ra ngoài đường, là kẻ ngoại cuộc. Quả thực là quá xấu hổ và đáng thương thay cho họ.
2. “Những kẻ được mời không xứng đáng”
Trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta có “một chỗ đứng rất riêng và khác biệt” Ngài muốn tất cả chúng ta thuộc về Ngài và không để một ai phải hư mất. Ngài mời gọi từng người chúng ta vào vui hưởng hạnh phúc của bàn tiệc muôn đời.
Trong tình thương của Thiên Chúa, Ngài mời gọi tất cả chúng ta dự tiệc cưới của Hoàng Tử không loại trừ ai, dù là những người nghèo khổ, hèn kém “không có tiền để mua rượu và thịt” Trong tình thương của Ngài không có từ ngữ loại trừ, nhưng rộng mở để đón nhận tất cả, ôm trọn tất cả và tha thứ tất cả.
Nhưng Thiên Chúa lại luôn tôn trọng tự do của mỗi người chúng ta. Ngài không áp đặt quyền của Ngài trên sự tự do và chọn lựa của mỗi người chúng ta. Ngài muốn tất cả chúng ta tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Chiếc áo cưới mà mỗi người phải biết chuẩn bị cho mình, chính là chiếc áo tình thương mà mỗi người phải tự sắm. Trong bữa tiệc vui của gia đình, chẳng ai dại mời một người xa lạ vào dự tiệc, khi họ không hề có một chút liên hệ tình cảm hay chút tình nghĩa gì. Khoác tấm áo Lời Chúa, mặc vào thân giới răn yêu thương của Chúa, chúng ta sẽ trở thành người nhà của Chúa.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, thật vinh dự cho mỗi người chúng con khi được Chúa mời gọi vào tham dự Bàn Tiệc Nước Trời. Nhưng Chúa cũng đòi hỏi chúng con phải tự kiếm cho mình chiếc áo cưới. Thật xấu hổ khi cả đời chúng con không tự dệt nổi cho mình chiếc áo cưới. Xin giúp chúng con biết tích cực tích lũy những giá trị cho đời mình, để xứng đáng hơn với lời mời của Chúa. Amen.
33.Sinh ra dưới một ngôi sao xấu
(Suy niệm của JB. Lê Ngọc Dũng)
Có khi nào ông bà anh chị em cảm thấy mình sinh ra dưới một ngôi sao xấu không? Trên đời, có người sinh ra thì đã mang những bệnh tật hay đui, mù, què quặt; sinh ra thì đã ngu đần, thiểu năng trí tuệ; sinh ra mà đã bất tài rồi thì làm ăn mãi mà vẫn thất bại, nghèo khổ vẫn cứ nghèo khổ.
Một cô gái thầm nghĩ: sao người ta lại đẹp gái duyên dáng đến thế mà tôi lại xấu quá đi mất chẳng ai mà dám lấy tôi làm vợ, tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu!
Nếu phải ở trong tình trạng trên, ta có buồn chán hay thất vọng không, và thậm chí có than trách Chúa bất công hay ông Trời không có mắt hay không?
Dụ ngôn mời dự tiệc cưới của CGS sẽ hướng dẫn ta nhận ra cái vận mệnh tốt xấu của mình.
Những người được mời dự tiệc cưới, trước tiên là những người giàu có sang trọng có nhiều địa vị trong xã hội. Họ được người đời cho là những người sinh ra dưới vị sao sáng. Họ thông minh, có nhiều tài năng, có sắc đẹp và được người đời ngưỡng mộ. Họ là những đại gia, là những tài tử, là những người mẫu... Họ thuộc top người giàu nhất thế giới, họ nổi tiếng khắp nơi.
Trong báo chí, người ta đã từng chú ý đến 4 nhà kinh doanh lớn trên thế giới và nhiều người đọc thầm mong ước ao được như họ.
Những người ấy là Bill Gates, ông tổ của máy vi tính và được báo chí nói ông ta rất tin tưởng vào tài năng của mình, là một người dường như luôn tin rằng bất cứ điều gì mình làm đều đem lại nhiều tiền.
Người thứ hai là Ric-hard Branson, một doanh nhân, ông chủ của một hệ thống các công ty mang thương hiệu Virgin với mật độ hiện diện rộng khắp toàn cầu và báo chí viết về ông rằng: “Đối với những ai đang cháy bỏng niềm đam mê với tinh thần doanh nhân, những trang sách lưu giữ hồi ức của ông tựa như một cuốn cẩm nang dẫn đường vậy”.
Người thứ ba là Warren Buffett, người được mệnh danh là vị thánh trong lĩnh vực đầu tư tài chính, lại có một phong cách quản lý quỹ đầu tư khác thường.
Nhân vật cuối cùng là Steve Jobs, ông chủ của một loại máy vi tính nhỏ, hiệu Apple. Cái Iphone, điện thoại di động nổi tiếng là của ông ta. Báo chí viết rằng: “Một tuyệt phẩm quý giá và cần thiết cho những ai muốn khám phá những bí mật thẳm sâu bên trong trí tuệ của Steve và tìm hiểu xem điều gì đã khiến Apple trở nên vĩ đại như vậy”.
Ngày nay người ta lại nói đến Jeff Bezos nhà sáng lập Amazone đang soán ngôi giàu nhất thế giới với Bill Gates.
Họ là những người được ca tụng như những người làm thay đổi vận mạng thế giới của thời đại hôm nay. Độc giả cũng phải buộc miệng khen: Họ quá tài giỏi. Cuộc đời và sự nghiệp của họ là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai đang vật lộn với sự nghiệp kinh doanh của mình.
Bây giờ chúng ta nói đến những người được mời dự tiệc cưới ở phần sau: họ là những người nghèo khổ, họ ở đầu đường xó chợ, họ bất tài, họ xấu xí, trí tuệ kém cỏi, làm ăn hay thất bại. Tuy nhiên nhiều người trong họ lại sẵn sàng nhận lời mời dự tiệc cưới.
Tôi nhớ đến trường hợp một bà mẹ già một mình đã phải vất vả nuôi 4 đứa con bị điên với đầy tình yêu thương; một trường hợp khác: một bà cụ 35 trời ngồi vá xe đêm. Tuy tuổi đã già, 76 tuổi, tuổi mà đáng lý ra bà phải được nghỉ ngơi, nhưng bà đã thức suốt đêm ở một góc đường Lê Quang Định – Nguyễn Văn Đậu thành phố Hồ Chí Minh để vá xe, khi xe ai đó bị lỡ cán đinh, xì hơi... suốt 35 năm, nhiều biến cố xảy ra, chồng mất, nhà bán, các con tan tác nhưng bà vẫn bám trụ góc phố này như một sự gắn bó định mệnh. Cụ không ước mơ một ngày nào đó mình sẽ đủ sống mà không cần vá xe nữa, cụ chỉ ước có nơi trú ngụ cho tuổi già. Vá xe, không chỉ là mưu sinh mà cũng là cách để cụ giữ những ký ức về người chồng yêu thương, về những tháng ngày ấm nồng bên người đàn ông của cuộc đời mình. Giờ đây, bên cạnh cụ là đứa cháu hơn ba tuổi gọi bằng cố. Những khi không có khách, cụ vui đùa cùng cháu và vỗ về giấc ngủ cho cháu ngay góc đường luôn nườm nượp người xe qua lại.” Trông hai bà cháu thật hạnh phúc.
Thử hỏi ông bà anh chị em, những người tài năng giàu sang có hạnh phúc hơn bà cụ này không? Hay là họ phải lo lắng không yên, mất ăn mất ngũ. Trong dụ ngôn có nói họ lo làm ăn buôn bán đến độ không màng chi đến lời mời gọi dự tiệc cưới của con Vua. Đời sống vật chất, sự thành công của họ thì quan trọng hơn đời sống tinh thần, và rất có thể sẵn sàng làm những việc xấu như lừa đảo, áp bức, tham nhũng hối lộ để tạo sự nghiệp cho mình. Đời sống vật chất, hưởng thụ quan trọng hơn là những niềm vui tinh thần; niềm vui tạm bợ hơn là niềm vui vĩnh cửu. Họ không biết đến hành vi phục vụ bác ái yêu thương mang lại niềm hạnh phúc.
Còn những người nghèo khổ xấu số nhưng lại tin tưởng và sống thực hành Lời Chúa thì họ rất bình an và vui vẻ hạnh phúc trong tâm hồn. Chưa nói đến niềm hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, ngay ở đời này họ cũng đã cảm thấy hạnh phúc vì cảm nhận được ân phúc thiêng liêng mà Thiên Chúa dành cho họ.
Và như vậy chúng ta thấy, dưới ánh sáng của Lời Chúa, không ai lại sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Những hoàn cảnh nghèo hèn, bất tài, bất hạnh... với con mắt thế gian thì chúng thuộc về định mệnh của một ngôi sao xấu, nhưng dưới con mắt được ánh sáng Lời Chúa soi chiếu thì nó lại là cơ hội để trở thành bình an hạnh phúc nếu biết sống theo mời gọi của Thiên Chúa.
34.Chúa Nhật 28 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
HÂN HẠNH VÌ ĐƯỢC MỜI DỰ TIỆC NƯỚC TRỜI
Người ta nói rằng ở Việt Nam hiện nay có ba mùa: đó là, mùa mưa, mùa nắng và mùa cưới. Việc cưới hỏi của người Việt trước đây thể hiện tình xóm làng cùng chung niềm vui khi có một thành viên trong làng xóm trưởng thành bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Mỗi khi trong xóm có đám cưới, cả xóm kéo nhau đến giúp trang trí, dựng rạp, làm cổng hoa, mọi người ăn uống đơn giản vui vẻ. Tuy nhiên xã hội văn minh, tương quan rộng rãi, thời buổi kinh tế khó khăn thì việc tổ chức đám cưới ngày nay được cân nhắc chi li sao cho không lỗ hoặc phải có lời. Vì vậy, mỗi khi có đám cưới, gia chủ đi mời cũng cân nhắc xem mời những ai, và người được mời cũng cân nhắc dự đám nào, bỏ đám nào. Cứ như thế, đám cưới không còn là dịp gặp gỡ để chia vui, mà chỉ là để trả nợ trả nghĩa nhau, người đi ăn cưới mạnh ai nấy ăn, chẳng cần chờ đợi ai, chẳng cần tuyên bố lý do, chẳng cần làm dấu thánh hóa, hay lời khai mạc của gia chủ. Họ tranh thủ ăn cho xong để còn ra về đi dám khác. Ở cấp độ khác, khi quan chức tổ chức đám cưới cho con, họ làm hết sức rềnh rang để phô trương sự giàu có và đẳng cấp của mình. Các tấm thiệp được gửi đến giới làm ăn hoặc cho cấp dưới không ai dám từ chối, ai đến dự tiệc cũng hớn hở, hãnh diện và dĩ nhiên việc hồi âm chúc mừng cũng không thể nhẹ tay.
Thưa quý OBACE, bữa tiệc là hình ảnh đẹp diễn tả niềm vui và hạnh phúc. Trong bữa tiệc, mọi người cùng ăn uống chuyện trò vui vẻ, quên hết ưu tư phiền muộn. Mọi người được thưởng thức những món ngon, rượu nồng. Hơn nữa khi ngồi cùng bàn, mọi người thể hiện tình yêu thương gắn bó giữa những người bạn, họ dễ dàng hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn. Ngày nay, tiệc tùng đã bị lạm dụng trở nên dư thừa phí phạm và trở thành dịp trao đổi làm ăn hoặc ký kết những phi vụ ngầm. Nó mất đi vẻ đẹp ban đầu, và biến thành một thứ “ngoại giao bàn nhậu”.
Vì mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của bữa tiệc nên Kinh Thánh nói chung và sau này Chúa Giêsu luôn dùng hình ảnh bữa tiệc để diễn tả về hạnh phúc Nước Trời. Trong lúc dân Israel rơi vào cảnh đau khổ bởi chiến tranh, bởi sự áp bức của dân ngoại và sự nghèo đói, tiên tri Isaia đã nói đến Ngày Hoàng Tử Vua Trời sẽ đến: “Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ thiết đãi các dân trên núi này một bữa tiệc, tiệc thịt béo, rượu thì ngon”. Lời tiên báo này chỉ nghe thôi đã thấy tâm hồn rạo rực niềm vui và hy vọng. Người ta sẽ hình dung đoàn đoàn lớp lớp người cùng rủ nhau lên núi nhà Đức Chúa để dự tiệc vui của Chúa. Thiên Chúa không chỉ báo trước một niềm vui gặp gỡ, ăn uống đồng bàn với Thiên Chúa, mà Ngài còn xóa đi mọi chết chóc, đau khổ. Những gì là tang tóc, u ám sẽ được Thiên Chúa thay bằng niềm vui ngập tràn: Người sẽ cất chiếc khăn tang bao trùm muôn dân, và bỏ đi tấm khăn liệm phủ trên mọi nước.
Vị Hoàng Tử mà tiên tri Isai tiên báo đã đến, Ngài chính là Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, đến để giải thoát con người chúng ta khỏi mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt sự chết bằng chính cái chết và sự sống lại của Ngài, để đem lại cho chúng ta sự sống. Chúa Giêsu đã mời gọi tất cả mọi người tin nhận Ngài, yêu mến Ngài, thực hành những điều Ngài truyền dạy vào tham dự hạnh phúc Nước Trời cùng với Ngài. Đây là hạnh phúc mà triên tri Isaia đã tiên báo như là một bữa tiệc gặp gỡ vui tươi mà giờ đây Chúa Giêsu đang dọn ra cho hết mọi người. Tuy nhiên dù đang đói đang khát, đang đau khổ, nhưng nhiều người đã không đếm xỉa gì đến lời mời của Chúa, họ còn tìm nhiều cách để từ chối lời mời.
Thực tế này đã được Chúa Giêsu kể qua câu chuyện dụ ngôn: Một ông Vua tổ chức đám cưới cho hoàng tử, nhưng các quan khách được mời đã không cảm thấy hãnh diện vì được Vua mời. Trái lại, họ đã tìm cách từ chối với nhiều lý do: kẻ thì đi thăm ruộng, người thì đi buôn bán, người khác còn khinh thường và hành hạ những đầy tớ của Vua. Cuối cùng, tiệc rượu đã sẵn, những kẻ được mời không đến, nhà Vua đã cho người ra mời tất cả mọi người, bất cứ ai, thế là phòng tiệc đã đầy khách. Câu chuyện cho thấy, những kẻ ưu tiên được mời trước hết là những nhà lãnh đạo và toàn dân Do Thái. Họ là những người được Chúa ưu ái chọn thành dân riêng, và cho họ cơ hội được gia nhập vào tiệc cưới Nước Trời. Nhưng rất tiếc, các nhà lãnh đạo và dân Do Thái đã không đếm xỉa gì đến lời mời của Thiên Chúa. Họ từ chối Thiên Chúa để đi tìm kiếm lợi lộc vật chất. Họ tìm kiếm đất đai ở thế gian mà từ chối gia nghiệp Nước Trời. Họ từ chối việc chung hưởng niềm vui hạnh phúc với Thiên Chúa và với nhau để đi tìm kiếm của cải trần thế. Hơn nữa, họ đã nhiều lần hành hạ, nhục mạ, giết hại các ngôn sứ là những đầy tớ được Chúa sai đến để mời họ, cảnh báo họ.
Thiên Chúa đã mở cửa phòng tiệc để đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ cùng vào Nước Trời để được dự tiệc cưới của Hoàng Tử. Bất cứ ai đáp lại lời mời của Thiên Chúa, không kể giàu nghèo địa vị, mọi người đều có chỗ trong Nhà của Thiên Chúa. Phòng tiệc đầy khách, những người xa lạ giờ đây trở nên thân thuộc, những người đau khổ đón nhận được niềm vui, những người đói khát thì được no thỏa. Tuy nhiên, dù tất cả mọi người được mời vào, nhưng Thiên Chúa vẫn đòi ở nơi mọi người một sự thay đổi và có những điều kiện thích hợp. Câu chuyện cho thấy, nhà Vua thấy có một người đã không mặc y phục cưới. Vua hỏi người ấy: Này bạn, sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới? Người ấy câm miệng không nói gì. Nhà Vua đã cho trói anh và ném ra ngoài, nơi sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Điều đó có nghĩa là, để trở thành thành viên của Nước Trời, thành người đồng bàn với Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phải thay đổi con người cũ với sự rách nát tả tơi để mặc lấy con người mới, đời sống mới như khoác chiếc áo cưới vậy. Thiên Chúa như vị vua trong câu chuyện sẽ đến với từng người, từng bàn để thăm hỏi, để khuyến khích. Ngài muốn thấy nơi chúng ta vẻ đẹp của sự biến đổi, thấy chúng ta tỏ ra thiện chí và xứng đáng trước mặt Ngài.
Tiệc cưới Nước Trời không chỉ là một lời hứa hẹn mai sau trên thiên đàng, mà phòng tiệc của Thiên Chúa đang được mở rộng, và Thiên Chúa đang mời mọi người bước vào, đó là Giáo Hội. Trong Giáo Hội, chúng ta thực sự được Thiên Chúa thiết đãi không chỉ bằng thịt béo rượu ngon, mà Hoàng Tử Giêsu sẽ thiết đãi mọi người bằng lương thực là chính Mình và Máu Thánh Ngài. Tiệc này đang được dọn ra mỗi ngày ở nơi đây và mời gọi tất cả mọi người cùng tham dự. Trong phòng tiệc là Giáo Hội, chúng ta còn được gặp gỡ Đức Vua, gặp gỡ Hoàng Tử Giêsu qua lời dạy bảo của Ngài, được vui hưởng Tin Mừng Cứu độ của Ngài. Trong phòng tiệc là giáo Hội, chúng ta còn được chăm sóc bằng các Bí Tích, từ khi chúng ta sinh ra cho đến khi trưởng thành và nhắm mắt lìa đời. Chúa Giêsu qua Giáo Hội của Ngài vẫn yêu thương săn sóc chúng ta. Cũng ở trong phòng tiệc của Thiên Chúa, chúng ta được sống chan hòa tình anh em, đồng bàn với Chúa, đồng bàn với nhau, cùng chia sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn, nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn thử thách. Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm sống tình huynh đệ trong bài đọc hai rằng: khi ngài gặp khó khăn thử thách, ngài đã được cộng đoàn Giáo Hội chia sẻ, an ủi, nâng đỡ.
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục mời gọi chúng ta mỗi ngày vào chung hưởng hạnh phúc với Chúa. Đi dự đám cưới trần gian, không ai dám ăn mặc quá xuềnh xoàng. Trái lại, người dự tiệc cũng phải chuẩn bị, chau chuốt, trang điểm cho đẹp hơn ngày thường. Thiên Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta sự biến đổi, thanh tẩy khỏi hôi hám của tội lỗi, khỏi bẩn thỉu rách rưới của những đam mê, thói quen xấu. Hãy mang trên mình một con người mới, như chiếc áo mới để chia sẻ tiệc vui với Chúa. Tuy nhiên nhiều người, nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ đã không cảm thấy vinh dự vì lời mời gọi này. Nhiều người đã bỏ ngoài tai lời mời của Chúa, có những kẻ cân nhắc thiệt hơn trước lời mời gọi này. Họ từ chối vì lý do cuộc sống kinh tế, vì bận công ăn việc làm.
Giống như khi nhận nhiều thiệp mời trong mùa đám cưới, nếu lấy lý do để từ chối thì ai cũng có lý do, và sẽ có rất nhiều lý do. Nhưng lý do quan trọng là do người ta cân nhắc tình cảm và sự thiệt hơn khi quyết định tham dự hay không tham dự. Nhưng chắc chắn nếu người mời và người được mời có ân nghĩa với nhau, thì người ta sẽ không thể không tham dự. Cũng vậy, nhiều người từ chối đến với bàn tiệc Thánh Lễ mỗi ngày, là vì họ không nhận ra ân nghĩa với Thiên Chúa, không nhận ra Đấng mời mình là Đấng đã và đang làm ơn cho mình. Một khi nhận ra ân tình với Thiên Chúa, chúng ta không thể từ chối lời mời của Chúa, trái lại, chúng ta còn cảm thấy vui và hãnh diện vì được đến với Chúa mỗi ngày.
Xin Chúa cho chúng ta luôn tự hào vì mình là những người được Chúa mời gọi để biết mau mắn đến với bàn tiệc Nước Chúa. Đồng thời, không chỉ là người được mời, song mỗi chúng ta còn là người đầy tớ được Chúa sai đi mời những người khác cùng vào dự tiệc Nước Trời. Xin cho nhúng ta luôn biết ra đi để đem nhiều người vào phòng tiệc Nước Chúa. Amen.
35.Tiệc cưới với bốn nghịch thường
(Suy niệm của Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm)
Cách đây 9 năm, 29-4-2011, Hoàng tử William của hoàng gia Anh và công nương Kate Middleton đã trao đổi lời thệ ước hôn nhân tại Đại Thánh đường cổ kính Wesminter. Đây là lễ cưới cung đình.
Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu cũng đã ví Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Chuyện từ 20 thế kỷ trước, ta tưởng như chuyện đời xưa mà lại không cũ chút nào, vì mới diễn ra gần đây.
Mùa xuân 1947 cả thế giới chú ý đến hàng tít lớn trên trang nhất của báo chí cho biết công chúa Elizabeth của nước Anh sẽ sánh duyên cùng hoàng tử Philip gốc Hi lạp. Cuộc tình duyên này quan trọng vì công chúa Elisabeth sẽ lên ngôi kế vị vua cha trị vì không những vương quốc Anh, Bắc Ai-len và còn đứng đầu khối Thịnh Vượng Chung gồm trên 50 nước lớn nhỏ (Ấn, Canada, Úc…). Lễ được tổ chức tại Thánh đường Wesminter cổ kính ngày 20/11/47. Người ta không những nhìn xem hai nhân vật chính là cô dâu chú rể nhưng còn chăm chú điểm danh những nhân vật quan trọng từ quốc trưởng, tổng thống, vua chúa... đến các nhà quí tộc, tài phiệt. Không ai được mời mà muốn vắng mặt trong lễ cưới, trong tiệc mừng long trọng như vậy. Đó là chuyện bình thường dễ hiểu.
Nhưng dụ ngôn của Chúa hôm nay ví Nước Trời như một chuyện bình thường: vua mở tiệc cho hoàng tử, nhưng lại mang đầy những chi tiết không bình thường chút nào, nếu không nói là nghịch thường quá khác lạ. Ta nhận ra được ít là bốn khác lạ nghịch thường so với một đám cưới tương tự trong đời thường: dửng dưng – đổ máu – mở rộng – thanh trừng.
1. Dửng dưng
Đám cưới của Hoàng tử tức con vua ai lại chẳng muốn tham dự, vì một miếng đầu làng đã bằng một sàng xó bếp, huống gì là một miếng ở cung đình, một chỗ ngồi chung quanh vua lại mang vinh dự biết bao cho kẻ được mời. Đó là chưa kể có thể có những chức tước được ban, những cơ hội phát đạt… . Thế mà trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói, khách không thèm đến. Một lần giấy mời từ trước, hai lần sai gia nhân, họ đều dửng dưng để ngoài tai. Dụ ngôn nói rất rõ: Vua sai đầy tớ đi gọi những kẻ đã được mời, nhưng họ không đến. Vua lại sai đầy tớ khác dặn, hãy nói với khách mời, tiệc sẵn rồi, heo đã quay, bò đã thui, lẩu đã sôi… Họ vẫn dửng dưng, và đưa ra những lý do chảng có tầm cỡ chút nào: người thì nói mắc đi thăm trại (thăm lúc nào chẳng được), kẻ thì nói đi buôn (buôn quanh năm chứ đâu một ngày), một lần thiếp mời cộng với hai lần sai hai nhóm đầy tớ khác nhau tới mời, khách vẫn dửng dưng.
2. Đổ máu
Khi toán đầy tớ thứ nhất tới nài nỉ khách đi dự tiệc, vì mọi sự đã sẵn, thì có nhiều khách đã không những không thèm đến dự mà còn “bắt các đầy tớ của vua, hành hạ rồi giết luôn.” Máu đã đổ! Chuyện rất lạ. Và vua khi nghe được thì cũng trả đũa không kém khác thường: sai quân lính đi giết bọn sát nhân đó (mạng đổi mạng) và thiêu hủy luôn thành phố của chúng. Sự trả đũa quá tay! Máu đổ nhiều trong ngày cưới. Năm 1989, tháng 11, tại Saigon, cô Hồng Cẩm còn mười ngày nữa là đám cưới của cô. Cô dựng xe trước nhà bị hung thủ đến cướp xe đâm chết. Máu đã đổ. Điều càm động là trong tang lễ, người ta mặc áo cưới cho cô. Đó là một chuyện lạ, lạ mà cảm động. Còn trong dụ ngôn cũng lạ, khác lạ, nhưng lạ của tàn sát tập thể ngay trong ngày cưới.
3. Mở rộng
Khi khách được mời không thèm tới, khi kẻ xứng đáng chẳng đoái hoài, thì vua mở rộng cửa phòng cưới, mời tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, đui què, tàn tật và không phân biệt cả tốt xấu, thánh nhân lẫn quỉ sứ: mời tất tần tật vào, cũng là một chuyện lạ. Thánh Luca thuật dụ ngôn tương tự như Matthêu hôm nay kể tới hai lần sai đầy tớ đi mời: mời lần đầu, chỗ còn trống, phải mời thêm một lần nữa: lượm lặt khắp hang cùng ngõ hẻm cho đầy bàn tiệc cưới. Thật ra vào thời Chúa Giêsu đã xảy ra một chuyện gần tương tự, được ghi lại trong sách Talmud: ông Bar Majan người thu thuế giàu có đã tổ chức một tiệc lớn chiêu đãi chức sắc trong thành, những vị này từ chối lời mời. Thế là thay vì nhìn mâm cỗ bị hư, ông cho mời những người nghèo tới dùng bữa. Dụ ngôn của Chúa Giêsu không dừng lại ở đó mà còn mở ra một chuyện khác lạ nữa: đó là thanh trừng.
4. Thanh trừng
Mời đột ngột, người ta đang đi ăn xin cũng mời vào, đang quét rác cũng kéo vô thì làm sao chuẩn bị y phục đàng hoàng. Vậy mà vua vào thấy một kẻ không mặc áo cưới thì nổi giận. Đáng lẽ đuổi ra là cùng, đàng này vua ra lệnh: trói chân tay nó lại, ném vào nơi tối tăm, ở đấy đầy khóc lóc và nghiến răng. Chuỵện quá lạ! Người ta đã tìm cách giải thích nhiều kiểu cho đỡ lạ kỳ như áo cưới sẵn có nơi tiền đình, trước khi vào phòng tiệc thì khoác vào thôi. Nhưng lời giải này cũng bị bác vì chẳng hề có tục lệ đó nơi người Do thái bấy giờ. Người ta còn tìm nhiều giải thích khác như hai dụ ngôn tiệc cưới và áo cưới riêng biệt được ghép chung lại, nên nhiều khi không khớp. Nhưng dầu sao thanh trừng quá đáng như thế vẫn là một chuyện lạ!
Bốn chuỵện lạ trong dụ ngôn: dửng dưng của khách được mời; đổ máu quá nhiều trong ngày cưới, mở rộng quá đáng cánh cửa cho mọi người vào, rồi lại thanh trừng khắt khe kẻ chưa kịp mặc áo cưới. Tất cả các chuỵện lạ đó chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của lịch sử –lịch sử dân Israel và lịch sử cứu độ-, chứ không thể hiểu được trong khung cảnh tiệc cưới.
Những kẻ dửng dưng, đó là dân Israel chính tông chẳng đoái hoài gì đến con vua là Giêsu Kitô: vị tân lang chàng rể.
Đổ máu là họ, dân Israel đã giết các tiên tri, đổ máu những người được Chúa sai đến báo tin vui cho họ.
Mở rộng là ơn cứu độ của Chúa dành cho mọi hạng người bất kỳ đen trắng vàng đỏ, nô lệ, tự do, nam hay nữ, kể cả trung tính…
Thanh trừng là, một khi được mời tới phải biết mặc lấy Chúa Kitô là áo cưới, mặc lấy con người mới, không thể khác.
Dụ ngôn với những chuyện lạ nhắm vào người Do Thái Pharisêu, nhưng cũng có thể nhắm vào chúng ta. Ta được thánh tẩy ngay từ nhỏ, tức được mời dự tiệc cưới từ đầu, nhưng biết đâu ta lại dửng dưng, coi chừng sẽ bị Chúa “mửa” ra. Cũng có thể ra mới được thánh tẩy, là Đạo Mới, tức mới được “thu gom” để vào phòng cưới, nhưng ta lại không mặc áo cưới –coi chừng sẽ bị thanh trừng. Không thể chỉ dựa vào lý lịch: tôi là con cháu các thánh tử đạo oai hùng Việt Nam.
Xin Chúa cho chúng ta kẻ được mời trước hay là kẻ đến sau đều biết giữ gìn chiếc áo trắng thánh tẩy ngày nhận Phép Rửa Tái Sinh, đó chính là chiếc áo cưới mà Chúa đòi hỏi để ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời đời đời. Amen.
36.Mời quí vị đến dự tiệc cưới
(Suy niệm của Lm. Fx. Đỗ Công Minh)
Ai trong chúng ta đã một lần được một vị Vua mời dự tiệc, hay nói theo thời đại, một vị Tổng Thống, thủ tướng hay chủ tịch nước mời dự tiệc cưới con của các ngài mà chối từ? Theo báo chí, đám cưới của con một vị tổng thống, người ta đã phải vận động hành lang từ cả năm trước đó để xin được một tấm thiệp mời. Có những người xin dự chẳng thân thiết, quen biết một ai trong hai họ; hay đã một lần nào gặp gỡ cô dâu, chú rể. Có chăng là thấy hình ảnh trên truyền hình hay qua báo chí. Mà đâu phải chỉ mong có được một tấm thiệp cưới để hãnh diện với người khác, những người được dự như thế còn sẵn sàng trả chi phí lẫn tiền mừng, tặng phẩm đắt giá. Vậy mà trong Tin Mừng hôm nay, một vị Vua mời những người thân thiết, những người bạn yêu dấu đến dự tiệc cưới con ông thì quan khách không chịu đến. Không thất vọng vì sợ mang tiếng là lợi dụng để kiếm chác, để “một vốn bốn lời “nhà vua đã cho người đầy tớ khác đi mời với lời dặn dò thuộc hạ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn ta đã dọn xong,bò tơ và thú béo đã hạ rồi,mọi sự đã sẵn, mời qúy vị đến dự tiệc cưới”. Phũ phàng thay,người thì bỏ đi không nhận lời mời, người khác nêu lý do đi thăm nông trại, đi buôn. Thậm chí có người còn bắt bớ, hành hạ, giết những người đi mời khiến nhà vua nổi cơn thịnh nộ mà tru diệt những người dã tâm, ác đức.
Để thể hiện tấm lòng của một vị Vua nhân hậu, ông đã cho mời tất cả những người đang lang thang trên khắp các nẻo đường, “ Gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách “. Thế nhưng trong số đám đông ấy, cũng có người vào dự mà không tuân theo nghi thức qui định, cố tình chống lại nhà vua, làm xấu đi hình ảnh của một buổi tiệc vui theo phong tục bấy giờ, đó là không mặc y phục lễ cưới đã có sẵn phía ngòai. Người ấy bị trừng phạt và lọai ra.
Lạy Chúa,
Con đang tự hỏi mình, làm sao lại có những con người “khác người “ như thế! Được mời dự tiệc cưới, mà lại là một tiệc cưới có một không hai, vậy mà không chớp lấy cơ hội ra mắt nhà vua để ít nhiều được ân thưởng? Tại sao lại viện cớ bận rộn vì những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống để chối từ bước vào cung điện tráng lệ, nơi đầy cỗ bàn với mọi thứ ngon ngọt và rộn ràng niềm vui? Tiệc cưới ấy như dụ ngôn mà Đức Giêsu nêu ra đó chính là Nước Trời. Nước Trời giống như...
Chúa cũng đã từng và mỗi ngày mời gọi con vào dự tiệc cưới trong nước trời như những vị quan khách. Không những một lần mà nhiều lần. Con cũng đã bao lần thóai thác, chối từ. Viện lẽ này, lẽ khác để trả lời những người đến mời gọi. Con không nhận ra rằng vào dự tiệc cưới là cơ hội để con đón nhận những ân phúc mà Cha trên trời sẽ ban cho con, hầu con tiếp tục cuộc sống trần gian với những gì là tốt đẹp nhất. Con chưa đến nỗi hành hạ, chống lại những người được Chúa sai đến với con, nhưng cũng nhiều lần tìm cách lảng tránh, hay vì quá đam mê cuộc sống, công việc trần thế mà chê chối lời mời, lần lữa hẹn dịp này dịp khác sẽ đi dự tiệc. Hẹn đến khi nào công việc rảnh rỗi, sung túc cái đã, rồi tính chuyện vào dự.
Con cũng đã nhiều lần cùng anh chị em vào dự tiệc cưới nhưng lại không xứng đáng. Không trân trọng, không mang trong mình thái độ đón nhận, mà thay vào đó là lòng tự kiêu, bất cần, bất trung. Thái độ coi thường Lòng thương xót của Chúa.
Những con người xấu trong Tin Mừng hôm nay diễn tả đều có trong con. Xin Chúa cho con bừng tỉnh và nhận ra những thiếu xót của mình. Nhận ra lòng thương yêu vô cùng của Chúa với con. Người hằng chờ con từng ngày, mỗi ngày để vào hưởng “Niềm vui nước trời “.
Lạy Chúa xin thứ tha và giúp con. Amen.
37.Tính “ích kỷ” trong hai bữa ăn
(Suy niệm của Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm)
“Khi nghe tin Gioan bị chém đầu, Chúa Giêsu rút vào nơi hoang vắng…”
Chỉ với câu mô tả đó nằm đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, gợi nhớ cho chúng ta 2 bữa ăn trộn với hai biến cố: Gioan bị chặt đầu trong bữa ăn linh đình tại dinh Hêrode, và bánh hoá nhiều trong bữa ăn nuôi 5000 người giữa nơi hoang vắng. Nét chung của hai bữa ăn là chủ đề suy tư hôm nay.
1. Bữa ăn sang trọng: Tại bữa tiệc ở cung điện của vua Hêrôđê với các quan khách sang trọng quí phái, tất cả mọi sự trên đời: quyền hành, danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp, lạc thú, cao lương mỹ vị, rượu ngon thỏa thích, vũ nữ duyên dáng… đều có, và có cả hận thù, ích kỷ, cho nên có luôn máu đổ đầu rơi!
Vài tuần lễ trước khi chết, một phóng viên đã phỏng vấn Elvis Presley – nổi tiếng là vua của nhạc Rock:
- Elvis, khi anh bắt đầu chơi nhạc, anh đã nói anh muốn có được ba điều trong cuộc đời. Anh muốn giàu sang. Anh muốn nổi tiếng. Và anh muốn sống hạnh phúc. Giàu sang và nổi danh chắc chắn là anh đã có. Thế còn hạnh phúc, không biết anh thực sự có hay không, Elvis?” Chàng ca sĩ trả lời
- “Không, tôi sống cô đơn như ở trong hỏa ngục”.
Presley kết hôn với Priscilla Beaulieu 1967. Năm sau có con gái. 1973 ly dị. Năm1977 Presley chết 42 tuổi. Không biết khi chết gia tài bao nhiêu, nhưng giỗ thứ 25, (2002) báo Forbes xếp anh vào loại nghệ sĩ có để lại lợi tức cao nhất: 37 triệu đô 1 năm.
Giàu sang. Danh vọng. Những người hâm mộ vây quanh gồm đủ mọi hạng người, các giai nhân tài tử tuyệt trần, vậy mà Elvis diễn tả cuộc sống của anh như hỏa ngục! Thật lạ lùng! Như thế, cuộc sống của vua Hêrôđê với tiệc tùng sang trọng nào có khác chi!
2. Bữa ăn Giêsu: hóa bánh ra nhiều: tại bữa ăn nơi hoang vắng với đám dân nghèo, họ chẳng có gì, ngoài sự tin tưởng, hy vọng vào tình thương và sự chia sẻ của Chúa Giêsu. Nhưng nếu tiệc Herode có “ích kỷ,” thì sự thiếu thốn về vật chất cũng dễ làm cho con người trở nên “ích kỷ.” Họ không muốn đóng góp sự gì, mà chỉ mong mỏi từ Đấng khác.
Vì thế, đây không chỉ là phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều nhưng còn là phép lạ thay đổi dân chúng ích kỷ trở nên quảng đại nhờ sự hiện diện và tiếp xúc với Chúa Kitô. Chúa sẽ không làm phép lạ, nếu không có 5 chiếc bánh và hai con cá (chắc là cả hai cùng bé, cá bé và bánh bé, vì là của một em bé). Làm gì mà một người mẹ trong gia đình khi đi với chồng con vào nơi hoang vắng lại chẳng quơ vội ổ bánh, chai nước, vài ba viên kẹo, để lỡ con mình đòi ăn liền có, đòi uống, đưa ngay. Ấy vậy mà cho đến chiều tối, không ai chịu đưa ra. Không đưa ra, không có phép lạ! Không góp phần của chính mình, không hưởng ơn!
Minh hoạ cho điều này, ta có thể nhờ tới một nhà văn Kitô giáo đã dựng vở kịch diễn tả vụ hành quyết một tên trọng phạm tại một thị trấn nhỏ thời Trung Cổ. Theo phép Nước, chỉ có một lối thoát chết cho tử tội là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp tặng hết số 700 đồng vàng mang theo trong một chuyến tuần du qua đây; hoàng hậu theo gương có 200 đồng cũng giúp hết; các cận thần đi theo cũng dốc túi. Người ta đếm được 999 đồng, còn thiếu một đồng. Công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành pháp lệnh. Toán hành quyết tròng dây thừng vào cổ tên tử tội thiếu may mắn. Khi sắp sửa rút dây thì có một tiếng kêu lớn: “Khoan đã, lục soát người nó đi, biết đâu đấy”, đao phủ lần mò khắp người tội nhân và móc ra được một đồng hắn giấu trong lưng quần từ hồi nào mà hắn cũng không nhớ nữa. Thế là đủ 1000 đồng, tên tử tội được thoát tử.
Có lẽ chúng ta đều hiểu câu chuyện này. Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta 700 đồng tiền vàng, Mẹ Maria đã trợ giúp chúng ta 200, các thánh cũng góp vào 99, và chính chúng ta cũng phải đưa ra. Tóm lại, dù chúng ta là ai, dù chúng ta hèn kém thế nào, chúng ta hãy cố gắng với hết khả năng của mình, Chúa sẽ trợ giúp chúng ta. “Để dựng nên ta, Chúa không cần chúng ta. Nhưng để cứu ta, Ngài cần ta góp phần.” Thánh Âu-Tinh đã nhận xét như vây.
Đừng bao giờ nghĩ rằng với một chút của mình làm chi nên chuyện. Không có mợ chợ vẫn đông mà. Không, không mợ chợ mất đông (hết một người)!
Vào một đêm đông, người đàn ông rút cây nến nhỏ từ trong ngăn kéo ra, thắp nó lên, và bắt đầu bước lên chiếc cầu thang dài hình trôn ốc. Cây nến hỏi người đàn ông: “Ông đi đâu vậy?” Ông trả lời: “Đi lên chỗ cao hơn nóc nhà nơi chúng ta “.
“Và ông sẽ làm gì ở đó?” cây nến hỏi.
- “Tôi sẽ chỉ cho những con tàu ở biển khơi biết đâu là hải cảng”, vì chúng ta đang ở ngay lối vào hải cảng, và một số con tàu ngoài biển khơi đang gặp bão táp, có thể tìm thấy ánh sáng của chúng ta”.
“Không có con tàu nào nhìn thấy ánh sáng của tôi cả”, ngọn nến nói “tôi quá nhỏ bé mà”.
“Mặc dù ánh sáng của ngươi nhỏ bé”, người đàn ông đáp, “cứ hãy thắp sáng nó lên, đừng e ngại, hãy để phần còn lại cho ta tính”. Rồi người đàn ông trèo lên những nấc thang cho tới đỉnh của ngôi nhà hải đăng, cầm cây nến nhỏ bé, châm lửa vào những cái đèn vĩ đại đã đứng sẵn ở đó với những tấm gương phản chiếu bóng láng ở phía sau. Một cây nến nhỏ cũng có thể làm nên một vùng sáng lớn.
Có hai bữa ăn: cả hai cùng có một điểm chung: ích kỷ
- Herodia ích kỉ, nghĩ đến mình, mong yên chuyện (bậy): lấy em chồng làm chồng, (em chồng là vua, còn chồng mình chỉ là quan nhỏ) trong khi chồng mình còn sống, bị Gioan trách cứ, muốn yên thân (=ích kỉ) chỉ có cách bịt miệng Gioan. Bịt hay nhất là chặt đầu.
- Herode, vì nghĩ đến mình, đến danh dự (hão) của mình, đã lỡ hứa rồi, (xe lỡ mua, nhà lỡ xây, điện kế lỡ lắp…) lỡ hứa rồi, cho nên chết ai mặc kệ, miễn là bản thân được tiếng “khen” kẻ giữ lời.
Bữa tiệc đó có ích kỷ ngự trị, nên kết cục là đầu rơi
Bữa ăn Chúa khởi đầu cũng có ích kỉ, ai cũng giữ cho riêng mình, nhưng rồi gương em bé quảng đại, làm cho quảng đại lây lan và thế là phép lạ bánh hoá nhiều
Khi Mẹ Têrêsa Calcutta đi ngang qua một gia đình Hin-đu (Ấn Giáo) đã đói nhiều ngày. Mẹ cầm theo một ít gao cho gia đình ấy. Điều xảy ra sau đó làm mẹ kinh ngạc. Không chút lưỡng lự, người mẹ trong gia đình Hinđu đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nửa cho gia đình nhà bên cạnh, tình cờ là những người theo Hồi giáo.
Thấy điều đó, mẹ Têrêsa nói với bà mẹ Hinđu “Bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình bà không?”.
“Nhưng họ cũng đã nhịn đói nhiều ngày rồi”, người đàn bà ấy trả lời.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều ấy còn được gọi là phép lạ của lòng quảng đại. Trước hết là lòng quảng đại tuyệt vời của cậu bé, vì với món quà của cậu là năm chiếc bánh nhỏ và hai con cá con mà phép lạ mới được thực hiện. Nếu ta muốn hưởng ơn cứu độ, nếu ta muốn được Chúa làm phép lạ ban ơn cứu độ cho ta, đừng ích kỷ, nhưng quảng đại góp phần, dù nhỏ bé chẳng là chi. Amen.
38.Chúa Nhật 28 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Thiên Chúa là tình yêu. Vì tình yêu, Ngài đã dựng nên con người. Vì tình yêu, Ngài đã dựng nên mọi loài mọi vật để phục vụ con người. Không những thế, Ngài còn muốn con người được hưởng hạnh phúc đời đời. Chính vì vậy, qua mọi thời đại, Ngài mời gọi tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.Dụ ngôn tiệc cưới hôm nay diễn tả tâm tình đó của Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa mời gọi hết thảy mọi ngườivào hưởng hạnh phúc Nước Trời
Trước hết là người Do thái: Thiên Chúa đã ưu tiên cho dân Do thái. Ngài tuyển chọn họ làm dân riêng. Qua các thời kỳ lịch sử, Ngài đã chăm sóc họ bởi các thủ lĩnh, các ngôn sứ và cuối cùng Ngài sai chính Con Một của Ngài. Nhưng biết bao nhiêu lần, họ đã từ chối tình thương và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Thậm chí, họ còn giết các tiên tri và giết chính Con Một yêu dấu của Ngài.
Khi dân Do thái từ chối, Thiên Chúa mở rộng đối tượng được mời, đó là hết thảy mọi người,không phân biệt tốt xấu, màu da, chủng tộc. Thánh Mathêu cho biết: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc”(Mt 22,8-10). Chính Đức Giêsu, trong ba năm rao giảng Tin mừng, Ngàikhông chỉ rao giảng cho riêng người Do thái mà còn rao giảng cho cả vùng dân ngoại. Ngài không chỉ rao giảng cho những người “đạo đức” mà còn rao giảng cho những kẻ “tội lỗi”, đó là những người thu thuế và những cô gái điếm. Tiếp nối sứ mệnh của Đức Giêsu trao phó, Giáo hội trong suốt hai ngàn năm qua, luôn đi khắp tứ phương thiên hạ và mời gọi mọi người gia nhập Giáo hội. Từ con số 12 nay đã có khoảng1,2 tỷ người công giáo trên thế giới. Họ thuộc mọi tầng lớp, màu da, chủng tộc.
Như vậy, dầu trực tiếp hay gián tiếp, Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người để họ được hưởng hạnh phúc với Ngài trong Nước Trời.
2. Thiên Chúa mời một cách tha thiết và chu đáo
Qua “dụ ngôn tiệc cưới” hôm nay cho chúng ta thấy, ông chủ không chỉ mời qua loa chiếu lệ, nhưng ông mời một cách tha thiết và hết sức chu đáo. Cụ thể, ông cho người mời thành hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, thiệp mời được gửi đi. Thời gian này cách xa ngày mở tiệc cưới khoảng ít lâu, có lẽ khoảng chừng một tháng. Ông chủ làm như vậy để giúp người được mời có thời gian sắp xếp công việc, chuẩn bị áo cưới và có thể những thứ cần thiết để mừng cô dâu chú rể. Cách làm này thể hiện sự quan tâm của ông chủ.
Gian đoạn thứ hai, là thời gian cận kề bữa tiệc cưới. Ông chủ cho người đi mời lại một lần nữa: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”(Mt 22,4).Ông chủ sợ khách mời quên chăng? Dẫu sao cử chỉ này cũng thể hiện sự nhiệt tình, chu đáo của ông chủ. Cử chỉ này cũng rất phù hợp với phong tục cưới hỏi nhiều nơi ở người Việt Nam chúng ta. Ở nhiều địa phương tại Việt Nam, chủ nhà có đám cưới thường gửi thiệp mời trước ngày cưới cả tháng. Và đương nhiên trước ngày dọn tiệc, chủ nhà còn “nhắc khéo” người được mời một lần nữa để họ nhớ đi tham dự đám cưới cách đầy đủ. Đó là mong muốn của ông chủ.
Thái độ của ông chủ cũng là thái độ của Thiên Chúa khi Ngài mời con người đến dự tiệc cưới Nước Trời. Ngài mời lần này lượt khác. Ngài mời qua các tiên tri. Ngài mời qua chính Con Một của Ngài. Ngài mời qua Giáo hội. Ngài mời một cách nhiệt tình và chu đáo. Hầu mong muốn ai ai cũng có mặt trong tiệc cưới mà Ngài dọn sẵn là Nước Trời.
3. Thái độ của khách mời
Thái độ thứ nhất của khách mời là từ chối lời mời gọi của ông chủ: Ông chủ tiệc cưới ở đây lại là một vị vua. Đám cưới ở đây là của hoàng tử. Đáng lý ra khách được mời phải cảm thấy vinh dự to lớn và phải đáp trả lại lời mời gọi một cách mau mắn. Nhưng than ôi, họ không làm như vậy. Trái lại, họ đã từ chối một cách ra mặt. Từ chối lần mời đầu tiên “Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến.”(Mt 22,3). Từ chối lần mời thứ hai: “Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán;”(Mt 22,5).Những lý do họ đưa ra để từ chối không đủ thuyết phục: bởi vì, những công việc như thăm trại, buôn bán thì không quan trọng cho lắm so với tiệc cưới của hoàng tử, được nhà vua đích thân mời. Hơn nữa, những công việc đó có thể chuyển sang một thời gian khác. Thậm chí, “một số người còn bắt các đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi” (Mt 22,6).
Thái độ của khách mời trên cũng là thái độ của người Do thái: Dân Do Thái đã từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, của Đức Giêsu; Họ đã giết chết các tiên tri; Họ không tin vào Đức Giêsu và thậm chí đã giết chết Người. Thái độ của khách mời cũng là thái độ của con người qua mọi thời đại: Họ viện vào nhiều lý do không đâu để từ chối lời mời của Đức Giêsu, lời mời của Giáo hội. Thậm chí, họ còn bắt bớ, đánh đập những người được Chúa và Giáo hội sai đến. Các cuộc bách hại Giáo hội qua các thời kỳ làm chứng cho chúng ta thấy điều đó.
Chắc chắn số phận của những người từ chối lời mời gọi của ông chủ, của Thiên Chúa sẽ không có chỗ trong Nước Trời.
Thái độ thứ hai của khách mời là không mặc y phục lễ cưới:Điều kiện duy nhất mà ông chủ đòi hỏi nơi khách mời là phải mặc y phục lễ cưới. Y phục lễ cưới ở đây ám chỉ lòng sám hối của con người và những việc lành phúc đức mà con người thực hiện. Trongsố những người đã ngồi vào phòng tiệc, nhà vua nhận ra một người không mặc y phục lễ cưới. Nhà Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!”(x. Mt 22,12-13). Khung cảnh này làm chúng ta nhớ tới khung cảnh về ngày phán xét chung mà Thánh Mathêu kể lại ở chương 25, nhà vua cũng nói với những kẻ bên tả là những kẻ không thực hành việc bác ái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”(Mt 25,41-43).
Như vậy, y phục lễ cưới ở đây không chỉ là lòng sám hối mà còn là những việc lành bác ái yêu thương. Số phận của những người không có y phục lễ cưới, tức là không có lòng sám hối và không có lòng bác ái yêu thương sẽ không cố chỗ trong Nước trời.
Thái độ thứ ba của khách mời là mặc y phục lễ cưới: Trong phòng tiệc cưới, chỉ có duy nhất một người không mặc y phục lễ cưới. Số còn lại đều mặc y phục lễ cưới. Điều này cho chúng ta thêm niềm hy vọng.Nhưng hy vọng mà thôi chưa đủ. Để đảm bảo chắc chắn có chỗ trong Nước Trời, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng: Đó là lòng sám hối và các việc lành phúc đức, nhất là những việc bác ái yêu thương;Đó là thực hành những đòi buộc của Bí tích Rửa tội:“từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin”; Đó là luôn giữ gìn chiếc áo ngày rửa tội được “tinh tuyền”; Đó làsiêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, suy niệm và thực hành Lời Chúa.
Tóm lại, Thiên Chúa là tình yêu. Ngài luôn mời gọi và mong muốn mọi người được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Xin cho tất cả mọi người chúng ta luôn biết đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, đồng thời biếtchuẩn bị cho mình những chiếc áo cưới đẹp, đó là sự hoán cải tâm hồn và những việc lành phúc đức. Amen.
39.Ăn cưới và y phục lễ cưới
Làm vườn nho, nộp phần hoa lợi, mời ăn "Tiệc cưới Nước Trời". Làm thì phải có ăn. Làm ăn. Ăn là kết thúc. Thiên Chúa dọn tiệc mời tất cả. Công bình. Đáp lại là tự do của mỗi người. Tự do thì phải nhận kết quả của sự thực hiện của mình. Thiên Chúa phán xét cũng tuỳ theo sự thể hiện của mỗi người. "Vua đến quan sát và thấy". Thấy sao thì phán xét vậy.
Vài điểm CHÚ GIẢI
- Vua dọn tiệc cưới cho con mình: Israel và Đức Giêsu. Đức Giêsu là tân lang..là một tỉ dụ. Nước Trời là tiệc cưới Thiên Chúa dọn cho Con mình.
- Họ không chịu đến: Israel từ chối Đức Giêsu và công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã dùng họ để chuẩn bị. Không chịu đến là khinh dễ, từ khước Thiên Chúa, từ chối Nước Trời.
- Vua lại sai... nhưng họ không thèm đếm xỉa gì tới, lại bỏ đi, người thì đi thăm trại, kẻ khác đi buôn, có người lại bắt đầy tớ vua mà sỉ nhục và giết chết: cố chấp từ khước. Do thái từ chối Đức Giêsu. Còn tín hữu ngày nay, Chúa Nhật mắc đi nầy đi nọ...không đến nhà thờ.
- Vua thịnh nộ sai quân lính đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thánh trì của họ: Trước là Do thái và Giêrusalem (năm 70), kế đến là phán xét cho mọi người. Không đơn giản như có nhiều ngưới lầm nghĩ "Thiên Chúa nhân từ vô cùng, cưối cùng Người sẽ "xả dàn" cho tất cả vào ăn, không bỏ ai". Thiên Chúa không bỏ nhưng tự mình bỏ. Đoạn Phúc Âm nầy là câu trả lời rõ ràng.
- Các ngươi hãy đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới: "xả dàn". Thời cánh chung. Mời thì mời tất cả (không ép) nhưng đáp lại là quyền tự do và phải chấp nhận một số điều kiện.
-..bất luận tốt xấu, tập hợp tất cả và phòng tiệc cưới đã đấy thực khách: Muốn đi dự tiệc cưới của vua thì phải áo quần "tử tế" kẻo mắc tội "khi quân". Phạm thượng khi quân là tội chém đầu. Nhiều người không đến mà đến thì phải....
- Bấy giờ vua đến quan sát khách dự tiệc thấy có người không có y phục lễ cưới: Ăn tiệc cưới của vua mà không có y phục lễ cưới là không được.
- Vua hỏi "sao bạn vào đây (được) mà không có y phục lễ cưới: Vào lậu (chui) phải không? Có kiểu nói lén chui vào thiên đàng bằng cách nầy cách khác..
- Người ấy câm miệng: không cãi lại được vì đúng vậy.
-Trói chân tay nó lại quăng ra chổ tối tăm bên ngoài ở đó mà khóc lóc nghiến răng: Hình phạt tuyệt đối. Không có van xin, không có tha thứ. Ngày phán xét đó. Đừng lơ mơ.
- Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít: Ai cũng có thể. Chúa không đặt giới hạn. Tình thương bao la của Chúa là thế ấy. Đức Giêsu truyền đi rao giảng, ai nghe và tin thì chịu phép rửa gia nhập cộng đoàn cúư độ của Chúa và "nhập gia tuỳ tục", phải vô khuôn đổi mới, "giữ những điều Đức Giêsu dạy", không như trước nữa. Có đủ điều kiện mới chọn. Vì số nầy ít nên chọn ít. Chọn thì không thể bất luận tốt xấu.
Thiên Chúa thết tiệc. Tiệc của Chúa đã dọn sẳn. Tiệc Thánh Thể, tiệc Nước Trời. Thiên Chúa mời tất cả mọi người.
Những người khinh rẻ, từ chối mắc đi nầy đi nọ.....còn sỉ nhục đấy tớ vua thì số phận là tru diệt và phá huỷ thành trì của họ.
Còn những người vào ăn tiệc thì dụ ngôn y phục lễ cưới nói rõ "không phải muốn ăn thì cứ nhào vô". Tiệc của Chúa đòi hỏi phải có y phục xứng đáng: Ơn thánh hoá (không thể miễn). Bắt dầu là nghe lời rao giảng của những kẻ Chúa sai. Tin, chịu phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần và nhất là "giữ mọi điều Đức Giêsu truyên".
Bây giờ Thiên Chúa nhân từ, chờ đợi kẻ xấu hối cải, hết xấu bằng "giữ mọi điều ĐứC GIÊSU truyền". Giữ mọi điều Đức Giêsu truyền là có y phục lễ cưới.
Phaolô: Ăn tiệc Chúa không xứng đáng là rước hình phạt cho mình. Hoặc mắc đi đây đi kia không đến hoặc đến ăn tiệc mà xứng đáng, bây giờ thì không thấy rõ. Nhưng khi vua đến thì là lúc.....
Tiệc cưới trong Nước Thiên Chúa là ngày chung thẩm, quyết định số phận vĩnh cữu của mỗi người, ai từ chối lời mời gọi, mắc đi buôn, đi đám nầy đám kia... còn khinh dể Chúa còn sỉ nhục, giết hại các đầy tớ Chúa thì bị tru diệt và phá huỷ thành trì. Còn những ai vào ăn tiệc cưới (tín hữu) mà không có y phục lễ cưới (tình trạng công chính hoá) thì bị trói tay chân (hết còn làm gì được) ném ra bên ngoài (Nước Thiên Chúa) ở đó mà đói khát và khóc lóc nghiến răng...
Được ăn tiệc cưới trong Nước Thiên Chúa là kết cục vĩnh viễn, là hạnh phúc đời đời.
Đức Giêsu nói ai có tai thì hãy nghe.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam