Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1361558

NHỮNG TÊN GỌI TẦM THƯỜNG

NHỮNG TÊN GỌI TẦM THƯỜNG

 

Tin mừng Ga 6: 51-58: Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người...

1. Đất, nước, đá

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài (St 2,7).Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4,25; 5,1-3). Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.

Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Ai cập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê. Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2,10)

Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (Lc 22,50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (Lc 22,56-57). Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (Mt 16,18). Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.

Như vậy, lịch sử sáng tạo,lịch sử cứu độ quyện đan với những cái tên gọi tầm thường: Đất, Nước, Đá.

2. Bánh và rượu

Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người. Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó. Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.

Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời. Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại. Để trở thành của ăn nuôi mọi người,Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu. Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.

Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò. Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác. Khi bắt đầu rao giảng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp. Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ. Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.

Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu. Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ. Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.

Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người. Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không. Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt. Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử.Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường,và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói“Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

3. Hy lễ cứu độ

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh thể để lễ vật bị sát tế ấy trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước, Máu của Đấng Cứu Thế đổ ra trên thập giá. Bởi đó Thánh thể và Thánh giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người hơn 20 thế kỷ qua. Thánh giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”, người Do thái phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi,thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống,chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh Thể.

Từ Thánh giá đến Thánh thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh thể. Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa. Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người. Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.

Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.

Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế. Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên. Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.

Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.

 

43.Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu--Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Đức cố Hồng y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: Tôi mơ ước, Tòa Thánh cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một bánh thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo Hội như một nhà Tiệc Ly rộng lớn... Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần tôi được dịp giang tay đóng đanh chính mình vào Thập giá với Chúa Giêsu, cùng cạn chén đắng với Ngài... Dù thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh Thể là còn tất cả vì con có Chúa Thiên Đàng dưới đất... (Trích Bài Thuyết Trình tại Đại Hội Thánh Thể thế giới, Mexico 2004).

Phúc Âm kể lại: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống” (Mt 26, 26-29; Lc, 22, 14-20). Chúa đã lập bí tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Tiệc Thánh Thể được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu. Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.

Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập Giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.

Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo Hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1Cr 10,17).

Giáo Hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép, bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo Hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép: “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II). “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III). “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo Hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18,20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh Thánh, Lời Kinh Thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống...” (Mt 25,35-36). Trái lại, nơi bí tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong bí tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép (x. simonhoadalat.com, Mục Thần học, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một...” (Ga 3, 16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.

Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hằng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.

Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa.

ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận viết: ”Con muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’. Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá” (Đường Hy Vọng #349); “Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘Mầu nhiệm Đức tin’ và ban sức mạnh đức tin cho con”. (Đường Hy Vọng #373); ”Biết giá trị Thánh lễ, dù xa dù khó con cũng cố gắng tham dự. Càng hy sinh con càng thấy mến Chúa hơn” (Đường Hy Vọng #346); ”Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giêsu đang tế lễ; con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con” (Đường Hy Vọng #364).

Louis, vị hoàng đế nước Pháp, một vì hoàng đế tốt lành, một người rất siêng năng làm việc. Vua đam mê hoạt động. Vậy mà vua vẫn tìm thời giờ để dự hai ba Thánh lễ mỗi ngày. Mấy người cận thần của vua nói: “Hoàng thượng đã đóng thuế quá nhiều cho những Thánh lễ”. Ngài trả lời: “Nếu ta dành thời giờ săn đuổi những thú vui, tham dự những bữa tiệc linh đình với bạn bè, coi hát mỗi ngày, có thể các người than phiền rằng ta đã dành thời giờ quá nhiều cho những thú vui đó. Nhưng các bạn tốt của ta ơi. Các ngươi quên rằng ta dự Thánh lễ mỗi ngày không phải chỉ để cầu nguyện cho bản thân ta mà còn cầu cho cả đất nước của ta, vì ngoài những Thánh lễ ra ta không còn cách nào khác tốt hơn là chuyện đó”.

Thánh Louis đã ám chỉ, hàng ngàn người Công giáo: “Họ có thể dự Thánh lễ mỗi ngày nhưng họ không làm. Nếu họ hy sinh chút ít thời giờ đi lễ, họ có thể lãnh nhận được vô vàn ân sủng ngoài sự tưởng tuợng của họ. Thật không hiểu được, không thể giải thích tại sao bao người Công giáo không chịu dự lễ mỗi ngày để lãnh nhận bao ân huệ từ trời cao, vì dự một Thánh lễ giá trị cả ngàn ngày cho họ. Họ không hiểu được bao ơn huệ tuyệt vời và những ích lợi mà họ lãnh nhận được qua Thánh lễ”.

Tham dự Thánh lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ bí tích Tình Yêu.

 

44.Chúa ở cùng con--PM. Cao Huy Hoàng

Chuẩn bị mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, một ca đoàn Giáo xứ ở vùng quê, tập bài hát nầy:

"Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con, với những vui buồn cuộc đời nhân gian, bước con lầm than tình Chúa vẫn dâng tràn. Tình yêu của Chúa ví như khung trời xanh, ngày đêm lặng lẽ vẫn chở che mọi lúc, bước con an bình đời thắm tươi đẹp tình.

Chúa ở cùng con với tấm lòng son sống cho đời con chan chứa khôn vơi tình thương Chúa sáng ngời. Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời nầy". (Lời bài hát "Chúa trong đời con" của Lm. Ns. Thái Nguyên)

Chọn và tập bài hát này để hát lúc Rước Lễ trong lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, có một vài ca viên thắc mắc rằng: lễ Mình Máu Thánh Chúa mà sao hát bài nầy, nghe không có gì là Thánh Thể, là Mình Máu Thánh Chúa cả.

Anh ca trưởng ôn tồn nói: "Thưa anh em, lâu nay chúng ta đã hát nhiều bài về Mầu Nhiệm Thánh Thể và tôn vinh Thánh Thể Chúa, hôm nay tôi chọn bài nầy, vì tôi nghĩ sống Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc tôn vinh Thánh Thể Chúa và rước lấy Mình Thánh Máu Thánh Chúa, mà còn phải sống niềm Tin Cậy Mến, với lòng tạ ơn Chúa Giêsu đang ngự trong lòng, và hơn thế nữa phải trở nên của ăn cho mọi người bằng việc bác ái, dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội.

Rước lấy Thánh Thể Chúa, là "Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con". Tâm hồn mình là Nhà Tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể. Đi đâu, ở đâu, làm gì, chúng mình cũng đang có Chúa. Vậy mà, chúng mình vẫn theo lệ rước lễ thì vẫn rước lễ, mà quên Chúa đang sống trong lòng mình.

Có phải vơ đũa cả nắm không, nhưng tôi biết chúng mình vẫn cầu nguyện rằng: Xin Chúa cho con, cho nhà con, cho vợ con, cho chồng con được chuyện nầy, việc nọ. Tôi nghĩ cách cầu nguyện ấy vừa kém Đức Tin: vì không lẽ Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở trong chúng ta không biết chúng ta cần gì sao?; lại vừa kém Đức Ái: vì lời cầu nguyện ấy chỉ qui về cho mình, cho nhà mình. Lòng mình không trải ra với mọi người. Lòng mình không chút bận tâm đến ai. Cầu nguyện mà còn ích kỷ như thế thì huống gì nói đến việc chia sẻ. Trong khi đó, Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng mình đang muốn mình trở nên tấm bánh bẻ ra nuôi sống mọi người. Tấm bánh bẻ ra ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa mà anh em mình quyết tâm: "Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời này". Đầu giờ và cuối giờ tập hát anh em mình hay cầu nguyện cho những địa chỉ mà anh em không quen biết là vì lý do như vậy đó. Xin anh em thông cảm vui lòng, tôi đã chọn bài này.

Cả ca đoàn lặng thinh, suy niệm, rồi đọc kinh kết thúc giờ tập hát sốt sắng.

......

Từ những suy tư của anh ca trưởng, tôi chợt nhớ bố tôi hay nói về chuyện hầu hết các bài giảng đều dẫn chúng ta đến kết luận là sống sao cho được vào Nước Trời, được vào Thiên Đàng, được Ơn Cứu Rỗi; như thế đấy, làm cho mọi người cứ lầm tưởng rằng Nước Trời ở đâu xa lắm, Thiên Đàng là nơi ta sẽ đến, Ơn Cứu Rỗi còn ở phía tương lai.

Thực ra, Nước Trời, Thiên Đàng, Ơn Cứu Rỗi đang ở đây, không ở đâu xa, đang ở trong lòng ta: chính Thánh Thể Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã xác quyết: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta" (Ga 6, 56 – 57).

Hơn nữa, dù Thánh Lễ diến ra ở Âu, Á, Mỹ hay Phi, ở thành thị hay thôn quê, ở Nhà Thờ Chính Tòa hay trong nơi lao tù, trong trại cải tạo, thì tấm bánh ấy, chén rượu ấy, cũng là chỉ một Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu, và tất cả chúng ta, những người rước lấy, đều sống chung một nguồn sống duy nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy, mọi người đang sống trong thiên đàng của Thiên Chúa ngay hôm nay. Vì thế, việc thể hiện tình hiệp nhất, yêu thương, việc bác ái giúp nhau phần hồn phần xác để đi trọn cuộc lữ hành này, là bổn phận thiết yếu của mỗi chi thể trong cùng một Thánh Thể Chúa Kitô.

Thánh Phaolô dạy: "Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh". (1Cr 10, 16 – 17)

Thế là, hình ảnh sống động của Nước Trời, của Thiên Đàng, của Ơn Cứu Rỗi, còn cụ thể qua việc bác ái. Hai cụ bà hành khất ở xó chợ. Một bà còn lết được, một bà bất toại một chỗ. Bà còn lết được chia cho bà kia những gì mà mình kiếm được mỗi ngày. Hai bạn tù chia nhau một mẫu bánh. Hai người cùng khổ chia nhau mấy con cá lăn tiêu... Đó là hình ảnh Nước Thiên Đàng của Thiên Chúa đang sống động trong chúng ta.

Thiên Đàng không ở đâu xa, không là tương lai, nhưng là hiện tại, là ngay lúc nầy, ở ngay trong lòng ta: Chúa Giêsu Thánh Thể và việc bác ái yêu người mà Thánh Thể Chúa mong muốn, thôi thúc, hướng dẫn.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa còn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và giúp đỡ đặc biệt cho các Linh Mục, hiện thân của Chúa Kitô, hiện thân của Thánh Thể, của ơn cứu rỗi. Việc giúp đỡ các Linh Mục có một đời sống vật chất, có phương tiện rao giảng Lời Chúa và chu toàn sứ vụ, thì dễ, nhưng việc góp ý xây dựng thì không dễ chút nào. Vì vậy, thiết tưởng phải liên lỉ cầu nguyện cho các linh mục nên thánh thiện theo gương Chúa Giêsu chí thánh.

Ở một Giáo xứ gần chỗ tôi, có cụ già đạo đức đặc biệt. Tuổi cụ hơn gấp đôi tuổi cha sở. Gần đây, cụ thường nhắm mắt lại khi cha sở đọc Lời Truyền Phép. Ai hỏi cụ tại sao nhắm mắt, cụ trả lời là thói quen. Nhưng thực ra, không phải như thế. Mới đây, cụ đã vào xin gặp riêng cha sở.

"Xin cha đóng cửa lại. Con muốn thưa chuyện riêng với cha... Thưa cha, mỗi khi cha đọc Lời Truyền Phép, con nhắm mắt lại để không nhìn thấy cha, để chiêm ngưỡng chỉ một Chúa Giêsu quá sức khiêm nhường. Vì dù cha là con người có bất toàn thế nào đi nữa, có thể có nhiều tai tiếng không tốt, hoặc kể là cha có tội lỗi đi nữa, thì Chúa Giêsu cũng vâng lời cha mà ngự xuống trong hình Bánh Rượu, để nên Mình Thánh Máu Thánh dưỡng nuôi linh hồn chúng con...

Cha biết đó, giáo dân xứ mình đang không vâng lời cha, bỏ xứ nhà sang dự lễ xứ bạn, không tham dự thánh lễ với cha, không xưng tội với cha, còn chống lại cha nữa. Trong khi đó, Chúa Giêsu không bỏ cha, còn thương cha, thương con, thương yêu mọi người mà chịu vâng lời cha ngự xuống trong hình bánh rượu nữa. Mong cha nghĩ lại điều này, để giáo dân cũng vâng lời cha như trước".

Tôi nghĩ cụ già ấy đang làm một việc bác ái do chính Thánh Thể Chúa thôi thúc, Khi đã hiệp nhất trong cùng một tấm bánh, trong cùng một thân thể, thì thương tích của chi thể nầy cũng là nỗi đau của chi thể kia. Không thể có sự dững dưng vô tình trước những thương tích xác hồn của anh em cùng chung tấm bánh, chung ly rượu, đặc biệt hơn khi những anh em đó lại là những hiện thân của Chúa Kitô.

"Chúa vẫn âm thầm đợi chờ trong con,

biết hiến dâng trọn cuộc đời xin vâng,

biết quên mình đi để mến yêu chân tình,

để còn vang mãi khúc ca của đời con,

lời chúc tụng Chúa Đấng Tình Yêu vạn thuở,

Đấng con tôn thờ và mến yêu đợi chờ"

(Lời bài hát "Chúa trong đời con" của Lm. Ns. Thái Nguyên)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tạ ơn và kính thờ Chúa đang ngự trong lòng chúng con. Xin cho chúng con tấm lòng và bàn tay yêu thương dấn thân phục vụ như tấm bánh bẻ ra cho đời. Xin cho các Linh Mục của Chúa đồng hình đồng dạng với Chúa, Đấng đã tế lễ đời mình nên thần lương, nên sự sống Thiên Đàng cho chúng con. Amen.

 

45.Của ăn đàng--PM. Cao Huy Hoàng

Bánh và Nước

Từ Ai Cập về Đất Hứa, dân Chúa đã trải qua 40 năm trên hành trình sa mạc. Họ nản lòng vì nóng cháy, đói khát, vất vả. Họ muốn quay lại Ai Cập. Nhưng Thiên Chúa đã ban bánh Manna từ trời rơi xuống cho họ ăn và nước từ tảng đá hóa cương chảy ra cho họ uống.(x Đệ Nhị Luật 8, 2-3, 14b-16a).

Tiên tri Elia tìm đến núi Horeb còn gọi là Núi của Thiên Chúa để trốn thoát sự truy lùng của Vua Ai cập. Ông phải mất 40 ngày đêm đói khát đến độ kiệt sức và nản chí nói "Đủ rồi đó Chúa ơi! Chúa cất mạng tôi đi". Nhưng Thiên Chúa đã sai thiên thần mang bánh và nước đến cho ông để ông đủ sức tiến về núi Thánh (x I Rg 19:7)

Những người ăn Manna và cả Elia ăn bánh của các Thiên thần, thảy đều đã chết. Đúng như lời Chúa Giê-su nói hôm nay: "Ta là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." (Ga 6, 58)

Thịt và Máu

Bánh và Nước của Cựu Ước là hình ảnh tiên báo Chúa sẽ ban loại Bánh và Nước mới trong Tân Ước, chính là Thịt và Máu của Chúa Giê-su, như chính Chúa đã nói: "Ta là Bánh Hằng sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời. Vì Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống" (Jn 6:51-52).

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã thực hiện điều Ngài đã nói trên đây, khi Ngài cầm tấm bánh, nâng chén rượu đọc lời chúc tụng và trao cho các tông đồ: "Hãy cầm lấy mà ăn, vì nầy là Mình ta, sẽ bị nộp vì các con" "Hãy cầm lấy mà uống vì nầy là Máu ta, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội"

Ngay sau đó, Ngài còn ủy thác cho các tông đồ "Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta". Đó là lễ phong chức linh mục đầu tiên trong Hội Thánh Công Giáo.

Như vậy, ngay sau lời truyền phép của Linh Mục, bánh và rượu đã trở nên Thịt và Máu của Chúa Giê-su cho chúng ta ăn và uống để được sống đời đời.

Sự Sống Đời Đời

Nếu Manna đã nuôi dân tiến về Đất Hứa, thì Mình Thánh Máu Thánh Chúa là của ăn của uống cho chúng ta đủ sức tiến về quê trời, về sự sống đời đời. Sự sống đời đời ấy, chính là cung lòng yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ấy vậy, mà chúng ta vẫn gọi Mình Thánh Máu Thánh Chúa là "của ăn đàng", của ăn trên đường đi. Và khi rước lấy Mình Thánh Máu Thánh Chúa, có thể nói, chúng ta rước lấy cả Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị trong lòng.

Nếu nhờ Bánh Thiên Thần mà Elia đã đủ sức vượt khỏi sự truy lùng của Vua Ai-cập, thì những ai yêu mến và siêng năng rước lễ cũng đủ sức thắng vượt những cơn cám dỗ, những sự truy lùng của sa tan, của tội lỗi, để xứng đáng hưởng sự sống đời đời.

Sự sống đời đời mà chúng ta nhận lãnh nơi Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giê-su, không chỉ là sự sống sau cái chết phần xác, nhưng còn là sự sống trong linh hồn ta ngay lúc nầy, khi còn sống trên dương thế. Đó còn là sự sống đầy tình bác ái huynh đệ của con cái Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô giải thích rằng: cùng ăn một tấm bánh, cùng uống chung ly rượu, chúng ta cùng trong một thân thể của Chúa Giê-su Kitô. "Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể". (x.1cor 10, 16-17)

Của ăn đàng

Theo Thánh Phao-lô, cùng ăn một ấm bánh, cùng uống chung ly rượu, cùng sống trong một Của Ăn Đàng, chúng ta trong một thân thể". Vậy nếu Mình Máu Thánh Chúa Giê-su đã trở nên của ăn đàng cho bạn, cho tôi, và trở nên mối dây hiệp nhất tôi bạn và mọi người trong cùng một nguồn sống, thì thiết nghĩ, bạn và tôi cũng phải trở nên "của ăn đàng" cho mọi người.

Tình yêu thương nhau, lòng bác ái, sự khiêm tốn phục vụ anh em là tấm bánh bẻ ra cho đời, là hình ảnh sự sống đời đời đang sống động trong cuộc đời dương thế

Những cố gắng hy sinh của cha mẹ đến độ gầy hư đi, hao mòn đi để bảo đảm cho con cái sự sống phần xác, chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa thánh thiện, ý nghĩa hy tế, nếu những hy sinh ấy kết hiệp ước muốn của Chúa Giê-su là chia sẻ của ăn đàng cho nhau, chia sẻ tình yêu cho nhau.

Một chiếc bánh, một chén cháo, một tô hủ tiếu, một viên thuốc, một viên gạch, một tấm áo, một tấm chăn, một vài trăm ngàn đều... có thể có giá trị thánh thiện, và thiết tưởng, chỉ có giá trị thánh thiện khi ta cho đi với sự thôi thúc tự bên trong của Tình Yêu Chúa Giê-su Thánh Thể: Tình yêu đòi dâng hiến, đòi cho đi vì hạnh phúc của người khác.

Thánh Thể Chúa Giê-su, của ăn thiêng liêng, của ăn đàng cho linh hồn, đã cụ thể sống động thành những của ăn phần xác, thành cơm bánh, thành áo mặc, thành nhà cửa, thành thuốc men, thành những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống con người, thành những của lễ dâng trong thánh lễ thường ngày mà bạn và tôi đang cử hành trên hành trình dương thế.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thịt và Máu Chúa cho linh hồn chúng con được sống và sống đời đời. Xin cho chúng con biết sống trước đời sống phục sinh ngay trên dương gian này bằng việc vui lòng trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người được sống, bằng tình yêu thương, bác ái và hiệp nhất huynh đệ trong Chúa. Amen.

 

46.“Tôi chính là bánh hằng sống”--Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Bí Tích Thánh Thể Với Mầu Nhiệm Phục Sinh

Chúa Nhật thứ ba Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh bao giờ cũng là Lễ Trọng Kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu (một lễ đáng lẽ được cử hành vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi), một Lễ Trọng được Giáo Hội cố ý xếp vào ngay sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hai tuần và Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi một tuần. Bởi vì, Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu phát xuất từ cung lòng Trinh Nữ Maria “là do Thánh Thần” (Mt 1:20; x. Lk 1:35). Đó là lý do, sau Kinh Nguyện Thánh Thể và ngay trước Lời Truyền Phép trong mỗi Thánh Lễ, vị linh mục chủ tế mới đọc: “Vì thế, chúng tôi nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa lễ vật này, để trở nên cho chúng tôi Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi”. Vì được Ngôi Hiệp với Lời Nhập Thể, Ngôi Hiệp với chính “sự sống hằng ở nơi Cha và đã trở nên hữu hình cho chúng ta” (1Jn 1:2), Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô do Chúa Thánh Thần tác tạo ấy đã thực sự, như Chúa Kitô quả quyết với người Do Thái ngay trong lời mở đầu của bài Phúc Âm hôm nay: “là bánh hằng sống từ trời xuống”, một Thứ Bánh Thần Linh chẳng những chất chứa mà còn thông truyền Sự Sống Ba Ngôi, như lời Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Do Thái trong đoạn cuối của cùng bài Phúc Âm hôm nay: “Như Cha là Đấng có sự sống sai Tôi và Tôi có sự sống bởi Cha thế nào, ai được sinh dưỡng nhờ Tôi cũng sẽ có sự sống bởi Tôi như vậy”.

Thật vậy, nếu Chúa Giêsu “là sự sống” (Jn 11:25, 14:6) thì Mình Thánh Máu Thánh của Người quả thực là một Thứ Bánh Thần Linh, Bánh Chất Chứa Sự Sống, Bánh Ban Phát Sự Sống. Người đã xác nhận như vậy trong bài Phúc Âm hôm nay: “Bánh Tôi sẽ ban là thịt Tôi cho thế gian được sự sống”; “ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi kẻ ấy có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Qua hai câu tuyên phán về Bản Chất Thần Linh và Tác Dụng Thần Linh của Mình Thánh Máu Thánh Người này, Chúa Kitô đã mạc khải cho chúng ta thấy ba sự thật một lúc: thứ nhất là sự thật về việc Người sẽ lập Bí Tích Thánh Thể Người, thứ hai là sự thật về Biến Cố Phục Sinh Người sẽ tỏ mình ra, và thứ ba là sự thật về Biến Cố Cánh Chung Người sẽ thực hiện.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã báo trước việc Người lập Bí Tích Thánh Thể qua câu “bánh Tôi sẽ ban là thịt Tôi”, bởi vì, trong Bữa Tiệc Ly, “Người cấm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán ‘Các con hãy nhận lấy mà ăn, này là mình Thày’” (Mt 26:26). Mà nếu “ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi kẻ ấy có sự sống đời đời”, thì máu thịt của Người không thể nào lại là máu thịt sẽ bị mục nát đi trong nấm mồ sự chết, tức thân xác của Người phải là một thân xác phục sinh, “một thần linh ban sự sống” (1Cor 15:45). Tuy sự sống phát sinh từ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu đây là Sự Sống Thần Linh, sự sống về phần hồn và cho phần hồn, nhưng thân xác là phương tiện để linh hồn thể hiện đức tin của mình, qua việc lưỡi thưa “amen” (tôi tin) trước khi lãnh nhận Mình Thánh Máu Thánh Chúa vào miệng và nuốt xuống bụng, mà chính thân xác cũng được thông phần vào sự sống đời đời của linh hồn trong “ngày sau hết”. Bởi vì, thân xác phục sinh của Chúa Kitô tràn đầy Thánh Linh đã ban cho các tông đồ qua hơi thở của Người thế nào, Mình Thánh Máu Thánh Người, qua thân xác của chúng ta, cũng ban cho linh hồn chúng ta Thánh Thần của Người như vậy, Vị Thánh Thần đã làm cho chính Người phục sinh từ trong kẻ chết thế nào cũng sẽ làm cho thân xác chết chóc của chúng ta sống lại như vậy (x. Rm 8:11).

Phải chăng vì Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô chẳng những ban sự sống đời đời cho linh hồn còn làm cho xác thể của con người được phục sinh trong “ngày sau hết” như thế mà Chúa Kitô mới dạy các môn đệ của mình cầu nguyện “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”? Có thể nói, nếu phần đầu của Kinh lạy Cha liên quan đến Ba Ngôi Thiên Chúa thế nào (như bài chia sẻ cho Lễ Chúa Ba Ngôi tuần trước đã trình bày), thì phần cuối của Kinh lạy Cha cũng có liên hệ với Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu như vậy.

Bí Tích Thánh Thể Với Kinh Lạy Cha

Phần đầu của Kinh Lạy Cha có 3 ước nguyện liên quan đến Thiên Chúa thế nào - “Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha”, phần cuối của Kinh Lạy Cha cũng có 3 ước nguyện liên quan đến con người như vậy – “sinh dưỡng, tha nợ và bảo toàn”. Nếu ba ước nguyện ở phần đầu Kinh Lạy Cha liên kết chặt chẽ với nhau và chi phối nhau theo thứ tự từ trên xuống dưới thế nào, thì ba ước nguyện ở phần cuối của Kinh Lạy Cha cũng liên kết hết sức khít khao với nhau và chi phối nhau theo thứ tự từ trước đến sau như vậy. Nếu ba ước nguyện ở phần đầu của Kinh Lạy Cha có tính cách tín lý thần học thế nào thì ba ước nguyện ở phần cuối của Kinh Lạy Cha có tính cách tu đức sống đạo như vậy.

Trước hết, ước nguyện “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” ở đây là gì, nếu không phải ước nguyện xin Cha hãy tỏ mình cho chúng con trong và qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, như Lời Nhập Thể đã tỏ mình ra cho người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp, hay cho hai môn đệ trên con đường về làng Emmau, để “Danh Cha” là “tình yêu của Thiên Chúa” được “cả sáng”, “Nước Cha” là “ân sủng của Đức Giêsu Kitô” được “trị đến”, và “Ý Cha” là “mối hiệp thông của Chúa Thánh Thần” được “thể hiện dưới đất cũng như trên trời”? Thiên Chúa là Cha đã ban cho con người “lương thực hằng ngày” thế nào, nếu không phải khi Ngài tỏ mình cho con người hằng ngày qua phụng vụ, khi Hy Tế Tử Giá được hiện thực và tái diễn trên bàn thờ hằng ngày trong mỗi Thánh Lễ, hay khi Các Bí Tích Thánh (mà Bí Tích Thánh Thể là trọng tâm) được ban phát cho con người? Thiên Chúa là Cha cũng đã không tỏ mình cho con người hằng ngày là gì, qua tiếng lương tâm thúc giục họ làm lành lánh dữ, hay qua các hiện sủng tác động họ để họ có thể đáp ứng kịp thời các dấu chỉ thời đại, hoặc qua các khổ đau thử thách để thanh luyện họ nên tinh khiết, nhờ đó họ có thể trổ sinh muôn vàn hoa trái thiêng liêng?

Sau nữa, ước nguyện “xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” là thành quả hay hệ quả của ước nguyện “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Bởi vì, chính nhờ Mạc Khải Thần Linh như “hôm nay lương thực hằng ngày” nuôi sống mình, con người mới có thể trở thành chứng nhân tình yêu, trở thành hiện thân của lòng thương xót Chúa. Chính lòng thương tha của con người và nơi con người được Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu nuôi dưỡng là dấu chứng tỏ họ đã đạt đến một tầm mức tu đức trọn lành, một tầm mức tu đức thần hiệp. Vì tình thương này của họ và phát xuất từ họ là phản ảnh và được phát xuất từ chính tình yêu trọn lành của Cha trên trời (x Mt 5:48), một tình yêu đã thương “tha nợ” cho họ, ở chỗ đã thanh tẩy họ, hay đã “tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Jn 17:19)”, một cuộc tự hiến được hiện thực và tái diễn hằng ngày qua Hy Tế Thánh Lễ, một cuộc tự hiến thánh hóa họ, làm cho họ cũng trở thành bánh nuôi sống thế gian.

Sau hết, ước nguyện “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” cho thấy sức mạnh vô địch của con người đã đạt đến cuộc sống nội tâm sâu xa, đạt đến tầm mức tu đức thần hiệp, một tầm mức không gì có thể làm cho họ dễ dàng sa ngã hay qui hàng, chối bỏ đức tin, lỗi phạm đức ái, trái lại, còn làm cho họ thắng vượt tất cả mọi sự, kể cả sự dữ là tội lỗi và sự chết. Thật vậy, với tình yêu mạnh hơn sự chết, họ có thể làm chủ tất cả mọi sự, dù độc hại hiểm ác đến đâu chăng nữa (x. Mk 16:18). Bởi vì, họ đã có Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô Phục Sinh là một thứ cây sự sống mọc ở hai bên bờ của giòng sông Mạc Khải Thần Linh, một cây chẳng những trổ sinh hoa trái bác ái quanh năm suốt tháng, mà còn có lá làm thuốc chữa bệnh cho muôn dân (x Rev 22:2).

Vấn đề thực hành sống đạo:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian, và ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế trong Bí Tích Thánh Thể: Con thờ lạy Chúa, con kính mến Chúa, con cảm tạ Chúa, con xin lỗi Chúa, con cầu khẩn Chúa, con khao khát Chúa. Xin Chúa hãy chiếm đoạt con, hãy làm chủ con và hãy tỏ mình trong con. Ôi Chúa là tình yêu, xin thực hiện mọi sự Chúa muốn nơi con, để con được trở nên mọi sự cho mọi người, cho tất cả nên một trong Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

47.Lễ Mình Máu Thánh Chúa--Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

THỊT TÔI THẬT LÀ CỦA ĂN, MÁU TÔI THẬT LÀ CỦA UỐNG

Của ăn thức uống là vấn đề thiết thực trong đời sống con người. Không có chúng con người sẽ chết đói chết khát. Muốn sống và phát triển con người phải ăn uống đầy đủ và đều đặn hàng ngày. Thế nhưng trong cuộc sống nhiều khi con người chúng ta phải bỏ mạng vì ăn uống. Tại sao vậy?

Tại vì con người ăn và uống phải những của ăn thức uống giả. Có những của ăn thức uống giả, thì cũng có những của ăn thức uống thật…

Để có của ăn thức uống hàng ngày, Thiên Chúa truyền cho con người phải lao động làm việc (St 2,15). Nhưng không chỉ có thế, Chúa còn truyền dạy con người phải cầu nguyện nữa: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Lc 11,3).

Tuy nhiên, lương thực mà Chúa bảo con người phải làm việc và cầu nguyện, không phải chỉ là thứ lương thực trần thế mau hư chóng nát mà còn là lương thực thường tồn từ trời cao nữa: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).

Lương thực thường tồn hay của ăn thức uống thật đem lại cho con người sự sống (sự sống đời này và đời sau) không phải là man-na của dân Do-thái khi đi trong sa mạc hay là thứ gì khác, nhưng chính là Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn sống nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Đnl 8,2-3.14-16).

Quả thật, con người được hiện hữu và được sống là nhờ bởi Ngôi Lời Thiên Chúa. Nếu không có Ngôi Lời Thiên Chúa chẳng có gì được tạo thành, được hiện hữu, và được sống. ‘Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta’, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Đó là Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Người là Con Một và là quà tặng tình yêu của Đức Chúa Cha ban cho trần gian… Nhờ và qua màu nhiệm tử nạn và phục sinh, Người đã trở nên bánh hằng sống cho trần gian: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời… vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống”.

Chúa Giêsu là của ăn thức uống thật, là bánh hằng sống, là lương thực thường tồn từ trời xuống, để cho thế gian được sống. Nhưng Chúa chỉ trở thành bánh đích thật, bánh hằng sống và lương thực thường tồn từ trời xuống, để nuôi dưỡng chúng ta, khi chúng ta tin vào Người và ‘ăn thịt của Người’ trong bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể (Thánh lễ) là bữa tiệc của Thiên Chúa ủy thác cho Giáo Hội cử hành mỗi ngày, ở khắp mọi nơi trên địa cầu. Qua đó, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta lương thực hàng ngày là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.

Ai muốn sống đời đời (đời này và đời sau nữa), thì hãy siêng năng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Chúa ít là mỗi năm một lần trong mùa Phục sinh. Vì khi rước lễ, chúng ta thật sự được rước Mình và Máu Chúa Giêsu trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu, chứ không phải là bánh và rượu. Chúng ta “ăn thịt và uống máu Chúa”. Chúng ta sống nhờ Chúa và Chúa sống trong chúng ta. Chúa làm cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Người và với nhau. Chúa Giêsu đã quả quyết và dạy chúng ta như thế.

Thánh Phaolo cũng đã từng xác tín và dạy rằng: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta cùng chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con và muốn cho chúng con khỏi chết đói chết khát đời đời, Chúa đã lấy chính Thịt Máu Ngài nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết chạy đến với Giáo Hội ngang qua Thánh lễ, để cầm lấy Chúa mà ăn mà uống mỗi ngày. Amen.

 

48.Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô--Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, Phụng Vụ Lời Chúa cử hành sự kiện Thiên Chúa ban tặng bánh từ trời làm lương thực cho nhân loại.

Đnl 8: 2-3, 14-16

Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại ân ban bánh Man-na kỳ diệu từ trời xuống mà Đức Chúa ban cho dân Do thái để nuôi dưỡng họ trong suốt cuộc hành trình qua sa mạc khô cằn nóng cháy và thiếu thốn.

1Cr 10: 16-17

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nêu lên bí tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất mọi Ki-tô hữu khi cho họ được dự phần vào chỉ một tấm bánh là Thân Thể Đức Giê-su.

Ga 6: 51-58

Tin Mừng Gioan trích từ diễn từ về “Bánh Hằng Sống” trong đó Đức Giê-su tuyên bố Ngài chính là “Bánh Hằng Sống”, bánh ban sự sống đời đời cho nhân loại.

BÀI ĐỌC I (Đnl 8: 2-3, 14-16)

Đệ Nhị Luật là sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, được gọi chung là “Sách Luật” (Tô-ra). Tuy nhiên, thuật ngữ Tô-ra theo tiếng Do thái không có nghĩa pháp lý, nhưng là những giáo huấn giúp soi sáng, hướng dẫn cách ăn nếp ở của người tín hữu.

Nhan đề sách: “Đệ Nhị Luật”, có nghĩa “Luật thứ hai” hay “Thứ Luật” (tiếng Hy lạp: Deuteros: thứ hai, và nomos: luật). Tác phẩm này là “ôn cố tri tân”, nghĩa là nhắc lại những lời dạy của Mô-sê để dân biết phải sống như thế nào khi ở trong Đất Hứa. Thật ra, sách này được biên soạn vào thế kỷ thứ 8 hay thứ 7 tCn, khi dân Ít-ra-en đã an cư lạc nghiệp qua nhiều thế kỷ ở đất Ca-na-an và có chiều hướng quên Giao Ước cũng như những huấn lệnh tôn giáo và luân lý.

Sách Đệ Nhị Luật chủ yếu bao gồm những diễn từ, được gán cho ông Mô-sê, nhân vật được xem như đang ngỏ lời với dân Do thái trước ngưỡng cửa Đất Hứa, để cảnh giác họ về những mối nguy hiểm đang rình rập họ khi sống trong môi trường ngoại giáo tại đất Hứa, cũng như để khẩn khoản nài van họ trung thành với những giới luật của Thiên Chúa như điều kiện tiên quyết để sống dài lâu trong Đất Hứa.

Bản văn hôm nay được trích từ chương 8 của sách Đệ Nhị Luật gồm hai phần: 8: 2-3 và 8: 14-16. Phần trích dẫn thứ nhất nhấn mạnh nguồn gốc từ trời của bánh Man-na, trong khi phần trích dẫn thứ hai nhấn mạnh giá trị dấu chỉ của bánh Man-na, dấu chỉ của việc Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt, nhờ đó dân Ngài được sống trong những ngày tháng lang thang trong sa mạc. Cả hai phần trích dẫn đều bắt đầu với những nhắc nhở: “Anh em hãy nhớ lại” và “Anh em đừng quên” bánh Man-na là một thiên ân.

1. “Anh em hãy nhớ” (8: 2-3)

Phần trích dẫn thứ nhất mở ra với lời mời gọi dân Ít-ra-en “nhớ lại” những thử thách mà họ đã trải qua trong sa mạc: “Anh em hãy nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi trong sa mạc suốt bốn mươi năm qua”, vì thời gian thử thách là cách thức Thiên Chúa giáo huấn dân Ngài khỏi mọi ảnh hưởng xa lạ. Chính khi sống trong khung cảnh nghèo khó, kham khổ và gian nan vất vả mà con cái Ít-ra-en thấy mình hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Bánh Man-na đã là một ân ban đặc biệt, lương thực từ trời, để cho con người hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi điều từ miệng Chúa phán ra”. Có một sự đồng hóa và hầu như đồng nhất giữa bánh Man-na và Lời Thiên Chúa, vì Lời Chúa cũng là lương thực ban sự sống cho con người. Đó cũng là câu trả lời của Đức Giê-su cho Xa-tan khi Ngài chịu những chước cám dỗ trong hoang địa (Mt 4: 4).

2. “Anh em đừng quên” (8: 14-16)

Phần trích dẫn thứ hai kêu gọi “đừng quên” những ân phúc Thiên Chúa ban cho dân Ngài trong sa mạc khi phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Lời ghi nhận này cũng gợi nhớ ơn Quan Phòng lạ lùng, tức là bánh Man-na.

3. Bánh Man-na

Bánh Man-na có thể từ một thứ nhựa cây rỉ ra và đông cứng lại. Loại cây sa mạc thuộc gia đình liễu bách này, khi bị côn trùng chích vào, liền tiết ra một thứ nhựa và đông cứng lại trong khí lạnh ban đêm và khi mặt trời mọc lên những hạt nhựa này rơi xuống đất như những hạt nhỏ có vị mật ong. Đây là lương thực mới lạ mà dân Do thái bất ngờ gặp thấy cho đến lúc đó, vì thế tên gọi Man-na có nghĩa “Cái gì đây?” (Xh 16: 15). Từ đó, bánh Man-na là lương thực hằng ngày của họ cho đến cuối cuộc hành trình băng qua sa mạc. Thánh vịnh 78 gợi lên bánh Man-na là “bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi dịch “bánh của các thiên thần”. Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh Man-na sẽ là thức ăn của thời thiên sai. Đức Giê-su trình bày bánh Man-na là hình ảnh báo trước bánh ban sự sống đích thật, tức là Bánh Thánh Thể.

BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 16-17)

Cùng chung một bàn ăn, cùng chia sẻ một tấm bánh, tạo nên “tình liên đới” giữa những người đồng bàn. Nghi thức Thánh Thể là một nghi thức “đồng hội đồng thuyền”, “đồng sinh đồng tử”, “sống chết có nhau”. “Bánh Thánh Thể” không là bất cứ bánh nào mà người ta chia sẻ với nhau; “rượu Thánh Thể” cũng không là bất cứ rượu nào mà người ta chuyền tay cho nhau. Bánh mà người ta ăn, chính là “Thân Thể Đức Ki-tô”, rượu mà người ta uống chính là “Máu Đức Ki-tô”, nghĩa là thiết lập mối liên hệ vừa vật chất vừa mầu nhiệm giữa các tín hữu với nhau và với Đức Ki-tô. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất tuyệt vời. Đồng bàn với Đức Kitô, Chúa chúng ta, mọi người đều được dự phần vào cùng một thực tại siêu nhiên: nên một với Đức Ki-tô. Đức Ki-tô làm cho cộng đoàn Ki-tô hữu trở nên một thực thể duy nhất.

Đây là đạo l‎ý căn bản của thánh Phao-lô. Trong cùng thư gửi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh nhân khai triển chủ đề “liên đới” của mọi chi thể thành một thân thể với Đầu, Thủ Lãnh, là Đức Ki-tô, Ngài vừa nguyên l‎‎ý của sự sống vừa là nguyên lý của sự hiệp nhất: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27).

Thánh Phao-lô lại càng có l‎ý do nhấn mạnh sự liên đới này hơn nữa vì các tín hữu Cô-rin-tô chia rẽ nhau. Thánh nhân muốn cho họ hiểu rằng họ không chỉ liên đới với nhau thành một cộng đồng duy nhất, nhưng còn với các cộng đoàn khác thành một Giáo Hội duy nhất bất khả phân chia.

TIN MỪNG (Ga 6: 51-58)

Ngày hôm sau Đức Giê-su trở lại Ca-phác-na-um, ở đó Ngài gặp lại đám đông mà Ngài đã cho họ ăn no nê qua dấu lạ “hóa bánh ra nhiều”. Trên bờ hồ, Đức Giê-su bắt đầu ngỏ lời với họ (Ga 6: 26); sau đó, trong hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6: 59), Ngài hoàn tất bài diễn từ của Ngài, được gọi là diễn từ về “Bánh Hằng Sống”.

Bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống” (6: 26-58) được chia làm hai phần. Phần thứ nhất (6: 26-51b) được gọi là “diễn từ về Lời Chúa”, trong đó Đức Giê-su tự giới thiệu Ngài là “Lời từ trời xuống ban sự sống đời đời”. Phần thứ hai (6: 51c-58) được gọi là “diễn từ về Thánh Thể”, trong đó Ngài tự giới thiệu Mình và Máu Ngài là “của ăn đích thật ban sự sống đời đời”. Toàn bộ câu 51 đóng chức năng nối kết hai phần của một diễn từ: lời công bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” kết thúc diễn từ: “Bánh Hằng Sống là Lời Ngài”; lời công bố thứ hai: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” mở ra diễn từ: “Bánh Hằng Sống là Mình Ngài”.

Đoạn trích dẫn hôm nay là phần thứ hai của diễn từ “Bánh Hằng Sống là Mình Ngài”. Trong phần thứ nhất, Đức Giê-su đòi hỏi phải tin vào Ngài như điều kiện tiên quyết, bởi vì Mặc Khải mà Ngài sắp ban lạ lùng đến nỗi nó đòi hỏi, trước hết, “phải tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến” và “tín thác vào Lời Ngài”. Tiếp đó, Đức Giê-su không úp mở khai triển phần thứ hai, phần trọng điểm lời công bố của Ngài. Đây là đoạn Tin Mừng được trích dẫn vào ngày lễ “Mình và Máu Chúa Ki-tô”.

1. Bánh Hằng Sống Đức Giê-su ban chính là Mình và Máu của Ngài:

Trong suốt những lời tuyên bố gây kinh ngạc của Ngài: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”, Đức Giê-su không ngừng gợi lên nguồn gốc thiên giới của Ngài và tử hệ thần linh của Ngài. Chính vì Ngài đến từ Chúa Cha và nên một với Chúa Cha, mà Ngài có thể tự mình ban phát sự sống thần linh cho nhân loại: “Bánh tôi sẽ cho, chính là thịt tôi ban, để thế gian được sống”.

Những lời này rất gần với những lời mà Đức Giê-su sẽ công bố khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26: 26; Mc 14: 22; Lc 22: 14; 1Cr 11: 24). Chúng ta lưu ‎ý rằng thánh Gioan không dùng từ “sôma” (thân xác) như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng từ “sarx” (nhục thể, nhân tính), bởi vì từ “sôma” rất dễ hiểu lầm, quả thật, ‎ý nghĩa đầu tiên của từ “sôma” là xác chết, thây ma (x. Lc 17: 37). Với từ “sarx” này, thánh Gioan nối kết Bí Tích Thánh Thể với Mầu Nhiệm Nhập Thể (Ga 1: 14). Ngôi lời nhập thể để trở nên bánh ban sự sống. Mầu nhiệm Nhập Thể là căn nguyên của ơn cứu độ.

2. Khó mà tin được

“Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau”. Danh xưng “người Do thái” chung chung mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư. Danh xưng này được dùng để chỉ những người Do thái cứng lòng tin; trái lại, danh xưng “Ít-ra-en” được dành riêng cho những người gắn bó mật thiết với Đức Giê-su.

Quả thật, người Do thái càng tỏ thái độ nghi nan ngờ vực: “Ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”, Đức Giê-su càng nhấn mạnh hơn nữa. Lời công bố của Ngài càng trở nên thách thức hơn nữa, vì Ngài không chỉ kể ra thịt của Ngài mà còn cả máu của Ngài nữa: “Quả thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống nơi mình…”

Đối với những người Do thái nghi nan ngờ vực, lời công bố này không thể nào tin được, nhưng còn quá kỳ chướng. Như chúng ta biết, dân Do thái bị nghiêm cấm triệt để không được ăn máu bởi vì máu là trung tâm sự sống được dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế, trong mỗi hy tế, máu phải được dâng hiến trọn vẹn lên Thiên Chúa.

Theo cách thức này, Đức Giê-su loan báo tính cách hy tế của Thánh Thể, cũng như mối hiệp nhất khả phân giữa ân ban thịt và máu của Ngài với cuộc Tử Nạn của Ngài.

3. Thịt và máu “Con Người”

Nhưng ở bên kia cuộc Tử Nạn của Ngài, Đức Giê-su gợi lên cuộc siêu tôn của Ngài khi quy chiếu đến danh xưng “Con Người”: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời” (6: 53). “Thịt và máu Con Người” thuộc trật tự khác với trật tự trần thế: Đức Giê-su sẽ ban cho nhân loại “thịt và máu” của Ngài làm lương thực, chính là “Thân Thể vinh hiển” của Ngài. Sau diễn từ này, Ngài cũng sẽ quy chiếu theo cùng một cách như vậy khi ngỏ lời với các môn đệ đang xầm xì về vấn đề này: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62).

Như vậy, khi loan báo ân ban Thánh Thể một cách hiện thực và khá mạnh bạo, Đức Giê-su thử làm cho hiểu rằng ân ban này sẽ được trình bày một cách mầu nhiệm, hoàn toàn đặc biệt (được ẩn dấu dưới kiểu nói: “bánh hằng sống từ trời xuống”).

4. Lời hứa ban sự sống

Về thành quả của Bí Tích Thánh Thể, điểm nhấn được đặt trên sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy được sống lại… Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Qua lời này, Đức Giê-su khẳng định cách rõ ràng sự sống siêu nhiên và ‎ý nghĩa cánh chung của nghi thức Thánh Thể.

5. Hiệp thông mật thiết và nội tại

Lời công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”, gợi lên sự hiệp thông mật thiết đến độ không gì có thể sánh ví được. Động từ “ở lại” là một động từ tâm đắc của thánh Gioan, qua đó thánh k‎ý diễn tả tính thường hằng của sự sống siêu nhiên luân chuyển trong mỗi Ki-tô hữu, một cách nào đó, tính nội tại của Vương Quốc.

6. Lễ Vượt Qua sắp đến

Dấu lạ “hóa bánh ra nhiều” và diễn từ “Bánh Hằng Sống” được thánh Gioan xác định ngay từ đầu: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái” (Ga 6: 4). Đó là l‎ý do tại sao có đông đảo người ở Ca-phác-na-um. Từ khắp nơi, người ta quy tụ với nhau ở đây để theo từng nhóm hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Như vậy, chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su ban cho đám đông Mặc Khải gây xôn xao của Ngài. Trong Tin Mừng thứ tư, lễ Vượt Qua sắp đến này là lễ Vượt Qua áp chót của Đức Giê-su. Vào lễ Vượt Qua năm tới, Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài khi thiết lập lễ Vượt Qua đích thật của Ngài, lễ Vượt Qua của Ki-tô giáo.

home Mục lục Lưu trữ