Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1361928
NIỀM TIN
NIỀM TIN
Có năm anh mù sờ vào một con voi. Anh thứ nhất sờ vào cái bụng thì bảo con voi giống như một bức tường lớn. Anh thứ hai sờ vào chiếc ngà thì bảo con voi giống như một thanh gươm cùn. Anh thứ ba sờ vào cái vòi thì bảo con voi giống như một con đỉa khổng lồ. Anh thứ thứ tư sờ vào cái tai thì bảo con voi giống như một chiếc quạt nan. Anh thứ năm sờ vào cái đuôi thì bảo con voi giống như một sợi dây thừng.
Câu trả lời của mỗi người đều đúng theo quan điểm riêng của mìnnh. Chỉ nhờ đối thoại chung với nhau, họ mới có được một cái nhìn sáng suốt và một hình ảnh đầy đủ để hiểu biết con voi thực sự là như thế nào mà thôi.
Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Người Do Thái có một cách hiểu về Ngài. Người theo Hồi giáo có cách hiểu thứ hai. Người theo Phật giáo có cách hiểu thứ ba. Người theo Ấn độ giáo có cách hiểu thứ tư. Và các Kitô hữu có cách hiểu thứ năm.
Như vậy, phải nhờ đến đối thoại chung với nhau, người ta mới có thể đạt được một cái nhìn đầy đủ hơn về Thiên Chúa.
Thế nhưng, tại sao các Kitô hữu lại dám xác quyết rằng mình có một cái chính xác về Thiên Chúa hơn bất kỳ một tôn giáo nào?
Câu trả lời dĩ nhiên phải được đặt nền tảng trên đức tin. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố: Ngài biết Thiên Chúa bằng một cách thức tuyệt vời mà không vị lãnh đạo tôn giáo nào dám mơ tưởng đến.
Hơn thế nữa, Ngài còn đồng hóa mình với Thiên Chúa. Điều này không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào dám làm.
Chẳng hạn qua đoạn Tin mừng hôm nay, Ngài đã xác quyết với Philipphê:
- Ai thấy Ta là thấy Cha.
Nơi khác Ngài cũng nói:
- Cha Ta và Ta là một.
Nếu quả thực đúng như vậy, thì chúng ta, những người Kitô hữu đã có được một cái nhìn thật chính xác về Thiên Chúa hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác trên mặt đất này.
Thực vậy, chỉ mình Chúa Giêsu mới dám nói:
- Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta.
Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám bảo:
- Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta.
Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám xác quyết:
- Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ có ánh sáng ban sự sống…Ai theo Ta, sẽ không bao giờ phải bước đi trong tăm tối.
Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám công bố:
- Ai tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết, nhưng sẽ có sự sống đời đời… Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.
Vậy Đức Kitô là ai?
Đây cũng là vấn đề mà chính Ngài đã đưa ra cho các môn đệ:
- Người ta bảo Thày là ai?
Các ông thưa:
- Người thì bảo là Gioan tiền hô, là Elia, là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó.
Và Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi cân não, đòi buộc các ông phải dứt khoát lập trường và tuyên xưng đức tin của mình:
- Còn các con, các con bảo Thày là ai?
Thánh Phêrô đã thay mặt cho nhóm mười hai đã dứt khoát lập trường và tuyên xưng đức tin của mình:
- Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Và Chúa Giêsu liền tỏ cho Phêrô được hay:
- Phúc cho con, không phải do xác thịt hay máu huyết, nhưng do Cha Thày, Đấng ngự ở trên trời đã tỏ cho con biết.
Lời xác quyết này có nghĩa là chân lý này đến với thánh Phêrô không phải từ bất cứ ai, mà từ chính Chúa Cha, Đấng đã trực tiếp mạc khải cho thánh Phêrô.
Là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa, ngay từ hồi còn tấm bé, chúng ta đã xác tín Ngài là Con Thiên Chúa và chúng ta cũng đã tin vào Ngài.
Thế nhưng, điều quan trọng hơn, đó là chúng ta phải biến niềm tin thành việc làm, biến xác tín thành cuộc sống, bằng cách tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, nhờ đó chúng ta thực sự tuyên xưng Ngài trong thẳm sâu cõi lòng cũng như làm chứng về Ngài trong lòng cuộc đời chúng ta đang sống.
58.Đường tình yêu
Đức Khổng Tử trong giờ phút lâm chung cho gọi thầy Tăng Tử là môn đệ mà ngài đặt nhiều tin tưởng, đến bên giường bệnh và nói:
- Này Tăng Tử con ơi! Trước giờ thầy nhắm mắt lìa đời, con có điều gì thắc mắc về những lời ta đã cùng con thảo luận?
Thầy Tăng Tử đáp:
- Bạch Thầy, thầy quả là bậc chí nhân quân tử. Những lời thầy đã chỉ dạy làm cho chúng con thấy khó mà thực hiện cho trọn vẹn.
Đức Khổng Tử mới nói:
- Này Tăng Tử, trong các điều ta đã giáo huấn có điều đúng, có điều sai. Nhưng có một cái mà ta chắc chắn không bao giờ sai đó là điều ta không biết!
Đức Khổng Tử là bậc thánh hiền, học thuyết của ông đã ảnh hưởng đến bao đời, thế mà trước lúc lâm chung, ông phải tự nhận là mình không biết gì. Khác với Khổng Tử là người chỉ đường Đức Giêsu chính là con đường. Trước khi lìa các môn đệ để về cùng Cha, Người đã khẳng định:”Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Đức Giêsu chính là Đường, dẫn chúng ta đi từ nhịp cầu đau khổ đến bến bờ vinh quang, từ cõi chết trở về cõi sống, từ đời sống tạm bợ tới cuộc sống vĩnh hằng, từ trần gian tục lụy về quê hương thiên đàng.
Đức Giêsu chính là Sự thật. Sự thật tuyệt đối, sự thật về một Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
Đức Giêsu chính là Sự sống. Sự sống vĩnh cửu, sự sống từ cung lòng Cha ban cho mọi loài được sống. Sự sống đã giải thoát con người khỏi chết muôn đời. Người chính là Đấng cứu độ duy nhất. Cũng như “Mọi con đường đều dẫn tới Rôma”, thì mọi con đường cứu độ đều phải dẫn đến con đường Giêsu. Tất cả loài người đều được cứu độ nhờ danh của Người, kể cả những con người không biết Người, nhưng sống theo lương tâm ngay lành, đều được Người ban ơn cứu độ. Sách Công vụ Tông đồ viết:”Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ”.
Con đường của Người là đường phục vụ, đường yêu thương. Vì thế những ai muốn đi trên con đường của Người cũng phải dấn thân phục vụ anh em, và tận tình yêu thương con người.
Con đường của Người là đường thánh giá, đường đau khổ. Vì thế những ai bước đi trên con đường ấy cũng phải dám hy sinh bản thân, và sẵn lòng chịu khổ vì danh Đức Giêsu.
Hy sinh bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng. Với tình yêu, những khó khăn kia dường như nhỏ lại, những vất vả như bị xóa nhòa. Lòng chúng ta lại thấy vui hơn, cuộc đời thênh thang rộng mở.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về với Chúa Cha trong vinh quang sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Xin cho chúng con cũng biết đi trên con đường của Chúa, là yêu thương phục vụ anh em, để cuối con đường thập giá và đau khổ chúng con được hợp hoan với Chúa trong vinh quang nước trời.
59.Khuôn mặt Thiên Chúa
Nếu gom các hình vẽ, các bức tượng Chúa lại để so sánh, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa có nhiều khuôn mặt khác nhau, tùy theo sự tưởng tượng của các họa sĩ và của các nhà điêu khắc.
Từ ghi nhận này, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh Thiên Chúa mà mỗi người khắc họa cho đời mình. Thiên Chúa chỉ có một, nhưng mỗi người lại hình dung về Người một cách khác nhau, tùy theo sự suy nghĩ và sở thích riêng của mình chứ không hẳn đã đúng như hình ảnh đích thực của Người. Đây là điều rất quan trọng, bởi chính cái nhìn của ta về Thiên Chúa sẽ chi phối và ảnh hưởng đến niềm tin cũng như cách sống đạo của ta. Ta có thể đưa ra một vài thí dụ:
- Người Do thái đã hình dung Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối nên Người hoàn toàn tách biệt với những gì phàm tục và tội lỗi. Từ quan niệm này họ cũng nghĩ rằng: Nếu muốn là con cái Chúa, người cũng phải sống tách biệt như vậy. Điều này đúng, nhưng không đúng ở chỗ nhân danh Thiên Chúa toàn thiện, người ta coi khinh và loại trừ những người tội lỗi, là những người rất cần đến sự nâng đỡ của mọi người. Vả lại, Thiên Chúa dù ghét tội lỗi nhưng lại rất yêu thương các tội nhân và muốn họ được cứu thoát.
- Có những người hình dung Thiên Chúa là một ông thẩm phán khắc nghiệt, chỉ biết dò xét tội lỗi của con người để trừng phạt. Nghĩ về Thiên Chúa như thế nên họ sống đạo, họ giữ lề luật chỉ vừa đủ để khỏi bị phạt. Và nghĩ về Thiên Chúa như thế, nên khi thấy một người gặp tai ương hoạn nạn, họ cho rằng đó là người tội lỗi. Quan niệm rằng: Tai ương, hoạn nạn là hình phạt của Thiên Chúa vẫn còn ăn sâu nơi tâm trí của nhiều người.
- Có người lại tưởng Thiên Chúa là một ông quan thích tham nhũng hối lộ. Vì thế, họ xin lễ, họ dâng cúng tiền bạc vào nhà thờ như để mua chuộc Thiên Chúa chúc lành cho những công việc của mình, kể cả những công việc mờ ám.
- Có người lại nghĩ Thiên Chúa chỉ là một ông thủ kho. Khi cần điều gì, họ đến gõ cửa xin Người mở kho để đáp ứng nhu cầu của họ. Nghĩ như thế nên đời sống đạo của những người này thu hẹp lại trong việc xin xỏ. Mà hầu hết chỉ là xin xỏ những nhu cầu vật chất. Nếu Thiên Chúa không đáp ứng điều họ yêu cầu, họ sẽ phản kháng, sẽ trách móc, thậm chí buông những lời xúc phạm đến Người.
- Có những người coi Chúa như một vị thần xa lạ, không liên hệ gì tới đời sống của họ, vì thế họ dửng dưng với Người…
Và còn rất nhiều cách nhìn khác về Thiên Chúa. Do đó, cũng có rất nhiều cách sống đạo, nhiều cách sống mối quan hệ đối với Thiên Chúa,
Ghi nhận những cách nhìn như thế về Thiên Chúa để thấy câu hỏi của ông Philipphê rất quan trọng:”Lậy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha”. Và câu trả lời của Chúa Giêsu còn quan trọng hơn:”Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu. Vì thế, cứ nhìn vào Đức Giêsu ta sẽ thấy được dung nhan đích thực của Thiên Chúa.-Nhìn Chúa Giêsu lân la với người tội lỗi để an ủi, để cứu vớt, ta sẽ biết Thiên Chúa không ruồng bỏ người có tội, nhưng yêu thương và tha thứ.
- Thấy Chúa Giêsu đến với những người nghèo khổ, những người đau ốm tật nguyền, ta biết Thiên Chúa là Đấng không vô tâm trước những nỗi thống khổ của kiếp người.
- Nhìn Chúa Giêsu thổn thức trước mộ ông Lagiarô, động lòng trắc ẩn trước cảnh người mẹ góa đi chôn xác con trai mình, thương cảm đám dân chúng bơ vơ đói khát như chiên không có người chăn, ta thấy Thiên Chúa gần gũi con người biết bao.
- Nhìn Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho các môn đệ, chiêm ngắm Chúa Giêsu quằn quại trên thập giá, ta biết Thiên Chúa yêu thương ta dường nào.
- Nghe Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết mình, ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa thích báo thù và trả oán…Vì Chúa Giêsu biểu lộ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, nên nếu muốn thấy Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, thì phải gần gũi và gắn bó với Chúa Giêsu.Chỉ khi có cái nhìn đúng về Thiên Chúa ta mới có được thái độ sống phù hợp với đạo làm con.
Chớ gì chúng ta không bị Chúa Giêsu trách cứ như Người đã trách cứ ông Philipphê: Con theo đạo biết bao lâu rồi mà vẫn chưa biết Thầy, chưa biết Cha ư?
60.Đường
Nhà tu đức học nổi tiếng của Ấn độ, cha An tôn Mê-lô có làm một bài thơ, nội dung như sau: “Một hôm lang thang trên phố, tôi thấy một cửa hiệu với hàng chữ: Tại đây có bán chân lý”. Tò mò tôi bước vào. Cô bán hàng niềm nở đón tiếp tôi và hỏi: “Ông muốn mua loại chân lý nào? Chân lý từng phần hay chân lý toàn diện?”. Tôi cho cô biết dĩ nhiên tôi đang đi tìm thứ chân lý toàn diện, thứ chân lý không pha trộn giả dối, thứ chân lý mà lý trí tôi phải đầu hàng vô điều kiện. Tôi muốn có chân lý đơn thuần và toàn diện.
Cô bán hàng nhìn tôi lắc đầu rồi chỉ sang một cửa hiệu khác, nơi có bán thứ chân lý mà tôi đang đi tìm. Người đàn ông đứng bán hàng nhìn tôi với lòng thông cảm. Ông chỉ cho tôi xem giá biểu của món hàng mà tôi muốn mua, rồi nói với tôi:”Thưa ông, giá của món hàng rất cao”. Đã cương quyết mua cho được chân lý toàn diện, tôi liền hỏi:”Giá bao nhiêu, xin cho tôi biết”. Người bán hàng trả lời:”Nếu ông muốn mua thứ chân lý này, ông phải trả bằng cả cuộc sống của ông”.
Tôi ra khỏi cửa hiệu, lòng buồn rười rượi. Tôi cứ nghĩ rằng tôi có thể mua chân lý toàn diện bằng giá rẻ. Thì ra tôi chưa sẵn sàng để đón nhận chân lý. Tôi vẫn chưa muốn cho đi cuộc sống của tôi. Tôi vẫn còn bám chặt vào những xác tín của riêng tôi”.
Bài thơ ngụ ngôn trên đây hẳn muốn nói lên thái độ của nhiều người trong chúng ta đối với Đấng tự xưng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta chưa tin tưởng đầy đủ và sống trọn vẹn cho Ngài. Vì thế, bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa, nhắc nhở chúng ta hãy khẳng định, hãy xác tín hơn nữa vào Chúa Giêsu.
Tất cả chúng ta đều biết ý nghĩa của con đường. Dù đó là xa lộ hay con đường mòn, đều có mục đích là để đi. Đường là để đi, nghĩa là đường sẽ dẫn đến nơi nào đó, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú. Do đó, người nào dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến nơi cư trú của mình. Vì vậy, chúng ta phải xác định với lòng mình rằng: Cuộc sống hôm nay ở trần gian là đường đưa đến một quê hương khác. Nếu cuộc sống hôm nay không phải là cùng đích, mà chúng ta lại chọn làm nơi cư trú, tức là chúng ta không lên đường đến nơi chúng ta phải đến. Sống ở đời, ai cũng phải lên đường. Đời là cõi rộng mênh mông. Sống là đi. Nhưng đi về chốn nào? Trong cõi rộng mênh mông ấy, đâu là đường?
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta biết: “Ta là Đường, Là Sự Thậ và là Sự Sống”.Nghĩa là đường của cuộc đời chúng ta đi là Chúa, những gì chúng ta đang thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của chúng ta. Khi Chúa nói Chúa là Sự Sống, có nghĩa là Chúa là hạnh phúc chúng ta đang túng thiếu. Khi Chúa nói Chúa là Đường, có nghĩa là để dẫn chúng ta tới hạnh phúc đó. Như vậy, Chúa là cùng đích và cũng là phương tiện dẫn tới cùng đích. Chúa là hạnh phúc và cũng là đường dẫn tới hạnh phúc. Chúa là con đường duy nhất, nhưng mỗi người chúng ta lại đi trên đường theo cách riêng của mình, hay mỗi người chúng ta lại có riêng đường đời của mình, nghĩa là mỗi người có một cuộc sống riêng, nên không đường của ai giống đường của ai, và vì thế nỗi lòng của mỗi người cũng khác nhau. Quả thực, trên đường đi, chúng ta đã thấy có nhiều quán trọ. Có quán cho chúng ta bóng mát. Có quán bảo chúng ta đừng đi. Mệt nhọc làm chúng ta dừng nghỉ. Chống đối, hiểu lầm, ghen tị, kết án làm chúng ta muốn bỏ cuộc. Và dường như nếu chúng ta càng dừng nghỉ thì chúng ta càng ngại đi. Nếu chúng ta càng làm quen với lười biếng thì chúng ta càng ngại ngùng trở về con đường mà Chúa muốn chúng ta sống. Rồi, đường đi cứ thế mà chậm thêm.
Rồi cũng trên đường đi, sao có nhiều quãng thật xấu, gồ ghề như quãng đường Chúa đi xưa. Hình ảnh đồi Sọ làm chúng ta tính toán, lưỡng lự. Có những quãng đường sao mà tối tăm làm chúng ta hồ nghi không biết có phải là đường thật không? Đây là lúc chúng ta phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu. Và cũng là lúc chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ đủ thứ. Nên Chúa đã dặn:”Đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi”. Và những lúc như thế chúng ta vẫn nghe tiếng Chúa khuyến khích: Cứ đi đi, tuy khó khăn nhưng hứa hẹn cuối con đường là hạnh phúc. Chúa đang đợi chờ ở đó.
Đó là chân lý toàn diện chúng ta phải tìm kiếm và mua cho bằng được. Trần gian có sóng gió, đường về có dài lâu, cạm bẫy có giăng đầy, nhưng có Chúa, cùng với thiện chí của chúng ta, thì khó khăn mấy cũng vượt qua, đường dài mấy cũng phải tới, cạm bẫy thế nào cũng chẳng hề hấn gì. Cầu chúc ông bà anh chị em biết tuân nghe lời Chúa, cùng đi con đường hẹp, để rồi chúng ta sẽ lại gặp nhau ở cõi sống hạnh phúc.
61.Niềm tin
Trong suốt bữa tiệc ly, khi Đức Giêsu bắt đầu nói về cái chết của Người, thì các tông đồ liền bị rơi vào trạng thái khủng hoảng. Khi nghe tin này, tâm hồn họ xao xuyến và ngập tràn nỗi sợ hãi. Nhận biết lòng tin của các tông đồ sẽ bị thử thách nặng nề, nên Đức Giêsu đã cố gắng chuẩn bị cho họ đối đầu với cuộc thử thách này. Người nói với các ông:”Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và cũng hãy tin tưởng vào Ta”. Bởi vì các tông đồ đã tin tưởng, nên Đức Giêsu nói với họ “Anh em phải bước đi trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Ta”.
Trong những lúc bị đau khổ và khủng hoảng, người ta hay nghĩ rằng Thiên Chúa ruồng bỏ họ. Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các tông đồ rằng, mặc dù rời xa họ, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Nói đúng hơn, Người đang chuẩn bị một mái nhà cho họ, và sẽ trở lại đón họ vào nhà đó. Do đó, bất chấp điều gì diễn ra, bất chấp những khó khăn có thể xảy đến (và họ gặp nhiều khó khăn), họ vẫn phải tiến bước trong niềm tin tưởng, trong sự tín nhiệm vào Đức Giêsu và vào Chúa Cha. Đó là tất cả những điều họ phải làm. Tiến lên trong niềm tin tưởng, tiến lên trong sự tín nhiệm. Nói thì dễ hơn làm.
Nhưng khi gặp khủng hoảng, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là: Bước đi trong sự kiên quyết tín nhiệm nơi Thiên Chúa. Sự tín nhiệm là một điều vĩ đại nhất mà chúng ta có thể đem đến cho người khác. Vào thời điểm đó, chúng ta phải tin tưởng rằng bằng cách này hay bằng cách khác, mọi sự vẫn có mục đích của nó, và trong cảnh tối tăm, một tia sáng le lói sẽ xuất hiện.Lòng tin đích thực trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta trong lúc bị khủng hoảng. Chính cảm giác đó, chính niềm tin tưởng rằng chúng ta không bị cô đơn, không bị bỏ rơi, đem lại khả năng giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng.Nếu không có Thiên Chúa, chúng ta không thể hiểu nổi, và không thể chịu đựng nổi cuộc sống. Đó là lý do tại sao lòng tin vô cùng quan trọng. Khi Charlie Lansboro, một ca sĩ người Anh, trở thành người Công giáo, anh đã nói:”Tôi hoàn toàn tin tưởng. Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của tôi sẽ ra sao, nếu không có đức tin. Nhưng tôi phải mất nhiều thời gian, mới có được lòng tin này”.
Những ai có đức tin đều có được nguồn an ủi và niềm cảm hứng, đặc biệt khi gặp cảnh bối rối. Họ nhận biết rằng Thiên Chúa sẽ cư xử nhân hậu với họ cho đến tận cùng, cả trong thế giới này, lẫn trong thế giới mai sau. Không phải chúng ta giữ lấy đức tin, mà chính đức tin gìn giữ chúng ta.
“Người nào dù chỉ có đôi chút lòng tin nơi Thiên Chúa mà thôi, sẽ không bao giờ bị mất niềm hy vọng, bởi vì người đó tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của chân lý”
Như vậy, khi sự việc trở nên tồi tệ, chúng ta hãy lắng nghe những lời êm dịu của Đức Giêsu “Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và cũng hãy tin tưởng vào Ta”.
62.Mái nhà
Thật không thể nào cường điệu về tầm quan trọng của mái nhà. Có một lần tôi được nghe một quản giáo trại tù nói “Nếu bạn cho các tù nhân được quyền chọn lựa giữa việc trở về nhà, và ở lại trại giam, mà được cho ăn mặc sang trọng, có đầy đủ tivi màu, phòng tắm hơi, phòng uống rượu… thì sẽ không có một tù nhân nào không chọn lựa cách trở về nhà”.
Khi mọi sự đều thất bại, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và cô đơn, thì chúng ta luôn luôn có một mái nhà để trở về, và có rất nhiều trường hợp, chúng ta đã được người ta nói, hoặc chính chúng ta nói những câu này:”Chúng ta hãy trở về nhà”. “Tôi muốn trở về nhà”. Mái nhà là một nơi chúng ta được an toàn. Mái nhà là một nơi của sự hiệp thông. Nếu bạn nhận biết rằng mình đang trên đường trở về nhà, thì không bao giờ bạn cảm thấy cuộc hành trình quá lâu dài hoặc quá khó khăn nữa. Chúng ta phải đi ra thế giới bên ngoài, thì mới nhận biết được mái nhà của mình đáng yêu ra sao. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, nếu không có nhà để trở về, thì sẽ ra sao?
Nelson Mandela đã kể lại trong suốt những năm dài bị giam hãm tại đảo Robben, ông bị một cơn ác mộng lập đi lập lại ra sao. Ông nói:”Trong một giấc mơ, tôi mơ thấy mình được phóng thích khỏi nhà tù – chỉ có điều đó không phải là đảo Robben, nhưng là một nhà tù ở Johannesburg. Tôi bước ra bên ngoài cổng, rồi đi vào thành phố, và nhận ra là không có ai gặp tôi. Trên thực tế, ở đó không hề có ai, không một người nào, không có xe hơi, không có taxi. Rồi tôi đi bộ đến Soweto. Tôi đi bộ trong nhiều giờ, trước khi tới phía tây Orlando, và sau đó, tôi quẹo về hướng nhà số 8115. Cuối cùng, tôi nhìn thấy căn nhà của tôi, nhưng đó là một căn nhà trống rỗng, một căn nhà ma quái, với tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều mở toang, nhưng không hề có ai ở trong đó cả”.
Có một mái nhà, không nhất thiết mang ý nghĩa là phải có một căn nhà. Mà là phải có hàng loạt những mối dây ràng buộc thân thiết, với những người biết chấp nhận chúng ta vì chính con người của chúng ta, và tạo cho chúng ta cảm giác được thuộc về người đó. Nhưng bất kể tất cả những tòa cao ốc mà chúng ta đã dựng lên, và những gốc rễ mà chúng ta đã tạo ra, thì nơi đây, trên trái đất này, chúng ta vẫn không hề có được một mái nhà lâu bền. Như thánh Phaolô nói, tất cả những gì chúng ta có, chỉ là một thứ lều tạm bợ. Khi chúng ta chết đi, thì căn lều đó sẽ được gấp lại.
Do đó, chúng ta cần có một mái nhà, không chỉ ở trên trái đat này. Sau khi cái chết đã vén mở bức màn cuộc sống, chúng ta cũng cần phải có một mái nhà để trở về. Nếu không có một cuộc sống mới, ở trong một mái nhà khác, thì hành trình cuộc đời của chúng ta sẽ không đi đến đâu cả.
Trong suốt Bữa Tiệc ly, Đức Giêsu bắt đầu nói với các tông đồ về sự kiện Người sắp rời xa họ. Khi nghe biết tin đó, lòng các ông tràn ngập đau khổ. Nhưng Người đã an ủi họ bằng những lời sau đây, chắc chắn được coi là những lời nói đầy yêu thương nhất trong Tin mừng “Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ. Ta sắp sửa đến đó để chuẩn bị chỗ cho anh em. Ta sẽ trở lại để đón anh em đi với Ta; sao cho Ta ở đâu, thì anh em cũng sẽ được ở đó”. Điều này có nghĩa là chúng ta có một mái nhà vĩnh cửu để trở về, là nhà của Chúa Cha.
Đối với một đứa trẻ, mái nhà không hẳn là một nơi trú ngụ, cho bằng là một tương quan của yêu thương và tin tưởng. Một đứa trẻ có thể đi khắp mọi nơi, mà vẫn không hề cảm thấy mình không có nhà, miễn là có cha mẹ của bé cùng ở đó. Đây cũng là cảm giác của những người có tương quan thân thiết với Thiên Chúa.
Chúng ta trải qua cuộc sống của mình trong sự tìm kiếm Thiên Chúa, và dò dẫm lối đi của mình hướng về Người. Chết đi có nghĩa là tìm được Thiên Chúa, gặp gỡ Người, nhìn thấy Người.
Chết đi có nghĩa là trở về với Thiên Chúa, và trở về với Thiên Chúa nghĩa là trở về mái nhà của mình.
63.Trở về
Một lần kia, trên một bãi biển cách Dublin khoảng 40 dặm về phía Đông Nam, tôi nhìn thấy một người đàn ông lấy ra từ trong thùng xe của mình một cái sọt đựng chim bồ câu nuôi. Sau đó, ông ta mở sọt, và phóng thích chim. Chúng bay thẳng lên không trung. Tuy nhiên, thay vì quay đầu trực chỉ về hướng Dublin, là nơi ở của chúng, những con chim bồ câu lại cứ bay lòng vòng chung quanh chúng tôi. Chúng cứ thế vòng tới vòng lui. Đối với những người không hiểu điều gì sắp xảy ra, thì sự kiện này có vẻ như là ngớ ngẩn và mất thì giờ. Nhưng rõ ràng là những con chim bồ câu này đang tìm kiếm phương hướng của chúng. Một khi đã định hướng rồi, thì chúng ta sẽ bắt đầu lên đường trở về nơi ở của chúng. Ở nhiều loài chim, bản năng xác định được nơi trú ngụ là một điều kỳ lạ. Đối với một số loài, dường như đó là một bản năng gắn liền với chúng. Đối với những loài khác, chẳng hạn như chim bồ câu, thì chúng phải được huấn luyện. Yêu cầu cơ bản của việc huấn luyện là giữ cho chúng được sức khỏe tốt sao cho chúng có thể duy trì được khả năng bay. Sương mù, tuyết, mưa, và những luồng gió thổi ngược là các trở ngại mà chúng phải vượt qua.
Chúng ta cũng phải có một bản năng trở về nơi trú ngụ. Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta vì chính Người, đã không để mặc chúng ta không có phương hướng. Người đặt để nơi chúng ta một bản năng về quê hương. Đây là một điều rất tế nhị và mỏng giòn, bởi vì Thiên Chúa sẽ không bao giờ tước đoạt sự tự do của chúng ta. Bản năng này mang hình thức thao thức và không hài lòng. Sự thao thức, không hài lòng, khát vọng này không phải là tai họa, mà là một sự chúc lành.
Bản năng xác định nơi trú ngụ không cứu thoát loài chim khỏi nhu cầu phải đấu tranh chống lại mưa gió, tương tự như vậy, đức tin không hề che chở chúng ta khỏi những va chạm đầy khó khăn của cuộc đời và cái chết. Nhưng điều mà bản năng đó đem lại cho chúng ta, đó là biết cách xác định phương hướng. Bản năng này đem đến cho chúng ta khả năng sống trong thế giới, mà không đánh mất hoặc đầu hàng sự thất vọng. Bản năng này trấn an chúng ta rằng chúng ta có một mái nhà để trở về, và chỉ cho chúng ta phương hướng, để trở về mái nhà đó.
Trong suốt Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng Người sắp sửa rời xa họ, các ông đều đau khổ sâu xa. Nhưng Người đã an ủi họ bằng những lời sau đây, chắc chắn được coi là những lời nói đầy yêu thương nhất trong Tin mừng “Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ. Ta sắp sửa đến đó để chuẩn bị chỗ cho anh em. Ta sẽ trở lại để đón anh em đi với Ta; sao Ta ở đâu, thì anh em cũng sẽ được ở đó”.
Điều này có nghĩa là chúng ta có một mái nhà vĩnh cửu để trở về, nơi đó chúng ta sẽ được thỏa mãn tất cả những hy vọng của mình. Nhưng vẫn còn có vấn đề là phải làm sao để đi đến đó.
Nếu bạn đang ở trong một thành phố xa lạ, và hỏi thăm đường đi, thì người ta có thể nói là “Bạn hãy đi thẳng, cho đến khi đến một chốt đèn giao thông. Quẹo phải ngay chỗ ngọn đèn đó…” Đôi khi, cách chỉ dẫn quá phức tạp, đến nỗi bạn không thể nhớ được. Nhưng có thể bạn may mắn, khi gặp một người tử tế, người đó nói với bạn “Thật khó giải thích. Bạn cứ đi theo tôi, và tôi sẽ cho bạn đường đi”.
Con đường đến với Thiên Chúa gây trở ngại và bối rối cho nhiều người. Một số người đã quá bị bối rối, đến độ mất cả niềm hy vọng; một số người khác bị lạc mất phương hướng. Khi thánh Tôma hỏi Đức Giêsu “Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha”, thì Đức Giêsu đã không đưa ra nhiều phương hướng phức tạp. Thay vào đó, Người nói “Ta là Đường”. Thật vậy, Người còn nói “Hãy theo Ta, và Ta sẽ chỉ cho anh em biết đường đi”.
Trong khi chờ đợi, với Giáo Hội, chúng ta có một mái nhà thiêng liêng, được xây dựng trên nền đá tảng của Đức kitô (xem bài đọc 2). Ở đây, chúng ta có những anh chị em cùng đồng hành với chúng ta, trên cuộc hành trình tiến về mái nhà này, đó là quê hương nước trời.
Một người phụ nữ đang trở về Ailen cùng với chồng bà, sau ba năm sinh sống ở Úc. Khi gần đến nước Anh, bà đã gọi điện thoại cho mẹ của bà ở Dublin, bà cụ này sẵn sàng đón bà ngay tại tàu ở Dun Laoghaire. Bà đã nói với mẹ “Mẹ sẽ dễ dàng nhận ra con thôi. Con sẽ mặc một cái áo khoác màu đỏ tươi”. Khi nghe đến đó, bà mẹ nói “Con đừng ngớ ngẩn. Thế con nghĩ rằng mẹ sẽ không nhận ra con gái của mẹ sao?”.
Chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Bạn có nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ không nhận ra chúng ta, khi chúng ta trở về mái nhà của Người, sau hành trình cuộc đời không?.
“Chỉ những người nào bay về mái nhà của Thiên Chúa, mới có thể bay bổng được”.
64.Nẻo đường đích thật – Lm. Bùi Quang Tuấn
"Đường, Sự Thật, và Sự Sống chính là Ta. Không ai đến được với Cha mà không nhờ Ta" (Ga 14:6).
Bước vào trần gian để được sống kiếp con người không ai lại không khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Không một lãnh tụ của đất nước nào lại không đoan quyết với nhân dân những đường lối hấp dẫn, có thể đưa họ đến với chân trời hạnh phúc. Không một chính khách hay nhà đầu tư nào lại không hứa hẹn những tương lai rực sáng cho niềm khát mong nền tảng của con người là hạnh phúc. Thế nhưng trả lời cho thật đúng câu hỏi "hạnh phúc là gì" và "đi tìm hạnh phúc nơi đâu" lại không phải là một chuyện dễ dàng?
Đối với quan niệm của nhiều người, hạnh phúc là khi có việc làm ngon lành vững chắc, hạnh phúc là có vợ đẹp con khôn, hạnh phúc là tiền bạc đầy túi, hay danh vọng quyền lực đầy mình, ăn chơi thoải mái. Thế rồi điều người ta có hứa hẹn hay kiếm tìm không gì khác hơn là làm sao cho đời mình có nhiều danh vọng, quyền lực, tiền bạc, của cải, sắc đẹp.... Cứ càng nhiều càng tốt. Càng nhiều càng thấy "hạnh phúc."
Từ quan điểm đó con người cũng sẽ dễ đi đến kết luận: ai bị nghèo túng, đau buồn, đói khổ, yếu đuối, chèn ép là bất hạnh, vô phúc.
Ấy thế mà trong Hiến Chương Nước Trời, bài giảng đầu tiên của cuộc sống công khai, Đức Giêsu lại công bố một sứ điệp hoàn toàn mới và đầy vẻ nghịch lý: phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó; phúc cho những ai đau buồn; phúc cho những ai đói khát; phúc cho những ai sống trong sạch; phúc cho những ai bị bách hại, đánh đập, khủng bố vì sự công chính.
Trong số báo Time đầu năm 2002 có nói đến Cliff Baxter, một nhân vật cao cấp trong tổ hợp kinh tài năng lượng Enron, người đang có trong nhà băng hàng triệu đôla, đang có vợ đẹp con khôn, đang có căn nhà đáng nhà 700 ngàn, thế mà tuần trước Baxter đã lái chiếc xe Mercedes mới mua 80 ngàn đôla của mình đến một con đường nhỏ, rút súng bắn vào đầu một phát để kết thúc cuộc sống mà có lẽ anh cho là không hạnh phúc bằng cái chết.
Cứ tưởng vừa giàu có sang trọng vừa được nhiều người mến mộ thì hạnh phúc lắm. Thành ra quan niệm về hạnh phúc của con người không có gì là bảo đảm chắc chắn hết.
Vậy cái gì có thể bảo đảm mang hạnh phúc cho tôi đây? Nghèo khổ, đói khát, thương đau à?
Xin thưa: Cội nguồn mang lại hạnh phúc đích thực và vững chắc cho con người chính là Thiên Chúa, và là Thiên Chúa hiện thân trong Đức Kitô. Cốt lõi của hạnh phúc không phải là cái nghèo, đói khát, khổ đau, nhưng là Nước Trời, là Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rõ lắm: Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ; phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được Nước Chúa làm cơ nghiệp; phúc cho ai trong sạch vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa; phúc cho ai ăn ở thuận hoà vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa...
Phải là như thế, chứ nghèo khổ hay đói khát mấy mà không có Chúa, không có Nước Trời thì đó là hoả ngục chứ phúc gì! Cho nên cần phải hiểu cho đúng giá trị của nẻo đường dẫn đến Thiên Chúa. Người nghèo khổ, đói khát, ưu phiền, trong sạch, chịu bắt bớ được gọi là có phúc vì họ rất gần Chúa, rất dễ gặp được Chúa, bởi vì Chúa đã đến trong thân phận giống như họ.
Chúa Giêsu đã đến trong thân phận của một người nghèo, và rất nghèo. Sinh ra trong chuồng súc vật, sống không có nơi gối đầu, chết trần truồng trên thập giá.
Chúa Giêsu không những nghèo mà Ngài còn hiền lành, khiêm nhường. Hiền lành khiêm nhường đến nỗi không có hạng người thấp kém hay tội lỗi đến đâu mà Ngài không tiếp nhận, ủi an, và thương xót.
Chúa Giêsu còn là một con chiên tinh tuyền, trong sạch, chịu hành hạ, bắt bớ, và chịu chết để mang lại niềm hy vọng hân hoan và sự sống phong phú, sâu xa, trường tồn cho con người.
Có điều là lắm khi con người chỉ đi tìm những sự sống nông cạn và nhất thời của thế gian mà quên đi những giá trị thiêng liêng và vĩnh hằng của Nước Trời mà Đức Giêsu mang đến. Phải chăng chính vì thế mà lắm người đã không cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực trong cuộc đời. Có những người đã tìm được rất nhiều tiền, đạt được nhiều danh vọng, trải qua biết bao nhiêu lần hưởng thụ xác thịt, nhưng vẫn cảm thấy cuộc đời hụt hẫng, trống vắng vô cùng. Tại sao? Phải chăng vì họ chưa kiếm tìm Thiên Chúa? Phải chăng vì họ chưa biết tựa nương vào nền tảng vững chắc duy nhất là Đức Giêsu, "Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống"?
65.Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống
(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Lời từ giã của Chúa trong bữa Tiệc ly với các tông đồ, để lại cho các tông đồ một nỗi đau buồn man mát, khiến các ông xuống tinh thần. Vì thế trong Phúc âm hôm nay Chúa dùng những lời lẽ khích lệ để an ủi các ông: Lòng các con đừng lo lắng bối rối. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và hãy tín nhiệm nơi Thầy (Ga 14,1). Qua các tông đồ, Chúa cũng muốn ta đặt tin tưởng vào lời Chúa, phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, ta lại tiếp tục đi theo đường lối riêng của mình. Quan sát bản thân, ta thấy tin tưởng là cái gì ta học được bằng kinh nghiệm. Ta không thể biết được rằng ta có thể tin tưởng vào người khác trong những vấn đề quan trọng, nếu ta không biết họ, và không tin họ trong những việc nhỏ. Tuy nhiên trong cái mối liên hệ với Chúa, ta chỉ tìm đến Chúa khi gặp vấn đề khó khăn, nan giải. Ta muốn tự giải quyết những vấn đề hàng ngày mà không cậy nhờ đến Chúa, không cầu xin Chúa Giúp. Ta chỉ kêu cầu đến Chúa, khi nào ta gặp thất bại, khi ta bị dồn vào thế bí, để xem ra may ra Chúa có giúp được gì không? Còn ngoài ra ta lãng quên Chúa. Ta đóng Chúa vào hộp.
Cũng như các tông đồ cảm thấy buồn khổ, xuống tinh thần, khi được biết Chúa sắp từ giã họ về Trời, có những khi ta cảm thấy như là Chúa đi sắng, hay còn hồ nghi sự hiện diện của Chúa. Có lẽ không ai đến nhà thờ hôm nay có được đời sống thanh thản không gặp khó khăn, trắc trở hay bệnh tật. Đời sống ta chồng chất những phiền muộn, lo âu, sợ hãi, chán nản. Đứng trước những vấn nạn và trắc trở của cuộc sống, ta tự hỏi tại sao Chúa để gian nguy, khốn khó xẩy đến cho bản thân và gia đình? Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào cuộc sống, ta sẽ thấy những cảnh gian nguy, khổ cực có thể là những thử thách mang lại ơn phúc lộc. Nhìn bằng con mắt đức tin, những khó khăn trắc trở của cuộc sống sẽ giúp ta xích lại gần Chúa trong lời cầu nguyện.
Từ giã các tông đồ về Trời, nhưng Chúa không bỏ họ, mà vẫn ở lại với các tông đồ bằng ơn thánh, bằng sức mạnh thiêng liêng. Chúa còn hứa: "Thầy sẽ trở lại đón các con về cùng Thầy, để cốt cho Thầy ở đâu, các con cũng được ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi" (Ga 14,3-4). Đến đây, thánh Tôma liền thắc mắc là Ông không biết đường. Chúa Giêsu đáp: "Thày là đường, là sự thật, và là sự sống" (Ga 14:6). Cái vấn nạn của Ông Tôma nói lên cái tính vô tư của các tông đồ. Họ đã theo Chúa ba năm, nghe lời Chúa giảng dạy, chứng kiến phép lạ Chúa làm mà họ vẫn chưa nhận thức được rằng, qua Chúa Giêsu là họ được đến với Chúa Cha. Còn thánh Philiphê thì cũng cá mè một lứa. Ông ta xin Chúa để cho Ông thấy Chúa Cha. Chúa Giêsu bảo Ông Philiphê là Ông ta đã thấy Thiên Chúa Cha bằng việc xem thấy Chúa Con rồi.
Chúa vẫn ở lại với ta, đồng hành với ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Nếu ta đi lầm đường lạc lối, Chúa hứa chỉ đường cho ta trở về với Chúa qua Thánh Kinh, qua Giáo Hội. Thiên Chúa là đấng hướng dẫn đời sống con người vì Người nhấn mạnh Người là đường lối.
Suốt 40 năm trong sa mạc, Maisen đã tìm đường tới đất hứa, và Ông đã lạc lõng trong sa ở Sinai. Tuy nhiên bây giờ Chúa khẳng định chính Người là đường. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, nhiều triết gia và học giả đã cố công đi tìm sự thật.
Nhưng bây giờ Chúa phán chính Người là sự thật. Không những Người giảng dạy sự thật bằng lời nói mà còn bằng gương sáng. Chúa Giêsu còn xác nhận Người là sự sống: sự sống vĩnh cửu được chuộc bằng giá tử nạn và phục sinh của Người. Để đáp lại những khát vọng và những lời cầu xin của loài người qua nhiều thế hệ, Chúa công bố Người là hiện thân của cả ba cùng đích: là đường, là sự thật, và là sự sống.
Trong thời Trung cổ, tác giả Gương Chúa Giêsu thêm những lời lẽ sau đây vào miệng Chúa: Ta là đường mà ngươi phải bước theo, là sự thật mà ngươi phải tin tưởng, là sự sống mà ngươi hằng hi vọng.
66.Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. "Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em". Câu này có ý nghĩa gì? Đức Giêsu đi đâu? Dọn chỗ là gì và dọn ở đâu?
2. "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở", Câu này có ý nghĩa gì? Trên thiên đàng nơi sống đời đời hạnh phúc có dung nạp đủ mọi hạng người đầy tính đa dạng và khác biệt như ở trần gian không?
3. "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha". Có thể thấy Chúa Cha hay Đức Giêsu gần gũi và cụ thể nhất ở đâu?
Suy tư gợi ý:
1. "Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà Cha Thầy"
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho biết Ngài "đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà Cha Thầy". Đây là một trong những lời cáo biệt của Ngài với các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thật giá. Vì thế, chữ "đi" ở đây có nghĩa là đi vào đau khổ và cái chết. "Dọn chỗ cho anh em … trong nhà Cha Thầy" có nghĩa là chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Như vậy, Đức Giêsu đã dùng sự đau khổ và sự chết để chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Nói cách khác, nhờ đau khổ và cái chết, Ngài trở thành con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Ngài đã phải đau khổ và chết mới có thể đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Phần chúng ta, để hưởng được sự sống đời đời ấy, chúng ta cũng phải góp một phần nào hy sinh và đau khổ của mình vào khi quyết tâm sống phù hợp với sự đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu ở đây là tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ thể hóa thành tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu luôn đòi hỏi phải được chứng tỏ cụ thể bằng đau khổ và hy sinh. Không chấp nhận đau khổ và hy sinh cho ai hết có nghĩa là không yêu ai cả. Nhưng yêu cũng là … chấp nhận sự khác biệt của người mình yêu.
2. "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở"
Đức Giêsu phải chịu đau khổ và chết không phải chỉ để cứu rỡi hay đem lại sự sống đời đời cho một mình ta, hay nhóm của ta, cộng đoàn của ta, Giáo Hội của ta, hoặc những người có cùng khuynh hướng với ta. Ngài muốn cứu tất cả mọi người, mọi khuynh hướng, mọi cộng đoàn, mọi tập thể… khác nhau. Thánh Phao-lô viết: "Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). Điều đó đã được Đức Giêsu tỏ cho biết trong câu: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở". "Nhiều chỗ ở" có nghĩa là dung nạp được nhiều: nhiều người, nhiều chủng tộc, màu da, khuynh hướng (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, tôn giáo…).
Nhìn trong thế giới tự nhiên này, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là đủ loài đủ kiểu, rất khác biệt nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Hãy thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất?
Thế giới tuy đa dạng và đầy khác biệt, các loài các vật trong đó vẫn luôn luôn hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Nếu thế giới tự nhiên đầy bất toàn này mà còn phong phú đa dạng như thế, còn có sự hài hòa giữa những khác biệt như thế, thì sự sống đời đời hay thiên đàng, là một thực tại hoàn hảo, ắt nhiên phải phong phú, đa dạng và nhất là hài hòa hơn biết bao!
Vì thế, ngay ở đời này, chúng ta cũng cần trang bị cho mình một tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt nơi những người chung quanh chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người và vạn vật đầy khác biệt như thế. Vì thế, mọi thành viên của Thiên Đàng đều phải có khả năng chấp nhận khác biệt rất cao độ để sự hài hòa giữa những khác biệt ấy trở nên hoàn hảo. Điều ấy đòi hỏi họ phải có tình yêu và lòng bao dung cao độ. Nếu không có tình yêu và lòng bao dung, thiên đàng không còn là thiên đàng nữa, sự sống đời đời không còn là hạnh phúc nữa.
Nếu ta đang giận hờn ai, không muốn nhìn mặt ai, ghét cay ghét đắng ai, và chủ trương không thể sống chung với họ, không thể cùng đội chung một bầu trời với họ, v.v…, hãy tự hỏi: nếu cả hai gặp nhau trên thiên đàng, ta sẽ đối xử với người ấy thế nào? Người ấy cũng được Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương, cứu chuộc, tha thứ như ta. Nếu lúc ấy ta không thể nhìn người ấy với tình yêu thương anh em, thì chính ta là người không xứng đáng ở thiên đàng. Với sự thù hận và ác cảm ấy, ta chỉ làm cho thiên đàng bị ô nhiễm và không còn là nơi hạnh phúc nữa. Ta đáng ở một nơi khác không phải là thiên đàng. Vì thiên đàng chỉ thích hợp với những con người tràn đầy yêu thương. Vậy, muốn là công dân của thiên đàng, thì ngay ở trần gian này, hãy tập yêu thương và sống hài hòa với những người khác biệt chúng ta. Muốn thế, ta phải nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.
3. "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha"
Câu nói ấy của Đức Giêsu chắc hẳn đã làm cho các tông đồ hết sức ngạc nhiên. Thấy Đức Giêsu cũng chính là thấy Chúa Cha, vì Đức Giêsu chính là hiện thân, là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Người ta có thể thấy được tình yêu của Chúa Cha qua tình yêu của Đức Giêsu, thấy được vẻ đáng yêu của Chúa Cha qua sự đáng yêu của Đức Giêsu, v.v… Và một cách nào đó, Đức Giêsu cũng chính là Chúa Cha, vì cả hai cùng là một Thiên Chúa duy nhất. Các tông đồ có diễm phúc nhìn thấy Đức Giêsu, sống với Ngài, cảm nghiệm Ngài, nên cũng là nhìn thấy, sống với và cảm nghiệm chính Thiên Chúa Cha.
Còn chúng ta, chúng ta không có diễm phúc ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tình yêu và đức tin, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay Đức Giêsu nơi bất cứ người nào ta gặp trong cuộc đời. Cho dù người ấy là ai, thương ta hay ghét ta, làm lợi cho ta hay hại ta, thánh thiện hay tội lỗi, dễ thương hay dễ ghét, miễn họ là con người, thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa với nhiều mức độ trung thực khác nhau. Đức Giêsu muốn ta yêu thương họ, bất kể họ thế nào, bất kể họ khác biệt ta đến mức độ nào, vì chính Ngài cũng yêu thương họ, muốn cứu chuộc họ, phục vụ họ. Ngài đã tự đồng hóa Ngài với họ đến nỗi ai làm gì cho họ thì cũng là làm cho chính Ngài, không làm cho họ thì cũng là không làm cho chính Ngài (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16). Ngài cũng rất ước muốn được yêu thương họ bằng trái tim ta, nói với họ, an ủi họ bằng miệng lưỡi ta, và làm việc cho họ, phục vụ họ bằng đôi tay của ta. Ngài chỉ thực hiện được ước muốn đó nếu ta cho phép và hợp tác với Ngài. Vậy bạn có muốn Ngài dùng bạn như một khí cụ để yêu thương của Ngài không?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhà Cha có rất nhiều chỗ có thể dung nạp được rất nhiều người với rất nhiều khuynh hướng khác biệt. Xin Cha cho tâm hồn con, lòng trí con cũng có nhiều chỗ để có thể dung nạp được tất cả mọi người là anh chị em con, với nhiều khuynh hướng, tính khí, chủ trương khác nhau. Xin cho con biết chấp nhận mọi người như họ đang là, để yêu thương họ bất chấp họ như thế nào. Xin cho con yêu thương họ giống như Cha đã yêu thương họ và đã yêu thương con. Amen.
67.Suy niệm của Lm. Trần Nguyên
Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.
Nhân đọc chứng từ của cụ Đỗ Duy Huỳnh về những ngày tù gian khổ của cụ và Đức H.Y. P.X. Nguyễn Văn Thuận ở trại giam Vĩnh Quang, tôi thấy càng thêm lòng kính trọng một nhân chứng của niềm hy vọng. Thiết nghĩ đây cũng là lẽ sống và gương sống sáng chói nhất của Đức H. Y.
Nuôi được niềm hy vọng trong cuộc sống lao tù giữa hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trở thành nguồn hy vọng và nâng đỡ tinh thần cho người khác trong lúc chính tương lai của mình cũng bị bao phủ bằng một màn đen dầy đặc. Thiết nghĩ nếp sống và những hành động đó xuất phát từ sức mạnh tinh thần của một bậc vĩ nhân.
Gương sáng của chứng nhân niềm hy vọng này giúp tôi hiểu rõ hơn đoạn Tin mừng dành cho Chúa nhật hôm nay. Chúng ta đã mừng đại lễ Phục sinh được 5 tuần, nhưng bài Tin mừng dẫn chúng ta ngược dòng thời gian trở về khung cảnh buổi Tiệc ly để nghe những lời trăng trối của Đức Giêsu:
Đây là một trong những lời trấn an và nâng đỡ tinh thần mạnh mẽ nhất trong toàn bộ Phúc âm. Nhưng chúng ta không khỏi tự hỏi: Nghe những lời này trong hoàn cảnh chúng ta đang sống hiện nay, đó có phải là những lời trấn an quá ư là không thực tế.
Sao Đức Giêsu lại có thể bảo lòng chúng ta đừng xao xuyến:
Trong khi sau biến cố 11.9, nạn khủng bố quốc tế vẫn còn là mối đe dọa có thể dẫn đến tiến trình tiêu diệt cả một nền văn minh toàn cầu.
Trong khi đất nước Việt Nam đang điêu linh, đa số đồng bào đang phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, đang phải chạy ăn từng bữa, các nạn bão lụt tới tấp, các quyền lợi căn bản của con ngườI đang bị chà đạp. Trong cuộc sống cá nhân và gia đình, với bao khó khăn về công ăn việc làm, các vấn đề hôn nhân, giáo dục con cái, khác biệt thế hệ v.v.. và v.v... Nhiều lúc chúng ta không khỏi nghi nan tự hỏi: Không biết Đức Giêsu có hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống thường nhật không? "Lòng các con đừng xao xuyến". Những lời này đôi khi xem ra có vẽ vô tình và hờ hững trước những gánh nặng đang đè nặng trên đôi vai chúng ta.
Đoạn Tin mừng hôm nay một lần nữa khẳng định với chúng ta là: Đức Giêsu biết và hiểu rất rõ các vấn đề chúng ta đang phải chạm trán, vì khi nói lên những lờI trấn an trên, chính ngài cũng đang kinh nghiệm những vầy vò của nhiều vấn đề của cuộc sống
Nhóm Biệt phái và Luật sĩ đang rình mò tìm cơ hội để thanh toán Ngài. Các môn đệ không hiểu sứ mệnh và các giáo huấn của Ngài. Giuđa đang tìm dịp bán nộp Ngài. Phêrô sẽ chối từ Ngài, và cuộc thương khó đẫm máu sẽ dẫn Ngài đến cái chết đau đớn và ngục ngã trên Thập tự.
Vâng, trong chính bối cảnh tang thương đó, Đức Giêsu đã quên những vấn đế và đau khổ của chính mình để nói lên những lời ủi an các môn đệ. Ngài dư biết là khi Ngài chết đi, họ sẽ có thể rơi xuống vực sâu của tuyệt vọng.
Trong tuần tới, chúng ta hãy lấy đôi phút mỗi ngày để đọc và thấm nhuần những lý do khiến chúng ta có thể vững tâm trong những nổi khó khăn của cuộc sống, vì thật sự:
Đức Giêsu là Đàng, là Sự Thật và là Sự Sống. Ai thấy Thầy là xem thấy Cha.
68.Về cùng Chúa
Chúng ta thường nói:
- Đã là người, thì làm bất cứ việc gì, cũng đều theo đuổi một mục đích nào đó.
Chẳng hạn tôi vất vả trên ruộng đồng là để gia đình có chén cơm manh áo. Tôi cặm cụi lao động trong nhà máy là để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tôi cắp sách tới trường là để trau dồi thêm những kiến thực làm giàu cho cuộc sống.
Thế nhưng, khi hỏi về mục đích của cuộc đời, nhiều người lại phân vân không biết phải trả lời như thế nào. Đúng thế, chúng ta sống trên đời là để làm gì? Câu hỏi này nhiều lúc đã ám ảnh tâm trí, để rồi chúng ta cảm thấy băn khoăn và day dứt:
- Tôi bởi đâu mà tới và rồi tôi sẽ đi về đâu?
Câu hỏi tuy đơn sơ nhưng lại vô cùng quan trọng, vì nó ấn định toàn bộ hướng đi của cuộc đời chúng ta.
Thực vậy, có những kẻ coi tiền bạc, địa vị hay vui thú phần xác là mục đích cuối cùng của cuộc sống, để rồi đầu tư mọi công sức vào đó. Họ sử dụng mọi biện pháp, kể cả những biện phát bất chánh để tìm tiền kiếm bạc, miễn sao nhét đầy túi tham của mình. Còn để leo lên ghế nọ ghế kia trong xã hội, họ không ngần ngại đạp lên người khác mà tiến thân, nhưng rồi khi phải đối đầu với cái chết, họ mới bẽ bàng nhận ra rằng mình đã lầm.
Với chúng ta thì sao? Sách giáo lý đã trả lời:
- Đời sống chính là một cuộc hành hương trở về cùng Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Niềm hạnh phúc vĩnh cửu được ở bên Chúa phải là điểm tới cuối cùng và bắt buộc cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, muốn được như thế, chúng ta phải sống đạo, phải bước đi trên con đường Chúa đã chỉ dạy, bởi vì đạo là đường. Con đường nào cũng có một hướng đi, con đường nào cũng dẫn tới một bến bờ.
Đạo của chúng ta được gồm tóm trong những điều Chúa truyền dạy, đó là mến Chúa và yêu người. Con đường của chúng ta là chính Chúa và con đường này sẽ dẫn chúng ta đến cuộc sống muôn đời, như lời Ngài đã phán:
- Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.
Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta phải lên đường và trở về cùng Chúa, đồng thời mỗi ngày sống phải là một bước chúng ta tiến đến với Chúa, mỗi tháng năm chúng ta phải chất đầy trên đôi tay nhỏ bé những công nghiệp, được kết đọng từ những hành động bác ái yêu thương, nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa đón nhận vào quê hương Nước Trời. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ ấn định số phận đời đời của mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể nói được rằng:
- Niềm hạnh phúc vĩnhcửu được ở bên Chúa đang nằm trong lòng bàn tay chúng ta, bởi vì tương lai phải được bắt đầu từ hiện tại và ngày mai phải được bắt đầu từ ngày hôm nay.
Có một bà giàu sang mơ thấy mình được đưa vào thiên đàng. Bà ta đi một vòng và nhìn thấy một tòa biệt thự huy hoàng đang được được xây dựng. Bà ta bèn hỏi thiên thần dẫn đường:
- Tòa biệt thự này được xây dựng cho ai thế?
Thiên thần trả lời:
- Cho người làm vườn của bà đó.
Bà ta ngạc nhiên bởi vì ở trần gian, người làm vườn của bà ta chỉ ở trong một túp lều tranh xiêu vẹo, nhỏ bé đến nỗi không có đủ chỗ cho cả gia đình bác ấy nữa. Thấy vậy, thiên thần liền nói:
- Ở trần gian, bác ấy có thể khá hơn, nếu bác ấy đã không quảng đại, đã không bác ái.
Đi được một quãng, nhìn thấy một căn nhà lụp xụp cũng đang được cất lên, bà ta liền hỏi:
- Căn nhà lụp xụp này được cất lên cho ai thế?
Thiên thần trả lời:
- Cho bà đó.
Bà ta bực tức và nói:
- Tôi quen ở nhà cao cửa rộng, làm sao chui rúc được trong một căn nhà tồi tàn như thế này.
Thiên thần đáp:
- Chúng tôi đã làm hết sức mình mà chỉ được có vậy mà thôi, bởi vì vật liệu bà gửi lên quá ít.
Người đàn bà tỉnh giấc, suy nghĩ và đã tìm ra bài học của giấc mơ, đó là hạnh phúc mai sau tùy thuộc vào những hành động bác ái yêu thương mình làm khi còn sống ở trần gian. Vì thế, kể từ ngày ấy, bà ta đã ra sức lập công, tích lũy cho mình một kho tàng thiêng liêng trên trời.
Bởi đó, hãy sống thế nào để trong này sau hết, chúng ta sẽ được Chúa mời gọi:
- Hời nhưng kẻ đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần thưởng nước trời đã được dành sẵn cho các con.
Hãy sống thế nào để ngày sau hết, chúng ta sẽ được nghe lời Chúa phán:
- Thầy ở đâu, các con cũng sẽ được ở đó với Thầy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam